UA-83376712-1

Labels

Oct 12, 2015

Đi tìm Tự-Do (Phần 4) - Thuỵ Uyên



… ( Tiếp theo phần 3 )


Một ngày thứ Bảy, ngoài trời đổ mưa tầm tã. Nằm nướng trên giường nghe những hạt mưa rơi lộp độp trên mái, tôi bùi ngùi chạnh nhớ đến căn nhà thân yêu ở khu phố Tân Định.
Bây giờ Bố Mẹ ra sao, đang làm gì ? Tôi thầm nghĩ giá có Bố Mẹ bên 
cạnh, chúng tôi đã ngả bàn Mạt Chược ra đánh vài quắn. Mẹ thích đánh Mạt Chược trong những ngày mưa lắm. Tôi không hiểu tại sao, chỉ biết Mẹ hay thường nói: thú vị nhất trong những ngày mưa là ngủ nướng, hay tả Mạt Chược, tả Chắn.

Nghe tiếng nói chuyện lao xao ngoài phòng khách, tôi vội sửa soạn ra ngoài, đã thấy cơm trưa dọn sẵn trên bàn.
Chị Tường Vy quay lại:
- Dậy rồi à ? Ngủ giấc sướng nhé ? Nào, mình ra ăn.
Chị làm cơm rang lạp xưởng, với tôm và trứng, bên cạnh có đĩa dưa muối. Ừ nhỉ, tôi quên đi mất. Mấy hôm trước đi chợ bà Phó, tôi mua về mấy bó rau cải xanh để muối. Hôm nay dưa ngả sang màu vàng, chắc đã khá chua. Tôi vào bếp, với tay trên tủ lấy lọ dưa, định bụng gắp thêm ra, thấy đã vơi hơn nửa. Tôi lạ lùng quay sang hỏi chị Vy.
Anh Bạch cười vả lả:
- Sáng nay, trông thấy lọ dưa, thèm quá, anh và anh Trung đã ăn vụng một ít. Món này ăn không cũng ngon tuyệt.
Tôi nhăn mặt:
- Ăn như thế chua chết đi. Nói chứ có chua đủ chưa vậy ?
- Chua rồi, chua như cô em cưng của anh vậy, anh Bạch nheo nheo mắt, cười lớn.
Tôi cười khì, lườm anh.
Anh Trung xen vào:
- Mai này nhờ Uyên muối cho anh một lọ anh mang về nhé ? Anh để dành sẽ ăn dần.
Tôi chanh chua ngay:
- Phải thưởng em gì, em mới làm.
- Đấy đấy, mày thấy chưa Trung ? Tao đã nói rồi.
Cả nhà cười vang lên. Tôi cảm thấy hạnh phúc, thật đầm ấm. Chợt nghĩ đến Bố Mẹ ở nhà, tôi hỏi anh Bạch:
- Anh ơi, không thấy tin tức gì cả về Việt Nam. Anh nghĩ liệu mình có thể nghe ngóng được gì không ?
- Ăn đi đã. Ăn xong, anh nói chuyện. Anh cũng định hôm nay anh sẽ nói chuyện với các em, nhân thể bây giờ đang mưa, cũng chả đi đâu được.

Chúng tôi quây quần chung quanh chiếc bàn nhỏ trong phòng khách. Anh Bạch chậm rãi nói:
- Anh thiết nghĩ đã đến lúc anh phải cho hai em biết một vài chuyện anh chưa nói. Hơn một tháng nay, anh vẫn tiếp tục theo dõi tin tức tình hình về Việt Nam. Không được khả quan lắm. Những hình ảnh về cuộc chạy loạn rất đau lòng, anh không muốn hai em trông thấy, sợ hai em buồn. Riêng về gia đình mình, anh chịu, không biết hoàn cảnh Bố Mẹ ra sao ?
Người tôi nóng ran lên. Anh Bạch tiếp:
- Nhưng mình vẫn còn tia hy vọng. Mấy ngày sau này, trên đài truyền-hình, các hội từ-thiện như Hồng Thập Tự đã bắt đầu loan tin về rất nhiều gia-đình đã rời khỏi nước. Các gia-đình này đang sống an toàn dưới sự bảo vệ của hội trong các trại tị nạn trên khắp nước Mỹ. Hội có nói sẽ liên lạc với thân-nhân gia-đình để họ được bảo lãnh. Mong rằng gia-đình mình sẽ là một trong những gia-đình đó.
- Mình có thể nào hỏi họ tin tức về Bố Mẹ không ?
- Anh sẽ lo chuyện này. 
Thấy tôi ứa lệ, anh Bạch an ủi:
- Em đừng buồn, anh tin chắc Bố Mẹ sẽ thoát khỏi. Nhanh lắm thôi.

Như để phá tan bầu không khí bắt đầu nặng nhọc, anh đứng dậy, xoa tay:
- Nào, bây giờ mình bàn sang chuyện tương-lai nhé ? Anh đang định, khi gia-đình mình sang đây, anh em mình sẽ dọn lên San Diego, kiếm mua nhà rộng hơn.
Ngừng một lát như để dò xem phản ứng của chị em tôi, anh nói tiếp:
- Thật sự, anh đã nghĩ đến tậu nhà lâu rồi. Chỉ là chưa có đủ phương tiện thôi. Cô Sharon, một cô bạn anh quen dạo trước, làm trong hãng địa-ốc. Cô ta có hứa sẽ giúp anh kiếm nhà khi anh cần. Anh cũng đã suy nghĩ rồi. Lên đó, mình có cơ hội nhiều hơn, cũng dễ dàng cho em đi học. Vy muốn kiếm việc, phải không ? May ra thì sẽ có việc thích hợp cho em trên ấy.
Anh Trung xen vào:
- Ừ, có lý đấy Bạch ạ. Tao sẽ giúp mày một tay. Lên trên đó gần tao hơn, lại càng vui.
Chị Vy cũng hùa theo:
- Cũng tốt, em đang sốt ruột. Ở đây mấy tháng trời rồi, vẫn chưa kiếm được việc gì cả.
Tôi gượng cười:
- Em muốn đốt nén nhang cầu Trời Phật phù hộ cho mình sớm đoàn tụ với Bố Mẹ.
Chị Vy nắm tay tôi:
- Tối nay mình cúng nhé ? Xem có tạnh mưa không, mình đi chợ mua ít hoa quả về cúng.

Anh Bạch vào phòng mang ra một quyển sách đăng nhà cho bán. Chúng tôi xúm vào, loay hoay bàn-luận.
Ngoài kia, mưa đã tạnh dần. Ánh nắng ban chiều thập thò xen qua lớp mây xám, kết thành một chiếc cầu vòng rực rỡ, chiếu xuống như muốn mang đến cho gia đình tôi một tia hy vọng tràn trề.

Mùa Hè bên này nóng bức, không kém gì Sài-Gòn. Hai chị em tôi thả bộ ra chợ Trời. Đông và vui như chợ Tết vậy. Tôi kiếm mua đôi dép. Đôi dép tôi mang từ nhà sang đây đã sắp đứt quai, nhưng tôi không nỡ vất bỏ đi. Anh Bạch thấy tôi khư khư mang nó, anh sốt cả ruột. Hôm nay trước khi đi làm, anh căn dặn chị Vy:
- Chợ Trời mở cửa 10 giờ sáng. Hai em ra đó chơi cho vui, rồi tìm cho con Uyên một đôi dép. Thấy nó kè kè mãi đôi dép nát, anh tội quá. Nhân thể tìm mua cho anh lọ thuốc đánh giầy.

Đi vòng vòng mãi cả mấy tiếng, tôi mới chọn được một đôi dép vừa ý. Chúng tôi loanh quanh trong chợ, rất thích thú, xem hàng này, nhìn hàng nọ, thấy gì rẻ cũng muốn mua. Mùi thịt nướng xông lên, thơm phức.
- Chị Vy này, mùa Hè đã đến. Mình nói anh Bạch hôm nay mời anh Trung xuống ăn cơm, chúng ta ra nướng thịt ngoài lan can nhé ? Khỏi phải đi picnic làm gì. Lan can nhà mình rộng chán.
- Ừ, chị cũng nghĩ đến chuyện này. Chị thấy picnic mãi cũng mệt, vả lại, cứ phải lái xe đi xa nữa. Thế mình ghé chợ ngay đi. Chị mua sẵn thịt, cuối tuần này mình tổ chức luôn.

Về đến nhà, chúng tôi ngạc nhiên thấy anh Bạch đã ngồi ngoài phòng khách, nét mặt tươi cười hớn hở. Chưa kịp hỏi, anh đã reo lên:
- Hai em có vui sướng không ? Anh vui quá.
Chị em tôi nhướng mắt nhìn nhau, lạ lùng.
Tôi nheo mắt, trêu anh:
- Thảo nào hôm nay anh về sớm. Có chuyện gì mà vui thế ? Anh trúng số độc đắc, hay anh sắp báo tin lấy vợ đây ?
Anh không nói không rằng, dang rộng đôi tay, kéo hai chị em tôi vào lòng, ôm chặt. Tôi đoán, dường như anh đang trải qua một cơn xúc-động. Chúng tôi kiên nhẫn chờ. Mãi một lúc sau, anh mới thủ thỉ:
- Sáng nay, hội Hồng Thập Tự gọi anh trong sở. Gia đình mình đang ở trong trại tị nạn ở tiểu bang Arkansas. Anh mừng quá, ra nói với ông chủ anh. Ông ta biết chuyện gia-đình mình nên cũng vui lây, cho phép anh về sớm và nghỉ vài hôm để chia xẻ niềm vui này với các em. Các em có vui không ?

Tôi ngồi phịch xuống ghế, òa lên khóc lớn. Chị Vy cũng ôm mặt nức nở. Sau bao nhiêu tháng khắc-khoải, lo âu, chúng tôi như trút đi được nỗi phiền-muộn đã dày xéo trong thâm-tâm bấy lâu nay. Tôi đứng phắt dậy, vào trong bếp lôi ra bịch nhang, thắp lên nén hương. Chi trông thấy, cũng vội vào bếp với tôi. Chúng tôi quì xuống, lâm râm cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho gia-đình chúng tôi tai qua nạn khỏi. Anh Bạch im lặng ngồi xuống đợi.
- Anh đã báo tin cho anh Trung. Anh ấy sẽ lại ngay bây giờ. Hôm nay hai em đừng cơm nước gì cả. Chúng ta ra ngoài ăn mừng. Anh Trung bảo hôm nay anh ấy thết.
Tôi đề nghị:
- Mình ăn cơm nhà đi anh ? Đã bao tháng nay, anh Trung tốn rất nhiều cho gia-đình mình rồi. Hôm nay anh ấy lại còn đòi thết nữa. Mình ra ngoài hiên nướng thịt này.
Chị Vy tán thành:
- Đồng ý. Vừa đúng lúc sáng nay tụi em có mua thịt, định tổ chức vào cuối tuần, nhưng hôm nay làm rất hợp lý.
Anh Bạch gật gù:
- Tốt lắm, càng vui hơn nữa.
- Nếu vậy, anh điện-thoại ngay cho anh Trung đi, bảo anh ấy trên đường, tiện ghé mua cho em vài gói bún.
Chị Vy vừa dứt lời, tiếng xe anh Trung đã ngừng ngay trước sân nhà. Chúng tôi chạy ùa ra, kéo tay anh:
- Đi anh, chở tụi em ra tiệm bà Phó.
Anh Trung không hiểu gì cả, nhưng cũng trở vào trong xe.
- Ê, đợi anh với. Anh Bạch chạy theo chúng tôi.

Kể từ hôm ấy, anh em chúng tôi hớn hở, lăng xăng cuống quít như những đứa trẻ vừa được quà. Chị em tôi cả ngày cứ đi chợ, mua sẵn thức ăn, cố tìm cho bằng được những món Bố Mẹ ưa thích, chất đầy tủ đá, chờ ngày Bố Mẹ sang. Chiều đến, chúng tôi loay hoay dọn dẹp, lau chùi, kê đi kê lại bàn ghế trong nhà, làm sao cho gọn.
Anh Bạch cũng chịu khó đổi giờ làm sớm hơn để về sớm, cùng với anh Trung đi xem qua những căn nhà cho bán.
Căn nhà nhỏ của anh em tôi tưng bừng như mở hội.
Mỗi cuối tuần, chúng tôi ghé đến các cơ-quan từ-thiện, xin về một vài thứ cần dùng trong nhà. Họ cho gì lấy thứ đó, thêm một vài chiếc ghế, một ít dụng cụ nhà bếp, một tấm nệm. Thỉnh thoảng, anh Trung lại mang đến một ít quần áo mới toanh, nào quần jeans, giầy dép, v.v..
Tôi cứ lo lắng, hỏi chị Vy:
- Bố Mẽ sẽ sang với em Quỳnh và thằng Chí. Nhà mình đã ba người, nay thêm bốn nữa, có chật lắm không chị ? Căn nhà mướn này của anh Bạch chỉ có một phòng ngủ.
Chị xoa đầu tôi:
- Đừng lo quá em, chịu khó chỉ vài ngày thôi mà. Anh Bạch có nói sẽ mua nhà rộng hơn.

Một buổi sáng, tôi không nhớ rõ là ngày thứ mấy trong tuần, anh em tôi cùng anh Trung sửa soạn đi đón Bố Mẹ sang từ tiểu bang Arkansas. Đến cơ-quan Hồng Thập Tự tại San Diego, lo thủ tục giấy tờ xong xuôi, chúng tôi nôn nao ngồi trong phòng đợi…
Và giây phút trông chờ đã đến.
Thoáng nhìn thấy mái tóc bạc của Bố nổi bật trong đám đông, tôi reo to lên:
- Bố kìa, Bố kìa anh chị ơi.
Chúng tôi chạy ùa lại ôm chầm lấy Bố Mẹ và gia-đình, khóc như mưa. Mẹ quàng tay ôm lấy chị em tôi, nhẹ nhàng vuốt tóc tôi:
- Các con của Mẹ, các con yêu quí của Mẹ.

Nước mắt nước mũi tôi đầm đìa, tôi thổn thức mãi, không nói được gì. Tôi ôm khư khư lấy Bố Mẹ, không chịu buông ra. Tôi sợ nếu buông ra, tôi sẽ lại xa Bố Mẹ như mấy tháng trước đây. Anh em chúng tôi quấn quit lấy Bố Mẹ. Anh Bạch cũng rơi lệ. Rời gia đình đi du học đã lâu, hơn mười mấy năm, anh mới gặp lại tất cả trong một dịp thật hi-hữu. Anh ôm lấy Mẹ, rồi ôm lấy Bố. Hai bố con cười nói huyên thuyên. Chúng tôi vui rối rít, quên cả ra xe đi về.
Đứng lặng lẽ bên cạnh một lúc lâu, anh Trung lên tiếng:
- Bạch ơi, về chưa ?
Anh Bạch sực nhớ ra, vội giới thiệu anh Trung với Bố Mẹ. Bố bắt tay anh, ngỏ vài lời cám ơn, và hỏi chuyện anh.

Đứa em trai và thằng cháu nhỏ tôi đứng thập thò sau lưng Mẹ, dương mắt nhìn anh Bạch, lạ lùng.
Tôi ôm đứa cháu Chí vào lòng, bẹo má nó:
- Hai đứa ở nhà có ngoan không nào ? Cháu có bị đòn nhiều không ?
Nó ôm lấy cổ tôi, bập bẹ hỏi:
- Cô đi đâu lâu quá không về ? Bà đánh đít cháu đó.
- Tại cháu lại hư rồi phải không ? Mách cô đi nào.
Thằng em Quỳnh nhanh nhẩu:
- Nó không chịu ăn cơm bị Mẹ đánh đòn đó.
- A, cháu phải ăn cơm chứ ? Ăn nhiều mới chóng nhớn, cô mới dẫn cháu đi chơi được, có phải không ? Thôi, chốc nữa về nhà, cô cho cháu bánh bông lang nhé ? Nhà nhiều bánh lắm cơ.
Thằng Chí chu mỏ hôn vào má tôi. Nó thương tôi lắm. Tôi thường hay bế và săn sóc nó từ lúc nó bé tí. Chào đời chưa tròn một năm, nó đã mất đi hình ảnh và tình thương của người mẹ ruột.
Mẹ tôi xoa đầu nó, nói thêm:
- Ở nhà, nó cứ hay hỏi Mẹ là cô Uyên đi đâu, sao lâu quá không thấy về chơi với nó.
Sực nhớ ra một chuyện, tôi hỏi Mẹ:
- Mẹ ơi, còn gia đình anh rể đâu rồi ?
Đôi mắt Mẹ thoáng buồn:
- Từ từ rồi Mẹ kể.
Tôi chợt nhói đau trong người, linh cảm một chuyện không may xảy ra cho gia đình anh ấy. Tôi không dám hỏi tiếp, vội bước ra xe.

Về đến nhà, chúng tôi ùa vào, tíu tít lăng xăng, người thì pha nước uống, pha trà, người thì khiêng mấy thùng đồ đạc của Bố Mẹ vào trong. Căn nhà bé nhỏ của chúng tôi sống động hẳn lên, tiếng cười tiếng nói náo động vui hơn Tết.
Mẹ xà ngay vào bếp, lục lọi, định sửa soạn bữa cơm chiều.
Chị Vy nhíu mũi:
- Hãy còn sớm, Mẹ ra phòng khách ngồi nghỉ đi, bếp núc để con lo.
- Hôm nay vui quá, Mẹ muốn nấu một bữa ăn thật ngon đển ăn mừng đoàn tụ gia đình. Nhà có nhang không các con ? Chốc nữa, Mẹ muốn tạ ơn Trời Phật.
Tôi ôm vai Mẹ:
- Mẹ cứ thế thôi, để đó đi, con biết nấu cơm rồi. Hơm nay con làm thay Mẹ.
- Giỏi thế cơ à ? Mẹ cười. Thôi được, Mẹ làm cơm cùng với các con cho vui. Hôm nay mình ăn món gì nào ?
Tôi nói ngay:
- Bố thích ăn đồ biển. Mình ra ngoài hiên nướng tôm và cá đi nhé ? Hôm qua đi chợ, tụi con mua được một con cá tươi trông ngon lắm cơ. Ăn ngay đi cho nó còn tươi, hả Mẹ ?
- Ừ, ngon lắm đấy. Nhà có rượu không nhỉ ?
Anh Bạch xen vào:
- Mẹ đừng lo. Gì chứ rượu đỏ, rượu trắng của Pháp, Trung nó đã mang đến không thiếu thứ gì kia kìa.
Bố gật gù:
- Tốt, tốt. Hôm nay ăn đồ biển, phải mở chai rượu trắng.
Mẹ nguýt Bố, nhìn anh Trung, cười:
- May mà cháu cũng biết uống và mang rượu sẵn đến, không thôi ông ấy lại bắt phải đi mua về cho bằng được.

Nhìn Bố nhâm nhi ly rượu, nhậu món tôm nướng, cười nói luôn mồm với anh Bạch và anh Trung, lòng tôi mở hội, chợt quên đi hết những gì anh chị tôi đã khổ cực trải qua sau tháng Tư…
Sau bữa cơm ấm cúng, chị em tôi vào bếp dọn dẹp. Nghe tiếng Bố Mẹ ở ngoài phòng khách trò chuyện với anh Bạch và anh Trung, tôi nôn nóng muốn ra góp chuyện, và chỉ muốn ôm Bố Mẹ.
Chị Vy đã xong việc trong bếp, kéo tay tôi ra ngoài. Tôi xà ngay vào lòng Mẹ, chị ngồi xuống bên cạnh Bố hỏi chuyện.
Bố gạt đi:
- Cả mấy tháng nay long đong, Mẹ mệt lắm, hãy để Bố Mẹ nghỉ sớm, ngày mai hẵng hay nhé ?
Quay sang anh Trung, Bố bảo:
- Ngày mai mời cậu trở lại chơi, đã xem như gia đình, cậu cứ tự nhiên cho vui nhé ?
Anh Trung gật đầu:
- Vâng, xin phép Bác. Cháu có xin nghỉ làm tuần này rồi. Cháu sẽ đến mỗi ngày, xem cháu có giúp được gì không.

Tôi chưa muốn đi ngủ, bịn rịn nhìn theo Bố Mẹ vào phòng, thương vô cùng.
                                                                                                                                                  

(… xin xem tiếp phần 5 )

Thuỵ Uyên

Nghèo

Tiền là một nét chủ đạo quan-trọng trong đời sống loài người vì ai cũng cần có tiền để sống. Nghèo thì phải chạy đông, chạy đáo để kiếm tiền và giàu thì đôi khi cũng vẫn phải chạy theo tiền để có nhiều hơn. Hôm nay, tôi không bàn về tiền mà chỉ muốn nói về “không tiền”, nói về cái nghèo.

THẾ NÀO LÀ NGHÈO?
Ai giàu, ai nghèo? Ai giàu hơn ai? Ai nghèo hơn ai? Nhìn lên bao giờ cũng có người giàu hơn mình nhưng nhìn xuống thì biết bao nhiêu người nghèo hơn mình?
Tổ-chức Ngân Hàng Thế-Giới (World Bank) định nghĩa mức độ “nghèo tuyệt đối” là $1,25 một ngày và hiện nay, vẫn còn 1,2 tỷ người trên thế-giới (tỷ lệ 20%) sống với $1,25 mỗi ngày, nghèo nhất vẫn là ở vùng Nam Sahara bên Phi-Châu với tỷ-lệ 47%!
Một trong những mục tiêu của Ngân Hàng Thế-Giới là hạ thấp tỷ-lệ nghèo trên thế-giới (từ 20%) xuống dưới 3% từ đây đến 2030 tuy là mục tiêu này rất khó đạt được. Mặt khác, nạn nghèo cũng đã giảm nhiều nhưng ngược lại, tỷ số những người sống với $2 một ngày lại gia tăng từ năm 1999 (Nguồn World Bank).
Những con số thật khủng khiếp và nghèo quả là một vấn đề thật nan giải.

Trong những xã hội được gọi là thịnh vượng, Nghèo tương đối được định-nghĩa trong bối cảnh xã-hội và đo lường sự chênh-lệch giàu-nghèo và mức bất công xã-hội.
Trên thế-giới, có những nước giàu như ở những vùng Bắc Mỹ, Âu châu, Úc châu, cũng có những nước nghèo như ở Nam Mỹ, Phi châu, Á châu (ngoại trừ những nước như Nhật-Bản hay Nam Hàn)…
Một sự-kiện rõ rệt là những dân-tộc giàu mạnh thường là giống da trắng. Tại sao thì tôi không nghiên-cứu kỹ nên không dám bàn nhưng tôi có thể nhận thấy có những nước “da trắng” không giàu (nghèo) như Nga-Sô (16% dân số) hay những nước Đông Âu cùng chính-thể.
Tỷ-lệ nước tôi là 17,2% (2012) trên 91 triệu dân, nghĩa là 15,6 triệu đồng bào tôi vẫn còn nghèo đói cùng cực, và những tiến-bộ thu gặt được phần lớn do những cơ-quan từ-thiện và… những người gọi là “Việt kiều”.

NGHÈO LÀ CÁI TỘI
Tiếng Việt ta thích dùng từ kép để ghép hai ý vào một. Nói về “giàu” thì hình như chỉ có “giàu sang” (vừa có nhiều tiền, vừa sang trọng, trưởng giả) nhưng nói về nghèo thì từ kép nhiều vô cùng: nghèo nàn, nghèo đói, nghèo túng, nghèo khổ, nghèo khốn, nghèo khó, nghèo hèn, …
Thành ngữ, tục-ngữ thì cũng vô số kể: nghèo rớt (dớt/nhớt) mồng tơi; nghèo sặc gạch; chó ăn đá, gà ăn sỏi; nước lọ, cơm niêu, … Đã nói là nước nghèo mà.

Nghèo đói
Miếng ăn là miếng tồi tàn nhưng khổ nỗi không ăn thì lấy đâu mà sống?
Bất cứ sinh-vật nào trên đời cũng phải ăn uống mỗi ngày. Xứ tôi nghèo nên có rất nhiều từ-ngữ ghép vào chữ “ăn” : ăn ảnh, ăn chặn, ăn cướp, ăn trộm, ăn bám, ăn bớt, ăn chơi, ăn diện, ăn hại, ăn hiếp, ăn gian, ăn quịt, ăn lời, ăn nói, …
Mối lo lớn nhất của người nghèo mỗi ngày là ăn bữa hôm, lo bữa mai, mang thức ăn về nuôi gia-đình. Và đói quá thì thôi cứ chịu đấm ăn sôi, miễn sao có gì vào bụng là mừng rồi.
Đói xơ, đói xác, đói chỉ có da bọc xương, những hình ảnh thật đau lòng. Đói quá là chết. Cứ nhìn lại nạn đói ở Việt-Nam dưới thời Pháp-thuộc vào những năm 44-45, chết từ bốn trăm ngàn đến hai triệu người. Nạn đói bên Trung Quốc trong những năm 58-61 dưới thời Mao Trạch Động (người đã hứa cơm no áo ấm cho công nhân) còn ghê gớm hơn nhiều, với số người chết lên đến từ hai mươi đến sáu mươi triệu người. 

Vậy mà ngày hôm nay, ở thế kỷ thứ 21, còn gần tám trăm triệu người thiếu ăn trên toàn thế giới (nguồn World Food Program) và mỗi năm gần một triệu đứa trẻ phải thiệt mạng vì nạn đói (nguồn cơ-quan Action Against Hunger).

Tôi may mắn chưa bao giờ phải đói rách nhưng tôi nhớ mãi câu Hạt gạo là hạt ngọc và tôi không bao giờ dám phí thức ăn, bữa nào cũng phải cố “ăn cho hết”, ăn hộ vợ con, kẻo vất thức ăn thì phải tội chết.

Đói ăn vụng, túng làm liều
Có thực mới vực được đạo và lịch-sử cho thấy bao nhiêu cuộc cách-mạng nổi lên chỉ vì dân quá đói? Ăn để bảo tồn sự sống cho nên đói quá thì cũng phải ăn vụng, ăn trộm, ăn cướp. Túng quá cũng phải một liều, ba bảy cũng liều chứ biết sao?
Đã bao nhiêu những thảm cảnh gia-đình vì miếng ăn mà bố mẹ phải bán con, thiếu nữ phải bán mình nuôi thân? Đã nghèo lại dính thêm vào tù tội nữa thì càng lún vào cái vòng lẩn quẩn của cái nghèo.

Nghèo khó
Cái nghèo nó đeo cái khó.
Có tiền mua tiên cũng được. Không có tiền thì làm việc lớn, việc bé gì cũng trần ai, cứ phải tính đi, tính lại sao cho đỡ tốn. Máy gì hỏng trong nhà, gọi thợ thì quá đắt, tài không có, dụng cụ cũng không thì làm sao đây? Vả lại bất cứ gì mua cũng là của rẻ, mà của rẻ là của ôi, tiền nào của nấy mà?

Rồi cái khó nó bó cái khôn cho nên tính toán cho cố, rốt cuộc rồi cũng hỏng. Có tìm ra biện-pháp thì cũng chả được hoàn-hảo. 
Người nghèo đôi khi có những cái tật kỳ lạ lắm. Thí dụ nhé: mỗi ngày nấu cơm, thường là còn dư ít nhiều, hôm sau nấu thêm nồi khác nhưng cũng lại hâm cơm nguội ăn trước rồi mới ăn tiếp sang cơm mới thổi. Nghèo là ngày nào cũng nấu cơm mà ngày nào cũng phải ăn cơm nguội hâm lại, trong khi mình có thể ăn cơm nóng trước, cơm nguội cứ để đó, lúc nào đủ ăn một bữa thì khỏi nấu cơm, rang cơm cũ ăn đổi món. Trái cây cũng vậy, cứ quả nào bắt đầu thối là ăn trước, rồi mấy quả tươi chả được nếm qua. Thật là quái lạ.

Nghèo hèn
Nghèo là thua người khác nên người nghèo thường tự ti, mặc cảm. Họng bé thì chả ai nghe, chả ai nể, lúc nào cũng phải cúi đầu, cong lưng, khép nép “Bẩm Ngài, …”. 
Có gan làm giàu mà mặc cảm thì làm sao dám phiêu lưu, mạo hiểm? Cả đời dành dụm được ít vốn, nhỡ hỏng chuyện, mất hết thì làm sao? Chưa kể là vướng thêm nợ nần vào nữa lại càng khổ.

Ăn mày đòi xôi gấc
Con nhà lính tính nhà quan
Nghèo mà ham. Nghèo thường mặc cảm, đâu dám nhìn lên,  đâu dám “đòi hỏi”, đâu dám hưởng? Có được chút tiền cũng không dám tiêu, cứ phải để dành, nhỡ ngày nào túng thiếu còn biết xoay xở.
Nghèo thì cứ ăn lấy chắc, mặc lấy bền và có làm ăn chỉ dám làm ăn nhỏ. Tôi có dịp nói chuyện với bà chủ một tiệm ăn Việt-Nam ở Paris, bà kể chuyện căn nhà thuê, vừa làm tiệm ăn, vừa để ở, cả nhà xúm vào trông coi nhưng lời lỗ không phải là vấn-đề, miễn sao cả nhà ai nấy đều có việc, có chỗ ở, có thức ăn, thức uống, có chút tiền túi là đủ lắm rồi. Ngày hôm đó, tôi học được một bài học trong nghề cố vấn quản-trị (management consulting) của tôi lúc đó.

Kiếp nghèo
Ai giàu ba họ, ai khó ba đời.
Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa và con ăn mày chỉ có đi ăn mày.
Con nhà nghèo thường không được học cao và khó có thể giàu (ngoài trừ những trường-hợp “self made men”, nhất là bên xứ Cờ-Hoa này).

Loài người chúng ta, có lẽ từ cái “ego” của mình, có khuynh hướng so sánh và phân biệt lẫn nhau, dựa theo nơi sinh sống (quốc-gia hay địa-phương), màu da, tiếng nói, tôn-giáo, (trọng) nam (khinh) nữ, giai-cấp (môn đăng hộ đối), … và dĩ nhiên giàu-nghèo.
Xã hội phong-kiến thường phân-biệt đẳng-cấp. Việt-Nam ta thuở trước có Sĩ, Nông, Công, Thương (cho dù thời buổi sau này, thương-gia đã nắm hết quyền-thế trong xã-hội với mãnh-lực của đồng tiền). Bên Ấn-Độ, người Hindu phân-biệt 4 giai-cấp, không kể đến giai-cấp thứ 5 (Untouchables / intouchables / “không nên đụng vào, không nên nói đến”) không được xếp hạng chung theo thứ-tự.
Người ta thường giao du với người cùng “phe” với mình, bác sĩ thường lấy bác sĩ, thợ thường lấy người làm công, người nghèo chỉ lấy (được) người nghèo và sinh ra con nhà nghèo. Và con nhà nghèo ít khi giàu lắm.
Mặt khác, tiền đẻ tiền nhưng nợ đẻ nợ (xanh xít đít đui mà?). Người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo. Cái vòng lẩn quẩn quay hai chiều. Lúc mới sang Mỹ, tôi cứ tự hỏi về khẩu-hiệu bán hàng "The more you spend and the more you save". Dần dần rồi tôi mới thấy là thật đúng.

Cái kiếp nghèo này thật khó mà thoát ra nên những cha mẹ hy sinh cho con cái mình thành công để gia-tộc thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn hay những người nghèo tự mình thành công là những cái gương thật đáng phục.

Nghèo khổ lắm ai ơi!
   Chém cha cái khó ! Chém cha cái khó !
   Khôn khéo mấy ai ? Xấu xa một nó ! ...
Nguyễn Công Trứ (Hàn nho phong vị phú)

   Cái khó theo nhau mãi thế thôi
   Có ai, hay chỉ một mình tôi ?
   Bạc đâu ra miệng mà mong được ?
   Tiền chửa vào tay đã hết rồi
   Van nợ lắm khi tràn nước mắt
   Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi
   Biết thân thuở trước đi làm quách
   Chẳng ký, không thông, cũng cậu bồi !
Trần Tế Xương (Than Nghèo)

Nghèo là khổ, nghèo là khốn… cho nên ai chả muốn có tiền?


PHẨM GIÁ NGHÈO
Đồng tiền nào cũng có hai mặt, nhất là đồng tiền kẻ nghèo. Nghèo là cái tật nhưng Trời sinh voi sinh cỏ, nghèo cách mấy cũng phải cố mà sống nên cái nghèo cũng giúp ta được lắm “ưu-điểm” và người nghèo thường (cùng) có những phẩm-giá của người nghèo (tôi muốn dùng chữ “value / valeur” nhưng chưa tìm ra được chữ Việt nào cho đúng nghĩa).

Cố gắng
Bẩm năng con người là bám víu vào sự sống nên không cố gắng cũng không được, nhất là nếu việc làm của mình có ý-nghĩa (hy sinh cho người thương, hoài bão cầu tiến,…).
Không có tiền thì phải biết dùng đôi tay, dùng mồ hôi, nước mắt, dùng thời gian của mình. Người nghèo thường chịu khó (chấp nhận cái khó), cần cù, can đảm, không một lời than vãn. Người Việt chúng ta lần đầu gia-nhập một nước không phải xứ- sở mình, phần đông đều đã qua cảnh này. Người Mễ và nói chung, những người đã sang Mỹ để trốn cảnh nghèo nơi quê nhà có lẽ đều hiểu.
Người Á-Đông tin vào số mệnh nên thường tự an ủi với cái “số vất vả”, cái số nghèo của mình và chấp nhận mọi hậu-quả.

Tiết kiệm
Đã ít tiền thì dĩ nhiên là không thể phí phạm, tiêu tiền “như nước” được. Nghèo mà ham, cái gì cũng mua chịu thì chắc chắn là có ngày “học gạch” mà thôi.
Nghèo là tiết kiệm từng đồng, từng cắc, đổ xăng phải theo dõi chỗ nào rẻ nhất, mua hàng phải chờ “sale” hay “promotion” để được bớt, mua không có thuế (ở tiểu-bang Delaware hay Oregon) và phải có “coupon” nữa mới được. Tôi được biết ông Warren Buffett, người giàu hạng 3 trên thế-giới (với gần 73 tỷ mỹ-kim) cũng sống tiết kiệm lắm.

Riêng tôi, tôi thích sống sung túc nhưng tôi không cần xa-xỉ. Lái xe, tôi chỉ cần xe tốt, khoẻ, chạy cho êm, cho rộng rãi, cho an toàn chứ tôi không muốn bỏ ra trăm ngàn hay nhiều hơn để mua xe. Khách sạn 3 sao đối với tôi là thoải mái lắm rồi chứ bỏ ra một ngàn mỹ kim một đêm thì tôi thấy vô-lý quá. Cho nên, nếu Trời thương cho trúng số vài chục triệu, thì chúng tôi nghĩ cũng chỉ giữ cho mình một vài triệu để hưởng già, một ít cho con cái, gia-đình rồi còn lại cho các hội từ-thiện chứ giữ nhiều quá cũng chả biết làm gì, nhất là vào tuổi này. Nói thì có vẻ hoang đường nhưng thật sự chúng tôi nghĩ như vậy.

Nhưng mà này, tiết-kiệm, tằn-tiện, hà-tiện là phẩm-giá người nghèo nhưng người nghèo thường không bần-tiện, keo kiệt, bủn xỉn. Đây lại là chuyện khác.
Đói cho sạch, rách cho thơm là như vậy.

Tháo vát
Ở trên đời, không có vấn-đề, chỉ có giải-pháp. Giải-pháp nào không mua được thì phải tự làm lấy, tự biến-chế lấy. Lúc còn ở Sài-Gòn, tôi có được cái xe đạp và sau đó, cái Mobylette xám và tôi đã phải tự vá lốp xe (với keo dán pha bằng cao-xu đế giày ngâm trong xăng) hay biết cạo bu-gi xe, biết sửa sơ sơ cho đỡ tốn. Sau đó, cuộc đời sinh viên xa nhà cũng giúp tôi học được nhiều chuyện: giặt giũ, là quần áo, khâu vá, lên gấu quần, làm cơm (muốn ăn thì lăn vào bếp mà?) và chúng tôi còn cắt tóc cho nhau cho đỡ tốn nữa. Đến khi ra làm riêng, không có thư ký, tôi phải tự lo công việc sổ sách, hồ sơ, …, máy điện-toán không chạy, tôi cũng phải loay hoay sao cho nó chạy (ít ra là phần mềm), …
Việc trong nhà, ngoài vườn, tôi cũng ít khi gọi thợ lắm, cái gì không biết thì tự học mà làm. Cũng vì vậy mà tôi biết làm nhiều thứ nhưng chẳng giỏi được môn gì cả, Jack of all trades là vậy. Nói cho ngay, lúc đầu cũng vì bất đắc dĩ thôi, nhưng rồi cũng quen, rồi cũng thích. Đúng là số vất vả mà?

Tôn trọng
Cái gì mình có ít thì mình phải biết coi trọng. Giá trị đồng tiền, giá trị cuộc sống, giá trị con người, những điều này, người nghèo thường biết trân trọng, và khinh người thì lại càng không dám. Người nghèo thường quan-niệm “Thà để người phụ mình chứ không phụ người” (không như Tào Tháo), có lẽ một phần vì cái mặc cảm nghèo hèn?

Thà một ngọn nến chập chờn còn hơn phải nguyền rủa bóng đêm (Khổng Tử).
Không có được những gì mình muốn thì thôi, cứ biết hưởng những gì mình có là vui rồi. Có còn hơn không. Người nghèo “chỉ” biết hạnh-phúc qua những thú vui đạm bạc. Trẻ con nghèo không có iPad thì chơi đánh đáo cũng vui lắm chứ?
Lúc còn bé, tôi háu ăn nhưng trên bàn ăn, ít thức ăn ngon mà lại phải nhường cho ông bà trước nên ngày nào tôi cũng đi tham quan nhà bếp, cuỗm trước những thứ không dọn lên bàn ăn như cổ gà, chân gà, đầu gà, gan, mề, xương heo nấu canh… Lâu ngày thành thói quen thì bất cứ món gì tôi cũng (thích) ăn được. Tanh như rau rắp cá, đắng như mướp, hôi như sầu riêng hay phó mát (ngay cả những loại như Reblochon hay Maroilles), cay như ớt Habanero, sống như hàu, cá, thịt bò (trong món steak tartare của Pháp), những món “độc” như mắm, đồ lòng, … không có gì là tôi sợ cả. Cho nên tôi dễ nuôi lắm nhưng không phải vì vậy mà tôi không có sở thích riêng đâu nhé. Chỉ có là mỗi thứ, tôi biết hưởng một cách khác: ăn gan ngỗng (foie gras) ngon một cách, ăn đậu hũ luộc chấm mắm tôm chanh ớt, ngon cách khác, giản dị vậy thôi.

Tương trợ
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
Để sống sót, một cách thật hữu hiệu là tương trợ lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau, dựa lên nhau mà sống. 

Lúc tôi còn ở Việt-Nam, nhất là nơi thành thị, nhà giàu, nhà nghèo cũng đều có “người giúp việc” trong nhà. Người giúp việc ở đây không có nghĩa là người được mướn để phục dịch như ở những nơi khác. Người giúp việc này thường từ dưới quê lên, được nuôi ăn ở và chút tiền quà bánh chứ không có lương như người đi làm, và đôi khi được xem như người trong gia-đình. Tôi nghĩ đây là một hình-thức tương-trợ đặc-biệt của Việt-Nam ta thuở trước.

Tôi dùng chữ “chia xẻ” khi mỗi người sẽ có ít đi (một cái bánh chia ra, chia càng nhiều thì phần bánh càng nhỏ) và “chia sẻ” khi mỗi người sẽ được nhiều hơn (chia vui, chia sự hiểu biết). Chia sẻ thì thích, thì dễ nhưng chia xẻ thì thật là quí vì vậy. Người nghèo hiểu cái khổ, cái khó của cảnh nghèo và dễ thông-cảm những người đồng cảnh. Mình giúp người lần này, lần khác, sẽ có người giúp mình.
Nói vậy thôi chứ tôi biết có những nước nghèo quá nên dân chúng đâm ra lừa lọc lẫn nhau (dù là trong gia-đình, bạn hữu) để sống. Nghĩ thật là buồn.

Ngược lại, giàu như Bill Gates (hạng 1 trên thế-giới), như Warren Buffett (hạng 3) hay Marc Zuckerberg (sáng lập viên Facebook, giàu hạng 16) và 78 tỷ phú khác đã dám ký bản cam kết (Giving pledge) sẽ biếu ít nhất một nửa của cải mình cho những công cuộc từ-thiện trong thời hạn cuộc đời mình thì thật đáng quí, đáng phục (cho dù đây chỉ là cam kết tinh thần chứ không phải là hợp đồng).

Sống nội tâm
Tôi có dịp đi du-lịch nơi những quốc-gia nghèo như Á châu, Phi châu hay Nam Mỹ và tôi phải tự hỏi những người nghèo, đôi khi rất nghèo, sống vui, “hạnh phúc” như thế nào, vì họ không “tỏ” ra là khổ lắm.
Chắc hẳn là khi mình “bất lực” trước một hoàn-cảnh nào đó thì chỉ có cách là “chấp nhận”, chứ than thân, trách phận suốt ngày chỉ khổ tâm hơn. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục mà ?

Người nghèo thường tìm cứu cánh nơi tôn-giáo (cái mà Karl Marx gọi là thuộc phiện của dân), nơi Chúa cứu thế, nơi Phật pháp (Đức Phật chỉ vạch con đường chứ không cứu vãn được ai), nơi mê tín, dị đoan, nơi lý tưởng chính trị, nơi bất cứ gì có thể đem lại một niềm hy vọng ngày mai tươi sáng. Có lần đi thăm Nam Mỹ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người nghèo, ăn mặc rách rưới, đến bên tượng Chúa Giê-Su trong một nhà thờ, để dán lên một lá vàng mỏng nhỏ. Khi mình đã không có được một mẩu bánh mì lót bụng thì ít ra, hy vọng sẽ làm cho mình bớt đói.


Mỗi người có con đường đi tìm hạnh phúc riêng của mình trên đời. Đối với người nghèo, vật ngoại thân ít thì mình sống nhiều với nội-tâm. Sống và vui với cảm giác, cảm xúc, với tình cảm. Sống bình dị, sống thật, sống với chính mình.




GIÀU NGHÈO
Trong bài này, tôi chỉ nói về cái nghèo. Dĩ nhiên, tôi chỉ nêu lên được một vài ý nghĩ mà tôi không dám nói là đúng, cũng như tôi không thể vơ đũa cả nắm. Tôi không muốn phân-biệt giàu-nghèo, tôi lại càng không dám nói những đặc-điểm người giàu là ngược lại của người nghèo.
Giàu nghèo không là phải vấn đề. Mỗi chúng ta là một trường-hợp duy nhất. Mỗi chúng ta có lối sống của mình, có những niềm vui, nỗi buồn của mình. Điều quan-trọng là sống sao cho vui, sống cho mình, với những người chung quanh mình. Trên con đường này, tôi vẫn còn lạc lối.

Yên Hà, Tháng 10, 2015



Ça commence (Ginette Reno) : Thanh Tuyền

Ça commence (Ginette Reno) 
Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc

Please click on the link
https://youtu.be/OmzhicVhWAE

Enjoy.