Phi trường Tân-Sơn-Nhất, Sài-Gòn, ngày 25, tháng 10, 1969.
Trong bộ áo ba mảnh (costume trois-pièces) mới may, tôi hiên ngang đứng chụp ảnh với bố tôi bên cạnh con chim sắt khổng lồ Boeing 707 của công-ty hàng-không Air France sắp đem tôi đi nơi xa.
Năm đó, tôi vừa thi đỗ Tú Tài, và như đa số bạn học Jean-Jacques Rousseau, tôi đã làm đơn xin đi du-học. Lúc đầu, tôi xin học-bổng của chính phủ Pháp, tôi thi đỗ Baccalauréat, ban Toán, hạng Bình và ông tôi lại được huy-chương "Officier de la Légion d'Honneur" nên ông tôi bảo chắc chắn đơn tôi phải được chấp thuận và mình không cần làm gì hơn. Nhưng đơn tôi vẫn bị bác, có lẽ vì thiếu cái gì đó (?). Rồi tôi xoay ra xin đi du-học tự-túc bên Liège, vương-quốc Bỉ. Năm đó, liên-hệ giữa Pháp và Việt-Nam hơi lủng-củng nên không được đi Pháp, ngoài những người được học-bổng. Trong những nước dùng tiếng Pháp còn lại, có Gia-Nã-Đại và Thụy-Sĩ nhưng tiền học và đời sống bên ấy đắt lắm nên phần đông, mọi người đổ xô sang Bỉ. Năm đó, sinh-viên du-học bên Bỉ đông vô cùng, nhất là có thêm "promotion 68" năm trước bị kẹt lại, năm 1969 mới đi được.
Tuy học trường Tây, nhưng trước đó, tôi cũng chỉ biết nuớc Bỉ qua nhân-vật trinh thám Hercule Poirot mà tôi đã hằng đọc, cùng với những Sherlock Holmes, OSS 117, James Bond, Bob Morane,…, những sách tiểu thuyết tôi đi mượn ở Thư-Viện Pháp ở Sài-Gòn.
Sau một chuyến bay dài (hình như có nghỉ chân ở Dubai hay gần đó thì phải?), phi-cơ đáp xuống phi-trường Zaventem, Bruxelles, thủ-đô Bỉ Quốc. Xong hành lý, chúng tôi gặp một số các anh trong Ban-Chấp-Hành của Hội Sinh-Viên Việt-Nam tại Liège ra đón. Các anh hỏi mỗi người về địa-chỉ nào để hướng dẫn đường đi, nước bước và đến lượt tôi thì mặt tôi bỗng nghệt ra : hóa ra, tôi có làm đơn xin trường học nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện sang bên ấy sẽ ở đâu ? Tôi còn đang gãi đầu, gãi tai, nhìn ngơ ngác thì thấy một anh chàng bên cạnh, mặt cũng đớ như tôi, hóa ra, trên đời này, không phải chỉ có tôi "ngáo". May thay, một anh đề-nghị : "Hay là thế này, chỗ tôi ở, đang có một phòng trống cho thuê, các anh lại đấy ở đi." Hai chàng "ngáo" nhìn nhau một thoáng rồi gật đầu. Thế là số mệnh tôi và P.A.T. (tự T.Nghị) đã được gắn liền một năm trời.
Rồi tôi bắt đầu sống cuộc sống mới. Lúc trước ở nhà, có ông bà, bố mẹ, cô chú, chị em, có cả chị giúp việc nhà, bây giờ sang đây, bất cứ việc gì, to nhỏ, đều phải lo lấy, tôi và P.A.T. chỉ biết dựa bên nhau mà sống, đôi khi nhớ nhà, hai thằng chỉ ngồi khóc tu tu.
Thuở đó làm gì có i-meo với webcam, điện-thoại thì gia-đình tôi không có nên chúng tôi chỉ liên lạc qua thư-từ, gửi bưu-điện lâu ơi là lâu. Lúc đầu, tuần nào cũng viết thư về mấy lần, tuần nào cũng có thư đọc, càng đọc càng buồn, càng viết càng khóc. Tôi biết trong đám sinh-viên du-học, có vài người chịu không nổi đã nhiễm bệnh tâm thần hay đã phải trở về nước.
Năm ấy, vào mùa đông, chúng tôi lần đầu tiên được thấy tuyết, được sờ tuyết, được biết cái cảm giác lạnh của tuyết, chúng tôi chụp ảnh gửi về nhà "khoe". (Nhưng cũng chính cái lạnh đó cũng làm chúng tôi buồn và nhớ nhà hơn).
Sống xa nhà nên tôi đã phải tự học làm đủ mọi việc : cắt tóc, giặt giũ, là quần áo, khâu vá, lên gấu quần và... nấu ăn. Tôi vốn dĩ háu ăn, lúc trước ở nhà hay lò mò xuống bếp làm nghề thợ gặm, nhón đầu gà, chân gà, vét sạch những món không dọn lên bàn. Thuở đó, nhất là bên Bỉ, làm gì có tiệm bán thục-phẩm Á-Đông như ở Maubert bên Paris ? Đôi khi thèm phở quá, phải lấy spaghetti ăn thay bánh phở cho đỡ thèm, sau này mới tìm ra một nơi bên Maastricht, nước Hoà-Lan bên cạnh (đi xe hỏa cũng không xa lắm), có bán một vài thực phẩm khô như mì gói, bún, bánh phở, nấm... Xin cám ơn người Hoà-Lan lúc trước đã sang xâm chiếm mấy nước Nam-Dương để bây giờ chúng tôi còn đuợc hưởng gia-vị quê-hương.
Sau một năm học trường Athénée Royal để thi vào trường kỹ-sư Đại-Học Liège, một lũ chúng tôi, P.A.T, H.Cò, 5Bê, H.Xề, D.Mập, FamineL., T.Em, L.Lèo, N.M.T., V.N.T.,..., đông lắm tôi nhớ không hết, mỗi ngày cắp sách đi học, gặp nhau ở Val-Benoît hay đôi khi ở Sart Tilman (thường dành cho Đại-Học Y-Khoa). Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng ra thư-viện ở trung-tâm thành phố, vừa để học, vừa để gặp gỡ bạn bè.
Gần đây, tôi được thấy hình ảnh Val-Benoît bỏ hoang, lòng cũng buồn rượi.
Ở Liège, lúc đó đông Việt-Nam lắm nhưng chúng tôi cũng đi chơi với nhau từng nhóm, từng băng, tùy theo nơi học hay chốn ở, hay mối quen biết trước. Có những "lò" như "lò 33 Augustins" (trong đó có tôi, C.Cùn, T., Đ.Rệp, H.Blue, T.Xế, C.Thiền, C.Còm... và có bà Dubois, người Bỉ duy nhất ở đó, ngoài trừ một cặp vợ-chồng bỉ-Việt), chi nhánh ở số 20 cùng đường; có lò "bd d'Avroy" ở đầu đường Augustins; có "lò Pont d'Avroy", ...
Chúng tôi xuất thân từ một quốc-gia nghèo và chịu cảnh chiến-tranh, đột nhiên được sang sống một nước văn-minh, tự-do, lại không có ai kiểm soát và hướng dẫn, với cái tuổi trẻ bồng bột, tôi đã không biết chú-tâm vào công việc học và dành dụm để gia-đình bớt gánh nặng với tôi. Lúc đó, sinh-viên du-học chúng tôi được nhận-lãnh căn-bản mỗi tháng một trăm mỹ-kim, cộng thêm sáu trăm mỹ kim một năm, gọi là chi-phí phụ-trội và may-sắm. Một trăm năm mươi mỹ kim thuở đó đủ sống mỗi tháng, không dư giả nhưng so với ở nước nhà thì quả là hậu hĩ. Tôi biết có những người bạn đi du-học, chỉ biết cắm đầu, cắm cổ vào việc học, xong bốn năm lập tức trở về nuớc, tôi phải thú nhận có chút phần hổ thẹn, nhưng có lẽ đó là một trong những giá tôi phải trả khi đi du-học ?
Những lúc buồn một mình (P.A.T. được một năm thì dọn ra khi cô em gái sang), tôi chỉ biết ôm cái đàn ghi-ta (mua trong năm đầu và vẫn còn giữ ngày hôm nay) tửng tửng, phừng phừng trên những bài hát Trịnh Công Sơn, Lê Uyên-Phương hay những bài dân ca. Thuở đó, tôi học được vài "ắc-co" căn bản rồi tự học lấy nên trình-độ tầm thường lắm, chỉ biết chơi những loại nhạc này thôi. Có lần, nhớ nhà quá, tôi có hát và tự thâu "cát-xét" bài "Bông hồng cài áo" gửi về cho mẹ, và bây giờ, thỉnh thoảng, tôi vẫn lôi cái đàn ra khi nhớ mẹ.
Và tôi cũng bắt đầu viết lách, làm thơ, viết văn, thỉnh thoảng có đăng trên tờ báo thông-tin của Hội SVVN tại Liège. Trên phương diện này, tôi còn thua xa thằng T.Xế, nó viết nhiều lắm, thơ nào thơ nấy ướt sũng cả trang giấy, mờ cả chữ; tôi hiện còn giữ tập thơ "Bông hồng sụt sùi" của nó mà.
Đi chơi từng băng, từng nhóm nhưng thỉnh thoảng Hội SVVN có tổ-chức sinh hoạt chung để mọi người có cơ-hội tụ-họp với nhau, cũng vui, cũng bớt cô-đơn. Cơ-hội nhỏ thì tổ-chức ở "Foyer International des Etudiants" nhỏ nhưng miễn phí, lễ lộc lớn như Tết thì mướn "Salle de l'Emulation", sang trọng hơn.
Năm học năm thứ ba kỹ-sư, tôi "tình-cờ" ra làm Ban Chấp-Hành Hội. Quả vậy, năm đó, có một hôm, tôi mời bạn bè lại nhà chơi, (có nấu phở thì phải), ăn uống thỏa thích rồi đấu láo. Lúc đó trong thời kỳ thay đổi BCH hội như mỗi năm nhưng năm đó, đặc biệt chưa thấy có danh sách nào ghi tên ứng-cử cả, nên cà kê dê ngỗng một lúc, vấn-đề đó được đưa lên bàn hội-thảo. Tôi không nhớ rõ lắm sự việc xẩy ra sao, tôi chỉ nhớ là có thằng cà-quỷnh nào đột nhiên đùa chủ nhà một câu : " Ừ, thì mày cứ ra ứng cử đi, tụi tao nhất định sẽ bầu cho mày ! ". Thế là tụi nó ùa ùa đốc thêm vào; không biết hôm đó tôi có uống rượu say sưa như thế nào, tôi cũng hăng tiết vịt, chấp nhận lời thách-thức rồi danh-sách được thành lập ngay tối hôm đó, và được bổ túc vài hôm sau với những người vắng mặt hôm đó.
Đến ngày tổng-họp, chúng tôi đứng ra trình danh-sách ứng-cử. Phải giải nghiã thêm để bạn đọc hiểu, thuở đó, các chủ-tịch/phó chủ tịch ăn mặc đứng đắn, lịch-sự lắm, vét-tông, blazer, thắt cà-vạt tử tế, mà hôm đó có một thằng non choẹt nào, tóc dài, mặc cái blouson KQVN đứng ra đòi làm chủ-tịt thì thật là phát ghét lắm. (Thuở tuổi trẻ bồng bột, coi chừng bằng vung, tôi đâu có hiểu chuyện đó).
Chúng tôi thắng cử, có lẽ vì chỉ có một danh-sách ứng-cử, và phiếu chống không phải là ít. Tôi còn nhớ hôm đó, thay mặt tân BCH, tôi cám ơn mọi người và hứa với những người đã không bầu cho chúng tôi là chúng tôi sẽ cố gắng để đạt được lòng tín-nhiệm của họ.
Hôm đó, tôi vừa được Đời dậy cho một bài học đáng giá.
Rồi chúng tôi bắt tay vào việc phụng-sự cộng-đồng. Những sinh-hoạt chính là Thể-Thao (tổ-chức đá bóng, bóng rổ, ping-pong, tennis... trong vùng Liège hay với các hội-đoàn bạn trong những dịp Đại-Hội Thể-Thao SVVN tại Âu-Châu), Xã-Hội (để trợ-giúp cá-nhân hay đoàn thể hay cứu-trợ nạn lụt ở Việt-Nam...), Báo Chí (với tờ Đất Nước làm cơ-quan ngôn-luận) và Văn Nghệ mà sinh-hoạt chính là đêm văn-nghệ Tết.
Kỹ-thuật làm báo chúng tôi lúc trước thô sơ lắm, làm gì có máy vi-tính, làm gì có Internet ? Chúng tôi dùng máy đánh chữ tay, đánh trên từng tờ stencil, đánh sai, phải bôi corrector đỏ như thuốc đánh móng tay lên rồi đánh lại, xong rồi phải ra sức bỏ dấu, dấu hỏi, dấu ngã không được sai. Đâu đó rồi mới bỏ vào máy quay, quay mỏi cả tay, mực lem luốc cả quần áo, mặt mũi, hai tay, có khi in ra mờ quá hay lem quá, lại phải làm lại từ đầu. In xong, phải xếp trang, phải nối lại, phải đóng bìa. Thời buổi này, viết blog trở nên quá dễ, có mầu mè, có hình ảnh, có nhạc, có video, lại chả tốn một xu-teng.
Tổ-chức Tết rất mệt nhưng cũng vui lắm. Mọi người xúm vào, mỗi người một tay, ai lo việc nấy, người trong ban tổ-chức thì lo điều hành, cổ động, giải quyết vấn đề. Tối và ngày cuối tuần, thông thường phải đi đón mấy cô đi tập hát, tập múa, xong phải đưa mấy cô về. May mà trong thời-điểm du-học, tình trạng trai thừa gái thiếu nên đưa đón các cô không thiếu những anh xung phong. Phần văn nghệ nhẩy đầm, đã có ban nhạc "Reason to live" với L.S. lead, H.Nivico guitar Ryhtm, D.Tê-lê-phôn bass, N.M.K. organ và H.K.L. trống. Ai đã ở Liège mà không nhớ những bài Santana họ chơi ? Tuyệt vời.
Tôi nhớ mãi Tết năm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi đứng ra đọc diễn-văn mở đầu, trước gần ngàn khán giả, với ông-bà Đại-Sứ VNCH tại Bỉ ngồi hàng đầu cùng những quan khách quan-trọng khác. Thính phòng tắt đèn tối mù nhưng hàng đầu vì gần sân khấu nên tôi thấy rõ quan khách lắm. Tôi từ hậu-trường bước ra, đến bên máy vi-âm, hai chân tôi run lập cập, bài diễn văn tôi đã cố ý viết ngắn gọn mà tôi có cảm tưởng dài một thế-kỷ, tôi cũng không nghe, không nhớ tôi đã nói những gì nữa.
Chuyện gì rồi cũng xong. Năm đó, chúng tôi nghĩ đã làm tròn trách-nhiệm.
Riêng phần tôi, có lẽ quen mui, được mùi ăn mãi, nên sau đó đi Lille rồi Toulouse, tôi lại đứng ra điều hành hội. Có lẽ những kinh nghiêm này đã giúp tôi nhiều trong địa-hạt tổ-chức, quản-trị, và nhất là trong mối liên-hệ giữa người và người. Đứng đầu một tổ-chức bất vụ-lợi không phải dễ vì những người làm việc đều xung-phong đem công-sức mình ra đóng-góp cho cộng-đồng, có công việc nhưng không có chức tước hay lương bổng thì chỉ có thể "nhờ" họ chứ không thề "sai" họ như nhân viên dưới quyền mình được. Tôi cũng đã học hỏi nhiều trong địa-hạt này.
Nhớ lại thuở sinh-viên, với nhiệt huyết tuổi trẻ, hăng say tranh đấu cho lý tưởng, như muốn thay-đổi thế-giới hiện-tại. Biết bao lần, tôi đã say sưa hát "Việt-Nam, quê-hương ngạo-nghễ", "Tổ-Quốc ơi, tôi đã nghe", "Việt-Nam, Việt-Nam", "Con đường Cái Quan", đã hát "Nối vòng tay lớn"... trong những đêm lửa trại hay trong những buổi sinh-hoạt chung, đã bao phen muốn đóng góp cho quê-hương, cho đồng-bào mình.
Nhưng rồi quê-hưong tôi vẫn chưa được thanh-bình, đồng-bào tôi vẫn chưa hưởng ấm no. Tại sao vậy ? Thầm nghĩ mà buồn tủi cho dân-tộc tôi.
Tất cả bây giờ chỉ còn lại kỷ niệm, đẹp có, buồn có. Kỷ-niệm bao giờ cũng chỉ là sau lưng, nhưng đến tuổi này rồi, tôi còn biết nhìn về đâu ?
Liège ơi, Còn một chut gì để nhớ ? Còn một chút gì để thương ?
Còn nhiều lắm chứ...
Yên Hà, ngày 23, tháng 2, năm 2011
Thân tặng những người đã đi qua đời tôi, trai gái, già trẻ, lớn bé, Việt Bỉ,
trong khoảng thời-gian du-học xứ Lôi-Kinh, vương-quốc Bỉ