UA-83376712-1

Labels

Oct 30, 2011

Con đường âm-nhạc tôi đi (1) - Thuỵ Uyên


Tôi sinh-trưởng và lớn lên trong một gia-đình có thể gọi là nghệ-sĩ.
Lúc còn trẻ, ở ngoài Bắc, Bố rất thích thổi sáo. Tôi tiếc mãi không còn giữ được tấm hình Bố mặc quần tắm, chụp đứng bên cạnh bờ suối êm ả, trên môi ngậm ống sáo. Hỏi lúc ấy, Bố đang thổi bài gì thế, Bố trả lời : " Chỉ là một âm-điệu Bố thổi theo nguồn cảm-hứng thôi con ạ, không là một bài nhạc gì cả. "
Mẹ tôi, tuy không thể gọi là một ca-sĩ, nhưng Mẹ hay thường cùng với một nhóm ca nhạc-sĩ khác trong làng, tham-gia phần văn-nghệ trong những buổi tiệc hội hè, và thỉnh thoảng hát cho đài phát-thanh.
Người em gái của Mẹ, dì Minh Đỗ, là một danh-ca thời ấy. Dì đi hát thường xuyên và thâu-thanh trong những chương-trình ca-nhạc trên đài phát-thanh Hà-Nội. Một lần nữa, tôi lại tiếc nuối mãi đã đánh mất đi một đĩa hát của Dì, nhưng nhớ mãi giọng hát thánh thót, trong vắt qua những bài Ru Con, Qua cầu gió bay, Trống cơm, v.v…

Vào trong Nam chưa được bao lâu thì tôi ra đời. Bố đeo đuổi ngành điện-ảnh Bố hằng mơ ước. Nhà tuy nghèo, ngoài lo cho các con theo học chữ, Bố Mẹ không ngại khổ cực lo cho chúng tôi lần lượt theo học nhạc tại trường Quốc-Gia Âm-Nhạc.
Người anh cả, anh Châu Nhi, học trung-hồ-cầm (violoncelle), và sau đó, chuyển sang nhạc trẻ thời bấy giờ, trở thành tay lead guitar, cùng với một số nhạc-sĩ khác đi trình-diễn khắp nơi trong nước.
Người anh thứ nhì, anh Châu Bào, tốt-nghiệp dương-cầm, đỗ cao, được chính-phủ Mỹ cấp học bổng đi du-học nước ngoài.
Người chị kế, chị Thanh Xâm, cũng theo học và tốt-nghiệp dương-cầm.
Kế tiếp là chị Thanh Vân, theo gót anh Bào và chị Xâm, cũng tốt nghiệp dương-cầm.
Hiện nay, chị là người bạn đời yêu quí của nhạc-sĩ Ngô Thụy Miên.

Rồi đến tôi. Nghe mãi anh Bào, chị Xâm và chị Vân thay phiên nhau tập những bài nhạc của Chopin, Mozart, Beethoven, tôi đã thuộc lòng những bài này như cháo. Tôi thiết nghĩ, đến lượt tôi, chắc Bố cũng muốn tôi theo học dương-cầm.
Nhưng khi Bố bảo tôi : " Để đổi khác đi tí, con học vĩ-cầm nhé ? "
Tôi chưa biết vĩ-cầm là gì, nhưng mặc, dương-cầm hay vĩ-cầm, tôi chưa muốn học. Tôi không nhớ rõ các anh chị tôi đã phải theo học nhạc năm nào, nhưng tôi thì lúc ấy mới lên 7, miệng còn hôi sữa, tay còn mải ôm con búp bê chột mắt và chơi với nó suốt ngày, tôi lắc đầu quầy quậy. Viết đến đây, Aigoo ! (nhái tiếng Đại-Hàn), tôi nhăn nhăn mặt, mường-tượng đến những trận đòn Bố quất ê cả mông.
Và rồi tôi cũng phải học nhạc. Hai năm đầu, trước khi được nhận vào trường, Bố chịu khó chở tôi mỗi tuần đến nhà Thầy Nguyễn Khắc Cung học riêng trước. Eo ôi, sao mà kẹp cây đàn vĩ-cầm vào cổ, khó và khổ cực thế ! Cần cổ cứ thế mà đỏ ửng lên, da cổ chỗ ấy chai đen lại, trông xấu quá. Ở nhà tập đàn, kéo ỉ o không ra tiếng được, thật nản vô cùng.

Năm tôi lên 9, khi tôi thi đậu vào trường, các thầy cho tôi nhẩy lớp Đệ Nhất, vào ngay lớp Đệ Nhị. Năm sau, thay vì vào Đệ Tam và sau đó Đệ Tứ, tôi nhẩy thẳng vào Sơ-Đẳng, rồi Trung-Đẳng, rồi Cao-Đẳng. Trong suốt 4 năm này, một tuần 3 lần, tôi học nhạc-lý, nhạc-sử và môn chính là vĩ-cầm với Thầy Cung. Ngoài ra, một tháng một lần, tôi học trau-dồi thêm với thầy Phiệt.
Và, liên tục trong 4 năm, cứ đến cuối năm vào mùa thi, tôi lại sốt nặng. Bố Mẹ thật lo, cứ chuẩn bị sẵn thuốc men cho tôi uống trước khi đi. Các Thầy quen đến nỗi, khi Bố Mẹ chở tôi đến trường thi, họ đã hỏi Bố Mẹ "Tuyền nó lại lên cơn sốt không ?" và luôn luôn câu trả lời là « Có ».


Năm cuối cùng đi thi, tuổi vừa tròn 13, tôi sốt nặng hơn tất cả 3 năm trước. Tôi nhớ mãi, đứng trên sân khấu trả bài những bài thi vĩ-cầm, mồ hôi tôi vã ra như tắm, mặt đỏ ửng lên vì cơn sốt. Vào lớp thi nhạc-lý và nhạc-sử, các thầy bắt tôi ngồi riêng ở cuối lớp, xa hẳn các thí-sinh khác, sợ họ lây tôi.


Tôi tốt-nghiệp trường nhạc, theo học thêm 3 năm hoà-âm, và gia-nhập vào những ban nhạc hoà-tấu nhạc cổ-điển của trường, qua sự điều-khiển của thầy Phụng, thầy Phiệt, thầy Cung và thầy Toàn.




Rồi đến thằng em tôi, nó không chịu học nhạc. Nó út, nên Bố chiều, không bắt ép như các anh chị và tôi. Ấy thế mà bây giờ, khi nghe nó đàn dương-cầm những bài nhạc cổ-điển, tôi không thể nào ngờ là nó đàn giỏi và hay như thế, trong khi nó không bước vào trường nhạc một bước. Nó tự học lấy, tìm tòi trên mạng những sách vở (bây giờ rất khó kiếm để mua). Chưa hết, còn những bài nhạc trong phim bộ Đại-Hàn nữa chứ, chỉ nghe qua trong khi xem phim, nó đã dạo lại mấy bài nhạc đó không sai một nốt. Anh Bào thường hay nói, nếu chịu đi học cẩn thận, nó đã có thể nổi bật và giỏi hơn anh ấy nhiều.
Người cuối cùng trong gia-đình thân-cận nhất của tôi là nam ca-sĩ trẻ Hoàng Nam, đứa con trai lớn của chị Xâm.

Về bên gia-đình họ hàng bên Mẹ, phải kể thêm :
Chị Kim Tước trong ban Tam ca Mộc Lan, Châu Hà và Kim Tước. Mẹ chị Kim Tước là chị ruột của Mẹ tôi.
Anh Đỗ Đình Phương, tay tây-ban-cầm nhạc cổ-điển trứ-danh là anh họ tôi. Ông Ngoại tôi là em ruột ông Nội anh Phương.
Ông Ngoại cũng là anh ruột Ông Nội nam ca-sĩ Mạnh Đình.
Và nhạc sĩ Vũ Thành, tác giả bài hát bất hủ " Giấc mơ hồi hương " là thân-phụ của một cô em họ tôi.
Ngoài ra còn một vài cậu của tôi cũng vang bóng một thời như cậu Thiều và cậu Liêu (Lê Đô) với tiếng kèn clarinette.
Đấy, đại-khái gia-đình nghệ-sĩ của tôi đấy. Thế mà bảo rằng, tôi không có máu nghệ-sĩ trong người làm sao được ? 

Không hiểu sao, tuy theo học đến nơi đến chốn về nhạc cổ-điển tây-phương, tôi lại mê say loại nhạc trẻ thời-trang. Tôi học và ôn bài cho trường chữ ở nhà, mà lúc nào cũng kè kè bên cạnh chiếc radio nhỏ xíu để nghe nhạc. Có lẽ vì theo học trường tây, ảnh-hưởng lớn nhất với tôi lúc bấy giờ là nhạc Pháp. Những bài hát của Hervé, Christophe, Adamo, Enrico Macias, Sylvie, Françoise, France Gall, v.v. tôi thuộc từng lời từng nốt một.
Danh-ca thần-tượng số một của tôi là Hervé Vilard với bài J’ai Envie.
Một dạo ở Saigon, tôi nhớ có đọc thoang thoáng ở đâu rằng Hervé tự-tử. Tin vịt hay tin thật, không cần biết, tôi chỉ biết tôi đã khóc sướt mướt, còn viết một lá thơ đến fans club của Hervé để than thở.
Rồi phong-trào nhạc Anh tràn đến với âm-điệu mới mẻ của The Beatles, Rolling Stones, giọng hát trầm ấm của Cliff Richard qua tiếng đàn Fender ngọt ngào của The Shadows, ôi chao ! Mê thì thôi !
Tôi tốn bao nhiêu tiền xem đi xem lại phim Pop Gear và Just For You, chỉ để nghe The Animals hát bài The House of the rising sun và Don't let me be misunderstood, ngắm khuôn mặt dễ thương của Peter Noone của Herman's Hermits với chiếc răng khểnh.
Rồi đến phim Woodstock, tôi lại tốn thêm một số tiền nữa, xem không biết bao nhiêu lần.
Mê nhất là Joe Cocker với bài With a little help from my friend, Santana với Soul Sacrifice, The Who với Feel me, và chính bài Woodstock qua sự trình-diễn của Crosby, Stills, Nash and Young.

Thụy Uyên, tháng 10, 2011
(xin đón đọc Phần 2)

Still got the blues-Thanh Tuyền


Please on the link   http://youtu.be/u34BDEnuFTo

and enjoy.

Et si tu n'existais pas - Thanh Tuyền


Please on the link   http://youtu.be/bsNI12FJuDM

and enjoy.

Oct 25, 2011

Cô Tim và Nhà May Mắn

Ngày 16 tháng 10 vừa qua, chúng tôi có được may mắn chơi nhạc cho một buổi họp mặt gây quỹ cho Nhà May Mắn và còn có nhân-duyên gặp được cô Tim.
Cô Tim và Nhà May Mắn thì ai cũng biết qua nhưng hôm đó, gặp cô tận mắt, nghe cô nói chuyện, kể chuyện bằng một tiếng Việt thật chính xác và mạch lạc, tôi lại càng kính phục và ngưỡng mộ cô hơn nữa.

Cô gái Thụy-Sĩ Aline Rebeaud sinh-trưởng trong một gia-đình khá giả, sang chơi một nước nghèo nàn như Việt-Nam chúng ta năm cô hai mươi tuổi, và đột nhiên cả cuộc đời cô biến đổi.
Duyên-phận nào đã khiến cô dừng bước nơi này để, từ mười chín năm nay, dâng-hiến cả cuộc đời cho những người thiếu may mắn trên mảnh đất nghèo khó này ?


Từ một căn nhà lá cô thuê để đón về nuôi một đứa trẻ mà cô đã "cứu sống" từ một bệnh-viện nào ở Sài-Gòn, sau đó trở thành 
Nhà May Mắn (hiện là nơi sinh sống của năm mươi đứa trẻ), cô đã tiếp tục mở thêm Trung-Tâm Chắp Cánh để dậy nghề (hội họa, mỹ nghệ, vi-tính, may thêu) cho những người khuyết-tật, cho đến Làng May Mắn gồm khoảng 40 căn hộ dành cho người khuyết-tật và gia-đình họ, cho mướn với giá rẻ, không nói đến những công-trình khác (xin đọc thêm trên mạng http://www.maison-chance.org).
Trên đời này, có mấy ai gầy-dựng được kỳ công này ? Có mấy ai có đủ một tấm lòng nhân-ái cao-thượng, một hoài-bảo và một tầm nhìn sâu rộng, một tài lãnh-đạo để vận-động và điều hành nhân-lực và tài-nguyên, cũng như một nghị-lực phi thường để vượt qua mọi chông gai, thử thách như vậy ? Tôi lại nghĩ đến những vị siêu-nhân như Mère Thérésa.

Trong chương trình hôm đó còn có sự cộng tác của một người Úc, John Smallwood, một tay đua xe đạp kỳ cựu đã quyên góp cho Nhà May Mắn qua một chuyến đạp xe xuyên Mỹ từ Seattle, WA đến Washington DC. Ông cũng đã bắt đầu việc quyên tiền này từ năm 2009 khi ông về hưu. 



Trong bao nhiêu niềm bất-hạnh, nước Việt-Nam tôi còn may mắn gặp được những người như cô Tim, ông John và bao nhiêu ủng-hộ viên khác, trong nước cũng như ngoài nước. 
Tôi cũng muốn nhắc đến các anh chị đầy nhiệt-tâm tham gia vào Maison Chance cũng như những tổ-chức từ-thiện khác, khắp nơi trên thế-giới.


Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói “Tình người là một nhu-cầu thiết-yếu của nhân-loại, không phải là một hàng xa xí phẩm”. Và chuyện cô Tim đã chứng-minh mạnh mẽ ý-nghĩa câu nói này. Có người đã gọi cô là vị Bồ-Tát sống của trẻ em Việt-Nam, có lẽ cũng không quá đáng. 
Riêng đối với tôi, cô Tim đã là một vị "Đại Anh Hùng". 

 "… Chúng ta hãy đưa tay ra nâng đỡ cho các người kém may mắn không thể đi được, dắt họ, giúp họ để tập họ đi và sau đó từ từ thả tay ra cho họ tự đi một mình..."

Câu nói này của cô Tim, tôi xin được ghi nhớ.









Tháng 10, 2011