UA-83376712-1

Labels

Jul 18, 2013

Cơn mưa phùn: Thanh Tuyền & Đức Huy (1971?)


Please click on   http://youtu.be/7C1Y5PaZd3I

Enjoy.

Demain tu te maries - Thanh Tuyền @ Salut les copains, SJ 2013



Please click on  http://youtu.be/YiKeMQ8Vy7k


Enjoy.

Tự Ái


Đời là bể khổ. Nhưng khổ ở đâu ra mà lắm thế? Nguyên-nhân của khổ đau h
ình như có hai loại: một phần do những yếu tố bên ngoài gây ra (thí dụ: thiên tai, hãng đóng cửa nên ta mất việc, xe người khác đụng ta bị thương, bệnh tật mà không có tiền chữa,...), phần còn lại do chính ta gây nên cho ta, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Cũng chỉ vì chúng ta còn vướng mắc vào những cái "rắc rối" của cái "Ta". Người Phật-Tử gọi là "chấp ngã".
Hiểu-biết của tôi về đạo Phật còn nông cạn nên trong bài này, tôi chỉ xin bàn sơ qua về một loại vướng mắc tai hại và khó vượt qua: Tự-ái.

1. Từ Tình yêu đến Tự-ái

Hạnh-phúc con người phần lớn dựa trên tình yêu: tình vợ chồng, tình gia-đình, tình bạn, tình người. Trẻ con được nuôi bằng sữa, bằng cơm nhưng thiếu tình thương, chúng ta không thể trưởng thành trọn vẹn. Ai có thể tưởng tượng đời sống thiếu tình yêu? 

Thương người như thể thương thân

Chúa Giê-Su đã có nói: " Hãy yêu tha nhân như chính mình".
Nhưng bác ái chân chính bắt nguồn từ chính mình ("Charité bien ordonnée commence par soi-même"). Hãy tự yêu lấy chính mình ("Aime-toi toi-même").
Làm sao có thể yêu người khác khi ta không biết yêu chính mình? 
Làm sao có thể bảo vệ cho ai, chăm sóc cho ai khi ta không biết tự bảo vệ, không biết tự chăm sóc một cách chu đáo? 
Làm sao cho người khác những gì mình không có cho chính mình?
Chúng ta phải biết yêu chính mình ("amour de soi"), phải biết tự nuôi mình bằng món ăn tâm linh đó. Chúng ta phải biết tự tin ("confiance en soi"), tin và dựa vào những khả-năng và giá trị mình (làm sao tin người khác khi mình không tin nơi chính mình?), phải biết quí mến chính mình ("estime de soi"), biết tự trọng ("respect de soi"), không tự hạ mình hay để người khác chà-đạp lên danh-dự của mình một cách vô-lý.

Tuy nhiên, bất cứ chuyện gì tốt, đẹp mà thái quá cũng mất đi ý nghĩa của nó.

Tự yêu mình quá thì còn đâu "chỗ" để yêu người khác?
Tự bảo-vệ mình quá có thể đưa đến chứng cuồng ám ("paranoïa"); 

tự-lập quá có thể đưa đến tự cô-lập;
tự chăm lo cho mình quá có thể trở thành ích kỷ;
tự tin quá có thể biến thành tự tôn, kiêu ngạo, huyênh hoang;
tự trọng quá dễ chuyển sang sĩ-diện hão, khinh người hay đạo-đức giả...

Tình yêu chính mình ("amour de soi") khi quá mức dễ biến thành Tự-ái ("amour-propre").

Tự-ái là gì?

Theo Hán Việt từ điển của Nguyễn quốc Hùng, thì tự-ái có nghĩa là lòng yêu chính mình, cho mình là hay, là tốt. 
Còn theo Việt nam Từ điển của Lê văn Đức, thì tự-ái có nghĩa là thương mình, quá nghĩ về mình rồi sinh hờn mát mỗi khi bị đụng chạm đến. 
Trong thực tế, người bình dân thường hiểu tự ái là đùng đùng nổi giận khi bị… chạm nọc, chứ không phải chỉ hờn mát mà thôi.

It's all about me (Tất cả rồi cũng chỉ là chuyện về "Tôi"): 

Tôi thích "định nghĩa" này vì nó tóm tắt thật đơn-giản ý-nghĩa của tự-ái, cho dù áp dụng cho "ích kỷ" thì đúng hơn..
Tự-ái, chúng ta ai ai cũng có, ít nhiều, tuỳ nơi, tuỳ lúc, dưới dạng này, dạng nọ: khi ai nói đùa mà mình tưởng thật, ai nói gì mà mình cứ nghĩ là ám chỉ mình, khi không được mời, không được khen, khi bị nói khích, khi ganh ghét với bạn hay đồng nghiệp, khi mình khoe khang, tự đề cao quá lố, khi mình tự so sánh với người khác, khi mình tủi thân, ... 

2. Cái "Tôi" đáng ghét 
("Le Moi est haïssable", Pascal))
So với tất cả các "Tôi" khác, cái "Tôi" của tôi là nhất, là trung-tâm của cuộc đời, là cái rốn của vũ-trụ. Khi tranh cãi, tôi bao giờ cũng đúng, cũng có lý, khi so tài thì tôi bao giờ cũng giỏi nhất, đẹp nhất, có duyên nhất... Cái của tôi to nhất, cái xe tôi hay cái nhẫn hột-xoàn tôi đắt tiền nhất, con cái tôi thành tài, thành công nhất...
Và tôi đã giỏi, đã đẹp như vậy thì mọi người phải thấy, phải công nhận, phải khen, phải vỗ tay. Cho nên, xu-nịnh vẫn là một phương cách hữu-hiệu để lấy lòng mọi người (ai chả thích được nghe những lời thật bùi tai đó?).
Và một khi tự-ái ta bị đụng chạm, khi ta bị "chạm nọc" thì có hai cách phản ứng: 
- Trả đũa: ta tức tối, chỉ muốn trả thù kẻ đã dám "khinh thường" ta, đấm cho hắn một đấm, chửi hắn một mách hay ít nhất phải nói xỏ lại một câu cho bõ ghét ;
- Giữ trong lòng: ta không dám nói ra, chỉ biết buồn rầu, hờn dỗi, sinh ra tủi thân, mặc cảm. Loại tự-ái "thụ-động" này có thể còn độc hại ở chỗ hiểu lầm không hoá giải được vì không được nói ra.
Trả đũa và hại người, hoặc ôm vết thương trong lòng và tự hại mình (hoặc cả hai), hậu quả chỉ có thể là tai hại. Mình tư yêu mình mà hoá ra mình tự làm khổ mình và làm khổ người khác. Nghịch-lý của tự-ái là vậy.

Cái Tôi xã-hội ("le Moi social")
Đối với nhà văn / triết-gia Jean-Jacques Rousseau, 
"Tự-ái là tình yêu chính mình trong ánh mắt của người khác" ("L'amour-propre est l'amour de soi dans le regard des autres").
"... trong ánh mắt của người khác": phần này mới thật quan-trọng.
Khi chung sống với người khác, con người có xu-hướng so sánh và chỉ hài lòng khi mình bằng hoặc hơn người khác và nhiều tật xấu cũng từ đó mà ra (Jean-Jacques Rousseau vẫn tin chắc rằng xã-hội "làm hư" con người).
Và đôi khi mình chỉ có thể yêu mình qua "trung gian" người khác vì mình không biết tự yêu mình một cách trực tiếp (?) 
Tại sao lòng tự mến trọng mình lại phải được thông qua bởi sự công nhận của kẻ khác? Lại một nghịch lý của tự-ái.

Dựa theo "thứ bậc những nhu-cầu của con người" theo thuyết của Abraham Maslow (còn gọi là tháp nhu-cầu của Maslow), ngoài những nhu-cầu cơ bản thể-lý (ăn uống, nghỉ ngơi, bài-tiết, tình dục...) và an toàn (thân thể, tài sản, việc làm,...), con người cần có liên-hệ tình cảm trong một nhóm hay cộng-đồng (gia-đình, bạn bè,...) và cần được quí trọng, kính mến, tin tưởng, trước khi cần đến chuyện thành đạt, thành công.

Con người ta không thể sống một mình mà cần có những người xung quanh, gia-đình, bạn bè, đồng-nghiệp, đồng-hương. Nhưng thế-giới bên ngoài trở thành một cái gương để phản-chiếu cái thề-giới bên trong, để so sánh mình với người, và đôi khi trong cái gương đó, mình lại thấy những gì mình không thích nơi mình. 
Việt-Nam chúng ta, nhất là người miền Bắc, hay giữ thể-diện, sợ những lời gièm-pha từ hàng xóm, láng giềng hay gia-đình, họ hàng, đôi khi đâm ra sĩ-diện hão. Cũng vì sợ ánh mắt người ngoài nhìn vào, cũng vì cái gương soi đó. Ngược lại, người Mỹ ít chú-tâm đến chuyện này vì họ chủ-trương sống cho chính mình (?)

Cái "Tôi" đó trở thành cái "Chúng tôi" khi tự-ái được dựng trên cương vị một nhóm: một quốc-gia, một dân-tộc, một nghiệp-đoàn, một tôn-giáo... Đến nước này thì chiến-tranh là hậu quả thường xảy ra, và lịch-sử nhân-loại đầy dẫy những thí-dụ.


3. Narcisse và tự ái trong tâm-lý học

Trong huyền-thoại Hy-Lạp, Narcisse là một chàng thợ săn rất đẹp trai nhưng tự kiêu vì được rất nhiều người ngưỡng-mộ và yêu thích. Sau đó, anh bị thần Némésis phạt khiến anh phải yêu một người mà anh không thể đoạt được. Một hôm, anh cúi xuống một giòng sông để uống nước, chợt thấy gương mặt của chính mình và đâm ra si tình chính mình một cách say đắm cho đến quẫn quá, anh phải tự sát rồi biến thành hoa thuỷ-tiên.
Sau này, người ta gọi người "Narcisse" là một người tự yêu thích mình hay hình ảnh chính mình.
Tâm-lý học nói đến "vết thương Narcisse" (blessure narcissique) khi sự yêu mến, quí trọng chính mình (amour de soi, estime de soi) bị tổn thương nặng, gây nên buồn tủi day dứt.
Như trong chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn, bà hoàng hậu ngày nào cũng hỏi cái gương thần: "Gương thần ơi, ta có phải là người đàn-bà đẹp nhất trên trần-gian không?" cho đến ngày gương thần trả lời "Không!". Thế mới có chuyện.

Sự cạnh tranh giữa anh chị em là một sự thật từ ngàn đời, cho dù ít ai đề-cập đến. 
Ngay từ lúc bé tí, đứa trẻ đã phải "tranh đấu" với anh chị em mình để dành lấy tình yêu của bố mẹ. "Bố mẹ yêu cưng ai nhất?" là câu hỏi trẻ con vẫn tự hỏi và đôi khi ám ảnh suốt cả đời. Lúc bé, đứa trẻ chỉ hiện-hữu dưới ánh mắt của bố mẹ.
Vấn đề này lúc tuổi ấu thơ là thông-thường trong giai-đoạn trưởng thành, ai ai cũng đã trải qua và phần lớn được giải-quyết trong tuổi niên-thiếu nhưng đôi khi có thể gây nên ít nhiều vấn-đề tâm-lý mà tự-ái là một điển-hình.

4. Giải pháp nào cho tự-ái?
"Ce mal que chacun se plait à entretenir" (François de la Rochefoucauld)

(Cái tật xấu mà ai nấy đều ôm khăng khăng).
Được khen thì mát ruột mà bị chê thì lộn ruột, đó chỉ là tâm-lý chung. Con ngưới khổ nhiều vì tự-ái, ai cũng biết vậy nhưng đừng để tự-ái làm chủ mình mới là chuyện khó. 
Tự-ái như mọi thói-nghiện, biết là xấu nhưng ta không tài nào bỏ được. 
Tuy nhiên, ý-thức được một vài điều để thực tập thì cũng đỡ được phần nào chăng?

Tự biết mình

Socrates đã để lại hai chữ "Biết mình" (Connais-toi toi-même hay Know thyself) và Tôn Tử cũng đã nói: "Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.”
Biết mình không phải là điều dễ làm nhưng đây là bước đầu tiên để "trị" tự-ái.

Nhận-thức được mình là ai, biết được "giá-trị" của mình, những tính tốt cũng như những tật xấu của mình là một cách để đặt biên-giới phân ranh cho tự trọng/tự tin và tự ái.
Nhưng đã tự-ái thì giá-trị của Tôi làm gì chả cao? Tính tốt của Tôi làm gì chả nhiều và tính xấu của Tôi làm gì chả ít? Cái nhìn khách-quan mới khó, mới phải tập.

Dùng thế-giới bên ngoài để soi sáng thế-giới bên trong. 
Khi bị xếp (hay vợ?) quở trách hay bị ai chê, dĩ nhiên là mình không vui. Nhưng nếu sau đó, suy nghĩ lại, chấp nhận là mình không hoàn-hảo, phân-tích điều chê-trách để cải-tiến cho chính mình, chẳng là điều tốt sao? 
Một người "chê" mình, mình có thể lờ đi, nhưng nếu nhiều người đều nói vậy, thì có lẽ mình cũng cần suy nghĩ lại, phải không? 

Trong hành-trình cuộc đời, ai cũng đã có trải qua những điều không may, những chuyện buồn khổ và đôi khi có những vết thương lòng không hàn gắn lại được, chỉ cần động đến là rỉ máu. Nếu nhận-diện và "chuyển-hoá" được những buồn tủi, mặc cảm đó thì ta chắc sẽ bớt nhạy cảm, bớt nhột nhạt như khi "có tật giật mình". Và bớt buồn khổ vì tự-ái hão (?)

Thiền tập hay tâm-lý học là vài phương cách để giúp ta có cái nhìn khách-quan về chính mình nhưng điều cần thiết là phải chân-thật với chính mình.

Tự kềm chế

Loài người chúng ta khác loài vật ở chỗ chúng ta biết kềm chế bản-năng, không để xúc cảm làm chủ mình, để biết xử-thế ở mỗi tình-huống trong một xã-hội có tôn-ti, trật-tự.
Nếu "tình yêu như trái phá" (Trịnh Công Sơn) thì tự-ái thật trái khoáy. Khi bị chạm nọc, ta thường dễ bị "sửng cồ", phản ứng mạnh để rồi sau đó lại phải hối-hận mình đã vô-lý. 
Khi cơn giận đã nổi lên đùng đùng thì hậu quả tai hại khó lường, chúng ta, ai cũng đã trải qua. Trong lúc tranh chấp, điều cần-thiết là đừng bao giờ trả đũa ngay lập tức (chuyện đâu còn đó, chuyện đó còn đây), cố gắng bình tĩnh, ít ra đừng đổ dầu vào lửa.
Khi đã biết mình sai thì tự nhận mình sai, dẹp tự-ái để xin lỗi. Đối với riêng tôi, xin lỗi không có nghĩa là tự hạ mình, là chịu thua, xin lỗi là sáng suốt, là biết lẽ phải, lẽ trái và tôi không có vấn-đề khi "phải" xin lỗi người "dưới" như trẻ con hay cộng-tác viên.

Đừng chạm vào tự-ái người khác

Chớ làm người khác những gì mình không muốn người khác làm mình, chỉ giản-dị vậy. 
Lựa lời mà nói, đừng (khen) chê, đừng so sánh (so sánh thường chứa dụng ý khen cái này, chê cái kia).
Khi bạn chê tôi, bạn đang gián tiếp nói bạn hơn tôi. 
Khi bạn khen tôi, bạn đang gián tiếp khen sự thấu hiểu của bạn.

Nhưng đôi khi mình chỉ vô-tình chạm vào tự-ái người kia mà không hay, vì vậy nên tránh tranh cãi về những đề-tài chính-trị, tôn-giáo hay sắc tộc và những bạn hay nói đùa (như tôi) cũng nên thận trọng nhé. 
Ngoài ra, tôi cố tập thói quen là nói "Tôi thích...", "Tôi không thích..." thay vì nói "Cái này không ngon..." hay "Người này xấu...", như vậy có lẽ đúng hơn.

Tình yêu là thuốc ngừa tự ái
"L'amour est le vaccin de l'amour-propre" (Friedrich Hebbel).
"Il y a dans la jalousie plus d'amour-propre que d'amour"
(François de la Rochefoucauld)
Trong ghen tuông, có nhiều tự-ái hơn tình yêu
Biết bao nhiêu thảm cảnh trong tình yêu chỉ là những tai-nạn của Tự-ái.
"Tant de drames de l'amour ne sont que des accidents de l'amour-propre" (Jacques de Bourbon Bressat)
Biết bao nhiêu cãi vả giữa vợ chồng, tranh cãi giữa bạn bè chỉ vì hiểu lầm do tự-ái đưa đến, bạn cứ nghĩ thử xem? Tự-ái chẳng lẽ quan-trọng hơn hạnh phúc mình đang có hay tình bạn  từ bao nhiêu năm ư? Hả giận một phút có đáng để mất niềm vui một buổi hay một đời không? Tự-ái là độc-dược và tình yêu là thuốc bổ thì nên uống thứ nào?
Đừng để tự-ái thắng tình yêu. Hãy dùng tình yêu để chuyển hoá con tim mình, vì tình yêu là lẽ sống của cuộc đời.
Tôi xin được kể lại một câu chuyện thâu lượm trên Mạng nhưng không nhớ rõ nguồn.
Có một nhóm cựu học sinh họp nhau để chúc mừng đại thọ cho Thầy, ai nấy đều khen Thầy cao tuổi nhưng thân hình rất tráng-kiện và tinh thần rất cao. Hỏi bí-quyết của Thầy thì Thầy kể rằng ngày làm đám cưới, hai vợ chồng Thầy có quy-ước với nhau: mỗi khi cãi nhau, người nào quấy phải ra vườn tản bộ để suy nghiệm điều sai của mình. Rồi Thầy nói tiếp: " Năm mươi năm nay, mỗi lần cãi nhau thì lần nào tôi cũng là người ra vườn." Nghe đến đây, cả bọn phá lên cười nhưng rồi suy nghĩ lại: Ở trên đời, có ai hoàn toàn đúng? Có ai lúc nào cũng sai? Chẳng qua là Thầy nhường nhịn, Thầy lãnh hết phần sai về mình để bảo vệ hạnh phúc gia-đình.
Đám cựu học trò (và tôi) đã học được một bài học quí giá.
(Tôi chỉ hơi thắc mắc tại sao suốt 50 năm, vợ Thầy chưa bao giờ tự ra vườn tản bộ?)

Nói thì dễ, tôi biết chứ. Cái "Ngã" của tôi vẫn còn to như cây cổ-thụ nhưng viết bài này cũng là một cách để mình nhận-thức được những gì nên làm, cần làm cho đỡ nhức óc trong cái tuổi già đang xồng-xộc kéo đến. 

Bây giờ qua phần thực-tập mới là mệt đây.
Yên Hà, tháng 7, 2013

Tiếng nước tôi: Chính tả (2) / Những lỗi chính tả khác


Tháng trước, chúng ta đã xem qua cách bỏ dâu hỏi-dấu ngã cho đúng.

Tháng này, chúng ta sẽ thông qua nốt những lỗi chính-tả thông-thường khác.

1. Đặt dấu thanh

Những dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng thường được đặt trên / dưới (trường-hợp dấu nặng) nguyên-âm (vowel/voyelle) nhưng nếu chữ có 2 hay 3 nguyên âm thì làm sao?
Có hai quan điểm về cách đặt dấu thanh, thường được gọi là "kiểu cũ" và "kiểu mới".

Kiểu cũ
Quy tắc kiểu cũ có phần căn cứ trên nhãn-quan (sao cho đẹp mắt), giữ vị trí dấu ở giữa hay gần giữa mỗi từ cho cân bằng.
- Nếu có một nguyên-âm thì dấu đặt ở nguyên âm: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng...
- Nếu là tập hợp 2 nguyên-âm thì đánh dấu ở nguyên âm đầu: kìa, bài, nhàu, nghèo...
- Tập hợp 3 nguyên-âm hoặc hai nguyên âm + phụ-âm cuối thì vị trí dấu chuyển đến nguyên âm thứ nhì. 
Thí dụ: xoáy, loại, cười,...
          "òa" hay "tòa" thì dấu huyền đặt trên chữ "o", nếu "toàn" thì dấu chuyển đến "a".

Kiểu cũ dựa trên những từ-điển từ trước năm 1950 nên "gi" và "qu" được coi là một mẫu tự riêng, cho nên trong những chữ này, "i" và "u" không được xem như nguyên âm và luật chỉ áp-dụng cho những nguyên-âm còn lại.
Thí dụ: già (nhưng kìa), quả (nhưng lúa), giàu, quyện, ...


Kiểu mới
Quy tắc "kiểu mới" căn cứ trên ngữ âm học, muốn đối chiếu chữ và âm. 
Bạn nào rành về ngữ-âm học có thể xem thêm nơi trang:  http://vi.wikipedia.org/wiki/Quy_t%E1%BA%AFc_%C4%91%E1%BA%B7t_d%E1%BA%A5u_thanh_trong_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

Riêng tôi chỉ có một qui-luật duy nhất: "Đọc sao viết vậy"

Những chữ đa nguyên-âm, ta cứ đọc rời từng cụm ra thì đạt dấu ở đâu sẽ biết ngay.
Này nhé: 
- "bìa" nếu tách ra bi-à hay bì-a thì ta thấy rõ phải là bìa
- "thuý" tách ra thú-y (veterinary hay "thúi") hay thu-ý ? Dĩ nhiên là thuý.
(Anh Ngô Thuỵ Miên chắc hẳn thích viết Thuỵ hơn là Thụy (thụi) rồi)
- "khoái": kho-ái hay khó-ai? Chắc chắn là khoái rồi.
... ... ...

Thêm vào đó, chúng ta có thể để ý có một qui-luật chung: 

Với những chử gồm có 2 hay 3 nguyên-âm, dấu thanh luôn luôn đặt trên/dưới những nguyên-âm â, ă, ê, ô, ơ, ư.
Thí dụ: ngoằn (ngoèo), yếm, truyện, chuồng, thuở, cứu...

Đặt dấu thanh đối với tôi chỉ giản dị thế thôi.


2. Lỗi do phát-âm

Chữ viết hiện nay của người Việt là chữ viết ghi lại theo phát âm. đọc đúng là viết đúng, đọc sai là dễ bị viết sai lắm. Như đã thấy, dấu hỏi-dấu ngã đọc không được thì khó mà viết đúng lắm. Ngoài ra, còn một số lỗi chính tả thông-thường khác như:

2.1 Lỗi phụ-âm đầu:

Người miền Nam thì hay nhầm ng/qu như quại thay vì ngoại  ; h/qu như quảng thay vì hoảng ; d/gi/v như da/gia/va (bạn thử đọc "vái Trời" đi), ...

Người miền Bắc thì hay nhầm s/x như xử dụng thay vì sử dụng, ... ; 

d/gi/r như dàn dụa thay vì ràn rụa, dấu diếm thay vì giấu giếm, rụi mắt thay vì dụi mắt,... ;
ch/tr như chàn chề thay vì tràn trề, ...
- Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, si, sồi, sung, sắn, sim, … sán, sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sứa, sư tử, ...
- Để phân-biệt âm đầu tr/ch: Đa số các chữ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch (thí dụ: chăn, chiếu, chum, chổi...chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn...)

Trường-hợp c/k, g/gh, ng/ngh

Những phụ-âm này phát âm giống nhau nhưng viết khác. Qui-luật như sau:
- c viết trước a, o, u ; k viết trước ei, y. Thí dụ: cao, cổ, cười ;  kỳ, kinh, ...
- g viết trước a, o, u ; gh viết trước e, i, y. Thí dụ: ga, gốc, gục ;   ghe, ghềnh, ghi, ...
- ng viết trước a, o, u ; ngh viết trước e, i, y. Thí dụ: nga, ngôn,   nguyệt ; nghe, nghĩ, ...

2.2 Lỗi âm cuối

Người miền Nam còn khó phân-biệt những vần có âm cuối n/ng (thí dụ: màn/màng) và nhất là t/c/ch (thí dụ: cát/các, bụt/bục, chít/chích,...).
(Tôi đọc trên Mạng có một bài tựa đề "Cắt bỏ dấu tiếng Việt").
Muốn chữa loại lỗi này, có vài cách:
- Liên-hệ với những chữ đồng nghĩa hay gần nghĩa
Thí dụ: cắt/chặt/gặt, hạt/hột, sát/giết,... gần nghĩa cùng viết "t" ;
           tạc/đục, phúc/phước, sức/lực, ... gần nghĩa cùng viết "c".

- Từ láy toàn bộ có hiện tượng biến âm: T> N ; C>Ng

Thí-dụ: cháT chátT>chaN cháT ; sáT sáT>saN sáT ; ... (T>N)
           rắC rắc>răNG rắC ; vặC vặC>vằNG VặC ; phắC phắC>phăNG phắC; (C>Ng)...

2.3 Nhận xét

- Có những lỗi vì phát âm sai nhưng cũng vì nhầm 2 chữ khác nghĩa. 
Thí dụ: Dấu= vết và giấu= che lấp ; dòng= dòng dõi, thầy dòng và giòng= giòng sông, giòng chữ, giòng nhạc (tôi để ý thấy lỗi này rất thông dụng).
Trong thí-dụ dàn dụa thay vì ràn rụa, nếu biết là "dàn" có nghĩa là xếp đặt (dàn binh) thì có lẽ đã không bị lỗi ;
Trong thí-dụ dấu với giấu, nên phân-biệt nghĩa của dấu=dấu vết và giấu=che giấu ;
Trong thí-dụ rụi với dụi, nên phân-biệt ý nghĩa của cháy rụi dụi mắt.

- Ngược lại, có những chữ được chấp-nhận có 2 cách viết. 

Thí dụ: dúi giúi (cho vào), dùm=giùm (hộ), ...

- Theo tôi nghĩ, phát âm sai không phải vì phát âm không được mà chỉ vì thói quen. 

Bằng chứng là để hát tân nhạc, ai cũng có thể hát giọng Bắc (dù là có thể hơi ngờ ngợ vì không quen), cũng như người miền Bắc có thể phát âm dễ dàng s/x, tr/ch, d/gi/r, nhưng như vậy sẽ ngượng miệng lắm. 
Hình như ở Việt-Nam, bây giờ có phong-trào hát phải phát-âm thật đúng nhưng riêng tôi thì chắc là không làm được rồi. Thôi thì dân-tộc tính đã thế, cứ để như thế đi, đừng sửa chữa tiếng nói làm gì, nói là một chuyện, viết lại là một chuyện.

3. Dấu mũ (^) trên ay/au

Có một loại lỗi chính tả mà tôi đã mắc phải cả mấy chục năm, cho đến khi đọc được một bài viết của ông Nguyễn Phước Đáng mới sửa được (xin thành thật cảm tạ ông).
Có nhiều chữ với vần ay/au đã bị "chụp mũ" một cách đáng thương.
Xin nhắc lại những chữ như sau không có dấu (^):
- Tàu (Trung Hoa, ghe, bẹ lá, chuồng ngựa) ; Xảy (nhưng sẩy thai); Nhảy Chảy ...

Những chữ như sau cần phải phân-biệt:

- Màu sắc, màu mỡ... vs nhiệm mầu, phép mầu... ;
- Dạy dỗ, dạy học... vs đứng dậy, dậy đất, dậy thì... ;
- Bày biện, trưng bày, bày tỏ... vs bầy cừu, bầy trẻ, bầy nhầy... ;
- Bảy (7) vs đòn bẩy, bẩy thuyền (nâng lên)... ;
- Đày ải, đày tớ, đi đày... vs đầy đủ, đầy tháng... ;

Có lẽ danh sách này không đầy đủ, xin các bạn bổ túc thêm cho nhé.


4. I hay Y?

Đây thật là một đề-tài ly kì (ly kỳ? li kỳ? li kì?) Cho đến nay, trong các cuộc tranh-luận về quy-tắc chính-tả tiếng Việt, cách viết I hay Y là một vấn đề biểu hiện sự bất-nhất. 
Quy-luật về I/Y (và về chính-tả nói chung) không đủ rõ để có thể thống-nhất cách viết.

4.1 Những nguyên-tắc xưa
Xin nhắc lại nguyên-tắc của Đắc Lộ (Alexandre de Rhode) từ 1651:
Viết "Y" trong những trường-hợp sau đây:
    - Ở đầu một chữ và sau đó có "Ê" (yên, yêu, yếu...)
    - Sau âm chúm môi của nguyên-âm "u" (uy, khuya, chuyện...)
    - Sau "qu" (quý, quyền, quýt...)
    - Sau "â" (mây, dây, đầy...)
Viết "I" trong những trường-hợp sau đây:
    - Ở phần âm chính của vần (bí, chim, đi, lính, tím...)
...
Nhưng đương nhiên là từ 1651 đến bây giờ, qui luật cũng đã thay đổi nhiều.

Khi ông Đào Duy Anh soạn bộ "Hán Việt Tự Điển" vào khoảng 1931, học giả danh tiếng này thường dùng "Y" khi viết với các phụ-âm M, T, L, K, Qu, H...


4.2 Nguyên-tắc sau 1975
Quy-định ngày 30.11.1980 của bộ Giáo dục về chính tả liên quan đến hai chữ yi, như sau: “… trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, thí dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị ; trừ uy, như duy, tuy, quy…

Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, ầm ĩ, im, yêu.

Hiện nay có những ý kiến trái chiều với quy định này:

Tại số nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội có hai viện “chữ nghĩa” lớn nhất nước ta – Viện Văn học (với cơ-quan ngôn-luận là tạp-chí Văn-học) và Viện Ngôn-ngữ (với tạp-chí Ngôn-ngữ) – thì trong khi bên Ngôn-ngữ viết i ngắn, bên Văn-học vẫn viết y dài.

- Theo quy-định trên thì (cánh) tay sẽ trở thành (lỗ) tai, may (vá) sẽ thành (hoa) mai...?


Quy định trên không chú ý tới một quy tắc bất thành văn về tính thẩm mỹ trong chữ quốc ngữ: hình chữ phải đẹp, nghĩa là có sự cân đối về độ cao giữa các con chữ trong từ ngữ. Khái niệm này được hiểu như sau:

-- Ghép những phụ âm cùng độ cao với /i/ thì có khuynh hướng dùng i: si mê, mị dân, chim ri, rằn ri, rên rỉ, xanh rì, kẻ sĩ, vĩ mô, vi phạm, vị trí... 
-- Khái niệm cân đối còn được hiểu là trong một từ có một phụ âm nhô cao lên thì ta viết y nhằm tạo ra sự hài hoà trên dưới. Thí dụ: Viết lý thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết lí thì phần dưới chữ này hơi bị hụt ; tên, kỹ nghệ, ... (nhưng tại sao người ta lại viết hí trường, bị, đi...?)


– Kích-thước con chữ cũng là một lý do thẩm mỹ: chữ i ngắn hơn chữ y tạo ra ấn-tượng là một đối-tượng nhỏ. Vậy nên có khuynh-hướng dùng i ngắn cho những đối tượng tạo ra ý niệm nhỏ: li ti, tỉ mỉ, vi tính; chi li, chi tiết; chơi bi, sân si, lí nhí… chứ không ai viết chơi by, tỷ mỷ, chy ly, chy tiết, vy tính…

- Có những chữ đọc giống nhau nhưng lại viết khác. 
Thí dụ: mi (mắt), (bật) , (tỉ) mỉ, nhưng mỹ (thuật).


- Có những chữ có thể viết I hay Y
Thí dụ: tỉ/tỷ, hỉ/hỷ...

4.3 Một vài "quy-luật" khác:
- Những danh từ riêng, tên riêng thường hay dùng Y (Mỹ, Lý, Hoa Kỳ, Ý...) nhưng đã gọi là tên riêng thì dùng Y hay I chỉ tuỳ thuộc người đặt tên hoặc phiên-âm.

- Những phụ âm đầu (B-, Ch-, D-, Đ-, Gh-, Kh-, N-, Ngh-, Nh-, Ph-, R-, S-, Th-, Tr-, X-, V-) chỉ đi với I, dù dấu thanh là gì, dù là từ Hán Việt hay thuần Việt;


- Có những trường hợp dùng I hay Y để phân biệt những chữ khác nghiã. 
Thí dụ: tí (bé) / Tý (con giáp Chuột), tì (dựa) / (đàn) tỳ (bà), ...

- Những nghĩa nào mang tính chất trang trọng, đẹp đẽ, thể hiện sự tôn kính thì dùng Y thay cho I. Thí dụ: hy vọng, song hỷ, quốc kỳ, kỹ nghệ,...

(nhưng tại sao viết bác sĩ, hiền sĩ…?)

- Phần đông những chữ Hán-Việt hay dùng Y (hy vọng, lý sự...) và những chữ thuần Việt hay dùng I (lì lợm, hì hục...) nhưng ngoại lệ cũng có (tu mi nam tử, ti tiện...).



6. Kết-luận
Là người Việt-Nam, nhất là người Việt tha-hương, ai trong chúng ta chẳng tha-thiết với cội-nguồn, với gia-tài văn-hoá của mình mà ngôn-ngữ là tiêu-biểu?
Khổ nỗi, tiếng Việt ta đã trải qua bao nhiêu biến-đổi khó khăn mà hôm nay vẫn chưa được thống nhất, ít ra trong tâm-chí của mọi người.


Tôi không phải là một nhà ngôn-ngữ học, tôi lại càng không dám tranh luận thế nào là đúng, thế nào là không đúng. Tôi chỉ cố gắng thâu lượm một số quy-ước, ý kiến tương đối "dễ hiểu"  về chính-tả để làm điểm tựa cho chúng ta khi viết tiếng Việt.
Mong sao càc bạn thâu lượm được chút nào hay chút nấy.


Yên Hà, tháng 7, 2013

Tháng sau, thân mời các bạn đón đọc: Từ vựng (vốn chữ của người Việt)

Tài-liệu nguồn:

Một số biện-pháp nâng cao chất lượng môn chính tả cho học-sinh lớp 5, Nguyễn Sĩ Chỉnh http://giaoan.violet.vn/present/show?entry_id=8388207

Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt (Wikipedia)


Lỗi về âm cuối "T" và "C", Nguyễn Văn Hiếu
http://hieuvanhiepduc.vnweblogs.com/post/13454/353719

Dấu mũ trong quốc-ngữ Việt-Nam, Nguyễn Phước Đáng
http://maybien.net/index.php?option=com_content&view=article&id=1016:dmtcqn&catid=73:tvc&Itemid=65


Viết i hay viết y? GS.TS Nguyễn Đức Dân (16/07/2013)

Nghĩ về chính-tả tiếng Việt qua cách viết I hay Y, Nguyễn Tấn Đại (26/06/2010)

Vấn đề phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)