UA-83376712-1

Labels

Mar 5, 2020

Artshare tháng 3

 Tháng này, thân mời các bạn thưởng-thức :
- Rượu (Phần chót) : Rượu trong văn-hoá loài người
https://phu-tran.blogspot.com/2020/03/ruou-phan-4-ruou-trong-van-hoa-loai.html

- Ăn : Thiên-hạ đệ nhất khoái. Vừa viết xong loạt bài về rượu, tôi mới thực-hiện rằng ăn với uống phải đi đôi với nhau. Thân mời các bạn nhập tiệc.
https://phu-tran.blogspot.com/2020/03/an-thien-ha-e-nhat-khoai.html

- Charming Bourgogne : Hình ảnh một vùng nước Pháp thật dễ thương, nổi tiếng với rượu vang.
https://phu-tran.blogspot.com/2020/03/charming-bourgogne.html
https://youtu.be/KfHZRvwrNlE

Thân chúc các bạn vui khoẻ luôn
Đọc và cổ-động Artshare

Charming Bourgogne


Let's visit Bourgogne, a medieval region of France, famous for its vineyards, its grands crus and its gastronomy..
Please click on the link and enjoy.
Charming Bourgogne (France)

Rượu (Phần 4) : Rượu trong văn-hoá loài người

1. Rượu vang 
https://phu-tran.blogspot.com/2019/12/ruou-phan-1-ruou-vang.html
2. Bia
https://phu-tran.blogspot.com/2020/01/ruou-phan-2-bia.html
3. Rượu mạnh
https://phu-tran.blogspot.com/2020/02/ruou-phan-3-ruou-manh.html


4. Tổng-kết : Rượu trong văn-hoá, lịch-sử loài người

Rượu đã có khoảng 12 000 năm nay, do sự biến-hoá tự-nhiên của đường lên men thành cồn, và bằng chứng rõ ràng đầu tiên về sự chưng cất là từ các nhà giả kim thuật Hy Lạp ở Alexandria vào thế kỷ 1 sau công nguyên

Nhẹ độ cồn như bia, vừa phải như rượu vang, mạnh như rượu mạnh, rượu gì cũng là rượu, rượu gì cũng mang đủ những cá-tính lịch-sử, văn-hoá của rượu, ở bất cứ thời-điểm nào, đối với bất cứ dân-tộc nào.


Tự cổ chí kim
Thời Ai Cập cổ đại, cả bia và rượu vang đều được tôn-sùng và dâng lên cho các vị thần. 
Đồ uống có cồn được sử dụng trong các dịp vui chơi, hội hè, ngày lễ, dinh-dưỡng, y-học, nghi-lễ, tang lễ và thậm chí còn được dùng để trả công.
Ở Trung Quốc, rượu có tên gọi là tửu được coi là một món ăn tinh-thần hơn là một nguyên-liệu thực-phẩm, và các tài-liệu cổ đã chứng minh cho vai trò quan-trọng của nó trong đời sống tôn-giáo. Trong thời cổ-đại, mọi người luôn uống rượu khi tổ-chức một buổi lễ kỷ-niệm, các lễ tế thần hoặc tổ-tiên, trước mỗi trận chiến, ăn mừng chiến-thắng, trước khi hành-quyết phạm-nhân, thực-hiện lời thề trung-thành, trong các buổi lễ đầy tháng trẻ, đám cưới, đoàn-tụ, khởi-hành, việc hiếu và các bữa tiệc. Nhân-vật văn-học nổi tiếng về tửu-lượng là Lưu Linh, nên còn có thành ngữ "đệ tử của Lưu Linh" để chỉ những người uống rượu như nước lã.
Vị thần rượu nho trong thần-thoại Hy-Lạp là Dionysos, trong thần-thoại La-Mã là Bacchus.
Rượu co dừa đóng một vai trò quan-trọng trong xã-hội của người châu Phi.

Đối với đạo Thiên Chúa, rượu là món quà của Chúa : “ … Khi đương ăn, chúa Jesus lấy bánh mì, tạ ơn, bẻ ra đưa cho môn-đồ mà rằng : « Hãy lấy ăn đi, này là thân-thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi đưa cho môn-đồ mà rằng : “Hãy uống đi, vì này là huyết của ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội » (Matthieu 26).

Thời kỳ cấm rượu ở Hoa Kỳ (
Prohibition) là một lệnh cấm toàn-quốc về việc bán, sản-xuất, nhập-khẩu, vận-chuyển các thức uống có cồn ở giai-đoạn 1920-1933. Mục-đích của luật cấm rượu là muốn tạo một xã-hội không bị ảnh-hưởng bởi những tệ-nạn do rượu gây ra.

Rượu trong văn-hoá Việt-Nam
Không thể tách rượu ra khỏi đời sống, rượu đã trở thành nét sinh-hoạt độc-đáo, thú-vị mà người bình-dân tạo nên.
Rượu trắngrượu đếrượu ngangrượu gạorượu chưngrượu cuốc lủi hay rượu quốc lủi đều là cách gọi của loại rượu chưng-cất từ ngũ cốc lên men được làm một cách thủ-công trong dân-gian, rất thịnh-hành trong ẩm-thực Việt-Nam. 
Chúng ta cũng biết đến bia Con Cọp hay bia 33. Thành lập vào năm 1875 do ông Victor Larue, Thượng-sĩ quân-đội Pháp về phục-viên, ông ta mở một cơ-xưởng chế-tạo rượu bia ở Chợ Lớn và hợp-tác cùng ông Hommel mở một nhà máy vô chai rượu bia ở Hà Nội. Victor Larue lập nên một nhà máy sản xuất qui mô lớn hơn vài năm sau khi người việt cũng bắt đầu ưa chuộng loại rượu bia mát lạnh rất thích-hợp với khí-hậu miền nhiệt-đới, với một công-thức nấu bia đặc-biệt của ông Larue, nhà máy được đặt tên là BGI (Brasseries et Glacières de l’Indochine).
Đối với người Việt-Nam :
- Rượu là niềm tự hào về đặc sản của mỗi vùng miền.
- Men rượu giúp con người thêm mạnh mẽ trong quá-trình chinh-phục thiên-nhiên, tạo sự hứng-khởi, tăng hiệu-quả trong lao-động sản-xuất. Rượu để khuây-khỏa tâm-sự, u ẩn trong tâm-hồn con người
- Rượu gắn liền với lễ-nghi, phong-tục, tập-quán của người dân Việt (vô tửu bất thành lễ). Rượu trở thành “đối-tượng” để người hiện-tại giao-tiếp với người khuất mặt. Rượu còn để xua tan mùi xú khí, tà ma, …
- Rượu thắt chặt tình thân, bằng hữu, người lạ hóa quen nhiều khi nhờ một ly rượu tình cờ.
- Rượu với những tác-hại gây ra những hậu-quả khôn lường mà dân-gian đã cảnh-báo. Người Việt-Nam ta dường như uống dữ lắm, « không say không về » mà ? Nhậu mà ? Dzô, dzô, dzô…

Rượu trong văn-chương Việt-Nam
Một vài ca dao, tục ngữ :
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè

Thế gian ba sự không chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ

Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa

Đánh giá tửu-lượng, dân ăn nhậu truyền nhau bài vè:
Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly giải cạn tình sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly nằm đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly ai nói nấy nghe
Bảy ly le le lội nước,
Tám ly chân bước chân quỳ
Chín ly còn gì mà kể
Mười ly khiêng để xuống xuồng.

Rượu thường được dùng để khen thưởng nên mới có câu "Rượu thưởng không uống lại muốn uống rượu phạt".
Rượu đem lại một cảm-giác sảng-khoái rất cao nên "say" còn có nghĩa say mê, say đắm nên có những thành-ngữ như "say mê", "say máu", "say tình", "say thuốc", ...

Túi thơ, bầu rượu
Rượu (và đàn bà) bao giờ cũng là một nguồn cảm-hứng vô-tận cho văn sĩ, thi sĩ. Độc ẩm hay đối ẩm cũng được, miễn sao có rượu vào là có hứng thôi.

Nguyễn Khuyến đã khóc bạn Dương Khuê mà viết :
… Rượu ngon, không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua

Trần Kế Xương :
… Đời này thực tỉnh những ai đây? 
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say… (Say rượu)

Một trà, một rượu, một đàn bà 
Ba cái lăng-nhăng cứ quấy ta 
Chừa được cái nào hay cái ấy 
Họa chăng chừa rượu với chừa trà. 
           
Nói đến thơ, đến rượu là phải nhắc đến Tản Đà. Nhiều người ao ước được uống rượu với ông, coi chuyện được đối-ẩm với “ông thần men” này là một vinh-dự, một kỷ-niệm nhớ đời. Bàn về thơ, rượu, Tản Đà ra “tuyên ngôn”: 

Trời đất sinh ra thơ với rượu
Không thơ, không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

(Ngày Xuân thơ rượu).
Ông biện minh cho cái sự say của mình như sau:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy, say thời cứ say
Đất say, đất cũng lăn quay
Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười?
...” 
(Lại say), 

Cõi say của Vũ Hoàng Chương thì quá nổi tiếng với tập Thơ say (32 bài) rồi :
… Ta quá say rồi sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai kề âm hưởng sát gần môi ...
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió ?
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ ?
Hãy thèm say còn đó, rượu chờ ta
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chánh choáng
Chưa cuối xứ mê ly, chưa cùng trời phóng đãng ,
Hãy thèm say hồn khát vẫn thèm men ...
Say đi em, Say đi em !
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bực ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt !
Rượu rượu nữa ! và quên, quên hết !
(Mời say)

Hàn Mặc Tử, thiên-tài xấu số, cũng biết say thơ, say trăng, say như điên :
… Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui
Say! say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tần cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.
(Say trăng)

Nói về say thì nhà thơ “khác người” Bùi Giáng chắc hẳn chả thua ai :
Uống và si nói lăng nhăng
Miệng mồm lý như thằn lằn đứt đuôi
Tâm can chân thể chôn vùi
Mặt trời không mọc với người lem nhem
Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm
Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ.
(Người điên uống rượu)

Ngoài ra, « mối tình » của nhạc sĩ – thi sĩ Trịnh Công Sơn và chai rượu Chivas thì có lẽ ai cũng biết đến.

Chuyện uống rượu của các nhà vua Việt
Sử sách nước ta ghi lại nhiều câu chuyện về tác hại của việc uống rượu, mà vua chúa cũng lấy để răn dạy con cháu.
Các vua về sau chắc không quên cái chết của Đinh Tiên Hoàng năm 979 trong một cơn say rượu. Toàn thư viết: “Nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích liền giết luôn cả vua và Nam Việt Vương Đinh Liễn”. 

Còn trong những năm đầu thời Trần, chuyện uống rượu trong cung diễn ra đầm ấm và thân mật. Theo Toàn thư thì đời Trần Thái Tông: “Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy dang tay mà hát.
Điển hình như câu chuyện vua Trần Anh Tông vì say rượu suýt bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông phế truất, sau đó quyết tâm bỏ hẳn rượu. Sau khi bỏ rượu, vua Trần Anh Tông cai trị đất nước rất quy củ, không những thế ông còn không ưa những người nghiện rượu.
Nhà Trần bắt đầu suy yếu từ đời Trần Dụ Tông, một ông vua nghiện rượu, mê đánh bạc và không còn quan-tâm gì đến triều-chính, khiến triều Trần dần rơi vào suy-vong, chẳng bao lâu sau, chính-quyền rơi vào tay nhà Hồ.
Sử sách cũng chép về các vị hôn quân như Lê Long Đĩnh, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp đều là những người nghiện rượu. Trong đó Lê Uy Mục được mô tả dã man đến mức “hằng đêm đều cùng cung-nhân uống rượu, khi say thì giết chết tất cả”.
Sang đến thời Nguyễn, các tác-giả phương Tây từng tiếp-xúc với vua Gia Long đều khẳng định nhà vua ghét uống rượu.
Vua Minh Mạng để lại cho hậu-thế tiếng tăm của bài thuốc ngâm rượu “Minh Mạng thang”, với lời đồn là giúp tăng cho khí-lực đàn ông. 
Đến vua Đồng Khánh, nhà vua đã dùng rượu chát Bordeaux theo lời khuyên của các y sĩ để giúp phủ tạng hơi yếu.
Còn vua Bảo Đại thì đã là một “tay chơi” với rất nhiều lạc thú, tuy nhiên theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hòa, một người hầu cận của vua Bảo Đại thì nhà vua uống rượu không nhiều, và hợp khẩu vị nhất là rượu Cognac.

Kết-luận
Sống trên đời, một điều may mắn của tôi là được hưởng trọn thiên-hạ đệ nhất khoái : "Ăn". Không có thứ gì tôi không ăn được (tôi không nói đến những thứ như dơi, rắn, chuột...), món gì tôi cũng thử và món gì tôi cũng có thể thích. Nhưng ăn ngon mà uống trà hay nước lã thì nhạt nhẽo quá, như nửa vầng trăng, như hủ tíu thiếu nước lèo, như trăng thiếu sao, như ... , nhất là khi chung vui cùng bạn bè. 
Chỉ một (vài) cốc bia, một (vài) ly rượu vang hay vài nhấp rượu mạnh vào là cảm thấy lâng lâng, yêu đời, yêu người. Nhưng quá chén thì dễ mất tự chủ, ngày nào cũng uống thì đâm ra nghiện, là hỏng đời. Lúc còn trẻ, cũng có một hai lần tôi say tuý luý nhưng được một cái là say đến đâu thì say, nhưng thân lúc nào cũng phải gục trước tâm trí nên chưa bao giờ tôi đã phải nói bậy, làm bậy. Tuổi này thì dĩ nhiên tửu-lượng thấp đi nhiều và tôi cũng trọng uống ngon, uống vui hơn là uống thường xuyên hay uống say.
Rượu là lưỡi dao hai mặt, vừa là một thú vui thanh tao (cầm, kỳ, thi, tửu), vừa có thể trở thành một tật xấu (tứ đổ tường : cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút chích). Tuỳ hỉ.
Thân chào các bạn, tôi đang có hẹn với chai rượu đã mở sẵn : 
rượu nằm yên trên ngựa sắt đợi chờ
Yên Hà, tháng 3, 2020
  
Tài-liệu nguồn :
Từ rượu trong văn-hoá Tây Nam-Bộ / Nhìn về sự ảnh-hưởng và tiếp-biến của nó trong văn-hoá Thăng Long – Hà Nội
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/1851-tran-minh-thuong-tu-ruou-trong-van-hoa-tay-nam-bo.html


- Nét đẹp văn-hoá uống rượu của người Việt
- Chuyện uống rượu của các nhà vua Việt



Ăn : Thiên-hạ đệ nhất khoái

Ăn đóng một vai-trò cực kỳ quan trọng, nhất là đối với người Việt chúng ta. Chả thế mà trong ngôn-ngữ ta, nói lên chuyện gì cũng phải có chữ “ăn” đi kèm : ăn uống, ăn ở, ăn nói, ăn mặc, ăn tiêu, ăn làm, ăn chơi, ăn bám, ăn vạ, ăn hiếp, ăn cắp, ăn trộm, ăn thua, ăn mày, ăn gian, ăn khách, ăn ảnh, … thậm chí đến cả ăn sương. 
Vấn-đề bao la, đa dạng này, biết bao nhiêu chuyện nói?

1. Chức-năng thể-lý: Nhu-cầu ăn
   Có thực mới vực được đạo
   Bụng đói không có lỗ tai
(Ventre affamé n’a pas d’oreilles).
Như mọi sinh-vật sống trên đời, loài người chúng ta cần thở, ngủ, bài tiết, … và ăn. Đó là tầng cơ-bản của tháp nhu-cầu định bởi nhà tâm-lý học Maslow. Cơ-thể chúng ta cần được dinh-dưỡng để có nghị-lực làm việc này, việc nọ, để sống. Không ăn thì chết đói nên chúng ta cần đi làm, có tiền mua thức ăn, nuôi sống cả gia-đình.
Mà loài người ta còn đỡ, còn có ngày nghỉ, còn được đi chơi, chứ xem những phim tài-liệu, chúng ta thấy súc-vật tốn biết bao nhiêu thời-giờ, công-sức để đi kiếm ăn mỗi ngày?
   Ăn là bớt đói trong trong lòng một ít, vì mấy khi ăn mà đã được no?
Tôi nhớ có một dạo, lâu lắm rồi, có một chiếc máy bay rơi trên núi tuyết, không có gì ăn, hành-khách chết đói 
dần, những người còn lại đến nước cùng đành phải dùng cơ-thể người chết để sống sót cho đến lúc được cứu.
Đã là nhu-cầu, có lẽ cũng không cần bàn-luận nhiều.

2. Chức-năng xã-hội: Chia sẻ bữa cơm
Bữa ăn đúng là một thời-điểm tuyệt-vời để giao-tiếp trong gia-đình hay ngoài xã-hội, trong nhiều trường-hợp : cơm gia-đình, họp mặt bè bạn, ăn nhậu, tiệc-tùng, đám ma, đám cưới, hẹn hò trai gái, mua bán, …
Bữa cơm gia-đình, nhất là bữa cơm tối, là giờ phút thiêng-liêng để bố mẹ, con cái, anh chị em gặp lại nhau sau một ngày lăng xăng, mỗi người với công việc của mình (nếu điện-thoại di-động được tắt đi thì mới càng ý-nghĩa).
Bạn bè gặp nhau hiếm khi nào mà không ăn uống.
Đồng-nghiệp với nhau, dù chỉ chia sẻ bữa cơm trưa nơi câu lạc bộ của sở cũng là một ốc-đảo đáng trân-trọng lắm chứ? 

Tôi nhớ lúc trước còn đi làm, mỗi lần đi công-tác, buổi tối ngồi ăn một mình ở khách-sạn hay ở tiệm ăn, thức ăn có thể ngon nhưng thật buồn chán.
Chia sẻ là một niềm hạnh-phúc lớn nên tôi rất thích đãi bạn bè ăn uống, dịp cho tôi nghĩ món ăn, chọn rượu, đi chợ, nấu ăn, bày bàn (kiểu Tây), trình bày thức ăn trên đĩa cho đẹp mắt, và vui hưởng bữa cơm với người thân.

3. Chức-năng văn-hoá
Hãy cho tôi biết anh ăn như thế nào, tôi sẽ cho anh biết anh là ai” (Dis moi ce que tu manges, je te dirai ce que tu es : Jean Anthelme Brillat-Savarin).
Mỗi nước, mỗi vùng có văn-hoá ẩm-thực và những món ăn đặc-trưng của mình. Người Ý thường được ghép với mì (pasta), người châu Á với cơm, người Đức với xúc xích và bia, người Pháp với bánh mì ba-ghét và rượu vang 

(năm 2010, UNESCO đã phong nghệ-thuật ăn người Pháp lên bậc di-sản văn-hoá phi vật thể của loài người), …
Văn-hoá ẩm-thực không phải chỉ thấy trong những món ăn mà còn trong cách ăn uống: ăn đũa, ăn với muỗng nĩa, ăn bốc tay, ăn chung mâm, ăn vặt, ăn liền (fast food kiểu Mỹ), vừa ăn vừa ợ để cho cám ơn chủ nhà cho ăn ngon, …
(Xin mời đọc thêm Văn-hoá ẩm-thực Việt-Nam
http://phu-tran.blogspot.com/2017/12/vn-vn-van-hoa-am-thuc-viet-nam.html). 
Phong-cách ăn uống của mỗi ngưởi cũng phản-ảnh tư-cách, cá-tính. Mỗi người có sở-thích của mình, có khẩu-vị của mình, có cách ăn, cách uống của mình, không ai giống ai.

4. Đệ nhất khoái
Ăn để sống thì thật là chán quá, vừa mất thời giờ đi chợ, nấu ăn (không lẽ mỗi ngày ra Mc Donald hay gọi cơm chỉ?), ăn, rửa bát, dọn dẹp, phiền phức quá. Không, không, trăm lần không, vạn lần không, chúng tôi muốn sướng.
Xin hỏi các bạn có thú vui nào mình có thể hưởng (ít nhất) ba lần một ngày không ạ? Nếu có, tôi xin xét lại vấn-đề.
Ăn gì, ăn như thế nào là ngon, là thú?

     Một thời-điểm giải-lao
Đây là lúc chúng ta dừng lại, ngưng hết mọi sinh-hoạt để “xạc” lại bình điện, lấy lại quân-bình trong cơ-thể và trong tâm-trí. Một thời-điểm thật quí giá mà chúng ta nên trân-trọng.

     Thưởng-thức qua năm giác-quan
Ăn không phải chỉ sướng cái miệng mà sướng toàn bộ :
- Sướng mắt (thị giác) : Khung-cảnh, bàn ăn trưng bầy đẹp, đĩa thức ăn màu sắc, hình dạng mát mắt (xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng), trình bày một cách mỹ-thuật, ...
- Sướng lỗ tai (thính giác): tiếng giòn tan khi ta cắn vào, ...
- Sướng mũi (khứu giác): với hương thơm của tôm thịt nướng, hành mỡ, tỏi, rau thơm, …
- Sướng miệng (vị giác) : với những vị mặn (nước mắm, xì-dầu) – ngọt (đường) – chua (chanh, dấm) – đắng – cay (tiêu, ớt) quyện vào nhau, ...
- Sướng tay (xúc giác) : Có những món như tôm, cua, đồ biển, đùi gà, chân gà, … thì phải ăn bốc, ăn bằng tay mới thật sự là sướng, phải không các bạn? 

Tôi nhớ mãi có một lần đi ăn đồ biển với thằng con trai ở Deauville (bờ biển Pháp), bên cạnh bàn chúng tôi là một gia-đình loại “thượng-lưu”, cậu bé, khoảng 10-12 tuổi, loay hoay mãi với dao nĩa thìa để ăn con cua to tướng, mãi một lúc không xong, đành bỏ cuộc, gọi món khác. Hai bố con tôi vừa ăn (bốc), vừa thông cảm tội-nghiệp cho cậu bé nhà giàu.

Thức ăn thì gần như vô hạn, đủ màu, đủ hương, đủ vị. Bỏ vào mồm nhai, chúng ta có mặn, ngọt, đắng, cay, đắng, chát, ... Còn có chất béo của miếng thịt kho Tàu hay miếng tuỷ (chỉ cần ép giữa lưỡi và vòm miệng là tan), chất bùi của múi sầu riêng, chất giòn của sụn, ... Tuyệt vời nhất là một tô phở đặc-biệt tái, nạm gầu, gân, sách, sụn, cộng thêm một miếng đuôi bò và một thìa nước béo cho đủ bộ nhé. (May mà tôi không viết bút mực trên giấy, nếu không thì chắc là nhoè hết rồi)

Đó là chưa nói đến yếu-tố tâm-lý. Tôi nhớ có lần đi du-lịch Hy-Lạp, tại đảo Santorini, ngồi ngoài bãi biển, uống chai rượu trắng Retsina với bạn, ngon quá, bèn mua một chai. Sau đó, về nhà, mở ra uống thì lại cảm thấy nhạt nhẽo làm sao, tuy rằng cùng loại rượu, cùng năm, mua tại chỗ. Hoá ra là thiếu mất thời-điểm, thiếu bối-cảnh là vị khác ngay.

     Một miếng khi đói bằng một gói khi no 
Của không ngon, nhà đông con cũng hết
Chả cần gì cao lương, mỹ vị, tôm hùm hay bò filet mignon, bụng đói meo thì ăn gì vào cũng sướng lịm. 

Cứ nhìn đứa trẻ ăn cái bánh là thấy ngon ngay; hoặc đi bộ dưới trời nắng chang chang suốt buổi mà được ly nước chanh đá thì còn gì sướng hơn? 

Đôi khi hạnh-phúc chả phải là có được những gì mình thích mà là thích được những gì mình có?

     Ăn trong chánh-niệm
Thiền là một phương-pháp thực-tập để có được một cái Tâm yên-tịnh, để sống trong hiện-tại, hầu làm nhẹ bớt muộn-phiền. Chú-tâm vào việc mình đang làm, ý-thức được mình đang làm gì là nguyên-tắc căn-bản của Thiền. Làm vườn, đọc sách, đi bộ, làm việc, … tất cả đều là Thiền nếu chúng ta không bận-tâm đến bất cứ chuyện gì khác.
Áp dụng nguyên-tắc này vào lúc ăn cũng là hợp-lý lắm chứ? Có những lúc mình ngồi bàn ăn với gia-đình hay bạn bè để cùng nhau chia xẻ một bữa ăn thật ngon, thật vui mà đầu óc mình còn vướng mắc trong bài tường trình phải nộp hay cái tủ đang đóng dở, đến nỗi ăn mà không biết mình ăn những gì, thì lấy đâu ngon? 

Thức ăn là quà tặng của thiên-nhiên, là công sức của loài người, cũng đáng cho chúng ta trân-trọng lắm chứ?

5. Mở rộng “tầm ăn”
Cũng như đi du-lịch, đọc sách là để mở rộng tầm hiểu-biết, mở rộng tâm trí của mình, ăn uống cũng vậy. Loài người là một động-vật ăn tạp, nghĩa là ăn đủ thứ. Không thích ăn thì khỏi nói nhưng nếu đã thích ăn thì tại sao phải tự hạn-chế? Trên đời này, biết bao nhiêu món ngon mà ngoảnh mặt quay đi thì thật uổng phí một đời.
Riêng tôi quan-niệm rằng đã có người thích một món ăn gì đó thì có lẽ cũng có lý do, ít ra cũng đáng để tôi ăn thử cho biết, sau đó thích thì ăn tiếp, không thích thì thôi. Cho nên, đi du-lịch nơi nào, tôi thử qua ẩm-thực nơi đó. Ngoài ra, đi ăn nhà hàng, tôi còn có thói quen chọn trong thực-đơn món nào tôi không (chưa) biết. Dần dà, tôi ăn được bất cứ món gì và món gì cũng có thể thấy ngon.
Điều này có nhiều lý-do cá-nhân:
- Lúc còn bé ở Việt-Nam, gia-đình tôi không mấy khá giả, tôi đã được dạy dỗ là “Phí của Giời, mười đời không có  nên tôi chẳng bao giờ dám bỏ phí thức ăn, không thích cũng cố gắng ăn, ăn mãi rồi cũng quen, cũng thấy ngon.
Mặt khác, nhà nghèo nên thức ăn thì rau nhiều, thịt ít, mà “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nên mấy miếng thịt lèo tèo trên bàn, chúng tôi ít dám mó đũa đến. Tôi thì từ bé đã thích ăn nên tôi đã tìm ra được cái mánh là trước khi cơm dọn lên bàn, tôi đi kinh-lý xuống bếp, thủ-tiêu trước những món không được bày lên đĩa : đầu, cổ, chân, tim, gan gà cũng như vịt, đầu cá, … và ngay cả những miếng xương dùng nấu canh, tôi cũng ngồi gặm ngon lành. Con nhà lính, tôi đâu dám tính nhà quan?
- Trong lãnh-vực ăn uống này, tôi không để bị tâm-lý chi-phối: có những người không ăn được rau diếp cá, hẹ, chao, sầu riêng, phó mát (loại mạnh) vì cho là hôi nhưng tôi thì không; có những người không dám ăn những món tim, gan, lòng, bầu-dục, lưỡi, óc, hột vịt lộn, cá sống (sashimi), thịt bò bằm sống (steack tartare), … vì thấy “rợn người” (mẹ tôi lúc còn sống rất thích ăn lươn nhưng không dám nấu lấy) nhưng tôi thì không. Tôi làm tuốt luốt.
- Từ ngày ra đời, chúng ta cần bố mẹ, trường học và trường đời dạy dỗ để học cách hành-xử ngoài đời. Cũng như bộ óc để suy nghĩ, con mắt để nhìn cái đẹp, lỗ tai để nghe nhạc, … , tôi tin rằng khẩu-vị chúng ta cũng cần được “giáo-dục” và tôi đã dạy dỗ con trai tôi như vậy. Từ lúc nó con bé, tôi luôn luôn khuyến-khích nó ăn thử món này, món nọ và nếu được, thử thêm lần nữa nếu lần đầu không thích, và dĩ nhiên phải chấp nhận cho nó không thích. Do đó, từ bé, nó đã biết ăn chân gà, chân vịt, ăn cá sống, đồ lòng, … Bây giờ, nó ăn được đủ thứ và chính nó công-nhận đây là một điều tốt cho nó.


Nghiên-cứu cho biết 3/4 trẻ em từ 2 đến 10 tuổi không muốn ăn thử những gì chúng không biết. Lừ lúc lọt lòng mẹ, đứa trẻ chưa hiểu biết, chỉ có thể phản ứng theo bản-năng nên trên phương-diện ăn uống, rất thích những món mau no như những món bột (mì, cơm,  spaghetti, …) và ngược lại, không thích những món “không dằn bụng” và mau đói (như rau, trái cây). Vị ngọt cũng là vị “dễ thích” nhất nên trẻ em nào cũng thích kẹo, bánh, sô-cô-la.
Tôi thiết nghĩ dạy dỗ khẩu-vị con cái cũng là bổn-phận của cha mẹ.

Neophobia (hội-chứng sợ những điều mới lạ) hoàn-toàn áp dụng ở đây, cho người lớn và người bé.

Tôi ăn đủ thứ không có nghĩa là tôi không có khẩu-vị, có những món tôi mê (như phở, như cá sống, như choucroute, …) và có những món tôi không thích nhưng tôi cũng có cách ăn thấy ngon. Lấy ví-dụ, thịt gà tôi không thích lườn vì thấy thịt khô và bã (đối với tôi) nhưng thái mỏng ra, kẹp bánh mì với thịt nguội khác, thêm rau tươi và đồ chua thì ăn ngon miệng ngay; thịt cốt-lết heo cũng vậy, tôi thái nhỏ vào cơm rang hay ăn với cà muối, hay nấu nhừ hơn thì cũng thành “hẩu”.
Ngược lại, món ăn nóng (phở, những món sốt,...) thì phải nóng (nếu cần, tôi sẽ hâm nóng đĩa bát trước), món ăn lạnh (thịt đông) thì phải lạnh.

6. Nấu ăn
Muốn ăn thì lăn vào bếp.
Từ năm 18 tuổi, tôi đã bị “vất vào đời” và đã phải tập sống một mình, lo đủ mọi công-việc hành-chánh, việc nhà cửa, học hành, … và dĩ nhiên ăn uống. Ăn câu lạc bộ sinh-viên thì chán lắm nên người thì cố trợn mắt lên mà nuốt, người thì đành tự nấu vài món giản dị như spaghetti, bít-tết xào ăn với cơm, thậm chí có người ăn mì gói kinh-niên đến phát bệnh. Dần dần, chúng tôi cũng lùng mua được thức ăn khô Á-Đông về rồi tập nấu ăn. Lúc trước khi đi, tôi không kịp học một khoá cấp-tốc nấu ăn, mà thuở ấy làm gì có Inh-Tờ-Nét để Google cách nấu ăn, viết thơ về hỏi mẹ thì mất cả hai, ba tuần nên thôi học đại vậy. 


Tôi thích ăn nên dần dà cũng học được khá nhiều món, cũng có đủ món tủ để đãi bạn bè, tuy rằng tài nấu ăn tôi không xuất-sắc cho lắm (tính tôi vậy, điều gì cũng biết nhưng chả có gì là giỏi, vợ tôi còn phán “chỉ hư là giỏi thôi”). Vợ tôi nấu ăn Việt-Nam ngon lắm, lại quan-niệm rằng đó là phận-sự của nàng nên tôi đã phải rửa bát gác nồi, thỉnh thoảng mới được nấu những món ăn Tây của tôi (tôi nấu Tây nhiều hơn ta chỉ vì cơm Việt không hạp với rượu vang lắm thôi) hoặc những món Việt đặc biệt như thịt đông, giò thủ, … vào dịp Tết. Ngoài ra, vì có những món vợ tôi không ăn được hay không thích ăn nên bữa ăn trưa, thông thường mỗi người tự lo liệu, thì tôi tự nấu những món “đặc biệt” của tôi. Như vậy là vui vẻ cả làng nhé.


Tôi thích ăn nên thích nấu ăn thì cũng là lẽ thường tình nhưng tôi còn đi xa hơn thế nữa. Mùa hè, tôi trồng rau đủ loại và nguyên-liệu nấu ăn là từ cây nhà lá vườn, không những thế, thịt băm (bò hay heo), tôi chỉ mua thịt về tự băm lấy cho tươi và lành hơn, giăm-bông (ham) tôi mua nguyên chân giò heo về, lóc mỡ, thái mỏng, bỏ vào từng bao nhỏ rồi bỏ tủ đá, ăn dần. Tính tôi lại thích làm những chuyện đó, cũng như mua cá về, tôi tự cạo vẩy và làm sạch chứ không nhờ ông hàng cá làm. Dĩ nhiên là bây giờ về hưu, rảnh rang nên càng chế chuyện làm. 

Ngoài ra, chúng tôi ít đi ăn ngoài vì quan-niệm cơm nhà ngon và tinh-khiết hơn nên chỉ thỉnh thoảng đi tiệm để hội-họp với bạn hoặc để “đổi gió” mà thôi.

7. Ăn và sức khoẻ: Ăn lành
Tiếng Việt ta thường dùng cụm-từ “ngon lành”, có lẽ để nhấn mạnh vào vấn-đề sức khoẻ. Thật vậy, nói chung thức ăn Việt-Nam thường nhiều rau (sống hoặc nấu), ít thịt, ít mỡ, những món sốt thì cũng mặn nhiều hơn là mỡ, so với món Tàu hay món Tây. 
Ăn là một cái thú nhưng đồng tiền nào cũng có mặt trái của nó: ăn để sống nhưng chúng ta cũng có thể chết vì ăn. Bà mẹ vợ tôi lúc trước thường nói đùa rằng: “Ở xứ này, bây giờ không ai chết đói nữa, chỉ có chết no thôi”.
Trong đệ tam sát thủ đối với loài người, ung-thư đứng đầu nhưng hai bệnh kia, đau tim (heart attack) và đột quỵ (stroke) phần lớn đều do thức ăn gây ra. Những lý-do chính là cao máu (do muối), cao mỡ và cao đường. Nói nôm na cho dễ hiểu là ăn nhiều, ăn mặn, ăn mỡ, ăn ngọt thì nguy cơ “chết no” không ít.

Tôi thích ăn nhưng không sống để ăn, tôi không háu ăn. Chúng tôi ăn uống chừng-mực, và gần mười năm nay, nhất là từ khi về hưu non lại càng để ý hơn. Ở nhà, chúng tôi ăn bớt đi, ít thịt, nhiều rau và trái cây, ít đường, ít mỡ, nhưng chúng tôi không phải “ăn kiêng” nên thật thoải mái, thỉnh thoảng, muốn ăn phở thì cứ ăn (tuy rằng tô lớn đã biến thành tô nhỏ), gặp thịt kho Tàu thì da, mỡ gì ăn tuốt, có dịp với bạn bè là “chơi xả láng”, chẳng hề chi. Mùa lễ lộc (Thanksgiving, Giáng-Sinh, Tết Tây, Tết ta) ăn nhiều quá thì tôi nhịn ăn 24 tiếng, một vài lần là xong ngay.
Điều quan-trọng nữa là chúng tôi đi tập gym một tuần bốn ngày, mỗi lần là một tiếng trong phòng tập máy cộng thêm một tiếng trong hồ bơi. Đã tưởng chả khi nào mình có thể bệnh nhưng năm ngoái, tôi cũng vướng vào căn bệnh đệ nhất sát thủ, tức ơi là tức, nhưng chính bác-sĩ có nói sức khoẻ tôi mà kém thì giờ này không còn ngồi đây suy nghĩ mông lung đâu. Đúng là số thì không ai bước qua khỏi nhưng chăm lo cho sức-khoẻ mình thì dù có hề-hấn gì, mình cũng dễ vượt qua hơn, chứ không phải điều gì cũng có số mà buông mặc hết cho ông Giời (rồi sau đó lại trách ông ta).

Ăn lành còn có nghĩa là không ăn độc. Nói về ăn, tôi thích phiêu-lưu nhưng không ham mạo-hiểm, lại càng không muốn bị gọi là dửng mỡ. Mấy thứ dơi, rắn, chuột hay bọ cạp thì bố bảo cũng chả dám rớ vào, tính tôi trông vậy chứ nhát như cáy ấy, nhất là bây giờ với cô Rô-Na đang làm thế-giới đảo điên, mấy món tôi thích nhất như hàu (oyster), cá sống, thịt bò sống hay thịt rừng (nai, heo, … những món tôi rất chuộng vì hạp nhất với những loại rượu vang đỏ mạnh như Bourgogne), bây giờ cũng làm tôi phải do dự. Làm sao bi chừ?

8. Những nghịch-lý ăn của nhân-loại
- Chênh-lệch giàu-nghèo:
Tại những nước giàu, dân-chúng chỉ dùng 10-20% lợi-tức để ăn, so với 50-80% tại những nước nghèo! 

Trên thế-giới hiện nay, một tỷ người vẫn thiếu ăn trong khi 30% thức ăn bị phí phạm.
(Những bạn nào chủ-trương “Ai có tiền thì cứ ăn, ai không có tiền thì cứ đói”, dĩ nhiên tôi sẽ tôn-trọng)

- Vì ăn quá nhiều, quá mặn, quá ngọt, 1,3 tỷ người bị béo và béo phì, phần lớn ở những nước đang phát-triển.
Hai trong ba bệnh giết người nhiều nhất là do ăn quá nhiều, mặn, ngọt, mỡ.

- Mục-đích của nông-nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) là để nuôi loài người nhưng ô-nhiễm môi-trường (do nông-nghiệp gây ra) lại làm hại (đến tiêu diệt?) loài người.
Một phần (35%) của nông-nghiệp phải dùng cho phần chăn nuôi, để có 1 ký thịt bò phải dùng đến 30 ký ngũ-cốc hay bắp, ... nên lại càng phải trồng trọt. Vòng lẩn-quẩn ở đây.
- …

Những vấn-đề thật phức-tạp này, tôi không đủ tiêu-chuẩn để bàn rộng, tôi chỉ dám nói phớt qua một vài điều mình biết thôi.
Dân số quả địa-cầu là 7,8 tỷ người (ước lượng 9 tỷ vào những năm 2050) và những vấn-đề trọng-đại này chỉ có thể gia-tăng gấp bội. Đã đến lúc loài người phải thay đổi cách ăn uống?

Khổ nỗi, bao nhiêu những vấn-đề đã được bàn cãi bao nhiêu năm nay nhưng chúng ta đã làm được những gì?
(Xin mời đọc thêm Mặt trái của văn-minh https://phu-tran.blogspot.com/2019/10/mat-trai-cua-van-minh.html)

9. Kết-luận
Ăn là một nhu-cầu thú vị mà tôi được hưởng trọn một ngày ba lần. Dao này hai lưỡi nên đôi khi suy nghĩ mông lung, tôi cũng buồn man mác nhưng thôi, là một giọt nước trong đại-dương của cuộc sống, tôi chả biết làm gì hơn là tiếp-tục sống yên vui với lương-tâm mình. Hưởng được gì thì cứ hưởng, vui được gì thì cứ vui thôi.

À, mà cũng đừng quên uống cho ngon, cho hạp với ăn nhé.
Yêu đời, yêu người.
 Yên Hà, tháng 3, 2020

Feb 5, 2020

9 năm Artshare

Ngoảnh nhìn lại, thấm thoát đã chín năm rồi, 
Artshare vẫn lững thững rong chơi trên con đường đã định hướng. 
Tuyền-Phú xin thành thật cảm tạ các bạn đọc đã ưu ái và ủng-hộ suốt bao năm nay, 
trong cơn vui, nỗi buồn của cuộc đời.

Nhân tiện đây, xin được giới-thiệu lại tinh-thần và nội-dung các bài đăng cho dễ tìm hơn.
Qua những trang Mục-lục, các bạn có thể chọn bài theo thứ-tự đề-tài và theo mẫu-tự :

Mục-lục : Tham-Khảo : Lịch-sử Việt-Nam, Ngôn-ngữ Việt-Nam, âm-nhạc cổ-điển, ...
Index VN-VN : Lịch-sử, văn-hoá Việt-Nam viết 3 thứ tiếng (Việt-Mỹ-Pháp) đặc biệt dành cho con cháu chúng ta 

Mục-lục : Văn Yên Hà với những chủ-đề : Âm nhạc, Kinh-nghiệm sống, Quê-hương tôi, Tản mạn, Truyện, Tự-thuật, Văn hài-hước, ...


Mục-lục : Ecrits Yên Hà : văn thơ viết tiếng Pháp

Mục-lục : Dịch-thuật : Pháp > Việt và Việt > Pháp

Mục-lục : Văn thơ Thuỵ Uyên

Mục-lục : Tiếng hát Thanh Tuyền

Mục-lục : Tiếng hát Ngọc Phú

Mục-lục Photos (Ảnh)

Tháng này, thân mời các bạn đọc tiếp : Rượu (phần 3) : Rượu mạnh  


Thân chúc các bạn vui khoẻ luôn
Đọc và cổ-động Artshare

Rượu (Phần 3) : Rượu mạnh

Rượu

Phần 1 : Rượu vang  
https://phu-tran.blogspot.com/2019/12/ruou-phan-1-ruou-vang.html


Phần 2 : Bia

https://phu-tran.blogspot.com/2020/01/ruou-phan-2-bia.html

Phần 3 : Rượu mạnh

1. Vài điều cơ-bản về rượu mạnh
1.1 Rượu mạnh và quy-trình sản-xuất
Chúng ta vừa xem qua rượu vang và bia là rượu làm thành từ sự lên men thành rượu của đường trong nho (rượu vang) hay trong ngũ-cốc đã được mạch nha hoá (bia). Độ cồn của hai loại rượu này không lên cao hơn 15%. Muốn được độ cồn cao hơn nhiều, chúng ta phải đi thêm một giai-đoạn nữa là chưng cất (distillation), nghĩa là bỏ bớt phần nước trong rượu để làm tăng độ cồn.
Rượu mạnh, hay rượu chưng cất (Liquor hay hard liquorhard alcoholspirit / boisson spiritueuse) là loại đồ uống có cồn (15% trở lên) được sản xuất bằng cách chưng cất ngũ cốc, trái cây hoặc rau quả đã qua quá trình lên men rượu. 

Nguyên-tắc chưng cất :

Rượu là nước pha cồn. Nước bốc hơi ở 100°C trong khi cồn (Ethanol) bốc hơi ở 78°C. Như vậy khi đun nóng giữa 78°C và 100°C, cồn sẽ bốc hơi trước và nước sẽ ở lại. Hơi cồn được làm lạnh trở lại trạng-thái chất lỏng. Một phần những nguyên-tố có sẵn trong rượu mang lại hương vị cho rượu chưng cất.


1.2 Phân-loại rượu mạnh
Chúng ta có thể phân-biệt hai loại rượu mạnh :
- Rượu mạnh (liquor/eau-de-vie), kết-quả trưc-tiếp của chưng-cất, như Whisky (làm từ ngũ-cốc), Gin (từ quả bách xù/juniper berries/genièvre), Brandy (từ rượu vang đỏ hay trắng : Cognac, Armagnac, Marc de Champagne,... của Pháp, Raki của Hy-Lạp), Calvados (từ táo), Vodka (từ ngũ-cốc hay khoai Tây), Aquavit (Scandinavia, cũng từ ngũ-cốc hay khoai Tây), Rhum/Rum (từ mía), Tequila (từ cây Agave), Raki (của Hy Lạp, từ bã nho làm rượu), Soju (Đại Hàn, từ gạo kết-hợp với lúa mì, khoai lang,...), Baijiu/Shaojiu (Trung Quốc, từ cây Sorghum), ...
Loại rượu này khoảng 40-50% cồn.
Phân-loại theo màu : đậm vì rượu được "nuôi" một thời-gian trong thùng gỗ (Whisky, Cognac, ...) hay trong (Gin, Vodka, Soju, ...)

- Rượu mạnh "ngọt" (liqueur/liqueur), kết-quả từ thực-vật (hoa, trái cây, cây thảo, cây), đường và hương vị pha với cồn hoặc pha với rượu chưng-cất, như Grand Marnier  và Cointreau (từ vỏ cam), Poire Williams (từ lê), Anisette/Pastis (từ quả hồi), ... (Pháp), Schnapps (Đức), Lemoncello (Ý, từ chanh), Kahlúa (từ cà-phê), Baileys (làm từ Whiskey, sô-cô-la, kem, của Ireland), Curaçao (thuộc-địa Hoà Lan, làm từ cam), ... 

Độ ngọt ít nhất là 100g/lít. Ngọt hơn nữa gọi là Crème (Crème de cassis, Crème de menthe, Crème de pêche, ...), ít nhất là 250g/lít.
Độ cồn nhẹ hơn rượu mạnh, khoảng 15-50%.
Nơi đây, phương-cách sản-xuất là "bí-mật nghề-nghiệp". 

1.3 Sản-xuất và tiêu-thụ
Baijiu của Trung-Quốc là loại rượu mạnh được bán nhiều nhất trên thế-giới (hơn cả Whisky, Vodka, Gin, Rhum, Tequila cộng lại) nhưng ngoài nước thì ít ai biết đến.





Các loại rượu mạnh khác được yêu chuộng là Whisky, Vodka, Cognac, Rum,Tequila, ...


Những công-ty lớn nhất là Diago (UK : Johnny Walker, Smirnoff, Captain Morgan, Baileys, J&B, ...), Pernod Ricard (Pháp : Absolut, Chivas, Ballantines, Jameson, Martell, Ricard, Kahlúa, ...), Bacardi (Bacardi, Grey Goose, Martini,...), Moet Hennessy (Hennessy, Glenmorangie, Grand Marnier, ...),   Brown-Forman (Jack Daniels,...), ...





Tiêu thụ
Người Đại Hàn uống rượu mạnh (Soju) nhiều nhất, gấp đôi người Nga (đứng hạng nhì), Thái-Lan, Ba Lan, Nhật, Phi Luật Tân, Bulgaria, Slovakia, Ukraine, Pháp, ... (Cũng không đúng hẳn vì độ cồn Soju chỉ 18% so với 40% các loại kia)
Ngược lại, những nước Hồi-giáo như Ai Cập, Nam Dương hay Saudi Arabia hoàn toàn không uống rượu mạnh.

2. Thưởng-thức rượu mạnh

2.1 Nói chung
Có 4 cách thưởng-thức :
- Uống "trơn" (không thêm đá, nước, hay rượu gì khác) : thường để uống mùa lạnh (ít ra không nóng nực) hoặc để thưởng-thức rượu ngon (Whisky single malt hay Cognac XO) ; Rượu mạnh ngọt thường không uống kiểu này (vì quá ngọt, dĩ nhiên) ;
- Uống thêm đá cho lạnh (On the rocks) : riêng tôi không thich kiểu này vì làm nhạt rượu ; nếu cần (mùa nóng) tôi sẽ dùng loại ''whiskey stones'' là những viên đá được ướp lạnh trong tủ đá, bỏ vào ly, rượu sẽ mát hơn mà không làm loãng rượu, nếu là Vodka thì ướp lạnh trước ly trong tủ đá ; 
- Uống pha với nước, Coca Cola,... (long drinks)
Uống pha với rượu mạnh khác (ngọt hay không) và những thành-phần khác để pha thành Cocktails : cách này rất "ăn khách" vì nhẹ, lạnh, hương-vị, lại đẹp mắt, được quí bà hưởng-ứng nhiều. Uống kiểu này, tôi chỉ dùng loại rượu phổ-thông rẻ tiền.

Tóm lại, có một cách là uống thưởng-thức và có một cách là uống pha cho đã khát và cho vui. Không có kiểu nào đúng hay kiểu nào sai, đã nói là uống cho "sướng" thì chỉ tuỳ sở-thích của mỗi người mà thôi.

2.1 Trường-hơp Whisky

Whisky (còn viết là Whiskey) có lẽ là loại rượu mạnh được ưa-chuộng nhất (?)
Nổi-tiếng nhất là Whisky Tô Cách Lan (Scotland), được gọi là Scotch Whisky (gọi tắt là Scotch) nhưng rất nhiều nước khác đều có sản-xuất : Ái Nhĩ Lan (Ireland), Mỹ (gọi là Bourbon, nhiều nhất là Kentucky và Tennessy), Canada, ... và Nhật Bản (nổi tiếng nhất là Suntory và Nikka đã từng được giải nhất trên thế-giới).

Quy-trình sản-xuất của Whisky

(Các loại rượu mạnh khác phần đông dùng nguyên-tắc tương-tự, trừ những loại rượu mạnh "trắng" không được "ngủ" trong thùng gỗ trước khi đóng chai.)

Phân-loại Whisky :
- Theo nguyên-liệu cơ-bản : Malt whisky làm từ lúa mạch được mạch-nha hoá (malted barley) và Grain whisky làm từ ngũ cốc khác (lúa mì/wheat, bắp/corn) làm Bourbon, lúa mạch đen/rye làm Rye Whiskey.
- Cũng như rượu vang, nấu rượu Whiskey có thể pha-trộn hay không :
   = Single Malt là Whisky 
chỉ làm từ một loại mạch-nha và từ một lò nấu rượu nhưng có thể từ thùng gỗ khác nhau và từ những năm sản-xuất khác nhau ;

   = Blended Malt Whisky làm từ sự pha-trộn của Malt whisky xuất-phát từ những lò rượu khác nhau và từ những năm sản-xuất khác nhau ;
   = Blended Whisky pha-trộn bất cứ whisky gì với nhau.
Single Malt dĩ-nhiên là ngon và đắt hơn Blended (Malt) Whisky, rẻ và thông-dụng hơn. 

Scotch Whisky phải được ngâm trong thùng gỗ sồi ít nhất 3 năm. Single Malt thường được ngâm lâu hơn (5, 10, 12, 15 năm) và tuổi của rượu được ghi rõ trên hiệu chai. Dĩ nhiên, rượu càng già càng ngon.

Lưu-ý : Một khi đã vào chai, rượu mạnh không tiếp-tục biến-hoá và không ngon hơn như trường-hợp rượu vang đỏ trong chai.



Tôi thường có vài chai Single Malt của Scotland (tôi thích nhất là Lagavulin và Laphroaig, rẻ hơn thì Balvenie) để uống thưởng-thức và một chai Blended whisky rẻ tiền hơn để pha Coca uống chơi mùa hè nóng nực, để pha Cocktail hay để uống Irish Coffee (cà-phê nóng pha thêm đường vàng/brown sugar hoặc mật ong, Whisky và kem sữa béo/heavy whipped cream.)



Uống ly gì ? 
Các chuyên-gia đều đồng-ý là ly để thưởng-thức Whisky (cũng như Cognac) phải hơi bầu tròn và miệng phải thon lại để giữ hương-vị và tập-trung vào mũi khi nâng ly lên miệng.
Những loại ly Whisky thẳng đứng hay ly Cognac quá bầu rộng hình như đều là sai cả (?).

Uống thưởng-thức thì không pha thêm nước đá nhưng những chuyên-gia khuyên nên cho thêm vài giọt nước suối để lộ thêm hương-vị.

2.2 Trường-hợp Cognac

Rượu Cognac là một loại rượu mạnh sản xuất chung quanh vùng Cognac (Pháp), được làm từ nho trắng (phần lớn Ugni) ép ra nước, để lên men thành rượu khoảng 8-11° rồi được chưng cất hai lần, sau đó ngâm trong thùng gỗ sồi (chêne/oak) ít nhất hai năm. 
Cũng như Whisky, màu Cognac có từ những biến-hoá của rượu trong thùng gỗ (thường được nung lửa để có thêm tí mùi khói).
Trong thời-gian đó, rượu bốc hơi mất (khoảng 2%) và được gọi là "phần cho những thiên-thần" (part des anges).

Những cấp-bậc tuổi là :

- VS (Very Special) : ít nhất 3 năm ;
- VSOP (Very Superior Old Pale) : ít nhất 5 năm ;
- XO (Extra Old) : ít nhất 10 năm
Những điều-kiện trên là tối-thiểu, mỗi nhà làm rượu có thể định lâu hơn. 
Thí dụ : Cognac Painturaud Frères gọi VSOP (5 năm) ; Réserve (10 năm) ; Vieille Réserve (20 năm) ; XO (25 năm) ; Hors d'âge (ngoại tuổi 40 năm) ; Générations (60 năm) ; Secrets de famille (80 năm trở lên).

Ngoài ra, cấp-bậc chất-lượng còn có "crus" :

- Grande Champagne (ngon nhất) và Petite Champagne
- Borderies, Fins bois, Bons bois và Bois ordinaires.

Những hiệu Cognac nổi tiếng là Hennessy, Martel, Rémy Martin, Courvoisier, Camus, ...


Muốn thay đổi chút, bạn có thể thử những Brandy khác như Armagnac, Marc (de Bourgogne, d'Alsace, de Champagne, ...) cho biết. 


Cách thưởng-thức cũng tương-tự như Whisky.


2.3 Trường-hợp Vodka 

Vodka (= nước nhỏ/little water/petite eau) là rượu mạnh làm từ ngũ cốc hay khoai tây lên men rồi chưng cất nhiều lần nhưng không được "ngủ" trong thùng gỗ (cho nên màu trong và ít hương-vị hơn và tương đối rẻ hơn).
Lịch-sử Vodka gắn liền với hoàng gia Nga : Sa hoàng (tsar) Ivan IV "the Terrible" đã cho dựng lên những lò chưng cất đầu tiên, Sa hoàng Alexander III định độ cồn Vodka là 40°, và mãi đến thập-niên 90, nhà nước mới mất độc-quyền làm Vodka. Sau cuộc cách-mạng 1917, những đợt di-tản qua Scandinavia, Đức, Âu-Châu, Bắc Mỹ đã khiến Vodka trở thành một thức uống thật thông-dụng.
Trên thế-giới, có trên 5000 hiệu Vodka.
Vodka Nga thường nặng độ cồn và vị "ngọt". Nổi tiếng nhất là Stolychnaya hay Russian Standard.

Vodka Ba-Lan nhẹ và được thêm hương vị. Nổi tiếng nhất là Zubrowka hay Wyrobowa.

Một sáng-kiến mới của một nhà nấu rượu Pháp vùng Bordeaux : Vodka Nadé, một loại Vodka được ngâm vài tháng trong thùng gỗ đã chứa rượu đỏ Bordeaux Fronsac. 
(Tôi chưa được uống nhưng bạn nào đã nếm rồi xin cho ý kiến nha.)

Uống Vodka phải lạnh nhưng đừng lạnh quá. Nên bỏ chai rượu vào một sô nước đá một tiếng trước. Uống trơn, trong những ly nhỏ (5cl), ly có thể bỏ tủ đá trước.

Uống Vodka, có thể ăn kèm cá mặn/un khói, đắt tiền hơn thì Caviar là nhất.
Vodka ít hương vị nên hay được dùng để pha Cocktails.

3. Kết-luận
Trong các loài rượu, bia được uống nhiều nhất, có lẽ vì nhẹ độ cồn nên dễ uống.
Ngược lại, rượu mạnh ít được uống nhất (so với bia và rượu vang). Cũng có lẽ vì độ cồn cao nên có thêm loại rượu mạnh ngọt (liqueurs) và thường "bị" uống pha nước, đá hay biến-hoá thành Cocktails.
Uống "lấy hương, lấy hoa" cho vui hay uống thưởng-thức đều là thú vui tao-nhã và, một lần nữa, sở-thích mỗi người khác nhau, cứ hưởng trọn là chính.
Cheers ! Santé ! Salute ! Prosit ! Dzô, Dzô, Dzô ! (nhưng nhẹ tay chút nhé).

Mời bạn đón đọc Rượu (Phần 4) : Rượu trong lịch-sử, văn-hoá loài người

Yên Hà, tháng 2, 2020
Tài-liệu nguồn :
- Wikipedia
- Comment apprécier la Vodka 
- Sách "A visual guide to drink" (Ben Gibson-Patrick Mulligan)