UA-83376712-1

Labels

Oct 16, 2019

Mặt trái của văn-minh


Khi viết bài này, tôi cũng biết sẽ có nhiều bạn không đồng ý với tôi và có thể trả lời bất cứ điểm nào của tôi. Với đề-tài tế-nhị này, mỗi người sẽ có một cách nhìn, một lối suy-luận và sẽ không có ai (hoàn toàn) đúng hay (hoàn toàn) sai. 
Mặt phải của văn-minh, khó ai có thể phủ-nhận và tôi cảm thấy rất may mắn được sống ở thế-kỷ này để hưởng tất cả những lợi-điểm đó. Mặt khác, huy-chương nào cũng có những mặt trái mà tôi muốn nêu lên nơi đây, đúng hay sai, tôi xin để mỗi bạn đọc tuỳ-tiện. Giản-tiện hơn, xem qua rồi bỏ qua, thư-giãn một lúc rồi thôi, bạn nhé.

1. Một cuộc tiến-hoá không ngừng
Hơn ba trăm ngàn năm về trước, loài người bắt đầu thành hình dưới dạng Homo Sapiens, tiếp-tục biến-hoá và tiến-hoá cho đến ngày nay để có được một nếp sống thật dễ chịu, đầy đủ, so với các sinh-vật khác.
Biết bao nhiêu thời-gian đã trôi qua, từ thuở gọi là “ăn lông ở lỗ” trong thời Thượng-Cổ, rồi qua thời Cổ-đại, rồi Trung-Cổ. Mãi đến thời Cận-đại rồi Hiện-đại, khoa-học và kỹ-thuật mới đem lại những tiến-hoá nhiều, quan-trọng và vượt bực một cách thật nhanh chóng qua những loạt gọi là “cách-mạng công-nghiệp” với những phát-minh như xe hơi, điện, máy lạnh, tủ lạnh, … rồi điện-tử, máy tính, máy vi tính, Internet, rồi người máy, trí-tuệ nhân-tạo, công-nghiệp nano, và biết bao nhiêu kỹ-thuật khác.
Chỉ trong vòng hơn hai trăm năm mà cuộc sống loài người, nhất là ở những nước tân-tiến, đã hoàn toàn thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào thì chúng ta hãy xem thử.

2. Mặt phải của tiến-hoá
Nơi đây, dĩ-nhiên, chúng ta chỉ có thể bàn về các nước tương đối giàu và tân-tiến, công-dân các nước khác chỉ có thể hưởng được phần nào.
Nhu-cầu căn-bản chúng ta là có đủ ăn, có nơi trú thân, công việc không phải nặng quá, có thuốc chữa khi bệnh, có được một đời sống an-ninh, …
- Ăn uống: Nghề nông đã tiến-bộ nhiều, máy móc đã thay thế sức lao-động của người và trâu bò ngoài ruộng, hoá-học cũng đã giúp chống lại sâu bọ và gia-tăng hiệu-xuất để sản-xuất được nhiều và rẻ. Loài người không cần phải đi săn, đi câu hay còng lưng ngoài đồng mới có thịt cá rau ăn, chỉ ra chợ mua, thứ gì cũng có, giá cả nhẹ nhàng.
- Nhà cửa bây giờ xây dễ dàng, với những vật-liệu tốt và rẻ, đời sống thật tiện-nghi: nóng có quạt điện, có máy lạnh, lạnh có sưởi, nhiệt-độ có thể định trước, thức ăn tươi có thể giữ trong tủ lạnh hay máy ướp lạnh, làm bếp có lò điện, lò sóng cực ngắn (microwave) và bao nhiêu máy điện khác (máy hút bụi, máy giặt, máy sấy, …) để giúp chúng ta trong những công-việc hàng ngày, …
- Công việc: Ở nhà hay đi làm, việc gì cũng đỡ cực nhọc nhờ máy móc thay thế sức người và máy vi-tính khiến ta không cần phải suy nghĩ nhiều, …
- Sức khoẻ: khoa-học và kỹ-thuật đã giúp rất nhiều cho những ngành Y và Dược, và những bệnh lúc trước nan-giải nay trở thành dễ chữa hơn, và công-dân những nước có bảo-hiểm sức-khoẻ không phải lo lắng nhiều về vấn-đề trang-trải phí-tổn.
- An-ninh: Nhờ vào tổ-chức và luật-lệ của nhà nước và những tiến-bộ khoa-học, người dân có được một đời sống tương-đối bình yên.
- Di-chuyển: những phương-tiện tư-nhân hay công-cộng thật đầy đủ với xe hơi (có cả GPS để chỉ đường), Uber, xe buýt, xe lửa, máy bay, … và đi từ nơi này đến bất-cứ nơi nào khác trên thế giới không còn là vấn-đề.
- Giao-tiếp: để liên-lạc với nhau từ xa, chúng ta không còn phải viết thơ hay điện-tín, chúng ta có điện-thoại (với text và những dịch-vụ miễn-phí như Viber, Skype, …), có thư điện-tử (email), liên-lạc video qua Skype, Viber,…
- Giải-trí: Thời buổi này, giải-trí loại gì cũng có được, miễn là có tiền: không thích đi xem xi-nê thì cứ ở nhà mở máy truyền-hình 4K-HD để xem thật rõ cả mấy trăm đài, phim ảnh thì có Netflix, Hulu, Prime Video, Epix, …, không muốn tốn tiền thì vào YouTube là tha hồ xem phim, nghe nhạc, hát chơi ở nhà đã có karaoke với dàn âm-thanh thật tối-tân, muốn đi nghỉ hè thì toàn-cầu, muốn đến nơi nào cũng dễ như trở bàn tay, … Trẻ con thì đồ chơi đầy nhà (tablet, trò chơi video, ô-tô điện, xe tăng, tàu bò, …). Có tiền thì ăn chơi còn dễ hơn vua chúa thuở trước nữa.
- Hiểu biết: Thuở xưa, có được hiểu-biết là có quyền-thế. Thời này, ngoài trường học ra, còn có Internet. Chỉ việc “Google” một phát là bất cứ thắc mắc gì của bạn cũng có câu trả lời, thậm chí, bạn còn có thể học được cách biến-chế bom nữa, nếu muốn. Học một bộ-môn gì cũng làm được từ máy vi-tính ở nhà.
- … … …
Nói tóm lại, loài người sống tiện-nghi hơn và lâu hơn. Tất cả những lợi-điểm của xã-hội văn minh này, chúng ta không phải bình-luận nhiều và bản-thân tôi, nếu không nhờ tiến-triển của khoa-học trong ngành Y-Dược thì đâu còn ngồi đây viết bài?
(Đường về từ cõi âm u  https://phu-tran.blogspot.com/2019/08/uong-ve-tu-coi-am-u.html )

3. Mặt trái của tiến-hoá
Huy-chương nào cũng có mặt phải và mặt trái. Đời sống thật tiện-nghi này, chúng ta phải trả với giá nào?
Trước hết, chúng ta cần nhớ lại suốt mấy trăm ngàn năm, loài người đã biến-hoá rất chậm, mãi đến thế-kỷ 19 mới có những loạt Cách-mạng Công-nghiệp (danh-từ “cách-mạng” nhấn mạnh vào tầm quan-trọng của những phát-triển) và những phát-minh mới mỗi ngày mỗi vượt-bực và nhanh hơn. Nhanh quá, dồn dập quá, đến độ chúng ta không kịp “tiêu hoá” để rồi bị lôi cuốn vào những cơn gió lốc không ngừng và dễ mất cân-bằng trong cuộc sống.
Ngoài ra, tôi nghĩ bất cứ điều gì tốt cũng có thể trở thành xấu khi vượt quá một mức-độ nào.
Những mặt trái tôi đề cập dĩ nhiên không phải là đa số và tôi biết bạn đọc (cũng như tôi) không bị vướng vào nên tôi xin phép được nói lên một cách thẳng thừng cho dễ hiểu nhé.

- Vật-chất trên tinh-thần
Sự phát-triển vượt-bực của khoa-học và kỹ-thuật đã nâng đời sống vật-chất con người lên một mức rất cao và càng ngày càng cao. Chúng ta chạy theo lạc-thú vật-chất trong một cuộc đuổi bắt không ngừng. Được một, chúng ta muốn mười.
Máy truyền-hình lúc đầu hình ảnh đen trắng, rồi có màu, nét càng ngày càng rõ với những kỹ-thuật HD (High Definition), rồi Full HD; vừa mua xong máy 4K rõ gấp đôi Full HD thì trên thị-trường đã xuất-hiện máy 8K rõ gấp đôi 4K. Điện-thoại đã trở thành di-động (mobile phone / cell phone), rồi “thông minh” (smart phone) và hai nhãn-hiệu hàng đầu Apple và Samsung thi nhau ra liền liền những loạt iPhone 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 cũng như Galaxy Note 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10 để mỗi lần, khách xếp hàng mua cho kịp thời-trang.

Mua hiệu thật “xịn”, thật đắt tiền, “chơi cho đài các, cho đời biết tay”. Đi xe thì phải lái Lexus hay Mercedes, đeo ví thì phải ôm Louis Vuiton, giày đi phải chơi Nike, uống rượu Cognac phải bỏ ra mấy trăm đô-la một chai XO mới đáng mặt “dân chơi” (cho dù rượu quí mà pha thêm nước và đá.)
Vật-chất trở thành đơn-vị đo lường con người. Sở-hữu thay thế hiện-hữu và bề ngoài trở nên quan-trọng hơn bề trong.


Thoạt đầu, cần gì thì mua, dần dà tiêu tiền quen tay rồi biến thành mua để mà mua. Mua tiêu không còn là một phương-tiện để giải-đáp nhu-cầu, mua tiêu đã biến thành mục-đích,  tiền và vật-chất đã trở thành ý-nghĩa của cuộc sống. Trên máy truyền-hình, cứ mười phút là chương-trình ngưng để những trang quảng-cáo mời mọc chúng ta mua hàng. Mua bán lại càng dễ dàng với Amazon, chỉ việc ngồi nhà bấm mày vi-tính hay máy điện-thoại di-động để đặt hàng, rồi hai ngày sau là nhận được nếu có thêm dịch-vụ Prime. Mua về rồi tháng sau chất đầy nhà kho hay ga-ra, thỉnh-thoảng làm một chuyến “garage sale” để lấy chỗ mua thứ khác.
Mua những gì mình cần hay những gì mình thích thì cứ mua nhưng mua để mua, mua để trám khoảng trống nào đó lại là chuyện khác.
Gần đây, tôi có được xem trên Netflix một phim tài-liệu, tựa-đề "Minimalism", nói về vấn-đề tiêu-thụ quá mức này, xin mời các bạn xem qua (Quảng-cáo không công). 

Không có được thì thèm muốn, ganh ghét, buồn tủi vì những gì mình không có thay vì vui hưởng những gì mình có. Chúng ta quên mất những hạnh-phúc đơn-giản như ăn một món trứng tráng hay đậu hũ dầm tương, nhâm nhi một tách trà hay một cốc cà-phê, đi bộ, ngắm trăng, đánh một ván cờ với bạn, vui chơi với gia-đình, con cháu. Trẻ con bây giờ thích chơi một mình trên cái Tablet hay máy video hơn, thay vì chơi bông vụ hay đá bóng với trẻ con trong xóm.

Đời sống quá tiện-nghi nên chúng ta trở nên lười biếng. Nhất là bên Mỹ này, người ta phải đi xe từ tiệm này đến tiệm kia cách xa mấy mươi thước, ra ngân-hàng hay mua cái hamburger cũng ngồi lì trong xe và dùng “drive-in”, bỏ thơ cũng phải dùng thùng thơ đặt ngay sát lề đường để không phải ra khỏi xe, đi chợ phải mua trái cây đã gọt sẵn, rau đã rửa sẵn hay thịt đã ướp sẵn, luộc một quả trứng cũng phải dùng máy điện, …

Vật-chất lên ngôi, chúng ta quên mất những giá-trị tinh-thần hay luân-lý, xa rời truyền-thống. Cha mẹ chạy theo đời sống bên ngoài, không còn nghị-lực và thời-gian để dạy dỗ con cái và đành phó-thác vấn-đề giáo-dục con cái cho trường-học nhưng chương-trình học cũng đã thay đổi để thích ứng với xã-hội hiện-đại, dạy trẻ thành tài nhưng không còn dạy thành nhân và môn công-dân giáo-dục đã đi vào quên-lãng. May mà tôn-giáo còn cố gắng nhắc-nhở chúng ta chút ít về tình người (khi tôn-giáo không bị biến thành một lối kinh doanh).

- Mãnh-lực đồng tiền
Mua sắm thì ai chẳng thích nhưng phải có tiền mới hòng mua sắm. Thế là chúng ta chạy theo tiền, và chúng ta còng lưng đi làm, mục đích không còn là để nuôi thân, nuôi gia-đình mà là để có tiền mua sắm.
Có tiền thì muốn có nhiều hơn, không giới-hạn, càng nhiều, càng tốt, để làm gì thì không biết. Tôi không nhớ ai đã nói “tiền và quyền-thế giống như nước biển, càng uống càng khát”? Tiền đẻ tiền, người giàu càng giàu và triệu-phú trở thành tỷ-phú. Giới tài-phiệt càng ngày càng nắm giới lãnh-đạo trong lòng bàn tay.
Không có (nhiều) tiền mà bao nhiêu thứ muốn mua thì làm sao đây? Sống ở thế-giới tư-bản thì đơn-giản lắm: chỉ việc mua chịu rồi è cổ ra trả nợ, nợ càng nhiều chỉ đủ trả tiền lời và nợ không bao giờ trả hết được Một số người hơn bảy mươi tuổi vẫn còn phải đi làm để trả nợ. Bên này, tổng-số nợ của dân-chúng Mỹ đã tăng lên 1300 tỷ đô-la! Nợ đẻ nợ và người nghèo càng nghèo. Đôi khi tôi có cảm-tưởng có lẽ người nghèo nơi xứ nghèo khổ về vật chất nhưng người nghèo nơi xứ giàu thì khổ tinh-thần hơn?

- Thế-giới ảo
Điện-tử và vi-tính đem lại thật nhiều tiện-nghi thú vị nhưng cũng dần dần giam cầm chúng ta vào một thế-giới ảo.
Bây giờ chúng ta có thể có hàng trăm người “bạn” trên Facebook, Tweeter hay Instagram để chúng ta kể lể về việc thằng con trai đã bỏ cô bạn gái, việc mình vừa ăn tô bún bò Huế hay việc xếp mình cứ đì mình mãi (đến khi bị đuổi vì xếp biết được). Việc gì cũng có thể thực-hiện trên Mạng: mua bán, học hỏi, giao-tiếp hàng ngày, trai gái hò hẹn nhau, chơi trò chơi vi-đê-ô, …

Không thể không nói đến trường-hợp cái máy điện-thoại thông-minh Smartphone, cái vật-dụng đã cưỡng-chiếm tâm-thần của con người. Điện-thoại đã trở thành một chức-năng phụ của máy và chúng ta còn làm được bao nhiêu việc khác như nhắn tin, chụp ảnh, quay phim, mua bán, tìm đường, lên Mạng, giải trí với những trò chơi đủ loại và một triệu tác-dụng khác (tôi đang chờ máy biết pha cà-phê để mua đây). Có lẽ vì thế mà nhiều người cứ phải ôm kề kề trên mình, mắt lúc nào cũng dán vào màn ảnh nhỏ của máy. Ngồi ở bàn ăn trong gia-đình hay với bạn bè cũng phải thỉnh thoảng bật lên, ngoài đường thì vừa đi (bộ hay xe) cũng phải bật lên dù luật giao-thông cấm tuyệt để tránh tai-nạn, thậm chí trong rạp chiếu bóng hay phòng tập thể-dục cũng phải dùng. Độc-dược tinh-thần này đã lan tràn trên toàn thế-giới.

- Khái-niệm thời-gian
“Thời-gian sao đi nhanh quá?” Không, quả đất này vẫn quay đều và thời-gian vẫn lặng lẽ trôi đều, một năm vẫn có 365 ngày, một ngày vẫn có 24 tiếng, một tiếng vẫn có 60 phút, … và đâu có ai “ăn cắp” thời gian của ai đâu? Chẳng qua là chúng ta sống vội, chúng ta chạy theo vật-chất, chạy hộc hơi, chạy không kịp thở, mà đôi khi cũng chẳng biết tại sao chúng ta chạy hay chạy để làm gì? Khoa-học tiến hoá nhanh quá, hàng mới được tung ra thị-trường ào ạt quá thì làm sao chúng ta theo kịp? Cuốn theo chiều gió (của văn minh).
Có lẽ sống vội nên chúng ta suy-nghĩ và hành-xử ngắn-hạn, sống hôm nay và không cần biết đến ngày mai, hưởng-thụ cái đã, chuyện về sau cứ để người sau lo.

Thời-gian dành cho chính mình hay cho người thân càng ngày càng hiếm và trở thành một món quà khó cho và khó nhận được. Chúng ta khó có được một khoảnh-khắc với chính mình, cho chính mình. Thời-gian có được, chúng ta lại phải lấp vội với cái cái máy thông-minh nói trên hay chuyện gì khác. Có những bạn chưa dám về hưu vì lo sợ lúc ấy không biết  làm gì với thời-gian trống?
Tôi không rành về Thiền cho lắm nhưng tôi hiểu đại-khái Thiền là sống trong chánh-niệm, là ý-thức được mỗi giây phút sống, nhưng chúng ta ngồi chơi với con cháu mà đầu óc còn lo nghĩ đến công-việc còn dở dang ở văn-phòng làm việc hay nghĩ đến món hàng Amazon đã hứa gửi đến ngày mai.
Chúng ta không còn biết bỏ thời-giờ để cảm-nhận thời-gian như thuở xưa ông bà, cha mẹ chúng ta mỗi ngày bóc tờ lịch trên tường, một thói quen đã chìm vào quên lãng.

- Người và người
Vật-chất đã lấn át mặt tinh-thần và loài người cũng mất đi ít nhiều nhân-tính. Công-dân giáo-dục biến mất từ chương-trình học và chúng ta sống một cách ích-kỷ hơn (chữ “tử-tế” càng ít khi dùng được?), lợi tư quan-trọng hơn lợi công. Chúng ta khó chấp-nhận khác-biệt và những hố sâu càng sâu hơn giữa giàu và nghèo (lúc trước đã đưa đến cách-mạng 1789 bên Pháp hay chủ-nghĩa cộng-sản trên thế-giới), giữa già và trẻ, giữa những người khác màu da (kỳ-thị màu da, nô-lệ, Ku Klux Klan là vài thí-dụ), khác tôn-giáo (mà thập-tự chinh tiêu-biểu cho những chiến-tranh tôn-giáo), …
Mỗi ngày, tôi đọc báo thấy những chuyện tranh-chấp nhau đến bắn nhau vì một chỗ đậu xe, chuyện cháu bắn bà vì bà bắt cháu phải dọn dẹp phòng, chuyện người xách súng máy đi giết hại hàng chục, hàng trăm người, chuyện đàn ông hung hãn đàn bà, người quyền-thế ức-hiếp kẻ yếu, bao nhiêu chuyện “trời ơi, đất hỡi”, …
Dĩ-nhiên, lịch-sử chỉ lập đi, lập lại nhưng càng nặng hơn, quy mô, toàn cầu và ác-liệt hơn. Lúc trước loài người đánh nhau bằng đao kiếm, cung tên nhưng vũ-khí bây giờ tối-tân và hữu-hiệu gấp ngàn lần. Thế kỷ này mà xảy ra thế-chiến thì ai đo lường được hậu-quả?

- Người và thiên-nhiên
Loài người cắm đầu vào việc tiêu-thụ, càng ngày càng nhiều và để sản xuất, chúng ta thẳng tay khai-thác, tận-dụng tài-nguyên thiên-nhiên và huỷ-hoại cân-bằng của tạo-hoá.
Chúng ta gây bao nhiêu thiệt-hại cho không khí chúng ta thở, cho đất chúng ta trồng, cho nước chúng ta uống, huỷ diệt các loài súc-vật và cây cỏ khác với khói xe, khói xưởng, rác, hoá học, đốn rừng, … và tư huỷ-diệt chính mình.

Thay đổi khí-hậu (climate change), mà ô-nhiễm môi-trường là một nguyên-nhân, đã trở thành mối quan-tâm thật lớn cho quả địa-cầu chúng ta nhưng chúng ta không (chưa) làm được gì đáng kể để sửa đổi tương-lai của chúng ta và của những thế-hệ sau. Mối lo-ngại này càng ngày càng gia-tăng thật nhanh, nhất là trong vòng năm mươi năm nay.
Tôi viết “chúng ta” vì trách-nhiệm ở nơi mỗi người trong chúng ta (trong đó có tôi), chứ không phải (chỉ) nơi các chính-quyền hay những nhà tài-phiệt lộng-hành. Không có tiêu-thụ thì làm sao có sản xuất? Không có người mua thì làm sao có người bán? Rác hay bao nylon ngoài biển là từ đâu ra? Khói xe từ xe của ai? …
Nước đã đến chân nhưng chúng ta chưa muốn nhảy (?)

4. Những nghịch-lý của thời-đại
Khoa-học và kỹ-thuật đã tiến-bộ thật nhiều, không ngừng và quá nhanh, lôi cuốn chúng ta vào vòng lẩn-quẩn, đến độ gây nên những kết-quả đôi khi đi ngược lại những gì chúng ta có thể mong chờ. Có những nghịch-lý như:
- Chúng ta không còn phải lo đói nữa nhưng ngược lại, thức ăn, thức uống quá nhiều và quá béo, gây nên bệnh béo (trung bình bên Mỹ có đến 32% người lớn “béo” – overweighted, cộng thêm 42% “cực béo” – obese, nghĩa là 74% người nặng hơn bình-thường; 18% trẻ em từ 2 đến 19 tuổi “cực béo”, gấp ba lần những năm 70); béo gây nên những bệnh tim, cao máu, đột quỵ, tiểu đường, vài loại ung-thư, … Chúng ta không chết vì đói nữa mà chết vì… no;
- Chúng ta có một đời sống vật-chất rất tiện-nghi với đủ loại giải-trí nhưng thảnh-thơi lại khó mà có, chúng ta mua nhiều nhưng hưởng ít;
- Phương-tiện “Tiền” đã trở thành mục-đích; máy làm thay thế chúng ta nhưng ta đã trở thành những cái máy;
- Chúng ta sống thọ hơn nhưng chúng ta sống vội và không có bao nhiêu thời-giờ cho chính mình;
- Đời sống vật-chất thật dễ dàng nhưng đời sống tinh thần đã mất nhiều chất-lượng;
- … … …

Tôi không có khả-năng để phân-tích cặn kẽ những căn-nguyên, cơ-cấu của mọi chuyện, tôi chỉ đoán mò được một vài nguyên-nhân chính:
- Phát-triển quá nhiều, quá vượt-bậc và quá nhanh khiến chúng ta không kịp “tiêu hoá”; tôi có nghĩ đến những “celebrities”, nghệ-sĩ hay lực-sĩ, thành công lớn và quá nhanh khiến một số rốt cuộc trở về tay không, có những người còn tự kết-liễu đời mình;
- Phàm bất cứ việc gì, cho dù tốt, mà quá mức, quá độ, cũng đâm ra “xấu”. Chúng ta có thể lấy thí-dụ cái điện-thoại di-động, quá hữu–ích khiến một số không nhỏ đâm ra “nghiện”, như một loài cần-sa không thể thiếu, dù chỉ là năm phút. Tiền thì ai cũng cần, ai cũng thích nhưng trở thành nô-lệ của đồng tiền là chuyện khác. Có người muốn đi làm đến sau 70 tuổi đến lãnh lương hưu-trí nhiều hơn nhưng tuổi đó thì hưởng được bao lâu nữa?
- Việt-Nam chúng ta có những câu như “no cơm, ấm cật” hay “nhàn cư vi bất thiện”, hay ‘'dửng mỡ”, có lẽ vậy?
Tôi có học được rằng tính tốt và tật xấu đều có sẵn mầm mống trong chúng ta, hạt nào được tưới nhiều thì dễ nảy mầm, 
tính tốt thật khó vun trồng nhưng tật xấu như cỏ dại, có khi không cần nước cũng mọc um tùm mà trên đài truyền-hình, ngoài đường, khắp nơi, nhan nhản bao nhiêu cám-dỗ (truyền-hình thì quảng-cáo liên-tục hàng bán, phim ảnh thì đầy rẫy những màn tình dục và bạo-lực,…) thì cầm lòng sao đặng?
- Chính-sách kinh-tế các nước tư-bản là gia-tăng không ngừng Tổng Sản-Phẩm Quốc-Nội (GDP = Gross Domestic Product), nghĩa là sản-xuất (để bán) không ngừng, mỗi ngày mỗi nhiều hơn, bất tận. Nếu như vậy thì mặt phải chỉ dành cho giời nhà giàu càng giàu mà thôi, làm sao không có mặt trái được?
- ... ... ...

5, Kết-luận
Đề-tài này thật phức-tạp và tôi không có khả-năng để bàn-luận cặn kẽ hơn.
Ngày nay, chúng ta có được một đời sống tiện-nghi và tuổi thọ trung-bình cao hơn trước nhiều. Tôi sinh-trưởng trong một đất nước nghèo, từ một gia-đình chẳng giàu nhưng tôi chưa bao giờ phải đói, tôi đã sống bên Âu-Châu và tôi hiện sống bên Mỹ, một nước giàu mạnh và nay, về hưu, tôi được hưởng một cuộc sống thật đầy đủ trên mọi mặt.
Tiền và vật chất rất cần-thiết để đem lại cho chúng ta những gì chúng ta cần, những gì làm chúng ta vui nhưng thế nào là đủ? Lúc nào mới đủ?

     Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc,
     Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn

Tạm dịch là :
     Biết là đủ, cho là đủ, thì nó là đủ
     Biết là nhàn, cho là nhàn, thì nó là nhàn”.


Tôi vẫn biết thế-giới này không phải là lý-tưởng và loài người (trong đó có tôi) không phải là hoàn-hảo, tôi cũng biết những điều kể trên không phải đại đa số, nhưng tôi cảm thấy đâu đây, xã-hội vật-chất này cò điều gì không ổn.

Những vấn-đề không được giải-quyết mà còn gia-tăng, mỗi ngày mỗi nhiều hơn, mỗi nặng hơn, mỗi nhanh hơn. Thế-giới chúng ta đi về đâu?

Nhưng thôi, có lẽ tôi già và lẩm-cẩm thật rồi. Hay là tôi quá cổ-hủ, quá nặng ảnh-hưởng Tam-giáo? Dầu sao đi nữa, đã vào mùa đông của cuộc đời rồi, có lẽ tôi sẽ không cần câu trả-lời nữa. Tôi hy vọng con cháu chúng ta và những thế-hệ sau sẽ không phải có những nỗi bâng-khuâng này.
Yên Hà, tháng 10, 2019

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.