UA-83376712-1

Labels

Mar 1, 2011

Già


Sinh, Lão, Bệnh, Tử...
Kiếp luân-hồi này, có sinh-vật nào, thậm chí có hiện-tượng nào thoát khỏi ? Đã có phát-sinh, tất có ngày hủy-diệt. Những điều này, tôi đã từng đọc, từng nghe bàn đến, nhưng có bao giờ ngẫm nghĩ chín chắn chưa ?

Lúc còn bé, tôi chỉ thấy ông bà, nội ngoại, là “già”, còn bố mẹ tôi thì vẫn "trẻ". Già là tóc bạc, da nhăn nheo, là được gọi "cụ", là được kính nể, là chậm chạp, là không đi làm... Ông nội tôi thì chỉ nằm võng, hút thuốc, đọc báo, chỉ dậy chúng tôi về tiếng Pháp (ông rất hãnh diện về cái “nụ đỏ” huy-chương “officier de la légion d’honneur”) và thỉnh thoảng có mấy người bạn đến bàn-luận chuyện chính-trị, chính-em với ông (cũng có lần ông đã đứng tên trong một danh-sách ứng-cử gì đó nhưng không thành ; chính-trị xa-lông hình như là thế ?). Bà nội tôi thì đôi khi xuống phụ dưới bếp nhưng cũng nhàn hạ lm,đi xem hát hay đi đánh bài luôn. Đy, "già" đi vi tôi lúc ấy là như thế đấy.
 
Sau này, không còn ông bà nữa, dần dần tôi thấy bố mẹ mình, tóc cũng bạc đi, da cũng không còn trơn tru lắm, cũng bắt đầu yếu, cũng bắt đầu bệnh này, bệnh nọ, cũng chậm chạp đi... thì đích thị là bố mẹ tôi đã già.
Giờ đây, bố tôi đã ra đi và chung quanh tôi, bạn bè cũng lần lượt mất đi cha mẹ mình. Nhưng mẹ tôi vẫn còn, bác cô tôi vẫn còn, bạn bè tôi nhiều người vẫn còn bố hay mẹ, nên tôi cũng chưa rõ đến lượt chúng tôi già hay chưa ? Trên phương diện "tử" cũng vậy, lúc còn con trẻ, tôi dường như có đến hai cái "chiến lũy" để chống "ngoại xâm", là ông bà và cha mẹ, bây giờ tôi vần còn cái "chiến lũy" mẹ tôi nên chưa hề nghĩ đến "chuyện đó" tuy là chiến lũy cuối cùng này cũng hơi lung lay rồi.
Cái tuổi này rõ là lưng chừng, trẻ thì đương nhiên là không còn trẻ, nhưng già thì chưa hẳn là già. Hình như tuổi này còn được gọi là "xồn xồn" thì phải. Nói là mình đang ở mùa thu của cuộc đời, nhưng là đầu thu hay giữa thu (tôi không dám nói đến cuối thu)? Thôi đi ông ơi, đừng có mặc cả nữa, hãy buông súng, đầu hàng đi.
Tre già, măng mọc : đã có con, đã có cháu rồi mà không chịu già thì làm sao con cháu chúng nó lên thay thế mình được ? Thôi thì cứ (tạm) gọi là mình già vậy. 

Tôi (chúng ta?) hay dối già với câu "tuổi già nhưng tâm hồn trẻ thì vẫn còn trẻ" nhưng sự thật không biết lãng mạn như mình, có biết bao nhiêu chi tiết "chứng minh" là mình đã già rồi ?
Cứ mở mấy quyển an-bom ra mà xem, so sánh "now and then" thì biết ngay, chả cần phải phân-tích, bàn-luận dài giòng làm gì cho mệt.
Bao nhiêu chuyện lúc trước tôi làm "tỉnh bơ" mà bây giờ phải chịu thua, hay gượng làm một cách khổ cực ? Lúc trước, tôi lái xe "phom phom", đôi khi lái suốt đêm không cảm thấy mệt, nhưng bây giờ, thấy ông bà già lái xe ngập ngừng đàng trước, tôi không nỡ càu nhàu, vì nghĩ đến thân phận mình trong vài năm nữa.
Lúc trước, bên Paris, vào những dịp "soldes" (một năm hai lần), tôi đi lùng quần áo rẻ và đẹp, từ sáng đến chiều, nào Galeries Lafayette, nào Le printemps, từ khu Opéra, qua Saint-Michel, xuống đến Montparnasse, cả buổi mà chả thấy mệt ; vậy mà bây giờ chỉ đi độ một giờ đồng hồ là đã thấy đau lưng, mỏi chân, thấy ngốt cả người.
Lúc trước, đi nghỉ hè, những cái gọi là "Circuit Aventure" của hãng du-lịch "Nouvelles Frontières", ngày nào cũng dậy sớm, đi xe hàng, thắng cảnh đến tối mới về khách-sạn ngủ, rồi sáng hôm sau lại đi tiếp, đi cả tháng trời bên Nam Mỹ hay Á Châu, trở về là hôm sau đi làm lại, với bao nhiêu tiếng trại giờ (jetlag), chả nhằm nhò gì ba thứ lẻ tẻ đó. 
Bây giờ thì eo ôi, chả dám nghĩ đến đâu.
Lúc trước, đi chơi khuya mấy đêm liền chả sao, bây giờ hai vợ chồng đi chơi nhạc một đêm là phải nghỉ ngơi cả tuần mới lấy lại sức, bây giờ mà phải chơi hai đêm liền thì chúng em sợ nhắm.
Cắt cỏ hay cào tuyết thì đôi khi phải có cái "break" ở giữa mới xong.
Nói tóm lại, lúc truớc, tôi vẫn thích nhãn hiệu Giò (Acqua di), nhưng với tuổi này, đổi sang "Già" thì có lẽ hợp thời trang hơn.

Nói cho đúng, đàn ông, đàn ang thì tôi không quan tâm vấn đề sắc đẹp cho lắm. Tôi chưa hề nhuộm tóc (có "tài tử tóc bạc" là bố vợ thì đâu cần ?) và tôi không muốn đeo "contact lens" làm gì. Lên sân-khấu, tôi vẫn ăn mặc "Yé" lắm, vẫn còn nhẩy cà tửng và rống nhạc Đàm Vĩnh Hưng, khiến đám trẻ nhào lên kéo tôi xuống nhẩy chung với băng chúng nó, vừa nhẩy, vừa hát. Mấy "iem" vẫn còn lên mời rượu tôi để tỏ lòng ái-mộ nhưng khi "iem" gọi tôi bằng "chú" thì tôi choáng váng, thật tình không hiểu. Đừng em nhé, đừng gọi anh bằng "chú".

(Tôi nghe nói về Việt-Nam, bảo đảm không bao giờ bị gọi "chú", có lẽ tôi sẽ phải để dành tiền làm một chuyến, kiểm-chứng xem sao ?)

 Mourir, cela n'est rien 
Mourir, la belle affaire ! 
Mais vieillir… Oh ! vieillir
.

(Jacques Brel)
Có lẽ vậy, chết thì đã sao đâu ? (Vả lại, nước đến chân hãy nhẩy, lúc nào vào viện dưỡng-lão, nghĩ đến vẫn còn kịp mà ?) Nhưng mà... già ? Nghe mà hãi quá !
Lúc trước, con tôi hay trêu tôi mà nói : " Papa, t'es un vieux ! ". Hôm nay, chắc nó phải gọi tôi là "croulant" quá. 
Trường-sinh, bất-tử, suối Jouvence, trẻ đẹp mãi... những ảo-tưởng cuộc đời.

Dĩ nhiên là ai cũng thích trẻ đẹp, mạnh khoẻ, nhưng thiết nghĩ, mất cái này thì được cái kia thôi. Cái nhìn, cách sống của tôi bây giờ cũng khác xưa.
Tôi không còn  những nhu-cầu xa vời, tôi không cần phải tranh đua với đời, tôi không còn gì để chứng minh với chính mình, tôi còn gì để chạy theo nữa ?
Những "lạc thú" ở đời bây giờ đối với chúng tôi thật giản-dị. Hai vợ chồng ăn sáng với nhau, chiều đi làm về, làm cơm, ăn tối, xem phim bộ (nhất là phim Đại-Hàn), xong đi ngủ. Cuối tuần, thư giãn, đôi khi ra "mall" gọi là đổi gió, đi thăm bạn bè, tập nhạc hay đi hát. Thỉnh thoảng bay sang thăm gia-đình, đi thăm con cháu hay đi nghỉ hè với nhau vài hôm. Mùa hạ thì loanh quanh ngoài vườn, chăm sóc mấy khóm rau, mấy chậu hoa, nhìn trời, ngắm mây, hái hoa vào chưng, hái rau vào ăn. Tôi không đòi hỏi gì hơn nữa.
Không phải là tôi không biết hưởng đời nữa nhưng có lẽ cách hưởng cũng khác đi, chẳng hạn như trọng phẩm hơn lượng. Rượu thì tôi uống ít đi nhưng uống loại (thật) ngon, ăn thì trong tuần ăn rau đậu, trái cây nhưng cuối tuần vẫn ăn mặn, ăn phở (nhưng tô nhỏ thôi), đi "parties", đám cưới, thì vẫn ăn, có dịp thì vẫn biết say sưa với bạn bè...
Bây giờ, tôi đã đổi cách sống, và tôi vui với cách sống này.


Bien vieillir, c’est gagner en transparence ce qu’on perd en couleurs (Gustave Thibon)
Những mầu sắc mình mất đi, mình tìm lại trong áng trong suốt ; cái đẹp của tuổi già là như vậy. Tôi sẽ thử suy gẫm xem sao.
 
Đến tuổi này, cuộc đời đàng sau lưng dài hơn đàng trước mắt, kỷ niệm nhiều hơn dự định, có nhìn thì kính chiếu-hậu hình như cần thiết hơn kính chắn gió thì phải. 
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người già thường hay nhắc lại chuyện xửa, chuyện xưa. Tương lai thì có gì bảo đảm nhưng quá khứ thì lúc nào cũng một mực trung thành. Người già có thể nói trước quên sau, nhưng chuyện xưa thì vẫn nhớ vanh vách, lạ nhỉ ?
Đến tuổi này, tôi cần một người bạn đời để đi nốt con đường còn lại, chấp nhận nhau để chia xẻ những mảnh vui, mảnh buồn, một vài sở thích chung, yên vui từng ngày qua.
Tôi còn biết đeo đuổi gì (ai) khác bây giờ ?
Jacques Salomé có nói : Vieillir ensemble, ce n’est pas ajouter des années à la vie, mais de la vie aux années. Sống chung tuổi già, không có nghĩa là tăng thêm năm tháng cho cuộc sống, mà là tăng thêm cuộc sống cho năm tháng. Hình như tôi đã bắt đầu hiểu.

Tôi nhớ lại một câu chuyện tôi đã đọc hay nghe lâu lắm rồi. 
Một hôm, có cậu bé vì bị bố mẹ cấm đoán chuyện gì đó, ngồi khóc tức tưởi. Bụt hiện lên, hỏi nguyên do và sau khi cậu bé bầy tỏ nỗi lòng, Bụt móc trong bị ra một cuộn chỉ và nói : "Thôi được, nếu con nghĩ con không được tự-do làm những gì con thích vì còn bé quá, thì đây, ông cho con cuộn chỉ thời-gian này. Mỗi khi con muốn thời-gian qua nhanh hơn, con chỉ chỉ cần kéo sợi chỉ ra một khúc là con sẽ lớn/già hơn vài năm. Nhưng mà, con nghe ông dặn cho kỹ nhé, cuộn chỉ này chỉ kéo ra được, nhưng không thể cuộn lại được, thời-gian đã qua không thể thâu hồi lại được. Con dùng nó cho khéo đấy."
Nói xong, Bụt biến mất.
Cậu bé mừng rỡ, cám ơn Bụt rối rít và bắt đầu thử cuộn chỉ thần.
Kéo ra một khúc, từ sáu tuổi, cậu lớn mười lăm tuổi, tha hồ đi chơi với bạn trong ngày mà không cần xin phép. Nhưng rồi tuổi đó mỗi ngày phải cắp sách đi học, về nhà lại phải làm bài vở, cực nhọc quá. Vả lại, đi học thì vẫn phải xin tiền bố mẹ, làm sao mà tiêu thỏa thích ? Cậu lại lấy cuộn chỉ ra, kéo thêm một khúc cho đến lúc đi làm, bắt đầu có sự nghiệp, đời sống vật-chất thật thoải mái. Nhưng mà đi làm nhiều tiền thì bù đầu, rồi khi lấy vợ, có con, trách-nhiệm lại càng nặng nề thêm, chỉ mong sao con cái lớn lên ra khỏi nhà, rồi về hưu, không phải đi làm mà vẫn lãnh tiền, lúc đó mới thật là khoái. Rồi anh (hết gọi là "cậu" rồi) lại lấy cuộn chỉ ra. Sướng thật. Nhưng được vài năm, ông (hết gọi là "anh" rồi) bắt đầu già yếu, hết bệnh này sang bệnh nọ, rốt cuộc phải vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc. Cụ (hết gọi là "ông" rồi) ngồi xe-lăn mà thở dài. Cụ chợt nhớ lại cuộn chỉ thần, vội lục trong ngăn kéo ra thì than ôi, chỉ còn một vòng chỉ nữa mà thôi. Cụ vội vã cuộn hết lại vào, nhưng đã trễ : Thời-gian trôi qua không thể thâu hồi lại được, câu nói của Bụt bỗng vang lớn trong tai cụ. Quá trễ rồi...

Thành công là gì ? Thành nhân là gì ? Sống như thế nào mới đáng là sống ? Những loại câu hỏi này, tôi đã từng có khi tôi đi tìm đường, kiếm lối, nhưng hôm nay không còn ý nghĩa gì nữa, dầu sao thì cũng đã trễ rồi. May cho tôi, tôi chưa hề phải nuối tiếc những gì mình đã làm hay những gì mình không làm hay chưa làm. Thiết nghĩ đời mình cũng tạm đầy đủ rồi, tôi chả cầu xin gì thêm nữa (thêm thì bao nhiêu mới đủ ?), chỉ mong sao có đủ sức khỏe, có tí tiền còm để vui chơi với gia-đình, bạn bè, còn đủ răng để ăn cho ngon miệng, còn tí hơi để đi hát, còn tí gân để nhẩy nhót trên sân khấu và trên sàn nhẩy, và còn tí hứng thú để... làm "chuyện kia". Thế thôi.

Được như vậy thì Trời Phật ạ, con sẽ vui-vẻ nhận lấy cái tuổi già này và hứa không xin-xỏ gì Trời Phật gì nữa đâu.

Thân tặng tất cả các bạn đã, đang và sẽ "già"
Yên Hà, tháng 3, 2011

6 comments:

  1. Bai`viêt´hay qua´! cäm ön ddä chia xe* . PN

    ReplyDelete
  2. Ở tuổi mình, xin sức khỏe, được sức khoẻ, lại còn có người thân, mến thương mình : vậy là bạn có tất cả rồi đấy!
    Bạn có xin xỏ thêm chắc Trời Phật cũng chẳng biết cho gì hơn đâu.
    Chúc bạn tiến xa trên con đường êm ái này nhé.

    M-N

    ReplyDelete
  3. Bài viết thật là hay, anh Phú ơi.

    Dũng B.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn các bạn nhé, nhưng nếu đã thấy hay thì đích thị là triệu-chứng... "già" rồi đấy.
    Xin chia buồn nhé
    Hi Hi

    ReplyDelete
  5. Tại sao "già" lại phải...buồn ? Franchement, je ne vois pas pourquoi.

    M-N

    ReplyDelete
  6. I think you two know how to live and enjoy life

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.