Tiếng dương-cầm qua những ngón tay điêu-luyện của Samson François trong những bài nhạc cổ-điển của Chopin vẫn còn văng vẳng trong tai. Bỗng nhiên, một nỗi buồn man mác len vào hồn tôi.
Tôi nghĩ đến người chị yêu thương của tôi. Ngày xưa ở Saigon, có chút ít thì giờ, chị hay thường tập dương-cầm trong phòng. Bao nhiêu những bài cổ-điển về dương-cầm vì thế đã ăn sâu vào ký-ức, tuy rằng tôi học vĩ-cầm.
Chị đẹp lắm, ai ai cũng đều nói thế. Mẹ cũng hay nói, chị giống nữ tài-tử Sophia Loren. Tôi hãy còn bé, chưa hiểu thế nào là đẹp, chỉ biết chị giống như một thiên-thần, hay nàng công-chúa trong truyện Disney. Hôm nay nhìn lại mấy tấm ảnh, ngắm nét đẹp tự nhiên không son phấn và dịu hiền của chị, tôi xao xuyến trong lòng. Chả trách gì, thời gian ấy, tôi đã chứng kiến cảnh bao nhiêu chàng trai lui tới thường xuyên và trồng một dọc cây si trước cửa nhà.
Cũng như tất cả anh chị em, chị ngày đi học chữ tại Marie Curie, tối học nhạc trường QGAN. Chị rất ngưỡng mộ tài dương-cầm của người anh kế, và mong ước trở thành xuất sắc và nổi tiếng như anh ấy.
Khi chị ra trường đôi bên, chị làm việc tại Hội Việt-Mỹ, và kèm thêm học sinh về môn dương-cầm tại tư-gia.
Thời gian Bố tôi bắt đầu sự-nghiệp về điện-ảnh, các đạo-diễn Việt-Nam thuở ấy hay thường lân la đến nhà bàn chuyện phim ảnh với Bố, và thưởng thức tiếng đàn của chị. Thỉnh thoảng, họ mời chị em tôi đi xem hoạt-cảnh trong phim-trường, và đều có ý mong muốn đào tạo chị tôi trở thành tài-tử như Bố. Chị cũng thích lắm, nhưng Bố không cho phép.
Gia đình tôi hay thường ra ngoài Vũng-Tàu nghỉ mát, tắm biển và thích nhất là ăn cua rang muối. Chị luôn luôn trông chừng tôi và cậu em nhỏ trên bãi.
Chị sống như thế với Bố mẹ và các anh em, bình thản, mộc mạc và hồn nhiên như con người chị. Cho đến một ngày, chị gặp anh NNK, và dĩ nhiên, con gái lớn đã đến tuổi cặp kê, chị bằng lòng. Từ ngày chị theo về sống bên gia-đình chồng, tôi ít có dịp gặp chị. Chị có ba người con, Nam, Hải và Hà. Thỉnh thoảng chị về thăm nhà, hay thường kể với Mẹ chị bận lắm. Ngày lo lắng hầu hạ mẹ chồng và chồng con, tối đến vẫn tiếp tục kèm thêm môn dương-cầm.
Hôm nay, đã gần 40 năm trời, tôi không được gần gũi chị, tôi không được nghe giọng nói trong vắt của chị, tôi không được ôm lấy cánh tay nồng nàn của chị, tôi không được nghe tiếng dương-cầm réo rắt của chị. Căn bệnh ngặt nghèo đã cướp đi người chị thân yêu của gia đình tôi. Vĩnh viễn chị tôi ra đi năm 1973.
Nói chuyện với nam ca-sĩ Hoàng Nam, con trai lớn của chị, Nam bảo : " Cháu chỉ nhớ Mẹ cháu qua hình ảnh, vì lúc Mẹ cháu mất, cháu mới lên năm. Đôi lúc, cháu thèm được biết thế nào là tình mẫu tử. Một tiếng gọi "Mẹ", cháu chưa hề dùng đến ". Nam nói thêm, nheo nheo con mắt cười : " Người ta hay thường bảo " Con trai giống Mẹ là nhà có phúc, Cháu nghĩ cháu rất có phúc."
Tôi nhìn Nam, ừ, đẹp trai thật, nét giống Mẹ lắm.
Khi còn sống, chị rất sùng đạo. Chị an nghỉ tại nhà thờ Tân Định, nơi có trường Thiên-Phước, trường học của tất cả chị em tôi khi còn bé. Nơi an-nghỉ đó, chắc chị cũng không cảm thấy cô đơn lắm vì sát bên cạnh chị, có người con trai thứ nhì, cũng đã ra đi rất sớm.
Tôi vô cùng thương tiếc chị. Có lẽ tâm trạng tôi giống như tâm trạng của Hoàng Nam. Tôi được gọi " Chị Xâm " ít quá. Tôi muốn gọi tên chị mãi cơ.
" Chị Xâm ơi ! "
Thuỵ Uyên, tháng 3, 2011
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.