UA-83376712-1

Labels

Nov 24, 2011

Cuối mùa thu cuộc đời


Tôi mới tròn đôi mươi… lần thứ ba.
Trên đường đi xuống, chơi vơi giữa mùa thu cuộc đời, nắng đã nhạt, hoa đã tàn, lá đã úa vàng, tôi bỗng gai gai lạnh mà ngọn nến trên cái bánh sinh-nhật thì lại heo hắt quá.
Trên đường đi xuống, trời đã xế chiều, nhá nhem tối. Tôi thổi tắt cái nến. Mọi người vỗ tay và tôi bắt đầu cắt bánh. Happy Big Six Birthday!

Chết chửa, tôi đã vào tuổi “Thọ” rồi ư ?
Chả biết cái ông Thời-Gian có ăn gian, ăn chặn gì của tôi không, chứ mới đây tôi còn đang đi học mà ?
Tôi mới vừa sang Canada tham dự buổi họp mặt (reunion) với các bạn học cùng khóa trường trung-học ở Sài-Gòn cơ mà ?

Tuổi thanh-xuân tôi đâu ?


Mùa Xuân cuộc đời sao tươi mát lạ lùng. Cây đã cắm rễ, thân đã ra cành, cành đã ra lá và nụ đã chớm nở, sức sống tràn đầy. Tuổi thơ, tuổi học trò, tuổi hồn nhiên, vô tư lự, vô trách-nhiệm. Có gì đâu phải lo lắng, có ai đâu phải chăm sóc ? Chỉ biết ăn, ngủ, rong chơi và… học. Học chút vốn để sau này “vào đời”. 
Nhà trường và thầy cô đã dậy tôi những gì cần để thành Tài, còn bố mẹ, gia-đình đã dậy tôi những gì phải làm để thành Nhân.

Tôi vốn xa nhà năm mười-tám nên tôi đã phải tự học nhiều, tôi đã không được học “dưới sự bảo hộ” của bố mẹ như chị em tôi và có lẽ tôi cũng đã học một cách khác, những điều khác, trong những hoàn cảnh khác.
Oái ăm thay, thằng con trai tôi cũng đã phải xa bố năm nó mười tám tuổi, khi tôi lấy vợ lần thứ hai và dọn sang Mỹ định cư. Số tôi phải sống xa gia đình (
lúc còn sống, bố tôi vẫn thường nói vậy) và trên phương diện này, tôi đã mất mát nhiều, có lẽ đây cũng là niềm mất mát lớn nhất trong đời.

Nhưng cái tuổi này đôi khi cũng vô ý thức lắm. Nhiều khi nghĩ lại, bố mẹ, gia-đình tôi đã hy-sinh biết bao nhiêu để cho tôi được đi du-học nhưng hình như tôi không mấy hiểu, cho đến khi nhà tôi không còn khả năng gửi tiền sang nuôi tôi ăn học, tôi phải tự đi kiếm tiền, vừa làm, vừa học, lúc đó tôi mới thức tỉnh. Giá như tôi đã hiểu sớm được, có lẽ tôi cũng không muốn đi làm gì, nhưng tuổi trẻ làm gì biết suy-nghĩ như thế ?
Mỗi một bài học ở trường Đời đều có giá phải trả, đắt hay rẻ, tùy theo người học, tùy theo tình cảnh hay người dậy, nhưng không có bài học nào miễn phí cả (phải chi ông Trời cũng cấp học bổng cho đi tu học trường Đời thì tôi ghi danh ngay).


Nghĩ cho cùng, tôi còn có được một tuổi trẻ êm đềm và tôi chợt thương xót đến những đứa trẻ bất-hạnh đã bị đời cướp mất tuổi thơ vì hoàn-cảnh gia-đình, xã-hội, đất nước…, đã bị ném vào đời quá sớm, bất đắc dĩ trở thành người lớn để sống xót. Đất nước tôi biết bao nhiêu những đứa “trẻ-người lớn” này…


Chim đã đủ lông, đủ cánh rồi thì cũng phải rời tổ, phải tự lo liệu. Trời đã vào Hạ và đứa trẻ (người thiếu-niên) phải thực tập những bài học vỡ-lòng để lăn vào đời, để trở thành “người nhớn”.
Nếu mùa Xuân là mùa rong chơi thì mùa Hạ này phải là mùa bôn-ba kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia-đình. Tuổi này là tuổi thực-hiện, tuổi tranh-đua với đời, chạy theo Tài, đuổi theo Danh, để cho con ăn học, để mua nhà, sắm xe, để có được một đời sống vật-chất thoải-mái, nhưng cũng để chứng-tỏ gì với người, với đời, chứng tỏ gì với chính mình ?

Mấu-chốt cái tuổi này có lẽ nằm trong hai chữ “trách-nhiệm”. Trách-nhiệm đối với bản-thân mình, với vợ (chồng) con, gia-đình, thân-hữu, đối với xếp lớn, xếp nhỏ, đối với xã-hội chung quanh, trách-nhiệm đối với luật-pháp và những cơ-quan hữu-trách… Lúc nào cũng là trách-nhiệm, lúc nào cũng là lựa-chọn. Phải rồi, làm người lớn thì phải lựa chọn, phải quyết-định cho chính mình, cho những người mình có trách-nhiệm. Bởi vì không ai có thể sống cuộc sống của tôi, không ai có thể quyết-định thay tôi, bởi vì không ai có thể lãnh trách-nhiệm của tôi thay tôi. Cho nên, đôi khi tôi cũng hiểu những người không muốn lãnh trách-nhiệm làm chồng (vợ), làm cha (mẹ) nên lựa chọn không lập gia-đình, những người không thích làm “xếp” để khỏi phải quyết-định gì. (Đây chỉ là sự lựa chọn của mỗi người, không có gì
để phê-bình.)
Cho nên Tự-Do không phải chỉ là một quyền-lợi mà còn là một Trách-Nhiệm, vì hai thực-thể này bao giờ cũng đi đôi.
Có lẽ sống ở đời, khó nhất là dung-hoà hai chuyện : sống cho mình và sống với người.

Rồi trời bắt đầu chuyển vào Thu. Cái mà người ta gọi là « middle age crisis » hay « crise de la quarantaine » (tiếng Việt thì thật tình tôi không biết gọi là gì?) cũng đã đến viếng thăm tôi. Tâm-tư nặng chĩu những câu hỏi mà trước giờ tôi chưa hề có. Tôi đã cố gắng học ra được bằng kỹ-sư, đi làm, công việc vững tốt, và được thăng cấp đều đặn. Tôi đã lấy vợ, có con, tôi có gia-đình, bạn bè thân thuộc, tôi đủ ăn, đủ sống… Đời tôi còn thiếu gì đây ?   Ý nghĩa của cuộc sống là gì ?
Tôi lại đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi chưa hề đặt, đi tìm bài giải cho những phương trình hóc búa.
Rồi vợ chồng tôi lủng củng, rồi chúng tôi ly dị, lúc đó con trai tôi mới tám tuổi.
Bố mẹ làm, con chịu, Bố đành xin lỗi con vậy.

Ngoài đời thì lúc đó, tôi làm cho một hãng lớn lắm, khoảng hai mươi ngàn nhân-viên, tôi làm tại trụ sở chính, cùng tầng lầu với ông Tổng-Giám Đốc vì xếp lớn tôi là người thân cận của ông. Từ mấy tầng lầu đó, tôi bắt đầu học và hiểu những hành-lang của quyền-thế, nhìn sâu vào lòng dạ con người khi muốn “lên lon”, với những thủ-đoạn không thua gì các quan lại trong những triều-đình vua chúa thưở xưa. Hóa ra, ở đâu cũng thế, ở thời-đại nào cũng vậy thôi. Trong chính phủ, trong những công-ty, trong mọi cộng đồng, thậm chí trong gia-đình, nơi nào có dính líu đến quyền-thế, đến tiền bạc, là có sân-khấu cho những màn tranh giành. Mà tôi thì “hiền” quá, ngây-thơ quá, làm sao tôi có thể dẫm lên chân, leo lên đầu người khác để tiến thân ? (Nói như vậy, không có nghĩa là những người làm lớn đều như vậy nhé, tôi chỉ biết nói lên những gì tôi đã nghe, đã thấy, đã sống chứ không dám vơ đũa cả nắm đâu).
Chán ngán những cảnh ấy, tôi quyết-định ra làm riêng và từ đó, trong tư-thế một người cố-vấn, đứng ngoài vòng ảnh-hưởng của quyền-thế, tôi được đem hết tài-năng mình ra giúp những người đứng bên trong. Dĩ nhiên, đây không phải là một quyết-định dễ làm, vì biết đâu tôi lại thả mồi, bắt bóng ? Có gì có thể bảo đảm cho tương-lai tôi ? Nhưng thôi, tôi muốn chuộc lại linh-hồn mình đã đem đi cầm, cứ xem như tôi đi mua tự-do cho chính mình. Mua giá rẻ, giá đắt, giá nào thì cũng phải trả thôi.
Thế là trong vòng mấy tháng, tôi vừa lo thủ-tục ly-dị, vừa lo dọn nhà, vừa lo thủ-tục làm riêng và lo đi kiếm khách, cái điều khó nhất trong tất cả mọi việc phải làm khi mình phải đơn-thân, độc-mã. Từ đó, tôi phải tập tự lo lấy hết, đánh máy, lo giấy tờ kế-toán, trả thuế, đi bỏ thơ, tôi đã phải học mò để sửa chữa qua loa máy vi-tính và những máy móc khác… Phải công nhận tôi đã học hỏi được nhiều trong giai-đoạn này, cũng như xa nhà từ năm mười tám tuổi, tôi cũng đã học được bao nhiêu việc như nấu ăn, giặt giũ, là ủi, khâu vá, những công việc mà trước đó, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ làm đến.
Rồi đến tuổi năm mươi, tôi trở về nguồn, trở về với chính mình. Tôi tìm đến được giòng suối mát (Thanh Tuyền), rồi một lần nữa, tôi lại khăn gói lên đường, để lại đằng sau hơn một mùa hạ cuộc đời. Một lần nữa, tôi lại hiểu là Đời chỉ toàn là những sự lựa-chọn, mà lựa-chọn thì thật dễ nơi những gì mình có được, lựa-chọn chỉ khó nơi những gì mình phải mất. Không có lựa-chọn nào là miễn phí cả.


Lại một mùa thu đến. Lá trên cành lại ửng vàng, ửng đỏ, lại rơi lả tả, lại bay xào xạc trong gió. Mỗi chiếc lá là một kỷ-niệm, dẫu có buồn, dẫu có vui, cũng chỉ còn là kỷ-niệm. Trong quyển an-bom cuộc đời, những tấm ảnh mùa xuân cũng đã bắt đầu phai mầu và tóc tôi đã bạc nhiều.

Trên con đường đời, từ Hà-Nội đến Woodstown, tôi đã đi, tôi đã đi mãi, tôi đã đi miệt mài, hại bao nhiêu đôi giầy, hư bao nhiêu đôi dép, chân đã mỏi, vai đã mệt, nhưng lòng vẫn còn tự hỏi con đường này có đúng hay không ?

Mùa thu này cũng đã vào cuối thu rồi, chưa sang đông đâu (sáu mươi tuổi đâu đã được về hưu, đâu đã được thẻ “senior”, đâu đã bị gọi là “cụ” ?) nhưng đã vào cuối Thu, tôi không thể không nghĩ đến mùa Đông. Nhìn mùa Đông của Mẹ, Bác, Cô tôi (những chiến-lũy cuối cùng giữa tôi và mùa đông), tôi càng hiểu Bố Mẹ tôi, càng hiểu ý-nghĩa cuộc đời và tôi càng thương yêu Bố Mẹ, gia-đình hơn nữa. 


Trời đã vào cuối Thu, hãy cứ vui chơi cuộc đời.
Chiều mai, gió đông về…

Yên Hà
Tháng chín, 2011

Không phải em-Chuyện thường tình thế thôi


Please on the link   http://youtu.be/i24RCSftO50

and enjoy.

Vết thương cuối cùng-Thanh Tuyền


Please on the link   http://youtu.be/cE5_6ZVsvlk

and enjoy.

Oct 30, 2011

Con đường âm-nhạc tôi đi (1) - Thuỵ Uyên


Tôi sinh-trưởng và lớn lên trong một gia-đình có thể gọi là nghệ-sĩ.
Lúc còn trẻ, ở ngoài Bắc, Bố rất thích thổi sáo. Tôi tiếc mãi không còn giữ được tấm hình Bố mặc quần tắm, chụp đứng bên cạnh bờ suối êm ả, trên môi ngậm ống sáo. Hỏi lúc ấy, Bố đang thổi bài gì thế, Bố trả lời : " Chỉ là một âm-điệu Bố thổi theo nguồn cảm-hứng thôi con ạ, không là một bài nhạc gì cả. "
Mẹ tôi, tuy không thể gọi là một ca-sĩ, nhưng Mẹ hay thường cùng với một nhóm ca nhạc-sĩ khác trong làng, tham-gia phần văn-nghệ trong những buổi tiệc hội hè, và thỉnh thoảng hát cho đài phát-thanh.
Người em gái của Mẹ, dì Minh Đỗ, là một danh-ca thời ấy. Dì đi hát thường xuyên và thâu-thanh trong những chương-trình ca-nhạc trên đài phát-thanh Hà-Nội. Một lần nữa, tôi lại tiếc nuối mãi đã đánh mất đi một đĩa hát của Dì, nhưng nhớ mãi giọng hát thánh thót, trong vắt qua những bài Ru Con, Qua cầu gió bay, Trống cơm, v.v…

Vào trong Nam chưa được bao lâu thì tôi ra đời. Bố đeo đuổi ngành điện-ảnh Bố hằng mơ ước. Nhà tuy nghèo, ngoài lo cho các con theo học chữ, Bố Mẹ không ngại khổ cực lo cho chúng tôi lần lượt theo học nhạc tại trường Quốc-Gia Âm-Nhạc.
Người anh cả, anh Châu Nhi, học trung-hồ-cầm (violoncelle), và sau đó, chuyển sang nhạc trẻ thời bấy giờ, trở thành tay lead guitar, cùng với một số nhạc-sĩ khác đi trình-diễn khắp nơi trong nước.
Người anh thứ nhì, anh Châu Bào, tốt-nghiệp dương-cầm, đỗ cao, được chính-phủ Mỹ cấp học bổng đi du-học nước ngoài.
Người chị kế, chị Thanh Xâm, cũng theo học và tốt-nghiệp dương-cầm.
Kế tiếp là chị Thanh Vân, theo gót anh Bào và chị Xâm, cũng tốt nghiệp dương-cầm.
Hiện nay, chị là người bạn đời yêu quí của nhạc-sĩ Ngô Thụy Miên.

Rồi đến tôi. Nghe mãi anh Bào, chị Xâm và chị Vân thay phiên nhau tập những bài nhạc của Chopin, Mozart, Beethoven, tôi đã thuộc lòng những bài này như cháo. Tôi thiết nghĩ, đến lượt tôi, chắc Bố cũng muốn tôi theo học dương-cầm.
Nhưng khi Bố bảo tôi : " Để đổi khác đi tí, con học vĩ-cầm nhé ? "
Tôi chưa biết vĩ-cầm là gì, nhưng mặc, dương-cầm hay vĩ-cầm, tôi chưa muốn học. Tôi không nhớ rõ các anh chị tôi đã phải theo học nhạc năm nào, nhưng tôi thì lúc ấy mới lên 7, miệng còn hôi sữa, tay còn mải ôm con búp bê chột mắt và chơi với nó suốt ngày, tôi lắc đầu quầy quậy. Viết đến đây, Aigoo ! (nhái tiếng Đại-Hàn), tôi nhăn nhăn mặt, mường-tượng đến những trận đòn Bố quất ê cả mông.
Và rồi tôi cũng phải học nhạc. Hai năm đầu, trước khi được nhận vào trường, Bố chịu khó chở tôi mỗi tuần đến nhà Thầy Nguyễn Khắc Cung học riêng trước. Eo ôi, sao mà kẹp cây đàn vĩ-cầm vào cổ, khó và khổ cực thế ! Cần cổ cứ thế mà đỏ ửng lên, da cổ chỗ ấy chai đen lại, trông xấu quá. Ở nhà tập đàn, kéo ỉ o không ra tiếng được, thật nản vô cùng.

Năm tôi lên 9, khi tôi thi đậu vào trường, các thầy cho tôi nhẩy lớp Đệ Nhất, vào ngay lớp Đệ Nhị. Năm sau, thay vì vào Đệ Tam và sau đó Đệ Tứ, tôi nhẩy thẳng vào Sơ-Đẳng, rồi Trung-Đẳng, rồi Cao-Đẳng. Trong suốt 4 năm này, một tuần 3 lần, tôi học nhạc-lý, nhạc-sử và môn chính là vĩ-cầm với Thầy Cung. Ngoài ra, một tháng một lần, tôi học trau-dồi thêm với thầy Phiệt.
Và, liên tục trong 4 năm, cứ đến cuối năm vào mùa thi, tôi lại sốt nặng. Bố Mẹ thật lo, cứ chuẩn bị sẵn thuốc men cho tôi uống trước khi đi. Các Thầy quen đến nỗi, khi Bố Mẹ chở tôi đến trường thi, họ đã hỏi Bố Mẹ "Tuyền nó lại lên cơn sốt không ?" và luôn luôn câu trả lời là « Có ».


Năm cuối cùng đi thi, tuổi vừa tròn 13, tôi sốt nặng hơn tất cả 3 năm trước. Tôi nhớ mãi, đứng trên sân khấu trả bài những bài thi vĩ-cầm, mồ hôi tôi vã ra như tắm, mặt đỏ ửng lên vì cơn sốt. Vào lớp thi nhạc-lý và nhạc-sử, các thầy bắt tôi ngồi riêng ở cuối lớp, xa hẳn các thí-sinh khác, sợ họ lây tôi.


Tôi tốt-nghiệp trường nhạc, theo học thêm 3 năm hoà-âm, và gia-nhập vào những ban nhạc hoà-tấu nhạc cổ-điển của trường, qua sự điều-khiển của thầy Phụng, thầy Phiệt, thầy Cung và thầy Toàn.




Rồi đến thằng em tôi, nó không chịu học nhạc. Nó út, nên Bố chiều, không bắt ép như các anh chị và tôi. Ấy thế mà bây giờ, khi nghe nó đàn dương-cầm những bài nhạc cổ-điển, tôi không thể nào ngờ là nó đàn giỏi và hay như thế, trong khi nó không bước vào trường nhạc một bước. Nó tự học lấy, tìm tòi trên mạng những sách vở (bây giờ rất khó kiếm để mua). Chưa hết, còn những bài nhạc trong phim bộ Đại-Hàn nữa chứ, chỉ nghe qua trong khi xem phim, nó đã dạo lại mấy bài nhạc đó không sai một nốt. Anh Bào thường hay nói, nếu chịu đi học cẩn thận, nó đã có thể nổi bật và giỏi hơn anh ấy nhiều.
Người cuối cùng trong gia-đình thân-cận nhất của tôi là nam ca-sĩ trẻ Hoàng Nam, đứa con trai lớn của chị Xâm.

Về bên gia-đình họ hàng bên Mẹ, phải kể thêm :
Chị Kim Tước trong ban Tam ca Mộc Lan, Châu Hà và Kim Tước. Mẹ chị Kim Tước là chị ruột của Mẹ tôi.
Anh Đỗ Đình Phương, tay tây-ban-cầm nhạc cổ-điển trứ-danh là anh họ tôi. Ông Ngoại tôi là em ruột ông Nội anh Phương.
Ông Ngoại cũng là anh ruột Ông Nội nam ca-sĩ Mạnh Đình.
Và nhạc sĩ Vũ Thành, tác giả bài hát bất hủ " Giấc mơ hồi hương " là thân-phụ của một cô em họ tôi.
Ngoài ra còn một vài cậu của tôi cũng vang bóng một thời như cậu Thiều và cậu Liêu (Lê Đô) với tiếng kèn clarinette.
Đấy, đại-khái gia-đình nghệ-sĩ của tôi đấy. Thế mà bảo rằng, tôi không có máu nghệ-sĩ trong người làm sao được ? 

Không hiểu sao, tuy theo học đến nơi đến chốn về nhạc cổ-điển tây-phương, tôi lại mê say loại nhạc trẻ thời-trang. Tôi học và ôn bài cho trường chữ ở nhà, mà lúc nào cũng kè kè bên cạnh chiếc radio nhỏ xíu để nghe nhạc. Có lẽ vì theo học trường tây, ảnh-hưởng lớn nhất với tôi lúc bấy giờ là nhạc Pháp. Những bài hát của Hervé, Christophe, Adamo, Enrico Macias, Sylvie, Françoise, France Gall, v.v. tôi thuộc từng lời từng nốt một.
Danh-ca thần-tượng số một của tôi là Hervé Vilard với bài J’ai Envie.
Một dạo ở Saigon, tôi nhớ có đọc thoang thoáng ở đâu rằng Hervé tự-tử. Tin vịt hay tin thật, không cần biết, tôi chỉ biết tôi đã khóc sướt mướt, còn viết một lá thơ đến fans club của Hervé để than thở.
Rồi phong-trào nhạc Anh tràn đến với âm-điệu mới mẻ của The Beatles, Rolling Stones, giọng hát trầm ấm của Cliff Richard qua tiếng đàn Fender ngọt ngào của The Shadows, ôi chao ! Mê thì thôi !
Tôi tốn bao nhiêu tiền xem đi xem lại phim Pop Gear và Just For You, chỉ để nghe The Animals hát bài The House of the rising sun và Don't let me be misunderstood, ngắm khuôn mặt dễ thương của Peter Noone của Herman's Hermits với chiếc răng khểnh.
Rồi đến phim Woodstock, tôi lại tốn thêm một số tiền nữa, xem không biết bao nhiêu lần.
Mê nhất là Joe Cocker với bài With a little help from my friend, Santana với Soul Sacrifice, The Who với Feel me, và chính bài Woodstock qua sự trình-diễn của Crosby, Stills, Nash and Young.

Thụy Uyên, tháng 10, 2011
(xin đón đọc Phần 2)

Still got the blues-Thanh Tuyền


Please on the link   http://youtu.be/u34BDEnuFTo

and enjoy.

Et si tu n'existais pas - Thanh Tuyền


Please on the link   http://youtu.be/bsNI12FJuDM

and enjoy.

Oct 25, 2011

Cô Tim và Nhà May Mắn

Ngày 16 tháng 10 vừa qua, chúng tôi có được may mắn chơi nhạc cho một buổi họp mặt gây quỹ cho Nhà May Mắn và còn có nhân-duyên gặp được cô Tim.
Cô Tim và Nhà May Mắn thì ai cũng biết qua nhưng hôm đó, gặp cô tận mắt, nghe cô nói chuyện, kể chuyện bằng một tiếng Việt thật chính xác và mạch lạc, tôi lại càng kính phục và ngưỡng mộ cô hơn nữa.

Cô gái Thụy-Sĩ Aline Rebeaud sinh-trưởng trong một gia-đình khá giả, sang chơi một nước nghèo nàn như Việt-Nam chúng ta năm cô hai mươi tuổi, và đột nhiên cả cuộc đời cô biến đổi.
Duyên-phận nào đã khiến cô dừng bước nơi này để, từ mười chín năm nay, dâng-hiến cả cuộc đời cho những người thiếu may mắn trên mảnh đất nghèo khó này ?


Từ một căn nhà lá cô thuê để đón về nuôi một đứa trẻ mà cô đã "cứu sống" từ một bệnh-viện nào ở Sài-Gòn, sau đó trở thành 
Nhà May Mắn (hiện là nơi sinh sống của năm mươi đứa trẻ), cô đã tiếp tục mở thêm Trung-Tâm Chắp Cánh để dậy nghề (hội họa, mỹ nghệ, vi-tính, may thêu) cho những người khuyết-tật, cho đến Làng May Mắn gồm khoảng 40 căn hộ dành cho người khuyết-tật và gia-đình họ, cho mướn với giá rẻ, không nói đến những công-trình khác (xin đọc thêm trên mạng http://www.maison-chance.org).
Trên đời này, có mấy ai gầy-dựng được kỳ công này ? Có mấy ai có đủ một tấm lòng nhân-ái cao-thượng, một hoài-bảo và một tầm nhìn sâu rộng, một tài lãnh-đạo để vận-động và điều hành nhân-lực và tài-nguyên, cũng như một nghị-lực phi thường để vượt qua mọi chông gai, thử thách như vậy ? Tôi lại nghĩ đến những vị siêu-nhân như Mère Thérésa.

Trong chương trình hôm đó còn có sự cộng tác của một người Úc, John Smallwood, một tay đua xe đạp kỳ cựu đã quyên góp cho Nhà May Mắn qua một chuyến đạp xe xuyên Mỹ từ Seattle, WA đến Washington DC. Ông cũng đã bắt đầu việc quyên tiền này từ năm 2009 khi ông về hưu. 



Trong bao nhiêu niềm bất-hạnh, nước Việt-Nam tôi còn may mắn gặp được những người như cô Tim, ông John và bao nhiêu ủng-hộ viên khác, trong nước cũng như ngoài nước. 
Tôi cũng muốn nhắc đến các anh chị đầy nhiệt-tâm tham gia vào Maison Chance cũng như những tổ-chức từ-thiện khác, khắp nơi trên thế-giới.


Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói “Tình người là một nhu-cầu thiết-yếu của nhân-loại, không phải là một hàng xa xí phẩm”. Và chuyện cô Tim đã chứng-minh mạnh mẽ ý-nghĩa câu nói này. Có người đã gọi cô là vị Bồ-Tát sống của trẻ em Việt-Nam, có lẽ cũng không quá đáng. 
Riêng đối với tôi, cô Tim đã là một vị "Đại Anh Hùng". 

 "… Chúng ta hãy đưa tay ra nâng đỡ cho các người kém may mắn không thể đi được, dắt họ, giúp họ để tập họ đi và sau đó từ từ thả tay ra cho họ tự đi một mình..."

Câu nói này của cô Tim, tôi xin được ghi nhớ.









Tháng 10, 2011

Jul 5, 2011

Người thợ làm vườn


Xin cho tôi
là người thợ làm vườn
cho tôi được ngày đêm
chăm sóc vườn Ngự-Uyển,
khu vườn đời của Người

để tôi được vun trồng
hoa thơm, cỏ mượt
cây mát, quả ngon
bằng những ý tưởng mới lạ
những hình ảnh vui tươi
những tình cảm mặn nồng

để tôi được tưới tẩm
cỏ cây hoa lá
bằng ánh mắt hiền hoà
những nụ cười trìu mến
những nụ hôn nồng nàn
những lời yêu đương tình tứ

Ban cho tôi
tâm hồn Ngư
i thanh thản
giọng hát Người pha-lê
tiếng cười Người thủy tinh
nh
ng chui ngày đm ấm
vì hạnh phúc Người
sẽ là hạnh phúc tôi

Và khi tôi trở về với cát bụi
xin thân xác tôi rã rời
cho vườn Người thêm mầu mỡ
xin linh hồn tôi phảng phất
trông nom vườn Người yên tịnh

Hoàng-Hậu của tôi ơi
cuộc đời này xin hiến trọn …

Yên Hà

tháng 7, 2011

Sao vẫn còn mùa thu - NTM (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/dqlvTfhOj4M

and enjoy.

Không phải em (TNPhú)


Please on the link   http://youtu.be/57hYK8nUnmg

and enjoy.

Jun 6, 2011

Bố Mậu


- “Bố Mậu ơi, bàn ăn đã sẵn sàng rồi, xin mời Bố nhập tiệc…”

Biết Bố Mậu (tôi gọi như vậy cho thân mật hơn là gọi bố vợ) thích ăn cơm Tây và uống rượu vang nên tôi đã quyết định đem hết “tài nghệ” thu thập bên Pháp từ bao nhiêu năm nay để đãi Bố Mậu một bữa.
Từ hôm qua, tôi đã bắt đầu nấu món tủ của mình là “pot-au-feu”, hôm nay thì đã thơm phức khắp nhà rồi. Tôi thích món này vì là một món thuấn túy rất đầy đủ (repas complet), có nước súp, có rau, có thịt, không cần phải món phụ gì cả; mùa đông lạnh lẽo mà thưởng thức món này lại càng tuyệt. Còn về rượu thì tôi đã chọn vùng Bourgogne để đưa Bố Mậu đi tham quan. 

Trước khi nhập tiệc, « Apéritif » là một giai-đoạn chuyển-tiếp quan-trọng để chuẩn bị cho các giác-quan nghênh-đón bữa tiệc, như một lời mời, như lễ rước dâu trước tiệc cưới và động phòng… ăn. Để khai vị uống, tôi đã mở một chai Crémant de Bourgogne là một loại rượu có « bong bóng » như Champagne để đánh thức lưỡi và vòm miệng (tôi rất kỵ rượu mạnh như whisky vì độ cồn quá mạnh làm miệng lưỡi mất đi cảm giác). Để khai vị ăn (người Pháp còn gọi là « amuse-bouche = đùa vui cái miệng »), tôi đã bỏ lò một tá hàu (huître/oyster) rưới chút Crémant (gạch nối giữa khai-vị ăn và khai-vị uống), sau đó lấy ra, để nguội chút, ăn âm-ấm để tránh sự chênh lệch « nóng-lạnh » với Crémant. (Ngoài ra, đồ nhậu Việt-Nam tuy hợp-khẩu dân nhậu, nhưng mắm muối nặng mùi quá, không thích-hợp với rượu Tây).

Món Pot-au-feu này, tôi đem ra từng đợt để uống rượu một cách thứ-tự, từ rượu nhẹ tươi mát đến loại già và mạnh. Vào bàn tiệc, bắt đầu là nước súp và tủy xương bò (đặt trên bánh mì nướng), tôi đổi ly (để rượu khỏi bị pha lẫn mùi) và rót chút Mâcon đỏ (rượu tương đối nhẹ vùng Mâconnais, phía Nam Bourgogne) còn tuổi dậy-thì.
   - Nước súp này, con nấu ngon quá, đủ mùi vị thịt - bò, gà, vịt - lại thơm bao nhiêu loại rau cải, nhất là đi kèm tí rượu đỏ thật là tuyệt; con múc thêm cho Bố một đĩa nhé ? 
Bố Mậu vừa nói, vừa xuýt xoa.

Ăn súp xong, tôi mời Bố Mậu “faire chabrot”. Đây là một phong tục rất xưa, vẫn còn thịnh hành trong những làng mạc bên Pháp : còn lại tí súp trong đĩa, người ta đổ thêm vào chút rượu đỏ rồi húp cạn, nước súp pha với rượu tạo nên hương vị thật đặc biệt, vừa khỏi phí, vừa sạch điã. (Lúc nào có dịp, các bạn cứ thử xem sao ?)
Sau đó, tôi múc ra đĩa phần thịt vịt - gà và rau cải. Tôi lại đổi ly và mở một chai Mercurey 2006, vùng Côte Chalonnaise (phía Bắc Mâconnais) nhưng mạnh và giữ được lâu hơn.
Sau cùng đến lượt thịt bò và đuôi bò, ăn chấm với chút muối hột hay moutarde de Dijon (Măng Mậu cứ đòi chấm nước mắm ớt nhưng tôi không cho). Đến đây, dĩ nhiên là phải khui một chai ngon nhất và « già » ; tôi chọn chai Fixin 1998, vùng Côte de Nuits (cùng với Côte de Beaune là hai vùng ngon nhất Bourgogne).
Chúng tôi vừa ăn, vừa uống, vừa nói chuyện… rượu :
   - Uống rượu cùng « lò » mà uống từ « nhẹ » lên « nặng » hay quá, con nhỉ ? Cái hương vị đặc biệt của Bourgogne (phần lớn làm với nho Pinot Noir) mỗi lúc mỗi phát hiện ra, thật là thú vị. Bố Mậu đã ngà ngà nhưng đôi mắt long lanh niềm vui sướng.

Bố Mậu cũng rất thích phó-mát (thích uống rượu vang mà !). May sao, Trader Joe's gần nhà lần này lại có nhập cảng Epoisses, một loạt phó-mát rất đặc biệt vùng Bourgogne, rất là nặng mùi (tiếng Mỹ phải dịch là “stinky”).
Đến đây, tôi phá lệ, không mời rượu vang nữa mà chuyển sang “Marc de Bourgogne” là một loại rượu mạnh như cognac. Sự lựa chọn này không phải là vô-lý vì phó-mát rất nặng mùi thì phải “lấy độc trị độc”, ngoài ra, cách làm phó-mát này có dùng đến Marc de Bourgogne và lý do cuối cùng là chúng tôi cũng đến cuối bữa ăn rồi.
Cũng may là dân nhậu thường không hảo ngọt mà cũng ít ăn trái cây nên chúng tôi miễn phần tráng miệng và tôi đỡ bị “chiếu bí” chứ rượu Bourgogne để uống với mấy thứ này thì tôi chỉ có nước đầu hàng.

Ăn phó-mát xong, chúng tôi kết-liễu bữa ăn bằng một tách cà
-phê nóng, pha đậm và thơm.
Bố Mậu còn pha chút Marc vào cà-phê để phối-hợp mùi vị. Sau đó, tiếp-tục hâm nóng trong tay ly rượu mạnh, Bố Mậu móc túi, lôi ra một ống điếu làm bằng rễ thạch-thảo (pipe en bois de bruyère), vừa đùa, vừa ngâm nga : 
   - “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo…” 
và bắt đầu nhồi thuốc Half and Half là một hiệu thuốc lá rất thơm mà lúc trước, thuở sinh viên, tôi cũng đã từng hút. Tôi bỏ thuốc lá lâu lắm rồi nhưng thấy Bố Mậu đang hứng, tôi cũng chạy lên nhà kho, lục trong mấy thùng đồ đạc cũ, đem cái ống pipe của mình xuống, hút chung với Bố Mậu cho vui.
Bố Mậu chợt hỏi :

   -  Xe mới thì phải có « rodage », ống điếu mới cũng vậy. Con đã có hút thì con có biết làm như thế nào không ?
   Lúc mới mua ống điếu, con học được là phải châm thuốc từng đợt một, lần đầu nhồi ít thuốc, cao khoảng năm ly rồi hút cho hết, sau đó nhồi mười ly…, cứ như vậy cho đến lúc nhồi tối đa, nhưng không bao giờ nhồi đầy ống. Có đúng không Bố ?
   -  Đúng vậy ! Nghề chơi cũng lắm công phu, con nhỉ ? Bố thật là cao hứng lắm.

Một tay rượu, một tay thuốc, Bố Mậu lim dim, thả hồn theo khói thuốc cùng hơi rượu.
Tôi lặng lẽ ngồi nhìn, vui sướng. Có lẽ Bố Mậu đang ngược giòng thời gian, trở về thời kỳ vàng son và những kỷ niệm đẹp. Quả nhiên, được một lúc, Bố bỗng cất tiếng và bắt đầu tâm sự với tôi. Quãng đời Bố Mậu phong phú quá, kể sao cho hết, Bố nói hết chuyện này đến chuyện nọ, nói một cách chậm rãi như nói với chính mình, như tự ôn lại những trang sách đời mình.

Bố nói về điện-ảnh, sự đam mê trong đời mà Bố đã cố gắng đeo đuổi để trở thành một nam tài-tử nổi tiếng. Trong ngành này, thần-tượng của Bố là Charlie Chaplin và Marlon Brando (có lẽ vì vậy, Bố thích lái mô-tô, có lần ngã xe, trặc cả vai). Bố nhắc đến các đạo-diễn phim như Lê Hoàng Hoa, Hoàng Vĩnh Lộc (đạo-diễn kiêm tài tử) cũng như các tài-tử thời đó như Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Trần Quang…
Bố kể lại trong phim « Heaven and Earth », Bố đóng vai ông thầy tu nên đã phải “hy sinh” mái tóc bạc tiêu biểu, may mà tóc cạo đi thì mọc trở lại, chứ nếu không thì không có phim đó với Bố rồi.
Và cũng chính mái tóc bạc này đã cứu Bố Mậu và gia-đình ngày 30 tháng 4, năm 1975. Ngày đó, cũng như biết bao gia đình khác, Bố Mậu lái chiếc xe Fiat 600 bé xíu, chạy khắp Sài-Gòn, tìm đường thoát thân. Đến trước Toà Đại-Sứ Mỹ, cửa ra vào đã khóa trái, với lính Quân-Cảnh Mỹ bảo-vệ bên trong. Tình hình đang lúc tuyệt vọng bỗng đâu, từ bên trong, có một ông nhận ra được Bố và gọi lớn : « Ông Đoàn Châu Mậu ơi, vào đây nhanh lên, tôi xin cho gia-đình ông vào rồi. » Chắc là thiên thần bảo mạng của Bố đã hiện xuống để cứu gia-đình Bố đây. Thế là thoát trong đường tơ, kẽ tóc, một cách bất ngờ.
Là tài-tử điện ảnh có chút tiếng tăm, Bố Mậu có dịp giao-thiệp rộng trong mọi giới, chẳng hạn như Bố cũng giao-du thân tình với một số văn-sĩ như Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy… 
Bố cũng thích viết lắch, có dạo Bố cũng viết ra một quyển sách về… tập thể dục (tôi cứ nghĩ phải là loại sách về điện ảnh chứ nhỉ ? nhưng không).
Còn có điều lạ là tôi có vào Internet để tìm hiểu thêm về Bố Mậu nhưng, ngoài trừ những phim bố đóng (filmography), tôi tuyệt nhiên không tìm thấy gì khác. Tại sao vậy ?
Sẵn lúc Bố Mậu đang hứng, tôi bèn « phỏng vấn » ông tài-tử tóc bạc :

   -  Chắc Bố cũng thích nghe nhạc lắm hả Bố ? Bố thích nghe gì ?
   Bố thích nhạc cổ-điển, nhất là nhạc Chopin. Kéo vĩ-cầm thì phải nghe Jascha HEIFETZ, nhưng mà nói chung, nhạc gì hay thì Bố nghe chứ không cứ gì, con à.
  Con đoán là Bố thích và đã đi du-lịch nhiều nơi trên thế-giới lắm rồi, phải không Bố ?
   - Lúc trước thì đi đây, đi đó không dễ như bây giờ nhưng đúng, Bố cũng đã có dịp đi chung quanh Việt-Nam mình như Miến-Điện, Lào, Thái-Lan, cả Trung Quốc nữa và Bố đã được viếng thăm Pháp nên Bố lại càng thích. Lúc trước đi học Trường Bưởi, Bố có học những bài Pháp văn nói về sông Seine, cầu Mirabeau, vườn Lục-Xâm-Bảo (Luxembourg)… nên được đi xem tận mắt, Bố thích lắm. Con ở bên Pháp bao nhiêu năm rồi, chắc là con không thể nào quên được, đúng không, con ?
   - Vâng, có thể nói nước Pháp đã nhiễm vào máu con rồi, không có thuốc gì chữa nổi nữa đâu. Tôi vừa cười, vừa trả lời Bố Mậu.
   Bố có đánh bài không ? Tôi hỏi thêm.
   Có chứ, nhất là bên gia-đình Măng con, ai cũng biết hay mê xoa mạt-chược cả. Bố thích đánh chắn, lúc ở Sài-Gòn, thằng Anh Tú (con ông Lữ Liên) cũng mê lắm, lại nhà đánh với Bố luôn. À, mà con có biết không ? Bố cũng xuýt sui-gia với ông Lữ Liên đó. Số là lúc trước, con trai cả Bố (anh Châu Nhi) và cô Bích Chiêu, tụi nó thích nhau lắm, nhưng rồi không thành. Đúng là số Trời cả.
   - Thế Bố có chơi thể thao không ?
   - Ít thôi, vì Bố cũng không nhiều thời giờ. Bố thích đi bơi và chơi Tennis nhưng Bố thấy tụi chuyên nghiệp tay to, tay bé nên Bố cố gắng chơi cả hai tay : khi banh sang bên phải, Bố đánh tay phải, khi banh sang bên trái, Bố chuyển sang tay trái. 
(À, ra thế, tôi biết ngay mà, người nghệ sĩ thường có một vài thứ « kỳ quặc » đấy, chứ Bố có phải Federer hay Nadal đâu mà sợ tay to, tay bé ?)

Cứ thế, hai bố con tôi ngồi uống rượu, hút thuốc, tán phét với nhau, hết chuyện này sang chuyện nọ, nói mãi không hết... 

… cho đến khi đồng-hồ báo thức chợt reo.

Hoá ra, từ đầu đến cuối, tất cả chỉ là một giấc mơ. Bố Mậu mất năm 2000, tôi chỉ quen con gái « rượu » của ông vào khoảng 2002 thì tôi có bao giờ gặp mặt ông bố vợ mình đâu ? Nhưng không biết tại sao tôi lại rất « thích » ông ? Có lẽ vì tóc tôi cũng bạc (27 tuổi đã bắt đầu bạc rồi), tôi cũng có tâm hồn nghệ-sĩ, tôi cũng thích học hỏi, tìm hiểu mọi vấn-đề trong mọi địa-hạt, tôi cũng thích du-lịch, tôi cũng thích ăn phó-mát, uống rượu vang… ?
Có lẽ vậy.

Ôi tiếc thay ! Ước gì…
Giấc mơ này, xin viết lên để tưởng nhớ Bố Mậu, người bố vợ tri-kỷ chưa được gặp.
Lại thêm một kỷ-niệm chưa hề có. Lại thêm một nuối tiếc trong cuộc đời.
Ôi Bố Mậu !

Yên Hà, tháng sáu, năm 2011

Tous mes copains (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/kDyVZjvZz8c

and enjoy.

Apr 28, 2011

Chiều đông Mạc-Tư-Khoa (TNPhú)


Please on the link   http://youtu.be/BT9IsaTgvVY

and enjoy.

Cho em quên tuổi ngọc (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/_zeXpavz9Yc

and enjoy.

Thiên đàng đã mất


“ Người ơi, người ở đừng về
… người ơi, người ở, em về…”
 


Chiều nay, nằm nhà nghe những bài dân ca Quan Họ (Bắc Ninh) mà lòng tôi thật xao xuyến. 
Những tiếng hát nam nữ réo rắt, với cái giọng Bắc “đặc”, uyển chuyển như len lỏi vào tim gan tôi, lôi cuốn hồn tôi đang rung động, kéo xiết tôi về nơi đâu đâu. Tôi nhắm mắt lại, buông mình theo tiếng nhạc, trôi dạt về miền Bắc-Bộ.
Lại nhớ nhà ư ?
Tôi xa Hà-Nội năm lên ba, khi vừa biết… ngồi bô, kỷ-niệm hoạ hoằn cũng chỉ như quyển an-bum rỗng tuếch, lèo tèo hai, ba tấm ảnh đen trắng đã nhạt mầu.
Về Hà-Nội, tôi chỉ biết nhà tôi thuở trước nằm trên đường Quan Thánh, còn gia-đình bên ngoại ở đường Hàng Vôi, ngoài ra tôi chỉ có những “clichés” lấy trong hình ảnh trên sách báo, hay trong những lời thơ-văn-nhạc : ba mươi sáu phố phường, mười sáu cửa ô,
Hồ Gươm, Hồ Tây, mùi hoa sữa, mùa cốm…
Kỷ niệm chưa có thì nhớ gì bây giờ ? Tại sao hôm nay tôi lại nhớ cồn cào những kỷ-niệm vô ảnh, vô sắc, vô thanh nhưng đậm sâu trong da thịt, trong từng sợi chân lông, trong tận mỗi tế-bào ?
Người ta thường nói khi về già, trí nhớ lang thang, nói trước quên sau, nhưng chuyện đời tám hoánh nào thì lại nhớ vanh vách ? Hay là cái “tám hoánh” này nó nhẩy cả mấy thế-hệ, mấy đời, mấy kiếp ? Hay là tôi đang mượn tạm kỷ-niệm bố mẹ, ông bà, ông cố, bà cố để hâm nóng lại ký ức tôi, nuôi sống lại thâm tâm tôi ?

Tôi lại nhớ Sài-Gòn, nơi tôi đã lớn và sống cả mười mấy năm, nhớ căn nhà nhỏ trong hẻm Cây Điệp, nhớ ngôi trường thân yêu đường Lê Quí Đôn, nhớ rạp xi-nê “Moderne” hay chợ Đakao gần nhà, nhớ những kỷ-niệm đã có...

Cũng có thể. Tôi có để ý dạo sau này, tôi trở về với tiếng mẹ đẻ nhiều hơn, tuy là tiếng Pháp đối với tôi gần như ngôn ngữ chính (tôi học trường Tây từ thuở bé và sau đó đã sống bên Bỉ và Pháp đến ba mươi sáu năm), thậm chí lúc trước, đến ngủ mơ, tôi cũng mơ bằng tiếng Pháp. Nhưng gần đây, lúc viết bài “Già”, tôi đã định viết tiếng Pháp nhưng ngoài cái tựa bài ra (Vieillir), tôi không viết thêm được một chữ nào khác một cách tự-nhiên, nên đã phải trở lại tiếng Việt. Nói lên cảm xúc con người thì ngoài tiếng mẹ đẻ ra, còn viết bằng tiếng gì khác bây giờ ?

Thôi rồi, tôi lại nhớ cội, nhớ nguồn, nhớ gốc, nhớ gác rồi. Tôi lại như muốn đào sâu vào trong tôi, đi tìm lại từng ngọn rễ cái, từng cọng rễ con đã chôn sâu hơn bốn ngàn năm trong lịch-sử dân-tộc tôi.
Nguồn-gốc tôi vốn là của tôi (là vốn của tôi), tôi có muốn từ bỏ cũng không được thì ai có thể lấy đi của tôi ?
Tôi nhớ năm ấy, cầm trên tay quyển sổ thông hành do cơ-quan O.F.P.R.A. của chính-phủ Pháp cấp mà mắt tôi rướm lệ.
O.F.P.R.A. = Office Français de Protection des Réfugiés et Apatrides (Cơ-quan Pháp che chở những người tỵ-nạn và vô quốc-tịch)


Dĩ nhiên, chữ “apatride” ở đây phải hiểu là “vô quốc-tịch”, nhưng dịch sát nghĩa thì lại là “vô tổ-quốc”. Tại sao vô tổ-quốc ? Quê-hương tôi, tổ-quốc tôi, cha ông tôi đã phải đổ biết bao nhiêu sương máu để dành lấy cho con cháu, ai có thể cướp đi ? Hôm đó, lòng đau như cắt, tôi đã khóc vì tủi thân và uất ức.

Ngày hôm nay, tôi mang hai quốc-tịch, hai sổ thông-hành -Pháp và Mỹ- nhưng tổ-quốc tôi vẫn chỉ là nơi chôn nhau, cắt rốn.
Ngày hôm nay, tôi có hai bà mẹ nuôi rất tốt, nhưng tôi cũng vẫn chỉ có một bà mẹ đẻ. 
Tôi nhớ ơn và kính trọng mẹ nuôi nhưng bà mẹ đã mang nặng tôi mấy ngàn năm nay thì làm sao tôi có thể quên ? Nước có ngon, có ngọt nhưng máu cũng vẫn đặc hơn.

Sau Hà-Nội và Sài-Gòn, tôi đã lê gót qua Liège, Lille, Toulouse, Paris, Woodstown (NJ), nhưng trong công cuộc này, đi đến đâu, tôi cũng chỉ là người qua đường.
Je ne suis toujours que le passant qui passe.
Khách sạn có đẹp và tiện nghi thế nào đi nữa, sao cũng không ấm áp được như căn nhà nhỏ mà mình gọi là « nhà » ? Tôi nghe nói ông Khadafi sang đến nước nào, ông cũng nhất định dựng lều ngoài vườn mà ở, chứ không chịu vào những cung-điện mà chính-phủ « chủ nhà » dành cho ông. Không biết tại tính tình ông ta kỳ quái hay tại ông ta cũng « nhớ nhà » ?

Hay là già rồi, chính tôi trở nên gàn bát sách và lập dị như ông ta ? 
Đôi khi tôi muốn sống lại cái thời nấu cơm, phải dùng bếp than, lúc cơm gần chín phải để ít than hồng trên nắp nồi để cơm được chín đều. 
Đôi khi tôi nhớ cái ghế bố mà mỗi tối tôi phải dọn ra ngủ, và sáng sớm phải dọn vào để lấy chỗ đi đứng. Tôi lại nhớ cái "gác-măng-dê", bốn chân ngâm trong bốn bát nước để kiến khỏi bò vào. 
Tôi còn nhớ cả cái "mô-bi-lét" xám cà-tịch, cà-tàng của tôi nữa. 
Nhà tôi nghèo, xứ-xở tôi nghèo, nhưng tôi không chối bỏ. Nghèo cho sạch, rách cho thơm, và tôi hãnh-diện với điều đó. Chết chửa, hình như tôi gàn sặc, gàn sụa rồi.

Hôm nay, tại sao tôi không nhớ những kỷ-niệm đã có, mà lại đi nhớ những kỷ-niệm chưa hề có ? Hay tôi đang ấm ức không có được những kỷ-niệm tôi có quyền có ? Hay tôi đang hậm hực vì những báu vật đã bị cướp mất ? Chắc vậy.
Cùng với hàng triệu người đồng-hương khác, ông bà, bố mẹ tôi đã phải hai lần bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ xứ, bỏ sở, ra đi, hai bàn tay trắng, sống tha-hương nơi xứ người.

Riêng tôi, sinh quán ở Hà-Nội nhưng chỉ còn lưu-tích lại chút ít giọng bắc-kỳ (tôi muốn nói cái giọng bắc-kỳ trước 1954, chứ bây giờ thì cả giọng lẫn từ-ngữ, tôi nghe cũng mù tịt thôi).
Tôi không biết gì về miền Bắc, chưa bao giờ được chiêm ngưỡng vịnh Hạ-Long, chưa biết Hải-Phòng, Nam Định hay Hà Đông, những cái tên nghe thật quen tai nhưng  sao xa lạ quá ?
 
Vào Nam, tôi cũng chỉ biết Sài-Gòn và vài nơi nghỉ mát như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt. Ngoài ra, tôi chưa được viếng thăm cố-đô Huế để hiểu thêm về lịch-sử nước tôi, chưa được ngắm những cánh đồng bát ngát của miền Tây, chưa được…
Chuyện này, dĩ nhiên đâu có gì khó ? Mua cái vé máy bay, bỏ ra hai tháng trời đi chu-du từ Bắc vào Nam (hay từ Nam ra Bắc), từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau thì xong ngay. Nhưng mà như thế thì khác gì bất kỳ người du-khách nào ?
Tôi đi du-lịch Ấn-Độ, Nam Mỹ hay Thổ-Nhĩ-Kỳ thì đúng rồi, nhưng tôi về nước mình (không biết là phải viết “về” hay “đến” đây nữa ?) mà chỉ như du-khách đem ngoại-tệ vào, nhìn người đồng hương da vàng mũi tẹt của mình mà cảm thấy xa lạ thì còn ý nghiã gì ?  Ai lại đi du-lịch ở nuớc của mình bao giờ ?
Tôi sinh ra người Việt-Nam, tôi muốn sống ở Việt-Nam, tôi muốn được chết trên mảnh đất hình chữ "S" đó. Nhưng thiên đàng đã mãi xa dần xa.
Tôi đã mất mát nhiều rồi.
Trên đường đi xuống, tôi còn một chút gì để nhớ ?

Cuối tháng này lại là ngày giỗ bố vợ tôi, ông bố vợ nổi tiếng mà riêng tôi chưa được gặp. Lại thêm một tiếc nuối trong cuộc đời.

Buông tiếng thở dài, tôi lặng nhìn về chân trời những kỷ-niệm không được có.
Lặng nhìn về thiên đàng đã mất…

Yên Hà, tháng 4, 2011

Apr 15, 2011

Tình yêu không có lỗi (TNPhú)


Please on the link   http://youtu.be/9pL4BPjaDxk

and enjoy.

Tình ta

1.

tôi mơ em
người tình hằng mong đợi
người con gái đẹp trong tranh
treo trên vách

bao tháng ngày ngóng trông

một tên trong danh sách
một hạt cát trong sa mạc
một giọt nước trong lòng đại-dương
tại sao lại là em ?

rồi ngày qua ngày
trong vườn tôi, vườn em
mỗi ý thơ nhỏ giọt
thấm dần vào hai con tim hé mở
vun trồng những hạt yêu thương
từ đâu đến

rồi ngày qua ngày
hạt đã ra mầm
mầm đã ra rễ
lên cây, hoá nụ
và hoa tình chớm nở
qua làn gió thoảng tâm đầu
dưới mỗi tia nắng cảm thông
tưới tẩm với từng giọt sương ân cần

rồi ngày qua ngày
nước vẫn chẩy
và mương vẫn đào
hai đứa trẻ vui đùa
trong sân trường ồn ào
hai con chim lạc đàn
rong bay trên bầu trời thanh thản

thôi rồi,
lỡ yêu em mất rồi


2.

nhưng em ơi

làm sao ta có thể
như chim liền cánh
như cây liền cành
khi cây đã rào chống
khi chim đã vào lồng ?

làm sao tôi có thể
nói những lời yêu đương
nín những tiếng đau thương
khi bên tình, bên lý
gây nên cảnh đoạn trường ?

làm sao tôi có thể
giải nghĩa cho em nghe
những gì tôi không hiểu
những điều tôi không biết ?
... hay tôi đang dối lòng ?

nhưng em ơi 

tình mình là tình muộn
tình mình là tình sầu
tình đôi ta lỡ làng
tình đôi ta ngỡ ngàng
tình này buồn vời vợi
tình này lệ sầu rơi

thôi rồi
tôi đã có lỗi với em rồi


3.

tình yêu như trái phá
con tim mù loà
tim mềm sao bướng quá
nói không được
bảo không nghe
bịt miệng nó lại

tôi như người cai thuốc
đã nhất định thôi rồi
nhưng sao vẫn chưa thôi ?
như vẫn còn tiếc nuối 
như vẫn chưa phai phôi

buồn gì đây 
tình chưa tỏ đâu gọi là đổ vỡ ?
tình chưa khơi sao gọi là dở dang ?
tiếc gì đây
vốn chưa hề gặp mặt
sao gọi là vấn vương ?

quên em đi
quên đi
quên đi
nhưng sao ta vẫn cứ nhớ
cứ nhớ
nhớ những giòng em viết
nhớ từng giọng em ca
nhớ dáng em yêu kiều
nhớ những kỷ niệm chưa hề có
nhớ mãi
nhớ mãi

em ơi
tình ta thật trái khuấy


4.

em ơi

em đã lẻn vào đời tôi tự lúc nào
như tia nắng hồng ấm áp
như cơn gió thoảng dịu hiền
nhưng nắng không hề phai
nhưng gió đã ngừng trôi
và em vẫn ở lại

đã bao lần anh muốn nói
muốn nói yêu em từ lâu
thốt lên những lời tình tự
hẹn ước những tiếng trăm năm
nhưng 
tình này không thể tỏ
tim này không thể yêu
thôi em, đành cách xa

nhưng...
dối lòng không được nữa
anh đành qui hàng thôi
xin qui hàng tình yêu
qui hàng dưới gót chân hoàng hậu

anh xin thú nhận tất cả
anh yêu em nồng nàn
anh mến em vô vàn

anh nhớ em
anh nhớ lắm
em ơi

em yêu ơi...

Yên Hà, tháng 3, năm 2011