Đã từ lâu tôi muốn viết một bài về Ngô Thuỵ Miên vì tôi cảm thấy rất gần-gũi với anh, gần-gũi với ý nhạc, lời thơ của anh, gần-gũi với con người của anh mà tôi đã mỗi ngày mỗi cảm-thông hơn (năm nào chúng tôi cũng sang Olympia, Washington thăm gia-đình bên vợ và gặp anh suốt mười ngày).
Nhưng viết về Nhạc-sĩ Ngô Thuỵ Miên thì tôi cảm thấy không có thẩm-quyền. Vả chăng, đã có bao nhiêu bài viết về nhạc-sĩ, qua sách báo, đài truyền-hình, trung-tâm văn-nghệ, trong bao nhiêu bài phỏng-vấn hay những lần ra mắt khán thính giả, từ trước 1975 ở Sài-Gòn cũng như sau 1975 khắp nơi tại hải-ngoại?
Ngược lại, tôi có nhận-xét thấy mọi người phần đông hâm-mộ giai-điệu nhạc, yêu thích âm điệu nhẹ nhàng, mượt mà và lắng đọng của nhạc Ngô Thuỵ Miên nhưng có lẽ ít người để ý đến lời bài nhạc, và nhất là trên phương-diện này, nhà thơ Nguyên Sa mới là người được nhắc đến nhiều, với những bài Áo lụa Hà-Đông, Tuổi 13, Paris có gì lạ không em?, Tình khúc tháng sáu, …
Nếu vào trang mạng “Góc Trời Ngô Thuỵ Miên (http://www.honque.com/ngothuymien/), xem trang “69 Tình Ca Ngô Thuỵ Miên”, chúng ta có thể đếm thấy trên 69 bài (ngoài trừ những bài không phổ-biến), chỉ có 10 bài phổ (ý) thơ Nguyên Sa và 11 bài do những thi-sĩ khác, tổng-cộng 21 bài. Có nghĩa là 48 bài còn lại do chính Ngô Thuỵ Miên viết, trong đó có những bài nổi tiếng như Riêng một góc trời, Niệm khúc cuối, Giáng Ngọc, Dấu tình sầu, Từ giọng hát em, v…v…
Hôm nay, tôi chỉ muốn bàn về khía cạnh này: Thi-sĩ Ngô Thuỵ Miên.
1. Tính-chất lãng-mạn người nghệ-sĩ
Thi-sĩ sống trong thế-giới huyền-ảo của mình để yêu, để mơ, để sáng-tác và một trong những tính-chất của người nghệ-sĩ nói chung, người thi-sĩ nói riêng là “lãng-mạn” (romantique).
… Có thể nói từ những ngày còn trẻ, tôi đã nghe và yêu thích những giòng nhạc tình tự, trong sáng của các tác-giả thời tiền-chiến, và cũng chịu ảnh-hưởng sâu đậm của nhạc cổ-điển tây-phương, nhất là nhạc classique của thế kỷ 19, mà tôi đã theo học tại trường Quốc-Gia Âm-Nhạc Sài Gòn trong thập-niên 60. Cho nên có lẽ vì thế mà sự lãng-mạn trong giòng nhạc NTM có một chút trang-nghiêm cổ-kính, và pha một chút “thơ” của những Lamartine, Chopin, George Sand… cùng Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn… (Ngô Thuỵ Miên)
- Cái lãng-mạn đó thường có đối-tượng là “Đàn bà”, vì người đàn ông nào không biết tôn-thờ phái đẹp? Và ca tụng người đàn bà nơi nào, nếu không phải những nét đẹp của người đàn bà Á-Đông? như:
Mắt (cửa sổ của linh-hồn), Mi, Má, Môi (tại sao những cơ-phận trên mặt phần lớn bắt đầu bằng “M” vậy nhỉ?), Vai, Tay… (tuy rằng thời-đại mới này chạy theo những gì “lộ-liễu” hơn, như đôi chân dài và những “đường cong” tuyệt-mỹ khác?)
Nghe từng giọt mưa thấm ướt vai em, mi em
Vòng tay âu yếm trao, bờ môi ôi khát khao Bốn mùa hiu quạnh (1996)
Giọt nắng đi hoang vào mắt em buồn
Dìu chân em bước vào nắng cô đơn
Nắng ướt mi em ươm tay thơm nồng
Trôi trôi nhẹ trên đôi môi
Thương màu mắt em chơi vơi… Giọt nắng hồng (1972)
Màu Mắt biếc, mắt nhung, mắt ngọc, mắt nai…; nét Mi sầu; bờ Môi hồng, môi mềm…; Má hồng, má xinh; vầng Tóc rối, tóc mây, tóc xanh…; vòng Tay ngà, tay mềm…
Những chữ này trong lời nhạc Ngô Thuỵ Miên, tha hồ mà đếm.
- Thi-sĩ đã lãng-mạn thì “mưa trong lòng như mưa ngoài trời”. Thi-sĩ dĩ nhiên là lấy nguồn cảm-hứng nơi trời đất, nắng, gió trăng, mây mưa (nghĩa bóng cũng như nghĩa đen), nhất là buổi chiều, và đặc-biệt là chiều thu (chúng ta sẽ nói chuyện Thu trong phần dưới).
Chiều còn vương nắng để gió đi tìm…
… Trời còn mây tím để lá mơ nhiều
Lá khóc trên mi cho môi ươm sầu… Dấu tình sầu (1970)
- Với tâm-hồn nghệ-sĩ của mình, thi-sĩ có thể tìm cảm-hứng trong trí tưởng-tượng phong-phú của mình để viết, nhưng đôi khi (nhiều khi?), nhà thơ cũng cần có một động-cơ thúc đẩy, một đối-tượng, một “Nàng Thơ”.
Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm
Gót bước nhẹ vương ý thơ
Tình yêu nào vương mắt ngọcMơ ước vẫn chưa phai nhòa Giáng Ngọc (1970)
Chị Giáng Ngọc, tôi chưa hề có cơ-hội gặp chị nhưng, thay mặt mấy triệu người hâm-mộ người nhạc-sĩ tài ba của chúng ta, tôi xin được thành-thật cảm-ơn chị đã đem lại nguồn cảm-hứng cho Ngô Thuỵ Miên để chúng ta có được một trong những bài nhạc tôi yêu chuộng nhất.
Nhân tiện đây, tôi cũng xin cám ơn chị nữ ca-sĩ ca-đoàn nhà thờ nào đó đã khiến cho thi-sĩ thốt lên:
Rồi từ giọng hát em chợt vút cao vút cao một trời một trời
Bài ca thánh đêm vang lên trong ngày dài
mệt nhoài một phận đời
Ôi biết bao giờ ta đốt hết từng lời ca êm
mặn nồng trong tim muộn phiền
Người đem giá băng về trên tuổi đá buồn… Từ giọng hát em (1970)
Thơ quá hay!
Nhưng qua hai trường-hợp đó, chúng ta đừng vội kết-luận là đằng sau mỗi bài hát có hình dáng một người đàn bà. Bốn mươi tám bài, bốn mươi tám mỹ-nhân? Tôi biết ông anh cột chèo tôi mà, anh ấy đa cảm nhưng không đa tình, anh ấy không kham nổi đâu.
Nói đùa tí cho vui nhưng tôi cũng hay viết lách nên rất hiểu điều này. Người nghệ-sĩ chỉ cần mốt cái ý nho nhỏ, một hình ảnh không quan-trọng, một câu nói vu vơ là có thể biến-chuyển sự tầm-thường thành một gì thật đặc-biệt. (Hình như khả-năng này được gọi là “sublimation”, dịch là “thanh cao hoá” ?)
2. Mùa thu Ngô Thuỵ Miên
Không có người nghệ-sĩ lãng mạn nào có thể dửng-dưng với mùa thu.
Trong những bài viết, Ngô Thuỵ Miên đã tựa đề mùa thu trong 9 bài và nhắc đến mùa thu trong 20 bài, tổng cộng là có 29 bài nói đến mùa thu trên 48 bài, không kể những bài mùa thu mà không dùng đến chữ “Thu” !
Ngay từ đầu, tác phẩm đầu tay (Chiều nay không có em, 1965, viết lúc 17 tuổi) đã được đặt trong bối cảnh mùa thu
… Chiều nào hai đứa chung đôi
Lặng nhìn mùa thu lá rơi…
… Không có em mùa thu thôi lá vương bay…
… Không có em còn ai thương lá thu bay,
Còn ai vương vấn cơn say,
Ðời gian dối cô đơn mình ta…
Và tác-phẩm thứ nhì lại đúng là Mùa thu cho em (1967), có lẽ do nguồn cảm hứng từ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư (?)
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói
mình yêu nhau nhé…
Trong những bài "Thu", hai ý thơ "thu" và "em" quyện vào nhau như đôi tình nhân, đôi khi tôi không còn biết "ai" đóng vai chính nữa. Đó là những bài như Thu trong mắt em, Thu tưởng nhớ, Sao vẫn còn mùa thu, Một cõi tình phai, Thu khóc trên ngàn, Mắt thu.
Anh có nghe mùa thu khóc trên ngàn
Con nai vàng đạp chết lá thu tàn
Ðiệu thu mưa gọi hồn bao thương nhớ
Anh có nghe mùa thu lá thu rơi ... Thu khóc trên ngàn (1982)
Chưa là mùa thu sao hôm nay thành phố sương mù
Chưa là mùa thu sao mưa bay lạnh giá nơi nầy
Cho lòng còn say cho hồn tê tái hạnh phúc cuối chân mây
Ân tình còn đây, riêng người nơi ấy tựa cánh gió heo may...
Sao vẫn còn mùa thu (2003)
Rồi một mùa Thu tới cho mắt em buồn trong nắng
Màu tình hôn tóc rối ru má em hồng say đắm
Chiều về dâng lá úa
Lá ươm trên dòng tóc xanh
Lá ướp môi em thêm tình
Gọi mùa Thu đến trao mình... Thu trong mắt em (1995)
Trong những bài còn lại, hình như mùa thu « chỉ » là « khung cảnh » đồng hành với tình buồn hay để làm nổi bật nét buồn của « em » ?
... Bây giờ là mùa thu nơi đây không có anh
Bây giờ mình xa nhau cuộc đời thôi vắng tên
Em ơi đừng khóc nữa, đừng tiếc nuối mà gì
Em ơi tìm đâu thấy đời đã vỡ như mơ... Mùa thu xa em (1981)
Trong bài này, mùa thu chỉ là thời-điểm của một lần chia tay, nỗi buồn xa em vẫn là chuyện chính.
Ngoài ra, ngay cả trong bài Tình khúc mùa xuân, mùa thu và mùa đông vẫn phải được nhắc đến. (Đã gọi là lãng mạn mà ?)
Trong dòng nhạc trữ-tình Việt-Nam, những ca khúc về mùa thu nổi tiếng nhất chắc hẳn là những tình khúc của Đoàn Chuẩn, với những nhạc bản bất-hủ như Thu quyến-rũ, Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Gửi gió cho mây ngàn bay…
Tôi không nghiên-cứu nhiều về đề-tài này nên không dám « xếp hạng » ai cả, nhưng nếu Đoàn Chuẩn phải được tôn lên bậc Thầy, thì ít ra, Ngô Thuỵ Miên cũng phải có tên trong cái nhóm nhỏ của những nhà thơ mùa thu.
Xin đón đọc phần 2 trong số sau
Yên Hà, tháng 10, 2012