UA-83376712-1

Labels

Feb 28, 2019

Tết Kỷ Hợi


Tết năm nay, người thợ làm vườn bỗng phải đương đầu với chút vấn đề sức-khoẻ, giờ mới hồi lại phần nào để trở về với các bạn.
Những lời chúc tụng đến trễ gần cả tháng, mong các bạn lượng-thứ cho.

Tuyền-Phú xin cầu chúc các bạn một năm Kỷ-Hợi 
tràn đầy sức-khoẻ, vui tươi, hạnh-phúc, may mắn và thành công trên mọi lãnh-vực.

Tết năm nay, thân mời các bạn 
Đọc bài:
- Nhạc 60-70 của tôi (Đoạn kết) : Nhạc Pháp Hậu YéYé và nhạc ca-từ
https://phu-tran.blogspot.com/2019/02/nhac-60-70-cua-toi-oan-ket.html

Và những bài Xuân khác:

Tết Tây - Tết Ta :
- VN-VN : Phong-tục Tết Việt-Nam : 
- VN-VN : Let's celebrate the Tết (English version) :
- VN-VN : Us et coutumes du Tết (Version française) :

Tết tha hương : Hương vị Tết ngày xưa, còn chút gì để nhớ sau mấy mươi năm xa xứ?


Nghe nhạc:
- Cõi vắng : Diệu Hương sáng tác, Thanh Tuyền trình bày, Ban nhạc Đêm Màu Hồng (Courtesy of Trung-Lan)
https://youtu.be/nD3blVrZdfM

- Nếu em được lựa chọn : Thái Thịnh sáng tác, Thanh Tuyền trình bày, Ban nhạc Đêm Màu Hồng (Courtesy of Trung-Lan)

https://youtu.be/q0Q0QfTZ_ec

- Hương :  Một bài Twist thật vui nhộn và kích-động, Nhạc Nhật Ngân; Thơ Nguyễn Long; Ngọc Phú trình bày; Ban nhạc : Jimi Brothers; Video : Nguyễn Xuân Việt

https://youtu.be/jnehH0n-kvY 

Và những bài nhạc Tết khác:

Em đã thấy mùa xuân chưa? : Quốc Dũng sáng tác, Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc

Em đến thăm anh đêm 30 : Thơ Nguyễn Đình Toàn, Nhạc Vũ Thành An, Ngọc Phú trình bày, Thanh Tuyền đệm nhạc

Chúc Xuân (AVT) : 



Đọc và cổ-động Artshare

Nhạc 60-70 của tôi : Đoạn kết


3. Phần 3 : Nhạc Pháp 
https://phu-tran.blogspot.com/2018/12/nhac-60-70-cua-toi-phan-3-nhac-phap-ye.html
3.1 Nhạc Pháp thập-niên 50
3.2 Nhạc Pháp thập-niên 60-70
3.2.1 Nhạc Yé-Yé thập-niên 60
./.

3.2.2 Hậu nhạc Yé-Yé  thập-niên 70
Giữa thập-niên 60, chiến-tranh Việt-Nam và vài vấn-đề xã-hội bên Mỹ đưa đến phong trào Hippy. Bên Pháp, biến-cố tháng 5, 1968 bên Pháp (Mai 68) nói lên ước vọng và đòi hỏi mới của giới trẻ. Người thanh-thiếu niên ý thức hơn và phong-trào Yé-Yé, xuất phát từ lối sống vô tư lự, dần dà phai nhạt. Những nghệ-sĩ Yé-Yé vẫn tiếp tục hoạt động, song song với một thế-hệ mới.
Có những nam nghệ-sĩ như :
- Michel Delpech (Jean Michel Bertrand Delpech) với Wight is Wight, Pour un flirt,…
- Art Sullivan (Marc Liénart van Lidth de Jeude gốc Bỉ) với Ensemble, Adieu sois heureuse, Sans toi, …
- Jean-François Michaël (Yves Roze) với Adieu jolie Candy, Comme j’ai toujours envie d’aimer, Je pense à toi, Coupable, Si l’amour existe encore, …
- Gérard Lenorman với La ballade des gens heureux
- Joe Dassin (Joseph Ira Dassin) với L’Amérique, L’été indien, …

Có những « chanteurs à minettes » (ca sĩ cho choai choai nữ) như Frédéric François (Francesco Barracato gốc Ý) nổi tiếng với Laisse-moi vivre ma vie ; Mike Brant (Moshé Brand gốc Do Thái, mất năm 1975 lúc 27 tuổi) với Qui saura (Che sarà) ; Rien qu’une larme ; Tout donné, tout repris ;  C’est comme ça que je t’aime ; … ; Patrick Juvet (Thuỵ Sĩ) ; Dave (gốc Hoà Lan) hay Christian Delagrange.

Những ca sĩ Disco
Với làn sóng Disco, những ca sĩ Yé-Yé cũng phải theo thời đôi chút nhưng thường vẫn giữ phong cách Yé-Yé.
Những bài J’attendrai hay Laissez moi danser (Dalida), Alexandrie Alexandra (Claude François), Irrésistiblement hay I don’t want the night to end (Sylvie Vartan), … là những bài Disco-Yé-Yé.
Những ca sĩ Disco mới là Marc Cerrone với Supernature, Love in C Minor, Santa Esmeralda với Don’t let me be misunderstood, … nhưng nói chung, phong trào Disco không ăn khách như bên Anh-Mỹ.

Những ban nhạc :
Như đã nói, trong thời-kỳ Yé-Yé, ca sĩ làm bá chủ và ban nhạc chỉ là phụ. Yé-Yé yếu đi thì các ban nhạc bắt đầu dành quyền sống, đặc biệt trong thể loại Rock (Téléphone, Triangle, Martin Circus, Little Bob Story, và đặc biết là một ban nhạc Tai Phong của hai anh em người Viê-Nam Khánh Mai và Tài Sinh, …), hay Folk (Malicorne, Tarentule, Melusine,…), tôi đã có nghe thử nhưng phải thú thật đã nghe Rock thì nghe Rock Anh-Mỹ hay hơn (có lẽ vì Rock không hợp với văn-hoá Pháp ?).


Đứng giữa nhạc Yé-Yé  / Hậu Yé-Yé và nhạc « ca từ » có :
- Alain Souchon với Allo Maman bobo, Y’a d’la rumba dans l’air, C’est comme vous voulez, Jamais content, … một loại nhạc nhẹ nhàng ;
- Serge Lama (Serge Chauvier) với những bài như Les ballons rouges, D’aventures en aventures, Je suis malade, Superman, Les p’tites femmes de Pigalle, … Nhạc Lama phần đông « vui » và nhộn nhịp hơn nên gặt hái nhiều thành công.
- Michel Sardou với La maladie d’amour, Je vais t’aimer, Les vieux mariés, … Nhạc Sardou đôi khi tranh chấp, lời lẽ quá khích trên phương-diện chính trị, xã-hội nên không được lòng mọi người.

Đặc biệt nữa có Francis Cabrel mà ta có thể xem như một Bob Dylan Pháp, nghĩa là chơi Folk/Country trên những đề tài quay về thiên-nhiên, đậm chút triết-lý cuộc đời, quay lưng lại chủ-trương show business. Ai có thể thấy anh « nhà quê » nhưng tôi lại thích loại phong cách này.
Trong những bài tôi thích có : Je l’aime à mourir, Assis sur le rebord du monde (tạo hình ảnh Thượng Đế ngồi nhìn xuống thế-gian mà thở dài), La corrida (chống đấu bò), L’encre de tes yeux (những gì anh viết, anh viết bằng mực từ trong mắt em), Samedi soir sur la Terre, …

Thời này còn có những nữ nghệ-sĩ tôi nghe như :
- Véronique Sanson, vợ của Stephen Stills một thời gian, với Besoin de personne, Vancouver,…
- Nicole Croisille, một nữ ca sĩ với một giọng thật khoẻ và đượm ảnh-hưởng Jazz, với Un homme et une femme (bài hát trong phim của Claude Lelouch), Une femme avec toi, Parle moi de lui, Téléphone moi, Si l’on pouvait choisir sa vie, …

3.2.3 Nhạc « ca từ » thập-niên 60-70
Nhạc phổ-thông, còn gọi là nhạc quần-chúng, thường là loại nhạc để giải-trí, dễ nghe, không phải suy-nghĩ, nhức đầu nên thường chú trọng vào giai-điệu nhạc và ca từ thường chỉ là phụ.
(Xin mời đọc thêm : Nhạc và lời
https://phu-tran.blogspot.com/2018/06/nhac-va-loi.html)


Song song với nhạc YéYé và « hậu YéYé» thời này, vẫn tiếp-tục một loại nhạc đã có từ thập-niên 50 mà ta có thể so sánh với nhạc Tiền-Chiến và nhạc Tình ca bên Việt-Nam thời này, tôi tạm gọi là nhạc ca-từ (chanson à texte).
Những nhạc-sĩ này thường tự hát nhạc của mình.

Cuối thập-niên 60, tôi đi học bên trời Bỉ. Nơi đây, tôi vẫn tiếp-tục nghe nhạc Pháp (nước Bỉ dùng hai thứ tiếng chính-thức là Pháp và Hoà Lan) nhưng tôi không thể không biết đến và ưa chuộng ca-nhạc sĩ  nổi tiếng nhất của nước này :

Jacques Brel là một nghệ-sĩ thật đa dạng và phức-tạp : đam mê và chân thệt, quá nhạy cảm với những ca từ sắc bén và đầy cảm xúc,… và một lối trình-diễn có một không hai (Ai có thể hát tiếng Pháp cho khán-giả Nga mà được hoan-nghênh nhiệt liệt / standing ovation như Brel?)
Một vài bài nổi tiếng : Ne me quitte pas (được dịch ra tiếng Anh là If you go away), Quand on n’a que l’amour, Le plat pays, Amsterdam, Les bourgeois, Les bonbons, Les vieux, Voir un ami pleurer, Marieke, Orly, …
Tiếc thay, người nghệ-sĩ đam mê này đã ra đi lúc ông mới 49 tuổi.

(Xin mời đọc thêm : Jacques Brel, người nghệ-sĩ đầy nhạy cảm
http://phu-tran.blogspot.com/2015/01/jacques-brel-nguoi-nghe-si-ay-nhay-cam.html

- Charles Aznavour là ca-nhạc-sĩ mà tôi hâm mộ nhất trên đời này, so với tất cả loại nhạc.
Trong cuộc sống của ông, ông đã có nhiều chuyện để kể (ông đã viết hơn một nghìn bài nhạc) và tiếng Pháp của ông quá tuyệt vời để mỗi bài hát là một bài thơ trữ-tình nhưng thơ của ông không trừu tượng (như thơ Trịnh Công Sơn) mà rất gắn liền với mọi khía cạnh cuộc sống hàng ngày nên người nghe có thể tự nhận ra mình trong mỗi bài hát của ông.
Một vài bài nổi tiếng : Et pourtant (hát trong phim Cherchez l’idole), La bohème (có lẽ nhiều người thích nhất ?), Hier encore, L’amour c’est comme un jour, Au creux de mon épaule, Que c’est triste Venise, Comme ils disent, Les plaisirs démodés, Mon émouvant amour, Mourir d’aimer, La Mamma,… (Làm sao tôi có thể kê ra hết tất cả những bài tôi thích ?)
Ông mới rời cõi trần ngày 1 tháng 10 năm nay 2018, hưởng thọ 94 tuổi.
Gilbert Bécaud (François Silly) biệt danh Monsieur 100 000 volts vì lối trình diễn rất sống động, nổi tiếng với cái cà-vạt đen điểm trắng và giọng miền Nam nước Pháp (Toulon). Một lần đi nghe ông hát, tôi ngồi hàng bên hông (rẻ tiền hơn) nên mới thấy sau mỗi bài hát, ông lại chạy vào hậu-trường hít một hơi thuốc lá rồi chạy ra hát tiếp.
Những tác-phẩm nổi tiếng của ông là Et maintenant (bản dịch tiếng Mỹ là What now, my love), Mes mains, Nathalie, La vente aux enchères, C’est en septembre, Desperados, …
Ông còn là diễn-viên trong sáu cuốn phim.
Ông mất năm 2001.

Georges Moustaki (Giuseppe Mustacchi, gốc Ý-Hy lạp, sinh tại Ai-Cập, quốc-tịch Pháp). Là ngưới đa văn-hoá, ông rất phóng khoáng, khiêm-tốn và nhạc của ông nhẹ nhàng : Le métèque, Il est trop tard, Ma solitude, ...

Kỷ-niêm riêng của tôi và ông là lúc còn ở Paris, tôi đã nhiểu lần đọ sức với ông (và thắng ông) trên bàn ping pong một club thể-thao bên bờ sông Seine. (Đã nói ông rất xuề-xoà, bình-dân mà.)

Ảnh kế bên là trong khoảng thời-gian tôi gặp ông tại Paris. 
Ông mất năm 2013.

- Léo Ferré (gốc Monaco), một ca-nhạc sĩ với một căn-bản nhạc cổ-điển. Nhạc của ông vừa chống đối mọi thể-chế (Ni Dieu, ni maître ; Les anarchistes ; …) vừa lãng mạn và đầy thi tính (Avec le temps, Chanson d’automne thơ Paul Verlaine, La chanson du mal-aimé, …). Ông đã để lại dấu ấn mình trong thi ca Pháp thế-kỷ 20.

Có những ca-nhạc sĩ rất nổi-tiếng mà tôi ít nghe hơn là Georges Brassens, Jean Ferrat (thường phổ thơ Louis Aragon) hay Charles Dumont (đã viết Non je ne regrette rienMon Dieu cho Edith Piaf) hay Barbara (Marienbad, L'aigle noir, Ma plus belle histoire d'amour), ...

Một phần nước Canada dùng tiếng Pháp làm ngôn-ngữ chính-thức nên nên các ca nhạc-sĩ nước này cũng đóng góp không ít.
Tôi thích :

- Ginette Reno (Ginette Raynault sinh tại Montreal) với Çà pleure aussi un homme, Remixer ma vie, Çà commence, N'oublie jamais,...

- Diane Dufresne (sinh tại Montreal) nổi tiếng với cách ăn mặc kỳ quặc và những bài như J'ai rencontré l'homme de ma vie, Le rêve de Stella spotlight (thuộc opéra-rock Starmania),...

- Giles Vigneault là ca-nhạc-sĩ rất thấm nhuần văn-học Pháp và ông đã mô tả quê-hương Québec  của ông một cách thấm thía với những bài Mon pays(, ce n'est pas un pays, c'est l'hiver)Les gens de mon pays (được xem như quốc-ca Québec), ... Người Québec nào cũng phải biết đến ông này.

- Félix Leclerc là một Georges Brassens của Québec với những bài Le petit bonheur, Le Québécois, ...

- Robert Charlebois (sinh tại Montreal) thì tôi ít nghe hơn.

Tôi xin chấm-dứt phần nhạc Pháp với Claude Barzotti (Francesco Barzotti, gốc Ý, sống bên Bỉ).  Để nói đến « anh » này (anh trẻ tuổi hơn tôi), tôi phải ăn gian một chút vì anh viết bài Madame năm 1981(không còn là 60-70 nữa) nhưng thôi, tôi thích thì cứ viết, có chết thằng Tây, thằng Bỉ, thằng Ý nào đâu ?
Anh không nổi tiếng lắm nhưng tôi thích Aime moi, Elle me tue, Je t’apprendrai l’amour, Ça pleure aussi un homme, La maison d’Irlande, Papa, Là où j’irai, Madame, Je vous aime,...


Tổng-Kết
So sánh một chút, tôi cảm thấy rõ nhạc Pháp có hai khuynh-hướng, một loại nhạc để nghe (nhạc thính phòng) ảnh-hưởng nhạc cổ-điển và thi-ca (cái tôi tạm gọi là nhạc ca-từ), và một loại nhạc thị-hiếu, dễ nghe, dễ thích bởi đa số quần chúng (mà thời đó điển-hình là nhạc YéYé).
Nhạc Việt-Nam ta có phần tương-đương, có lẽ ảnh-hưởng một trăm năm Pháp-thuộc, với nhạc Tiền-chiến, sau đó từ từ chuyển qua nhạc Tình-ca, song song với những thể-loại "bình dân" hơn.

Nhạc Anh-Mỹ (hay đúng hơn phải gọi là nhạc Mỹ, tiếng Anh, chứ nhạc Anh bây giờ mấy ai nghe?) thì hơi khác. Nước Mỹ là một hợp-chủng quốc, một nước "mới" không có và không "bị" ràng-buộc bởi nền văn-hoá nào nên thật đa dạng và phát-triển rất nhanh.
Sau đó, nhờ vào vị-trí đế-quốc chính-trị, tài-chính, thương-mại, nền văn-hoá Mỹ bắt đầu gây ảnh-hưởng toàn-cầu: hầu như bất cứ tại nước nào cũng có vài tiệm Mac Donald, 
ai cũng muốn sang Mỹ sống, ai cũng học nói tiếng Mỹ và tiếng Mỹ đã trở thành ngôn-ngữ quốc-tế. (Chúng ta chỉ được nghe giọng Anh và từ-vựng Anh bên Anh và những nước thuộc-địa xưa hoặc trong những phim của Anh, những phim tài-liệu rất giá-trị của đài BBC.)
Và nhạc Mỹ đã trở thành nhạc quốc-tế. Một bài hát muốn nổi tiếng toàn-cầu phải viết tiếng Mỹ hoăc dịch ra tiếng Mỹ (điển-hình là My way dịch ra từ Comme d'habitude, nhưng thí-dụ ngược lại là bài Besame Mucho ít ai biết bản tiếng Mỹ trình-bày bởi Frank Sinatra, Elvis Presley hay Dean Martin).
Mỹ là nước đại tư-bản, phát-triển nhờ mức tiêu-thụ cao (dù giàu, dù nghèo) nên nhạc Mỹ cũng phải là nhạc thương-mại, dành cho đại đa-số và nhạc thính-phòng (nhạc cổ-điển, opera, ballet,...) dĩ nhiên cũng có nhưng chỉ ở những thành-phố lớn và chỉ có một thiểu-số nhỏ biết đến.
Văn-minh càng tiến-hoá, quốc-gia càng giàu mạnh thì dân chúng ngày càng xa dần truyền-thống của mình. Kẻ tha-hương tôi có muốn nghe nhạc nhạc dân ca, nhạc cổ-truyền của mình thỉ có lên YouTube nghe cho đở ghiền chứ ai làm show cho mình đi xem?

(Phần phân-tích này chỉ nói lên ý-kiến cá-nhân tôi, mong những bạn đọc không đồng ý bỏ qua cho nhé.)

Trong bài này, tôi chỉ liệt-kê ra một ít loại nhạc Việt-Anh-Pháp những thập-niên 60-70, tôi không nói đến các loại nhạc khác tôi nghe (nhạc cổ-điển, nhạc hoà tấu, nhạc cổ-truyện các nước trên thế-giới, nhạc tiếng Tây-Ban-Nha những vùng La-Tinh, nhạc Jazz,...) mà đã thấy Ca rừng, Nhạc bể như thế nào rồi. 

Âm-nhạc ơi, may mà có em, đời còn dễ thương...

Yên Hà, tháng 2, 2019



Năm Heo nói chuyện Lợn


Tết năm nay nhằm vào ngày thứ Ba, mồng 5, tháng 2, 2019 Dương-lịch và là năm Kỷ Hợi. Thân mời các bạn vòng vo Tam Quốc về chuyện con heo, (con lợn, gọi theo người Bắc).

Theo Tử-Vi
Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn.

Khi nhắc đến những người cầm tinh con lợn, ai cũng nghĩ họ có số hưởng cuộc sống an nhàn, vô lo vô nghĩ nhưng thực ra, cuộc sống nội tâm của họ không đơn giản như vẻ bên ngoài.

Theo Tử-vi, 
những người tuổi Hợi giàu lòng trắc ẩn, nhân ái, hành-xử rất tốt, thích cuộc sống hưởng thụ, ăn ngon mặc đẹp. Họ sống tự do, thoải mái và phóng khoáng, và tuổi này được mọi người xung quanh quý mến, tôn trọng.

Oan ôi ông Địa
Nói đến heo, chúng ta thường nghĩ ngay đến những điều xấu xa như béo mập, tham ăn, tục uống, ngu xuẩn, lười biếng, bẩn thỉu, và thậm chí dâm đãng với danh-từ “phim con heo” nhưng heo thật bị hàm oan.
Trước hết, heo là một súc vật rất thông minh, hơn cả chó mèo, chỉ thua cá voi, khỉ, quạ và két. Heo dễ dậy, ngoan hiền và thân-thiện.
H
eo không có những tuyến-hạch để toát ra mồ hôi nên cần phải lăn mình vào bùn lúc trời nóng để làm giảm bớt nhiệt độ trong cơ thể, chứ không phải nó thích sống bẩn; ngược lại là đằng khác, muốn tiểu-tiện, nó thường ra thật xa nơi nó ăn.
Nói nó lười nhưng loài người chúng ta nuôi nó để ăn thịt thì nó chỉ được ăn với ngủ chứ nó làm gì khác được? Tư-tưởng "ngu si hưởng thái-bình" có lẽ cũng từ đây mà ra?
Còn nói nó giở trò con heo lại còn sai hơn nữa, điều đó phải dành cho dê, cho gà chứ? (Nhưng cũng phải công-nhận nhìn cái mặt Trư Bát Giới thấy nham nhở, thô tục làm sao?)

Những loài Heo
Nói nôm na, heo có ba loại:
- Heo rừng (lợn lòi), thuỷ-tổ các loài heo, lông dài, đen và cứng, có sừng và sống trong rừng (heo rừng sống đâu khác bây giờ?). Loại này có làm thịt thì cũng phải hầm rượu vang như mọi loại thịt rừng, nếu không ăn dai lắm;
Nhưng hình như thịt heo đen lại bán đắt hơn vì có tỉ lệ nạc và mỡ hài hòa hơn, lượng mỡ thấp hơn, chất đạm cao hơn và có người (dửng mở?) tin rằng ăn thịt này sẽ khoẻ mạnh hơn.

- Heo nhà, đến từ heo rừng đã được thuần-hoá để nuôi làm thịt. Nuôi heo rất dễ vì heo ăn gì cũng được (Tôi nhớ lúc ở Sài-Gòn, cứ chiều chiều, lại có một ông đậy xe đi từng nhà xin thức ăn thừa về nuôi heo).

- Heo cảnh (kiểng), còn gọi là lợn ỉ, biết vẫy đuôi mừng chủ, được nuôi chơi như chó, mèo.

Nhiều cách để gọi heo là: heo nái (lợn cái nuôi để sản-xuất lợn con) ; lợn xề (heo nái già) như trong bài hát "Ba bà mẹ chồng" của ban AVT ; heo nọc (heo đực dùng để truyền giống) ; lợn hạch (lợn đực đã thiến) ; lợn bột hay heo sữa (lợn con dưới một năm, còn đang bú mẹ) thường làm thịt quay nguyên con ; lợn lang (lông đốm đen-trắng); …

Lợn trong ẩm-thực
Từ thuở xa xưa, thịt heo đã là một thực phẫm cho loài người, ngoại trừ các dân tộc theo đạo Hồi hoặc đạo Do Thái. Trên toàn cầu, thịt heo thuộc loại được tiêu-thụ nhiều nhất. Tiếng Pháp có câu “Dans le cochon, tout est bon”, có nghĩa là tất cả những bộ-phận trong con heo đều ăn được cả : giò heo, da heo, tai heo, mỡ heo, lòng heo, … được chế biến thành biết bao nhiêu món ăn độc đáo.
Đặc biệt trong các lễ lộc lớn như cưới hỏi, cúng đình, ... thì không thể thiếu heo sữa quay.
Món ăn ngon với thịt heo thì nhiều vô số kể, nào là bánh giò, bánh giầy, bánh cuốn,… để ăn vặt ; những món nước như cháo, mì, hủ-tiếu, bún bò Huế (dĩ nhiên phải có miếng chân heo),…; những món nhậu như nộm tai heo, lòng heo chiên, tim, gan, …; những món thịt như thịt ba chỉ nướng, kho, luộc cuốn rau, sườn nướng, thịt quay, … 
Ta thường nghe chữ tả pín lù để nói về những thứ hổ-lốn, lai tạp nhưng tôi chưa bao giờ được nếm qua món ăn này của người Trung Hoa.
Bao nhiêu món ngon, tôi không dám kể hết, sợ bạn đọc giỏ dãi, thình lình bỏ ra lục tủ lạnh.
Riêng tôi vốn thích gặm đầu, gặm chân, gặm đuôi, tôi lại nhớ năm vừa rồi đi cruise ở Hawai'i, trên tàu có tối họ đãi thịt heo quay, tôi xếp hàng rồi đến lượt tôi thì vừa vặn đúng lúc anh bồi bếp đẽo cái đầu heo, quẳng ngay vào thùng rác, làm bụng tôi đau quặn, mà mở miệng ra xin lấy ra lại thì mất mặt Việt-Nam tôi quá, nên đành bấm bụng, cắn răng, ôm trọn nỗi hờn tủi, đến ngày nay vẫn còn nuối tiếc.
Ngoài việc nuôi chúng ta, heo còn cho ta da để làm quần áo, giầy dép, hành lý giá rẻ, lông heo còn dùng làm bút cọ.

Lợn trong văn hoá thế-giới
Trong truyện thần-thoại Hy Lạp, con heo thường được vẽ chung với nữ thần sinh-sản và nông-nghiệp Demeter.
Người dân Hawai’i thì tin nơi Kamapua’a, một siêu-nhân có thể biến thành heo.
Truyện ngụ-ngôn “Ba con heo con” (Three little pigs) và chú sói đã có từ lâu bên Âu-Châu.

Con heo gây ấn-tượng đặc-biệt ở vùng Á-Châu,  và nổi tiếng nhất là trong tác-phẩm kinh-điển Tây Du Ký của Trung Hoa, với nhân-vật Trư Bát Giới, còn gọi là Trư Ngộ Năng, do Quan Thế Âm Bồ tát đặt cho, nghĩa là: "con lợn (tái sinh) nhận (ngộ) ra khả năng của mình" để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng. Tam Tạng đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là "Tám ranh giới" (không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay) để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình. Đọc truyện, có lẽ ít ai có cảm-tình với anh chàng này, so với Tôn Ngộ Không và Sa Tăng?

Hình ảnh con heo đã xuất hiện rất sớm trong nền văn hóa Trung Quốc, ví dụ như một cái Chén gốm đen khắc hình lợn rừng của nền Văn hóa Hà Mụ Độ (Hà Mẫu Độ) trước công nguyên 5000 đến 4000 năm, hiện trưng bày tại viện Bảo tàng tỉnh Triết Giang (Trung Quốc).


Tượng heo có chim đậu trên lưng, bằng đồng, đời Nhà Thương (1600 - 1046 trước CN).
Tượng này có hình dáng khúc chiết, mạnh mẽ, được chạm khắc hoa văn khắp bề mặt.

Đối với người Nhật, con heo rừng được gọi là inoshishi, nó là vật cưỡi của Thần chiến tranh Usa Hachiman bởi sự dũng mãnh. Tại các đền thờ Thần đạo, họ hay bày các tượng heo rừng nhỏ trước điện thờ thần Wakenokiyomaro.


Mặt nạ heo lại là một vật khá phổ biến trên thế giới tuy mục đích sử dụng có khác nhau. 
Mặt nạ heo của Nêpan làm bằng gỗ, tô màu, nó được dùng trong các lễ hội đạo Hindu có niên đại đầu thế kỷ 20.
Mặt nạ nghi lễ heo của Kalimantan, được làm vào năm 1940 từ đầu thú, có cả lông và tai, một hiện vật tiêu biểu cho văn hóa dân gian Indonesia.
Mặt nạ heo rừng Barong (hình bên) được làm bằng gỗ sơn, phong cách Bali, Indonesia, được dùng trong các điệu múa trong lễ hội
Mặt nạ sân khấu Topeng mô tả mặt heo, một sự diễn tả không thay đổi từ xưa cho kịch múa wayang topeng, Tây Java, Indonesia.

Trong thần-thoại Ấn-Độ giáo, một trong những hiện-thân của Vishnu (một trong bộ tam thần) là Varâha dưới hình-thể con lợn rừng.

Con lợn trong quan-niệm văn-hóa cổ-truyền Việt-Nam thuộc dòng Âm, ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. 
Con lợn được thể-hiện qua các bức tranh dân-gian Đông Hồ, Kim Hoàng, hình ảnh con lợn hiện-hữu trên tấm lịch tường gia-đình để thể-hiện sự sung-mãn, phồn-thực, hạnh phúc, nhất là trong dịp Tết. 
Con heo đất được cha mẹ dùng để tập cho con cháu giá-trị đồng tiền và óc dành dụm, đặc-trưng những xứ nghèo như Việt-Nam ta.

Con heo trong tục-ngữ, thành-ngữ, ca dao Việt-Nam thì nhiều vô số kể. Một vài thí-dụ :

Nuôi heo chọn giống, đẻ con chọn dòng

(Chữa) Lợn lành thành lợn què 

Giàu nuôi chó, khó nuôi heo

Con gà tục tác lá chanh
Con lợn ủ ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ, mua tôi đồng riềng.

(Ba con vật cuối của Tử-Vi là Gà, Chó và Heo là gần gũi đời sống hàng ngày nhất của ta.)

Thịt heo nấu với măng hầm
Chờ ba ngày Tết, bà… quằm với ông

Đương khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy lên
Lợn no, con nín, tòm tem thời tòm.

Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào 
Bây giờ kẻ thấp, người cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?

… Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm…

(Tát nước đầu đình)

Một vợ thì nằm giường lèo
Có gối tai bèo, sáo rủ, màn treo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm

(Các ông thời nhớ cho…)


Năm Hợi, điều gì cũng tốt. Thân chúc các bạn mọi chuyện tốt lành nhé.


Yên Hà, tháng Hai, 2019

Tết Kỷ Hợi

Tài-liệu nguồn :
Năm Hợi nói chuyện Heo 
Năm Hợi nói chuyện Heo 
Năm Hợi nói chuyện Heo 

Wikipedia



Cõi vắng (Thanh Tuyền)

Cõi vắng 

Diệu Hương sáng tác, Thanh Tuyền trình bày, Ban nhạc Đêm Màu Hồng 
(Courtesy of Trung-Lan)
https://youtu.be/nD3blVrZdfM
Enjoy.

Nếu em được lựa chọn (Thanh Tuyền)

Nếu em được lựa chọn 

Thái Thịnh sáng tác, Thanh Tuyền trình bày, Ban nhạc Đêm Màu Hồng 
(Courtesy of Trung-Lan)
https://youtu.be/q0Q0QfTZ_ec
Enjoy.

Hương (Twist)


Hương
Nhạc : Nhật Ngân; Thơ : Nguyễn Long
Ngọc Phú trình bày
Ban nhạc : Jimi Brothers
Video : Nguyễn Xuân Việt

Please (Ctrl-) click on the link
https://youtu.be/jnehH0n-kvY
Enjoy.