UA-83376712-1

Labels

Feb 9, 2011

Bố đã đi rồi


« Con ơi, bố yếu lắm rồi… » giọng mẹ tôi rươm rướm trong máy vi-âm.
Bố tôi đang đau nặng, bố mắc phải chứng bệnh ung-thư lá lách, đến lúc bác-sĩ khám phá ra thì đã quá muộn.
Ba tuần trước, vợ chồng chúng tôi đã bay sang thăm bố, lúc bố còn ở nhà thương. Giờ thì bác-sĩ đã cho bố về, vì có ở lại họ cũng chẳng làm gì được hơn. Y-khoa đã thất thủ trước căn bệnh, chẳng còn thuốc thang chữa trị gì nữa, còn ăn uống thì còn có ít sữa chuyển qua ống dẫn thẳng vào bao tử, rồi một ống dẫn ra ngoài.
Bác-sĩ đã « cho » bố tôi một tháng, thế nhưng mẹ tôi gọi gấp mà nói như vậy thì tôi đã hiểu rồi. Ngày hôm sau, tôi lại lấy máy bay sang gấp, một phần để chăm-sóc bố trong người ngày giờ cuối của bố, một phần để gánh đỡ cho Mẹ trong công việc này.

Bố ơi, so với lúc còn ở nhà thương, Bố lại còn gầy hơn nhiều. Giờ đây, Bố chỉ còn da bọc xương, mặt Bố hốc hác, ánh mắt Bố như người mất hồn, nhìn Bố mà lòng tôi đau như cắt, hai mắt lại cay xè. Tôi cố cầm lòng để khỏi bật khóc.
Suốt mười ngày, tôi được hầu bố, phụ giúp mẹ. Tội nghiệp Mẹ quá, cả hai tuần nay chưa có thời giờ hay tâm-trí để đi gội đầu, có tôi sang, Mẹ mới được rảnh trí đi gội cho đỡ ngứa. Mẹ vốn tính cần cù, ngồi không không được, nay Bố đau nặng Mẹ lại càng bù đầu cả ba tháng nay, vừa lo, vừa mệt, vừa thiếu ngủ, nay Mẹ cũng đã bắt đầu đuối sức lắm. Vả lại, Mẹ không hay nhờ vả, không hay sai vặt cho nên tôi cứ phải để ý, có việc gì thấy thì tự làm, hoặc cứ phải bảo Mẹ : “Mẹ ơi, Mẹ để con làm đi.”
Tôi thương Mẹ vô cùng. Mẹ tôi mồ côi mẹ từ thuở bốn tuổi, sau đó lấy chồng, về làm dâu trong khi chồng lại hay đi làm xa. Mẹ đã bao lần ngậm đắng, nuốt cay, tôi lại nghĩ đến thân-phận người đàn bà Việt-Nam, cả đời chăm-lo cho cha mẹ mình, cho gia-đình chồng, cho chồng, cho con mà quên mất cả chính mình. Tôi nhớ lại thuở bé ở Sài-Gòn, có lần Mẹ bị cô em chồng bắt nạt nhưng vẫn cắn răng nhịn, tôi nổi nóng bênh Mẹ, giật lấy cái chiếu, cuốn lại để đánh cô (có lẽ tôi không dám dùng tay hay dùng gậy, sợ làm cô đau ?), và tôi bị ông nội phạt, bắt quì cả buổi chiều. Mẹ tôi không dám hở môi, chỉ thỉnh-thoảng liếc về phía tôi mà thở dài.
Những gì tôi học được, phần lớn ở nơi Mẹ vì Bố thường đóng quân nơi xa xôi. Mẹ truyền lại cho tôi cái tính tỉ-mỉ, tẩn-mẩn, tần-mần, cả cái tật “ngứa mắt”, cứ thấy việc là phải tự-động làm. Mẹ còn nói cái số vất-vả là như vậy thôi.

Mấy hôm đó, tôi để Mẹ ngủ phòng bên cạnh, còn tôi ở lại với Bố, ngả cái “phô-tơi” ra nằm canh chừng Bố, ngủ gà, ngủ gật vì sợ Bố có chuyện gì mà mình ngủ say không biết. Đôi khi mệt quá, tôi leo lên giường, nằm bên cạnh Bố và buộc một cái khăn vào Bố với tôi, để nhỡ Bố có lục-đục dậy thì tôi còn biết mà đỡ Bố.
Trong ngày thì có Mẹ, chị em tôi thì chiều tối sau công việc cũng chạy sang thăm Bố. Chúng tôi mỗi người một tâm-tư, mỗi người một nỗi buồn, không ai dám nói ra với ai, và không ai biết làm gì hơn nữa. Chúng tôi không còn biết bám-víu vào một cái gì, bao nhiêu hy-vọng thì đã lần-lượt tan vỡ như bong bóng, bao nhiêu mánh thâu lượm trên mạng hay qua người này mách, người kia nói, tất cả đều vô-hiệu (tôi nhớ hai vợ chồng chúng tôi có xuống L.A. tìm đến nhà anh một người bạn để xin về một ít lá đu-đủ cho Bố uống, rồi cũng như không). Chúng tôi chỉ còn biết bám-víu vào những ngày, những giờ, những giây phút cuối cùng bên Bố.

Rồi Bố ngỏ ý muốn làm sinh-nhật, cho dù ngày sinh của Bố là hai tháng sau. Chúng tôi lo tổ chức ‘’sinh-nhật’’ cho Bố, mua bánh trái, giăng đèn kết hoa, có cả cái bóng chúc tụng ‘’Happy Birthday‘’. Rồi cả gia-đình tụ-họp lại quanh Bố (có cả mấy người em Bố), thổi nến, hát ‘’Happy Birthday to you‘’, cắt bánh, tuy không dám có màn tặng quà.
Tôi không biết tâm-trạng Bố lúc này nghĩ gì, cảm-xúc gì. Được một lúc, Bố nghiêm-trọng lên tiếng, cám-ơn Trời Phật, cám-ơn đời, cám-ơn và xin lỗi tất cả mọi người - nhất là vợ - về những điều gì Bố đã có thể không phải với mọi người. Như một lời trăn trối cuối cùng.
Chúng tôi không biết làm gì khác là xúm lại ôm Bố, ngồi bên Bố, cầm tay Bố, ai nấy sụt-sùi, cố gắng để khỏi bật khóc. Mẹ tôi thì nước mắt ràn rụa, mù-xoa chấm mắt luôn tay.
Và tối ngày hôm sau , Bố nằm ngủ trên giường, nét mặt an-tịnh, hơi thở nhẹ và đều, chúng tôi ngồi đứng chung quanh, không một lời.
Hơi thở Bố mỗi lúc mỗi đều, mỗi lúc mỗi nhẹ, nhẹ dần, nhỏ dần … cho đến lúc không còn nghe thấy nữa.
Ngọn đèn cạn dầu vừa chợt tắt. Trên môi Bố, hình như nở một nụ cười.
Tôi chỉ muốn khóc rống nhưng mọi người đã có chỉ-thị : không được khóc, không được than, đừng để Bố luyến tiếc cõi trần, để Bố ra đi thảnh-thơi. Tôi lặng lẽ vào nhà tắm, ôm mặt khóc thút thít, trong khi mọi người bao quanh Bố và tụng kinh để hương-hồn Bố dễ siêu-thoát.
Một lúc sau, chúng tôi gọi 9-1-1 và bắt đầu thủ-tục hành-chánh và tối hôm đó, thi-thể Bố được đem đi nhà quàn.

Ngay ngày hôm sau, mẹ tôi bắt đầu dọn dẹp, như để xoá đi những dấu vết thương đau, để khỏi suy nghĩ mông lung, như phải bước nhanh để khỏi ngã quỵ. Tôi hiểu Mẹ và chỉ biết lặng lẽ phụ giúp.
Cả nhà lo ma chay cho Bố xong xuôi, tôi lại giúp Mẹ thu dọn tiếp. Tôi nhớ mãi cái bóng ‘’Happy Birthday‘’ tôi đem ra sau vườn thả bay đi, bóng cứ bay cao mãi đến tận đỉnh trời, tôi đứng nhìn theo gần nửa tiếng đồng hồ. Đưa tiễn Bố mãi đến lúc không còn thấy bóng dáng quả bóng nữa, tôi mới quay trở vào.
Mẹ tôi vẫn lầm-lì dọn, và dọn, và dọn. Những đồ-đạc của Bố, Mẹ giữ lại một ít làm kỷ-niệm (tôi cũng thế, sau này tôi vẫn còn mặc mấy cái áo len của Bố), còn lại đem cho, đem vất hay đem đốt. Mẹ tôi cũng quyết định dọn ra ở với bác và cô tôi, để ba chị em chung sống với nhau cho có bạn. Anh rể tôi là chủ căn nhà bố mẹ tôi hằng ở, có ngỏ ý mời Mẹ cứ ở lại, nhưng Mẹ làm sao có thể sống một mình trong căn nhà mang nặng bao nhiêu kỷ-niệm với Bố ?

Dọn nhà xong, mọi công việc cũng đã ổn định, có lẽ bây giờ mẹ mới phải đương-đầu với cái mất mát lớn lao nhất trong đời.
Người đi thì đã đi rồi, nhưng người ở lại mới thật là hụt-hẫng, cô-quạnh.
Tôi thương xót Mẹ quá, trong lòng không nỡ ra về nhưng con đường của Mẹ phải đi, chỉ có Mẹ mới đi được, không ai có thể thay thế.

Tôi lại nghĩ đến Bố. Mấy năm trước, trong một lần tôi sang thăm gia-đình, Bố tôi đã quần áo chỉnh tề, mặc vét-tông, thắt cà-vạt, chải tóc kỹ lưỡng để tôi chụp ‘’portrait’’ cho Bố. Bố nói để sau này còn có ảnh của bố để trên bàn thờ. Hôm đó, tôi phải chụp đi, chụp lại mấy lần vì tay tôi sao run quá.
Tôi là trưởng-nam trong gia-đình, lại là cháu đích-tôn nữa, nhưng tôi xa nhà từ thuở mười tám tuổi và vẫn còn xa nhà đến bây giờ, nên tôi chưa làm được gì giúp đỡ gia-đình cả. Bao nhiêu phận-sự của tôi đều đương nhiên truyền lại cho chị em tôi, việc này đã làm tôi buồn và ân-hận nhiều lắm. May mà lần này, trong những ngày cuối của Bố, tôi còn có cơ-hội sang hầu hạ Bố, phụ giúp Mẹ đôi chút nên lương tâm cũng đỡ cắn rứt.

Trên phi-cơ trở về New jersey, tôi đã bắt đầu viết bài này nhưng chỉ viết được mươi hàng, tôi đã phải đóng quyển vở lại vì cảm-xúc còn quá mạnh.
Mãi đến hôm nay, năm năm sau, tôi mới có can-đảm viết nốt.

Xin kính dâng Bố Mẹ, như lời tạ tội của đứa con bất-hiếu, như một lời tỏ tình đến trễ với Bố Mẹ mà con kính yêu. Lại một lần nữa, nước mắt chỉ chảy xuôi.


Yên Hà, ngày mồng 9, tháng 2, năm 2011

Tái Bút : Tôi đã chọn bút hiệu là Yên Hà vì mẹ tôi sinh trưởng ở Hưng Yên và bố tôi là người Hà-Nội (như tôi), đồng thời tâm nguyện tôi là có ngày được nhìn lại đất nước an bình.

1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.