UA-83376712-1

Labels

Jun 19, 2015

Tình yêu đến trong giã-từ (Nguyễn Ánh 9) - Thanh Tuyền

Tình yêu đến trong giã-từ 
Nguyễn Ánh 9 sáng tác
Thanh Tuyền trình bày

Please click on the link
https://youtu.be/cZWF2hr-GeI

Enjoy.

Đi tìm Tự-Do (Phần 2) - Thuỵ Uyên


… ( Tiếp theo phần 1 )



Bố Mẹ nhìn chúng tôi tha thiết, như muốn ghi khắc hình ảnh hai đứa con yêu quí vào xương tủy. Đôi mắt Bố Mẹ khô, nhưng tôi biết, tim Bố Mẹ đang chết đuối trong biển lệ xót thương. Mẹ bỏ vào trong nhà. Tôi hớt hải nhìn theo bóng Mẹ già, lòng quặn đau không biết đến bao giờ sẽ gặp lại Mẹ. Bố đẩy 2 chị em tôi đi, quay trở vào trong. Đôi vai Bố khẽ rung động. Tôi chưa hề thấy Bố khóc…

-  Mọi sự bình an chứ?, tiếng Mark hỏi làm tôi thức tỉnh.
Tôi khẽ gật đầu, ngồi xuống bên cạnh chị Vi. Chị ôm lấy tôi, mỉm cười như an ủi. Dường như chị hiểu thấu tôi đang nghĩ gì…

Đảo Guam đẹp thần tiên như mộng. Nước biển xanh ngát, lóng lánh dưới tia nắng vàng ấm. Tôi nhắm mắt lại, tận hưởng không khí trong lành của đảo. Êm đềm quá, tuyệt vời vô cùng. Chúng tôi ở lại đảo đúng 1 tuần. Sau đó, chúng tôi được đưa bay sang thành phố Los Angeles. Từ đấy, họ chở chúng tôi đến trại Pendleton. Con đường từ phi trường Los Angeles đến trại dài ngun ngút. Chiếc buýt to tướng, đầy nhúc những đồng bào Việt Nam tị nạn, ề à lướt trên xa lộ thênh thang, bát ngát. Tôi ngắm nhìn phong cảnh. Nhà cao cửa rộng, ngay cả những chiếc xe nhà thật to lớn, có thể chứa cả nhà chúng tôi, lướt vụt qua cánh cửa sổ như bay. Thành phố này đồ sộ, xa lạ quá. 
Tôi chợt bùi ngùi, nhớ đến quê hương, nhớ đến căn nhà thương yêu trong góc hẻm nhỏ. Tôi ứa nước mắt, nhớ Bố Mẹ, nhớ thằng em trai nhỏ, nhớ thằng cháu bé thơ dại, nhớ con chó Bono, con mèo vàng Minet, nhớ luôn cả con búp bê chột mắt đã từng làm bạn với tôi suốt quãng thời gian thơ ấu. Khi tôi lên 8 hay 9 gì đó, tôi sốt nặng, phải nghỉ học ở nhà hơn một tuần. Buồn không ai chơi với, tôi rất thèm có một đứa em hay bạn gái bên cạnh.
Khi Mẹ trao cho tôi con búp bê này, Mẹ bảo:
- Mẹ đi chợ, trông thấy nó trong thùng rác. Biết con thích được một con búp bê, Mẹ nhặt nó về cho con, Mẹ đã rửa nó sạch sẽ rồi. Mẹ sẽ may quần áo mới cho nó mặc. Con yên tâm uống thuốc cho chóng khỏi nhé?
Tôi hớn hở lắm, thích thú chơi với nó cả ngày, nào tắm rửa, thay quần áo, nào nói chuyện với nó. Có cái bát sành vỡ Mẹ cho tôi, nồi đất bé tí teo Mẹ nặn cho tôi, đôi đũa gãy cái dài cái ngắn, tôi chơi trò nấu cơm và cùng ăn với nó mỗi ngày. Tối đến, tôi cho nó nằm cạnh tôi, và ôm nó vào trong giấc mộng êm đềm của tuổi thơ… 
Tôi nhớ Mẹ quá, nhớ nhà quá.

Đến trại Pendleton, chị em tôi theo Mark vào văn phòng làm giấy tờ. Chúng tôi may mắn, không phải ở lại trong trại. Mark đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và gửi đến cho người anh tôi, hiện đang cư ngụ tại thành phố San Diego, đến đón.
Chị em tôi khóc sướt mướt khi gặp lại anh Bạch. Tôi đã không gặp được anh ấy hơn mười mấy năm. Tôi thổn thức trên vai anh Bạch, bệu bạo:
-  Anh Bạch ơi, Bố Mẹ…
-  Suỵt, anh Bạch giơ ngón tay ngang môi. Đừng khóc nữa em, anh biết rồi. Chúng ta đi về nhà nhé?
Mark thong thả lại gần chúng tôi, đôi tay dang rộng. Quàng lấy vai chị em tôi, Mark chậm rãi nói:
-  Mừng hai cô đã đoàn tụ với gia đình. Chúc may mắn.
Chúng tôi ôm chặt lấy Mark và chị Trang, ấp úng vài lời cám ơn và từ giã. Lúc ấy, tôi mới sực nhớ chưa hỏi địa chỉ liên lạc với họ. Mark trao cho tôi một tấm thiệp nhỏ, bẹo má tôi, bảo:
-  Cô giữ gìn sức khỏe để lo cho gia đình nhé? Tôi biết cô sẽ làm được.
Chúng tôi nhìn theo bóng Mark và chị Trang khuất dần sau cánh cổng ra vào, lòng tôi bùi ngùi, không biết đến bao giờ mới có thể gặp họ để được đền đáp ơn sâu này.
Ngồi trong xe trên con đường từ trại Pendleton về San Diego, tôi thiếp đi, mang theo mãi mãi trong lòng hình ảnh quê hương yêu dấu. Để rồi ngày mai, khi thức dậy, bỡ ngỡ, hoang mang, tôi sẽ ra sao? 
Mà ừ, mình sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ?

-  Uyên, dậy, vào ăn em. Anh Bạch quàng tay ra sau đánh thức tôi.
Tôi ngáp dài, uể oải vươn vai, dụi mắt nhìn qua cửa kính xe. Ngôi nhà nhỏ có chữ Jack-In-The-Box là nhà hàng ăn sao? Tôi lạ lùng hỏi:
- Mình vào đây ăn hở? Ăn gì vậy?
- Hăm Bơ Gơ, anh Bạch tủm tỉm cười.
- Là gì vậy? chị Vi xen vào.
Anh Bạch không trả lời, mở cửa đầy chị em tôi vào.
Mùi thơm của món rán bốc lên làm tôi sực nhớ chị em tôi chưa có hột cơm nào trong bụng suốt hôm nay. Trải qua bao nhiêu ngày vất vả, tâm thần tôi vẫn còn mơ hồ lắm, quên cả đói.
Anh Bạch mang từ quầy đến cho chị em tôi mỗi người một khay thức ăn, có bánh mì tròn tròn mà lại kẹp thịt băm, cà chua và thứ rau gì xanh xanh trong đó. Bên cạnh là gói khoai tây rán thơm phức, rồi một ly nước ngọt. Tuy đói meo, tôi vẫn ngại ngùng, do dự, không biết thứ này ăn ra sao. Bốc vài miếng khoai tây bỏ vào mồm, tôi liếc nhìn sang chị Vi, chị cũng chỉ nhẹ nhàng cắn mấy miếng khoai tây trên đĩa.
Anh Bạch dục:
-  Ăn đi chứ, ăn đi rồi còn ghé chợ mua thức ăn nữa.
Cắn thử vào miếng bánh, mùi vị là lạ cũng ngon. Bụng cồn cào không nhịn được nữa. tôi ăn ngấu nhiến, vừa ăn vừa nhìn chung quanh.
Ngoài kia, đường phố đã lên đèn. Đồng hồ trên tường chỉ gần 7 giờ tối. Tôi cũng không nhớ hôm nay thứ mấy. Bên cạnh tôi ngồi xúm xít một gia đình, vừa ăn vừa nói cười đùa vui vẻ. Tôi chạnh nhớ đến Bố Mẹ ở quê nhà. Bố Mẹ đang làm gì?  Chắc nhớ chị em tôi lắm, nhất là Mẹ. Tôi hình dung Mẹ ngồi lẻ loi trong căn nhà nhỏ thân yêu. Đôi mắt Mẹ u buồn hướng ra cổng nhà như mong chờ chị em tôi trở về.
-  Chúng ta đi, anh Bạch đứng dậy.
Tôi quệt nước mắt, lủi thủi theo anh ra xe.

Eo ơi, sao chợ siêu thị to quá thế này? Đèn đuốc ở ngoài bật sáng hơn ban ngày. Chúng tôi bước vào chợ. Tôi sững sờ nhìn hết góc này đến góc nọ. Đây là chợ ư? Sao không giống chợ Tân Định chút nào? Vừa rộng rãi mênh mông, vừa sạch sẽ, lại vừa nhiều thứ bày biện ngăn nắp ghê. Đây không có sạp, không có người ngồi bán, không có tiếng mời mọc như bà Ba hàng cá quen thuộc.
-  Chào cô Uyên. Hôm nay đi chợ với Mẹ hở? Mua cá đi cô. Cá thu mới chở đến, tươi lắm.
-  Mại dôi, mại dô, bánh mì nóng hổi mới ra lò đây, bà con cô bác ơi. Hổng nóng hổng lấy tiền.
 Giọng Nam của bác Tèo rao eo éo bên kia sạp. Chữ “nóng” của bác ấy kéo dài ra như kẹo kéo, nghe hấp dẫn lạ thường. Ngày nào Mẹ cũng mua một ổ bánh mì của bác.

Tôi đứng ngắm hàng rau. Ngoài những thứ quen thuộc như dưa chuột, cà chua, hành tây, tỏi, v.v.., tôi thấy có rất nhiều thứ rau gì lạ lắm. Sao không thấy rau riếp nhỉ?
Đi ngang dãy hàng thịt, tôi tò mò cầm xem một bịch thịt gà. Họ bao giấy bóng cẩn thận, lại có cả giá tiền. Tôi kéo tay chị Vi:
-  Sao rẻ quá chị Vi ơi, chỉ có $ 1,63 thôi chị ạ. Hay mình bảo anh Bạch mua nhé? Nhưng sao không có ai đứng bán, làm sao trả tiền?
Vừa nói xong, tôi chợt thấy anh Bạch đẩy một chiếc xe bằng sắt có bánh xe lăn lại gần chị em tôi. Trong xe đã đầy nhóc thức ăn, nào vài bịch thịt, nào mấy chai nước ngọt, một két nước lạnh, và những thứ lỉnh kỉnh như kem và bàn chải đánh răng, vài bịch cuộn giấy vệ sinh. Tôi chưa kịp hỏi, anh Bạch đã cười cười, lên tiếng, như biết tôi muốn hỏi gì:
-  Ở đây, mình đi chợ như thế này đó. Mình đẩy xe bỏ vào những thứ mình muốn mua, rồi ra quầy trả tiền một thể. Nào, xong chưa? Mình ra đứng xếp hàng trả tiền, rồi đi về nhé? Hai em còn muốn mua gì thêm không?
Tôi liếc nhìn vào trong xe thức ăn, định nói, chị Vi đã trả lời:
-  Đủ rồi anh, chỗ này cũng khá nhiều đấy. Chị quay sang tôi, khẽ lắc đầu nghiêm ngặt.

Căn nhà anh Bạch ở tại thành phố nhỏ Chula Vista nằm gần sát biên giới tiểu bang California và nước Mễ Tây Cơ. Chúng tôi khiêng thức ăn vào nhà. Đã gần 10 giờ đêm. Anh Bạch nói:
-  Khuya rồi, cứ để đó, anh sẽ thu dọn. Hai em chắc mệt mỏi nhiều. Có muốn đi tắm đi, rồi đi ngủ nhé? Ngày mai anh cũng phải đi làm sớm. Anh có làm thêm chìa khóa để hai em xử dụng. Tối mai, mình sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Anh nhường phòng cho chị em tôi, mang một tấm chăn mỏng ra phòng ngoài. Chưa đầy mười phút sau, tôi đã nghe tiếng ngáy khò của anh.
Ngả lưng bên cạnh chị Vi, tôi cố dỗ lấy giấc ngủ.  Hình ảnh Bố Mẹ và gia đình vẫn còn luẩn quẩn trong đầu khiến tôi không tài nào nhắm mắt. Tôi quay sang chị. Chị vẫn còn thức, đôi mắt vu vơ nhìn vào khoảng không. Tôi thì thầm:
- Không biết bây giờ Bố Mẹ đang làm gì. Ngày mai em muốn viết thơ về nhà, em nhớ Bố Mẹ quá.
- Ừ, chị cũng vậy. Ngày mai tụi mình viết thơ cho Bố Mẹ.
Nghe giọng chị run run, tôi trố mắt nhìn chị. Qua tia sáng yếu ớt của ngọn đèn đường chiếu len lỏi qua khung cửa sổ, đôi mắt chị long lanh những giọt lệ. Lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Nước mắt tôi tuôn ra, tôi bậm môi, cố nén lấy tiếng khóc. Chị kéo người tôi vào lòng, hai chị em xót xa….

Tiếng chó sủa inh ỏi ngoài nhà làm tôi giật mình choàng dậy. Nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ sáng. Tôi chồm dậy, ra phòng ngoài, đã thấy điểm tâm bày sẵn trên bàn. Thấy tôi, chị Vi tươi cười:
-  Dậy rồi à? Đánh răng rửa mặt đi, rồi ra ăn.
Tôi ngồi vào bàn, lúc ấy mới có dịp nhìn chung quanh. Anh Bạch sống độc thân, căn nhà giản dị chỉ có một phòng khách và phòng ăn chung nhau, trơ trọi một vài chiếc ghế, một chiếc bàn con kê sát tường. Máy truyền hình nhỏ trong góc phủ đầy bụi. Đằng sau là phòng ngủ và phòng tắm. Trong bếp để úp một vài cái nồi, dăm ba đôi đũa, chai nước mắm nhỏ xíu đã gần cạn. Những cánh cửa sổ để trống không, không màn cửa. Tôi còn đang bâng khuâng, chị Vi cất tiếng:
-  Ăn xong, chị em mình ra ngoài xem đường phố chút, em đi không?
Tôi cười, gật đầu.
Hai chị em xuống nhà. Tôi thích quá, tung tăng bên chị như một đứa trẻ. 

Hơn một tuần lễ trên đảo Guam, chúng tôi sống trong trại, hằng ngày thơ thẩn chung quanh, lân la làm quen với những người bạn đồng hương, mỗi ngày đứng xếp hàng 3 lần sáng, trưa, tối, đi nhận thức ăn. Được một ngày họ dẫn chúng tôi ra biển tắm. Nước biển ấm, trong vắt, thấy tận đáy, lăn tăn rất nhiều những con cá con đủ màu sắc lượn qua lại dưới chân. Tối đến, họ cho phép chúng tôi tụ họp quây quần trong một căn lều để nói chuyện. Chúng tôi có dịp gặp lại được một ít khuôn mặt quen thuộc, nên cảm thấy đỡ bỡ ngỡ trên đảo. Một đêm vào cuối tuần, họ có ban nhạc địa phương đến giúp vui chương trình văn nghệ. Tuy không nhàm chán lắm, nhưng tôi cảm thấy gò bó trong luật lệ của trại tị nạn. Có một ngày, tôi hỏi Mark xin ra phố. Mark lắc đầu:
-  Kỷ luật an ninh trong trại không cho phép cô ra ngoài đâu. Nếu cần gì, tôi mua cho cô.
Tôi buồn, hình như thiếu điều gì…

Hôm nay, được ra ngoài dạo phố, tôi hớn hở vô cùng. Chula Vista tuy nhỏ bé nhưng rất sầm uất. Chỗ anh Bạch ở gần trung tâm phố, bước xuống nhà, đi xuyên qua dãy cư xá đã nghe thấy tiếng ồn ào tấp nập ngoài đường cái. Chị em tôi chợt kéo nhau dừng lại. Xe cộ đâu ra nhiều quá, lướt ào ào trên con đường rộng lớn làm chúng tôi hơi sợ, chùn chân. Con đường ở quê nhà tôi chật hẹp, bề ngang chỉ một xe, thỉnh thoảng mới thấy có vài chiếc xe qua lại, còn thì xe gắn máy như Honda, Suzuki, Mobylette hay xích lô đạp thì nhiều lắm. Ở đây không thấy các loại xe này.
-  Mình đi đâu bây giờ?, tôi quay sang chị Vi.
-  Bên trái mình có vẻ có nhiều cửa hàng, mình sang bên đó đi.
Chị kéo tay tôi. Chúng tôi đi chầm chậm trên lề, vừa đi vừa ngắm chung quanh. Đến gần góc đường, chợt thấy trước mặt 2 chữ “DON’T WALK” màu đỏ bật lên, tôi giật mình nắm tay chị Vi. Chị cũng vừa trông thấy, lẩm bẩm:
- Chẳng nhẽ đi bộ trên đường này cấm chăng?
Chúng tôi ngừng lại, nhìn nhau, không biết có phải quay về hay không. Còn đang lưỡng lự, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên từ phía sau lưng:
-  Hai cô đi lạc hở? Tôi giúp được gì không ?
Chúng tôi quay lại. Một người đàn bà “ngoại quốc” lớn tuổi mỉm cười, nhìn chúng tôi chăm chú. Chị Vi ngập ngừng chỉ tay về phía đèn đỏ:
-  Cám ơn Bà. Chúng tôi không hiểu dấu hiệu đó.
Bà ta giải nghĩa cho chúng tôi, môi nở nụ cười thật tươi. Thẹn thùng cám ơn, chúng tôi rảo bước đi đến ngã tư đường.
-  Rõ ngớ ngẩn. Chị em mình đúng nhà quê lên tỉnh, chị Vi hay háy mắt.
Hai chị em khúc khích cười.

Những cửa hàng dọc con đường trưng bày các thứ bán trông thật đẹp mắt. Chúng tôi chỉ đứng ngoài cửa kính nhìn, không dám bước vào tiệm. Đi ngang một cửa hàng tạp hóa, trông thấy mấy bịch bánh bông lang ở giữa có kem treo lủng lẳng, tôi thích quá, hỏi chị, không biết thứ này họ bán bao nhiêu.
-  Thôi em, mình vừa ăn sáng xong.
Tôi chợt nhớ lại. Trước khi lên đường rời quê hương xứ sở, hai chị em gom góp tiền để dành, đưa cho Mark mang đi đổi, chỉ được khoảng gần hai trăm đồng tiền Mỹ. Bố Mẹ đã dặn dò kỹ lưỡng, không được tiêu hoang, phải giúp đỡ anh Bạch khi sang bên ấy. Tôi rùn vai quay đi, thèm thuồng chiếc bánh bông lang.
Chúng tôi lang thang suốt con đường cái, trông thấy gì cũng xuýt xoa. Phong cảnh ở đây khác hẳn phong cảnh thành phố ở quê nhà. Mênh mông rộng lớn, đi bộ loanh quanh gần một tiếng đồng hồ, vẫn chưa đi xa bao nhiêu. Chị Vi bảo:
-  Có lẽ mình không nên đi xa quá, rồi lại đi lạc. Mình kiếm chợ đi, mua một ít rau và cà chua, chiều nay ăn với thịt bò.
Chị kéo tay tôi, tạt vào một tiệm tạp hóa nhỏ, hỏi thăm ngôi chợ gần nhất. May quá, họ chỉ đi bộ thêm hai góc đường nữa.
Vào chợ, tôi đảo mắt kiếm chiếc xe đẩy như anh Bạch chỉ. Vừa đẩy, vừa ngẫm nghĩ. Khi đi bộ về từ chợ Tân Định, bao giờ Mẹ cũng xách hai tay hai giỏ đầy thức ăn. Lắm hôm đi với Mẹ, đi vòng chợ mua thứ gì xong là lại nhét vào giỏ, xách nặng ơi là nặng. Ở đây có xe đẩy, tiện lợi vô vùng. Hai chị em được dịp thong thả, đi ngắm chợ hết hàng này đến hàng khác. Tôi kéo tay chị.
-  Mình mua một ít trái cây nhé? Xem xem ở đây mùi vị ra sao.
Chị gật đầu đồng ý. Tôi chọn một nải chuối nhỏ, vài quả lê và táo, để vào xe. Tôi chợt để ý thấy người đàn bà bên cạnh xé miếng ny-lông bỏ trái cây vào đó. Tôi bắt chiếc làm, gói cẩn thận trong bịch, gói luôn cả mấy bó rau chị vừa mua. Chúng tôi ra quầy trả tiền. Trong lúc đứng xếp hàng, chị Vi với tay lấy một bịch bánh bông lang treo bên cạnh, quay lại, nói:
- Lúc nãy em thích ăn thứ này, phải không? Bây giờ mình mua ăn thử nhé?
Tôi cười toét miệng, thích thú. Chúng tôi đi bộ về, chị lôi ra bịch bánh, bẻ nửa cho tôi. Tôi nhìn chị, thương chị vô cùng.

Về đến nhà, chị bảo:
- Lúc sáng, anh Bạch có nói hôm nay về sớm, Chị em mình bắt đầu làm cơm đi là vừa.
Tôi vội vàng thay quần áo, vào bếp lăng xăng giúp chị.
-  Tối nay mình ăn cơm thịt bò với rau. Em rửa rau đi, rồi bắc nồi cơm cho chị.
Tôi loay hoay kiếm bich gạo, không biết anh Bạch để đâu. Vừa lúc ấy, anh điện thoại, bảo sắp về:
-  Anh đoán chị em đang nấu cơm, phải không? Dường như còn một ít gạo, chắc không đủ cho cả nhà. Anh sẽ ghé chợ mua thêm nhé?

Vừa bước vào nhà, anh Bạch đã reo lên:
-  Thơm quá, trời ơi thơm quá. Chị em nấu gì thơm thế?
Chị Vi quay lại cười, không nói. Tôi nhanh nhẩu:
-  Chị Vi làm bò bí tết. Lúc nãy quên không dặn anh mua thêm chai nước mắm. Nhà còn chai nào không?
-  Mình ăn với xì dầu đi vậy nhé? Ngày mai thứ Bảy, anh dẫn hai chị em đi phố Tàu, mua thêm những thứ cần dùng.
Rồi cứ thế, chẳng buồn thay quần áo, anh đã xà vào bếp, nói ầm ĩ:
-  Ăn chưa, ăn chưa? Đói quá rồi.
Xa cách bao nhiêu năm, anh Bạch vẫn vậy, không thay đổi. Mộc mạc, hồn nhiên như một đứa trẻ.
Chị Vi làm mặt nghiêm:
-  Anh vào tắm, thay quần áo đi đã. Năm mười phút nữa mới ăn được.
Anh nhăn nhăn mặt, lè lưỡi:
-  Ô kê, tuân lệnh Bà Đầm !
Chúng tôi ngồi vào bàn. Anh Bạch vừa ăn, vừa xuýt xoa:
-  Ngon quá, ngon quá. Đã lâu, anh chưa được ăn ngon như thế. Anh sống một mình, làm biếng nấu, hay chạy ra đầu đường ăn cho tiện.
Thấy anh ngồi ăn thun thút, chị em tôi tủm tỉm, cười sung sướng.
Chúng tôi cười đùa nói chuyện huyên thuyên suốt bữa cơm, tạm quên đi những lo âu vương vấn trong lòng.

Ngồi ăn tráng miệng, anh Bạch hỏi thăm chuyện hai chị em. Tôi liến thoắng kể những sự kiện đã xảy ra. Anh nghe xong, thở dài:
-  Thôi, cũng là số cả. Đừng buồn nữa. Hai em chạy sang đây rồi, xem như là bước đầu. Bố là một người tài giỏi. Thể nào gia đình mình cũng sẽ thoát mà.
Ngừng một lúc, anh nói tiếp:
-  Anh theo dõi tình hình chiến sự hằng ngày trên đài truyền hình, và biết rõ trận chiến diễn tiến ra sao. Anh có đi hỏi các cơ quan chính phủ để bảo lãnh gia đình sang, nhưng lúc ấy, tất cả đều quá trễ. Mọi sự việc, một là tiến hành rất chậm, hai là đã ngưng đọng, thủ tục cách thức lủng củng lắm. Gọi điện thoại về cũng khó khăn. Anh đành nhắm mắt, phó mặc cho số Trời, và cầu nguyện phước lành cho gia đình thôi.
Tôi buồn hiu, nghĩ lo lắng cho Bố Mẹ. Qua một lúc lâu, anh nói tiếp:
-  Trong tuần tới này, anh có xin phép sở cho về sớm suốt tuần. Anh muốn có thêm ít thì giờ, dìu dắt các em cho quen thuộc chút đỉnh đời sống bên này. Tuần sau đó, anh sẽ bắt đầu đi làm thêm buổi tối. Anh nhận việc đi bán sách thêm. Lúc trước sống một mình, anh tà tà. Bây giờ có thêm hai em, anh phải lo chu toàn. Hai em muốn gì, cứ việc nói anh biết nhé?
Tôi nói ngay:
-  Em muốn đi học thêm về nhạc. Anh xem hộ cho em nhé?                             

Xin đón xem tiếp Phần 3 ...

Thuỵ Uyên



Viết

Biết viết gì đây? Hay là mình viết về… viết? Cũng có lý lắm chứ nhỉ?
Ngôn là lời để nói, ngữ là chữ để viết. Lần này, chúng ta sẽ nói chuyện về viết, lần khác có dịp, mình sẽ viết về nói nhé.

Từ nói đến viết
Từ thời thượng-cổ, có lẽ loài người đã biết suy nghĩ trước khi biết nói. Nói cho ngay, thuở sơ-khai đó, trí óc loài người chưa có gì là “văn-minh” cho lắm, ổ đĩa cứng thì chả có bao nhiêu nên ngôn-ngữ cũng chỉ để dùng qua loa trong đời sống hàng ngày mà thôi. Trí óc dần dần cũng tiến nhiều, từ-vựng mới mỗi ngày mỗi phong phú hơn.
Rồi lời nói không cũng không đủ. Liên lạc với người ở xa khi chưa có điện thoại hay Internet thì khó lắm. 
Vả lại, lời nói bay mất, chữ viết thì vẫn còn lại (les paroles s’envolent, les écrits restent).
Truyền khẩu chỉ là một giải-pháp cực chẳng đã nên loài người đã phải chế tạo ra chữ viết, lúc đầu chỉ là những hình ảnh tượng trưng như chữ tượng hình (hiéroglyphe) của người Ai-Cập cổ-đại viết trên giấy cối (papyrus), đã xuất-hiện bốn ngàn năm trước Công-nguyên.
Từ đó, những vua chúa mới ban chỉ, cho viết quốc-sử, những nhà lãnh-đạo tinh-thần như Đức Phật, Khổng-Tử, … đi đâu cũng có đệ-tử đi theo ghi chép lời thánh hiền để giảng dậy lại cho đại chúng.
Cho đến ngày nay, ở những nước tân-tiến, gần như ai ai cũng biết viết, dù không được đi học nhiều. Thời-buổi Internet, gần như ai ai cũng biết « text » hay viết thư điện-tử (email). Mặt khác, những thi-sĩ, văn sĩ nghiệp dư cũng ngày càng đông. Chữ viết đã trở thành một nhu-cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày.


Viết gì ?
Những thể loại viết rất đa dạng. Nói chung, chúng ta có thể phân-biệt bốn loại viết :
- Viết trong đời sống cá-nhân hàng ngày : khi ta viết thư, text, email cho bạn bè, thân hữu, viết nhật ký hoặc khi ta phải lo giấy tờ hành chánh với những cơ-quan hữu trách (căn-cước, thuế má, y tế, ngân hàng, …) ;
- Viết trong khuôn-khổ nghề-nghiệp : trong khi đi làm (viết biên bản, báo cáo, tường-trình, bài tin-tức, hợp-đồng, hiệp-ước, …) ;
- Viết trong khuôn-khổ nghệ-thuật : viết văn, làm thơ, viết hồi ký, ... ;
- Viết trong khuôn-khổ nghệ-thuật chuyên-nghiệp / thương-mại : kịch, thơ, văn, bài báo nghệ-thuật… được xuất-bản. Thể-loại này đặc-biệt ở chủ-đích thương-mại với những tính-cách đôi khi đối-nghịch với loại nghệ-thuật “bất vụ lợi”.

Nói một cách khoa-học, bộ óc chúng ta không đồng nhất : phần bên trái chuyên về trí-năng phân-tích, dựa trên lý tính, thường dùng một cách “khách quan”, trong khi phần bên trái chuyên về trí-năng tổng-hợp, dựa trên trực giác, thường dùng một cách “chủ quan”. Nói cách khác, phần óc bên trái là “trí” trong khi phần óc bên phải là “tâm”.
Phần óc bên trái (khách quan) thường điều hành những bài viết trong khuôn-khổ nghề-nghiệp trong khi phần óc bên phải (chủ quan) phần lớn sẽ điều-hành những bài viết trong khuôn-khổ nghệ-thuật. Những bài viết trong khuôn-khổ nghệ-thuật chuyên-nghiệp đương nhiên dụng đến cả hai phần óc.

Viết làm sao?
Thông thường ta nghĩ sao nói vậy (trừ những trường-hợp như đọc diễn-văn hay khi chuẩn-bị để được phỏng vấn) và chỉ tuỳ thuộc cá-tính người nói, và hình-thức không phải là vấn đề chính.
Ngược lại, viết là để dấu vết lại nên thường phải nặng phần hình-thức hơn và viết cũng tuân theo một số luật-lệ căn-bản.

Một bài viết, nhất là nếu quan trọng hoặc phức tạp phải có bố cục rành mạch:
- Tựa đề để thông báo về đề-tài và ý nghĩa của bài. Tựa-đề phải “hấp-dẫn” như thế nào để bài được người đọc chú tâm ;
- Đầu bài dùng để giới thiệu hoán-cảnh, chủ-đích của bài, giải-thích thêm về chủ-đề ;
- Thân bài là phần chính của bài. Các phân đoạn nên được chia với độ dài vừa phải, mỗi câu đừng quá dài, để mắt và óc người đọc ít bị mỏi khi phải đọc những đoạn văn dầy đặc chi chít. Mỗi chương nói về một ý chính (thường là tiểu-đề của chương) ;
- Kết luận dùng để tóm tắt lại nguyên bài. Ngoại trừ những đề-tài vô thưởng, vô phạt, một bài nói (diễn văn, quảng cáo, thuyết-trình, thương lượng, …) hay một bài viết bao giờ cũng có chủ-đích gây ảnh hưởng đến người đọc, ít nhất là chia sẻ cảm nghĩ của mình và kết-luận là những điều người viết muốn người đọc hiểu rõ và nhớ.

Bài viết dĩ nhiên phải tránh mọi lỗi chính-tảvăn-phạm căn-bản. (Xin mời đọc lại những bài về chính tả).
Từ vựng phải chính xác nhưng dễ-hiểu đối với người đọc, lối viết phải súc tích nhưng đầy đủ và nhất là thích-hợp với giới độc-giả (thí dụ như trong khuôn-khổ nghiêm-túc thì nên tránh đùa giỡn…). Dùng tiếng Việt mới thì những người như tôi đầu hàng vô điều kiện.


Những điều khác không kém quan-trọng là chấm, phết, chấm phét, xuống hàng, bỏ hàng, dùng ngoặc đơn, ngoặc kép cũng như gạch đít, viết đậm, viết nghiêng, …
Victor Hugo có từng nói: «Hình-thức là nội-dung nổi lên bề mặt » (La forme, c’est le fond qui remonte à la surface.) Ngoài trừ nhật-ký mình không cho ai đọc nhưng nếu đã viết cho người đọc thì ít nhất phải khiến cho người đọc muốn đọc, làm sao cho người đọc hiểu để chia sẻ một ít gì của mình. Và làm sao đem lại một niềm vui cho người đọc.

Viết và tôi
Trước hết, tôi xin khẳng định mình không phải thi sĩ (thơ tôi viết, tiếng Pháp cũng như tiếng Việt không đến hai trăm bài), tôi cũng không phải nhà văn (tôi chưa hề xuất bản được một quyển sách nào). Chỉ biết lúc còn đi học, tôi thích văn-chương, Việt và Pháp, cho dù tôi dần dần theo học ban Toán. Tôi nhớ một dạo, ông thày Pháp văn có khuyên tôi học thêm môn La-Tinh và Hy Lạp để nắm vững Pháp văn hơn nhưng con trẻ nào thích học « thêm » đâu ? (Sau này, tôi mới tiếc không nghe lời thày răn). Tôi cũng thích đọc sách và tôi thường ra vào thư-viện một hai lần mỗi tuần.

Có lẽ tôi bắt đầu viết là khi tôi xa nhà. Nhớ nhà, nhớ gia-đình, tôi thường hay viết thư về cho đỡ nhớ, rồi sau đó, tôi cảm thấy cần viết cho chính mình hơn. Tôi bắt đầu viết lên cảm xúc mình qua văn xuôi rồi tôi cũng tập tành làm thơ « con cóc ». Sau đó, tôi cũng có đăng thơ văn mình trên báo của Hội Sinh-Viên thuở đó. Và tôi bước chân vào con đường « viết ».
Cũng như một số lớn, tôi cũng đã viết thơ tình, để tỏ tình hay để cho vơi đi những nỗi thất tình. Tình yêu bao giờ cũng là đề-tài chính của thi văn.
Tôi cũng có trải qua một giai-đoạn đi tìm chính mình, đi tìm ý-nghĩa cuộc sống và ngòi bút đã là một cứu cánh giúp tôi thông qua những câu hỏi riêng tư không có câu trả lời. Những “tiếng vọng từ đáy vực” đó cũng đã là một giai-đoạn viết của tôi.


Rồi cách đây bốn năm, về hưu không biết làm gì, tôi nổi cơn bốc đồng viết blog, bước thêm một bước vào ngành này. Tôi bắt đầu nếm thử những thể-loại mới như dịch thơ, kịch vui, chuyện ngắn, tham khảo ngôn-ngữ, nghiên cứu về một nhạc-thi sĩ (Ngô Thuỵ Miên, Charles Aznavour, Jacques Brel), …
Ngoài ra, vào đến tuổi này, dĩ vãng dài gấp mấy lần tương lai, tôi chả còn sáng tác được bao nhiêu và viết hồi-ký có lẽ là dễ hơn, có phải không ạ?

Nói đùa tí cho vui nhưng có lẽ tôi không có máu sáng tác hay tâm-hồn thi sĩ, văn sĩ gì cả. Tôi chỉ viết khi có gì để nói, một cảm xúc để bộc lộ, một tâm tư để chia sẻ. Suốt hai năm trời sống trong cảnh Ngưu Lang-Chức Nữ cùng với vợ tôi, tôi đã viết rất nhiều văn cũng như thơ nhưng từ ngày đoàn tụ, tôi không viết được bài nào “ra hồn” cả (cũng như vợ tôi chỉ viết được mấy bài nhạc trong thời-kỳ đó).
Tôi không có số đào-hoa với những nàng Thơ, nàng Văn nên tôi cần một động-cơ nào, một dịp gì đó để thúc đẩy tôi viết. Thí dụ như có một dạo, ông thày dạy hát của tôi tổ-chức, mỗi tháng một lần, một buổi văn-nghệ (hát hay đọc thơ-văn) có chủ-đề. Và mỗi tháng, tôi lại có dịp tập một bài hát và nhất là viết ; có khi tôi không hát nhưng lần nào tôi cũng viết.
Nói về mặt hình-thức, chắc hẳn viết trong khuôn-khổ chuyên-nghiệp đã giúp tôi rất nhiều. Lúc còn đi làm, tôi đã có dịp làm tại trụ-sở một hãng rất lớn và đôi khi tôi phải làm phúc-trình cho mấy ông xếp lớn để trình bày về một vấn-đề gì đó và dĩ nhiên, tôi không thể viết bậy, nói bạ với mấy ông “to đầu” đó.
Sau đó, tôi đã ra làm riêng trong ngành cố-vấn (consultant) và huấn luyện viên (training) về quản-trị (management) suốt hai mươi năm. Cố vấn thì phải hiểu và giúp khách hiểu và giải-quyết những vấn-đề chính của họ và huấn-luyện thì phải có óc sư-phạm. Và tôi bắt đầu chú trọng nhiều vào phần hình-thức.

Viết để làm gì?
Tại sao có người thích hát? Tại sao có người thích vẽ? Tại sao có người thích viết? 
Tôi chỉ có cảm xúc và tôi cần có một phương-tiện để bộc-lộ lên những gì mình ôm ấp trong lòng. Tôi viết để trút ra bên ngoài những gì ấp ủ bên trong, viết để chia sẻ, để tự hiến dâng một phần gì nơi mình, viết để tự chấp nhận những gì nơi mình. Miguel Del Castillo đã có nói: "Tôi vẫn viết để tránh né sự sống...", không biết ông ấy muốn nói gì nhưng đôi khi tôi có cảm tưởng mình viết để tránh né cảm xúc, làm như chữ nghĩa có thể thay thế hay thay đổi cảm giác? (Hay là người Mỹ da đen lúc trước cũng hát nhạc Blues để quên đi nỗi thống khổ?)
Tôi chỉ hay suy luận, tìm hiểu và viết chắc hẳn là một cơ-hội để học hỏi và chia sẻ được với người chung quanh lại là một niềm vui khác. 

Tôi cũng thích đùa giỡn với chữ, tôi thích chơi chữ, thích sự liên-hệ giữa chữ và nghĩa. Và vui thú nhất là khi người đối diện tâm đầu ý hợp với mình và đối đáp lại và chung vui với mình và chữ.


Nói về đồ-nghề viết, bây giờ ít ai dùng bút nữa, cái bảng gõ đã xuất hiện trên máy vi-tính, trên máy điện-thoại di động, trên tablet, ... nhưng tôi vẫn thích viết bút máy hơn, không hiểu sao?
Tôi nhớ lúc còn bé đi học, tôi được dùng bút mực với ngòi bút Sergent-Major, sau đó sang bút máy thì tôi có bút Pilot của Nhật, nét nhỏ. Khi tôi bắt đầu viết, tôi thích loại bút mực Parker (làm gì có tiền mua bút máy Mont Blanc?) với ngòi mạ vàng, nét đậm và tôi thích mua những quyển vở đẹp, viết cho sướng.
Thật tuyệt vời khi tâm trí bay bổng giữa chữ và nghĩa và ngón tay thì dìu ngòi bút lả lướt trên trang giấy, như một cặp vũ công uốn người theo điệu Tango Argentina. 
Khi viết, mình như trên đường đi nhưng bước chân không biết đi đâu và đôi khi càng đi lạc, càng gặp những điều thú vị. 
Tôi chưa bao giờ thử qua những chất làm cho phê nhưng tôi cũng đoán khi lên mây rồi chắc cảm hứng phải lai láng lắm? Và tôi cũng hiểu vì sao bao nhiêu nghệ-sĩ trong mọi địa hạt đã thử qua những chất kích thích đó?
Nói cho cùng, với tuổi này, viết cũng chỉ là một phương cách để ngăn chặn An-Dzai-Mơ nó đang rình tôi chứ để nó xuất chiêu thì muộn mất. 
Lúc trước, tôi còn chơi Sudoku để những tế-bào não tập thể-dục chút nhưng rồi cũng chán vì những con số chả bao giờ giúp tôi khuây khoả cả (trong nhà, vợ tôi lo hết những công việc sổ sách mà?) Hay là già rồi, chả muốn suy-nghĩ gì nữa không biết chừng?


Viết đến đây thì mực cũng đã cạn rồi. Cuối cùng, viết về viết cũng chỉ để viết. Viết để viết. Chấm hết.

Yên Hà, tháng sáu 2015


Tiếng nước tôi : Ngôn-ngữ thơ



 Ngôn-ngữ là chất-liệu của tác-phẩm văn-chương và trong vườn văn-chương, chắc hẳn Thơ phải là đoá hoa đẹp nhất.
Thơ là một hình thức nghệ-thuật dùng từ, dùng chữ trong ngôn-ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới một hình thức lôgic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm-thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe. (Wikipedia)

Có lẽ vì tính-chất đa-thanh của tiếng Việt, người Việt Nam chúng ta rất yêu thơ và ngôn ngữ Việt Nam giàu thi tính một cách đặc-biệt. Bằng chứng cụ-thể nhất là kho-tàng ca dao chúng ta phong phú như thế nào.
(Tiếng nước tôi : Văn học dân gian / Ca dao
 
http://phu-tran.blogspot.com/2014/07/tieng-nuoc-toi-van-hoc-dan-gian-3-ca-dao.html).

1. Thơ và ngôn-ngữ  thông thường
Đối với nhà ngôn ngữ học Roman JAKOBSON thì “Thơ tức là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ” và “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ”.

Khi loài người phát-minh ra ngôn-ngữ, mục-đích đầu tiên là để liên lạc với nhau trong cùng một cộng-đồng vì thiếu ngôn-ngữ, chúng ta không hơn người câm điếc. Vượt qua mức-độ cơ-bản đó, ngôn-ngữ trở thành dụng cụ để giúp trí thông-minh của loài người mỗi ngày mỗi khai-triển, và ngược lại, trí thông minh càng cao thì ngôn-ngữ lại càng cải-tiến. 
Như vậy, chúng ta có thể nói có loại ngôn-ngữ “thông thường” để liên-lạc với người chung quanh trong đời sống hàng ngày để đi chợ, nói chuyện, đùa giỡn với bạn bè, viết thơ cho người ở xa,… đi làm (dù chỉ là nghề tay chân),
Có loại ngôn-ngữ “chuyên-nghiệp”, dùng trong sinh-hoạt các nghề-nghiệp, trong lúc “đi làm”.
Bắt đầu gọi là “văn-chương” những công-trình mang theo một tầm vóc nghệ-thuật, lấy cái “Mỹ”, cái Đẹp làm chuẩn.  Yêu thơ là yêu lời nói đẹp.

Nói theo thi-sĩ Paul Valéry, « Thơ là một ngôn-ngữ trong ngôn-ngữ » và «Thơ là ngôn ngữ trong chức-năng thẩm mỹ của nó».

Hay nói theo Nguyên Sa, “Thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng. Làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy (…) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu”. 

2. Đặc-tính ngôn-ngữ thơ
- Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, sắc màu, cảm xúc

Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu-ứng nghệ-thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. 
Khác với văn xuôi thường dùng để mô tả, thơ có sức mạnh gợi hình, gợi sắc, gợi cảm. Một chữ, một câu là chúng ta hình dung ngay cảnh-tượng như một bức tranh, là chúng ta cảm xúc được trực tiếp linh hồn bài thơ.

Thật là gợi hình, gợi cảm những câu thơ như:
   Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
   Đợi gió đông về để lả lơi
Hàn Mặc Tử (Bẽn lẽn)

Trong bài thơ Huyền-diệu mà Xuân Diệu đã tiểu đề “Les parfums, les couleurs et les sons se répondent » (Hương, sắc và thanh trả lời nhau), (Baudelaire):
   Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
   Say người như rượu tối tân-hôn,
   Như hương thấm tận qua xương tuỷ
   Âm-điệu, thần tiên, thấm tận hồn…
   … Hãy nghe lẫn lộn ghé bên tai
   Giọng suối, lời chim, tiếng khóc người,
   Hãy uống thơ tan theo khúc nhạc
   Ngọt ngào than gọi thuở xa khơi…
Hương, sắc, thanh và cảm xúc quyện với nhau một cách thật… huyền-diệu.

- Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính 
Tính nhạc là nét đặc thù rất cơ bản của ngôn ngữ thơ. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy.
Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. 
Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). 
Nhưng thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên)

Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh…
Sự cân đối (sự tương xứng hài hoà giữa các dòng thơ), sự trầm bổng (thể hiện ở cách hoà âm, ở sự thay đổi độ cao giữa hai nhóm thanh điệu), sự trùng điệp (thể hiện ở sự dùng vần, điệp từ, ngữ và điệp cú)… là những yếu-tố khác.

Tính nhạc là một đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ thơ ca và rất nhiều trường hợp các nhạc sĩ sử dụng ngay những bài thơ có sẵn làm chất liệu sáng tác cho bài hát của mình. 
Trong thi ca Việt-Nam, thơ phổ thành nhạc là chuyện rất thông thường. Bài thơ "Áo lụa Hà Đông" của Nguyên Sa mà nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã phổ thành nhạc thật là tiêu biểu. Đọc lên bài thơ là chúng ta cảm nhận được ngay ý nhạc một cách rất ư là tự nhiên.

- Tương quan lời và ý
Trong lời nói thường và văn xuôi, lời là phương tiện của ý, “Được ý phải quên lời, như được cá quên nơm” (Trang Tử). 
Trong thơ, ý là phương tiện của lời trên hai phương diện:
trong cấu trúc, ý nâng lời, tạo tương quan cho từ ngữ;
ngoài cấu trúc, ý làm môi giới giữa lời thơ và người đọc, người nghe. 

Câu thơ không có ý thì không có xương sống và không có độc giả. Thơ hay không phải tại ý, như ngựa thiên lý không phải nhờ vào giây cương, cho dù giây cương là cần thiết. 
Điều chính yếu trong thơ không phải là nói cái gì, mà là nói ra sao.

- Thơ hay bao giờ cũng là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa âm thanh và ý nghĩa, hình ảnh. Chữ và nghĩa trong ngôn ngữ thi ca hòa quyện với nhau như hình với bóng, như xác với hồn nên việc tách rời chúng ra khỏi nhau sẽ làm tổn hại đến bình diện ngôn ngữ và thẫm mỹ của câu thơ.

- Ngôn ngữ thơ có tính hàm súc
Một khác-biệt giữa văn xuôi và thơ nằm ở điểm này. Một quyển tiểu-thuyết dài hơn trăm trạng đôi khi không ấn-tượng mạnh bằng một bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu. Tôi nhớ thuở còn đi học, chúng ta cứ phải bình giảng thơ chứ rất ít khi bình giảng văn. Trong bài thơ, một chữ, một câu biết bao là hàm ý, đôi khi còn là ẩn ý nên bình sai là chuyện thường.
   … Hãy buông lại gần đây làn tóc rối
   Sát gần đây nữa cặp môi điên
   Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
   Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.
Vũ Hoàng Chương (Quên)
Bốn câu cuối bài thơ như một tràng pháo bông làm nổ tung bao cảm xúc cầm nén trong những câu thơ trên.

   …Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
   Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Hồ Dzếnh (Ngập ngừng)
Chỉ hai câu thơ mà tóm tắt gọn đề tài “Tình yêu” trong văn chương nói chung, trong văn chương Việt-Nam nói riêng.

- Ngôn ngữ thơ có tính truyền cảm
Tính truyền cảm cũng là đặc trưng chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, bởi tác phẩm văn học là sản phẩm của cảm xúc của người nghệ sĩ trước cảnh đời, cảnh người, trước thiên nhiên.
Tuy nhiên, do đặc trưng của thơ là tiếng nói trực tiếp của tình cảm, của trái tim nên ngôn ngữ thơ ca có tác dụng gợi cảm đặc biệt. 
Ngôn ngữ thơ chủ quan, không bao giờ là ngôn ngữ chú trọng miêu tả cái khách quan như ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự. Nếu nhà văn dùng ngôn ngữ để thuyết minh, miêu tả, nhắn nhủ, giải thích... thì nhà thơ dùng ngôn ngữ để truyền cảm.
Sức truyền cảm đó càng mãnh liệt khi người đọc cũng đã trải qua tâm trạng mà thi-sĩ nêu lên.
   Hôm nay, trời nhẹ lên cao
   Tôi buồn, không hiểu làm sao tôi buồn

Xuân Diệu (Chiều)
Đọc lên hai câu thơ này, chúng ta hiểu ngay cảm xúc của thi sĩ. Ai mà chả có lúc có tâm-trạng đó?

Nghe bài “Biết bao giờ trở lại” của nhạc-sĩ Ngô Thuỵ Miên
   Tôi đã đi, tôi đã đi mãi biết bao giờ trở lại
   Sài-Gòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi…
   … Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại…
Có mấy ai không khỏi bùi ngùi?

- Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. 
Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tuỳ hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tuỳ chế độ chính trị, xưa cũng như nay.
Thơ bắt nguồn từ thực tế vì phải sử dụng ngôn ngữ hàng ngày dù để chế biến, xáo trộn, vì ngôn ngữ vốn là phản ánh của đời sống. Thơ lại sử dụng những tình ý của con người, thì dù muốn dù không, cũng phản ánh xã hội. Những thi phẩm lớn của ta như Kiều, Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm, đều mang ít nhiều đặc tính của xã hội. 
Vì thế ngày nay tại các nước công nghiệp tiên tiến, thơ vẫn là một bộ môn quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là cấp tiểu học. Trẻ em học thơ để yêu tiếng nói, rồi từ đó yêu quê hương, loài người và cuộc sống.

3. Kỹ-thuật ngôn-ngữ thơ
Nói thì chúng ta đã biết nói từ thuở bé tí, viết thường thì chỉ cần nghĩ sao, viết vậy. Viết văn xuôi thì chỉ cần chút ít văn phạm và viết sao cho mạch lạc nhưng viết một bài thơ phải theo luật, theo lệ để viết cho đúng, phải có kỹ-thuật để viết cho hay. (Điều nay tương tự như nói và hát.)
Trong phạm-vi bài này, chúng ta chỉ có thể nêu lên những điểm chính chứ muốn nắm hết nghệ-thuật làm thơ thì phải mấy quyển sách cho vừa?
3.1 Luật thơ
Luật thơ là toàn bộ những qui tắc về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, phép hài thanh, ngắt nhịp… trong các thể thơ được khái quát theo những kiểu mẫu nhất định.
Các thể thơ VN có thể chia thành ba nhóm chính:
a) Thơ dân tộc: Lục bát, song thất lục bát, hát nói
b) Đường luật: Ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú
c) Hiện đại: Năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ-văn xuôi,…
Mỗi thể-loại có luật-lệ riêng biệt.

3.2 Thanh-điệu – Bằng/Trắc
Như đã biết, tiếng Việt ta đặc biệt ở điểm đơn âm nhưng đa thanh.
Niềm phong phú của thanh điệu trong tiếng Việt là thuận lợi, là cơ sở để các nhà văn, (và nhất là) nhà thơ có thể vận dụng, khai thác tạo hiệu-quả nghệ-thuật cao.
Trong các thể thơ cách luật, cũng như các yếu tố khác trong luật thơ, thanh điệu được quy định khắt khe. Tài năng của nhà thơ là ở chỗ vừa phải tuân theo khuôn luật đã cố định vừa phải chuyển tải được khoảnh khắc thăng hoa tinh tế đầy xúc cảm từ tâm hồn.
Thơ tự do trước hết đòi hỏi tự do về luật thơ để thể hiện những biến thái tinh vi, phong phú trong tâm hồn mỗi cá thể cũng đã được giải toả. Song mỗi tác giả vẫn ý thức về vần đề hài hoà thanh điệu, về luật bằng trắc. 

Đặc tính âm học của hệ thống thanh điệu tiếng Việt là sự đối lập cao - thấp, bằng - trắc, nhằm tạo âm hưởng, phù hợp với cảm xúc.
Thanh điệu luôn gắn với âm tiết, tồn tại trong âm tiết. Vì vậy tính chất của thanh điệu thể hiện như thế nào trong thơ còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác của âm tiết. 

3.3 Gieo vần
Vần là sự lặp lại những âm thanh tương tự để tạo chỗ dựa cho nhạc tính. So với văn xuôi, Vần dĩ nhiên là quan trọng trong thi ca.
Thơ có vần chính và vần thông. Vần chính là vần cùng một khuôn âm, vần thông là theo một khuôn âm tương tự, 
thí dụ như “phố” vần với “nhớ” trong:
   Chỉ lá rụng dạt dào trên mái phố
   Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
                               (Xuân Quỳnh)

Xét về vị trí vần, còn chia ra vần chân và vần lưng. Thơ tự do ngày nay không bó buộc về hiệp vần, nhưng các nhà thơ vẫn sử dụng vần như một yếu tố biểu cảm làm tăng vẻ đẹp của thơ.
Chúng ta hãy xem qua một vài loại vần:
Vần có thể gieo ở cuối câu (vần chân/cước vận) hay ở giữa câu (vần lưng/yêu vận)
Vần chân (cước vận) được gieo ở cuối câu thơ với tác dụng kết thúc câu thơ, tạo mối liên kết các câu thơ với nhau. Vần chân rất đa dạng: lúc liên tục, khi gián cách, lúc ôm nhau, khi hỗn hợp.
   Mỗi khi mưa ngớt, cơn giông qua
   Xắn áo ra vườn ta lượm hoa
   Những cành vô duyên theo gió rã
   Vừa cười vừa khóc, ta chôn hoa
                        (Hàn Mặc Tử, Một đêm nói chuyện với gái quê).

Vần lưng (yêu vận) là vần được gieo ở giữa câu thơ.
Trong thơ Song thất lục bát:
   Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
   Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
   Ngàn dâu xanh ngắt một màu
   Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
                             (Ðoàn Thị Ðiểm, Chinh phụ ngâm khúc)
Trong thơ tự do:
    Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt
   Thoáng lay mình gió vuốt bỗng lao đao
                                          (Xuân Diệu, Hoa đêm)
Trong thơ Lục Bát:
   Ðêm qua dưới bến xuôi đò
   Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.
   Anh đi đâu, anh về đâu?
   Cánh buồm nâu...cánh buồm nâu... cánh buồm...
                                            (Nguyễn Bính, Cánh buồm nâu)

3.4 Chơi chữ
Tất cả những nghệ-thuật chơi chữ dĩ nhiên được dùng trong ngôn-ngữ thơ: đối âm, đối nghĩa, từ lay, điệp ngữ, đảo ngữ, phản ngữ, nói lái, ...
(Xin mời đọc lại:
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (Phần 1) / Ngữ âm
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (2) / Ngữ nghĩa
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (3) / Ngữ pháp và đối đáp
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (4) / Nói lái

3.5. Ngâm thơ
Như đã nói, thơ Việt-Nam giàu nhạc tính. Cho nên "thi" và "ca" thường đi đôi với nhau và đặc-diểm có một không hai của thi-ca Việt-Nam là "ngâm thơ", gạch nối giữa thơ và nhạc. Một bài thơ có thể phổ thành một bài nhạc hoặc có thể được ngâm như một bài nhạc. 

Ở miền Bắc có 4 loại ngâm thơ : ngâm sa mạc, ngâm Kiều hay lẫy Kiều, ngâm thơ theo hát ru, ngâm thơ theo hát nói.
Ở miền Nam có nhiều cách ngâm thơ. Ở lục tỉnh người ta đọc thơ Vân Tiên (truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu).
Ngâm thơ theo điệu Hò thì cũng dựa trên thang âm đặc biệt miền Nam như thang âm dùng trong đọc thơ Vân Tiên.
Ở miền Trung có ngâm thơ Huế tức là dựa trên thang âm miền Trung (được nghe lúc hát hò mái nhì, hò mái đẩy).

Ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam nhưng do nhà thơ Đinh Hùng (người Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954, trong một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Sài-Gòn là « Ngâm thơ Tao Đàn ». Ngoài Đinh Hùng, nghệ-sĩ ngâm thơ còn có bà Hồ Điệp (lúc trước khi vào Nam là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh , vv… 


Xin mời các bạn đọc thêm chi-tiết
Trần Quang Hải : Có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam

4. Nhà thơ và bài thơ
Để mô tả một người con gái đẹp (xấu thì ai nói đến làm gì?), ta có thể nói nôm na: "Môi em hồng, mắt em buồn, tóc em dài..."
Nhà văn có thể viết: "Môi em ửng hồng dưới ánh nắng ban mai, mắt em buồn vời vợi, tóc em thướt tha gợn sóng dưới làn gió thoảng..."
Nhưng đối với thi sĩ họ Trịnh thì: 
   "Nắng có hồng bằng đôi môi em
   Mưa có buồn bằng đôi mắt em
   Tóc em từng sợi nhỏ
   Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...
(Như cánh vạc bay)
Thi sĩ là như vậy.

Thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường. Nhà thơ là người dự cảm chứ không ý thức về ý nghĩa của ngôn từ. Ngôn ngữ thi ca quyến rũ tâm hồn của nhà thơ, giúp họ từ bỏ thế giới đang sống (trong những khoảnh khắc sáng tạo) để đắm chìm trong thế giới của siêu văn bản với sự mông lung của những khoảnh khắc ngôn từ và độ âm vang của nhịp điệu trái tim hoà nhập với nhịp điệu của đời sống.
Mỗi bài thơ là một cánh cửa hé mở vào khu vườn bí-mật của thi-sĩ. Nhưng cửa vườn chỉ hé mở thôi vì có ai có thể xâm-nhập vào được?

Ngoài thi-sĩ "Trăng" Hàn Mặc Tử ra, ai dám đi bán... trăng?
   Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
  Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
  Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
  Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…
(Đây thôn Vĩ Dạ)


Và ai mà dám nghĩ:
   Hôm nay chỉ có nửa trăng thôi
   Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi...
(Một nửa trăng)

Người "thường" ai mà đòi:
   Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
   Nhỏ xuống thành thơ, khóc chút duyên...
(TTKH, Dòng dư lệ)

Trăng gì mà sẻ làm đôi? Nắng gì là nắng thuỷ tinh? 
Chiều gì là chiều mồ côi? Mưa gì là mưa ái phi? Thu gì là thu tưởng nhớ? Chân trời gì mà lại tím ngắt? Thú gì lại đau thương? ...
Tâm hồn thi sĩ là như vậy.

Thơ là tiếng lòng
Văn xuôi thường được dùng để mô tả, nhưng bài thơ là tiếng nói của con tim, là cảm xúc hiện hình thành lời, thành chữ. 
Không có cảm xúc thì không thể có thơ. Có lẽ vì vậy mà chuyện tình phải dang dở, mùi đời phải cay đắng, con tim phải thổn thức thì thơ mới hay, mới làm giao-động người đọc. Chàng và nàng đều đẹp trai, đẹp gái, con nhà giàu, yêu nhau, cưới nhau, có con với nhau và sống hạnh phúc, êm đềm thì có gì để nói, có gì để bộc lộ?
Thơ bao giờ cũng là tiếng nói con tim.

Trong một xã-hội phong kiến, dưới ảnh-hưởng Khổng-Lão như Việt-Nam ta ở những thế kỷ trước, con người, và nhất là người đàn bà chỉ có thể mượn thơ để thoát ly phần nào. Bà Chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương, là thí dụ điển-hình với những bài thơ độc đáo vừa thanh, vừa tục.
Thơ còn là cứu cánh con tim.

Hồn thơ
Thi sĩ là một nghệ-sĩ có phẩm-chất khác thường.
Như một ngọn nến, thi nhân tự đốt cháy tâm hồn mới mong thơ tỏa sáng giữa cuộc đời. Quá trình sáng tạo của nhà thơ là sự kết tinh của “hồn thơ”. Để sáng tác thi ca, ngoài phần kỹ thuật, thi pháp cũng như nội dung tư tưởng, “còn đòi hỏi một nguyên-lý sinh động đó là cái hồn thơ, cái khả năng cảm hứng và diễn tả của nhà thơ nó làm cho nội dung kết cấu với hình thức và bài thơ có một sức sống linh diệu” (Nguyễn Sỹ Tế).

Với các nhà lý luận phê bình văn học, hồn thơ là yếu tố không thể thiếu trong quá trình sinh thành thơ ca. Nó không những là nguyên nhân, động lực, là “nỗi niềm tinh vân” dậy lên đam mê và khát khao sáng tạo mà còn là tiếng gọi từ trong vô thức của người thơ. 
Chất thơ thường hướng về tác phẩm, tức là ngoại giới, hồn thơ là dư vang chưa thành hình còn đang ở trong trạng thái tiềm thế, đồng hóa với mỹ cảm sống động trong tâm hồn thi sĩ”.

Đi tìm cảm xúc, thi sĩ thường phải đi tìm một "nàng Thơ" nơi một người đàn bà (cho dù là mộng tưởng), nơi chén rượu như "thi sĩ say" Vũ Hoàng Chương, hay trong hơi khói thuốc lá hay á-phiện, ... thì thơ mới "phê" ( ?)

Bài thơ và người đọc
Bài thơ là sáng tạo của thi-sĩ. Một khi đã được xuất-bản, bài thơ là một quà tặng. Thi sĩ biết mình cho ra những gì nhưng chỉ có mỗi độc-giả mới biết mình cảm-nhận những gì. Mỗi bạn đọc hiểu và yêu chuộng bài thơ một cách khác nhau.
Khi bài thơ được ngâm lên hay được phổ nhạc, thi-sĩ lại chia sẻ thêm đứa con tinh thần của mình với người ngâm hay với nhạc sĩ.
Nghệ-thuật đẹp và cao quí ở điểm này.


5. Kết luận,
“Từ khởi thuỷ là Lời” (Cựu Ước)
Bài Thơ được làm bằng lời. Qua “tiếng lòng” của nhà thơ, ngôn ngữ được cấu trúc lại để tạo thành ngôn từ mới, đẹp, sâu xa và triết lý.
Xin mượn lời Jakobson: “Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt bực, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một đối tượng.
Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận
”.

Thơ quả nhiên là một nhu-cầu, ít ra ở những nơi như Cần Thơ (?)

Yên Hà, tháng 5, 2015
Tài-liệu nguồn:

Thơ và đặc-điểm của ngôn-ngữ Thơ, Bienlang
http://bienlang.blogtiengviet.net/2011/05/18/than_va_a_aopc_a_iar_m_carba_nga_n_ngarr

Ngôn ngữ và nhà thơ • Đào Duy Hiệp

Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca, Võ Tấn Cường 
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4027

Vai trò của thanh-điệu trong thơ Việt-Nam, Nguyễn Thái Hoàng
http://www.qtttc.edu.vn/vi/vanhoavannghe/60-vhvn/577-vai-tro-ca-thanh-iu-trong-th-vit-nam


Giới thiệu các thể thơ, luật thơ, cách làm thơ - Hoàng xuân Họa (Biên Soạn)
http://hoangxuanhoa.blogspot.com/2013/05/gioi-thieu-cac-tho-luat-tho-cach-lam.html

Trần Quang Hải : Có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam

Chuyên đề thơ