UA-83376712-1

Labels

Jun 6, 2011

Bố Mậu


- “Bố Mậu ơi, bàn ăn đã sẵn sàng rồi, xin mời Bố nhập tiệc…”

Biết Bố Mậu (tôi gọi như vậy cho thân mật hơn là gọi bố vợ) thích ăn cơm Tây và uống rượu vang nên tôi đã quyết định đem hết “tài nghệ” thu thập bên Pháp từ bao nhiêu năm nay để đãi Bố Mậu một bữa.
Từ hôm qua, tôi đã bắt đầu nấu món tủ của mình là “pot-au-feu”, hôm nay thì đã thơm phức khắp nhà rồi. Tôi thích món này vì là một món thuấn túy rất đầy đủ (repas complet), có nước súp, có rau, có thịt, không cần phải món phụ gì cả; mùa đông lạnh lẽo mà thưởng thức món này lại càng tuyệt. Còn về rượu thì tôi đã chọn vùng Bourgogne để đưa Bố Mậu đi tham quan. 

Trước khi nhập tiệc, « Apéritif » là một giai-đoạn chuyển-tiếp quan-trọng để chuẩn bị cho các giác-quan nghênh-đón bữa tiệc, như một lời mời, như lễ rước dâu trước tiệc cưới và động phòng… ăn. Để khai vị uống, tôi đã mở một chai Crémant de Bourgogne là một loại rượu có « bong bóng » như Champagne để đánh thức lưỡi và vòm miệng (tôi rất kỵ rượu mạnh như whisky vì độ cồn quá mạnh làm miệng lưỡi mất đi cảm giác). Để khai vị ăn (người Pháp còn gọi là « amuse-bouche = đùa vui cái miệng »), tôi đã bỏ lò một tá hàu (huître/oyster) rưới chút Crémant (gạch nối giữa khai-vị ăn và khai-vị uống), sau đó lấy ra, để nguội chút, ăn âm-ấm để tránh sự chênh lệch « nóng-lạnh » với Crémant. (Ngoài ra, đồ nhậu Việt-Nam tuy hợp-khẩu dân nhậu, nhưng mắm muối nặng mùi quá, không thích-hợp với rượu Tây).

Món Pot-au-feu này, tôi đem ra từng đợt để uống rượu một cách thứ-tự, từ rượu nhẹ tươi mát đến loại già và mạnh. Vào bàn tiệc, bắt đầu là nước súp và tủy xương bò (đặt trên bánh mì nướng), tôi đổi ly (để rượu khỏi bị pha lẫn mùi) và rót chút Mâcon đỏ (rượu tương đối nhẹ vùng Mâconnais, phía Nam Bourgogne) còn tuổi dậy-thì.
   - Nước súp này, con nấu ngon quá, đủ mùi vị thịt - bò, gà, vịt - lại thơm bao nhiêu loại rau cải, nhất là đi kèm tí rượu đỏ thật là tuyệt; con múc thêm cho Bố một đĩa nhé ? 
Bố Mậu vừa nói, vừa xuýt xoa.

Ăn súp xong, tôi mời Bố Mậu “faire chabrot”. Đây là một phong tục rất xưa, vẫn còn thịnh hành trong những làng mạc bên Pháp : còn lại tí súp trong đĩa, người ta đổ thêm vào chút rượu đỏ rồi húp cạn, nước súp pha với rượu tạo nên hương vị thật đặc biệt, vừa khỏi phí, vừa sạch điã. (Lúc nào có dịp, các bạn cứ thử xem sao ?)
Sau đó, tôi múc ra đĩa phần thịt vịt - gà và rau cải. Tôi lại đổi ly và mở một chai Mercurey 2006, vùng Côte Chalonnaise (phía Bắc Mâconnais) nhưng mạnh và giữ được lâu hơn.
Sau cùng đến lượt thịt bò và đuôi bò, ăn chấm với chút muối hột hay moutarde de Dijon (Măng Mậu cứ đòi chấm nước mắm ớt nhưng tôi không cho). Đến đây, dĩ nhiên là phải khui một chai ngon nhất và « già » ; tôi chọn chai Fixin 1998, vùng Côte de Nuits (cùng với Côte de Beaune là hai vùng ngon nhất Bourgogne).
Chúng tôi vừa ăn, vừa uống, vừa nói chuyện… rượu :
   - Uống rượu cùng « lò » mà uống từ « nhẹ » lên « nặng » hay quá, con nhỉ ? Cái hương vị đặc biệt của Bourgogne (phần lớn làm với nho Pinot Noir) mỗi lúc mỗi phát hiện ra, thật là thú vị. Bố Mậu đã ngà ngà nhưng đôi mắt long lanh niềm vui sướng.

Bố Mậu cũng rất thích phó-mát (thích uống rượu vang mà !). May sao, Trader Joe's gần nhà lần này lại có nhập cảng Epoisses, một loạt phó-mát rất đặc biệt vùng Bourgogne, rất là nặng mùi (tiếng Mỹ phải dịch là “stinky”).
Đến đây, tôi phá lệ, không mời rượu vang nữa mà chuyển sang “Marc de Bourgogne” là một loại rượu mạnh như cognac. Sự lựa chọn này không phải là vô-lý vì phó-mát rất nặng mùi thì phải “lấy độc trị độc”, ngoài ra, cách làm phó-mát này có dùng đến Marc de Bourgogne và lý do cuối cùng là chúng tôi cũng đến cuối bữa ăn rồi.
Cũng may là dân nhậu thường không hảo ngọt mà cũng ít ăn trái cây nên chúng tôi miễn phần tráng miệng và tôi đỡ bị “chiếu bí” chứ rượu Bourgogne để uống với mấy thứ này thì tôi chỉ có nước đầu hàng.

Ăn phó-mát xong, chúng tôi kết-liễu bữa ăn bằng một tách cà
-phê nóng, pha đậm và thơm.
Bố Mậu còn pha chút Marc vào cà-phê để phối-hợp mùi vị. Sau đó, tiếp-tục hâm nóng trong tay ly rượu mạnh, Bố Mậu móc túi, lôi ra một ống điếu làm bằng rễ thạch-thảo (pipe en bois de bruyère), vừa đùa, vừa ngâm nga : 
   - “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo…” 
và bắt đầu nhồi thuốc Half and Half là một hiệu thuốc lá rất thơm mà lúc trước, thuở sinh viên, tôi cũng đã từng hút. Tôi bỏ thuốc lá lâu lắm rồi nhưng thấy Bố Mậu đang hứng, tôi cũng chạy lên nhà kho, lục trong mấy thùng đồ đạc cũ, đem cái ống pipe của mình xuống, hút chung với Bố Mậu cho vui.
Bố Mậu chợt hỏi :

   -  Xe mới thì phải có « rodage », ống điếu mới cũng vậy. Con đã có hút thì con có biết làm như thế nào không ?
   Lúc mới mua ống điếu, con học được là phải châm thuốc từng đợt một, lần đầu nhồi ít thuốc, cao khoảng năm ly rồi hút cho hết, sau đó nhồi mười ly…, cứ như vậy cho đến lúc nhồi tối đa, nhưng không bao giờ nhồi đầy ống. Có đúng không Bố ?
   -  Đúng vậy ! Nghề chơi cũng lắm công phu, con nhỉ ? Bố thật là cao hứng lắm.

Một tay rượu, một tay thuốc, Bố Mậu lim dim, thả hồn theo khói thuốc cùng hơi rượu.
Tôi lặng lẽ ngồi nhìn, vui sướng. Có lẽ Bố Mậu đang ngược giòng thời gian, trở về thời kỳ vàng son và những kỷ niệm đẹp. Quả nhiên, được một lúc, Bố bỗng cất tiếng và bắt đầu tâm sự với tôi. Quãng đời Bố Mậu phong phú quá, kể sao cho hết, Bố nói hết chuyện này đến chuyện nọ, nói một cách chậm rãi như nói với chính mình, như tự ôn lại những trang sách đời mình.

Bố nói về điện-ảnh, sự đam mê trong đời mà Bố đã cố gắng đeo đuổi để trở thành một nam tài-tử nổi tiếng. Trong ngành này, thần-tượng của Bố là Charlie Chaplin và Marlon Brando (có lẽ vì vậy, Bố thích lái mô-tô, có lần ngã xe, trặc cả vai). Bố nhắc đến các đạo-diễn phim như Lê Hoàng Hoa, Hoàng Vĩnh Lộc (đạo-diễn kiêm tài tử) cũng như các tài-tử thời đó như Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Trần Quang…
Bố kể lại trong phim « Heaven and Earth », Bố đóng vai ông thầy tu nên đã phải “hy sinh” mái tóc bạc tiêu biểu, may mà tóc cạo đi thì mọc trở lại, chứ nếu không thì không có phim đó với Bố rồi.
Và cũng chính mái tóc bạc này đã cứu Bố Mậu và gia-đình ngày 30 tháng 4, năm 1975. Ngày đó, cũng như biết bao gia đình khác, Bố Mậu lái chiếc xe Fiat 600 bé xíu, chạy khắp Sài-Gòn, tìm đường thoát thân. Đến trước Toà Đại-Sứ Mỹ, cửa ra vào đã khóa trái, với lính Quân-Cảnh Mỹ bảo-vệ bên trong. Tình hình đang lúc tuyệt vọng bỗng đâu, từ bên trong, có một ông nhận ra được Bố và gọi lớn : « Ông Đoàn Châu Mậu ơi, vào đây nhanh lên, tôi xin cho gia-đình ông vào rồi. » Chắc là thiên thần bảo mạng của Bố đã hiện xuống để cứu gia-đình Bố đây. Thế là thoát trong đường tơ, kẽ tóc, một cách bất ngờ.
Là tài-tử điện ảnh có chút tiếng tăm, Bố Mậu có dịp giao-thiệp rộng trong mọi giới, chẳng hạn như Bố cũng giao-du thân tình với một số văn-sĩ như Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy… 
Bố cũng thích viết lắch, có dạo Bố cũng viết ra một quyển sách về… tập thể dục (tôi cứ nghĩ phải là loại sách về điện ảnh chứ nhỉ ? nhưng không).
Còn có điều lạ là tôi có vào Internet để tìm hiểu thêm về Bố Mậu nhưng, ngoài trừ những phim bố đóng (filmography), tôi tuyệt nhiên không tìm thấy gì khác. Tại sao vậy ?
Sẵn lúc Bố Mậu đang hứng, tôi bèn « phỏng vấn » ông tài-tử tóc bạc :

   -  Chắc Bố cũng thích nghe nhạc lắm hả Bố ? Bố thích nghe gì ?
   Bố thích nhạc cổ-điển, nhất là nhạc Chopin. Kéo vĩ-cầm thì phải nghe Jascha HEIFETZ, nhưng mà nói chung, nhạc gì hay thì Bố nghe chứ không cứ gì, con à.
  Con đoán là Bố thích và đã đi du-lịch nhiều nơi trên thế-giới lắm rồi, phải không Bố ?
   - Lúc trước thì đi đây, đi đó không dễ như bây giờ nhưng đúng, Bố cũng đã có dịp đi chung quanh Việt-Nam mình như Miến-Điện, Lào, Thái-Lan, cả Trung Quốc nữa và Bố đã được viếng thăm Pháp nên Bố lại càng thích. Lúc trước đi học Trường Bưởi, Bố có học những bài Pháp văn nói về sông Seine, cầu Mirabeau, vườn Lục-Xâm-Bảo (Luxembourg)… nên được đi xem tận mắt, Bố thích lắm. Con ở bên Pháp bao nhiêu năm rồi, chắc là con không thể nào quên được, đúng không, con ?
   - Vâng, có thể nói nước Pháp đã nhiễm vào máu con rồi, không có thuốc gì chữa nổi nữa đâu. Tôi vừa cười, vừa trả lời Bố Mậu.
   Bố có đánh bài không ? Tôi hỏi thêm.
   Có chứ, nhất là bên gia-đình Măng con, ai cũng biết hay mê xoa mạt-chược cả. Bố thích đánh chắn, lúc ở Sài-Gòn, thằng Anh Tú (con ông Lữ Liên) cũng mê lắm, lại nhà đánh với Bố luôn. À, mà con có biết không ? Bố cũng xuýt sui-gia với ông Lữ Liên đó. Số là lúc trước, con trai cả Bố (anh Châu Nhi) và cô Bích Chiêu, tụi nó thích nhau lắm, nhưng rồi không thành. Đúng là số Trời cả.
   - Thế Bố có chơi thể thao không ?
   - Ít thôi, vì Bố cũng không nhiều thời giờ. Bố thích đi bơi và chơi Tennis nhưng Bố thấy tụi chuyên nghiệp tay to, tay bé nên Bố cố gắng chơi cả hai tay : khi banh sang bên phải, Bố đánh tay phải, khi banh sang bên trái, Bố chuyển sang tay trái. 
(À, ra thế, tôi biết ngay mà, người nghệ sĩ thường có một vài thứ « kỳ quặc » đấy, chứ Bố có phải Federer hay Nadal đâu mà sợ tay to, tay bé ?)

Cứ thế, hai bố con tôi ngồi uống rượu, hút thuốc, tán phét với nhau, hết chuyện này sang chuyện nọ, nói mãi không hết... 

… cho đến khi đồng-hồ báo thức chợt reo.

Hoá ra, từ đầu đến cuối, tất cả chỉ là một giấc mơ. Bố Mậu mất năm 2000, tôi chỉ quen con gái « rượu » của ông vào khoảng 2002 thì tôi có bao giờ gặp mặt ông bố vợ mình đâu ? Nhưng không biết tại sao tôi lại rất « thích » ông ? Có lẽ vì tóc tôi cũng bạc (27 tuổi đã bắt đầu bạc rồi), tôi cũng có tâm hồn nghệ-sĩ, tôi cũng thích học hỏi, tìm hiểu mọi vấn-đề trong mọi địa-hạt, tôi cũng thích du-lịch, tôi cũng thích ăn phó-mát, uống rượu vang… ?
Có lẽ vậy.

Ôi tiếc thay ! Ước gì…
Giấc mơ này, xin viết lên để tưởng nhớ Bố Mậu, người bố vợ tri-kỷ chưa được gặp.
Lại thêm một kỷ-niệm chưa hề có. Lại thêm một nuối tiếc trong cuộc đời.
Ôi Bố Mậu !

Yên Hà, tháng sáu, năm 2011

Tous mes copains (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/kDyVZjvZz8c

and enjoy.