UA-83376712-1

Labels

Mar 28, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (3) : Nhà Thục - Nhà Triệu

1. Thời-đại thượng-cổ
1.1 Kỷ Hồng Bàng thị (2879-258 trước Tây Lịch)

./.


1.2 Kỷ nhà Thục (257-207 trước Tây lịch)
Sử chép rằng Thục Vương hỏi con gái của Hùng Vương th 18, là Mỵ Nương không được, trong bụng lấy làm tức giận, dặn con cháu ngày sau đánh báo thù lấy nước Văn Lang. Hùng Vương bấy giờ cậy mình có binh cường tướng dũng, bỏ trễ việc nước, chỉ lấy rượu chè làm vui thú. Người cháu Thục Vương tên là Phán, biết tình thế ấy, mới đem quân sang đánh lấy nước Văn Lang. Hùng Vương thua chạy, nhảy xuống giếng mà tự tử.
Năm giáp thìn (257 trước Tây lịch), Thục Vương dẹp yên mọi nơi rồi, xưng là An Dương Vương, cải quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê  (nay thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc An).

(Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) đã thuộc về nhà Tần cai trị rồi, thì còn có vua nào nữa, Huống chi lấy địa lý mà xét thì từ đất Ba Thục sang đến Văn Lang (Bắc Việt), cách bao nhiêu đường đất và có bao nhiêu núi sông ngăn trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang lấy nước Văn Lang dễ dàng như vậy ? Sử cũ lại có chỗ chép rằng An Dương Vương, họ là Thục tên là Phán. Sách "Khâm Định Việt Sử" cũng bàn như thế.)

Hai năm sau là năm bính ngọ (255 trước Tây Lịch), An Dương Vương xây Loa Thành. (Thành cao và từ ngoài vào thì xoáy trôn ốc, cho nên mới gọi là Loa Thành.) Hiện nay còn dấu tích ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc An.

Sự-tích Trọng Thuỷ-Mỵ Châu
Tục truyền rằng khi An Dương Vương xây Loa Thành, có những yêu quái quấy nhiễu, xây mãi không được. An Dương Vương mới lập đàn lên cầu khấn, có thần Kim Qui hiện lên bày phép cho vua trừ những yêu quái đi, bấy giờ mới xây được thành. Thần Kim Qui lại cho An Dương Vương một cái móng chân, để làm cái lẫy nỏ. Lúc nào có giặc thì đem cái nỏ ấy ra bắn một phát, giặc chết hàng vạn người.
Khi An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc thì ở bên Tàu, vua Thủy Hoàng nhà Tần, đã thống nhất thiên hạ. Đến năm đinh hợi (214 trước Tây lịch), Thủy Hoàng sai  tướng là Đồ Thư đem quân đi đánh lấy đất Bách Việt (vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ). An Dương Vương cũng xin thần phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba quận, gọi là: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bách Việt).

Chẳng được bao lâu thì nhà Tần suy, nước Tàu có nhiều giặc giã, ở quận Nam Hải có quan úy là Triệu Đà thấy có cơ hội, muốn mưu đánh lấy Âu Lạc để lập cho mình một nước tự chủ ở phương nam.
Năm quý tị (208 trước Tây lịch), Triệu Đà đem quân sang đánh nước Âu Lạc nhưng An Dương Vương đem nỏ thần ra bắn, Triệu Đà thua trận phải chạy.
Triệu Đà dùng kế, sai sứ đi giảng hoà, sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: "Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau? ". Mỵ Châu nói: "Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu".
Trọng Thủy về kể lại với Triệu Đà tình đầu mọi sự, Triệu Đà bèn khởi binh sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương cậy có cái nỏ, không phòng bị gì cả, đến khi quân giặc đến gần chân thành mới đem nỏ ra bắn, thì không thấy hiệu nghiệm nữa. An Dương Vương mới đem Mỵ Châu lên ngựa mà chạy về phía nam. Chạy đến núi Mộ Dạ (thuộc huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An) gần bờ bể, vua thấy giặc đuổi kíp quá, mới khấn Kim Qui lên cứu, Kim Qui lên nói rằng: "Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy!" An Dương Vương mới vỡ lẽ, tức giận quá, rút gươm muốn chém Mỵ Châu, Mỵ Châu khấn rằng: "Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này". Cuối cùng vua vẫn chém Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng, hóa làm hạt minh châu. Chém Mỵ Châu xong, Vua nhảy xuống bể tự tận.
Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rắc, đem binh đuổi đến núi Mộ Dạ, thấy xác vợ chết nằm đó, thương xót vô cùng, vội vàng đem về cấp táng, xong rồi, nhảy xuống cái giếng ở trong Loa Thành mà tự tử.

Triệu Đà tuy là tướng nhà Tần nhưng lợi dụng lúc nhà Tần đã suy, nước Tàu đang vào lúc đại loạn để sang chiếm lấy Âu-Lạc, gồm cả các quận ở phương nam, lập làm một nước tự chủ, nên lịch-sử không xem thời-đại này như Việt-Nam bị Tàu đô-hộ.


1.3 Kỷ nhà Triệu (207-111 trước Tây lịch)
Họ Triệu, từ Vũ Vương năm Giáp Ngọ đến Dương Vương năm Canh Ngọ, gồm 5 đời, tổng cộng 97 năm [207 - 111 TCN].

Năm quí-tị (207), Triệu Đà đánh được An-dương-vương rồi, sáp-nhập nước Âu-lạc vào quận Nam-hải, lập thành một nước gọi là Nam-Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ-vương, đóng đô ở Phiên-ngung, gần thành Quảng-châu bây giờ.
Năm Giáp Thìn (137 trước Tây lịch), Triệu Vũ Vương mất năm 121 tuồi, làm vua được hơn 70 năm.

Ảnh: Tượng thờ Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) đặt tại đình làng Xuân Quan (Hưng Yên)


Họ Triệu tiếp tục với:
- Triệu Văn Vương là con trai trưởng của Trọng Thuỷ
- Triệu Minh Vương
- Triệu Ai Vương
- Triệu Dương Vương.


Dương-Vương mới lên làm vua được độ một năm thì vua Vũ-đế nhà Hán sai Phục-ba tướng-quân là Lộ-Bác-Đức và Dương Bộc đem 5 đạo quân sang đánh lấy Nam-Việt. Quan Thái-phó Lữ Gia ra chống cự không nổi, phải đem Dương-Vương chạy. Quân nhà Hán đuổi theo bắt được, vua tôi đều bị hại cả. 

Năm canh-ngọ (111 tr. Tây-lịch), nước Nam bị
người Tàu chiếm lấy, cải là Giao-chỉ-bộ, chia ra làm 9 quận, và đặt quan cai- trị như các châu quận bên Tàu vậy.

Thời-đại Bắc-Thuộc khởi đầu.

./.



Yên Hà, tháng 3, 2016


Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thân Trần Trọng Kim



Cười


                Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
                Thân mời các bạn uống một liều cho… vui.

1. Cười
Cười là đặc tính của loài người (Rire est le propre de l’Homme : François Rabelais).
Đứa trẻ từ bụng mẹ chui ra, việc đầu tiên là khóc, sau đó cứ khi buồn thì khóc, khi vui thì cười. Và chỉ có một loại khóc, một loại cười: thật là hồn nhiên. Sau đó lớn lên, với kinh nghiệm đời, nó sẽ học được thêm rất nhiều loại cười nữa. Xem nào.


1.1   Cười vui
Cười là phản ứng của cơ-thể và nhất là khuôn mặt để bộc lộ niềm vui mừng, hạnh phúc. Cười làm tăng thêm mọi vẻ đẹp và làm cho ta cảm thấy đời đáng sống. Cứ nhìn và nghe tiếng cười hồn nhiên của đứa trẻ thơ hay của người đẹp thì hiểu ngay.
Có rất nhiều loại cười vui, tuỳ theo tình huống, tâm tính của người cười.

- Cười mỉm, nhẹ nhàng, tủm tỉm, chúm chím, thường là vũ khí lợi hại của người đàn bà.
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả nụ cười của Thuý Vân như:
  Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,
  Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
.

Nụ cười đắt giá nhất trong lịch-sử Trung Hoa đã làm Chu U Vương mất nước là nụ cười của Bao Tự. Để làm vương hậu cười, vua đã cho người xé hàng ngàn tấm lụa để được thấy nàng cười vì tiếng lụa xé, nàng nghe vui tai.

Sau này, một viên quan đã hiến kế rằng: “Tiên vương xưa có xây hơn hai mươi chòi canh (phong hỏa đài) ở Ly Sơn, lại đặt mấy mươi cỗ trống to, phòng lúc có giặc sẽ nổi lửa trên chòi và đánh trống báo hiệu cho các chư hầu đem quân đến cứu. Nay nhà vua muốn cho Hoàng hậu cười thì xin nhà vua hãy cùng Hoàng hậu ngự chơi Ly Sơn, rồi đến đêm nổi lửa đốt lên, bấy giờ chư hầu các nơi sẽ đem quân đổ đến. Hoàng hậu thấy chư hầu bị mắc lừa tất phải bật cười”. Và quả nhiên, nàng đã cười thật tươi, khiến vua lại càng mê say.
Nhưng sau nhiều lần, đến khi bị giặc đến đánh thật, quân chư hầu bị lừa nhiều lần không đến nữa nên vua vừa mất nước, vừa mất mạng. Vua còn chết vì một nụ cười nữa huống chi dân ngu khu đen chúng ta?


Một nụ cười huyền bí nổi tiếng nữa hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre ở Paris trên tấm tranh La Joconde (vợ của Francesco Del Giocondo?) do Leonardo Da Vinci vẽ. Người đẹp Mona Lisa trông như mỉm cười nhưng không có vẻ là cười và nghi-vấn này lại càng làm tấm tranh nổi tiếng hơn nữa.







- Cười ra tiếng nhưng khẽ và kín đáo là cười rúc rích, cưới khúc khích, cười hinh hích.
- Cười lớn là cười reo, cười vang.
- Cười thật lớn là cười ầm, cười ha hả, cười hô hố, cười khanh khách. Có những tràng cười nắc nẻ, dòn tan làm người nghe cũng phải cười theo.
- Cười quá cỡ thợ mộc, không ngừng được là cười lăn cười bò (càng), cười lăn lộn, ôm bụng cười, cười ngặt nghẽo, cười ra nước mắt.

Những chữ “buồn cười”, “tức cười” làm tôi thắc mắc: Tại sao buồn mà lại cười? Tại sao tức mà lại cười? Chữ “mắc cười” (như mắc đẻ, mắc …) nghe cũng… mắc cười lắm.

1.2   Cười buồn

Điển hình là anh hề trong gánh xiệc chọc cười khán giả nhưng mặt lại hoá trang với những nét buồn.


Xuân Diệu đã có viết:
  Cười là tiếng khóc khô không lệ
  Người ta cười trong những lúc quá chua cay…

Trong thảm cảnh nội-chiến, Abraham Lincoln đã có câu: “ Tôi cười vì tôi không có quyền khóc. Chỉ có vậy.” (I laugh because I must not cry. That is all).

Bi quan, yếm thế, Nguyễn Công Trứ viết:
  Ngồi buồn mà trách ông xanh,
  Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
  Kiếp sau xin chớ làm người,
  Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…
(Cây thông)

Gần chúng ta hơn, Lê Hựu Hà đã viết bài nhạc “Hãy ngước mặt nhìn đời”:
… Cười lên đi em ơi
Cười để dấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười…


Nhà trào phúng Raymond Devos thì nói: Con người quá khổ đau nên đã phải sáng chế cái cười (L’homme souffre si profondément qu’il a du inventer le rire.)

Riêng tôi đã học được nơi Thiền cái mỉm cười trong lúc ngồi thiền, nhất là trong những lúc buồn khổ. Cái cười lúc đầu méo xẹo, thật gượng gạo nhưng rồi từ từ tươi ra và tâm bắt đầu lắng xuống. 

1.3   Cười “xấu”
Đôi khi, chuyện không vui nhưng cũng phải cười:
- cười trừ (để đánh trống lảng),
- cười gượng, cười miễn cưỡng (cho đỡ “quê”),
- cười mếu, cười đau khổ, dở khóc dở cười,
- cười giả lả, cười xoà để làm giảm căng thẳng,
- cười hùn, cười theo mọi người cho “rậm đám”, …
Cũng có những cái cười nhạt nhẽo, vô duyên không làm ai cười (như trong thành-ngữ “vô duyên chưa nói đã cười”).

Có những lúc, con người chúng ta còn dùng cái cười để biều lộ những tật xấu:
- cười lén, cười thầm trong bụng (cười chê bai nhưng dấu, không để lộ ra),
- cười cợt, cười chê, cười chế giễu, thường để “vui” trên đau khổ người khác (người nghèo, xấu xí, thiếu thông minh…)
- cười nhạt, cười khẩy, cười khinh khỉnh, cười mỉa, cười ngạo mạn, với một thái độ khinh bỉ,
- cười gằn, với ý nghĩa hăm doạ,
- cười nịnh, cười xã giao (không thật tình) để lấy lòng người, làm lợi cho mình,
- cười lả lơi, lẳng lơ, thông thường phía người đàn bà,
- cười đểu, cười dê, cười “Sở Khanh”, phía người đàn ông,
- …

Tất cả, bao nhiêu là loại cười khác nhau. 


2. Làm cười
Trừ trường-hợp cười một mình, thông thường có một người làm cho những người khác cười.
2.1 Làm cười để làm gì?
Người vui tính, dí dỏm thường hay thích cười, thích làm người khác cười, để chia sẻ niềm vui. Yêu đời và yêu người là vậy.
Nụ cười làm chúng ta dễ thấu cảm nhau hơn. Ai cũng đã có những giây phút hạnh phúc thần tiên của vợ-chồng, bố mẹ-con cái hay của bạn bè cùng vui cười với nhau.
Tôi không biết ai đã nói: “Nụ cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn” nhưng ai cũng biết một người đàn ông muốn xích lại gần một người đàn bà thì hữu-hiệu nhất là làm nàng cười.

Diễn viên hài Sim bên Pháp tuy không có “ngoại hình” nhưng lại rất đắt đào vì lý do này.

Người Trung Hoa có câu: “Ai không biết cười thì nên tránh nghề buôn bán.” Trong bất cứ ngành nào, người bán trước tiên phải làm cho người mua cảm thấy thoải mái để dễ nghe những lời “dụ dỗ” ngon ngọt của mình, đó là đương nhiên.

Các ông, các bà MC dĩ nhiên thường phải biết kể truyện tiếu-lâm khi phải “câu giờ” trong những trường-hợp “trắc trở kỹ-thuật”.


Bên Mỹ này, bất cứ ông giám đốc, ông tổng thống hay nhân vật nổi tiếng nào khi xuất hiện trước máy vi-âm đều phải bắt đầu bằng một câu hài-hước làm cười mọi người rồi mới vào đề. Tác dụng cười là vậy.


Và dĩ nhiên, cười là một nhu-cầu nên mới có những nghề-nghiệp mà mục đích là làm cười và còn có những trường dạy làm cười nữa. Những nghề này là diễn viên hài (kịch, phim, gánh xiếc…), người viết kịch hài hay truyện vui, hoạ sĩ (truyện hài hước bằng tranh, biếm hoạ,…), ...

Thời Trung-cổ, bên Âu-châu, những ông vua thường có bên mình một gã gọi là “bouffon” hay “fou du roi” (thằng điên của vua). Nhiệm vụ gã là tiêu khiển cho vua và khách và gã là người duy nhất có quyền châm biếm và đôi lúc còn làm cố vấn cho vua.


2.2 Làm cười như thế nào?
Có một triệu cách làm người khác cười, tuỳ theo môi-trường, tình huống, phong cách của người chọc cười và của người cười…
2.2.1 Kỹ-thuật làm cười
2.2.1.1 Dựa trên điệu-bộ, cử chỉ
Điển-hình là những diễn-viên hài trong phim câm, lúc điện-ảnh chưa biết ghép thêm tiếng vào cùng với hình ảnh. Đại tài-tử thuở này đương nhiên phải là nghệ-sĩ người Anh Charlie Chaplin, tự Charlot. Sau đó còn có cặp Stan Laurel - Oliver Hardy, anh chàng đeo kính Harold Lloyd lúc nào cũng lạc-quan, người không bao giờ cười Buster Keaton, năm anh em Marx (không có họ hàng gì với Karl đâu nhé), tài-tử Pháp Max Linder…
Nghệ-sĩ (mime hay pantomime) Marcel Marceau đã nổi tiếng với "nghệ thuật của sự im lặng" (L'art du silence), một cách trình-diễn hoàn toàn dựa trên điệu-bộ, cử-chỉ. 
Ngoài ra, vẫn còn những diễn-viên tiếp-tục loại chọc cười bằng cách nhăn mặt, trợn mắt như Jerry Lewis, Jim Carrey, … (tuy rằng sở-thích tôi không phải loại này).

2.2.1.2 Dựa trên ngôn-ngữ
Nơi đây, chúng ta tìm lại tất cả những nghệ-thuật chơi chữ dựa trên
- ngữ âm / âm điệu (xin mời đọc thêm http://phu-tran.blogspot.com/2013/11/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-1.html ),
- ngữ nghĩa / ý (xin mời đọc thêm http://phu-tran.blogspot.com/2013/12/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-2.html ),
- ngữ pháp và đối đáp (xin mời đọc thêm http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-3.html ),
- và dĩ nhiên là nói lái, nghệ-thuật có một không hai của Việt-Nam chúng ta (xin mời đọc thêm http://phu-tran.blogspot.com/2014/02/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-4-noi.html ),
- …

2.2.2 Thể loại / Hình thức
Những cách chơi chữ này sẽ được áp-dụng trong những tình huống khác nhau, với những phong cách khác nhau.
2.2.2.1 Trào-phúng
Trào = chế giễu, Phúng = dùng để cảm hoá, Trào phúng = là nghệ-thuật gây tiếng cười mang ý nghĩa phê-phán, châm biếm tật xấu của xã-hội. Tiếng Mỹ và Pháp gọi là “satire”.
Trào phúng thường dựa trên tình huống mâu-thuẫn và thổi phồng quá mực để làm nổi bật những tật xấu.
Trước Công nguyên, thời La Mã đã có những thi sĩ, triết học gia châm biếm như Horace, Ovid,…

Việt-Nam ta cũng khá nhiều nhân-vật nổi tiếng với nghệ-thuật này.

Thơ trào-phúng của Trần tế Xương, tự Tú Xương thường tự giễu cợt tình trạng mình, người có tài nhưng thi bao nhiêu lần cũng chỉ đỗ được Tú Tài. Cái cười chua chát làm sao!

Nguyễn Khuyến thì có nét nhẹ nhàng hơn. Thí dụ như bài “Tiến sĩ giấy”, viết để đả kích những kẻ bất tài ra làm quan:
  Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
  Cũng gọi ông nghè có kém ai
  Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
  Nét son điểm rõ mặt văn khôi
  Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
  Cái giá khoa danh thế mới hời
  Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ
  Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.


Cuối thế-kỷ 19, có cặp bài trùng Ba Giai-Tú Xuất, cùng là những nhà nho bất đắc chí, thông minh, mưu mẹo nhưng tài năng bất sở dụng, được nhiều người biết đến qua những đồn đại về những trò trêu ghẹo, những bài thơ châm biếm, chế giễu những nhân vật có tai tiếng tại Hà-Nội.

Theo chủ trường "cười cợt để sửa đổi phong hóa” của Tự Lực Văn Đoàn, báo Ngày Nay và Văn Hoá thường đăng những biếm hoạ với cặp Lý Toét (nhân-vật cao gầy, tên do Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu đặt, tranh do Đông Sơn Nhất Linh vẽ) và Xã Xệ (nhân-vật lùn mập, do ai vẽ, Nguyễn Gia Trí hay Bút Sơn thì không rõ lắm?)



Tiểu-thuyết trào phúng điển-hình là “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, với đoạn trích “hạnh phúc của một tang gia”. Mâu thuẫn đã ở ngay trong tựa-đề: nhà có tang thì hạnh phúc ở chỗ nào? Cụ cố tổ mất nhưng mỗi người trong gia-đình đều có lý do để vui sướng.

Nhà văn Tây Ban Nha Cervantès thì có viết Don Quixote de la Mancha, một nhân-vật gàn dở, hão huyền.
Bên Pháp thì có những nhà văn châm biếm như François Rabelais (với những tác-phẩm như Pantagruel hay Gargantua), Pierre Corneille (với những vở kịch-thơ để châm biếm những trưởng giả làm sang / Le bourgeois gentilhomme, những người keo kiệt / L’avare,…), nhà ngụ-ngôn Jean de la Fontaine để răn đời, …

2.2.2.2 Danh ngôn
(quotes / citations)
Danh ngôn là những câu nói hay, đáng ghi nhớ của những danh nhân. Danh ngôn cũng có nhiều câu khôi hài như :
- Không phải là tôi sợ chết, chỉ có điều là tôi không muốn có mặt ở đó khi điều đó sẽ xảy ra (I am not afraid to die. I just don’t want to be there when it happens. Woody Allen)

- Tư-bản là người bóc lột người, nghiệp-đoàn là ngược lại (Le capitalisme, c’est l’exploitation de l’homme par l’homme, le syndicalisme, c’est le contraire. Coluche)

Ngay cả những lãnh-đạo quốc-gia cũng biết nói đùa như Winston Churchill khi ông nói : Tiết-kiệm là một điều tốt, nhất là khi bố mẹ mình đã làm chuyện đó cho mình (Saving is a good thing. Especially when your parents have done it for you).

Ranh ngôn” là những danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ đã bị đổi lời. Thí dụ như :
- Đời là bể khổ mà chúng sanh thì lại... không biết bơi,
- Có công mài sắt có ngày mỏi tay
- …

Đó là chưa nói đến những bài hát bị đổi lời như :
  Đường vào trường đua có trăm lần thua, có một lần huề
thayĐường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn
(
“Buồn trong kỷ niệm” của Trúc Phương)
hoặc
  Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em? Anh đi tìm nhà thương em nằm
thay vì  Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm…  
(“Bây giờ tháng mấy” của Từ Công Phụng)

… và còn nhiều nữa. Hình như người Việt-Nam mình ranh mãnh và khôn vặt lắm (?)

2.2.2.3 Truyện tiếu-lâm
Thể loại này có lẽ là thông dụng nhất. Đây là một câu truyện thật ngắn mà tác dụng làm cười thường nằm trong câu cuối gây nên bất ngờ. Cho nên muốn thành công phải biết kể sao để người nghe hồi hộp theo dõi cho đến đoạn kết. Truyện hay mà không biết kể cũng thành nhạt nhẽo, truyện không hay mà biết kể cũng làm người khác cười được (cũng như một bài hát, một bài thơ chỉ hay khi được trình bày hay).
Truyện cười có thể dựa trên bất cứ đề tài nào nhưng thường gặp là những truyện về vợ-chồng (chồng sợ vợ, khác biệt giữa đàn ông - đàn bà…), về những bà mẹ chồng/mẹ vợ, về những người già (lẫn thẫn, yếu đuối…), về những cô nàng tóc vàng (ngây thơ, thiếu thông minh), về người Do Thái (keo kiệt), … nhưng đề tài mọi người (cả đàn ông lẫn đàn bà) thích nhất chắc hẳn là những truyện về « chuyện ấy ». Và bí-quyết của đề tài « tục » này dĩ nhiên là phải dùng chữ sao cho « thanh ».
Truyện tiếu lâm là một đề-tài rất phong-phú mà bài đã dài, tôi xin « để dành » cho một dịp khác vậy.

2.2.2.4 Nói đùa
Với tất cả những phong cách nói trên, « hài nhân » (chữ mới do người viết đặt ra để chỉ người làm cười) đều phải thiết kế, suy nghĩ và sửa soạn trước khi xuất chiêu. « Học thuộc lòng » và tập dợt trước vài câu truyện vui là có triển vọng làm mọi người cười. Nhưng ngồi chơi, tán dóc với nhau mà cứ « xuất khẩu thành tếu » trong bất cứ trường hợp nào, với bất cứ đề tài nào thì chỉ có một ít người làm được. Nghệ-thuật này khó ở điểm phải « bộc phát », phải « đốp chát » (tac au tac / tit-for-tat), không cần suy nghĩ, một cách rất tự nhiên. Đúng chữ, đúng ý, đúng nơi, đúng lúc là điều-kiện chính.
Muốn « pha trò » kiểu này, « hài nhân » phải rất nhanh trí (chờ 10 giây sau mới nghĩ ra thì đã là quá trễ rồi), phải quen thuộc với những kỹ-thuật chơi chữ (đồng âm, trại âm, đồng nghĩa, trại nghĩa, vần, ... và nói lái), phải có kiến-thức tổng-quát cao (tục ngữ, thành-ngữ, điển-tích, tin tức thời-sự, tiếng lóng, …) để có thể đáp ứng bất cứ tình huống nào, và cũng phải có chút tài « ăn nói », dí dỏm, duyên dáng.

2.2.3 Một nghệ-thuật đa dạng
Có những người dễ cười (con trẻ,…) và có những khung cảnh dễ làm cười vì ai cũng thoải mái và vui vẻ (hội hè, nơi nghỉ mát, …). Trong những trường-hợp này, mọi người ai cũng vui và « hài nhân’ cũng cảm thấy "hứng" hơn.

Nhưng ngược lại, điều gì cũng có giới-hạn, phải hợp tình, hợp cảnh và đừng quá mức. 
Cười cũng phải tuỳ nơi, tuỳ lúc. Ở những nơi trang-nghiêm (chùa, nhà thờ, thư-viện…) hay những lúc ai cũng mệt, lo nghĩ thì cũng không nên cười hay làm cười. 

Và dĩ nhiên có những đề-tài nhạy cảm như chính trị hay tôn giáo.
Tháng giêng 2015, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo tại Paris, cũng vì đụng chạm đến Hồi giáo nên đã bị những kẻ quá khích tấn công, gây nên 17 nạn nhân. 
Có những vấn-đề và những nhóm người quá nhạy cảm đến mức độ này.

Óc hài-hước của mỗi người tuỳ theo tâm-tính riêng và óc hài-hước một dân-tộc rất tuỳ-thuộc văn-hoá dân-tộc đó. Riêng tôi sống bên Mỹ hơn 10 năm nay nhưng tôi không thể hiểu nổi phong-cách khôi hài của Mỹ và ngay cả những trang quảng cáo của họ (điển hình là quảng cáo cho hãng bảo-hiểm Geico), tôi thấy nhạt nhẽo làm sao. Dĩ nhiên đây không phải là nói ai có duyên, ai vô duyên, nhưng mỗi người một tính, mỗi dân-tộc một văn-hoá là vậy.
Có chuyện một anh diễn-viên hài người Pháp dọn sang Mỹ tiếp tục hành nghề, mấy buổi trình-diễn đầu mang về bao nhiêu cà chua, trứng thối. Sau đó anh phải mướn một chuyên-viên Mỹ để phê-chuẩn bài vở của anh trước khi lên sân-khấu mới được chút thành công. Đúng là « nhập gia tuỳ tục » vậy.

Cười hay làm cười đều thú vị. Nhưng văn hào Mỹ Max Eastman có nói: Khả năng thưởng-thức một câu truyện vui mới chứng mình rằng bạn có óc hài-hước, chứ không phải là khả năng kể câu truyện vui (It is the ability to take a joke, not make one, that proves you have a sense of humor).

Nhớ lại lúc trước, làm huấn-luyện viên trong ngành quản-lý xí-nghiệp, trong buổi họp, tôi thỉnh thoảng “nhả” một câu nói đùa nhưng không cười để đón xem ai sẽ là người cười. 
Và sau này biết được câu nói của Alphonse Allais: Một câu truyện vui cần có 3 người, 1 người kể, 1 người thưởng thức và 1 người không hiểu để 2 người kia càng vui hơn (Il faut être trois pour apprécier une bonne histoire. Un pour la raconter bien, un pour la goûter, et un pour ne pas la comprendre... Car le plaisir des deux premiers est doublé par l'incompréhension du troisième.), tôi mới hiểu rõ cái thú này.

Cười còn có thể ý nghĩa sâu xa hơn nữa, như Max Eastman (lại ông này) nói: Loại hài-hước tôi thích là loại làm tôi cười 5 giây và sau đó suy nghĩ 10 phút (The kind of humor I like is the thing that makes me laugh for 5 seconds and think for 10 minutes). Đây cũng là một đặc-điểm của óc hài-hước Anh Quốc, bề ngoài nhẹ nhàng nhưng chứa hàm ý nghĩa về cuộc sống.

Đúng là cười là một nghệ-thuật và nghề chơi nào cũng lắm công phu.


3. Sống tốt, yêu nhiều, cười luôn
(Live well, Love much, Laugh often)
Một ngày không có tiếng cười là một ngày lãng phí (A day without laughter is a day wasted - Charlie Chaplin).
Nụ cười là quà tặng của cuộc sống. Nụ cười là hoa nở trên môi và trên thế giới này, không có gì sưởi ấm cho bằng một nụ cười.
Nụ cười không mất tiền mua nhưng tác dụng của nụ cười là vô song, cho chính mình và cho người khác.
Cười lên đi, ai ơi.
Yên Hà, tháng 3, 2016


One day in Cinque Terre, Italy (Photos)

One day in Cinque Terre
Photos by Phu TRAN, November 2015


Please Ctrl and click on the link

https://youtu.be/erWChORo7tU

Enjoy.