UA-83376712-1

Labels

Jul 19, 2012

Xa Nhau Mùa Đông - Thanh Tuyền


Please on the link   http://youtu.be/qw7o4pzI740
and enjoy.

Người thoáng qua đời tôi (Truyện ngắn)



 
Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu 
Mưa mù lên mấy vai, gió mù lê mấy trời
Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt, 
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên…

Trong lúc viết bài này, có lẽ nhạc sĩ Phạm Đình Chương phải thất tình lắm, nỗi đau cao ngất trời, tim gan chắc phải nát từng mảnh vụn, tâm-tư mà giọng ca thiết-tha của Trần Thái Hoà diễn-tả thật đặc-sắc, làm rung động lòng Nam.
Có mấy ai không trải qua tâm sự đó, ít nhất là một lần? Nhưng bao nhiêu năm sau, Nam vẫn không quên được người ấy, không quên được mối tình đầu, vì câu chuyện của Nam còn văng vẳng như một cơn mơ mà Nam vẫn chưa hiểu, như truyện liêu-trai thuở nào.


Năm ấy, đã lâu lắm rồi, Nam được đi du-học bên Thụy-Sĩ. Năm đầu mới sang, chàng trai mười tám tuổi đời thật bỡ-ngỡ, lạc-lõng. Đang sống với gia-đình, Nam bỗng-nhiên bị “ném” vào một môi-trường quá xa-lạ: một nước xa-xôi bên Âu-châu, một tiếng nói mới, những người chung quanh đều là “ngoại-quốc”, những phong-tục, tập-quán lạ lùng, cái gì cũng khác, điều gì cũng lạ. Và nhất là việc gì cũng phải tự lo, tự liệu : giấy tờ hành-chánh với cơ-quan hữu trách, thủ-tục với trường học, giấy tờ với ngân-hàng để tiện việc chuyển-ngân, nơi ăn, chốn ở, nấu ăn, giặt giũ…
Cũng may, năm ấy thủ-tục xuất-ngoại tương-đối dễ, sinh-viên du-học khá đông, nên Nam cũng không đến nỗi cô-quạnh. Bạn-bè cùng trường, cùng lớp giúp-đỡ lẫn nhau và hội sinh-viên Việt-Nam địa-phương cũng tổ-chức dịp này, dịp nọ để mọi người có cơ-hội gặp gỡ nhau cho đỡ nhớ nhà.

 
Ngày ngày, Nam lấy xe buýt đi học, chiều tối ra câu-lạc-bộ sinh-viên ăn tối, rồi về nhà, xem lại bài vở, nghỉ ngơi rồi đi ngủ. Cuối tuần, Nam lo chút công việc nhà, đem quần áo đi giặt máy giặt công cộng, là ủi áo sơ-mi (mùa đông thì chỉ cần là cổ và tay áo thôi vì đã có áo len mặc ngoài che rồi), đi chợ (câu-lạc-bộ sinh-viên vốn đóng cửa ngày chủ-nhật) về làm ăn những món dễ nấu như spaghetti… hoặc đi ăn “ké” nhà mấy thằng bạn. Trai thanh-niên mới “ra đời” thì làm gì biết nấu ăn ngon nhưng “muốn ăn thì lăn vào bếp” nên cũng có một số phải tự học lấy hoặc viết thơ về hỏi mẹ và dần dà trở nên những tay đầu bếp “có hạng".
Nam vốn người giản-dị, bình thường, không biết đàn địch, hát hỏng, không biết viết văn, làm thơ, cũng không thể-thao gì và chỉ biết đọc sách. Nam rất thích đọc sách, tuần nào cũng ra thư-viện một, hai lần mượn sách về đọc, thỉnh thoảng viết thơ về nhà xin gửi qua vài quyển sách tiếng Việt, đọc cho đỡ nhớ.
Có một sinh-hoạt đặc-biệt mà một số sinh-viên du-học rất chuộng là “trả-thù dân-tộc”, còn gọi nôm na là “cua đầm”. Nghĩ lại người Pháp lúc trước sang đô-hộ đất-nước chúng ta, xâm-chiếm cả đàn bà, con gái Việt-Nam, nên bây giờ có dịp, chúng ta phải đi tìm những cô đầm tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ để trả-thù, và mối thù ngàn đời này, nhất định không nên cởi mà nên buộc thật chặt mới đáng mặt anh-hùng đại trượng-phu.
Riêng Nam thì tuyệt-đối không thuộc loại “thợ săn” này, không phải vì không muốn nhưng vì không dám. Mặt mũi cũng sáng sủa, bảnh bao lắm nhưng Nam mắc phải  căn-bệnh hiểm-nghèo là “nhát gan”, nhát hết chỗ nói, đứng trước mặt nữ-giới là chân tay run lẩy bẩy, miệng lưỡi cứng đơ thì tán gái sao nổi?
Cuộc sống của Nam cứ thế trôi qua, một ngày như mọi ngày, phẳng lặng như mặt hồ thu. Cho đến một ngày kia…



Tết lại sắp đến rồi, cái Tết thứ hai của Nam nơi xứ người. Các anh chị trong ban văn-nghệ của hôi sinh-viên đang ráo riết kêu gọi sinh-viên nam nữ tham-gia vào các mục văn-nghệ, nào đơn ca, đồng ca, múa, diễn kịch, biểu-diễn võ-thuật…, có chút thiện-chí hay tài-nghệ thì đem ra giúp sức. Khả-năng thì không có mà thiện-chí thì cũng thấp lè-tè nên Nam chỉ biết đứng ngoài cổ-võ thôi, nhưng đặc-biệt năm nay, Nam hy-vọng sẽ tham-gia nhiều hơn trên sàn nhẩy trong phần dạ-vũ. Số là Nam có một thằng bạn thân đã nhất-định thâu Nam làm đệ-tử để truyền lại cho Nam một ít tài-năng khiêu-vũ của mình, hy vọng Nam nhờ vậy mà sẽ tự-tin hơn chăng? Cả hơn tháng nay, cuối tuần nào, Nam cũng lại nhà “sư-phụ” Toàn để siêng-năng học-tập những chiêu độc-đáo nhất của thầy, nhất là trong vũ-điệu Be-Bop, một trong những điệu mà người Việt-Nam ta yêu-chuộng nhất (với ChaChaCha) trong thời-điểm đó.

Tối ngày “N” đó, Nam đánh bóng đôi giầy đen, dắt bộ đồ cốm, thắt cà-vạt hoa mầu, chải  đầu tém, rắc thêm chút nước hoa “H pour Homme” và hiên ngang… lấy xe buýt đến nhà hát, nơi tổ-chức đêm văn-nghệ Tết.
Buổi văn-nghệ này là buổi họp mặt đình-đám nhất trong năm vì dầu sao đi nữa, Tết vẫn là ngày lễ quan-trọng nhất đối với người Á-Đông, và nhất là đối với những người xa xứ như giới sinh-viên du-học, có dịp gặp-gỡ nhau, chung vui ngày Tết để cùng nhau nhớ lại quê-hương, xứ xở.
Tối hôm đó có đến cả hơn hai trăm người tham-dự, có cả một số quan-khách người Thụy-Sĩ, ai nấy đều áo quần chỉnh-tề, đàn ông thì vét - cà-vạt, đàn bà thì áo đầm "xoa-rê" (robe de soirée), gặp nhau cười nói, náo-nhiệt vô-cùng.
Sau lễ quốc-kỳ là lời chào-mừng và diễn-văn của anh hội-trưởng. Kế tiếp là phần văn-nghệ, bắt đầu với bài hợp-ca đón xuân và kéo dài gần hai giờ đồng-hồ. Chương-trình tuy còn kém “xô” Thúy Nga xa lắm nhưng văn-nghệ sinh-viên như vậy thì ít ai đòi hỏi lắm.
Sau cùng là phần Nam mong đợi nhất: buổi dạ-vũ.
Mọi người kéo nhau sang phòng ball room kế bên. Ban nhạc "Blue Cheese", gồm năm bạn sinh-viên Việt-Nam, đã bắt đầu dạo đàn và từ từ hâm nóng không-khí.
Nam ngồi cùng bàn với Toàn và vài người bạn khác, nhưng cũng “chạy bàn” để hỏi thăm, tán dóc với mọi người. Được một lúc, chân đã ngứa nhưng Nam không có bao nhiêu dịp để thực-tập những điệu nhẩy của mình, một phần vì phần đông mọi người đã có đôi, có cặp, mặt khác, như đã nói, Nam vẫn còn cái bệnh “nhát gái” chưa chữa được nên ngồi ngáp ruồi hơi nhiều, trong khi ngoài sàn nhẩy, tài-tử, giai-nhân cứ lả-lướt dìu nhau đi trong tiếng nhạc.
Mấy thằng đang ngồi “vêu mõm” với nhau, bỗng đâu có một cô đi ngang, nhận ra Toàn và reo lên:
- A, anh Toàn! Nẫy giờ anh ngồi đây hả, em không thấy?
Toàn đứng dậy, giới thiệu:
- Hương, em khoẻ không? Để anh giới-thiệu mấy thằng quỷ bạn anh nhé. Đây là Bách, đây là Hải, còn đây là Nam.
Bách, Hải, Nam lần lượt đứng dậy chào Hương.
Lúc đó, ban nhạc đang chuyển sang bản nhạc kế tiếp.
- A, “Who’ll stop the rain” của C.C.R., bài này, em mê lắm. Anh Toàn ra nhẩy với em nhe.
- Anh đang mỏi chân, hay là để thằng đệ-tử anh ra hầu em bài này, anh còn chấm điểm nó, hôm nay, nó phải thi ra trường đó. Toàn chỉ sang Nam, cười nói.
Nam mừng như bắt được vàng, vội vàng đứng dậy, đưa Hương ra sàn nhẩy.


Lần đầu ra trận, nhẩy với người lạ, dưới con mắt suy-xét cú-vọ của thầy Toàn, Nam run lắm, lọng-cọng mấy lần suýt ngã, may mà Hương nhẩy không tệ nên cũng cứu-vãn được tình-thế đôi chút.
Nhạc dứt, Nam đưa Hương về bàn, vừa xin lỗi Hương, vừa phân-trần với Toàn:
- Mấy lần suýt làm Hương ngã, xin lỗi nhiều nha? Toàn ơi, chắc là tao thi rớt rồi, có đúng không?
- Tao đâu biết? Tao để pạc-ne mày chấm điểm mày. Hương cho nó mấy điểm? Toàn được dịp trêu Nam.
- Dĩ nhiên là trò chưa qua mặt thầy được đâu, nhưng Hương thấy học-trò này có thiện-chí lắm, đã cố-gắng hết mình rồi thì đâu thể đánh rớt được? Hương cũng về hùa với Toàn.
Tối hôm ấy, Nam được dịp thực-tập bằng thích, và càng nhẩy càng khá, càng khá càng thích thú. Thật không uổng phí cả tháng trời rèn-luyện với sư-phụ.
Trên đường về, Nam cảm thấy hãnh-diện và vui sướng vô cùng. Mà cũng may sao tối nay lại có Hương xuất-hiện chứ không thì hỏng bét rồi. Cám ơn Hương nhiều nhé.

Ngày hôm sau, chủ-nhật, nghỉ-ngơi chút, dọn dẹp nhà cửa rồi thứ hai đi học lại như thường-lệ. Lại một ngày như mọi ngày nhưng…
Tám giờ tối, Nam đang ngồi ôn lại bài vở thì có tiếng ai gõ cửa. Quái lạ, tối nay, lại có ai đến đây, mình có hẹn với ai đâu? Cửa vừa mở thì Nam trố mắt kinh ngạc khi nhận ra Hương. Sao cô này lại biết được mình ở đâu mà tìm đến?
Chưa kịp nói câu nào thì Hương bỗng ôm chầm lấy Nam.
- Hương “nhợ” anh “quạ”! Hương nghẹn-ngào với giọng Huế của nàng.
Và tối hôm đó, Hương ở lại với Nam...


Chuyện gì đang xẩy ra với mình đây? Đột-ngột quá, khó tin quá, Nam hoàn toàn không hiểu gì cả, như đang sống một giấc mơ mà mình không làm chủ được. Tại sao Hương lại đến với mình? Tối hôm đó, hai người chỉ có nhẩy với nhau thôi chứ có tình-ý gì đâu? Hương đã đi hỏi ai mà biết đến chỗ Nam ở?
Hôm sau đi học, Nam vội tìm Toàn hỏi cho ra chuyện, nhưng Toàn cũng lắc đầu nói “Tao không biết.” Nhưng thôi, chả thắc-mắc làm gì, chuyện đâu còn có đó.
Tối về nhà, chưa vào đến phòng, Nam đã ngửi mùi thơm phức từ bên trong, hoá ra Hương đã lo đi chợ, bếp núc sẵn hết rồi. Lần đầu tiên trong đời, Nam có được một bữa cơm ngon do một người đàn bà không phải là mẹ mình nấu. Một cảm-giác lạ lạ, khó tả đối với một người con trai mới lớn.
Ba hôm sau, Nam lại được một phen kinh-ngạc khi tối đi học về, thấy Hương đang lụi-hụi với hai cái va-li, ba cái thùng cạc-tông và cái bịch ny-lông.
- Ủa, Hương dọn đồ-đạc đến hả? Sao không nói anh giúp một tay?
- Hương không dám, sợ anh không chịu, nên đã nhờ mấy người bạn rồi – Hương bẽn-lẽn trả lời.
Ừ nhỉ? Hương đã bước vào đời Nam, thì Nam làm sao có thể không đón-nhận nàng? Thế là từ đó, Hương và Nam sống chung với nhau, đi đâu, làm gì cũng có đôi, có cặp. Ngoài những lúc đi học ra, Nam bớt gặp bạn bè, thế-giới của Nam thu-hẹp lại chung quanh Hương. Nam như sống lơ-lửng trên chín tầng mây, say-đắm bên Hương.

Dần dần, Nam cũng bớt đi học, một tuần chỉ đi hai, ba ngày, thỉnh thoảng lại nhà bạn chép lại bài vở đã hụt. Mấy thằng bạn chung quanh bắt đầu lo cho Nam:
- Nam ơi, năm nay là năm “barrage” khó nhất, mày học kiểu này thì e rằng cuối năm không xong đâu, Nam à.
Nhưng Nam gạt đi, trấn-an các bạn bằng một giọng đầy tự-tin:
- Tao cám ơn tụi mày lo cho tao, nhưng không sao đâu, tao nắm vững tình-hình mà. Tối nào, tao cũng "gạo" đều lắm, tin tao đi.
- Á, chắc vậy mà dạo này trông mặt mày hốc-hác quá đó, phải không? một anh bạn còn “xỏ ngọt”.
Rồi một ngày, Hương cho Nam biết nàng đã quyết-định bỏ ngang môn học đang theo là Xã-hội học, cho rằng môn này khô-khan quá, không phù-hợp với nàng cho lắm, và nàng sẽ ghi tên học Tâm-lý học niên-khóa sau. Và nhân-thể hè này, nàng sẽ về Việt-Nam thăm nhà một chuyến và gia-đình Hương đã gửi vé máy bay sang rồi.
Hương nghỉ học, Nam lại càng khó chăm-chú vào việc học, những buổi “trốn học” càng đông hơn và bạn bè càng lo cho Nam nhưng trong hoàn-cảnh này, Nam có thể nghe lời khuyên-răn của ai được?
Rồi mùa thi đến, Nam mới vào ba môn thì gia-đình Nam cho biết hai năm nay có để dành được chút tiền để mua vé máy bay cho Nam về thăm nhà. Mừng như kẻ chết đuối vớ được cái phao, Nam bèn đề-nghị là khoá thi đầu này không hy-vọng nên xin hoãn lại, để thời-giờ về thăm nhà rồi cố gắng học cho khoá thi vớt tháng chín. Được sự chấp-thuận của gia-đình, Nam bèn đi mua vé máy bay cùng chuyến với Hương rồi hai người thanh-thản vui chơi bên nhau cho đến ngày bay về Việt-Nam.


Chuyến bay của Nam và Hương hôm đó đến phi-trường Abu Dhabi thì bị trục-trặc kỹ-thuật nhưng không có chuyến nào khác nên hãng hàng-không cho hành-khách ngủ lại khách-sạn trong phi-trường để sáng hôm sau bay tiếp. Tối đến, ăn uống xong, Nam lên phòng thu-xếp chút rồi ghé sang phòng Hương. Ngồi một lúc, như có linh-cảm điều gì, Nam ôm chầm lấy Hương, khóc sướt-mướt, ướt sũng áo ngủ của Hương, khóc cho đến khi mệt lả rồi lăn quay ra ngủ.
Về đến phi-trường Tân-Sơn-Nhất, Nam và Hương có gia-đình ra đón và ai về nhà nấy. 
Chiều ngày hôm sau, Hương ghé thăm Nam. Hai người đứng ngoài cửa nói chuyện vì Hương nói sau đó phải về nhà sửa soạn để sáng sớm hôm sau đi Huế, nơi cư-ngụ đại gia-đình nàng. Nói chuyện được dăm ba câu, Hương mở ví lấy ra một cái hộp nhỏ, trao cho Nam và nói:
- Hương có chút quà này cho anh, mong anh mang luôn trên người và đừng bao giờ quên Hương.
Nói xong, Hương chào tạm-biệt Nam rồi ra về.
Nhìn theo bóng Hương đi mà Nam chợt buồn. Tại sao Hương lại nói mình đừng quên nàng, mà mắt lại rơm rớm nước mắt như vậy? Xa nhau có mấy tuần có sao đâu?
Hương đi rồi, Nam mở quà và lấy ra một cái nhẫn “chevalière” bằng vàng có khắc chữ “N” trên mặt (gia-đình Hương vốn là nhà hàng vàng). Nam đeo nhẫn vào tay rồi nhìn ngắm nó thật lâu.
Hai tuần lễ trôi qua rất nhanh, Nam chỉ loanh quanh với gia-đình hay thỉnh-thoảng đi gặp lại mấy người bạn là đã đến ngày trở về Thuỵ-Sĩ.

Nam lại trở về với căn phòng trọ, với bạn bè, với cuộc sống người du-học-sinh, và bắt đầu học thi trở lại, nhưng sao học mấy, chữ-nghĩa cứ như như mù-tịt, có nhét mấy, nó cũng không vào bao nhiêu.
Một tuần trôi qua, rồi hai tuần, rồi một tháng, nhưng Nam vẫn bặt tin Hương. Lúc đó, Nam mới chợt tự hỏi tại sao mình cũng không biết Hương sẽ sang trở lại ngày nào, chuyến máy bay nào để mình còn ra đón? Và lạ thay, Nam cũng không hề có địa-chỉ Hương bên Việt-Nam để mà liên-lạc. Làm sao có chuyện vô-lý như thế này nhỉ? Dường như trong đầu Nam, Hương đương-nhiên sẽ liên-lạc với chàng cơ mà? Nhưng ngày qua ngày, Nam cứ chờ thơ, chờ tin-tức của Hương mà tuyệt-nhiên không có. Ngoài ra, kiểm-điểm lại thì Nam nhận thấy đồ đạc gì gọi là “đáng giá” đối với Hương thì nàng đã mang đi hết, chỉ còn để lại những gì lặt-vặt, không cần-thiết. Không lẽ, không lẽ… nàng đã ra đi không một lời từ-biệt?
Năm ấy, một lần nữa, Nam lại bỏ thi và đành học lại một năm. Còn về Hương thì Nam tuyệt-nhiên không có tin-tức gì nữa. Có một dạo, nghe đâu nàng đã đi lấy chồng ngoài Huế thì phải…
 



Thuở ấy, Nam vừa tròn đôi mươi. Năm mươi năm sau, Nam đã về hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại và hôm nay, nghe qua bài “Người đi qua đời tôi”, Nam mới bồi-hồi tưởng-nhớ lại mối tình đầu của mình. Nam không còn nhớ rõ khuôn mặt Hương, chỉ nhớ giọng Huế và đôi mắt lặng buồn của nàng và bao nhiêu câu-hỏi Nam không câu giải-đáp lại lũ-lượt kéo về.
Trước hết, Hương đã đến với Nam một cách quá đột-ngột, quá nhanh chóng. Từ lúc quen nhau hôm Tết, hai hôm sau Hương đã tìm đến nhà Nam và ba hôm sau thì dọn đến ở chung với Nam. Tốc-chiến, tốc-thắng. Con gái Việt-Nam mà lại “bạo” thế nhỉ?
Sau đó, Hương đã tuyên-bố đổi ngành học nhưng hình như Nam không thấy Hương làm thủ-tục đổi trường gì cả; rồi nàng nói về thăm nhà mà lại dọn gần hết đồ-đạc để làm gì? Ngày Hương đến thăm Nam ở Sài-Gòn, Nam đã có cảm-tưởng như một buổi chia tay khi nàng nói “đừng quên em…”
Tại sao nàng biệt-tăm, biệt-tích luôn và không bao giờ liên-lạc lại với Nam nữa? (tuy rằng vài năm sau, Nam cũng đã rời Thuỵ-Sĩ để sang Canada đoàn-tụ với gia-đình).
Hay là nàng đã nghe lời gia-đình để về Việt-Nam lấy chồng và trong thời-gian chuyển-tiếp, nàng đã muốn sống cho mình, sống một cái gì thật đặc-biệt trước khi lên xe hoa?
Nhưng tại sao lại là Nam? Hương có hề yêu Nam không?


Nhưng lạ-lùng hơn nữa là những câu hỏi về chính mình. Từ đầu đến cuối, Nam đã đóng một vai-trò rất ư là thụ-động. Nam đã sống suốt quãng đời này như trong một giấc mộng, như đã thả mình theo giòng đời trôi đi đâu thì trôi. Nam đã đón-nhận Hương và những chuỗi ngày đó, không suy-nghĩ, không thắc-mắc, vô tư-lự.
Tại sao Nam không hề biết chuyến bay cũng như ngày về của Hương để ra đón? Tại sao Nam không hề có một địa-chỉ nào để liên-lạc với Hương?
Hay là trong thâm-tâm mình, Nam đã hoàn-toàn chấp-nhận để Hương đi cũng như Nam đã chấp-nhận để Hương đến.
“… Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết…”
Nam có hề yêu Hương không? Mà đối với một người con trai mới lớn như Nam lúc bấy giờ, tình-yêu có ý-nghĩa gì?
... Tất cả những câu hỏi đó, những bí-ẩn đó của cuộc đời, có lẽ Nam sẽ không bao giờ có được câu trả lời. Nhưng Nam chưa hề “giận” Hương hay “hận đời”, cũng như chưa hề “hối-tiếc” gì cả, Nam vẫn chỉ xem đó như một món quà của cuộc đời. Kỷ-niệm vui, kỷ-niệm buồn, cũng vẫn chỉ là kỷ-niệm, cũng vẫn chỉ là một trang đời trong một quyển sách.

 Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao nguời, 
mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời
Người đi qua đời tôi, đường xưa đầy lá úa,
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.
Em đi qua đời anh, không nhớ gì sao em?
 


Một ngày mùa đông cuộc đời, Nam chợt nhớ đến một khoảnh-khắc mùa hè nóng bỏng của tuổi trẻ.
- Hương ơi, bây giờ em đang ở đâu? Em đang làm gì?
Người đã thoáng qua đời tôi… Người có nhớ đến tôi không?

Yên Hà, Tháng bảy, 2012

Le ciel est par-dessus le toit (Paul Verlaine)-Yên Hà dịch và chú-thích




Le ciel est par-dessus le toit
(Paul Verlaine)
Le ciel est, par-dessus le toit,
Si bleu, si calme
Un arbre, par-dessus le toit,
Berce sa palme.

La cloche, dans le ciel qu'on voit,
Doucement tinte.
Un oiseau sur l'arbre qu'on voit
Chante sa plainte.

Mon Dieu, mon Dieu, la vie est là
Simple et tranquille.
Cette paisible rumeur-là
Vient de la ville.

Qu'as-tu fait, ô toi que voilà
Pleurant sans cesse,
Dis, qu'as-tu fait, toi que voilà,
De ta jeunesse ?


Bu tri trên mái nhà
(Yên Hà)

Bu tri trên mái nhà,
Thật xanh, thật êm
Cây cọ bên mái nhà
Đong đưa cành lá.

Chuông thấy trên bầu trời
Nhẹ nhàng ngân reo
Con chim thấy trên cây
Hót điệu than van.

Trời ơi, cuộc sống đây
Bình-thường, thanh thản.
Tiếng ồn-ào êm-ả
Từ thành-phố vọng về. 

Còn ta đã làm gì
Khóc lóc không ngừng
Hả? còn ta đã làm gì
Với tuổi thanh xuân mình?


Bài thơ này, Paul Verlaine đã viết trong tù, sau khi ông bị xử án hai năm vì đã bắn hai phát súng vào người bạn/người yêu là Arthur Rimbaud (*).
Ngồi trong tù, thế-giới của Verlaine thu gọn lại trong bốn bức tường và nhìn qua cửa-sổ song sắt, chỉ thấy mái nhà, thấy ngọn cây, có nhìn lên nữa cũng chỉ thấy được bầu trời.
Đâu đây, nghe tiếng chuông ngân hay nghe tiếng chim hót, và xa xa vọng về tiếng ồn từ thành-phố, như để nhấn mạnh thêm sự tĩnh-mịch của nhà tù.
Sau mấy năm sóng gió trong mối liên-hệ đồng-tình luyến-ái với Rimbaud, sự "thanh-thản" bất-đắc-dĩ này là dịp để thi-sĩ ổn-định tâm-thần và suy gẫm về những sai lầm của mình. Ông chợt "thức-tỉnh" và chỉ biết tự-trách.
Trong bài này, tác-giả đã nhìn-nhận sự yếu-đuối của con người mình một cách minh-mẫn, như một tiếng thở-dài.


(*) Thi-sĩ Xuân-Diệu có viết một bài thơ, nhan-đề "Tinh trai" để nêu lên mối tình giữa Rimbaud và Verlaine. Xin được trích bốn câu:

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi-sĩ choáng hơi men
... ... ...
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

Còn về mối liên-hệ của Xuân-Diệu với nam-giới, đăc-biệt là với người em rể Huy-Cận ("chàng thơ" của Xuân-Diệu) thì lại là chuyện khác.

Yên Hà, tháng bẩy, 2012