UA-83376712-1

Labels

Dec 20, 2012

Thi-sĩ Ngô Thuỵ Miên (Phần 3)


Phần 1:
1. Tính-chất lãng-mạn người nghệ-sĩ
2. Mùa thu Ngô thuỵ Miên

Phần 2:
3. Tình yêu và Ngô Thuỵ Miên
4. Người tình muôn thuở

.../...

5. Một nét bút « kiêu sa »
Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…  (Giáng Ngọc)
Hai chữ “kiêu sa” này, tôi nghĩ cũng có thể dùng để mô-tả ngòi bút của thi-sĩ.

Tôi không viết nhạc để sống, tôi sống để viết nhạc… (Ngô Thuỵ Miên)
Cho nên anh không chạy theo thị-hiếu để “mị” thính-giả. Anh chỉ viết những cảm-xúc của anh, với tâm-hồn của anh, với ngòi bút của anh.
Tháng 8 năm ngoái, chúng tôi có cơ-hội tổ-chức một đêm nhạc Ngô Thuỵ Miên vi chùa Giác-Lâm (Pennsylvania) nên tôi đã phải nghiên-cứu nhiều về nhạc anh để soạn xếp chương trình cũng như phần phỏng-vấn nhạc-sĩ, và tôi cũng đã phải học (gần) thuộc lòng những bài mình sẽ trình bày. Nhờ vậy tôi đã thật-sự bước vào góc trời Ngô Thuỵ Miên từ đó (Xin cám ơn anh Tuấn và chùa Giác-Lâm đã cho tôi cơ-hội này).

- Nói về ý thơ, tôi thích nhất những bài Giáng NgọcDấu tình sầuMắt biếcTừ giọng hát em…, những bài thơ thật tuyệt vời. Ước gì tôi viết được những bài như vậy.
Chiều còn vương nắng để gió đi tìm
Vết bước chân em qua bao nhiêu lần
Lời ru đan ngón tay buồn
Ngàn năm cho giá băng hồn
Tuổi gầy nồng lên màu mắt
…   Dấu tình sầu (1970)

Dĩ vãng như bao cung tơ
lướt theo chiều mưa kết muôn bài thơ
Nuối tiếc yêu đương xa xưa
tháng năm nào trôi để nhớ nhung buồn
…   Mắt biếc (1972)
Nghe thật là “tiền-chiến”.

Có những bài nghe lạ lạ hơn như Dốc mơ và nhất là Miên khúc, có lẽ phải đọc hai ba lần mới từ từ thấm được nhân sinh quan của tác giả bộc lộ qua ý thơ.
Hạnh phúc là khói sương mờ phai
Còn đây niềm đau thương chất đầy
Ðời như con sóng sầu, như cơn lốc buồn
Còn tìm đâu ôi tháng ngày xưa ấy
… Dù thời gian có xóa nhòa giấc mơ
Ngày tháng trôi qua hững hờ.
..    Miên khúc (1997)
Cũng có lẽ vì vậy những bài này ít được phổ biến? Tôi tự hỏi.


Thơ của anh không phải chỉ “kiêu sa” trong ý, mà còn “cầu-kỳ” trong chữ.
Trong tác-phẩm đầu tay, Chiều nay không có em, anh có viết:
Không có em đời mình sao "vắng vui" thay vì thiếu vui hay mất vuikhiến cho một ca-sĩ lừng danh đã hát thành "vẫn vui", nghĩa là hoàn toàn nghịch nghĩa. (Không có em mà đời anh sao vẫn vui thì thôi, em bỏ anh là đáng đời lắm rồi, còn than vãn gì nữa?)

Những chữ như “võ vàng” dùng trong Ở nơi nào em còn nhớ (Tìm đâu thấy tháng năm võ vàng), Em về mùa thu (Nhạt nhòa phấn, sắc hương võ vàng), chữ “dõi mắt” trong Dốc mơ (Em có về bên đó, dõi mắt trông theo, trông theo tình bền) hay “se sắt” (Se sắt môi mềm… trong Em về mùa thu), hay “bươi rươi” (tình mình còn bươi rươi nồng nàn…trong Từ giọng hát em) không hẳn là thông-dụng trong tiếng Việt hàng ngày.

- Tôi cũng hay viết lách và đôi khi viết xong một bài thơ, một bài văn, tôi có thể khá vừa ý nhưng vẫn cảm thấy “thiếu thiếu”, vẫn còn “thòm thèm”, như có lúc uống rượu mà cảm thấy chưa đủ say. Đôi khi, ý một bài thơ/văn “lai láng” quá, viết chưa “đã tay”, “đã tim”, như cảm thấy nếu không viết thêm được thì phải có dịp viết lại một bài khác để uống cạn nguồn thơ.

Đọc thơ Ngô Thuỵ Miên, tôi có nhận thấy nhiều điểm tương-đồng giữa hai bài Bản Tình cuối (1971) và Bản tình ca cho em * (1980), trong ý thơ, dĩ nhiên, nhưng ngay cả trong những từ-ngữ:
Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Một lần gặp gỡ nhưng tình ngỡ xa xưa
 
         Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ *
Một lần nào đó bước bên em âm thầm
      Một ngày chợt đến bỗng tình như đã lỡ *
Một lần nào đó ta vẫn không nói yêu người
      Một ngày chợt đến bỗng đời như tan vỡ *
Bên em bên em ta hát khúc mong chờ
      Và ai âu yếm hát những lời thiết tha trìu mến *
Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say
Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay

      Giờ đâu còn nữa ngày vui đã hết tình ta đã chết *
Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu
      Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ *
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người
      Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi *
Có lẽ chin năm sau, anh mới được uống cạn men thơ…

Đồng thời, tôi cũng có so sánh hai bài Tình cuối chân mây (1992) và Riêng một góc trời * (1996):
Tình yêu như lá Thu tàn úa gió heo may
      Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, … *
Người vui bên ấy, ta buồn héo hắt nơi đây
      Người vui bên ấy, xót xa nơi này, … *
Một mình ta ngồi thương nhớ
      Tôi vẫn chơi vơi riêng một góc trời *
Một mai em nhé, khi mùa Thu đã phôi pha
      Một mai em nhé, có nghe Thu về, trên hàng lá khô *
Vòng tay lãng quên đời người lặng lẽ xa vời
      Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai *
Và quả nhiên, Riêng một góc trời đã thành công vượt bực và đương nhiên trở thành ký-hiệu của ca-sĩ Tuấn Ngọc cũng như của nhạc-sĩ Ngô Thuỵ Miên.

Nhắc đến Riêng một góc trời, chắc ai cũng có đế ý đến hai chữ “chơi vơi”. Ông anh tôi hình như rất yêu chuộng hai chữ này vì anh đã dùng đến 16 lần, trong 15 bài nhạc. Một bài nhạc mà nghe có hai chữ này thì chắc hẳn phải là nhạc Ngô Thuỵ Miên.


6. Ngủ yên đi Khanh (2012)
Tháng trước, anh Bình (tên thật anh là Ngô Quang Bình) có gọi điện-thoại cho tôi. 
Anh nói:
"Trong nỗi xúc-động tột-cùng về tin một người bạn thân của một thời vừa mới ra đi, anh đã viết ca khúc Ngủ Yên Đi Khanh như một lời đưa tiễn bạn. Anh Nguyễn Đình Khanh ở Houston, một người bạn đã chia xẻ với anh bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của những năm tháng cũ, thưở còn đi học trung học ở ngôi trường Nguyễn Trãi, Sàigòn, "
Anh nói sơ về ý nghĩa của bài hát và nhờ vợ tôi hát cho các bạn của anh nghe (Từ ngày sang Mỹ, mỗi bài hát mới của anh đều "qua tay" Thanh Tuyền" để hát demo trước). 
Xin mời các bạn thưởng-thức Ngủ Yên Đi Khanh, với tiếng hát và tiếng đàn Thanh Tuyền trong số này.

Ngoài ra, cũng xin mời các bạn ghé vào trang "Diễn-đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon" http://thntsaigon.forumsreality.com/t577-ns-ngo-thuy-mien-nguoi-nhac-si-tai-hoa-nghe-12-tinh-khuc#624 để xem thêm và nghe những ca-khúc khác của Ngô Thuỵ Miên. 

Kết-luận
Viết về ý thơ của nhạc Ngô Thuỵ Miên không phải dễ, nhất là tôi đã phải tự gò-bó trong khuôn khổ một bài trên blog (không viết dài quá). Tôi chỉ có thể nêu lên vài điểm mà không dám vào sâu vấn-đề, trong khi mỗi điểm (như Mùa thu Ngô Thuỵ Miên) là có thể viết nguyên một bài mới đúng.
Nhưng tôi đã có sự lựa-chọn này, với hoài-bão mời các bạn trong Ngô Thuỵ Miên’s Fans Club thưởng thức nhiều hơn nữa vì nhạc hay đã đành, nhưng được rót vào tai những lời hay, ý đẹp và qua sự diễn-tả của ca-sĩ nữa mới thật là tuyệt-vời. Quả vậy, nhạc sĩ hầu như chỉ dùng những thể-điệu chậm như Slow, Boston để ca-sĩ có thể thả hồn mình vào, cũng như để thính-giả có thể hưởng trọn nhạc và lời, nhất là loại nhạc này được gọi là nhạc “thính phòng” (chứ không phải "nhạc nhảy") cơ mà? 

Nói ra thì hoá là "mèo khen mèo dài đuôi" nhưng trước giờ, tôi vẫn "mê" nhạc Ngô Thuỵ Miên rồi, nhưng từ khi bước vào vườn thơ của nhạc-sĩ, tôi lại cảm phục anh gấp bội.
Riêng tôi, yêu văn, chuộng thơ, mến nhạc mà được thấm-thía những ý thơ tuyệt-vời trong một giòng nhạc trữ-tình như vậy, tôi chỉ muốn chia-xẻ diễm-phúc này với các bạn thôi. Thân mời các bạn bước sâu vào "Góc trời Ngô Thuỵ Miên".



Yên Hà, tháng 10, 2012

1 comment:

  1. Trong những bản nhạc NTM, làm sao nhạc sĩ lại ngh̃i và viết được những lời nhạc rất bay bướm và lãng mạn như "Tuổi gầy nồng lên màu mắt"? Bao nhiêu người đã hát câu này có ai biết đến ý nghĩa cuả nó? Người nghe nhac̣ NTM đã chết trong tiếng nhạc thì còn hồn đâu để nghĩ đến tiếng thơ?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.