UA-83376712-1

Labels

Jul 20, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (6) : Kết Quả Của Thời Bắc Thuộc


    Đại-cương
1.Thượng-cổ thời-đại
1.1 Họ Hồng Bàng
1.2 Nhà Thục
1.3 Nhà Triệu

2. Bắc thuộc thời đại
2.1 Bắc thuộc lần thứ 1 - Trưng Vương
2.2 Bắc thuộc lần thứ 2 - Bà Triệu
2.3 Nhà Tiền Lý
2.4 Bắc Thuộc Lần Thứ 3

./.


2.5 Kết Quả Của Thời Bắc Thuộc
2.5.1 Người nước Nam nhiễm văn minh của Tàu
Từ khi vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bát Đức sang đánh lấy Nam Việt cho đến đời Ngũ Quí, ông Ngô Quyền đánh đuổi người Tàu về bắc, tính vừa tròn 1050 năm.

Xứ Giao Châu ta bị người Tàu sang cai trị bấy lâu năm thì chắc là sự sinh hoạt của người bản xứ cũng bị thay đổi một cách khác hẳn với trước. Khi đất Giao Châu còn gọi là Văn Lang hay là Âu Lạc thì người bản xứ ăn ở thế nào, phong tục làm sao, nay cũng không có di tích gì mà kê cứu rạch rõ được.
Vả lại, khi người một xã hội đã văn minh như người Tàu mà đi mở đất chưa khai như đất Giao Châu lúc bấy giờ, thì e rằng người Tàu chiếm giữ lấy chỗ bình địa rồi tụ họp với nhau mà làm ăn, còn những người bản xứ thì hoặc là lẫn với kẻ khỏe hơn mình, hoặc giết hại đi, hoặc vào ở trong rừng trong núi rồi chết mòn chết mỏi đi. Kể như thế thì người mình bây giờ cũng không xa người Tàu là bao nhiêu (?)

Dẫu thế nào mặc lòng, hết đời Bắc Thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với nước Tàu. Duy chỉ có sự sùng tính, sự học vấn, cách cai trị thì bao  giờ mình cũng chịu cái ảnh hưởng của Tàu.
Nguyên nước Tàu từ đời Tam Đại đã văn minh lắm, mà nhất là về  đời nhà Chu thì cái học thuật lại càng rực rỡ. Những học phái lớn như là Nho Giáo và Lão Giáo đều khởi đầu từ đời ấy. Về sau đến đời nhà Hán, nhà Đường, những học phái ấy thịnh lên, lại có Phật Giáo ở Ấn Độ truyền sang, rồi cả ba đạo cùng truyền bá đi khắp cả mọi nơi trong nước. Từ đó trở về sau nước Tàu và những nước chịu ảnh hưởng của Tàu đều theo tông chỉ của những đạo ấy mà lập ra sự sùng tín, luân lý và phong tục tương tự như nhau cả. Vậy ta xét qua xem những học phái ấy gốc tích từ đâu, và cái tông chỉ của những học phái ấy thế nào.

2.5.2 Nho Giáo
Nho giáo sinh ra từ đức Khổng Tử (còn gọi là Khổng Phu Tử). Ngài húy là Khâu, tên chữ là Trọng Ni, sinh ở nước Lỗ (thuộc tỉnh Sơn Đông) vào năm 551 trước Tây Lịch, về đời vua Linh Vương nhà Chu.
Ngài sinh ra vào đời Xuân Thu, có Ngũ Bá tranh cường, dân tình khổ sở, phong tục bại hoại. Ngài muốn lấy đạo luân thường mà dạy người ta cách ăn ở với nhau trong đời. Ngài đi du lịch trong mấy nước chư hầu, hết nước nọ qua đến nước kia, môn đệ theo ngài cũng nhiều.
Đến lúc già, ngài trở về nước Lỗ, soạn 6 bộ sách rồi đến năm 479 trước Tây Lịch về đời vua Kính Vương nhà Chu thì Ngài mất, thọ được 72 tuổi.

Sáu bộ sách là:
- kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian,
- kinh Thư: ghi lại các truyền-thuyết,
- kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học Trung Hoa dựa trên các khái niệm âm-dương, bát quái, ... ,
- kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước,
- kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ
- kinh Nhạc: nói về nghệ thuật âm nhạc và các loại nhạc khí, nhưng về sau bị Tần Thuỷ Hoàng đốt mất, chỉ còn lại một ít làm thành một thiên trong Kinh Lễ gọi là Nhạc ký.
Như vậy 6 cuốn sách chỉ còn lại 5 cuốn, đời sau gọi đây là Ngũ Kinh.
(Wikipedia)

Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhâncai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đứcquy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". (Wikipedia)

Ngài chỉ cốt lấy những điều hợp với bản tính của loài người mà dạy người, chứ không dạy những điều u uẩn huyền diệu khác với đạo thường. Ngài nói rằng: "Đạo bất viễn, nhân chi vi đạo nhu viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo". Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính người ta, hễ vì đạo mà xa cái bản tính ấy thì đạo ấy không phải là đạo. Bởi vậy cái tông chỉ của Ngài là chủ lấy Hiếu, Đễ, Trung, Thứ làm gốc, và lấy sự sửa mình làm cốt mà dạy người.
Ngài chỉ dạy người về sự thực tế hiện tại, chứ những điều viễn vông ngoài những sự sinh hoạt ở trần thế ra thì Ngài không bàn đến. Nói đến sự sống chết thì Ngài bảo rằng: "Vị tri sinh, yên tri tử", chưa biết được việc sống, sao đã biết được việc chết. Nói đến việc quỉ thần thì ngài bảo rằng: "Quỉ thần kính nhi viễn chi", quỉ thần thì nên kính, mà không nên nói đến.

Tổng chi, đạo Ngài thì có nhiều lý tưởng cao siêu nhưng về đường thực tế thì chú trọng ở luân thường đạo lý.
Cái đạo luân lý của Ngài có thể truyền cho muôn đời về sau không bao giờ vượt qua được.
Đối với mọi người thì Ngài dạy: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", điều gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì mình đừng làm cho ai".
Đối với việc bổn phận của mình thì ngài dạy: "Quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo, hành nhi thế vi thiên hạ pháp, ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc, viễn chi tắc  vọng, cận chi tắc bất yếm", người quân tử cử động việc gì là để làm đạo cho thiên hạ, nói năng điều gì là để làm mực cho thiên hạ; người ở xa thì muốn lại gần, người ở gần thì không bao giờ chán.

Đạo của Khổng Tử truyền cho thầy Tăng Sâm; Tăng Sâm truyền cho Khổng Cấp; Khổng Cấp truyền cho thầy Mạnh Kha tức là thầy Mạnh Tử.
Thầy Mạnh Tử là một nhà đại hiền triết nước Tàu, làm sách Mạnh Tử, bàn sự trọng nhân nghĩa, khinh công lợi, và cho tính người ta vốn lành,  ai cũng có thể nên được Nghiêu, Thuấn cả.

Đến đời nhà Tần, vua Thỉ Hoàng giết những người Nho học, đốt cả sách vở, đạo Nho phải một lúc gian nan.
Đến đời vua Cao Tổ nhà Hán lại tôn kính đạo Nho, sai làm lễ thái lao tế đức Khổng Tử.
Đến đời vua Vũ Đế nhà Hán lại đặt quan bác sĩ để dạy năm kinh. Từ đấy trở đi, đạo Nho mỗi ngày một thịnh, dẫu trong nước có đạo Lão, đạo Phật mặc lòng, bao giờ đạo nho vẫn được trọng hơn.


(Thời buổi này, có nhiều người Việt quan-niệm rằng Khổng-giáo đã lỗi thời. Chúng ta dĩ nhiên phải sống thích-nghi với thế-hệ và xã-hội của mình nhưng riêng tôi vẫn tin rằng căn-bản giáo-huấn của Khổng Tử vẫn thích đáng. Chúng ta có thể mắc phải iPadmania hay selfie-mania nhưng tôn trọng bố mẹ, ông bà hay người già cả vẫn là đúng,... Dĩ nhiên, sống bên những nước (quá) tự-do mà áp dụng triệt-để Nho-giáo thì chắc hẳn phải thiệt thòi cho mình nhưng đã gọi là văn-hoá mình thì làm sao từ bỏ được? Ngược lại, có lẽ đối các thế-hệ con cháu chúng ta thì có lẽ mình cũng nên chấp-nhận và khuyến khích chúng “xuất gia tuỳ tục”, nhất là khi chúng đã sinh trưởng bên này.)

2.5.3 Đạo Giáo
Đạo giáo là bởi đạo của ông Lão Tử mà thành ra.
Lão Tử là người nước Sở (thuộc tỉnh Hồ Bắc) họ là Lý, tên thuỵ là Đam, (tên riêng có thể là Lý Nhĩ, tên tự có thể là Bá Dương: Wikipedia), sinh vào năm 604 (?) trước Tây Lịch về đời vua Định Vương nhà Chu, sống được 81 tuổi, đến năm 523 trước Tây Lịch, vào đời vua Cảnh Vương nhà Chu thì mất.

Người ta biết được rất ít về cuộc đời Lão Tử. Sự hiện diện của ông trong lịch sử cũng như việc ông viết cuốn "Đạo Đức Kinh" đang bị tranh cãi rất nhiều. (Wikipedia)

Tông chỉ của Lão Tử là trước khi có trời đất, thì chỉ có Đạo.
Đạo (= con đường) là bản thể của vũ trụ, là cái gốc nguyên thỉ của các sự tạo hóa. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy sửa mình và trị nước nên phải theo Đạo, nghĩ là người ta nên điềm tĩnh, vô vi, cứ tự nhiên, chứ không nên dùng trí lực mà làm gì cả.
Lão Tử soạn ra sách Đạo Đức Kinh, rồi sau có Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử, và Liệt Tử noi theo mà truyền bá cái tông chỉ ấy.

Đạo của Lão Tử lúc đầu là một môn triết học rất cao siêu nhưng về sau cái học thuyết biến đổi đi, rồi những người giảng thuật thần tiên cũng phụ theo đạo ấy mà nói những chuyện số kiếp và những sự tu luyện để được phép trường sinh bất tử v. v... Bởi vậy đạo Lão mới thành ra Đạo giáo là một đạo thần tiên, phù thủy, và những người theo Đạo giáo gọi là đạo sĩ.

Đời vua Cao Tổ nhà Đường có người nói rằng thấy Lão tử hiện ra ở núi Dương Giác Sơn xưng là tổ nhà Đường. Vua Cao Tổ đến tế ở miếu Lão Tử và tôn lên là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế. Bởi vậy nhà Đường trọng đạo Lão Tử lắm, bắt con cháu phải học Đạo Đức Kinh.

Tuy đạo Lão về sau thịnh hành ở nước Tàu, nhưng cũng không bằng đạo Phật.

2.5.4 Phật Giáo
Tị tổ đạo Phật là đức Thích Ca Mâu Ni. Không biết rõ ngài sinh vào đời nào. Cứ ý kiến của đạo phái ở về phía Bắc đất Ấn Độ thì cho là ngài sinh về năm 1028 trước Tây Lịch kỷ nguyên, vào đời vua Chiêu Vương nhà Chu. Còn đạo phái ở phía Nam thì cho vào năm 624. Những nhà bác học thời bây giờ cho ngài sinh vào năm 558 hay là 520, cùng với Khổng Tử một thời.

Đức Thích Ca là con một nhà quí tộc đất Ấn Độ. Ngài đã lấy vợ, có con, nhưng vì thấy người ta ở trần thế này không ai khỏi được những khổ não như sinh, lão, bệnh, tử, cho nên ngài bỏ cả vợ con mà đi tu, để cầu phép giải thoát.
Vậy đạo Phật cốt có hai chủ ý: một là đời là cuộc khổ não; hai là sự thoát khỏi khổ não.

Người ta gặp phải những sự khổ não như thế là tại mình cứ mắc trong vòng luân hồi mãi. Vậy muốn cho khỏi sự khổ não thì phải ra ngoài luân hồi mới được; mà ra ngoài luân hồi thì phải cắt cho đứt những cái nhân duyên nó trói buộc mình ở trần gian này.
Ra được ngoài Luân Hồi thì lên đến cõi Nát Bàn (nirvana) tức là thành Phật, bất sinh, bất tuyệt.
Nguyên đạo Phật là do ở đạo Bà La Môn (Brahmane) mà ra, nhưng tông chỉ đạo Phật không giống đạo Bà La Môn cho nên hai đạo chống nhau mãi, thành ra đến ba bốn trăm năm sau, khi đức Thích Ca mất rồi, đạo Phật mới phát đạt ra ở Ấn Độ.

Đạo Phật sang nước Tàu kể từ nhà Tây Hán. Đời vua Hán Vũ Đế (140 - 86) quân nhà Hán đi đánh Hung Nô đã lấy được tượng Kim Nhân và biết rằng người Hung Nô có thói đốt hương thờ Phật. Đời vua Ai Đế năm Nguyên thọ nguyên niên, là lịch tây năm thứ 2, vua nhà Hán sai Tần Cảnh Hiến sang sứ rợ Nhục Chi có học khẩu truyền được kinh nhà Phật.
Suốt mấy trăm năm, người Trung-Hoa đã đi thỉnh kinh bên Tây Vực và Ấn Độ. 
Đời vua Thái Tông nhà Đường (630), có ông Huyền Trang (tục gọi là Đường Tăng hay Đường Tam Tạng) đi sang Ấn Độ ở hơn 10 năm lấy được 650 bộ kinh nhà Phật.

Từ đó đạo Phật rất thịnh, kinh điển có đến 450 bộ, chùa chiền được hơn 3 vạn, tăng ni có đến 2 triệu người.
Từ đời nhà Đường trở đi, thì ở bên Tàu đạo Phật càng ngày càng thịnh, mà người đi lấy kinh cũng nhiều.

2.5.5 Sự Tiến Hóa Của Người Nước Nam
Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao Châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.

Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao?
Có lẽ một là tại địa thế nước Nam ta, hai là cách ăn ở của người mình.

Phàm sự tiến hóa của một xã hội cũng như công việc của người làm, phải có cái gì đó nó đun đẩy mình, nó bắt phải cố sức mà tiến hóa thì mới tiến hóa được. Sự đun đẩy ấy là sự cần dùng và sự đua tranh. Nếu không có cần dùng thì không có cố gắng, không cố gắng thì không tiến hóa. Nếu không có đua tranh thì không có tìm kiếm, không tìm tìm kiếm thì không tài giỏi, sự lý tất nhiên là vậy.

Xem như nước Nam ta, thì hai cái yếu điểm ấy đều kém cả. Người mình ở về xứ nóng nực, cách ăn mặc giản dị, đơn sơ, không phải cần lao lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn lạc, quí hồ khỏi chết thì thôi, chứ không ai muốn lao tâm lao lực lắm như những người ở nước văn minh khác. Tính người mình như thế, thì hễ ai nói cái gì, mình chỉ bắt chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt ra được điều gì nữa.

Còn như sự đua tranh, phải có nhiều người, nhiều nước thì mới đua tranh được. Nhưng nước ta ở phía Đông thì có bể, ở phía Tây, phía Nam thì những người Mường, người Lào là những người văn minh kém mình cả, còn ở phía Bắc có nước Tàu là hơn mình, nhưng Tàu lại to quá, sự giao thông với mình thì cách trở sơn xuyên, đường sá khó khăn không tiện, chỉ có quan tư thỉnh thoảng đi lại mà thôi, chứ dân trong nước không mấy khi ra đến ngoài bờ cõi nước nhà. Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ  văn minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.
Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.

(Đây là quan-điểm của cụ Trần Trọng Kim, ngoài ra, tôi cũng có cơ-hội đọc một vài bài thâu-lượm trên Mạng về những đặc-tính người Việt ta. Riêng tôi cảm thấy không đủ tư-cách để bình-luận về vấn-đề nhạy-cảm này và chỉ biết để mỗi người có quan-điểm riêng của chính mình thôi).



 Xin mời đọc tiếp Phần 3 : Tự-chủ thời-đại

Yên hà, tháng 7, 2016

Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim
- Wikipedia
  

Nếu... nhưng mà...

Đời là bể khổ và cuộc sống là một hành-trình không ngừng đi tìm hạnh-phúc. Nhưng đôi lúc, chúng ta suýt chết khát bên cạnh bờ sông vì hạnh-phúc không hẳn là một công-trình vĩ đại như những nhiệm-vụ của Hercules mà chúng ta chỉ có thể mơ ước với những “nếu…” hay những “giá như mà…”. Hạnh-phúc đôi khi chỉ là từng niềm vui nho nhỏ trong tầm tay với nhưng chúng ta nhất quyết không hái vì những “nhưng mà…”, để rồi ngồi đó mà than thân, trách phận hay lẳng lặng chấp nhận đời mình chỉ là một chuỗi ngày buồn tẻ. 
Hôm nay, tôi muốn bàn về hai chữ mà tôi gọi là những “thắng tay của hạnh-phúc” là “nếu” và “nhưng”, thuộc những chữ mà tôi cố gắng tập không dùng đến.

Nếu…
Tôi không nói đến những cái “nếu” khách-quan hay dựa trên lý trí để tính toán (một nước cờ, một dự án, …), để thương lượng (một hợp-đồng,…), …
Có những cái “nếu” nói lên sự ham muốn, dùng để mơ ước (nếu tôi trúng số, tôi sẽ…) hay để cầu-nguyện (nếu mai này hoà-bình…).
Có những cái "nếu" lo sợ (nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau..., nếu em mà bỏ anh,...)
Có những cái “nếu” dùng để tự bào chữa hay để đổ lỗi cho người khác (nếu như tôi có võ thì tôi đã can thiệp giúp cô gái đang bị hành hung…, nếu bố mẹ tôi có tiền nuôi tôi ăn học tử tế thì bây giờ tôi đâu có lông bông như thế này?, …).
Lại còn có những cái “nếu” tiếc nuối những chuyện đã qua (nếu lúc trước tôi không giết chết tình bạn vì tự ái…, nếu tôi đã có can đảm tỏ tình cùng cô ta…).

Cái “nếu” nào cũng thụ động, vô ích. Mơ ước mà không biến nó thành dự án, kế hoạch thì cũng không đi đến đâu. Cho nên, tôi thích quan-niệm “bucket list” để mình cố gắng thực hiện được một vài giấc mộng của mình.
Đổ lỗi cho người khác hay tự bào chữa để làm gì? Có làm có chịu, có sao đâu?
Tiếc nuối thì có thay đổi được gì chuyện đã qua không?
Người Pháp có câu: “Avec des si, on mettrait Paris en bouteille” (Với những cái nếu, người ta sẽ có thể nhét Paris vào một cái lọ).
Nếu...

Nhưng mà…
Chữ này thường được dùng trong một câu gồm hai phần “nghịch trái” nhau.
"Nhưng" có thể dùng để phân tích lợi/bất lợi trong những hoàn cảnh thương-lượng hay tranh cãi.
Điều chúng ta có thể nhận thấy gọi là so sánh nhưng phần đi sau bao giờ cũng chiếm thượng phong trên phần đi trước, có nghĩa là cái “nhưng’ thường được dùng để bác bỏ một ý kiến gì.
Nói là “tốt” nhưng vẫn là “xấu”, khen nhưng mà chê thì thật làm người kia cụt hứng, mất vui:
“Món phở của chị nấu ngon lắm nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đến phở mẹ (vợ) tôi làm…”
“Anh hát có hồn lắm nhưng chỉ tội nhịp anh yếu quá…”
Ngược lại, trường-hợp “xấu nhưng mà tốt” có phần tích-cực hơn:
“Ai chê không ngon nhưng đối với tôi là tuyệt vời rồi…”
“Chị nói chị hát a-ma-tơ nhưng tôi thấy không thua nhiều ca-sĩ trong vùng đâu”
Không Tử đã có một câu mà tôi rất thích là: “Thà một ngọn nến leo lắt còn hơn nguyền rủa bóng đêm”.

Người “handyman” thường có phương châm là “Vấn đề gì cũng có giải-pháp”, nhưng có một hội chứng gọi là "Ừ, nhưng mà" (“Yes, but… syndrome”) chỉ quan-niệm là "Giải pháp gì cũng có vấn-đề".

“Ừ / Đúng / Tôi muốn … nhưng mà …”.
Một trường-hợp quen thuộc: Một người quen gặp một vấn-đề gì, hỏi ý kiến bạn, bạn ra sức giúp ý, khuyên giải cả tiếng đồng hồ nhưng mọi điều bạn đề nghị đều bị bác bỏ "Đúng, nhưng không được đâu, trường hợp tôi khác..."

- Lâu nay, tôi vẫn mơ ước được đi du-lịch Trung Quốc
- Thế sao không đi?
- Đắt quá, tôi sợ không đủ tiền
- Không có đâu, có nhiều Tours vừa máy bay, vừa khách sạn, vừa chuyên chở mà chỉ có mấy ngàn thôi
- Rẻ thế thì tôi cũng làm được, nhưng mà đi máy bay xa quá, mệt lắm
- Thì làm một viên thuốc ngủ trên máy bay, đến nơi khoẻ ru
- Thuốc ngủ tôi cũng có nhưng tôi không thích mấy thứ hoá-học
- Có những thuốc homeopathic (vi lượng đồng cân ?) cũng tốt lắm
- Nhưng mà…
Người này sẽ không bao giờ thực-hiện được giấc mộng mình tuy là có đủ phương-tiện.

Một thí-dụ khác:
- Tối nay, mình đi ăn ngoài, em nhé
- Thôi, ăn nhà đi, ăn tiệm lại tốn tiền
- Vậy thì mình đi ăn tô phở thôi
- Ừ, nhưng em làm biếng thay quần áo quá,
- Đi ăn phở ấy mà, cứ mặc thế đi cũng được
- Ừ, Nhưng mà em không thích ăn phở
- Thì em ăn món gì khác, tiệm đâu phải chỉ có phở?
- Ừ, nhưng mà em sẽ hụt bộ phim "…" trên đài truyền hình
- Không sao, anh sẽ thâu cho em, ăn xong về, em xem
- Nhưng mà mất công anh quá
- Dễ và nhanh lắm, em ơi
- Ừ, nhưng mà…
(- Thế thôi, em cứ ở nhà ăn, anh đi một mình cũng được!)

Gặp một người cứ "Ừ, nhưng mà..." thì đừng hòng làm họ thay đổi ý kiến. Và hai người ngồi bàn-luận với nhau về những đề-tài nhạy cảm như chính-trị hay tôn-giáo thì thôi, “Anh nói đúng nhưng mà…” tha hồ mà nghe.
Hội chứng "Ừ, nhưng mà..." là như vậy.

Nếu… nhưng mà...
Hai chữ này mà dùng chung với nhau thì thôi, kẹt cứng:
“ Nếu tôi có thịt băm thì tôi sẽ làm món trứng thịt nhưng tôi lại không có trứng.”
“ Nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ đi vòng quanh thế giới nhưng giờ tôi cũng chả còn sức nữa.”


Tôi có cảm-tưởng như, trong những hoàn-cảnh khó khăn, con người ta (trong đó có tôi) thường có khuynh hướng trốn tránh sự-thật trong hiện-tại để ẩn nấp trong quá-khứ hay trong tương-lai với những "Nếu", "giá như mà", "thà là"... Và để tránh khỏi phải làm những gì chúng ta không muốn (dám) làm, chúng ta hay giở những cái "nhưng mà", "tuy nhiên",... như những lá bùa để xua đuổi vấn-đề và không phải quyết-định gì hết.
Người muốn làm thì tìm cách,
Người không muốn làm thì tìm cớ.
Cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách ăn nói, cách dùng chữ của chúng ta phản ảnh và ảnh hưởng đến tâm tính của chúng ta, cho nên tôi cố gắng tập tránh dùng những chữ "hắc ám" này để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, vui tươi hơn.
Tôi sẽ cố gắng nếu...
Tôi sẽ cố gắng nhưng mà...

Yên Hà, tháng 7, 2016

Riêng một góc trời (Thanh Tuyền)

Riêng một góc trời
Ngô Thuỵ Miên sánh tác 
Thanh Tuyền trình bày 
trong đêm Đại-Hội Kiến-Trúc tại Falls Church (VA), tháng 4, 2016

https://youtu.be/mTOkCaVDCdU

Enjoy.

La nuit (Ngọc Phú)

La nuit (Adamo)
Ngọc Phú trình bày
Thanh Tuyền đệm nhạc

https://youtu.be/MCv8tMWuPB0

Enjoy.

Chinese Lantern Festival- Philadelphia 2016


Chinese Lantern Festival
Franklin Square, Philadelphia, June 2016
Photos taken by Phu TRAN NGOC

https://youtu.be/H0ghXXNaTzE

Enjoy.