UA-83376712-1

Labels

Jan 22, 2014

Tết Tây - Tết ta


2014 vừa đến thì Giáp Ngọ cũng phi nước đại vào. Mỗi năm, người Á Đông chúng ta được ăn Tết hai lần. Trong dịp này, tôi bỗng cần "ôn" lại phong tục tập quán ngày Tết ta và nhân thể nhắc qua ngày Tết "Tây" ở những quê-hương thứ hai của mình, nhân thể khai bút luôn.

Ngày đầu năm là một ngày lễ đã được ăn mừng từ lâu năm, lần đầu tiên hình như đã hơn bốn ngàn năm tại Babylone (hiện thuộc nước Iraq).

Thuở nguyên thuỷ, lúc kinh-tế dựa trên canh nông, người ta thường đánh dấu năm mới vào đầu mùa xuân, lúc vạn-vật bắt đầu sống lại và người nông dân bắt đầu gieo hạt đầu mùa. Dần dần, năm mới được "đồng hoá" vào ngày 1 tháng 1 đầu năm trong tất cả các loại lịch (âm-lịch hay dương-lịch).

1. Âm lịch - Dương lịch

Ngày Tết của người Tây phương được tính theo dương lịch (do Giáo-Hoàng Gregorio XIII lập nên). Ngày, tháng, năm được tính theo vị tri của quả đất chuyển động chung quanh mặt trời (do đó gọi là dương lịch): 365,5 ngày một năm (365 ngày hoặc 366 ngày những năm nhuận, mỗi 4 năm).
Ngày Tết ta thì được tính theo âm lịch, nghĩa là tháng được tính theo chu kỳ vận-hành của mặt trăng chung quanh quả đất: ngày đầu tháng là tháng mới (new moon / nouvelle lune) và ngày thứ 15 là trăng tròn (full moon / pleine lune) và 1 năm chỉ có 354 (29,5 x 12) ngày.
Trên thực tế, các loại lịch này phải được gọi là âm-dương lịch vì tháng được tính theo mặt trăng nhưng năm thì lại tính theo mặt trời
 để trùng khớp với mùa màng, cho nên cứ 2 (hoặc 3) năm phải thêm vào 1 tháng để 1 năm có đủ 365,5 ngày..
Ngày nay, dương lịch đã trở thành lịch quốc-tế, âm-dương lịch chỉ còn dùng cho những ngày lễ cổ-truyền hay tôn giáo (ngày Tết, Trung Thu, lễ Vu Lan...) hay trong thiên văn, tử vi.

2. Tết Tây

Hết năm cũ, sang năm mới là một cơ-hội để ăn mừng trên toàn thế-giới và ngày mồng 1 tháng giêng dương-lịch đã trở thành ngày lễ mừng năm mới trên (gần như) toàn cầu.
Nếu Giáng Sinh được xem như một ngày lễ trong gia-đình và ở nhà thì người ta thường ăn mừng năm mới với bạn bè ở ngoài (tiệm ăn, vũ trường, ...).

Và đã gọi là sang năm mới thì năm cũ phải kết-thúc, cho nên thời-điểm quan-trọng phải là lúc chuyển-tiếp, nghĩa là ngày 31 tháng 12 (dương-lịch), và đặc biệt là lúc 12 giờ khuya, trước khi bước qua năm sau.
Giao thừa bên Pháp gọi là "Réveillon de la Saint Sylvestre". Người Pháp thường đón giao-thừa bằng một bữa ăn thịnh soạn với gan ngỗng (foie gras) và champagne, rồi nhảy đầm; đến 12 giờ đêm thì hôn má và chúc mừng năm mới nhau dưới một cành tầm gửi (gui). Ở Paris, thì mọi người hay tụ tập nơi tháp Eiffel hay trên đại-lộ Champs Elysées.
Mừng năm mới thường chấm dứt vào ngày lễ Hiển Linh (Épiphanie) ngày 6 tháng 1 và hôm đó mọi người chia nhau ăn "bánh vua" (galette des rois).

Bên Mỹ, đặc biệt là ngày New Year's Eve (giao thừa), ở Nữu Ước (New York City), mọi người tụ tập ở 1, Time Square để xem quả cầu pha-lê (to 2 thước đường kính, nặng 500 ký) được từ từ hạ xuống, một phút trước 12 giờ đêm.


Một tục-lệ khác là gửi nhau thiệp chúc mừng năm mới, nhưng thời buổi Internet, thiệp giấy dần dần bị thay thế bằng thiệp điện-tử (email, text messages, ...).

Đầu năm, người Tây-phương còn có một tục-lệ "
Một kiên quyết cho năm mới" (New year resolution) : "Năm nay, tôi cương quyết sẽ... bỏ hút thuốc, xuống 10 ký-lô, đi học đàn/nhảy/nấu bếp..., bớt làm việc và dành nhiều giờ với gia-đình hơn, ...''
Tinh thần của những "nghị quyết" này là mượn dịp năm mới để sống lại (rebirth / renaissance), để làm lại từ đầu (starting fresh / repartir du bon pied), là không phó mặc cho số phận mà nhất quyết làm chủ đời mình. Làm được hay không lại là chuyện khác...

Đấy, tham khảo đó đây đại khái chỉ bấy nhiêu, ăn Tết kiểu Tây phương chỉ giản-dị vậy, đến khi vào Wikipedia xem "Tết Nguyên Đán" thì sơ sơ cũng hơn chục trang. 


3. Tết Nguyên Đán
(phỏng theo Wikipedia)
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt-Nam
Chữ "Tết" do chữ "Tiết" () mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" () có gốc chữ Hán: "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" có nghĩa là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán".
Phong-tục, tập quán của người Á-Đông chung quanh ngày Tết thì thật phức-tạp, có thể nói là "rườm rà" nên, nhất là thời buổi này, ít có gia-đình nào, trong hay ngoài nước, áp dụng hoàn toàn được. Chúng ta cũng nên duyệt sơ qua, gọi là ôn lại chút ít truyền-thống văn-hoá của dân-tộc mình.

3.1 Những giai-đoạn chính: 

Sự khác biệt giữa âm lịch và âm-dương lịch khiến cho ngày Tết ta muộn hơn Tết tây và thường rơi vào giữa ngày 21 tháng 1 (dương lịch) và ngày 19 tháng 2 (dương lịch).
"Tháng giêng là tháng ăn chơi, 
tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà..."
Bài ca dao này muốn nói người ta ăn Tết không phải chỉ một ngày mồng một. 

Nói đúng hơn nữa, không khí Tết đã bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo Quân). Ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà gia chủ đã làm trong năm cũ và báo cáo về Ngọc Hoàng.

Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu để chống lại quỷ dữ và những điềm gở.

Ngày Tất niên (trước Tết) có thể là ngày 30 tháng chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). 
Buổi tối ngày này, gia đình sum họp lại với nhau để ăn cỗ cúng Giao thừa, là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng giêng (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), giờ Tý là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và được gọi là Giao thừa
Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Qua ngày mồng 1, chúng ta bước vào Tân niên (năm mới, sau Tết) và ăn Tết 7 ngày.
Ngày mồng Một tháng Giêng (còn gọi là ngày Chính đán) là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. 
Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.

Cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên.
Ngược lại, người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu, vì ma sẽ sợ giấy màu đỏ. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng".
Ngày mồng Hai là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, nguời ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục "Đi sêu".
Ngày mồng Ba là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy,
đúng theo truyền-thống

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy
hay nói cách khác
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, 
Mùng Ba tết thầy.

Xông đất (hay đạp đất, mở hàng) là tục lệ đã có lâu đời ở Việt-nam

Với quan niệm ngày mồng Một "khai trương" một năm mới, vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suông sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. 
Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Nếu không tìm được người "lý tưởng" thì gia chủ tự xông đất bằng cách ra khỏi nhà rồi bước vào trở lại.


Hoá vàng: Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này (hoặc ngày mồng 5), người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, mà phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia.

Ngoài ra, còn có những tục lệ khác như:
- xuất hành
lần đi ra khỏi nhà ngày đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình, có người đi du xuân luôn;
- khai xuân tuỳ theo nghề nghiệp: khai trương, khai thương mở hàng, khai ấn (nếu là người có chức tước), khai bút (học trò, sĩ phu), khai canh (nhà nông) hay... khai pháo;
hái cành lộc: ở 
các nơi đền, chùa miền Bắc ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật;
- khai hạ: hạ cây nêu ngày mồng 7 Tết, chấm dứt Tết nguyên đán để sau đó bắt đầu 
bước vào việc làm ăn trong năm mới;
- ... ...

3.2 Sắm Tết – Trang hoàng
Đã gọi là Tết thì phải linh đình, năm mới cái gì cũng phải mới và đây là dịp để đi sắm Tết.  Chợ Tết là những phiên họp chợ vào trước Tết, từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp, bán nhiều mặt hàng, nhưng nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên đán. Vào những ngày này, các chợ sẽ bán suốt cả đêm, và đi chợ Tết đêm là một trong những cái thú đặc biệt. Kèm theo các chợ mua bán ngày giáp tết đông đúc, nhiều nơi còn tổ chức các chợ hoa nhằm vui xuân.Những loại chợ Tết đặc biệt cũng sẽ chấm dứt vào trước giờ Ngọ.
Cây Tết tiêu biểu nhất là cây nêu, một loại tre cao khoảng 5-6 thước, ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy để táo quân dùng làm phương tiện về trời,...
Ngoài ra, cây quất được trang trí trong phòng khách, cây 
xum xuê, lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Mâm ngũ quả là một mâm có khoảng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, nhưng
hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc. 

Mâm ngũ quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung vừa đủ xài".

Cũng không thể quên quả dưa hấu mà An Tiêm đã mang lại cho chúng ta và đã được người Trung Hoa khen: "Hẩu".
Hoa Tết thì không thể thiếu hoa đào (để xua đuổi ma quỷ, theo sự tích hai vị thần ở núi Sóc Sơn) và hoa mai (màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, cho sự phát triển nòi giống).
Hoa để cúng có thể là vạn thọ, cúc, huệ, ... và hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hồng, thuỷ tiên, lan, cẩm chướng, thạch thảo, ...


Để trang trí trong những ngày Tết, đặc biệt còn có tranh Tết và câu đối Tết.

Tranh Tết là một phần không thể thiếu và những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt.


Câu đối Tết được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh.
(Xin mời đọc thêm về câu đối trong bài "Tôi yêu tiếng nước tôi: Chơi chữ" tháng này
Và không ai là không nhớ bài thơ "ông đồ" của Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu 


Ông đồ vẫn ngồi đấy 
Qua đường không ai hay 
Lá vàng rơi trên giấy 
Ngoài trời mưa bụi bay 

Năm nay đào lại nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ ?

3.3 Ẩm-thực ngày Tết
Thành ngữ Việt Nam có câu "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết". Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết sao cho "già được bát canh, trẻ có manh áo mới". Hơn thế nữa, dù có đói khát quanh năm thì đến Tết, mọi người, nhất là trẻ em thường được ăn uống no đủ. 
Bữa ăn ngày Tết thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang trọng hơn bữa ăn ngày thường. Vì vậy mà người ta cũng thường gọi là "ăn Tết".
Thức ăn mặn thì nhất định phải có những bánh truyền-thống như bánh chưng (vuông), bánh dày, bánh tét (còn gọi là bánh chưng tày hay bánh tày, tròn và dài) với dưa hành, gắn liền với các sự-tích cổ thời vua Hùng.
Tôi vẫn nhớ các món ăn giỗ ông bà hay cỗ Tết người Bắc có thể có bóng bì, canh măng, chân giò, miến gà, xôi gấc đỏ, thịt gà, thịt đông với dưa muối, giò lụa, nộm, cơm rượu, ...
Ngoài ra, các gia đình miền Nam thường có thêm nồi thịt kho, nước dừa (thịt kho rệu) và nồi khổ qua hầm và nem bì, dưa giá miền Nam, củ kiệu ngâm, bánh tráng (để quấn) để ăn mấy ngày Tết. Thông thường, người nội trợ miền Nam lục tỉnh nghỉ ngơi, không nấu nướng trong 3 ngày Tết, mà chỉ dùng thức ăn đã được chuẩn bị sẵn trước Tết.

Miền Trung có dưa món và món tré (giống giò thủ của miền Bắc nhưng nhiều vị củ riềng), thịt chua và tai heo, ...

Mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng, sau đó dọn ra để đãi khách. Tôi cũng nhớ những lần cắn hạt dưa đến đỏ cả môi và tay, hạt bí, hạt hướng dương, ...

Thức uống ngày Tết vẫn là rượu: rượu truyền-thống như rượu nếp thơm, nếp nương, nếp cẩm, rượu đế, ... hay những rượu Tây-phương như cognac, whisky, bia, ...
Sau bữa ăn, người ta thường dùng trà xanh.


3.4 Phong-tục, tập quán và sinh hoạt Tết

Phong-tục Tết thì nhiều lắm. Ngoài những gì đã đề-cập ở phần trên, còn có:
Đốt pháo thường hay có trong dịp cúng tất niên hay thời khắc giao thừa ngày Tết cổ truyền để xua ma, trừ quỷ.

Áo quần mới: Ngày xưa, trước Tết một thời gian ngắn, các bà các mẹ trong nhà phải thức khuya quay tơ, dệt vải, may áo quần mới cho cả nhà. Công việc này thường kết thúc vào ngày cuối năm để đến sáng mùng Một Tết, cả nhà dậy sớm, thay quần áo mới làm lễ gia tiên. Người ta cho rằng cần phải rũ bỏ những cái cũ, cái không may mắn đi theo quần áo cũ và đón một năm mới với nhiều hy vọng và niềm vui mới từ bộ quần áo mới đó.


Trả nợ cũ: Đối với nhiều người Việt, cuối năm là dịp trả nợ cũ, xóa bỏ xích mích của năm cũ, để hướng tới năm mới vui vẻ.

Tuỳ theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần "lễ" và phần "hội" chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú.
Các lễ hội truyền-thống thường có thi đấu cờ người (không phải loại của bà Hồ Xuân Hương đâu nhé), đua thuyền, đấu vật, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu... 
Trò chơi dân gian: bịt mắt bắt dê, múa võ, hát bội, hát cải lương, hát chèo, đánh đu, chọi gà và nhiều trò dân gian cổ truyền khác.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp Tết thì tam cúc, chắn, tổ tôm, cờ gánh, ai thích gì thì cứ chơi. Đến lễ khai hạ (hạ nêu) thì xé bộ tam cúc, cất bộ tổ tôm... hoặc đốt các bộ bài trong lễ hóa vàng.

Còn nhiều phong-tục thất -truyền nữa như "đi sêu Tết" (trước ngày Tết, con rể tương lai mang lễ đến biếu bố mẹ vợ), lạy sống ông bà, hát sặc bùa (trẻ con nghèo đến cửa các nhà vừa hát vừa gõ trống để được chủ nhà phát tiền mừng tuổi), ...
3.5 Tín ngưỡng ngày Tết
Đi lễ chùa: Có người cả năm không đi lễ, nhưng đến Tết nhất thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức cho chùa. Trong những ngày đầu năm âm lịch thì rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm, nhất là vào buổi sáng mồng một. Phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc. 
Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy bàn xăm. Ở miền Bắc có tục "bốc quẻ thẻ" giống như tục "xin xăm" ở phía Nam.

Người Việt ta hay tin dị-đoan.
Mong sao có những điềm lành như: 
- Sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh;
Chó lạ vào nhà: theo tục ngữ "Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang"; 
- Cây đào nếu có nhiều cánh kép (hoa kép) 3 lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc;
- Cây quất nếu có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc. Nếu có đủ Tứ quý: quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn và thành đạt cả năm;
... ... ...

Và cũng có nhiều điều kiêng kỵ nên tránh như:
Kỵ mai tángNgày Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng và gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc;
Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn, nên giữ, không nên cho đi;
Kiêng cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc "tiền vào như nước", nếu cho nước thì coi như mất lộc;- Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân (xác pháo đốt trong đêm giao thừa), người quét nhà sẽ bị "rông" (xui xẻo) cả năm; 
Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay (cho nên phải làm dịp cuối năm cho xong);
Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt... nếu không sẽ "xúi quẩy".
Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, cãi nhau, nói xấu, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình;
Người ta thường kiêng khóc lóc, buồn tủi hoặc nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết, kiêng mặc quần áo màu trắng và đen (màu của tang lễ);- ... ... ...
3.6 Tết tha-hương
Tôi nhớ mãi những buổi văn-nghệ Tết bên Bỉ, bên Pháp khi tôi còn là du học sinh, bao giờ cũng vừa vui, vừa buồn. Vui vì có dịp vui chơi với bao nhiêu bạn bè, buồn vì có vui mấy cũng chỉ là vui "tạm bợ" nơi xứ người, xa gia-đình, xa quê-hương.
Và bây giờ tôi vẫn "phải" tiếp tục vui Tết tha hương.

Người Việt hải-ngoại nếu không có điều kiện về Việt Nam cũng tổ chức những hoạt động trong dịp Tết Âm lịch mang đậm truyền thống văn hóa.
N
hững nơi đông Việt Nam như quận Cam, San Jose, Houston, Cabramatta-Úc, Paris, ... cũng có chợ Tết, chợ hoa, những khu thương xá cũng có bán các mặt hàng mứt, bánh chưng, hạt sen, ..., cũng có đốt pháo, múa lân, ...

Các cộng đồng và các hội đoàn người Việt, các chùa, các giáo xứ, các hội sinh-viên, ... có tổ chức Hội tết và ca nhạc văn nghệ Tết. 
Chúng tôi có dịp đi giúp vui văn-nghệ trong những buổi Tết cộng-đồng, thường có đốt pháo, múa lân, ăn uống (món ăn Tết), bầu cua, cá cọp, lì xì cho trẻ em, văn nghệ thường có nhạc Tết, nhạc quê-hương, cải lương, nhạc vui, có những màn múa thanh thiếu niên và trẻ em. 


Hội Tết nào cũng thật vui, nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy bùi ngùi, không hiểu vì sao? 
Con người "xa mặt, cách lòng" và dù muốn dù không, xa quê-hương, chúng ta cũng mất mát đi một chút gì văn hoá truyền-thống của mình.
Tết ngày hôm nay nơi xứ người, chúng ta còn giữ được những gì trong tất cả những phong-tục, tập quán của người Việt-Nam ta? Còn giữ được bao lâu?   
Vui buồn lẫn lộn.
Yên Hà, tháng Giêng, 2014

Tết Nguyên-Đán - Wikipedia
New Year - Wikipedia

Tiếng nước tôi: Chơi chữ (3) / Ngữ pháp và Đối đáp

0. Chơi chữ là gì?

1. Chơi chữ dựa trên ngữ âm


2. Chơi chữ dựa trên ngữ nghĩa

./.

3. Chơi chữ dựa trên ngữ pháp
Quy-tắc sử dụng chữ cũng tạo nên nhiều cách chơi chữ thú vị.
3.1 Tách từ/ngữ
Từ kép, từ láy là một đặc-điểm của tiếng Việt nên tách riêng hai chữ ra là cách thứ nhất:
Chớ nghe lời phỉnh tiếng phờ,
Thò tay vào lờ, mắc kẹt cái hom.
hoặc
Người ta đi đôi về đôi,
Thân anh đi lẻ về loi một mình.

hoặc
Thương Vợ (Trần Tế Xương)

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hửng cũng như không.
Các từ duyên nợ, nắng mưa được tách đôi trong đã trạo nên những nét nghĩa riêng... làm nổi bậc cái khổ của người vợ.

3.2 Đảo trật tự
Đảo trật tự từ ngữ để làm thay đổi chức năng ngữ pháp, ngữ nghĩa, nhất là để giữ vần điệu trong thi văn, ca dao:
Tình ngay em phải nói ngay ,
Ai mà chồng có (có chồng), cối xay nghiến liền.
hoặc
Đôi ta như chỉ, chỉ se, 
Xỏ kim, kim xỏ; may hè, hè may.


Có khi trật tự cú pháp thay đổi kéo theo ngữ nghĩa thay đổi. 
Thí dụ: bài thơ Cửa Sổ Đêm Khuya (Hàn Mặc Tử)
Đọc xuôi :
Hoa cười nguyệt dọi cửa lồng gương,
Lạ cảnh buồn thêm nổi vấn vương 
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương 
Xa người nhớ cảnh tình lai láng 
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng 
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá,
Hòa đàn sẳn có dế bên tường.
Đọc ngược :
Tường bên dế có sẵn đàn hòa 
Lá ũ dâu ngàn yến lại qua
Bàng bẽ rượu thơ ngâm bạn vắng

Láng lai tình cảnh nhớ người xa 

Hương đưa gió thoảng mai hờ hững

Bóng gợn hồ in liễu thướt tha

Vương vấn nổi thêm buồn cảnh lạ 

Gương lồng cửa dọi nguyệt cười hoa.

3.3 Chấm phết

Mỗi gia-đình hai con vợ 
chồng hạnh phúc
Một tấm bích chương như thế này, tôi thật tình khó có thể tin không phải do Photoshop.


Nhận được một tấm thiệp mời đi ăn như dưới đây, không biết bạn sẽ nghĩ sao?
... Bạn nào muốn ăn xin cho biết...

Trong bất cứ ngôn-ngữ nào, chấm phết quả là lợi hại.

4. Đối và Đáp
4.1 Câu đối
Phát xuất từ người Trung-Quốc, câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán: 
"Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa".
Đây là một nghệ-thuật rất phức tạp trên mặt nguyên-tắc, luật lệ (đối ý và đối chữ, số chữ và các thể câu đối, Luật bằng trắc, v… v…) và thường đòi hỏi sự hiểu-biết tiếng Hán.

Câu đối cũng có rất nhiều thể-loại (Dương Quảng Hàm):
Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới...

Câu đối phúng: làm để viếng người chết.
(Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)

Câu đối Tết: làm để dán nhà, cửa, đền, chùa...về dịp Tết Nguyên Đán.
Hồ Xuân Hương cũng có  câu đối Tết trào lộng:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, đóng chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.

Và còn rất nhiều loại câu đối nữa.

4.2 Đối Đáp
Đã đối chữ thì cũng phải có đối chất, đối chọi với nhau và có đối thì phải có đáp mới vui.
Câu đối thách (đối hay đố): người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa...
Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại
(Câu đối có bốn chữ : cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh).
Chơi chữ theo cách dùng các đơn vị Hán Việt, Pháp Việt và thuần Việt có ý nghĩa tương đương cũng là một cách thách đố nhau:
Đối : Năm con chim xanh (cinq=5) đậu cành cây ngủ (ngũ=5)
Sáu con bọ xít (six=6) sắc lục (=6) đó tề ! 


Đáp : Tám con tu hú (huit=8) kêu cây bát bát (=8),
Mười con chuồng chuồng đỏ đít (dix=10), lượn thập (=10) ác nhà.

Giai thoại “Da trắng vỗ bì bạch” 
Tục truyền có lần ông Trạng Quỳnh nhà ta thấy bà nữ-sĩ Đoàn Thị Điểm đang trong phòng tắm, ông đòi vào thì bà ra câu đối, hẹn rằng đối được thì bà sẽ chấp thuận nhưng ông Trạng nghĩ nát óc không ra, đành bẽn lẽn bỏ ra về.
Câu đối này đã có nhiều câu đáp như:
Trời xanh màu thiên thanh
Cô Miên ngủ một mình
Tướng Kỳ chơi cờ tướng
...
nhưng chưa bao giờ hoàn toàn chỉnh trên mọi phương diện ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ âm, ngữ cảnh, nghệ-thuật, ... 
Hồng Hà Nữ Sĩ quả là nữ sĩ bậc nhất. Khâm phục, khâm phục. 


Hò đối đáp (hát đối) t
rong ca dao, dân ca
Sinh hoạt hò đối đáp nam nữ ở nước ta được thể hiện trong lao động tập thể, trong các hình thức giải trí vui chơi, và ngay trong các ngày hội lễ, mặc dù tính chất trang nghiêm, nhưng không vì thế mà hò đối đáp không được sử dụng.
Mỗi vùng tại Việt-Nam - Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ - có những đặc tính của vùng và tất cả nằm trong kho-tàng văn-hoá của chúng ta.
Hò giã gạo ở Bình Trị Thiên là trở loại hò thích hợp nhất cho lối hò đối đáp nam nữ. Với nhịp điệu, tiết tấu dồn dập, rộn ràng, hò giã gạo rất thích hợp với lao động tập thể, đồng thời cũng rất hấp dẫn lôi cuốn những người trong và ngoài cối hò say theo câu hát.
Hò mái nhì ở Huế là một loại hò vừa có thể dùng để hò đơn lẻ, lại vừa dùng trong khi đối đáp. Là một điệu hò trên sông nước, hò mái nhì vừa có chức năng phụ lực cho lao động, lại vừa đủ yếu tố để thể hiện tâm tình. Điệu hò man mác, trầm buồn, ngân nga và sâu lắng, êm đềm như mặt nước sông Hương. Âm điệu hò mái nhì có khả năng khơi động đến nơi cùng thẳm nhất của tâm hồn người.
Dân ca quan họ Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) là hát đối đáp nam-nữ, vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Quan họ là loại hình dân ca phong phú, đa dạng về hình thức ca hát, giầu có về giai điệu và vốn bài bản, lời ca, tạo nên giá trị đặc sắc và đã
 được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 9, 2009).

Như đã nói, đối chữ là một nghệ-thuật thật phức-tạp, đòi hỏi kiến-thức cao. Ngược lại, xét trong văn chương bình dân (mà tiêu biểu là ca dao và dân ca nói chung và hát đối nói riêng) thì dân-tộc chúng ta tuy xưa nay đa số sống bằng nghề nông nhưng mức độ văn chương và tinh thần văn nghệ lại thật là cao. Đây là một niềm hãnh diện lớn.


Xin đón đọc trong số tới: Nghệ thuật nói lái


Yên Hà, tháng giêng, 2014

Tài-liệu nguồn:
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam: Trần Minh Thương
Mười cách chơi chữ phổ-biến: Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 
Lối chơi chữ trong đối và thơ
Nghệ Thuật Chơi Chữ Trong Ca Dao Người Việt  http://www.hoasontrang.us/phorum/showthread.php?t=462

Xin hãy rời xa (Thanh Tuyền)


Thân mời các bạn thưởng thức Xin Hãy Rời Xa (Vũ Tuấn Đức) qua giọng ca Thanh Tuyền.

http://youtu.be/O5zNS9rNlUI


Enjoy.

Thuở ấy có em - Loan mắt nhung



Để tưởng nhớ nhạc sĩ Huỳnh Anh. 

http://youtu.be/S9reTe5ITSI

Enjoy.