UA-83376712-1

Labels

Mar 10, 2011

Người tài tử tóc bạc (Thuỵ Uyên)




“ Papa, Papa, Papa, si tu n’avais pas été là
Dis-moi qu’aurais-je fait sans toi….”

Mỗi lần nghe bài Papa này với tiếng hát của Claude Barzotti, tôi lại nghĩ và nhớ đến Bố.

Bố tôi sinh trưởng tại Hà Đông, con út trong gia đình và là người con trai  duy nhất. Lớn lên trong cảnh nghèo khổ, Bố đã may mắn được đi học tại  trường Bưởi, và là một trong những học sinh ưu tú đỗ hàng đầu khi ra trường. 

Không bao lâu, sau khi lập gia đình, Bố Mẹ đã sớm rời ngôi nhà ở Hà Nội, và dọn vào trong Nam cùng các anh chị tôi. Lúc ấy, tôi chưa ra đời.

Trong Nam, Mẹ hay kể lại rằng nhà mình nghèo lắm. Bố chật vật mãi mới xin được những công việc nhỏ nhặt trong vùng, và đi làm không nghỉ để nuôi gia đình.
Khi tôi ra đời, tình thế lại càng khó khăn hơn. Bố vì lao lực quá sức, đã phát cơn bệnh ho lao. Nhưng rồi, nhờ Trời Phật phù hộ, Bố cũng tai qua nạn khỏi. Sau cơn bệnh này, Bố được nhận làm trong một công-ty kỹ nghệ mền len ở Saigon, tương đối khá hơn trước.
Phấn khởi tinh-thần, cộng với với tính tình nghệ-sĩ từ thuở bé, Bố bắt đầu bước chân vào ngành điện-ảnh, lãnh vực Bố hằng mơ ước. Tôi nhớ mãi Bố hay thường bảo Charlie Chaplin và Marlon Brando là hai tài-tử điện-ảnh Bố kính phục nhất.

Tuy đóng phim là nghề tay trái, nhưng Bố rất hăng say hoạt động trong ngành này.
Bố bắt đầu với những vai trò phụ và xuất hiện trong một phim ngoại-quốc lớn năm 1964 với tài-tử Marshall Thompson, A Yank in Vietnam.
Dần dần sau đó, Bố được giao những vai quan trọng trong các phim Việt Nam nổi tiếng như Xin nhận nơi này làm quê hương (1970).
Phim Lệ Đá đoạt giải nhất trong ngày Ðại-Hội Ðiện-Ảnh 1971 và Bố lãnh giải “ Nam diễn-viên xuất sắc nhất “. Sau đó, Bố tiếp tục xuất hiện trên màn ảnh qua nhiều phim khác.    
Tại Hoa-Kỳ, Bố xuất hiện trong một TV series : Lou Grant / Immigrants (1982) rồi tham gia vào một phim dài tài-liệu với hãng HBO, The Vietnam war story : the last days (1989) đã được các báo chí ngoại quốc khen thưởng.
Phim cuối cùng của Bố là Heaven and Earth (1993), đóng chung với Tommy Lee Jones. Trong phim này, Bố đã không ngại cạo trọc mái tóc bạc nổi tiếng để đóng vai một nhà sư.

Trên phương diện gia-đình, Bố đã  khổ cực nhiều lắm. Suốt quãng thời-gian ở Saigon, nhìn Bố quanh năm ngày tháng, đầu tắt mặt tối giữa điện-ảnh và việc làm tại công-ty kỹ-nghệ, tôi chưa hề thấy nụ cười tắt trên môi Bố. Ngoài mặt Bố rất cứng rắn, nhưng trong lòng, tình thương gia-đình của Bố hiền hòa bao la không kể xiết.
Tôi vẫn còn nhớ những trận đòn suốt hai năm liền Bố quất vào mông vì tôi lười nhác, không chịu học nhạc khi tôi lên bảy.  Mẹ cứ chảy nước mắt xót con mỗi lần tôi khóc thét. Nhưng sau khi nghiêm nghị trừng phạt, Bố lại thương mến ôm tôi vào lòng vỗ về, và dúi cho tôi một vài viên kẹo.
Anh chị em tôi ban ngày học chữ tại Jean-Jacques Rousseau và Marie Curie, ban chiều tối học nhạc một tuần 3 ngày tại trường Quốc-Gia Âm-Nhạc.  Bố không hề than vãn một lời, khi phải chở anh chị em chúng tôi, từng người một từ trên xuống duới, từ trường chữ đến trường nhạc, rồi từ trường nhạc đón về mỗi tối. Trong xe trên đường đi đến trường nhạc, Mẹ luôn luôn chuẩn bị sẵn cà-mèn cơm nước cho anh chị em tôi, vừa đi đường vừa ăn cho kịp giờ học nhạc.
Đêm đến, Bố lại còn vất vả dạy dỗ anh chị em tôi với bài vở của trường.

Năm tôi lên chín hay mười gì đó, tôi bị ốm nặng, phải điều trị trong nhà thương Grall gần một tháng trời. Sau khi xuất viện, bác sĩ còn cẩn thận bắt tôi phải nghỉ học, ở nhà tỉnh dưỡng thêm một tháng nữa. Trong suốt thời gian này, sau khi tan sở làm mỗi ngày, Bố chịu khó lái thẳng đến  trường tôi học, lấy bài vở trong lớp về cho tôi ôn và làm bài. Sáng sớm hôm sau, trước khi vào sở, Bố lại tạt qua nộp bài vở cho trường.

Bố ra đi ngày 30, tháng 4, năm 2000 (một ngày giỗ thật dễ nhớ) tại Hawaii. Những người bạn, những người ái mộ Bố tôi luôn luôn nhớ đến cố tài-tử Đoàn Châu Mậu qua hình-ảnh “ tài-tử tóc bạc lão thành và gạo cội. “
Riêng đối với tôi, Bố là một người bạn tốt, luôn luôn trìu mến, săn sóc và ân cần dìu dắt, một người chồng gương mẫu, và hơn hết, là một người cha đáng kính.

“ Papa, Papa, Papa, si tu n’avais pas été là
Dis-moi qu’aurais-je fait sans toi…”

Trong tiếng Việt mình, có lẽ câu châm-ngôn “Không Thầy, đố mày làm nên” là sát nghĩa nhất với lời bài hát trên.
Chữ Thầy ở đây có lẽ là thầy-giáo dạy học, nhưng người Bắc thuở xưa cũng hay thường gọi Bố bằng Thầy (Thầy và Me), nên đối với tôi, câu ‘’Không Thầy đố mày làm nên’’ quả rất đúng. Không có Bố, tôi làm sao nên người ?

Tôi thật nhớ Bố.

Thụy Uyên, tháng 2, năm 2011

1 comment:

  1. Rat thich Bo^' MA^.U cua Thanh Tiuyen va nhung phim ong dong'

    S Tuan

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.