UA-83376712-1

Labels

Jun 19, 2013

Tìm hiểu đàn bà (văn hài)

Après trente ans passés à étudier la psychologie féminine, je n’ai toujours pas trouvé de réponse à la grande question : « Que veulent-elles au juste ? »  (Sigmund FREUD)
(Sau 30 năm nghiên cứu tâm-lý đàn bà, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi tối yếu: "Đàn bà thật sự muốn gì?"  (Sigmund FREUD).

Nếu như cha đẻ của ngành Tâm-Lý-Học còn phải chịu bó tay thì ai có thể gánh vác trọng-trách này bây giờ? 

Từ ông A-Dong với bà E-Và đến giờ, đã biết bao nhiêu tỉ tỉ đấng mày râu đã, hàng hàng lớp lớp, đi tìm chân-lý như những người hiệp-sĩ của vua Arthur đã mòn mỏi đi tìm Chén Thánh (Holy Grail / Saint Graal) trong tiểu-thuyết của Chrétien de Troyes. Tôi cũng đã đi tìm miệt mài để rồi, như bao nhiêu tiền-bối đi trước, tay trắng vẫn hoàn trắng tay, tôi vẫn chưa hiểu được tí tì ti gì cả.
Bây giờ, đời sống tạm yên, tôi có chút rảnh rỗi (rửng mỡ?), ngồi lại nghiền-ngẫm vấn-đề qua kinh-nghiệm bản thân và của thân-hữu, trau dồi kinh-sử trên Mạng hầu viết lên vài trang "cẩm-nang" này để chia sẻ với các bạn cho vui. 
Nếu tôi có nói sai điều gì thì xin các bạn niệm-tình tha thứ và chỉ bảo cho. 
Các bác giai áp dụng gì được thì áp dụng, hậu quả như thế nào thì tôi hoàn toàn không chịu trách-nhiệm nhé.
Các bác gái ráng chờ, tháng sau sẽ đăng tiếp bài "Tìm hiểu đàn ông" cho huề cả làng.

1. Nàng là Nàng, mà Chàng là Chàng

(Nàng là phận gái, Ta là phận trai)
Trên đời này, không ai giống ai, nhưng đàn ông, đàn bà lại là hai thái cực, như mặt trời-mặt trăng, như ngày với đêm, như lửa với nước, khổ nỗi là luật của Tạo Hoá lại bắt âm-dương phải hoà-hợp, thế mới là vấn đề chứ. Ông Giời hoá ra cũng tinh nghịch lắm, để "tạo-hoá gây chi cuộc hí-trường?"
Có lần, bố mẹ tôi đang nói chuyện gì đó, tôi chợt nghe mẹ tôi nói với bố tôi rằng: "Anh là đàn ông, anh không bao giờ hiểu được chuyện đàn bà..."
Câu nói tầm thường ấy đã giúp tôi rất nhiều và tôi sẽ không bao giờ quên. 

Hai thái-cực này khác hẳn nhau, đặc-biệt ở những điểm sau đây:
- Chàng là phái mạnh, Nàng là phái yếu
Ông Giời đã sinh ra đàn ông với sức mạnh của bắp thịt để đương đầu với những mối đe doạ bên ngoài, và tạo nên đàn bà với sức mạnh của con tim để chăm lo cho gia-đình, con cái (?)
Khi bất đồng ý kiến, đàn ông có khuynh-hướng dùng sức mạnh của mình để dành phần thắng, và bản năng này vẫn còn, cho dù thời buổi này, xã-hội đã có tôn-ti, trật tự và "luật rừng" không thể dùng bừa bãi.
Nhưng phái yếu (nghĩa là đàn bà và những người nghèo, kẻ yếu nói chung) muốn tồn-tại và phát-triển (như đàn bà thế-kỷ sau này) thì phải làm sao? 
Quyền-thế kẻ yếu (pouvoir des faibles) chỉ có thể dành được một cách "quanh co" hơn, tinh vi hơn, vô hình hơn, nên cũng khó đỡ hơn.
Đàn ông nổi giận thì chửi nhau, đánh nhau một trận là xong, nhưng 
"Ta còn biết làm gì khi em giận hờn, 
Em u sầu ủ rũ bóng hoàng hôn
Em âm thầm như chiếc lá mùa Đông
Ta còn biết làm gì khi em muộn phiền
Em ơ thờ như gỗ đá ngàn năm
Ta như chìm trong cơn sóng giữa giòng..."

                     (Hờn dỗi, Huỳnh Nhật Tân)
Hai vũ khí lợi hại nhất của Nàng là son phấn và nước mắt, nhưng may thay, hai vũ khí đó không thể dùng cùng một lúc (thở phào).
Rốt cuộc, ai là phái mạnh? Ai là phái yếu? Tôi thật tình không dám quả-quyết.

- Căn-bản Nàng là Tình (emotional), mà căn-bản Chàng lại là Lý (rational)
Chàng suy nghĩ với khối óc, Nàng hành-xử với quả tim.
Cho nên nói chuyện với nhau, thường hay có cảnh "ông nói gà, bà nói vịt", mỗi người lướt trên tầng-số mình, như hai đường song song không cát-tuyến (secant). 
Một vài thí dụ:
Khi đang lái xe, Chàng hỏi "Bây giờ anh quẹo phải hay quẹo trái?" thì Nàng sẽ trả lời "Anh cứ theo 422 South mà đi", thế là Chàng đi lạc.
Hoặc nếu Chàng hỏi: "Em muốn mấy giờ mình đi, để anh còn sắp xếp?" thì Nàng có thể trả lời "Anh đừng có hối em, em chưa xong".
v...v... và v...v...
Hai cái logics (chữ này hình như tiếng Việt mình không có?) hoàn toàn khác nhau, như Windows với Mac OS, như tiếng Nga với tiếng Ấn-Độ, thế mà nói chung, Chàng và Nàng vẫn nói chuyện với nhau được thì cuộc sống quả là nhiệm-mầu

- Nàng phức-tạp, Chàng đơn-giản

Người đàn bà có thể lo năm mười việc một lúc: cho chạy máy giặt, hút bụi, làm cơm, suy nghĩ việc học con cái, điện-thoại cho bạn, trong khi TV đang chiếu phim bộ...
Cứ để ý mà xem, khi mấy bà ngồi nói chuyện với nhau, ai nấy nói cùng một lúc như cái chợ nhưng rốt cuộc, họ đều theo dõi và tham-gia vào mỗi câu chuyện, mà không cần phải có MC điều-khiển chương-trình. Điều này liền ông chúng tôi hoàn toàn không biết làm, vừa xem đá banh, vừa uống bia thì còn hoạ may.
Khi làm một việc gì, Nàng chú-ý đến từng chi-tiết một, cho nên làm đám cưới cho con, thu xếp chuyến đi nghỉ hè, lo giấy tờ sổ sách, ... việc tổ-chức thường do các bà đảm-trách, các bạn có để ý không? Để cho mấy ông lãnh thì chỉ có hỏng chuyện.
Hay là vì vậy mà nghề thư-ký chỉ có đàn bà mới làm giỏi được? (Nói vậy không có nghĩa là đàn bà chỉ làm được đến thế, đừng hiểu lầm tôi nhé).
Nói tóm lại, đối với người đàn ông, không có gì phức-tạp, khó hiểu như người đàn bà.


2. Những gì Nàng chúa ghét

Primum non nocere (Hippocrate). 
Các bạn nào đã học Y-khoa đều biết lời giáo-huấn đầu này, có nghĩa là (trước khi giúp người), ít ra không làm hại người.
Trước khi làm gì đúng, hãy tránh làm gì sai. Trước khi làm Nàng vui, Chàng cũng nên tránh làm Nàng tức giận nhé.
- Điều làm Nàng bực bội nhất có lẽ là Chàng không hiểu Nàng (than ôi!)
Đàn bà nói "có" là "không", nói "không" là "có thể" (và còn tuỳ lúc, tuỳ trường-hợp nữa), nhưng điều khó nhất là những gì Nàng muốn nhưng không nói lên mà chàng phải thông minh mà hiểu. Nàng không thích phải nói, phải nhắc, dù là nhắc khéo vì nếu như Chàng yêu Nàng, để ý đến Nàng thì tự nhiên Chàng phải hiểu chứ? Nàng có giác-quan thứ sáu của Nàng, chả lẽ Chàng không có ư?
Chàng phải biết "giải mã" (decipher) từng cử-chỉ, từng lời nói, từng ánh nhìn của Nàng như những ước-vọng  vô-hình. Chàng phải biết đọc giữa hàng (between the lines), hiểu cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen mà không cần phụ-đề Việt-ngữ hay thông-dịch viên. 
Trên phương-diện này, có lẽ những Chàng có vợ người Nam không có vấn-đề này lắm vì hình như (tôi phải viết "hình như" vì tôi chưa có cơ-hội kề-cận đàn bà người miền Nam) những Nàng này nghĩ sao nói vậy, không "rắc rối" như những Nàng Bắc Kỳ (nơi đây, tôi xin khẳng-định là vợ tôi KHÔNG rắc rối).

- Nàng bao giờ cũng có lý

Nàng có cách suy-nghĩ của Nàng và Nàng không thể hiểu tại sao Chàng không suy-nghĩ như Nàng. Và dĩ-nhiên, lý-luận Nàng bao giờ cũng đúng.
Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều người bạn hay đồng-nghiệp đàn ông và tất cả đều đồng ý là không bao giờ có thể tranh cãi (argue) với vợ, có gân cổ cãi cả mấy tiếng rồi cũng sẽ phải kéo cờ trắng. Chỉ có 2 qui-luật:
Qui-luật #1 - Nàng bao giờ cũng đúng
Qui-luật #2 - Trong tất cả trường-hợp khác, áp-dụng qui-luật #1.
Chàng cứ luôn miệng "Yes, em", "OK, em", "You're right, em", có chết con ma nào đâu, mà lại yên cửa, yên nhà thì tội gì mà chuốc hại vào thân?
Ngu si (thì) hưởng thái bình
Vâng vâng, dạ dạ yên mình, vui ta.
Một anh bạn có kể với tôi rằng trước khi lấy vợ, lưỡi anh dài lắm (thế mới tán được cô ấy chứ), nhưng sau đó, cứ cắn riết, chỉ còn lại có một khúc ngắn ngủn.
Một hệ-quả của qui-luật này là Nàng không thích xin lỗi. Tôi có mấy thằng bạn kể rằng từ mấy mươi năm lấy nhau, chưa bao giờ nghe vợ nói hai chữ "xin lỗi". (Có đâu mà xin?)

- Trong đời Chàng, chỉ mình Nàng

Một khi đã trở thành "người đàn bà" của Chàng thì trong đời Chàng chỉ có thể có Nàng. Nàng là độc nhất, vô nhị trong vũ-trụ của Chàng. Chớ có bao giờ nhìn người nào khác, đừng có khen người nào khác, đừng có bao giờ đề-cập đến những người tình cũ. 
Ớt nào là ớt chẳng cay?
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng?
Vôi nào là vôi không nồng,
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen ?
Ta rằng ta chẳng có ghen,
Chồng ta, ta giữ, ta nghiền ta chơi !
                      (Ca dao Việt-Nam)
Không ai muốn mất chồng, mất vợ, ai cũng muốn bảo vệ hạnh-phúc gia-đình mình, điều đó cũng dễ hiểu, nhưng đề-tài này đối với Nàng lại cực kỳ bén nhạy.

Thuở trước, đàn bà đi lấy chồng là bước vào gia-đình chồng nhưng thời buổi bây giờ, nhất là bên Tây, bên Mỹ, đàn bà lấy chồng ít có khi phải sống với bố mẹ chồng.
Ngược lại, tôi nhận thấy đàn ông sống với bố mẹ vợ nhiều hơn hẳn là đằng khác.

Trong đời Chàng, chỉ có Nàng (và gia-đình Nàng).

- Đừng làm Nàng thất vọng

Không ai thích bị phản-bội, đây cũng là tâm lý chung, nhưng có thể nói điều làm Nàng đau buồn nhất là khi bị Chàng lừa dối. 
Người đàn bà đã trao thân gửi phận cho chồng là trao tất cả đời mình vào một quan-hệ vợ chồng và đặt hết lòng tin-tưởng của mình vào người chồng (người tình) vì Tình yêu đối với Nàng là tuyệt-đối. Đàn bà hay mộng mơ, hy vọng, trông chờ, mà kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều.
Biết thế các bác giai cẩn-thận nhé, đừng hứa những gì mình không làm được (không hứa mà làm vẫn hơn).
Đừng nói dối, nhưng coi chừng, không nói là giấu mà giấu là nói dối, mà nói dối là có gì để giấu rồi chuyện nhỏ sẽ thành to, nhất là nếu chuyện có dính líu gì đến kẻ thứ ba.
Đi đêm có ngày gặp ma,
tốt nhất là cứ ở nhà ăn cơm, 
cho dù tô phở ngoài tiệm có nóng và thơm phức cách mấy. 
Ta về ta tắm ao ta  là xong chuyện.

Anh như một thằng chồng
Chẳng bao giờ đèo bồng
Em như một người vợ
Chẳng bao giờ lờ mờ
Sống cho qua ngày tháng
Đời mình đã sang thu
Thì đừng có chơi ngu
Buồn...
(Nhạc: Ngô Thụy Miên, Lời: Yên Hà)

Những điều này dĩ-nhiên có liên-hệ với nhau. Nói tóm lại, Nàng chỉ muốn cuộc đời Chàng xoay quanh Nàng. Người ta thường nói người đàn bà hay possessive mà?



3. Những gì Nàng trông chờ

Đoạn này có lẽ là dài nhất, các bạn chịu khó đọc nhá.
- Có đôi, có cặp
Như đã nói, đối với Nàng, một cặp nam-nữ, nhất là một cặp vợ-chồng, là một quan-hệ đặc-biệt, một không-gian để chia xẻ và để chia-sẻ.
(theo tôi, mình chia xẻ khi phần của mình sẽ bớt đi, thí dụ: một miếng bánh, và mình chia sẻ khi phần của mình không bớt đi hay còn tăng thêm, thí dụ: một niềm vui). 
Chàng phải là một người bạn đồng-hành, một partner trong cuộc hành trình đó. 
Tôi chỉ có thể đồng ý với Nàng trên điểm này, nhất là khi trời đã xế chiều, khi quãng đường còn lại không còn chạy dài trước mặt, khi quanh ta chỉ có ta... và Nàng.

- Che chở, chăm sóc, dìu dắt

Thời buổi này, người đàn bà không còn tuỳ thuộc cha/chồng/con như thuở trước. Nàng cũng được đi học, đi làm, kiếm tiền (đôi khi nhiều hơn chồng), Nàng cũng có thể ly-dị chồng một cách dễ dàng nếu không cảm thấy hợp nữa. Nhưng có là bác sĩ, đại thương-gia hay thủ-tướng đi nữa, đôi khi Nàng cũng vẫn cần ngả đầu trên vai Chàng, rúc vào lòng Chàng, Nàng vẫn cần một vòng tay ôm, một nụ hôn, một lời an ủi. Trước công chúng, Nàng vẫn thích có một người hùng đứng ra bênh vực, bảo vệ Nàng nếu cần. 
Nàng vẫn cần được che chở.
Đàn bà thì dĩ nhiên thích được chăm sóc, cưng chiều, thích được làm nũng (nhõng nhẽo là nghề của nàng mà?). Đi sốp-pinh về, có Chàng pha nước cho uống, đấm lưng, xoa bóp chân cho đỡ mỏi thì cũng vui chứ? Chàng mà ga-lăng đúng theo kiểu "chevalier servant" (hiệp-sĩ hầu hạ?) của Tây nữa thì lại tuyệt vời: lên xe, xuống xe có Chàng mở cửa, đóng cửa, vào bàn ăn có Chàng đưa vào ghế ngồi, bất cứ dịp nào cũng có thể được tặng hoa (không phải chỉ sinh-nhật, anniversary hay St Valentine's day)... 
Dìu dắt Nàng cũng nằm trong "Job description" của Chàng. Cho nên mấy anh/ông nhảy giỏi thường rất được các chị/bà chiếu cố: nhắm mắt lại, lim dim lướt trên sàn nhảy trong vòng tay ôm của Chàng, tưởng tượng mình là Hoàng-hậu trong buổi dạ-vũ, sướng nhé?

- Nghe và cảm thông

Khi Nàng buồn hay vui hay có tâm-sự, Nàng cần có Chàng bên cạnh lắng nghe và hiểu Nàng. Việc sở, việc con cái, việc gia-đình bên Nàng, bao nhiêu việc Nàng phải lo, đôi khi nhiều quá, trào ra thì cũng phải có ai hứng bớt. Không bắt buộc phải an-ủi Nàng hay giúp Nàng giải-quyết vấn-đề, đôi khi, chỉ cần có Chàng ngồi kế bên, cầm tay Nàng và nghe Nàng, hiểu Nàng là đủ lắm rồi.
Ngược lại, Nàng cũng muốn Chàng chia sẻ niềm vui, chia xẻ nỗi buồn của Chàng.
Nhưng Chàng cần đề cao cảnh-giác, đây là một con dao hai lưỡi: tin vui, vô thưởng vô phạt thì tốt, tin xấu hay vấn-đề nhức đầu, nhất là khi liên-can đến Nàng (hay đến gia-đình Nàng) thì nên cân-nhắc kỹ, uốn lưỡi mười bốn lần trước khi nói nhé, khái-niệm về "chia sẻ" của Nàng khá "selective" đấy. Nghe nhiều, nói ít là thượng sách.

(Người khôn ngoan có hai cái lưỡi, một cái để nói sự thật, và một cái để nói những gì cần nói).

- Nàng đẹp như bông hồng

Trong cái "Tôi" của người đàn-bà, tiêu-chuẩn thứ nhất chắc chắn phải là sắc đẹp. 
Sắc đẹp bên trong là quan-trọng nhưng nếu chưa qua ải "bên ngoài" thì làm sao xem đến bên trong? Cho nên đàn bà phải làm dáng, phải điệu, phải phấn son, phải ăn diện. 
Không có người đàn bà nào không thích được khen mình đẹp, mình trẻ (ra), lời khen thành-thật hay không cũng chẳng thành vấn-đề. Và dĩ nhiên Nàng luôn luôn cần cảm thấy mình đẹp, mình đáng yêu trong ánh mắt Chàng. "Trong đôi mắt anh, em là tất cả..."
Các ông cứ thì vẫn không hiểu tại sao đã có chồng rồi thì điệu để làm gì, điệu với ai? độn trên, độn dưới để khoe ai? Chàng "cua" dính Nàng rồi là chiến-tranh chấm dứt, nhưng Nàng thì khác, ván đã đóng thuyền nhưng ván vẫn cần sơn sửa, cần trang trí. 
Đoá hoa đã được hái, cắm vào bình thì vẫn phải đẹp chứ? Nàng làm đẹp để cho Chàng hãnh-diện khi đi bên mình cơ mà?
Nghĩ cho cùng, đàn ông ra công, ra sức trổ tài, trổ tiền để chinh phục Nàng vì Nàng đẹp, vì Nàng duyên dáng, nhưng cưới Nàng về rồi thì lại không thích chờ trong khi Nàng trang-điểm, không muốn Nàng ăn diện, không thích Nàng đi viện thẩm-mỹ, mà ngược lại rất vui thú khi ra đường được ngắm những cửa hàng tươi đẹp khác. Ích kỷ thật!

- Làm Nàng cười
Đàn ông đẹp trai thì cũng tốt, đàn ông giàu tiền thì cũng hơn, nhưng cách bảo-đảm nhất để chinh-phục một người đàn bà vẫn là làm Nàng cười. 
Các bạn sống bên Pháp chắc hẳn biết nghệ-sĩ hài-hước Sim, ngoại hình thì thật khó coi nhưng đắt đào không ai bằng, chỉ nhờ cái dí dỏm của ông. (Nói cho ngay, đã có duyên thì, đàn ông hay đàn bà, ai cũng thích thôi).

Nhưng đừng tưởng đi học lóm vài câu chuyện tiếu-lâm rồi kể ra là đủ. Chàng phải biết tạo nên một môi-trường thoải-mái, tạo nên một bầu không-khí khiến Nàng cảm thấy dễ-chịu, khoan-thai, để nàng có thể buông lơi, sẵn sàng đi theo Chàng đến bất cứ chân trời nào.

Một nụ cười là mười thang thuốc bổ. Cứ làm nàng cười, cứ làm Nàng vui thì chuyện gì cũng xong mà thôi.
Đây không phải là một sự quyến-rũ thể xác, mà là quyến rũ tinh thần, lịch sự, thanh tao.

- Chinh phục Nàng mỗi lúc

Như đã nói, một sai lầm của đàn ông là cứ nghĩ lấy nhau về rồi là xong, là "Game over". Chinh phục được trái tim Nàng là một chuyện, gìn giữ nó là chuyện khác. Nàng đâu phải là một chiến-lợi-phẩm đem về trưng trong phòng khách hay phòng ngủ? 
Vai trò người chồng không thể hạ bệ hình bóng người tình, cũng như người cha (khi đã có con) không thể thay thế người chồng hay người tình.
Chàng cần phải giàu tưởng-tượng, phải có óc sáng tạo để tiếp tục làm Nàng ngạc-nhiên, để làm nảy sinh lại những giây phút ban đầu, vì mơ mộng của Nàng không ngừng sau đám cưới hay sau khi trở thành một người mẹ.
Nếu bạn không biết gìn giữ lãnh-thổ của mình thì kẻ xâm-lăng sẽ không thiếu, nhất là nếu lãnh-thổ này phì-nhiêu, màu mỡ. Lúc đó, đừng có trách ai nhé!

Nói tóm lại, Chàng phải là chồng, là người yêu, là bạn, là anh, là cha, là bố bày nhỏ, ... 
Trong đôi mắt em, anh là tất cả, anh hiểu chưa?


4. Vừa đen, vừa trắng

Hai người chỉ có thể hiểu nhau khi nói cùng một thứ tiếng, có cùng một lối suy nghĩ. 
Và nếu Nàng bao giờ cũng có lý, thì Chàng không còn sự lựa chọn nào khác là tự sửa và tập suy-nghĩ "như" Nàng.
Như đã nói, cái "đơn-giản" của Chàng không thể hiểu được cái "phức-tạp" của Nàng, cho nên Chàng cần phải "phức-tạp hoá" lối suy-luận của mình đôi chút. 
Nhưng đò có lưng, Chàng cũng không cần phải ghi danh học một khoá "Nghịch-lý học" trong ngành "Đàn bà học" (xin phép các bạn ngôn-ngữ học cho phép tôi, chỉ một lần thôi, ghép một chữ Nôm với một chữ Hán Việt nhé?). Chàng chỉ phải tập làm hai việc trái-ngược với nhau là được. Này nhé,

- Nàng là người quan-trọng nhất NHƯNG chớ đặt Nàng lên bàn thờ
Yêu Nàng, bảo vệ Nàng, cưng chiều Nàng, cảm thông Nàng,..., đương-nhiên rồi, nhưng điều gì cũng một vừa, hai phải thôi nhé. 
Chưa hỏi đã khai, chưa sai đã làm,săn đón Nàng quá chỉ tổ làm Nàng bực, và tệ hơn nữa, Nàng sẽ trèo đầu, trèo cổ Chàng đấy. Đừng có nhanh nhẩu đoảng, chả ăn giải gì mà đôi khi còn bị quạt lại nữa là đằng khác. Các bác giai chắc chắn đã có (bao) phen muốn làm vợ vui để rồi bị cụt hứng lãng xeẹc: mua tặng Nàng món quà đắt tiền thì bị Nàng bắt đem trả, tặng hoa thì bị Nàng nghi ngờ muốn chuộc tội gì.
Không để ý đến Nàng không được, nhưng chăm lo cho Nàng quá cũng không xong.
Hãy làm tất cả những gì nên làm, nhưng chỉ làm những gì cần làm!

- Chàng phải là người hùng NHƯNG cũng phải có điểm yếu
Đàn ông thì phải "nam giới" (viril), phải là người hùng, đôi khi phải đượm chút "bad boy" nhưng đừng tưởng cứ cao-bồi vườn hay "macho" loại thất-phu là lọt vào mắt xanh Nàng đâu nhé. Đàn bà tế-nhị hơn thế nhiều, Chàng phải có nghị-lực, cứng rắn bên ngoài (đâu đó) nhưng  lại phải mềm-mại bên trong. Người hùng của Nàng cũng phải biết nhỏ lệ cho có chút nhân-tính, nghĩa là nam-giới tính của Chàng phải có điểm chút nữ-giới thì mới tuyệt.
Và ngược lại, nếu lúc nào cũng "Yes, Ma'am", "Tuỳ em, anh thế nào cũng được" thì Chàng lại bị kết tội "ba phải", "thụ động", thiếu cương-quyết. Cũng hỏng.

Đã bảo là phức tạp mà? Ở đời không phải chỉ trắng hay đen và ở giữa lại có một triệu màu khác nhau. Vấn-đề là phải biết định mức độ nhưng máy đo cái gì nên, cái gì cần, cái gì đủ thì lại không có, làm sao bi chừ?)
Than ôi, Ở sao cho vừa lòng Nàng?


5. Kết luận

Đàn bà là phức-tạp vậy, chưa kể không có Nàng nào giống Nàng nào và không có qui-luật nào áp dụng cho tất cả hết.
Riêng tôi đã thử bao nhiêu phương cách, bao nhiêu thuốc chữa mà cũng hoài công. 
Rồi một ngày kia, một ý-nghĩ chợt thoáng qua óc tôi: Tại sao mình có thể ly-dị vợ/chồng, nhưng không bao giờ có thể từ bố mẹ hay con cái mình? Vấn-đề máu mủ, ruột thịt ư? Chưa chắc, vì mình có thể giận và không nhìn mặt anh chị em mình mà? Vậy thì tại sao?
Tôi nghĩ có lẽ vì quan-hệ mật-thiết quá khiến chúng ta yêu thương bố mẹ mình, con cái mình "vô điều kiện". Con mình có "hư" cách mấy, có đối-xử tệ với mình cách mấy, mình vẫn chỉ có thể thương xót chúng. Bố mẹ mình có ruồng bỏ mình thế nào, mình cũng không thể quên được rằng không có bố mẹ mình thì cũng chẳng có mình.
Chả lẽ tình-nghĩa vợ chồng không "đáng" được như vậy? Nếu tôi may mắn có được một người vợ/chồng "tốt" (tuỳ theo quan-niệm mỗi người) và yêu thương tôi thì tất cả những gì "không tốt" (ai chả có tính này, tật nọ?), tất cả những bất đồng ý kiến nhỏ to, chả lẽ lại không giải-quyết được ư? Chỉ cần tin chắc vợ/chồng tôi là một người đáng yêu và yêu tôi thì một vài nhượng-bộ cũng đáng chứ? Nếu có được một người yêu tôi thật sự thì tôi đâu cần phải "tự yêu", tự ái?
Nói thì dễ nhưng làm mới là khó. Tôi không dám nói mình đã buông được tất cả (có mấy ai nói được?) nhưng buông "đủ" để thanh thản, để bớt nhức đầu thì cũng tạm tạm.

Trở lại vấn-đề, muốn đem lại hạnh-phúc cho Nàng thì Chàng cũng phải hiểu Nàng đôi chút nhưng Không cần biết em là ai, hãy cứ yêu thương Nàng vô điều kiện và nếu Nàng thật sự là người bạn đời thì Nàng chỉ có thể yêu thương Chàng vô điều kiện mà thôi.

Đàn bà sẽ vĩnh-viễn là một bí-ẩn trong cuộc sống. Chỉ có buông, chấp nhận và yêu.
May ra...


T.B.: Bài "Tìm hiểu đàn ông", không biết có cần viết nữa không nhỉ?

Yên Hà, tháng 6, 2013
Tài-liệu tham-khảo:
Les secrets de la psychologie féminine
http://www.psychologie-amoureuse.com/psychologie-feminine/

Ce qu’une femme attend d’un homme

Qu’est-ce que les femmes attendent des hommes en amour ?

Voici ce que les femmes détestent chez les hommes

Vài điều phụ nữ ước ao đàn ông hiểu rõ về mình  (Thiên Bình)
http://afamily.vn/tinh-yeu-hon-nhan/vai-dieu-phu-nu-uoc-ao-dan-ong-hieu-ro-ve-minh-2013040612101414.chn

Tiếng nước tôi: Chính tả (1) / Dấu hỏi-Dấu ngã

Chữ viết hiện nay của người Việt là chữ viết ghi lại theo phát âm. Do đó việc viết đúng phải dựa trên đọc đúng; đọc đúng là cơ sử viết đúng. Tuy nhiên, do yếu tố vùng miền, cách phát âm mỗi nơi có khác nhau. Mặc dù những qui tắc, qui ước về chính tả đã được thống nhất theo ngữ pháp chung, nhưng việc “viết đúng chính tả” hiện nay nói chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Vấn đề là: Cũng như tất cả các nước dùng hệ thống chữ cái La-Tinh khác trên thế giới, “ghi giọng nói” là thao tác hiển thị cơ bản của ngôn ngữ viết. Trong khi trong thực tế ở nước ta, hiện tượng không đồng nhất trong phát âm là khá phổ biến. “Nghe và hiểu” được tiếng nói của nhau quả là không đơn giản.
Một số ví dụ tiêu biểu như: Phát âm của một số vùng Bắc Bộ (Hải Dương) thì “nói và làm” thành ra “lói và nàm”, khu vực Trung Bộ (khu vực Bình Trị Thiên, Nghệ Tỉnh) hầu như không phân biệt nỗi các dấu thanh “sắc-nặng-hỏi-ngã” như “nói” lại thành “nọi”. Phát âm khu vực các Tỉnh “xứ Quãng” thì càng gay gắt hơn với những nguyên âm chính như “ ăn” thành “eng”, “nói” thì nghe thành “núa”, các tỉnh Miền Nam thì “về” thành ra “dề” hay “lan” và “lang” nghe như nhau, đặc biệt vùng đồng bằng Nam bộ còn có phát âm như ngọng “Con cá rô bỏ vô rổ giãy rột rột” thành “ Con cá gô bỏ vô gổ dảy gột gột"…
Nguyễn Sĩ Chỉnh


1. Dấu "Hỏi" hay dấu "Ngã"?
(đó mới là vấn-đề! That is the question)
Một trong những lỗi chính tả thông-dụng nhất là “dấu hỏi-dấu ngã” mà chúng ta sẽ xem qua tháng này.
Tiếng Việt chúng ta có khoảng chừng 2000 chữ mang dấu "hỏi" và 1000 chữ mang dấu "ngã", nghĩa là chúng ta có đến 3000 cơ-hội viết sai chính-tả trên phương diện này. 
Hai dấu “hỏi” và ‘ngã” đều là thanh “gãy”, nghĩa là lúc đọc, âm thanh lên, xuống thành hai, ba điệu chứ không ngang hay lên hay xuống “một lèo” như thanh ngang, huyền, sắc, nặng. (Cũng vì lý do này, trong thanh nhạc, những chữ với thanh hỏi-ngã thường được hát láy, nghĩa là một nốt hát thành ba, bốn nốt).
Do đó, hai thanh này khó phân biệt hơn và hay bị lầm lẫn. 

(Theo tôi biết, tiếng Lào có dấu “hỏi” nhưng không có dấu “ngã”, cho nên đồng bào ta sống bên Lào lâu năm thường gặp khó khăn với dấu “hỏi-ngã” khi nói tiếng Việt).

Tôi cũng nhớ lại thuở còn trẻ (lâu lắm rồi), làm báo trong các hội-đoàn sinh-viên, lúc đó chưa có máy điện tính, máy đánh chữ tay và nơi xứ ngoài không có thanh dấu, chúng tôi phải bỏ dấu bằng tay. Lúc đó, thông-lệ là chỉ mấy thằng "BK" mới được giao-phó công việc này cũng như việc sửa chữa lỗi chính tả. (Nói như thế không có nghĩa là người Bắc không viết sai chính-tả đâu nhé, chẳng qua là ít hơn thôi).

Việc gì cũng có luật, có lệ, có qui-tắc, qui-ước làm điểm tựa để thi hành. Dấu hỏi, dấu ngã viết cho đúng, cũng có cách chứ không chỉ phải đoán mò đâu.
Xin mời các bạn "đầu-tư" chút thời giờ và trí năng để luyện lại chính tả tiếng Việt mình, để cha ông chúng ta còn hãnh-diện về con cháu mình mất nước chứ không mất gốc.

2. Phân biệt tiếng thuần-Việt và tiếng Hán-Việt
Tiếng Việt ta biến chuyển theo lịch-sử nên từ-vựng tập-hợp từ những nguồn khác nhau:
- Từ thuần Việt (tiếng Nôm) đã có trước khi dân-tộc ta bị người Hán đô-hộ,
- Từ Hán Việt, là tiếng Hoa đọc theo giọng Việt; số lượng này đã chiếm quá nửa số vốn của chúng ta,
- Từ vay mượn từ một ngôn-ngữ khác (nhất là tiếng Pháp),
và mỗi nhóm từ vựng (vocabulary) có quy-luật riêng để phân-biệt "hỏi-ngã".
Như vậy, ít ra chúng ta phải biết nhận ra chữ Nôm và chữ Hán Việt (chữ vay mượn tiếng Pháp dầu sao cũng ít và dễ phân-biệt hơn nhiều).

Tiếng Nôm là những tiếng "nói sao, hiểu vậy" (cho nên mới có từ-ngữ "nói nôm-na"), trong khi tiếng Hán-Việt thường "rắc rối" hơn.
Thí dụ: 
tập vở, bàn ghế, nhà thương (thay vì bệnh-viện), máy bay (thay vì phi cơ)...


Ngoài ra, chữ Nôm ta có hai đặc-điểm giúp ta nhận diện. Sẽ là chữ Nôm nếu chữ:
- có thể tạo ra những từ láy (xin mời xem lại bài viết về từ-láy
http://phu-tran.blogspot.com/2013/04/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-tu-on-tu-kep.html );
ví dụ: nở (nang), lẩn (thẩn), đậm (đà), vội (vàng)... là những từ thuần Việt. (Có thể nói tất cả những từ-láy đều là tiếng nôm);


- có thể đổi thanh dấu mà vẫn giữ nguyên ý-nghĩa
ví dụ: dẫu-dầu, chăng-chẳng, đã-đà, lời-lợi... 
là những từ thuần Việt, vì chúng có thể viết khác dấu mà vẫn đồng nghĩa.


Tiếng Hán-Việt hầu như chỉ dùng trong từ ghép. 

Những chữ như quốc (nước), gia (nhà), sơn (núi), (sông), nhất (một), nhị (hai)... có nghĩa nhưng không thể dùng riêng rẽ. Chúng ta có thể nói " tôi yêu nước", hay "tôi leo núi" chứ không ai nói " tôi yêu quốc", hay "tôi leo sơn"... 
Chữ nhất, nếu chỉ số (một) là tiếng Hán nhưng chỉ hạng (hạng nhất) lại là tiếng Nôm có thể dùng riêng như trong câu "Tôi yêu vợ tôi nhất".
Cho nên, có thể nói đa số các tiếng đơn đều là từ thuần Việt (dễ nhớ nhé?).

Một nguyên-tắc khác trong tiếng đôi (từ ghép) cũng sẽ rất hữu-ích:
- tiếng Nôm liên kết với tiếng Nôm (thường là từ láy). Thí dụ: máy bay, lỗi lầm, tươi tốt...
- tiếng Hán-Việt liên kết với tiếng Hán-Việt. Thí dụ: hoạ sĩ, giang sơn, hành pháp...

Lưu ý: Nguyên-tắc này hiện giờ đã bị xoá bỏ trong tiếng Việt mới dùng một cách "hằm bà lằng" tại Việt-Nam (và bởi một số người Việt tại hải-ngoại) với những chữ như siêu sao (siêu là Hán-Việt, sao là thuần Việt).

Một trường-hợp đặc-biệt là những từ láy gồm 1 tiếng nôm + 1 tiếng Hán Việt đồng nghĩa và đã được dùng đơn độc làm tiếng Nôm. 
Thí dụ: máu huyết, màu sắclý lẽ ...
(Đây cũng là trường-hợp những chữ Hán-Việt có thể dùng riêng vì đã được xem như tiếng Nôm rồi).

3. Dấu hỏi-ngã đối với tiếng thuần Việt
Luật Trầm-Bổng
Một tính cách rất nổi bật của tiếng Việt là tính cách hoà-phối ngữ-âm (harmonie phonique) giữa hai thành phần của một từ láy, tạo nên sự cân đối giữa các âm-tiết (syllabe) của từ.
Sự hài hoà đó được thực-hiện trong thanh-điệu và như đã nói, trên tiêu-chuẩn cao độ, 6 thanh-điệu Việt-Nam được xếp theo 2 nhóm:
     Bổng:  Ngang-Sắc-Hỏi
và Trầm:  Huyền-Ngã-nặng.

Luật Trầm-Bổng sẽ giải-quyết vấn-đề Hỏi-Ngã cho các từ láy thuần-Việt như sau:
- Nếu một từ là thanh Ngang, hay Sắc, hay Hỏi (Thanh Bổng), thì từ kia phải là thanh Hỏi (chứ không thể thanh Ngã)
Thí-dụ: 
Ngang-Hỏi: lửng lơ, thơ thẩn, văng vẳng, sang sảng...
   Ngoại lệ: ngoan ngoãn, khe khẽ, nông nỗi...

Hỏi-Hỏi:     bủn rủn, lảo đảo, lỏng lẻo, rủng rỉnh...
Sắc-Hỏi:    đắt đỏ, gắt gỏng, rẻ rúng, hối hả...

- Nếu một từ là thanh Huyền, hay Ngã, hay Nặng (Thanh Trầm), thì từ kia phải là thanh Ngã (chứ không thể thanh Hỏi)

Thí dụ: 
Huyền-Ngã: thẫn thờ, rầm rĩ, sẵn sàng, ngỡ ngàng, rõ ràng...
    Ngoại lệ: bền bỉ, niềm nở, ...

Ngã-Ngã:    lỡ cỡ, lẽo đẽo, bẽn lẽn, lõm bõm...
Nặng-Ngã:  mạnh mẽ, nũng nịu, đẹp đẽ, kĩu kịt...
   Ngoại lệ:  vỏn vẹn...

Lưu ý: Từ láy không phải lúc nào cũng viết láy mà nhiều khi chỉ dùng riêng, cho nên gặp chữ nào không biết dấu "hỏi" hay "ngã", thì cứ xem thử có từ láy với chữ đó không, rồi nếu có, áp dụng luật Trầm-Bổng.
Thí dụ: nũng viết riêng thì phải nghĩ đến nũng nịu, lỡ viết riêng thì phải nghĩ đến lỡ cỡ, lỏng viết riêng thì phải nghĩ đến lỏng lẻo,...

Luật hài thanh

Những từ biến đổi thanh điệu mà không đổi ý nghĩa theo luật mà ông lê Ngọc Trụ (1959) gọi là "tan-tán-tản" (nhóm ngang-sắc-hỏi) và "lời-lãi-lợi" (nhóm huyền-ngã-nặng):
-Tan-Tán-TảnNgang-Sắc-Hỏi đi với nhau: 
Thí dụ: 
Ngang-Hỏi:  chăng-chẳng, không-hổng, chưa-chửa, vênh-vểnh... 
Hỏi-Sắc:      lén-lẻn, hớ-hở, há-hả, thoáng-thoảng... 
Ngang-Sắc: ham-hám, ... 

-Lời-Lãi-LợiHuyền-Ngã-Nặng đi với nhau:

Thí dụ: 
Huyền-Ngã:   đã-đà, ngỡ-ngờ, dẫu-dầu, cũng-cùng... 
Ngã-Nặng:    sẫm-sậm, (thi) đỗ-đậu, ngỡ-ngợ... 
Huyền-Nặng: lời-lợi, từ-tự,ngờ-ngợ...  

- Ngoài ra, một số từ Hán Việt và tiếng thuần Việt dường như có liên quan, gần gũi với nhau, cũng theo luật Tan-Tán-Tản / Lời-Lãi-Lợi này.
Thí dụ: 
-Tan-Tán-Tản: thiểu (Hán)-thiếu (Nôm), thố (Hán)-thỏ (Nôm), xả (Hán)-xá (Nôm), ...
-Lời-Lãi-Lợi:  cưỡng (Hán)-gượng (Nôm), trữ (Hán)-giữ (Nôm), ...

Tiếng nói tắt (gộp âm)
Người Việt - nhất là người miền Nam - hay nói gộp các tiếng hai âm tiết thành một trong những trường hợp như: phải không > phỏng (Bắc), bà ấy > bả, ở bên ngoài ấy > ở ngoải, hôm ấy > hổm, năm ấy > nẳm, hồi ấy > hổi...
Tất cả những tiếng nói gộp trên đây đều mang dấu hỏi.

Các bạn chưa "tẩu hoả nhập ma" chứ? Chúng ta xem tiếp tiếng Hán Việt nhé?

4. Dấu hỏi-ngã đối với tiếng Hán Việt
Nhận biết được một từ Hán Việt sẽ có lợi rất lớn là phân biệt được một phần khá lớn những từ mang dấu hỏi-ngã thuộc nhóm từ Hán Việt (hơn nửa từ-vựng của ta).

- Những từ Hán Việt bắt đầu bằng các phụ âm d, l, m, n, nh, ng, v thường viết dấu ngã. (
Có khoảng 180 từ Hán Việt mang dấu ngã.)

Ví dụ:
D: Dã (man), dĩ (nhiên), (bồi) dưỡng, diễn (đạt)...
L: Lãnh (đạo), lãng (mạn), lão (thành), lễ (độ)...
M: Mãn (khoá), mãnh (hổ), mẫu (số), miễn (phí)...
N: (Truy) nã, (trí) não, nỗ (lực), nữ (nhi)...
Nh: Nhã (nhặn), nhãn (hiệu), nhẫn (nại), (ô) nhiễm...
Ng/ngh: (Bản) ngã, (ngôn) ngữ, (tín) ngưỡng)...
V: Vãn (cảnh), vĩnh viễn, vĩ (tuyến), vũ (lực)...

Để nhớ luật này, chúng ta hãy dùng thuật-nhớ: “Mình Nên NHViết Liền Dấu NGã”.

 Ngoài những trường hợp kể trên, hầu hết các từ Hán Việt khác đều viết dấu Hỏi.
Thí dụ:
  Nguyên âm: ả, ảo, ẩn, yểu, uẩn, uỷ...
  Phụ âm:
b:  bảo, bỉ, bỉnh, bổng, bửu...
c/k/q:  cảo, cổ, củ, kỉ, kiểu, quả, quản, quảng, quỷ
ch: chỉ, chiểu, chuẩn, chủng, chử
đ: đả, đẩu, để, điểu, đổ
gi: giả, giảo,
h: hảo, hỉ, hổ, hủ
kh: khả, khẩu, khổ, khởi
ph: phả, phỉ, phổ
s: sỉ, sổ, sửu
t: tả, tảo, tể, tỉ, tổ, tử
th: thải, thổ, thủ, thưởng
tr: trảo, trảm, triển, trưởng
x: xả, xảo, xỉ, xử...

Nhóm thứ nhì này có khoảng 30 trường hợp ngoại lệ, nên (?) nhớ thuộc lòng:
b: bãi (bãi thị, bãi nại), bĩ (bĩ vận), 
c: cưỡng (cưỡng đoạt), cữu (linh cữu, cữu phụ)
đ: đãng (khoáng đãng), đễ (hiếu đễ)
h: hãm (hãm hại), hãn (hãn hữu), hoãn (hoãn binh), hỗ (hỗ trợ), hỗn (hỗn hợp, hỗn mang), huyễn (huyễn mộng), hữu (bằng hữu)
k: kỹ (ca kỹ, kỹ thuật, kỹ xảo)
ph: phẫn (phẫn nộ), phẫu (giải phẫu)
d: quẫn (quẫn bách), quỹ (quỹ đạo, quỹ tích, thủ quỹ)
s: sĩ (bác sĩ, viện sĩ), suyễn (suyễn tức, suyễn yết)
t: tiễn (tiễn biệt), tĩnh (tĩnh mịch), tuẫn (tuẫn tiết)
th: thuẫn (mâu thuẫn), thũng (phù thũng)
tr: trãi, trẫm, trĩ (ấu trĩ), trữ (dự trữ, lưu trữ, tích trữ)
x: xã (xã hội, xã tắc)


5. Những qui-tắc "hỏi-ngã" khác
Trạng-từ (adverb)

Các chữ về trạng-từ thường viết bằng dấu ngã.
Thí dụ: cũng, đã, vẫn, nữa, sẽ, hãy (hẵng), ...
Một vài ngoại-lệ: chẳng (chả)...

- Những tiếng vay mượn từ tiếng nước ngoài (phần lớn từ tiếng Pháp) và đã chuyển sang giọng tiếng Việt, thì thường viết với dấu hỏi.
Thí dụ: moả (moi=tôi), luỷ (lui=hắn), cỏ-vê (corvée= việc nặng nhọc), mỏ lết (molette= kềm vặn ốc), ...


Tóm-lược
Những qui-luật về dấu hỏi-dấu ngã khá phức tạp. Nhưng đò có lưng (đừng có lo)!

Đơn giản hơn, để viết dấu hỏi-dấu ngã cho đúng trong đa số các trường-hợp, chúng ta chỉ cần nhớ 4 điều thật giản-dị và dễ hiểu:

- Tiếng thuần Việt (từ láy và từ chuyển thanh-điệu):
      Ngang-Sắc-Hỏi      đi với nhau    >>>   Hỏi    (chứ không thể Ngã)
      Huyền-Ngã-Nặng   đi với nhau    >>>   Ngã   (chứ không thể Hỏi)

- Tiếng Hán Việt:
   D-L-M-N-Ng-Nh-V  Mình Nên NHViết Liền Dấu NGã” >>> Ngã
   Những chữ khác đều viết dấu "Hỏi".


Chỉ vậy thôi, không cần phải hiểu nhiều, nhớ hết. Áp dụng chừng ấy là chúng ta đã giải-quyết được vấn-đề trong 90% trường-hợp rồi, phải không?

Thời buổi này, nói chuyện tào-lao hay viết i-meo, nhất là nhiều khi còn phải pha tiếng Anh, tiếng Pháp, thì cần gì phải nói cho đúng, cần gì phải bỏ dấu cho rắc rối cuộc đời?
Nhưng ngôn-ngữ dân-tộc mình, nói đúng, viết chuẩn thì vẫn hơn. Nhất là đối với người Việt tha-hương, chúng ta chỉ còn có tiếng nói, chữ viết của mình để gìn-giữ huyết-thống, gốc gác của mình. Thiết tưởng cũng đáng lắm chứ?
Hoài bảo tôi chỉ có thế, cho nên tôi đã bắt đầu công-trình tham-khảo này để tự học lại căn-bản ngôn-ngữ mình và cùng chia sẻ với các bạn đồng chí hướng.
(Nếu cần phổ biến cho thân hữu, xin các bạn cứ tuỳ tiện phổ-biến link những bài viết).

Tháng sau, chúng ta sẽ xem nốt vài lỗi chính-tả khác.

Yên Hà, tháng 6, 2013


Tài-liệu nguồn Dấu Hỏi-Dấu Ngã:


Dấu Hỏi-Ngã trong văn-chương Việt-Nam, Cao Chánh Cương 

Phép bỏ dấu hỏi-Ngã trong tiếng Việt và Việt ngữ Hỏi-Ngã tự vị, Đinh Sĩ Trang

Tiếng Việt

La chanson d'Orphee-Thanh Tuyen



Click "Play" or http://youtu.be/oyFAJ7NMIUQ
Enjoy.

Slave - Ngọc Phú



Click on "Play" or   http://youtu.be/6M_r8vbHyh0