UA-83376712-1

Labels

Jan 3, 2020

Chúc Mừng Năm Mới 2020




Happy New Year (ABBA) : Thanh Tuyền đệm đàn và trình bày

Đón mừng năm mới, Tuyền-Phú xin thân chúc các bạn một năm Canh Tý

Vạn sự như ý, 
Triệu sự như mơ, 
Tỉ sự như thơ, 
Đời vui như nhạc, 
Coi tiền như rác, 
Coi bạc như rơm,
Chung thủy với cơm,
Sắc son với phở.

Thân mời các bạn :

Đọc bài :
- Rượu (Phần 2) : Bia
https://phu-tran.blogspot.com/2020/01/ruou-phan-2-bia.html

- Nói chuyện Chuột một Tý   (Năm Tý nói chuyện chuột)
https://phu-tran.blogspot.com/2020/01/noi-chuyen-chuot-mot-ty.html

VN-VN : Phong-tục Tết Việt-Nam : 
http://phu-tran.blogspot.com/2017/01/phong-tuc-tet-viet-nam.html

VN-VN : Let's celebrate the Tết (English version) :

http://phu-tran.blogspot.com/2017/01/lets-celebrate-vietnamesetet.html 

VN-VN : Us et coutumes du Tết (Version française) :

http://phu-tran.blogspot.com/2017/01/us-et-coutumes-du-tet-vietnamien.html 

- Tết Tây, Tết ta: Để ôn lại những phong tục, tập quán người Việt trong dịp Tết
 http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/tet-tay-tet-ta.html

Nghe nhạc :
Chúc Xuân (Lữ Liên - AVT): Ngọc Phú trình bày, Thanh Tuyền đệm đàn
 http://youtu.be/H3SULorJHUM

Em đã thấy mùa xuân chưa? : Quốc Dũng sáng tác, Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc   https://youtu.be/nDokaTsiGWo

Em đến thăm anh đêm 30 : Thơ Nguyễn Đình Toàn, Nhạc Vũ Thành An, Ngọc Phú trình bày, Thanh Tuyền đệm nhạc  https://youtu.be/LLhMczUHovY

Đọc và cổ động Artshare

Nói chuyện Chuột một Tý

Theo “thông-lệ”, cứ Tết đến, mình lại tìm hiểu thêm một chút về 12 con Giáp trong Tử-Vi Á Đông. Năm nay, 2020, là năm Canh Tý, chúng ta bàn chuyện chuột nhé?

1. Theo Tử-vi
Truyền-thuyết về Ngọc Hoàng quyết-định thứ-tự 12 con giáp như thế nào thì ai cũng biết rồi nhưng lại có giả-thuyết khác. Vào giờ Tý khoảng từ 23 giờ khuya đến 02 giờ sáng là giờ chuột hoạt động rất mạnh, đi cắn phá và kiếm ăn. Lồng trong thời điểm yên tịnh đó, những người thân hoặc con cái trong gia đình đang yên giấc ngủ, nhiều cặp vợ chồng thức dậy, khều nhau cùng diễn trò “trùm mền múa lân” nên phụ nữ thường hay cấn thai vào giờ Tý. Do đó mới có sự phát sinh ra nhân loại lan tràn trên trái đất. Vì vậy chuột được coi là con vật làm chuẩn đứng đầu 12 con giáp (nhưng chỉ là giả-thuyết thôi nhé).

Người ta thường tin là ai sinh năm nào thì chịu ảnh hưởng của con vật mang tên năm đó.
Riêng năm con chuột, người ta tin đẻ con trai rất tốt vì thấy có nhiều người đàn ông làm lớn sinh trong năm Tý. Thí dụ cụ thể nhất là cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh vào giờ Tý, ngày Tý, tháng Tý, năm Tý.

Khả năng lãnh đạo là bản tính của những ai cầm tinh con Chuột. Do là cung mệnh đầu tiên trong 12 cung nên người tuổi Tý luôn muốn mình đứng đầu trong mọi cuộc chơi, là người tiên phong trong mọi hoạt động, và là người ra lệnh ở mọi nơi. Với bản tính hiếu động và tò mò, họ luôn suy nghĩ không ngừng, sống thiên về hoạt động trí óc. Chuột luôn muốn đương đầu với thử thách vì họ thiên bẩm muốn trải nghiệm phiêu lưu mạo hiểm
Thông minh, lanh lợi, và sống theo cảm tính là những gì ta thường thấy ở những người thuộc cung mệnh này.
Người tuổi Tý có một sức hấp dẫn lạ lùng, được mọi người yêu mến, hiểu biết hệt như chú chuột Mickey do Disney sáng tạo ra.
Người tuổi Tý dễ gần, cần cù, sinh hoạt tiết kiệm. Bề ngoài, người tuổi Tý có thể tỏ vẻ trầm lắng ít lời, nghiêm túc, nhưng trên thực tế không phải thế. Thực ra, anh ta rất dễ bị kích động, song có khả năng kiềm chế bản thân. Điểm này chính là nguyên nhân tại sao anh ta được đánh giá cao và có nhiều bạn bè.

2. Các loài chuột
Siêu họ Chuột (tên khoa học Muroidea) là một siêu họ lớn trong bộ Gặm nhấm, bao gồm 6 họ, 19 phân họ, chừng 280 chi và ít nhất 1300 loài.
Ở Việt Nam có nhiều loại chuột nhưng đại khái có mấy loại sau đây:
- Chuột cống là loại chuột to, có con nặng từ nửa ký tới một ký. Gọi nó là chuột cống có lẽ vì nó chuyên sống ở các cống rãnh trong thành-phố. Ở miền quê thì chúng sống ở trong hang. Chuột cống có hai loại, loại cống gà và cống nhum. Cống gà sống quanh quẩn trong vườn nhà gần chuồng gà, chuồng heo. Cống nhum (còn gọi là chuột đồng) sống ở đồng, ăn cây, củ, cua ốc.

- Chuột nhắt và chuột chù : chúng sống quanh quẩn trong nhà với người. Chuột nhắt hoạt động phần trên cao, chuột chù (còn gọi là chuột xạ) sống ở phần thấp dưới đất. Chuột chù tuy hôi hám nhưng không phá hại. Còn chuột nhắt thì khỏi chê, chúng phá hại đến tận cùng, đục khoét tủ bàn, cắn phá quần áo, sách vở không chừa một thứ gì. Biệt tài của chúng là chạy rất nhanh trên xà nhà nên mèo bắt được nó cũng rất kh

Còn có chuột vòng và chuột bạch nuôi làm cảnh trong nhà. 
Và còn có nhiều loại chuột khác.

3. Chuột trong ẩm-thực
Thịt chuột (chuột đồng / chuột cống nhum) là món đặc sản của người dân miền Tây Việt Nam. Ai về miệt dưới, hướng Rạch Giá, Long Xuyên Châu Đốc, đi qua hai đầu cầu bắc, bến phà Vàm Cống, đều nhìn thấy những quán cơm bán thịt đồng quê, nơi đây có những quán bán thịt chuột đã lột da, được xếp trong những cái khay, hoặc xiên thành từng vỉ, treo lủng lẳng trước quán để cho khách lựa chọn. Khách chỉ cần mua về, chặt thịt ra từng mảnh, ướp gia vị, nướng rôti hay kho sả ớt, ăn cũng rất thú vị.
Nghe nói, nhậu thịt chuột 7 món, có : Chuột luộc ướp lá chanh, Chuột xào, Chuột chiên dòn, Thịt Chuột nấu đông, Thịt Chuột giả cầy, Thịt Chuột xào chua ngọt,  Thịt Chuột sốt cà chua.
(Tôi chỉ biết ghi chép lại thôi chứ tôi chưa hề thử, mà chắc cũng chả dám?)


4. Chuột trong văn hoá thế-giới

Nói chung thì ít có những nền văn-hoá “suy tôn” chuột, một loài vật gây hại nhiều hơn là đem lợi cho loài người. Phải nhớ là loài chuột đã gây nhiều trận dịch bệnh kinh hoàng với tỉ lệ tử vong rất cao trong lịch sử nhân loại, như là trận Đại dịch hạch (1665 ở Anh với 60.000 người chết) và Cái chết Đen (giữa thế kỷ 14, giết chết khoảng 1/3 dân số châu Âu tức là 25 triệu người). Nhưng không phải chỉ thế.

Bên Pháp, La Fontaine đã dùng chuột làm đối-tượng trong 16 bài ngụ-ngôn. 
Bên Âu-Châu, huy-hiệu của 12 gia-tộc có hình ảnh chuột và anh em Grimm bên Đức đã có viết lại truyền-thuyết “Người thổi sáo thành Hamelin”.

Bên Mỹ, “nhân-vật” Mickey do Walt Disney khai sinh thì nổi-tiếng thế-giới rồi. Người bé, người lớn đều thích chú chuột này, có lẽ vì chú
yêu đời, yêu người, lúc nào cũng vui vẻ, nghịch ngợm nhưng không làm hại ai, có tinh thần phò nguy cứu khốn, trừ gian, diệt bạo. Chú là gương mẫu cho con người.

Trong văn hóa Trung-Hoa, chuột được xem là biểu tượng của sự trung thực, lòng vị tha, óc cầu tiến, tính cách dễ dãi và sự hào phóng.
Bên Ấn-Độ, chuột là vật cưỡi của thần Ganesh (đầu voi) và đền Karni Mata, tỉnh Deshnoke, vùng Rajasthan nuôi và thờ chuột như thánh.

(Riêng tôi, vào khoảng 20 tuổi, tôi đã có viết một bài thơ tựa-đề “Thơ chuột” nhưng không dám đăng vì thuộc loại thơ đặc-biệt bà Hồ Xuân Hương.)

5. Chuột trong văn-hoá dân gian
Chuột trong thành-ngữ, tục-ngữ, ca-dao Việt-Nam thì nhiều vô số kể :
Loắt choắt như chuột nhắt, Hôi như chuột chù, Lù đù như chuột cống, Thúi như chuột chết, Lấm lét như chuột ngày, ướt như chuột lột, dùng đặc tính các loài chuột để mô tả vài cá-tính.

Đầu voi đuôi chuột : chỉ hạng người mới chưa làm công việc gì đã phô trương những điều to tát, nhưng kết cục thì kém cỏi, chẳng được tích sự gì.

Cháy nhà mới ra mặt chuột : kẻ phá hoại, kẻ giả nhân giả nghĩa bộc lộc mặt thật khi có biến cố xảy ra.

Chuột sa chĩnh (hũ) gạo :  Thành ngữ chỉ việc may mắn ở đời, gặp được điều tốt đẹp một cách tình cờ.

Chuột chù chê khỉ răng hôi, Khỉ toét miệng cười: “cả họ mày thơm” 
hoặc  
Chim chích mà đậu cành sòi, Chuột chù trong ống đòi soi gương Tàu
dùng để chỉ kẻ xấu không biết mình xấu lại chuyên bươi móc người khác.

Ném chuột vỡ chum : Chỉ hành động gây ra tổn thất lớn hơn kết quả đạt được.

Người đời còn mượn hình ảnh chú chuột để nói lên vụng trộm ái tình trong đêm khuya. Ca dao có nói về tình tiết này:
"Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay"
Những từ ngữ
Mèo chuột, chim chuột cũng thường được dùng trong bối-cảnh này.
… … 
Như Mèo với Chuột
Nói đến chuột, chúng ta nghĩ ngay đến đối-tượng ‘Mèo”, kẻ-thù số một của chuột. Lúc nào mèo cũng rình để “sơi tái” chuột, lúc nào chuột cũng chạy trốn nhưng luôn tìm cách “chọc quê” mèo như trong những phim hoạt-hình “Tom and Jerry” của Mỹ.
Thật ra, thời buổi này, chuột đâu còn biết sợ mèo? Cũng bởi vì mèo bây giờ được ăn ngon, ngủ yên, được chiều chuộng chả thiết gì đến thịt chuột tanh tưởi, hơn nữa bọn chuột bây giờ rất to khoẻ, nhâng nháo và liều lĩnh.
Văn chương bình dân Việt Nam cũng có một bài nói về tình thân thiện giữa mèo và chuột:
      Con mèo mà trèo cây cau
      Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
      Chú chuột đi chợ đường xa
      Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo
Người bình dân Việt Nam đặt bài ca dao này để nói đùa về một điều nghịch lý, hay muốn đưa ra một bài học nhân ái, xóa bỏ hận thù, sống chung hòa bình? Ông cha chúng ta nói năng mộc mạc, không triết lý cao vời, nhưng tình ý nhiều khi rất sâu xa, không phải chỉ để hát chơi hoặc ru em, mà còn để suy gẫm và dậy con dậy cháu.

Liên-hệ Mèo-Chuột cũng hay được dùng :
Mèo già khóc chuột : Để chỉ những kẻ đạo đức giả.

Chuột gặm chân mèo : Phê phán những kẻ táo bạo, liều lĩnh, làm những công việc phiêu lưu mạo hiểm,

Mèo nhỏ bắt chuột to : Phê phán những hạng người không biết tự lượng sức mình mà làm những việc quá khả năng.

Mèo khen mèo dài đuôi, Chuột khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo : nói những người tự cao, tự đại.
 
Đám cưới chuột là bức tranh có lịch sử hơn 500 năm trước. Các nghệ sĩ đã nhân cách hóa con chuột, biến nó trở thành con người trong một đám cưới rình rang, có đủ kèn, trống và các loại lễ vật. Trong đám cưới như vậy, những con chuột vẫn không quên chuẩn bị cá, chim để hối lộ cho mèo, để đám cưới được suông sẻ.
Bức tranh vừa hài hước dí dỏm lại mang ý nghĩa sâu sắc về quan hệ của tầng lớp nông dân - thống trị trong xã hội cũ, tiêu biểu cho mối quan hệ ỷ mạnh hiếp yếu. 
  
Yên Hà, tháng Giêng, 2020

Tài-liệu nguồn :
Wikipedia
Năm Tý nói chuyện Chuột – Jos Vĩnh  http://catholicvideo.org/News/Html/52136.htm
Năm Tý nói chuyện chuột : 
Nói chuyện một tí về bọn chuột - Nguyễn Tất Thịnh
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/noi_chuyen_mot_ti_ve_bon_chuot-7.html
Tính cách người tuổi tí - Facebook
Chuột trong văn học dân gian - NGUYỄN NHÂN THỐNG
https://tuoitre.vn/chuot-trong-van-hoc-dan-gian-240289.htm
Chuột trong văn hóa | Những câu nói hay về chuột
https://goldviet24k.vn/chuot-trong-van-hoa.htm




Rượu (Phần 2) : Bia

Rượu

Phấn 1 : Rượu vang  
https://phu-tran.blogspot.com/2019/12/ruou-phan-1-ruou-vang.html


Phần 2 : Bia

1. Những điều cơ-bản về bia
1.1. Bia (bắt nguồn từ tiếng Pháp bière, gốc La-Tinh là bibere, có nghĩa là uống) là một thức uống chứa cồn (khoảng 5%) được sản xuất bằng quá trình lên men của ngũ cốc.
Việc kiểm định hóa học các bình gốm cổ phát hiện ra rằng bia (tương tự như rượu vang) đã được sản xuất khoảng 7.000 năm trước ở khu vực ngày nay là Iran, tuy rằng dưới một dạng thô sơ hơn.


1.2. Phương-cách nấu bia
Thành phần chính của bia là :
- nước thật tốt,
- lúa mạch (barley/orge) được ủ thành mạch nha (malt),
- hoa bia (houblon/hop) để ổn-định bia và thêm vị đắng,
- và men bia (yeast/levure) để giúp phần lên men
và làm tăng nồng độ cồn.
Các thành phần khác, chẳng hạn các chất tạo mùi vị hay các nguồn tạo đường khác được thêm vào. Các phụ gia phổ biến là ngô và lúa gạo. 
Ngoài ra, người ta cũng có thể dùng thêm :
- hạt sống chưa lên mạch như lúa mì (bia trắng và bia lambic) hoặc gạo (Budweiser),
- gia vị như rau mùi, vỏ cam, mật ong, đường thắng,
- chất đạm để làm cho nước bia trong.

Quy-trình nấu bia :
- Lúa mạch được ngâm nước cho nảy mầm thành mạch nha (malt)
- Malt được nghiền, nấu thành "cháo" malt
- "Cháo" malt được thêm nước và bã hèm (hop), được lọc và đun sôi với hoa bia
- Dung dịch được lắng xoáy (whirlpooling) và làm lạnh
- Bia được thêm men bia, lên men, được lọc, được thêm khí CO2 rồi vào chai.

Bia tương đối "dễ" làm hơn so với rượu vang và bên Mỹ này có rất nhiều nhóm thủ-công hay tư-nhân tự nấu bia.

1.3. Phân loại bia
Tiêu-chuẩn lên men
Co hai đại gia-đình bia khác biệt ở giai-đoạn lên men :
- Lager (từ tiếng Đức lagern có nghĩa là dự trữ, vì sau gia-đoạn lên men, bia được trữ trong bồn vài tuần) dùng những men bia hoạt-động ở những nhiệt-độ lạnh (10-15°C). Những loại bia này thường ít vị trái cây, ít độ cồn nhưng nhiều khí CO2 hơn.
Những loại Lager có :
    - Pilsner hay Pilsener hay Pils (từ Pilsen, một tỉnh nước Cộng-Hoà Czech đã sản-xuất bia lager vàng đầu tiên) : Amstel, Heineken, Jupiler, Stella Artois, Miller Lite, Samuel Adams, Beck's, ...
    - American lager : Yuengling, Budweiser, Coors, ...
    - Lager các nước khác : Carlsberg (Denmark), Kronenbourg 1664 (Pháp), Stella Artois (Bỉ), Corona (Mễ Tây Cơ), ...

- Ale (tiếng Anh) dùng những men bia hoạt-động ở những nhiệt-độ ấm (18-21°C). Những loại bia này thường nhiều độ cồn và nhiều hương-vị phức tạp hơn, nhưng ít khí CO2 hơn.
Những loại Ale có : 
    - Pale Ale, màu nhạt hơn Ale thường : American Pale Ale, English Pale Ale, India Pale Ale (IPA, do Anh làm bán lúc trước ở thuộc-địa Ấn-Độ),
    - Bia nâu/đen có loại Porter (Yuengling Porter, Anchor Porter...) và loại Stout mạnh hơn (Guinness).
Nói cho đúng, có một gia-đình thứ ba, ít thông dụng hơn là Lambic của Bỉ, không dùng men bia mà để lên men một cách tự-nhiên khi tiếp xúc với không khí.
Lambic được uống như vậy hoặc được dùng để biến chế thành bia Gueuze, Faro hay Kriek (vị đào). 

Bia khá thơm ngon, nên uống thử cho biết.
Tiêu-chuẩn màu
- Bia vàng, trong, nhẹ cồn, nhẹ vị đắng, đúng là loại bia uống đã khát nên phổ biến nhất.
- Bia màu hổ-phách (amber ale/ambré) hay đỏ (rousse), do mạch-nha được "nướng" lên cho thêm đậm màu và hương vị khói (Fischer, Kronenbourg của Pháp, Orval của Bỉ, ...).
- Bia nâu/đen (loại stout), do mạch nha được nướng đen, nặng độ cồn (7-8%), với bọt bia thật mượt mịn và sánh, với vị cà-phê, sô-cô-la, mật ong và cam quít (Guinness của Ireland, Pelforth Brune của Pháp).
- Bia trắng làm từ lúa mì, hương vị mượt mà, vị mật ong, bánh mì, cam quít, khá đắng (Lowenbrau của Đức, Hoegaarden của Bỉ, 1664 hay Edelweiss của Pháp, Keineken của Hoà Lan, ...).

Vài loại bia đặc-biệt
Bên Âu-Châu, thường có những loại bia đặc-biệt một mùa : Bia tháng 3, bia Giáng Sinh, Bia Oktoberfest là dịp lễ-hội bia tổ-chức mỗi năm ỡ Munich (Đức), ...

1.4. Bia trên thế-giới
Sản xuất
Điều này không hiển-nhiên nhưng sự thật là Trung Quốc làm bia nhiều nhất trên thế giới (bia TsingTao có mặt trên toàn thế-giới), sau đó là Mỹ nhưng cũng chỉ bằng nửa.
Bên Mỹ, đứng đầu là tiểu-bang Pennsylvania (D.G. Yuengling & Son,...), sau đó là California (Sierra Nevada Brewing Company,...)...
Việt-Nam cũng đứng hàng thứ 9, trong khi Pháp đứng đầu rượu vang nhưng chỉ hạng 19 về bia, không hơn nước Bỉ bé tí bao nhiêu.

Tiêu-thụ

Điều đáng chú ý là xếp hạng các nước sản xuất và tiêu thụ bia hầu như y hệt, không xê-xích bao nhiêu.

1.5 Bia trong bếp

Bia cũng được dùng để nấu ăn như rượu vang và những món nấu rượu vang đều có thể nấu với bia như Choucroute, Gà nấu bia. Ngoài ra, còn có những món súp nấu bia, thịt bò hầm Carbonade flamande của Bỉ, chân giò heo nấu bia, ... Bia cũng được dùng để làm Crêpes, để pha bột để tẩm bột rán. 
Việt-Nam ta có nhiều món dùng bia : Móng giò hấp bia, Sườn non hấp bia, Gà om bia, Gân bò nấu bia, cua hấp bia (vừa ngon, vừa nhanh), ...

2. Thưởng-thức bia

Bia là thức uống được xếp hàng thứ 3 sau nước và trà, có lẽ là vì dễ uống và đã khát nhất cho người lớn (không như rượu vang hay rượu mạnh). Mùa hè nóng nực, đi bộ cả mấy tiếng dưới ánh nắng mặt trời thì chỉ có một cốc bia lạnh mới có thể làm chúng ta sống trở lại, tuy rằng chỉ có nước mới thật sự giải khát.
Uống một ly bia chắc hẳn sẽ không cầu kỳ như thưởng-thức một ly rượu vang, có lẽ một phần vì khách uống bia cảm thấy bia nào cũng thế, không khác biệt nhau gì, không cầu kỳ như rượu vang. Điều này cũng đúng phần nào nhưng cứ nhớ rằng "Nghề chơi cũng lắm công-phu" trong bất cứ thú vui nào (thể-thao, ca hát, ăn uống,...), chúng ta cũng có thể vui hưởng hơn nếu am-hiểu chút xíu. Mục-đích bài viết này là ở đây.

2.1 Trường-hợp nào bia nấy

- Trời nóng nực, đi tìm chỗ dâm để tránh nắng và một ly bia lạnh là sướng rên. Bia gì ?
Trong phần phân-loại bia, chúng ta có thể nói một cách thật giản dị là các loại Lager nhẹ độ cồn và nhiều khí CO2 là loại bia uống giải khát nhất ? (Tôi đánh dấu hỏi vì có thể có những bạn sẽ nghĩ khác)
- Chung vui với bạn bè trên bàn nhậu hay trên bàn ăn, có lẽ tôi sẽ chọn loại bia Ale hương-vị và nặng cồn hơn chút.
- Thỉnh thoảng, muốn thưởng-thức hơn là uống thì chắc tôi sẽ đi tìm một chai bia đen Guinness hay một loại bia Lambic của Bỉ.
- Uống ngoài tiệm, tôi sẽ thiên vị bia tươi (bia hơi / draught beer) trên bia chai/bia lon.

2.2 Uống bia ở nhiệt-độ nào?

Nguyên-tắc giản dị : Bia phải uống lạnh nhưng lạnh quá thì hương-vị như bị giam cầm, không bộc lộ ra được, có nghĩa là loại bia uống giải khát thì uống lạnh, còn bia nặng cồn và hương vị hơn thì ít lạnh hơn chút.
Bảng chỉ-dẫn "lý-thuyết" này chỉ để diễn đạt nguyên-tắc nói trên nhưng một cách thực tiễn, chúng ta chỉ cần biết nhiệt độ trong tủ lạnh trung bình khoảng 3-5°C, xem như hợp với loại bia nhẹ nhất, sau đó, bia càng nồng độ cồn / màu đậm thì phải lấy từ tủ lạnh ra để cho bớt lạnh chút.

Nếu bia mới mua về, chưa kịp để lạnh thì tôi van xin bạn chớ bỏ thêm đá cục vào ly bia, bia uống nhạt nhách, tội lắm.
Có một cách là có sẵn loại ly  "freezer mug", thân ly hai lớp, trong có chất nước, để tủ đá, ly sẽ thật lạnh và giữ lạnh lâu, hoặc mua những "đá cục" bằng plastic ở trong chứa chất nước, ướp tủ đá và bỏ thêm vào ly bia, bia sẽ không bị loãng.

2.3 Chọn bạn mà chơi, chọn ly mà uống 

Trước hết, tôi không thích tu chai hay tu lon như người Mỹ vì như vậy uống không thoải mái, không có thành phần quan trọng của bia là bọt bia, không cảm nhận được hương-vị của bia, và không lịch-sự cho lắm.

Cũng như với rượu vang, mỗi loại bia phải uống trong loại ly của nó nhưng tôi không tin chắc như vậy vì chung quy hương-vị bia không đến nỗi cầu kỳ lắm.

Chúng ta chỉ cần nhớ nguyên-tắc căn-bản là :
Bia phải uống lạnh, cho nên uống trong một ly 1 lít như vài quán bia muốn bán nhiều thật vô lý. Một lần đi Đức, tôi học được rằng phải uống trong ly đừng to quá, uống hết, họ sẽ tự động rót thêm cho, trừ khi mình dùng một cái nắp đậy lên ly để báo là mình ngưng uống.
Ngoài ra, ly có chân (như ly rượu) để chúng ta cầm cho khỏi hâm nóng bia.

2.4 Rót bia

Có người không thích bọt bia nhưng bọt bia rất quan-trọng vì bọt có nhiệm-vụ chuyên chở hương thơm của bia đến mũi bạn và che chở bia không bị mất hương vị vì oxygen.
Lúc rót bia, phải nghiêng ly một chút, rót chậm và từ từ để thẳng dậy, lớp bọt phải cao khoảng 2-3 phân.

2.5 Ngắm bia

Bạn cũng có thể ngắm bọt bia, ngắm màu, ngắm vẻ trong sáng và sủi bọt của bia.

2.6 Ngửi bia

Qua bọt bia, chúng ta sẽ có thể thưởng-thức những hương thơm như mùi trái cây (cam, táo, lê, ...), hoa, lúa hay hoa bia.

2.7 Thưởng-thức bia

Cũng như uống rượu vang, ngụm đầu để trong miệng vài giây cho thấm toàn miệng, hút vào một hơi ngắn để toả hết hương vị rồi từ từ nuốt. Sướng rêm!
Cũng như với rượu vang, bạn có thể nhận-định điểm cân-bằng giữa các vị Đắng (đặc-tính căn-bản của bia) - Ngọt - Mặn - Chua (và đôi khi có vị Chát), và hương-vị còn tồn-tại lại bao lâu sau khi nuốt.

2.8 Bia và ẩm-thực

Vì độ cồn thấp và hương-vị ít phức tạp nên bia thật hợp với Việt-Nam ta.
Trên bàn nhậu, bia không kiêng kỵ những món nhậu như đồ lòng, hột vịt lộn với rau răm, gỏi chua cay, ..., các bạn làm món gì đãi chồng và bạn chồng không sợ bị lạc đề.
Trên bàn ăn cũng vậy, mắm tôm, mắm ruốc, chao, bún mắm, tiết canh, ... đều có thể đem gả cho bia, "no star where".
Những món nấu bia thì lại càng đương nhiên hơn nữa, miễn bàn thêm.

3. Kết-luận

Bia là thức uống giải khát tươi mát, thơm ngon, giản dị (mở một lon bia hay một lon Coca dễ y hệt nhau), dễ uống (so với rượu vang hay rượu mạnh) mà lại tương đối rẻ (nếu không chơi một két mỗi ngày).
Để tận hưởng thú vui này, chỉ cần ghi nhớ vài nguyên-tắc cơ bản :
- Uống cho đã khát thì Lager, thơm hơn thì Ale, đặc-biệt hơn thì bia đen hay bia Lambic của Bỉ. Thích bia gì thì cứ uống nhưng cũng nên thử nhiếu loại bia cho biết (riêng tôi thì chỉ có bia ôm là tôi chưa dám thử),
- Uống bia thì phải lạnh nhưng lạnh quá thì mất hương vị và tuyệt đối đừng thêm đá,
- Uống bia trong ly (đừng tu chai/lon), rót bia phải có bọt,
- Trên bàn nhậu hay trên bàn ăn, bia và món ăn Việt-Nam thật xứng đôi, vừa lứa,
Mời các bạn nâng ly (và từ tốn chút nhé).

Yên Hà, tháng Giêng, 2020
Tài-liệu nguồn :
Wikipedia
Sách " A visual guide to drink" (Ben Gibson - Patrick Mulligan)
Servir et déguster la bière  http://univers-biere.net/degust_service.php
L'art de la dégustation en 5 étapes  http://www.paradis-biere.com/degustation-biere.html