UA-83376712-1

Labels

Apr 20, 2015

Sài-Gòn ơi, vĩnh biệt (Nam Lộc)



Sài-Gòn ơi, vĩnh biệt 
Nam Lộc sáng tác
Ngọc Phú trình bày
Thanh Tuyền đệm đàn.

Please (Ctrl) click on the link
https://youtu.be/a8yN9I8NxF8

Enjoy.

Đi tìm Tự-Do (Phần 1) - Thuỵ Uyên



Tân Sơn Nhất, tháng Tư …

Phi trường ngày hôm ấy đông như kiến. Đứng bên cạnh chị, tôi đảo mắt nhìn dáo dác chung quanh, mong tìm được một vài khuôn mặt quen thuộc trong đám đông. Người người nói chuyện, thỉnh thoảng vang lên những tiếng cười đùa rầm rộ. Tuy ồn ào thế, họ vẫn không che giấu được niềm lo âu suy tư trong ánh mắt. Hằng ngàn câu hỏi chắc luẩn quẩn trong tâm trí mỗi người: Đã vào đến phi trường rồi, bước kế tiếp là gì? Chúng ta có thể thoát không ? Chúng ta sẽ trôi dạt về đâu ? Gia đình chúng ta sẽ ra sao ?

Tôi nhớ đến Bố Mẹ, muốn điện thoại về, nhưng không có phương tiện.
- Em, họ gọi mình kìa ! , tiếng nói của chị đánh thức tỉnh tôi. Chúng tôi đi về phía bàn ghi danh.
Cánh cửa sau đuôi chiếc tàu bay quân đội to lớn đã được mở rộng, như để đón chào tất cả mọi người. Lòng tôi hoang mang vui buồn lẫn lộn, nửa tiếc nuối không muốn rời, nửa thở phào nhẹ nhõm sắp thoát khỏi cơn nguy chiến tranh.
Anh lính Mỹ mỉm cười, nói : - Chúc chị em cô thượng lộ bình an và may mắn.

Tôi quay lại, một lần nữa, nhìn những người khác đang chờ đến lượt mình. Tôi rưng rưng nước mắt, không biết tại sao tôi lại khóc ? Vì tôi biết tôi sẽ được thở bầu không khí tự do, sau bao nhiêu tháng khắc khoải vô hy vọng ? Hay vì tôi lo sợ, không biết số phận của Bố Mẹ, đứa em và cháu trai còn ở lại sẽ ra sao ?
“Xin giã từ Saigon ! Xin vĩnh biệt nước Việt Nam yêu quí ! Xin Trời Phật phù hộ cho xứ sở chúng tôi ! “

Ngồi bệt dưới đất trong lòng chiếc tàu bay, tôi cảm thấy đau lưng. Tôi đứng dậy, vươn vai duỗi chân tay. Đi về phía chỗ Mark ngồi, tôi hỏi:
- Bao nhiêu lâu nữa thì chúng ta đến đảo gì nhỉ ? 
- Cô muốn nói đảo Guam ? Ồ, còn mười mấy tiếng nữa kia. Cô cảm thấy sao? khỏe chứ? Mark hỏi.
- Bình thường vậy thôi. Một lần nữa, cám ơn anh đã dắt theo chị em tôi.
- Đừng cám ơn tôi, hãy cám ơn Thượng Đế kìa, Mark khẽ trả lời, và ôm tôi nhẹ vào lòng.
Tôi nhắm mắt lại, nước mắt lại tuôn ra. Trang, người bạn gái của Mark, nắm tay tôi, lay nhè nhẹ và gật đầu, như tỏ ý hiểu và thông cảm những gì tôi đang trải qua trong lòng. Tôi liếc nhìn gia đình của Trang, thèm thuồng sự may mắn của họ. Tất cả 12 người trong gia đình Trang đã được Mark bảo trợ và dẫn đi, trong khi đó, gia đình tôi….
Tôi trở về chỗ mình, ngồi bệt xuống bên cạnh chị. Xà vào lòng chị, tôi òa lên khóc:
- Em nhớ Bố Mẹ quá chị ơi, em sợ không biết Bố Mẹ sẽ ra sao... Em nhớ tất cả mọi thứ, nhớ nhà, nhớ con chó Bono, nhớ cả con mèo vàng Minet nữa..Em muốn về nhà..
 - Đừng khóc nữa em, Trời Phật sẽ phù hộ cho gia đình mình mà ! , chị khẽ vuốt tóc tôi.
Tôi ngước mặt lên, nhìn chị. Chị không khóc như tôi, chị ít khi bộc lộ tình cảm, nhưng qua giọng nói run run của chị, tôi biết, sâu trong lòng, chị cũng lo sợ và buồn lắm.
Vòng tay ấm áp yêu thương của chị làm dịu bớt nỗi đau đang dày xé trong lòng tôi. Tôi nhắm mắt lại, mường tượng lại những ngày tháng vừa qua ở nhà...

Saigon lúc ấy đã không còn là Saigon vui nhộn tấp nập của những năm trước nữa. Cả thành phố đượm một màu ảm đạm, bóng người lác đác. Nét mặt ai ai cũng lộ vẻ buồn phiền lo sợ.
Định từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, màn giới nghiêm đã phủ lên thành phố một vẻ đìu hiu hoang vắng.
Gia đình tôi lúc ấy cũng không khá gì hơn. Bố tôi vẫn đi làm, nhưng mỗi ngày về sớm hơn thường lệ. Vừa về đến nhà, Bố lẳng lặng ngồi xem tin tức thời sự trên đài truyền hình, rồi lại thở dài sườn sượt. Thỉnh thoảng thấy Bố vào phòng và đóng cửa lại, dường như nói điện thoại với ai đó.
Mẹ cũng trở nên ít nói. Mẹ vẫn lo cơm nước đầy đủ hằng ngày. Một thoáng ưu phiền đã hiện trên đôi mắt Mẹ. Những bữa cơm sau này thiếu tiếng cười đùa, thiếu tiếng mắng yêu của Mẹ đã không còn ngon miệng nữa.
Chị tôi, ngoài việc giúp Mẹ bếp núc mỗi ngày, cũng chỉ loay hoay ra vào với những thứ lặt vặt trong nhà. Chị phải từ bỏ công việc làm trong phi trường hàng không Việt Nam tại vùng Cao Nguyên đất lạnh, và từ bỏ luôn cả căn nhà êm ấm để về tụ họp với gia đình trong thời gian khó khăn này.
Còn tôi lúc ấy thì quả thật vô dụng. Không những vô dụng, còn bỏ dở luôn cả hai năm học tại Đại Học Văn Khoa. Thật ra, tôi có muốn tiếp tục đi học cũng không được. Trường lúc ấy vắng tanh, bạn bè biến đâu cả, thày giáo lúc thì có mặt, lúc không. Tôi ở nhà buồn bực quá, không biết làm gì, chỉ bám vào một sinh hoạt duy nhất : Văn nghệ.

Phòng trà khách sạn The Krazy Korner tại đường Hai Bà Trưng vẫn mở cửa hoạt động mỗi tối thứ Sáu, Bảy và Chủ Nhật.
Vì giờ giới nghiêm đã định, ông Bobby, chủ nhà hàng khách sạn, và cũng là ông Bầu của ban ca nhạc chúng tôi, đã dành cho tất cả hội viên và khách hàng quen thuộc đến nghe nhạc, mỗi người một phòng để cư ngụ qua đêm. Và cũng vì thế, tôi gặp gỡ và quen biết Mark.
Một đêm thứ Sáu, anh bồi bàn đến trao cho tôi một mảnh giấy, vỏn vẹn vài chữ : “ Giờ giải lao, xin gặp tôi nói chuyện, Mark “. Anh bồi chỉ tay vào góc trái của sân khấu, chỗ Mark thường ngồi. Tuy chưa hề quen biết nhau, tôi nhận ra Mark là một khách hàng quen thuộc của hợp đêm. Mark đến dường như mỗi tuần, vẫn chỉ ngồi trong góc đó, và lặng lẽ thưởng thức nhạc.
Tôi đi về phía Mark, trong bụng thắc mắc không biết anh ta muốn gặp tôi có chuyện gì.
- Mark ? tôi nghiêng đầu hỏi.
Anh ta đứng dậy, chìa tay bắt tay tôi.
- Cô uống gì không ? Mark lễ phép hỏi tôi, và kéo ghế mời tôi ngồi.
Tôi quan sát Mark, tóc vàng, ngắn gọn, mắt xanh, tầm vóc bình thường, áo sơ mi trắng, quần tây sậm, trông khá lịch sự, đứng đắn. Sau vài câu hỏi thăm xã giao, Mark đi thẳng ngay vào vấn đề.
- Tôi đang chuẩn bị đưa một số người Việt Nam sang Mỹ. Còn một chỗ dư trong nhóm. Cô muốn đi cùng chăng ?
Câu hỏi quá bất ngờ của Mark làm tôi ngạc nhiên sững sờ, há hốc miệng, tưởng mình nghe nhầm.
Tôi lắp bắp - Anh…anh nói gì ? 
Mark chậm rãi lập lại câu hỏi.
Giọng tôi run lên : - Anh đợi tôi chút nhé ? 
Tôi chạy ù lên phòng. Ngước nhìn đồng hồ trên tường, đã gần 11:30 đêm. Biết rằng Bố Mẹ vẫn còn thức, tôi điện thoại ngay về báo tin.
- Hãy nhận lời đi, đừng để lỡ dịp tốt này, Mẹ tôi bảo, giọng Mẹ không chút do dự.
- Nhưng mà con không biết Mark là ai cả? Làm sao...?
Bố xen vào :
- Tú Uyên, đến giờ phút này, con đừng nghĩ đến tại sao hay là ai, hay vì lý do gì nữa cả. Hãy nhận lời đi. Đây là cơ hội duy nhất.
- Nhưng còn Bố Mẹ, còn cả nhà thì sao ? 
- Tú Uyên, con nghe đây. Chúng ta đã chờ dịp may này từ lâu lắm rồi. Con phải nhận lời, nghe chưa ?
Rồi Bố cúp ngang điện thoại.
Tôi sững sờ quay trở xuống phòng trà, đầu óc tôi trống rỗng.
- Cô đi đâu vậy ?  Mark hỏi tôi.
- Có thể nào anh dẫn cả nhà tôi đi, được không ? tôi mếu máo hỏi Mark.
- Không được đâu, trong nhóm chỉ còn một chỗ, tôi đã trình bày với cô rồi.
- Vậy thì thêm một hay hai người nữa, có được không ? tôi năn nỉ, giọng tôi bắt đầu run lên trong tuyệt vọng.
Ngừng một chút như để suy nghĩ, Mark trả lời : 
- Thôi được, tôi không hứa chắc, nhưng sẽ xem lại nhé ? Tuần sau, tôi sẽ trở lại.

Cả đêm hôm ấy, tôi không tài nào chợp mắt, chỉ mong sao nhanh nhanh đến hết giờ giới nghiêm còn về nhà.
Đồng hồ vừa chỉ đúng 6 giờ sáng, tôi chồm dậy, phóng chiếc Mini-Lambretta như bay về Tân Định.
Bố Mẹ và chị Tường Vi đã dậy, chờ tôi về. Không một chút chậm trễ, chúng tôi họp nhau lại, bàn luận xem ai trong nhà sẽ theo tôi đi, nếu Mark nhận lời.
Tất cả đều nhường nhau, mãi vẫn chưa quyết định được. Tôi chỉ biết ngồi nghe, đầu óc tôi rối bung lên, bụng đau thắt lại.
Bàn qua tán lại một lúc lâu, rốt cuộc, Bố Mẹ quyết định, chị Vi ưu tiên, sau đó là thằng em trai, rồi thằng cháu, Bố Mẹ sẽ là người cuối cùng.

Mấy ngày liên tiếp trong tuần, tôi không ngủ. Sự việc đến với tôi quá bất ngờ, tôi không biết phải làm gì cho đúng, suy nghĩ sao cho xuôi. Mộng ước đi du học nước ngoài của tôi sắp thành sự thật.
Sau khi thi đỗ Tú Tài phần 2, tôi chỉ mong sang được Pháp, hoặc Bỉ như các bạn học của tôi. Chỉ vì nhà nghèo, Bố Mẹ không thể cho con cái đi du học, tôi buồn lắm.
Tôi mường tượng đến những phong cảnh bên nước Mỹ tôi đã thường xem qua báo chí hay màn ảnh, chắc chắn là phải đẹp:
Những tòa nhà chọc trời ở Nữu Ước lôi cuốn lòng hiếu kỳ của người du khách.
Tượng Nữ Thần Tự Do đứng hiên ngang chào đón mời mọc một góc trời.
Chiếc cầu treo Golden Gate đỏ ối vươn cao, rung rinh trong gió.
Các tài tử giai nhân nổi tiếng thế giới dập dìu nhau trên thảm đỏ Hồ Ly Vọng.
Còn Disneyland nữa, tôi nghe nói đi chơi nơi đó thích thú vô cùng.
Sang bên ấy rồi, tôi sẽ cơ hội thăm viếng Paris, thành phố thơ mộng tôi mơ ước nhất. Tôi hớn hở lắm.

Nhưng rồi hình ảnh Bố Mẹ gia đình kéo tôi trở về thực tế. Đã khá lâu, Bố Mẹ không có được tất cả các con quây quần bên cạnh.
Ông anh lớn nhất trong gia đình hiện đang ở bên Âu Châu.
Năm tôi 9, 10 tuổi gì đó, 2 ông anh lớn của tôi đã được học bổng du học tại Âu Châu và tiểu bang California.
Chị Vi sinh sống tại vùng cao nguyên cũng đã lâu.
Gia đình chỉ còn tôi và thằng em nhỏ. Chị em tôi chưa hề rời xa Bố Mẹ nửa bước. Tôi không thể bỏ gia đình tôi đi, nhất là trong hoàn cảnh lúc này. Vả lại, sang bên ấy một thân một mình, tiền đâu ra mà sống ? Nhà cửa đâu để ở ? Làm sao tiếp tục đi học ? Làm sao để tự nuôi thân ? Kiếm việc làm ư ? Ngôn ngữ Anh Văn căn bản tôi có đấy, nhưng không đủ để đi làm. Tôi rối trí quá, mệt mỏi, tôi thiếp đi.

Hôm sau dậy, đã thấy Mẹ loay hoay gom góp một ít quần áo, một ít nữ trang và tiền bạc, gói ghém vào chiếc va-Ii nhỏ.
Tôi ngỡ ngàng hỏi 
- Mẹ làm gì thế ? 
- Mẹ sửa soạn cho con một ít thứ để con mang đi ấy mà ?
- Mẹ, con không đi đâu. Nếu có đi thì đi cả nhà.
Tôi quay mặt đi, khẽ nói tiếp : 
- Vả lại, Mark chưa trả lời chắc chắn mà. Tuần sau con gặp anh ta, con sẽ từ chối luôn.
Không trả lời tôi, Mẹ lẳng lặng bỏ vào trong. Tôi nhìn theo bóng Mẹ, lòng buồn rượi. Tôi lại làm phật lòng Mẹ rồi. Bực bội quá, tôi thả bộ ra chợ Tân Định. Tôi đi loanh quanh một vòng chợ để nguôi ngoai. Đi một lúc chán, tôi ghé vào hàng cam, định bụng sẽ mua cho Mẹ một ít cam. Mẹ rất thích uống nước cam vắt. Nghĩ đến Mẹ mỉm cười, tôi hí hửng cầm túi cam, bước vội về nhà.
Bố đã về. Tôi thấy Mẹ ngồi cạnh Bố, mắt Mẹ rơm rớm lệ. Bố thì vẫn lặng lẽ như mọi khi, nét mặt Bố thật đăm chiêu. Tôi đoán Bố Mẹ đang nói về chuyện tôiTôi vào bếp, pha nước cam cho Bố Mẹ. Chị Vi đang sửa soạn bữa cơm chiều. Chị rỉ vào tai tôi:
- Bố Mẹ thương em lắm đó, biết không ? 
Tôi không hiểu chị muốn ngụ ý gì, chỉ biết lòng tôi bâng khuâng, đau xót vô cùng.
Cả nhà quây quần ngồi xuống ăn, không ai nói tiếng nào. Trong nhà đã im lặng buồn tẻ cả mấy tháng nay, không khí chiều nay còn nặng nề khó thở hơn nữa. Tôi không buồn ăn nữa. Buông đũa đứng dậy, tôi khẽ nói:
- Con no rồi. Bố Mẹ, con đi ngủ sớm đây. Cả mấy hôm nay thức khuya quá, con hơi mệt.
Tôi chui vào giường, định bụng hôm sau sẽ nói rõ với Bố Mẹ tại sao tôi không muốn đi nữa. Đến khuya lắm, tôi giật mình tỉnh dậy, dường như có ai lay đánh thức tôi. Mở mắt ra thấy Mẹ ngồi cạnh mép chiếu, im lặng. Tôi vội ngồi dậy, với tay bật cây đèn nhỏ xíu bên cạnh. Đôi mắt Mẹ buồn bã nhìn tôi như muốn khóc. Tôi ngỡ ngàng hỏi Mẹ làm gì thế. Mẹ ôm chầm lấy tôi, giọng Mẹ run lên, thổn thức.
- Con nhận lời Mark đi nhé ? Đừng phụ lòng Bố Mẹ nữa con nhé ? Đã bấy lâu nay, gia đình mình chỉ mong có cơ hội ra nước ngoài. Con cũng đã biết sự việc ra sao rồi. Nay có dịp, sao con lại bỏ lỡ thế ? Cả nhà trông mong vào Bố, vì Bố giao thiệp rộng, nhưng không được. Lại trông mong vào con Vi, vì nó làm việc trong phi trường, cũng không xong. Nó còn phải bỏ nhà cửa để về đây. Bây giờ, tự nhiên con có cơ hội như thế, tại sao con lại không chịu ? 
Tôi chưa kịp trả lời Mẹ, Mẹ đã nói tiếp:
- Mẹ biết, con nghĩ đến gia đình nên không muốn đi. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, chúng ta không lựa chọn được.
- Nhưng Mẹ ơi, con sợ lắm. Sang bên ấy một mình một thân, con không biết phải sinh sống thế nào. Vả lại, không gia đình, không bạn bè, nhỡ có chuyện gì, con phải làm sao ? Nhà mình nghèo quá, tiền đâu mà tiêu ?
Tôi thút thít, giọng đứt quãng :
- Còn Mark nữa. Nếu anh ta là con người tốt thì không nói gì, nhưng nhỡ là người xấu thì sao hở Mẹ ?  Con sợ lắm. 
- Mẹ hiểu thế, nhưng tình hình đến nước này, gia đình mình đã tuyệt vọng rồi. Chúng ta phải rời khỏi chỗ này bằng bất cứ giá nào, con hiểu không ? Chuyện ra sao trong tương lai, hẵng tính sau. Cái gì cũng có số cả, con nhé ? 
Lòng tôi quặn đau lên, bâng khuâng, xót xa, tôi biết Mẹ nói đúng. Tôi bệu bạo :
- Nhưng còn Bố Mẹ, còn…
Mẹ bỗng dưng khom người xuống, ôm chầm lấy chân tôi :
- Uyên ơi, cứ xem như con báo hiếu Bố Mẹ con nhé ? Đừng phụ lòng Bố Mẹ nữa.
Mẹ ngửng lên nhìn tôi, đôi mắt Mẹ như van lơn. Tôi nhìn Mẹ qua những giọt nước mắt chảy dài xuống má.
Tóc Mẹ đã bạc nhiều, những vết răn tuổi đời trên khuôn mặt u buồn, đôi bàn tay khô cằn của những ngày tháng vất vả. Cả đời Mẹ hy sinh tận tụy vì gia đình. Tôi nấc lên, ôm chặt lấy Mẹ già. Vòng tay Mẹ êm ấm lạ thường…

Chỉ còn vài hôm nữa đến cuối tuần. Tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, chỉ mong sao gặp lại Mark để hỏi chuyện.
Rồi thứ Sáu đã đến. Ăn qua loa bát cơm, tôi phóng vội đến phòng trà The Krazy Korner.
Tôi nhìn đồng hồ. Vừa 6 giờ tối. Tuy còn sớm, nhưng tôi biết, vì giới nghiêm, ban nhạc và khách hàng đã phải có mặt rồi. Quẳng túi quần áo lên trên giường, tôi chạy xuống phòng trà kiếm Mark, hy vọng anh ta cũng đã đến. Tôi nhìn vào góc bàn chỗ anh ta hay thường ngồi, không thấy. Tôi cuống lên, nước mắt chực trào ra. Còn đang phân vân, tiếng nói Mark vang lên từ đằng sau :
- Cô làm gì ở đây mà sớm thế ? 
Tôi quay lại, mừng quýnh : 
- Tưởng anh không đến. 
Mark nheo nheo đôi mắt, giọng nghịch ngợm : 
- Kiếm tôi có chuyện gì ? 
Thấy đôi mắt tôi long lanh sắp khóc, Mark không đùa nữa : 
- Yên lòng đi. Chút xíu gặp cô nói chuyện nhe ? 
Mark nói xong, quay lưng bỏ đi. Tôi như đứng chôn chân ở chỗ ấy, bồn chồn không dám chạy theo Mark để hỏi rõ thêm.
Buồn quá, tôi lên phòng sửa soạn thay quần áo, nghĩ không biết việc sẽ đi đến đâu?

8:00 tối, tôi lững thững xuống phòng trà. Mark đã ngồi đấy, một bóng hồng xinh xắn ngồi bên cạnh. Tôi ngại ngùng đi lại bàn Mark, nhìn sang bên cạnh. Mark đứng dậy, giới thiệu : 
- Đây là Trang, bạn gái của tôi, còn đây là Tú Uyên. 
Tôi mỉm cười chào Trang.
- Ngồi xuống đi chị, Trang nói, giọng Bắc lờ lợ. Chị uống gì không ? 
- Dạ không, cám ơn Trang. 
Tôi quay sang Mark.
Anh ta cười : 
- Cô ở nhà chuẩn bị giấy tờ cho đầy đủ nhé ? Tôi đã lo xin được cho cô thêm một người nữa đi với cô. Ngày mai tôi bận, không đến phòng trà được. Tuần tới, tôi sẽ đến lấy. 
Tôi chụp lấy cánh tay Mark : 
- Anh nói gì ? có phải… ?
- Đúng vậy, Trang ngắt lời. Chị có thể dắt theo một người nữa trong gia đình. Nhưng một người nữa thôi nhé?
Tôi đứng phắt dậy, chạy bổ lên phòng, điện thoại ngay về nhà báo tin vui.
Bên đầu giây kia, tôi nghe tiếng Bố thở ra nhẹ nhõm, tiếng Mẹ bật lên khóc. Chị Vi xen vào : - Bây giờ mình làm gì ? 
Câu hỏi của chị làm tôi sực nhớ chưa trả lời gì với Mark cả, cũng chưa tỏ lời cám ơn anh ta nữa.
- Chút xíu nữa, em gọi lại. 
Tôi cúp máy, chạy trở xuống phòng trà, chỗ Mark và Trang ngồi.
Tôi vụng về nói vài tiếng, tỏ lòng biết ơn. Mark cười nhẹ :
- Thứ Tư này rảnh, tôi sẽ đến nhà cô để nói chuyện thêm. Cô cho tôi địa chỉ nhà, và số điện thoại để liên lạc.

Ngày thứ Tư ấy, sau khi nhận thẻ căn cước của chị em tôi, Mark dặn dò :
- Nếu cuối tuần không thấy tôi đến phòng trà, tôi sẽ trở lại nhà cô trong vòng khoảng hai tuần nữa. Lúc ấy, chị em cô phải sẵn sàng khi tôi gọi nhé ?  Tôi sẽ liên lạc với cô. 
Mark từ giã chúng tôi.
Chị Vi lo lắng : 
- Hắn ta có nhắc gì đến tiền bạc không ? Tôi lắc đầu.
- Chết, nhỡ hắn ta lừa mình thì sao ? Mình đưa hết giấy tờ rồi.
Tôi bặm môi :
- Em cũng không biết nữa. Thôi, đến đâu hay đến đó vậy. Chị em mình không lựa chọn được nữa. 
Ngày từng ngày trôi qua. Hai tuần nữa, mà tôi tưởng chừng như hai mươi năm dài đăng đẳng.

Mark giữ lời hứa. Anh ta trở lại nhà tôi đúng hai tuần lễ sau, đón chị em tôi đi.
Hôm ấy là ngày 20 tây, tháng Tư. Mark giữ ý, ra ngoài cổng đứng chờ, tôn trọng giờ phút chia tay của gia đình tôi.
Tôi và chị Vi khóc to lắm, như chưa hề được khóc. Thằng em trai nắm lấy cánh tay tôi, lay lay. Nó hãy còn bé, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nó ngước nhìn tôi, đôi mắt ngây thơ như muốn hỏi tôi đi đâu thế?
Tôi ôm chặt lấy Bố Mẹ, không muốn buông tay. Tôi không nhớ chị em tôi đã khóc trong bao lâu. Lúc ấy không ai nói gì, nhưng tất cả đều biết chị em tôi sẽ không bao giờ trở về căn nhà thân yêu này nữa.
- Các con đi đi. Mark chờ đã lâu rồi. Tiếng nói của Bố khiến tôi khóc lại càng to hơn nữa.


  … ( đón xem tiếp phần 2  )

Thuỵ Uyên

40 năm rồi, còn mãi ra đi

Tôi đã đi
Nói cho đúng, tôi rời Sài-Gòn đã 46 năm rồi để lên đường đi du học bên trời Bỉ. Cũng như bao nhiêu du học sinh khác, tôi cũng chỉ nghĩ đó là một chuyến đi ngắn hạn rồi trở về sống cuộc đời một người Việt bình thường.
Rồi tháng tư năm ấy, chúng tôi nghe trên đài truyền-thanh, truyền-hình thấy tin tức quê nhà rất đáng ngại và đến cuối tháng thì điều chúng tôi lo sợ nhất đã xảy ra. Ai nấy bàng hoàng, sửng sốt. Chúng tôi chợt ý thức rằng mình sẽ không còn được trở về. Một cảm tưởng kỳ lạ, như khi mình ra khỏi nhà rồi cửa bỗng đóng sập lại mà mình lại không mang theo chìa khoá, như khi mình bị “nhốt ở ngoài”.

Tôi vẫn đi mãi
Nhưng rồi cuộc sống vẫn phải tiếp tục và tôi vẫn ra đi. Nhìn lại đời mình, tôi chỉ là một người bộ hành, nay đây mai đó: Hà-Nội, Sài-Gòn, Liège (Bỉ), Lille, Toulouse, Paris (Pháp) và cuối cùng là Woodstown (Mỹ). Rồi tôi cũng cưới vợ, có con, đi làm, về hưu, tiếp tục sống trong một môi-trường đáng lẽ không phải của mình. Và tôi vẫn đi mãi, đến tận mùa đông cuộc đời.

Sài-Gòn ơi
Sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào… 
Lâu quá rồi, tôi chỉ còn nhớ vài con đường: hẻm Cây Điệp nơi tôi đã lớn khôn, một con đường hẻm nhỏ bé ăn thông từ Tự Đức sang Phan Đình Phùng, song song với Mạc Đĩnh Chi và Đinh Tiên Hoàng. Tôi đã bắt đầu đi học ở trường Tiểu-học Đinh Tiên Hoàng một hai năm trước khi chuyển sang trường Lamartine, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng trên đường đó có một hồ tắm, nơi tôi đã tự học bơi (nói cho đúng, không có tiền lấy lớp học bơi, tôi đã phải học lóm của một chú bé đang học bơi lúc đó). 

Tôi nhớ đường Lê Quí Đôn, gần dinh Độc-Lập, nơi tôi đi học Trung-học, nhớ đường Công Lý khi tôi chở thằng Dũng đi “lạng Cút” (Cút = chữ gọi tắt cho trường trung học nữ Marie Curie) sau tan giờ học. Tôi nhớ những lần thằng Dũng và tôi đi xem phim ở rạp Rex (bố nó có vé mời thường-trực ở rạp này do ông Ưng Thi làm chủ, nếu tôi không lầm).

Tôi nhớ khu ĐaKao của tôi, với những rạp xi-nê Asam (vào trong rạp mới biết có rận, bảo đảm gãi như điên), Casino và Văn Hoa. 


Tôi nhớ mì Cây Nhãn và nhớ tiệm Chez Albert, nơi tôi có kỷ-niệm “buồn” là lần duy nhất được bố mẹ dẫn đi ăn cơm Tây thì tôi ăn món tôm bị dị ứng, nổi “mề đay” đầy người, bố tôi phải đưa tôi về trong khi mọi người ở lại tiếp tục hưởng đời. Tôi nhớ chợ Đa Kao khi thỉnh thoảng, tôi chở mẹ tôi đi chợ trên chiếc Mobylette xám.

Đại khá, tôi chỉ nhớ bấy nhiêu. Không hiểu tại sao kỷ-niệm Sài-Gòn của tôi lại ít thế? Tại thuở ấy, tôi “cù-lần” và ít được đi chơi nơi này, chốn nọ? Tại lâu quá rồi và tại mình già nên quên hết? Nhưng mà nghe nói về già, thường chúng ta nói trước quên sau chứ chuyện đời xưa thì nhớ vanh vách cơ mà?
Hay tại tiềm-thức tôi đã tự-động xoá đi gần hết để khỏi đau lòng, khỏi luyến tiếc? Hình như tâm-lý học có nói về chuyện này (?) Tôi nhớ sau đó tôi đã lăn xả vào đời sống bên Pháp, cắt đứt mọi liên lạc với người Việt và văn-hoá Việt. Tôi đã cố trốn tránh những gì?
Nhưng quên đi những hình ảnh xưa đâu có nghĩa là không còn cảm xúc? Đâu có nghĩa là không còn buồn, còn nhớ? Ngược lại, cơn nhớ lại còn ray rứt hơn khi mình cố trốn tránh sự thật vì vết thương vẫn còn đấy.
Vì Sài-Gòn vẫn còn mãi trong tim tôi.

Biết bao giờ trở lại
Sau tháng 4 năm ấy, tôi đã trao lại sổ thông-hành Việt Nam cho Cơ-quan Bảo vệ người tỵ nạn và vô quốc-tịch của Pháp (Office Français de Protection des Refugiés et Apatrides). Tôi không còn là công-dân Việt-Nam.
Hôm nay, tôi mang hai sổ thông-hành và tôi đã nhận quê người làm quê-hương. (Ai đã nói “Quê hương mình là nơi mình hạnh phúc” ?)
Nhưng quê-hương ơi, suốt đời tôi cũng chỉ có một quê-hương mà thôi.  Tên họ tôi vẫn không thay đổi, da tôi vẫn vàng, mũi tôi vẫn tẹt, tôi vẫn ăn cơm và húp nước mắm mỗi ngày và tôi vẫn nói và viết tiếng Việt (có bỏ dấu).

Tổ-quốc là là nước của cha ông, tổ-tiên tôi thì làm sao tôi quên được?
Tôi nhớ, tôi thương đất nước tôi quá và giấc mơ hồi hương, ai lại không ôm ấp?

Tôi muốn về lắm nhưng tôi không muốn về như một người du-khách, như một người “ngoại-quốc” trên chính đất nước mình, tôi không muốn bị người đồng-hương gọi là “Việt-Kiều”. Tôi là người Việt-Nam mà?


   ... Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
   Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
   Dừng chân đứng lại trời non nước
   Một mảnh tình riêng ta với ta.

(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)

Ôi, biết bao giờ trở lại?

Tôi vẫn tin
Tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại…
Trời làm một trận lăng nhăng, Ông hoá ra Thằng, Thằng hoá ra Ông,
Trời làm một trận lằng nhăng, Thằng vẫn là Thằng, Ông vẫn là Ông.
Thay đổi là lẽ tự-nhiên ở đời. Cho nên tôi vẫn tin sẽ có ngày đất trời sẽ thay đổi, tôi tin rằng tôi sẽ được trở lại. Và nếu không phải là tôi, sẽ là con tôi, hay cháu tôi, hay chắt tôi,… Nhưng tôi tin chắc sẽ có ngày trở lại.
Il pleure dans mon cœur comme il pleut sur la ville. Trời mưa bên ngoài như tim tôi khóc bên trong.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Nhưng mưa ơi, mưa vẫn mưa mãi, biết bao giờ nắng lại?

Yên Hà, tháng 4, 2015