UA-83376712-1

Labels

Dec 9, 2015

Đi tìm Tự-Do (phần 5) - Thuỵ Uyên



… ( Tiếp theo phần 4)


Tôi ngả lưng xuống dưới đất ngoài phòng khách. Nằm vắt tay trên trán, tôi suy nghĩ lung tung, vừa vui buồn lẫn lộn, vừa lo âu cho tương lai ngày mai. Từ ngày hai chị em tôi đến, anh Bạch vất vả quá nhiều. Tôi chưa hề nghe anh than thở. Ngoài mặt, anh vẫn vui tươi, nhưng tôi đọc được sự chịu đựng mệt mỏi trong đôi mắt anh. Nay thêm bốn miệng ăn… tôi không dám nghĩ đến nữa. Trằn trọc mãi, tôi quyết định gác việc mong muốn đi học trở lại, kiếm việc làm đỡ gánh nặng cho anh Bạch.

Tiếng lục đục trong phòng bếp làm tôi thức dậy. Trời đã sáng. Mẹ và chị Vy đang sửa soạn điểm tâm. Tôi vội ngồi dậy, ngáp dài:
-        Đêm qua con thức hơi khuya, dậy trễ quá. Mẹ ngủ ngon không ?
-        Gớm, hôm qua vừa vui vừa mệt nên Mẹ ngủ ngon quá. Ở đây yên tĩnh quá nhỉ ?
-         Bố đâu, Mẹ ?
-        Ngoài hiên với anh Bạch con kìa.
Tôi nhìn ra ngoài cửa. Đứa em trai và thằng cháu nhỏ nô đùa ngoài sân. Chúng nó cười nắc nẻ, tung tăng đuổi nhau chung quanh chiếc xe nhỏ của anh Bạch. Thấy chúng nó vô tư lự, tôi vui lây.
Tôi vào phòng lấy quần áo. Thoáng nhìn thấy hai thùng nhỏ đựng đồ đạc của Bố Mẹ, tôi chợt xót xa. Gia tài của Bố Mẹ mang theo chỉ vọn vẹn thế thôi ư ? Tôi bước vội vào phòng tắm, nước mắt chực tuôn ra. Nằm ngâm mình trong bồn, tôi để nước nóng chảy nhẹ xuống đầu và cổ, nhắm mắt lại, mường tượng đến những ngày cuối cùng Bố Mẹ sống tại Saigon. Chắc Bố Mẹ chật vật khó khăn lắm. Nhớ hôm qua, nhìn thấy ánh mắt Mẹ thoáng buồn khi nhắc đến gia đình người anh rể, tôi càng thêm đau xót. Thuở còn ở Saigon, sau khi người chị lớn của tôi qua đời, anh Khang buồn bã, trở nên ít nói. Gia đình đôi bên càng gần gũi nhau hơn. Anh thường chở hai đứa con thơ đến ông bà ngoại và ở lại chơi mỗi cuối tuần. Một hôm, anh có nói với Bố Mẹ tôi:
-        Từ từ rồi con xin dọn sang bên này gần Bố Mẹ cho đỡ nhớ vợ con.
-        Ừ, con cần gì, cứ mang hai đứa con lại đây Mẹ trông. Mẹ tôi lau nước mắt.
Hai đứa cháu nhỏ tôi kháu khỉnh, dễ thương vô cùng. Thằng lớn gần năm tuổi, đứa em gái lên hai. Chúng nó rất thích thú khi được Bố chúng nó chở đến nhà tôi chơi. Trông thấy Mẹ tôi, thằng bé con nhảy bổ ngay vào lòng, bi ba bi bô:
-         Bà cho cháu ăn bánh bít-qui.
-        Hôm nay bà không có bánh bít-qui, bà có kẹo này.
-        Không ăn kẹo, ăn kẹo xấu lắm.
Tôi bẹo má nó:
-        Í da, cháu của Dì ngoan quá. Sao cháu nói ăn kẹo xấu ?
Nó lắc đầu quầy quậy:
-        Mẹ nói ăn kẹo sún răng, xấu lắm.
Tôi ngồi xuống cạnh nó:
-        Đưa Dì xem răng cháu nào, xem có sún không ?
Nó lấy hai ngón tay, thọc vào má, há toác mồm ra cho tôi xem. Đứa em gái đứng bên cạnh cũng bắt chiếc, lấy tay vạch mồm cho tôi xem răng.
Nghĩ đến hình ảnh hồn nhiên của anh em nó, tôi ôm lấy mặt. Đôi má tôi ướt đẫm, nước mắt hay nước ở vòi chảy trên mặt, tôi cũng không biết.
-        Uyên ơi, xong chưa, ra ăn sáng. Làm gì trong ấy lâu thế ? Tiếng Mẹ gọi ngoài kia.
-        Vâng, con ra bây giờ.
Mẹ đã nấu xong nồi cháo. Mùi cháo thơm lừng phòng khách. Tôi ra bếp, mở nắp vung. Cháo trắng phau, điểm vài nhánh gừng, hấp dẫn lạ thường. Mẹ bảo:
-        Hôm qua còn con cá sống chưa ăn đến. Hôm nay Mẹ làm cháo cá đây.
Gắp vài miếng cá sống bỏ vào tô, tôi múc cháo đổ vào. Nước cháo nóng hổi làm chin cá, vừa ăn. Tôi bỏ thêm vài nhánh ngò thơm, vài cọng hành lá thái chỉ mỏng. Nước bọt rệu trong mồm, tôi hít hà:
-        Thơm quá Mẹ ơi. Đã lâu, con không được thưởng thức cơm Mẹ nấu.
-        Anh mới lâu chứ, anh Bạch suýt xoa. Anh mới là hơn mười mấy năm không được ăn cơm nhà.
Mẹ cười:
-        Thôi được, ăn đi không nguội. Rồi Mẹ sẽ nấu cho ăn. Chỉ sợ đến lúc gặp cô nào rồi thì lại chê cơm của Mẹ nấu cho xem.
Cả nhà cười ồ lên, hạnh phúc. Anh Trung đã đến, bóp còi xe inh ỏi ngoài sân. Anh Bạch nháy mắt:
-        Trung nó lại mang nhiều thứ gì đến rồi. Mình ra xem khiêng vào.
Anh nói đúng. Quả nhiên, anh Trung lại mang đến cho gia đình tôi một rổ trái cây, mấy hộp đồ lòng, thịt heo, gà và vịt quay, và một két bia. Anh bước vào nhà, tươi cười:
-        Chào cả nhà. Thưa hai Bác ngủ ngon không ạ ? Cháu mang vài thứ đến, trưa nay mời hai Bác nhắm rượu.
Mẹ nói với ra từ trong bếp:
-        Ăn sáng nhé cháu ? Bác để phần cho cháu một tô cháo này.
-        Hôm nay hai Bác muốn đi chơi đâu xem phong cảnh, cháu chở hai Bác đi.
Bố vỗ vai anh:
-        Cám ơn cháu nhé, nhưng từ từ hẵng, hôm khác cả nhà đi cho vui. Ăn cháo đi đã, cháu.
Chúng tôi ngồi quây quần trong phòng khách, nói chuyện lông bông. Tôi sốt ruột, dục Bố Mẹ kể cho nghe những ngày cuối cùng tại Saigon.
-        Được, để Bố kể. Bố tôi tằng hắng lấy giọng :

…Sau khi chị em tôi rời Saigon với Mark, Bố không đi làm nữa. Hằng ngày, Bố cố tìm liên lạc và gặp hết những người bạn thân thiết, cùng nhau bàn cách thoát ra khỏi nước. Thời gian ngày càng gấp rút, tình hình mỗi lúc mỗi nguy ngập. Không một ai đủ sáng suốt để suy nghĩ điều gì nữa. Bố Mẹ tuyệt vọng vô cùng.
-        Thôi thì đành phó mặc cho số Trời vậy, Bố nói thế.
Và Bố đã quyết định.
Mồng 29, anh Khang đến với hai đứa con thơ. Anh cùng với Bố Mẹ thâu thập những giấy tờ tùy thân quan trọng, gom góp một ít của cải, bỏ trọn vào hai thùng nhỏ. Qua ngày hôm sau, ngày 30, cả nhà dậy rất sớm.
-        Đi, mình lái xe ra tòa Đại Sứ Mỹ xem sao.
Mẹ e ngại:
-        Có nên không ? Xem đài truyền hình mấy hôm nay, thấy cảnh người ta chen nhau trèo tường qua kẽm gai hiểm hóc, mà họ vẫn bị đuổi đi. Quân cảnh Mỹ bắn chỉ thiên loạn cả lên. Thôi, em sợ lắm, nhỡ tai nạn gì thì lại khổ. Hay mình chạy ra phi trường, hay bờ sông xem sao ?
Bố dỗ dành:
-        Thì mình cũng phải liều một phen, còn hơn là ngồi đây bó tay. Cứ đi thử xem, không được, mình lại trở về, rồi tìm cách khác, nhé ?
Mẹ ngần ngừ một lúc, rồi gật đầu. Thế là cả nhà bảy người sửa soạn ra xe. Mẹ vội chạy sang nhà cô em họ bên cạnh, giao chìa khóa nhà, và dặn dò:
-        Thôi thì chị để lại căn nhà cho em, nhờ em trông giữ hộ chị nhé. Nếu trong vòng một tuần, không thấy anh chị trở về, tất cả xem như thuộc về em. Trăm sự nhờ em nhé ?
Mẹ lau vội nước mắt, đẩy thằng con trai và đứa cháu nhỏ vào xe. Anh Khang đã ngồi đợi sẵn trên chiếc Vespa, đứa con trai ngồi ôm lưng phía sau, đứa con gái nhỏ đứng trước mặt.

Mẹ tiếp lời Bố :
- Con chó Bubba lúc ấy cứ nhảy cỡn lên, sủa inh ỏi. Hình như nó biết cả nhà sắp bỏ nó lại. Chiếc xe nhỏ của Bố từ từ lăn bánh. Mẹ ngoái cổ lại, nhìn căn nhà thân yêu trôi xa dần trên con đường hẻm quen thuộc. Lòng Mẹ đau xót vô cùng.

Nói đến đây, Mẹ chợt ngừng, thở dài. Đôi giòng lệ chảy dài xuống má. Tôi mủi lòng, sụt sịt khóc theo. Tôi hiểu được tâm trạng Mẹ. Bố Mẹ tôi từng này tuổi, vẫn còn bôn ba khắp nơi. Gia đình đang sống yên ổn ngoài Bắc, đã phải di cư sớm vào Nam. Lúc bấy giờ, bụng Mẹ đang mang thai tôi. Tôi còn nhớ Mẹ hay thường kể, năm sau, khi tôi chào đời, nhà quá nghèo, không đủ sữa cho tôi uống, Mẹ phải nuôi tôi với nước cháo nấu lỏng mỗi ngày. Bố làm việc khó khăn quá, trở bệnh phổi, nằm nhà thương cả tháng, khiến Mẹ đi vay đi nhặt từng hột gạo một mới đủ ăn, Nhưng rồi gia đình tôi cũng nương tựa vào nhau sống qua ngày, vui vẻ yên ấm dưới mái nhà nhỏ. Gây dựng được chút ít sự nghiệp sau hai mươi mấy năm, ngờ đâu lại phải lìa xa quê hương, bỏ lại tất cả những gì thân yêu nhất, dấn thân phiêu bạt trên đất người, chỉ với một manh áo mỏng, và đôi bàn tay trắng.
Tôi bậm môi nhìn Mẹ. Cả nhà không ai nói gì. Đợi Mẹ nguôi niềm cảm xúc, Bố tiếp tục :

Bố lái xe đến tòa đại sứ Mỹ. Con chó Bubba chạy theo sau xe mấy quãng đường, miệng nó không ngớt sủa. Mẹ khóc như mưa, cứ ngoái cổ lại nhìn nó, cho đến khi bóng nó mờ dần và khuất dạng.
Bố thở dài:
-        Khổ thân con Bubba, thôi thì nhờ Mợ Lan trông nom, nuôi nó vậy.

Tôi ngắt lời Bố:
-        Còn con mèo MunMun thì sao hở Bố ?
-        Mấy hôm trước đó, nó đã biến đâu mất rồi, không thấy nó về nhà ăn.
Tôi nhói người. Bố kể tiếp :

Khi đến tòa đại sứ Mỹ, Bố Mẹ xuống xe, mới để ý thấy thất lạc anh Khang. Đứng đợi một lúc vẫn không thấy bóng dáng chiếc Vespa, Bố quẳng xe đó, dắt cả nhà đi lại trước cổng tòa đại sứ. Quang cảnh lúc ấy thật hỗn loạn. Người người từng lớp từng lớp tranh nhau trèo lên tường, không ngại hàng kẽm gai đâm rách toang cả áo quần. Trèo lên bao nhiêu, lính Mỹ trong sân đẩy xuống bấy nhiêu. Tiếng khóc, tiếng la ó, lẫn lộn với tiếng súng bắn chỉ thiên của quân cảnh Mỹ khiến Bố Mẹ tôi lo âu. Bố nhìn lên mái sân thượng bên trong. Một chiếc trực thăng to lớn đậu trên đó, cánh quạt quay vùn vụt. Đám người đứng chen chúc đợi phía dưới, giơ tay chờ anh lính kéo lên. Bố bế cháu, Mẹ nắm chặt tay thằng em tôi, hai người cố chen vào gần cổng.
Đằng sau thì ùn tới, đằng trước thì đẩy lại, chật vật lắm Bố Mẹ mới lọt vào đến gần cổng. Cánh cửa cổng khóa chặt, ống khóa dày, to tướng. Hai ba anh lính quân cảnh đứng chắn ngay sau cửa, súng ống chĩa ngay vào ngực mình thế này.

Bố ngừng một chốc lấy hơi. Cả nhà im thin thít, nín thở. Anh Bạch đứng lên rót nước lạnh cho Bố. Nốc một mạch, Bố nói tiếp :

Ánh mặt trời ban trưa hực nắng gắt gao. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Mẹ mệt quá, đòi đi về. Bố đành chịu thua, tuyệt vọng vô cùng. Vừa quay lưng đi, Bố nghe tiếng ai gọi mình:
-        Ông Mai C. Đằng kìa. Ấy, ông Đằng ơi.
Bố tôi lạ lùng quay lại. Từ bên trong sân tòa đại sứ, một cánh tay giơ lên, vẫy vẫy gọi tên Bố. Bố không nhận ra ai quen. Còn đang lưỡng lự, Bố thấy ông ta lại gần một anh quân cảnh Mỹ, ghé vào tai thì thầm một lúc. Rồi bỗng dưng, thấy hai anh lính bước đến, người thì đứng chĩa súng vào đám đông, người thì mở ổ khóa. Anh ta chỉ tay vào Bố, ngoắc vào:
-        You, come on in.
Bố ngạc nhiên, há hốc mồm, hỏi : - Me ?
Anh ta không trả lời, thò tay ra, lôi Bố vào trong. Bố vội vàng nắm chặt tay Mẹ. Một hai người đứng sau lưng Bố định chen theo vào, người lính Mỹ kia đẩy lui họ, và đóng sập cánh cổng lại.
Vào đến bên trong, Bố vẫn bàng hoàng. Sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng. Bố nhìn sững người đàn ông lạ mặt, quên cả chào hỏi. Mẹ ngồi bệt xuống thảm cỏ, thở dốc, tay ôm chặt lấy hai đứa nhỏ. Người đàn ông lạ mặt tươi cười, bắt tay Bố:
-        Tôi đã sưu tầm và đọc hết tất cả những tập văn thơ và truyện Bác viết. Lời hay ý đẹp, Bác viết giỏi quá. Hôm nay thật hân hạnh được gặp Bác.
-        Cám ơn, cám ơn.
Bố chỉ lắp bắp được bấy nhiêu, tay nắm chặt lấy tay người dàn ông đó lay lay.
-        Thôi, thế chúc gia đình Bác may mắn nhé ? Có duyên sẽ gặp lại.
Nói xong, ông ta rảo bước về phía bên kia bãi cỏ. Người vợ cùng với ba đứa bé nhỏ đứng đợi đấy, liếc nhìn về phía Bố, nhoẻn miệng cười, gật đầu chào. 
Mẹ hỏi : - Ai đấy ?
Bố rùn vai : - Không biết nữa.

Anh Bạch xen vào:
-        Chắc chắn ông ta là người ái mộ văn chương Bố viết đấy mà. Sao Bố giỏi thế ?
Bố không trả lời, kể tiếp :

Ngồi xuống cạnh Mẹ trên thảm cỏ, Bố vẫn như mơ ngủ, không tài nào tin được mình đang ở trong sân tòa đại sứ. Mẹ mếu máo:
-        Thôi thì trăm sự nhờ Giời. Chỉ tiếc thương cho thằng Khang. Không biết tại sao nó đi lạc đâu mất ?
Bố quàng tay lên vai Mẹ, an ủi:
-        Số cả mình ạ. Đừng buồn nữa.
Một anh quân cảnh Mỹ ra lệnh cho tất cả đứng xếp hàng trật tự. Họ chia ra từng nhóm một, đi dần về phía tòa nhà. Bố nhìn quanh quất kiếm người đàn ông lúc nãy, vừa vặn thấy ông ta và vợ con đang trèo lên trực thăng. Bố lẩm bẩm:
-        Cám ơn anh nhé, xin chúc anh may mắn.
Rồi cũng đến lượt Bố Mẹ. Ngồi trong lòng chiếc trực thăng, lúc ấy, Bố mới thở phào nhẹ nhõm, trút đi được mối lo âu trong lòng từ bao tháng nay.

Tôi thắc mắc hỏi:
-        Thế còn va-Ii Bố Mẹ ra sao ?
-        Làm gì có va-li. Đi chỉ có cái túi nhỏ đựng một ít giấy tờ và tiền bạc thôi. Mẹ vất lại hết tất cả. Mỗi người chỉ có bộ quần áo mặc trên người thôi đấy.
Tôi định hỏi tiếp, anh Bạch kêu:
-        Suỵt, rồi sao nữa Bố ?

Chiếc trực thăng cất cánh, chở gia đình Bố Mẹ ra ngoài khơi, đáp xuống lòng một chiến hạm Mỹ đậu ngoài ấy. Bước ra khỏi chiếc trực thăng, Mẹ ngơ ngác nhìn chung quanh, tay vẫn nắm chặt lấy thằng em tôi. Đi theo đám người dưới sự chỉ huy của anh lính Mỹ, Mẹ quay lại kiếm Bố, không thấy Bố đâu nữa. Mẹ hốt hoảng kêu lên:
-        Chồng tôi đâu, Ông đâu rồi ?                                           

 ( Xin mời xem tiếp phần 6 )
Thuỵ Uyên

Làm vườn


Về hưu là ngưng đi làm, có nghĩa là có rất nhiều thời giờ cho mình, muốn làm gì thì làm, từ sáng đến tối. Có người thì đi học hát, học đàn, học nhảy, có người thì viết văn, làm thơ, có người đi du-lịch, thăm viếng bạn bè, gia đình… Còn có người thì làm vườn, như tôi vậy.
Nói cho ngay, tôi vốn là người “thành thị” nên lúc mới nghỉ việc, tôi không hề nghĩ đến chuyện này, nhưng có tí vườn sau nhà rồi tôi cũng bắt đầu trồng tí rau thơm như hành, ngò… để (vợ tôi) làm bếp cho dễ, rồi trồng thêm vài cây cà chua, vài cây ớt, rồi nổi hứng đóng giàn bí, rồi…, cứ thế rồi tôi trở thành “vườn sĩ” lúc nào không hay ?

Cây cỏ là sinh vật
Làm vườn là một dịp để nhìn và hỏc hỏi ở thiên-nhiên và sự sống. Đôi khi chúng ta quên đi là không phải chỉ có loài người chúng ta sinh sống trên quả địa-cầu này và súc vật, thảo mộc cũng là sinh vật và mọi sinh vật đều tuân theo một số định-luật của tạo-hoá.
Cây cỏ cũng sinh, cũng lão, cũng bệnh và rồi cũng tử. Có những cây sống hàng trăm, hàng ngàn năm, có loài chỉ sống một, hai mùa. Cây cỏ cũng bị khô héo hay bị ủng, bị nhiễm độc hay bị côn trùng phá hoại. Và cây cỏ cũng tồn tại từ đời này qua đời khác.
Là sinh vật, cây cỏ cần đất tốt, cần nước, cần không khí, cần ánh nắng mặt trời, cần chất dinh dưỡng để sinh nở, trổ hoa, sinh quả. Những nhu-cầu đó khác nhau tuỳ theo mỗi loại, mỗi giống: cây xương rồng hầu như không cần nước trong khi gạo lại cần rất nhiều nước, cà chua cần nhiều nắng nhưng cải lại không thích nắng gắt, …
Hiểu được những định luật này và áp dụng cho mỗi loài thì vườn mới tươi tốt được. Nhưng cũng như đi tìm hạnh phúc, hiểu thì dễ mà áp dụng thì khó lắm và tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều trong “nghề” làm vườn này.

Thú làm vườn
Trong địa hạt vườn tược, chúng tôi ít trồng hoa, chỉ có vài chậu hoa treo trên cửa sổ và vài cây, vài chậu trong vườn cho đẹp mắt nhưng chính yếu vẫn là trồng rau quả.
Thú vui nào cũng thú, cũng vui và làm vườn có những điểm đặc biệt của nó.

Trước hết, mùa xuân, mùa hè mà ra hưởng không khí mát trong là nhất. Sáng sớm, tôi được lũ chim trong vườn đánh thức, và việc đầu tiên của tôi sau tách cà-phê (và hôn vợ) không phải là bật máy điện toán để chếch meo hay vào Phây-Búc mà là ra vườn, đi tham quan một vòng rồi ngồi ăn sáng do vợ sửa soạn. Nhâm nhi nốt tách cà-phê, quệt bơ lên miếng bánh mì nướng, đặt lên một lát giăm-bông và một lát phó-mát, hái một quả cà chua, một lá rau riếp, cọng hành, một ít ngò, vài lá húng quế là món ăn sáng đã sẵn sàng. Hít thở không khí trong lành của một tỉnh nhỏ, thưởng thức tiếng nhạc của đám chim nhạc công, ngắm nhìn mảnh vườn bé nhỏ của mình là thiên-đàng hạ-giới.

Từ lúc gieo hột (hoặc mua cây đã mọc sẵn) cho đến lúc gặt hái, biết bao nhiêu lít nước đã chảy (không phải dưới cầu mà) xuống những mô đất nhỏ? Bao nhiêu ngày tháng đã phải trôi qua? Bao nhiêu công lao đã phải đổ vào? Như vậy có đáng không? Tôi không dám so sánh việc trồng rau với việc nuôi con nhưng ý nghĩa cũng tựa vậy. Mỗi sáng ra xem hạt đã nẩy mầm chưa? Cây đã ra hoa chưa? Hoa đã ra quả chưa? Quả đã to và chín chưa? Thú làm vườn một phần là ở đấy đấy.

Và cuối cùng, gặt hái là phần thưởng khiến mình vui sướng nhất. Nhớ lại, thuở bé đi học, cố gắng học cho bố mẹ vui và lúc được lãnh thưởng là cảm thấy bõ công lắm.
Chúng tôi ăn nhiều rau, trái cây và ít thịt nên mùa hè, tiền chợ thật không mất bao nhiêu. Chúng tôi không trồng gạo được và cũng chưa nuôi gà, nuôi lợn nhưng ngoài ra, bữa ăn nào cũng là cây nhà, lá vườn, thơm ngon và tinh-khiết vô cùng. 
Rau thơm thì gần như đủ cả: hành, hẹ, ngò, húng, húng quế, tía tô (cao cả thước), thìa là và cả rắp cá nữa. Giàn bí thì nào bí đỏ, bí xanh, bầu, mướp và dưa chuột. Cà chua thì dĩ nhiên là có, loại to, loại nhỏ (thích nhất là giống black cherry), mùa đông thì những quả còn xanh đem vào muối, ăn y hệt như cà muối (cũng là loại “cà” mà?). Ngoài ra, chúng tôi còn có cà tím (lần đó mua hai cây có năm đồng mà ăn mãi không hết), okra (mướp tây, mọc cao hơn đầu người), cải trắng, khoai lang và ít linh tinh khác.
Cây quả thì chúng tôi có một cây đào, một cây lê và một bụi dâu.
(Nhưng không phải trồng gì mọc nấy đâu. Không hiểu sao hạt giống cải xanh mua ở tiệm Tàu, tôi gieo mãi không được, có lên cũng chỉ lên ngọn? Còn đậu Hoà Lan nữa, èo uột lắm, chả ăn được bao nhiêu.)

Năm nay, “được mùa” quá nên cũng thành “khủng hoảng”, “khổ” quá đi mất! Đem cho hàng xóm, bạn bè bao nhiêu vẫn cứ còn. Bỏ tủ đá hết cả chỗ phải xoay sang đóng hộp trong lọ thuỷ tinh, năm sau sẽ phải sắm cái máy xấy để xấy khô cà chua, cà tím, ... 

Lê ăn không, nấu rượu đỏ, làm mứt, xay nước uống (ngon ơi là ngon), bỏ tủ đá, đóng hộp, bao nhiêu cách mới thanh toán xong, cứ nói đùa là phải đổi sang họ “Lê” mới đúng.
Bầu, bí thì tuần hai lần, canh bí, bí nhồi thịt, gỏi bí, ăn phát "ớn" luôn.

Đã thế, năm nay lại học thêm được vài chuyện. Tình cờ xem được cái video trên Youtube về “Bà Rau” và vườn rau của bà ở vùng Hoa-Thịnh Đốn mới thấy bà bán lá bầu, bí (cũng không phải rẻ). Tôi lò mò lên Inh-Teẹc-Nét mới biết lá bầu bí xào tỏi, thịt bò ngon tuyệt. Làm thử thì đúng là vậy, thế mà trước giờ tôi cứ vất ra đường, phí ơi là phí! Lá khoai lang cũng vậy, đều ăn được cả. Thôi năm sau vậy.

Chăm sóc vườn trong
Sinh hoạt ngoài trời tốt cho sức khoẻ, nhưng chăm sóc vườn “ngoài” còn là cách để chăm sóc cái vườn “trong” nữa. Vừa tu thân, vừa tu tâm, một công đôi chuyện.

Thiền là giữ cho tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc mình làm. Làm vườn là phương cách thiền nhẹ nhàng nhất đối với tôi. Trong vườn, tôi không còn nghĩ đến những công việc phải làm, những thứ mình muốn làm, muốn mua, những vấn đề gia đình con cái, những quyết định phải lấy. Tôi không còn nghĩ đến cái “Tôi”, cái “muốn”, tôi không nuôi tham, sân, si, không trồng hỉ, nộ, ái, ố,  tôi gần như buông hết những vọng tưởng, những phiền toái của cuộc đời. Tâm trí tôi chỉ nhẹ nhàng với những cây rau, những nắm đất, tâm trí tôi thanh thản với tiếng chim hót, những tia nắng ấm, những làn gió mát. Trong thời điểm này, tôi sống “bây giờ” và “ở đây”.

Khái niệm thời gian cũng khác. Những vấn đề “có thời giờ”, “phí thời giờ”, ... không còn là vấn đề. Tôi không còn cảm thấy thời gian qua nhanh hay qua chậm, thời gian chỉ còn là một khái-niệm khoa-học không nhất thiết, nhất là bây giờ chúng tôi đã về hưu, đã trở thành “tỷ-phú thời gian” (thành ngữ chôm được từ ông anh cột chèo).
Áp lực của thời-gian xuất hiện với ảo tưởng: chúng ta cảm thấy thời gian trôi nhanh quá vì chúng ta nuối tiếc cuộc vui chóng tàn hay ham muốn làm thêm điều này, điều nọ; thời gian kéo dài lê thê vì chúng ta sợ phải lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn mình. Chúng ta luôn luôn tìm cách kiểm soát thời-gian vì sợ “chán” hay “không kịp”.
Lúc còn bé, chúng ta muốn trở thành “người lớn”, lúc lớn, chúng ta chạy theo địa vị và tiền của, lúc già, chúng ta lại muốn trẻ lại. Cả đời chúng ta chạy theo thời-gian cho nên về hưu có lẽ là lúc chúng ta nên đặt ba-lô xuống? Vả lại sức đâu nữa mà chạy?

Học hỏi ở thiên-nhiên. Nhìn sâu vào một thời-điểm nhỏ bé như mảnh vườn, chúng ta có thể thấy cả vũ trụ. Mỗi phần nhỏ nằm trong tất cả và tất cả nằm trong mỗi phần nhỏ (La Partie est dans le Tout et le Tout est dans la Partie). Phần lớn sự hiểu biết (và tiến-bộ) của loài người trong mọi địa-hạt đều căn cứ trên những định-luật của thiên-nhiên. Trong phạm vi bé nhỏ của cá-nhân tôi, hiểu được gì nơi cuộc sống trong mảnh vườn này giúp tôi hiểu được thêm cuộc sống nói chung và giúp tôi tu tập thêm trong cuộc sống của chính mình.
Loài người chúng ta cũng là sinh-vật như súc-vật hay thảo mộc nhưng chúng ta có thêm sự hiểu biết và có thêm tình cảm để có một cuôc sống dồi dào hơn, ý nghĩa hơn nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi và cân bằng cuộc sống đó không phải chuyện dễ.
Các loài sinh-vật khác không có những “rắc rối cuộc đời” như chúng ta. Súc vật xây tổ hay đào hang để nương thân, bị đe doạ thì tìm cách chống đỡ, đói thì đi tìm ăn dù có phải sát sinh (và chỉ giết để ăn), lạnh hay đói thì dọn đi nơi khác, đến mùa thì sinh con đẻ cái. Thảo mộc lại còn giản dị hơn nữa, có đủ đất, nước, không khí, ánh nắng để sống thì sống, không có thì chết, không có gì để bận tâm.
Nói như thế không có nghĩa là súc vật, cây cỏ “sướng” hơn chúng ta nhưng điều tôi hiểu là sống gần với thiên-nhiên là tâm-thân thanh thản nhất. Chấp-nhận những định-luật bất di, bất dịch của thiên-nhiên dường như là một chìa khoá để “Buông”.

Làm vườn không đến nỗi “cực” như nuôi con nhưng cũng đòi hỏi kỷ-luật lắm, nếu mình không có được vài tiếng mỗi ngày một cách liên-tục thì cũng chả nên tốn công làm gì.Làm vườn cũng phải biết "chịu khó" nhưng quen rồi mình không còn cảm thấy "khó chịu" nữa. Ra vườn lúc nào thì mình biết nhưng vào lúc nào thì khó mà nói vì làm vườn là cứ lan man hết chuyện này, việc nọ rồi xong hết việc rồi mình mới nghỉ được.
Ngoài ra, gieo ngò hay thìa là thì chỉ vài ngày là nẩy mầm và hai tuần là hái ăn được nhưng rau riếp thì phải mất gần ba tháng, còn khoai thì nguyên mùa chỉ được một loạt. Có muốn cây mọc nhanh cũng không được và kiên-nhẫn là một điều người làm vườn phải học.

Làm vườn đúng là một cơ-hội để học hỏi và tu tập.

Về vườn
Từ ngữ “về vườn” thường được dùng để chỉ một nhân vật quan trọng (một ông quan chẳng hạn) từ bỏ chức vị mình (treo áo từ quan) về ở ẩn. Cho về vườn còn có nghĩa là “sa thải”.
Đối với tôi, về già, về hưu, về vườn không hẳn là con đường đi xuống mà có thể là cơ-hội để trở về với chính mình, để sống vui, sống khoẻ, sống lành, sống tốt.
Nhổ cỏ dại cũng như diệt những tâm “tà”, vun trồng hoa quả cũng như tu tập những tâm “chính” và mượn cái vườn ngoài để chăm sóc cái vườn trong.

Đến tuổi này mà “ngày làm vườn, tối làm giường” như lời anh bạn L. tôi nói thì còn gì bằng, phải không các bạn?


Yên Hà, tháng 12, 2015

Cơn mưa phùn (Thanh Tuyền 2015)



Cơn mưa phùn (Đức Huy)
Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc (2015)
Thân mời các bạn bấm vào link
https://youtu.be/jlRXK6gZOAA


Cùng thân mời các bạn nghe lại bản đầu tiên Thanh Tuyền - Đức Huy (1971)


Enjoy.

Our lil' garden (Photos)

Welcome to our lil' garden
in Woodstown, New Jersey (USA)


Please click on the link 

https://youtu.be/xCbSFSVqx-4


Enjoy.