Trong tiếng Việt (cũng như tiếng Trung Hoa, tiếng Thái, tiếng Khmer...), một "từ" được viết bằng một "chữ", phát âm bằng một "tiếng" hay "âm-tiết" (syllabe / syllable).
Trong những loại chữ đơn âm-tiết (langues monosyllabiques / monosyllabic languages) này, sự tổng-hợp các chữ cái không thể nào tạo đủ tất cả những chữ cần-thiết nên thường cần phải bổ-túc thêm bằng hai phương-cách:
- thêm thanh-điệu: tiếng Việt ta là một ngôn-ngữ có thanh-điệu (langue tonale / tonal language) gồm có sáu dấu thanh-điệu: ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. (Chúng ta sẽ xem qua đề tài này trong tháng sau)
- ghép hai, ba, bốn chữ lại để tạo thành chữ mới: tiếng Việt có từ đơn ("ăn", "sạch", "phơi"...), từ kép 2 chữ ("gia-đình", "ngôn-ngữ"...), từ kép 3 chữ ("hỏa diệm sơn"...), và hiếm hơn là từ kép 4 chữ ("hàng không mẫu hạm", thủy quân lục chiến"...).
1. Từ đơn
Từ đơn là loại từ do một tiếng có nghĩa tạo thành, thường là những từ thuần-Việt.
Ví dụ: ngày,
tháng, năm, ăn, mặc, …
2. Từ ghép (từ kép)
Từ ghép là loại từ gồm hai, ba hoặc bốn tiếng ghép lại tạo thành một ý nghĩa
chung.Dựa theo nguồn gốc, từ ghép được phân ra mấy loại như sau:
A. Từ thuần-Nôm
Những cách kết-hợp 2 từ-đơn:
- Đồng-nghĩa (đùa giỡn, nhanh chóng...) hay phản-nghĩa (trắng đen, ngược xuôi...)
- 1 từ đơn chính + 1 từ đơn phụ (ngõ cụt, tàu bay, tàu hỏa...)
B. Từ Hán-Nôm
Những cách kết-hợp 2 từ đơn:
- Dùng nguyên từ-kép tiếng Hán (dân tộc, quốc gia, đạo đức...)
- Dùng từ-kép Hán nhưng thay đổi vị trí (H: giản đơn -> N: đơn giản) hoặc thay đổi thành-phần từ-đơn (H: y viện -> N: bệnh viện; H: đối đãi -> N: đối xử, ...)
- Dùng từ-kép Hán theo một ý nghĩa khác: Văn tự= chữ viết (H), = giấy tờ mua bán (N)
- Dùng tiếng Hán để tự đặt ra từ-kép tiếng Nôm mà không dùng từ-kép Hán có nghĩa tương-tự ("phát thanh'' (N) thay vì ''bá âm'' (H); "trục xuất" (N) thay vì "khai trừ" (H),...)
- Dựa trên cấu trúc [danh từ / tính từ + "hóa" (H)]: dùng toàn chữ Hán (cập nhật hóa, thi vị hóa...) hay dùng toàn chữ Nôm (lành mạnh hóa...)
- Ghép 1 từ đơn Hán + 1 từ đơn Nôm đồng nhĩa (màu sắc, nuôi dưỡng, thâm sâu...)
Đọc đến đây, tôi có cảm-tưởng khuynh-hướng của một số tiếng Việt "hiện-đại" sau 1975 (*) là trở lại tiếng Hán (bước đầu trong công cuộc Hán-hóa trong tương lai?)
C. Từ mượn của nước ngoài
- Gián-tiếp, thông qua tiếng Hán: từ tiếng Phạn (bát nhã, bồ đề), Tây Vực (bồ đào, pha lê), Tây phương (nha phiến...)...
- Trực-tiếp, phiên-âm từ ngoại-ngữ: từ tiếng Pháp (xi măng, sà phòng, va li...), chữ khoa-học (át xít, can-xi, vi-ta-min...)
3. Từ-láy
Một loại từ kép đặc-biệt mà người ta có thể phân-biệt ra là từ-láy, trong đó có một phần hay toàn bộ của tiếng được lập lại.
Có 4 kiểu từ-láy:
- Láy âm: đậm đà, long lanh, vội vàng, rủi ro,...
- Láy vần: bát ngát, loáng thoáng, luống cuống...
- Láy cả âm lẫn vần: chầm chậm, trăng trắng, lành lạnh...
(trong 3 loại này, chữ láy thường không có nghĩa riêng ("đà" trong "đậm đà", "luống" trong "luống cuống", "chầm" trong "chầm chậm"...; đôi khi cả 2 từ đều không có nghĩa như "lúi húi", "xào xạc",... )
- Láy tiếng: xinh xinh, ào ào, hây hây...
4. Vai trò của từ-ghép trong ngôn-ngữ Việt-Nam
Cái đẹp tinh-túy của ngôn-ngữ Việt-Nam có lẽ một phần nằm trong những từ-ghép.
- Từ-ghép bù trừ lại cho đặc-điểm "đơn âm-tiết" và giúp cho tiếng Việt thêm phong phú để có đủ chữ, đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt hằng ngày.
- Từ-ghép bù trừ lại cho đặc-điểm "đơn âm-tiết" và giúp cho tiếng Việt thêm phong phú để có đủ chữ, đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt hằng ngày.
- Từ-ghép thường gồm một từ-đơn gốc (một ý chính) cho nên trong những quyển từ-điển, từ-ghép được gom lại với nhau từng từ-đơn chính. Thí dụ là chữ "phong" có nhiều nghĩa và gây nên nhiều nhóm từ-ghép:
- phong (bệnh): phong thấp, phong cuồng...
- phong (cây): phong dương...
- phong (ong): phong oa (tổ ong), phong lạp (sáp)...
- phong (bao): phong bì, phong bao...
Cũng như chữ La-Tinh hay Hy-Lạp đối với tiếng Pháp, muốn nắm vững từ-vựng Việt-Nam, cần phải có chút căn-bản chữ Hán-Nôm.
- Từ-ghép đôi khi cũng giúp viết chính-tả đúng hơn. Thí dụ, ta có thể phân-biệt:
- "tâm" và "tăm" trong "tâm sự", "tâm tình" và "tăm dạng", tăm hơi"...
- "trao" và "trau" trong "trao đổi", "trao trả" và "trau dồi", "trau chuốt"...
- "trong" và "trông": "trong sạch", "trong trắng" và "trông đợi", "trông mong"...
- Đặc-biệt hơn nữa, từ-láy là một đặc-trưng của tiếng Việt ta. Từ-láy có tác-dụng:
- làm cho từ gốc có thêm sắc-thái nào đó (làm giảm nhẹ hoặc mạnh thêm như trong "lành lạnh", "mặn mà"...),
- tượng-hình, gợi ảnh: Khi đọc "Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông rợ mấy nhà" trong bài "Qua đèo ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, ta có thể mường-tượng trước mắt một phong-cảnh hữu tình như một bức tranh thủy mạc,
- mô-phỏng, tượng-thanh (khúc khích, líu lo, ríu rít, loảng xoảng...).
Luyện từ và câu: Từ đơn - Từ ghép - Từ láy
Từ Kép Trong Tiếng Việt (Lưu Khôn)
- Ngôn-ngữ phản-ảnh văn-hóa và nhân-sinh quan của dân-tộc nên đối với người Á-Đông nói chung (ảnh-hưởng Khổng giáo và Phật giáo?) và đối với người Việt-Nam nói riêng, chữ kép còn tuyệt-vời ở điểm:
1 từ-ghép = 2 từ-đơn = 2 ý nghĩa, 2 khái-niệm bổ-túc lẫn nhau, khiến cho ngôn-ngữ bao hàm nhiều khái-niệm thâm-túy hơn.
Thí dụ: để nói về tình yêu, người Tây phương dùng chữ "to love" (Anh) hay "aimer" (Pháp), nhưng tình yêu là một tình-cảm bao la, phức-tạp thì làm sao có thể diễn-tả bằng một chữ được? Cho nên tiếng Việt ta sẽ có những chữ riêng biệt như: thương yêu, thương mến, thương quí, thương xót, thương hại, thương tiếc, thương nhớ...
Đôi khi chúng ta chỉ hiểu ý nghiã tổng-quát của một từ-ghép mà quên đi hoặc không hiểu hết ý của mỗi phần. Thí dụ:
- trong "giàu sang", "giàu" nói lên khía cạnh vật chất (có nhiều tiền) trong khi "sang" bao hàm ý nghĩa tinh-thần (quí phái, đáng trọng) và một người giàu không đương nhiên là sang, như trường-hợp những người mới giàu (parvenu / new rich),
- trong "ngon lành", "ngon" mang khía cạnh hương vị và "lành" chỉ khía cạnh sức khỏe,
- trong "gian ngoan", gian mà không ngoan (khôn) thì sớm vào tù lắm,
- chữ "nghèo khó" / "nghèo khổ" bao gồm một tình trạng (nghèo) và một hậu quả (khó/khổ), cho nên mới có câu "cái nghèo nó đeo cái khó",...
Đây là một trong những lý do tôi yêu tiếng nước tôi.
Trong chữ Việt, cái gạch nối dùng để kết hợp những thành-tố viết rời của một từ gồm nhiều âm-tiết. Nếu viết riêng rẽ thì những âm-tiết nói trên sẽ có một nghĩa khác, tức là nghĩa riêng biệt của từng âm-tiết.
Thí dụ: "độc"= "một" hay "hại sức khỏe" và "lập"= "đứng thẳng" hay "tức khắc" nhưng "độc-lập" = có chủ quyền, không tùy thuộc ai.
Hai chữ "độc" và "lập" phải đi chung với nhau và người ta dùng một dấu gạch-nối để phân-biệt hai từ-đơn đó với từ-ghép "độc-lập".
Gạch nối dùng để phân biệt từ-đơn với từ-ghép, mục đích là để câu văn được rõ nghĩa. Cách sử-dụng dấu gạch nối được qui-định rõ ràng và trong học đường, thời bấy giờ, thiếu cái gạch nối là một lỗi chánh tả tương tự như các lỗi chánh tả khác.
Dựa theo các sách đã xuất-bản, chúng ta ghi-nhận, trên những sách in trước năm 1975, các tác-giả vẫn còn dùng cái gạch nối đối với những từ-ghép. Tuy nhiên, việc dùng cái gạch nối này của những người làm văn-hóa chưa thống-nhất: có tác-giả áp dụng triệt-để các nguyên-tắc, nhưng cũng có tác-giả chỉ áp dụng một cách đại-khái hay tương-đối, tùy theo quan-niệm của mỗi cá-nhân.
Thực-tế cho thấy, việc dùng gạch nối cũng đã gây một số bất tiện và phiền phức cho người viết và trong ngành ấn-loát, người đánh máy và người sắp chữ phải nhọc công và khổ sở vì cái gạch nối. (Trước kia, trong thời-kỳ ngành ấn-loát nước ta còn lạc-hậu, việc sắp chữ để làm bản in "typo" được thực-hiện theo lối thủ-công.)
Sau 1975, trên tuyệt đại số những sách báo xuất-bản trong nước và tại hải-ngoại, cái gạch nối đã âm-thầm biến mất và chỉ tồn-tại trong một vài trường-hợp:
- Từ có quan-hệ qua lại với nhau: từ điển Hán-Việt, bang giao Mỹ-Việt, luật hỏi-ngã, ...
- Danh-từ chung (nom commun / common noun) phiên-âm: cát-xết, vi-đê-o...
Ðối với một số tên chung phiên-âm đã hoàn toàn Việt hóa, ta bỏ luôn cái gạch nối: cà phê, cà vạt, câu lạc bộ, đô la, ga ra, nóc ao, ra đa, ra gu, ti vi, xích lô...
- Một số từ-ngữ mà các âm-tiết không thể tách rời: chợ-nhà-lồng, khô-cá-chỉ-vàng, tại-vì-bởi,...
Để thay thế cái gạch nối đối với các từ ghép, đã có một số người, cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại, có xu-hướng viết dính các âm-tiết những từ-ghép Hán-Việt và thuần-Việt, thí dụ như: tựdo, vữngvàng, ngônngữhọc, kimtựtháp, hàngkhôngmẫuhạm.
Tuy nhiên, những từ viết dính liền có thể sẽ bị đọc và và bị hiểu sai lệch nên việc cải-cách này không được hưởng-ứng.
- Những từ-ghép dính liền có thể được đọc một cách khác: "Giáo án" viết "giáoán" có thể đọc là "giá oán" hoặc ''gi áo án''; ''Phát hành" viết "pháthành" có thể là "phá thành",...
- Những từ vốn chỉ có một âm nay có thể được đọc tách rời thành hai âm: "Thúy" có thể đọc là "thú y"; "Khóai"= "kho ái" hoặc "khó ai",...
Việc xóa bỏ gạch nối không ảnh hưởng trầm trọng đến câu văn về mặt ngữ nghĩa (chả chết thằng Tây nào). Người đọc bình thường dễ dàng phân biệt từ đơn và từ ghép. Cả người viết và người đọc đã mặc nhiên hiểu ngầm là các từ ghép Hán-Việt và thuần-Việt luôn luôn được nối với nhau bằng cái "gạch nối vô hình."
Những người chủ-trương duy-trì cái gạch nối trong những từ-ghép Hán-Việt và thuần-Việt và những người chủ-trương viết dính liền những từ-ghép lại này đều có lý.
Ngữ-pháp chung qui chỉ là một qui-ước, một sự giao-ước giữa người viết và người đọc.
Nói và viết, đúng hay sai là một thói quen, lập đi lập lại qua nhiều thế hệ. Mà thói quen xuất phát từ sự thực dụng. Và một khi đã thông dụng thì mọi người đều phải theo. Khó mà đem môn lý luận ra để phê phán được. Trừ phi, có điểm nào quá vô lý, nếu muốn sửa đổi thì phải có sự đồng thuận của số đông.
Gạch Nối trong chữ Việt (Phụng Nghi)
Nói cho ngay, dùng gạch nối hay không là tùy-hỷ mỗi người mà thôi.
Tuy nhiên, một vấn-đề quan-trọng khác là nếu chữ viết ta còn bỏ dấu gạch nối thì "Google Translate" và những tự-điển-dịch thuật "on line" chắc chắn sẽ không đem lại cho chúng ta những trận cười "bò lăn, bò càng" nữa đâu. Các bạn cứ thử mà xem.
Tuy nhiên, một vấn-đề quan-trọng khác là nếu chữ viết ta còn bỏ dấu gạch nối thì "Google Translate" và những tự-điển-dịch thuật "on line" chắc chắn sẽ không đem lại cho chúng ta những trận cười "bò lăn, bò càng" nữa đâu. Các bạn cứ thử mà xem.
Riêng tôi vẫn dùng gạch nối nhưng chỉ dùng một cách tương-đối, chủ-đích là giúp người đọc dễ đọc, dễ hiểu. Từ ghép Hán-Việt trong ngôn-ngữ ta rất nhiều mà không phải chữ nào cũng dễ hiểu, nhất là trong những địa-hạt chuyên-môn (khoa-học, kinh-tế, chính-trị...) nên tôi để ý dùng gạch nối nhiều hơn.
Lấy một thí-dụ: nếu trong diễn-văn một ông thủ-tướng, có câu:
Lấy một thí-dụ: nếu trong diễn-văn một ông thủ-tướng, có câu:
"... Kỳ-vọng các đại gia-đình
công-chức tước quyền hành-chánh…" mà viết không gạch nối thì có thể đọc là:
"... Kỳ Vọng Các (Bangkok) đại gia đình công chức tước quyền hành chánh…"
Những bạn xem phim Trung-Hoa hay Đại-Hàn với phiên-âm tiếng Việt chắc đã có lúc bực mình với những ngắt chữ không đúng chỗ, thí dụ như: "Bệ hạ giá... lâm",...
Một thí-dụ khác: cách đây vài tuần, trong một buổi văn-nghệ, mười phút trước màn hoạt cảnh, tôi đã được nhờ đọc một bản thông-tin dự báo thời-tiết. Tôi vội vàng ghi thêm gạch nối tất cả các chữ và tôi đã có thể đọc dễ dàng mà không cần phải tập dợt.
Đã có (và sẽ còn có) người cười tôi "cổ-hủ" nhưng viết tiếng Việt (dù chỉ là viết điện-thư), bao giờ tôi cũng bỏ dấu và khi viết bài để đăng, bao giờ tôi cũng để ý bỏ dấu gạch nối (ít nhất để cho rõ nghĩa), chấm phết, xuống hàng, bỏ hàng... kỹ lắm.Một thí-dụ khác: cách đây vài tuần, trong một buổi văn-nghệ, mười phút trước màn hoạt cảnh, tôi đã được nhờ đọc một bản thông-tin dự báo thời-tiết. Tôi vội vàng ghi thêm gạch nối tất cả các chữ và tôi đã có thể đọc dễ dàng mà không cần phải tập dợt.
Chẳng phải vì tôi gàn hay tôi "ma-nhắc" gì đâu. Chẳng qua tôi yêu tiếng nước tôi và tôi tôn-trọng người đọc mà thôi.
Một lần nữa, chúng ta đã thuộc một thế-hệ chuyển-tiếp thì chúng ta cứ đón-nhận trách-nhiệm của mình đến nơi đến chốn rồi thôi.
Yên Hà, tháng 4, 2013
(*): Xin mời đọc (lại) bài "Tiếng Việt mới: Truyện vui mà buồn"http://phu-tran.blogspot.com/2012/05/tieng-viet-moi-truyen-vui-ma-buon.html
Vùng ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, trong quá khứ bao gồm nhiều sắc dân với những tiếng nói khác nhau, nên nhiều khi cần lập lại một từ bằng hai thứ tiếng để chắc chắn người đối diện hiểu mình, như "to lớn" (to : gốc Hán, lớn : Môn Khmer), "bé nhỏ", "chén bát", "leo trèo", "rơi rớt", "hư hỏng", "sai lầm", "cổ xưa", v.v... Ngoài ra, có thế nghĩ người Nam còn chịu ảnh hưởng bởi ngôn ngữ đa âm, nên phiên âm từ mới theo kiểu đa âm, như cà rem, trong khi người bắc (ảnh hưởng đơn âm của Hán ngữ), nên gọi là "kem". Tiéng nói, và cách phát âm thời xưa của người Việt có nhiều hy vọng gồm nhiều từ đa âm hơn bây giờ.
ReplyDeleteNguyễn Hoài Vân
http://nguyenhoaivan.com/
Tiếng Việt đã khó mà đem tiếng Việt dịch ra tiếng Anh thì khó hơn đến bao nhiêu lần vì vậy mà cuối tuần mình được cười ra nước mắt !
ReplyDeleteMột ví dụ về tiếng Việt hiện đại dịch sang tiếng Anh đang làm trò cười trên Internet : Tấm bia "Cây Gạo Đại Thụ" dịch ra thành "Plant rice university acceptance" còn năm Giáp Thân thì dịch ra "Body Armor" !
Trong phần tiếng Việt đă có vấn đề :
"Cây Gạo" là chữ Nôm
"Đại Thụ" là chữ Hán Việt
Thường thì không ai lại trộn lẫn cả tiếng Nôm và tiếng Hán Việt.
Người viết bia đúng là dốt mà muốn ra vẻ thông thái nên dùng luôn tiếng hán việt trộn với tiếng Nôm ! Sau đó đúng google translate dịch ra tiếng Anh.
Một ông dịch, một ông duyệt thì đúng là FINIR L'EAU DIRE (hết nước nói !)
Thôi thì cuối tuần "Laugh out water eyes" và "No Table !"
Hưng