UA-83376712-1

Labels

Sep 19, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (8) : Tự-chủ thời-đại / Nhà Lý

0. Đại-cương

1.Thượng-cổ thời-đại
1.1 Họ Hồng Bàng
1.2 Nhà Thục
1.3 Nhà Triệu

2. Bắc thuộc thời đại
2.1 Bắc thuộc lần thứ 1 - Trưng Vương
2.2 Bắc thuộc lần thứ 2 - Bà Triệu
2.3 Nhà Tiền Lý
2.4 Bắc Thuộc Lần Thứ 3
2.5 Kết Quả Của Thời Bắc Thuộc

3. Tự-chủ thời-đại 
3.1 Nhà Ngô 
3.2 Nhà Đinh
3.3 Nhà Tiền Lê 

3.4 Nhà Lý (1010-1225)
(Kỷ nhà Lý là đời vua lâu đời nhất của Việt-Nam, một thời-kỳ thật huy hoàng nhờ những nhà vua giỏi, yêu dân và nhiều quan văn võ tận tình.)
3.4.1 LÝ THÁI-TỔ (1010-1028)
Niên-hiệu : Thuận-thiên
Thái-Tổ khởi nghiệp
Lý công Uẩn người ở làng Cổ-pháp, nay thuộc về huyện Đông-ngạn, phủ Từ-sơn, tỉnh Bắc-ninh (ở làng Đình-bảng có lăng và đền thờ nhà Lý).

Tục truyền rằng Công Uẩn không có cha, mẹ là Phạm-Thị đi chơi chùa Tiêu-sơn (làng Tiêu-sơn, phủ Từ-sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân rồi về có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho người sư ở chùa Cổ-Pháp tên là Lý khánh Văn làm con nuôi, mới đặt tên là Lý công Uẩn.
Công Uẩn lớn lên vào Hoa-lư làm quan nhà Tiền-Lê, đến chức Tả-thân-vệ Điện-tiền Chỉ-huy-sứ. Khi Lê Long Đĩnh mất, thì Lý công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán-giận nhà Tiền-Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý công Uẩn lên làm vua.
Lý công Uẩn bèn lên ngôi hoàng-đế, tức là vua Thái-tổ nhà Lý.

Dời đô về Thăng Long Thành
Thái-tổ thấy đất Hoa-lư chật-hẹp không có thể mở-mang ra làm chỗ đô-hội được, bèn định dời đô về La-thành. Khi ra đến La-thành, Thái-tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại-la thành là Thăng-long thành, tức là thành Hà-nội bây giờ.

Lấy kinh Tam Tạng
Nhà Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nhà vua trọng đãi những người đi tu, lấy tiền kho ra để làm chùa đúc chuông. Năm mậu-ngọ (1018) vua sai quan là Nguyễn đạo Thanh và Phạm Hạc sang Tàu lấy kinh Tam-tạng đem về để vào kho Đại-hưng.

Việc Chính Trị
Lúc bấy giờ ở bên nhà Tống có nhiều việc, cho nên cũng không sinh sự lôi thôi gì với nước ta. Bởi vậy khi Thái-tổ lên làm vua, sai sứ sang cầu phong, vua nhà Tống liền phong cho làm Giao-chỉ quận-vương, sau lại gia phong Nam-bình-vương. Nước Chiêm-thành và nước Chân-lạp đều sang triều cống, cho nên việc bang-giao thời bấy giờ đều yên-trị.

Ở trong nước cũng có đôi ba nơi nổi lên làm loạn, như ở Diễn-châu (thuộc Nghệ-an) và ở mạn Thượng-du hay có sự phản-nghịch, nhà vua phải thân chinh đi đánh-dẹp mới yên được. Thời bấy giờ các hoàng-tử đều phong tước vương và phải cầm quân đi đánh giặc, bởi vậy ai cũng giỏi nghề dùng binh.

Thái-tổ trị-vì được 19 năm thì mất, thọ 55 tuổi.


3.4.2 LÝ THÁI TÔNG (1028-1054)
Niên hiệu : Thiên thành (và nhiều niên-hiệu khác)

Lê Phụng Hiểu định loạn
Thái-tổ vừa mất chưa tế-táng xong, thì các hoàng-tử là bọn Võ-đức-vương, Dực-thánh-vương và Đông-chinh-vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi Thái-tử.
Khi quân của Thái-tử và quân các vương  đối trận, thì quan Võ-vệ tướng-quân là Lê phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Võ-đức-vương mà bảo rằng : "Các người dòm-ngó ngôi cao, khinh-dể tự-quân, trên quên ơn Tiên-đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này !" Nói xong chạy xông vào chém Võ-đức-vương ở trận tiền. Dực-thánh-vương và Đông- chinh-vương cũng phải chạy trốn.

Thái-tử Phật Mã lên ngôi, tức là vua Thái-tông.
Dực-thánh-vương và Đông-chinh-vương xin về chịu tội. Thái-tông nghĩ tình cốt-nhục bèn tha tội cho, và lại phục chức cũ cho cả hai ngừơi.

Sự đánh dẹp

Thái-tông là người có thiên-tư đĩnh-ngộ, thông lục-nghệ, tinh thao-lược.
Thời bấy giờ, các địa phương quyền hành nhiều quá, cho nên thường hay có sự phản-nghịch. Lại có những nước lân bang như Chiêm- thành và Ai-lao thường hay sang quấy nhiễu, và ở châu Quảng-nguyên (Lạng-sơn) có những người Nùng cứ hay làm loạn. Bởi vậy cho nên sự đánh-dẹp về đời vua Thái-tông rất nhiều, nhưng ngài đã quen việc dùng binh, cho nên ngài thường thân chinh đi đánh đông dẹp bắc.


Việc Chính Trị
Thái-tông tuy phải đánh dẹp luôn, nhưng cũng không bỏ việc chính-trị trong nước, bao giờ cũng để lòng thương dân. Hễ năm nào đói kém hay là đi đánh giặc về, thì lại giảm thuế cho hàng hai ba năm. Ngài sửa lại luật-phép, định các bậc hình-phạt, các cách tra-hỏi, …

Thái-tông trị-vì được 27 năm, đến năm giáp-ngọ (1054) thì mất, thọ 55 tuổi.


3.4.3  LÝ THÁNH-TÔNG (1054-1072)
Niên-hiệu : Long-thụy thái-bình (và nhiều niên-hiệu khác)

Việc Chính Trị
Thái-tử là Nhật Tôn lên ngôi tức là vua Thánh- tông, ngài đổi quốc-hiệu là Đại-Việt.

Thánh-tông là một ông vua nhân-từ, có lòng thương dân: một năm trời làm rét lắm, Thánh-tông bảo những quan hầu gần rằng: "Trẫm ở trong cung ăn-mặc như thế này còn rét, nghĩ những tù-phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm". Nói rồi truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn

Vua Thánh-tông có nhân như thế, cho nên trăm họ mến-phục, trong đời Ngài làm vua ít có giặc-giã. Ngài lại có ý muốn khai-hóa sự văn-học, lập văn-miếu, làm tượng Chu-công Khổng-tử và 72 tiên-hiền để thờ. Nước ta có văn-miếu thờ Khổng-tử và chư hiền khởi đầu từ đấy.

Lấy Đất Chiêm Thành
Vua Thánh-tông đã nhân mà lại dũng: nước Chiêm-thành hay sang quấy nhiễu, ngài thân chinh đi đánh. Đánh lần đầu không thành công, đem quân trở về. Đi đến châu Cư-liên (?) nghe thấy người khen bà Nguyên phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên-trị, Thánh-tông nghĩ bụng rằng: "Người đàn bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm-thành không thành công, thế ra đàn-ông hèn lắm à !" Lại đem quân trở lại đánh bắt được vua Chiêm-thành là Chế Củ.
Chế Củ xin dâng đất ba châu để chuộc tội, là châu Địa-lý, châu Ma-linh và châu Bố-chính (nay ở địa-hạt tỉnh Quảng-bình và tỉnh Quảng-trị). Thánh-tông lấy 3 châu ấy và cho Chế Củ về nước.

Năm nhâm-tí (1072) Thánh-tông mất, trị-vì được 17 năm, thọ 50 tuổi.


3.4.4 LÝ NHÂN-TÔNG (1072-1127)
Niên-hiệu : Thái-ninh (và nhiều niên-hiệu khác)

Ỹ Lan Thái-Phi
Vua Nhân-tông là con bà Ỹ-lan Thái-phi, người ở Siêu-loại (Bắc-ninh). Khi trước, vua Thánh-tông đã 40 tuổi mà không có con, đi cầu tự qua làng Thổ-lội (sau đổi là Siêu-loại rồi lại đổi là Thuận-quang), người đi xem đứng đầy đường, có một người con gái đi hái dâu, thấy xe nhà vua đi cứ đứng tựa vào cây lan chứ không ra xem. Vua thấy thế lấy làm lạ, truyền gọi đem vào cung, phong là Ỹ-lan phu-nhân. Được ít lâu có thai đẻ ra hoàng-tử là Càn Đức, được phong là Nguyên-phi.

Càn Đức làm thái-tử rồi lên nối ngôi, tức là vua Nhân-tông, phong cho mẹ làm Ỹ-lan thái phi.

Lý Đạo Thành
Lúc Nhân-tông lên làm vua mới có 7 tuổi, có quan Thái-sư là Lý đạo Thành làm phụ-chính.
Ông Lý đạo Thành là người họ nhà vua, tính rất đoan-chính, hết lòng lo việc nước. Thường những lúc sớ tấu cứ hay nói đến việc lợi hại của dân. Những quan-thuộc thì chọn lấy người hiền-lương mà cất nhắc lên để làm mọi việc. Bởi vậy thời bấy giờ trong thì sửa-sang được việc chính-trị, ngoài thì đánh nhà Tống, phá quân Chiêm. Ấy cũng nhờ có tôi hiền, tướng giỏi cho nên mới thành được công-nghiệp như vậỵ

Việc sửa sang trong nước
Việc đánh-dẹp về đời vua Nhân- tông thì nhiều, song những công-việc ở trong nước cũng không bỏ trễ. Đời bấy giờ mới khởi đầu đắp cái đê Cơ Xá để giữ đất kinh-thành cho khỏi lụt ngập. Việc đắp đê khởi đầu từ đó.
Năm ất-mão (1075) mở khoa thi tam-trường để lấy người văn-học vào làm quan.
Năm bính-thìn (1076) lập Quốc-tử-giám để bổ những người văn-học vào dạy. Đến năm bính-dần (1086) mở khoa thi chọn người văn-học vào Hàn-lâm-viện.
Sự nho-học nước ta khởi đầu thịnh lên từ thời bấy giờ.

Lý thường Kiệt

Nước ta lúc bấy giờ có được một danh tướng là Lý thường Kiệt, người ở phường Thái-hoà, huyện Thọ-xương (thành phố Hà-nội), có tướng tài, tinh thao-lược.
Ông đã có công đánh chặn quân nhà Tống cứ lăm-le có ý muốn xâm-lược và từ đó nước ta và nước Tàu lại thông sứ như cũ. 

Nhà Tống bấy giờ đã suy-nhược, đến năm bính-ngọ (1126) nước Kim (Mãn-châu) sang lấy mất cả phía bắc nước Tàu, nhà Tống dời đô về Hàng-châu (thuộc Chiết-giang) gọi là Nam-Tống.

Ngoài ra, nước Chiêm-thành thỉnh-thoảng cứ hay sang quấy-nhiễu, vua Nhân-tông sai Lý thường Kiệt vào đánh Chiêm-thành. Từ khi bình-phục được nước Chiêm-thành rồi, các nước ở phía nam đều về triều-cống.

Nhân-tông làm vua đến năm đinh-tị (1127) thì mất, trị-vì được 56 năm, thọ 63 tuổi.


3.4.5  LÝ THẦN-TÔNG (1128-1138)
Niên-hiệu: Thiên Thuận, Thiên Chương Bảo Tự

Nhân-tông không có con, lập con của hoàng-đệ là Sùng-hiền-hầu lên làm thái-tử, nay lên nối ngôi, tức là vua Thần-Tông.
Bấy giờ có các quan đại-thần là bọn ông Trương Bá Ngọc, Lưu Khánh Đàm, Dương Anh Nhị giúp Thần-tông trị nước.
Giặc-giã thời bấy giờ cũng ít.

Thần Tông làm vua được 10 năm thì mất, thọ 23 tuổi.


3.4.6  LÝ ANH-TÔNG (1138-1175)
Niên-hiệu:  Thiệu Minh (và nhiều niên-hiệu khác)

Thần-tông mất, triều đình tôn Thái-tử là Thiên Tộ lên làm vua, tức là vua Anh-tông.

Tô Hiến Thành

Ông Tô hiến Thành giúp vua Anh-tông đi đánh dẹp, lập được nhiều công to, như là bắt được giặc Thân Lợi, phá được giặc Ngưu Hống và dẹp yên giặc Lào, được phong làm chức Thái-úy coi giữ việc binh. Ông luyện tập quân-lính, kén-chọn những người tài giỏi để làm tướng hiệu.  Bởi vậy binh-thế nhà Lý lúc bấy giờ lại phấn-chấn lên. Ông giỏi việc võ và chăm việc văn.





Việc Chính Trị
Năm giáp-thân (1164) vua nhà Tống đổi Giao-chỉ quận làm An-nam quốc, và phong cho Anh-tông làm An-nam quốc-vương.
Nguyên khi trước, Tàu gọi ta là Giao-chỉ quận, rồi sau đổi là Giao-châu, đến thời nhà Đường đặt An-nam đô-hộ-phủ.
Nhà Đinh lên đặt Đại Cồ Việt, vua Lý Thánh-tông đổi là Đại-Việt nhưng Tàu vẫn phong cho vua ta là Giao-chỉ quận-vương, đến bấy giờ mới đổi là An-nam quốc-vương. Nước ta thành tên là nước An-nam khởi đầu từ đấy.

Năm ất-mùi (1175), Anh-tông phong cho Tô hiến Thành làm Thái-phó Bình-chương-quân-quốc trọng-sự và phong vương tước. Anh-tông đau, uỷ thác Thái-tử là Long Cán cho Tô hiến Thành.

Anh-tông mất, trị vì được 37 năm, thọ 40 tuổi.


3.4.7 LÝ CAO-TÔNG (1176-1210)
Niên-hiệu:  Trinh-phù (và nhiều niên-hiệu khác)

Tô Hiến Thành làm Phụ Chánh
Khi vua Anh-tông mất, Thái-tử Long Cán chưa đầy 3 tuổi, bà Chiêu-linh Thái-hậu muốn lập người con trưởng là con mình là Long Xưởng lên làm vua, đem vàng bạc đút lót cho vợ Tô hiến Thành, nhưng ông nhất thiết không chịu, cứ theo di-chiếu mà lập Long Cán, tức là vua Cao-tông.

Tô hiến Thành giúp vua Cao-tông trị nước, đến năm kỷ hợi(1179) thì mất.
Tô hiến Thành không những là một người có tài thao-lược, dẹp giặc yên dân mà thôi, cách thờ vua thật là trung-thành cho nên người đời sau thường ví ông với Gia cát Lượng đời Tam-quốc bên Tàu.

(Sử thần Ngô Sỉ Liên nói: Tô Hiến Thành nhân việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa giòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa... Nguồn: Đại-Việt Sử-Ký Toàn Thư)

Đến khi Cao-tông lớn lên, cầm quyền trị nước, thì cứ đi săn bắn chơi bời, làm cung xây điện, bắt trăm họ phải phục-dịch khổ-sở. Ngoài biên thì quân mường thổ ở bên Tàu sang quấy nhiễu ở phía bắc, người Chiêm-thành sang đánh ở phía nam; trong nước thì nổi lên như ong dấy. Vua tôi không ai lo nghĩ gì về chính-trị, chỉ làm những việc nhũng-lạm, mua quan bán chức, hà-hiếp nhân-dân, lấy tiền để làm những việc xa-xỉ.
Nhà Lý bắt đầu sa sút từ đây.

Sự nổi loạn
Năm bính-thìn (1208) ở Nghệ-an có Phạm Du làm loạn. Cao-tông sai quan Phụng-ngự là Phạm bỉnh Di đi đánh Phạm Du. Bỉnh Di đem quân vào đến nơi đánh đuổi Phạm Du đi và tịch-biên cả của-cải, đốt  phá cả nhà cửa.
Phạm Du cho người về kinh, lấy vàng bạc đút lót với các quan trong triều, để vu cho Bỉnh Di làm việc hung bạo, giết hại những kẻ không có tội. Cao-tông nghe lời, triệu Phạm bỉnh Di về xét tội.
Bấy giờ có bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân phá cửa thành vào cứu Bỉnh Di.
Cao-tông thấy biến, bèn đem giết Phạm bỉnh Di đi, rồi cùng với Thái- tử chạy lên Qui Hóa (thuộc Phú- thọ). Bọn Quách Bốc đưa xác Bỉnh Di ra mai táng xong rồi, lại vào điện, tôn Hoàng-tử Thẩm lên làm vua.

Khi Thái-tử Sảm chạy về Hải-ấp, vào ở nhà Trần Lý. Đến khi Thái-tử Sảm chạy về đấy, thấy con gái Trần Lý có nhan sắc, lấy làm vợ, rồi phong cho Trần Lý tước Minh-tự và phong cho người cậu Trần-thị là Tô trung Từ làm Điện-tiền Chỉ-huy-sứ.

Anh em họ Trần mộ quân về kinh dẹp loạn, rồi lên Qui-hóa rước Cao-tông, cho quân về làng Lưu-gia đón Thái-tử, còn Trần-thị thì về ở nhà Trần Lý.

Cao-tông về kinh được một năm thì phải bệnh, đến năm canh-ngọ (1210) thì mất, trị-vì được 35 năm, thọ 38 tuổi.

(Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái tử [Sảm] đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự tiện phong tước cho người? Bởi Cao Tông rong chơi vô độ, giường mối bỏ hỏng, cho nên mới thế. Nhưng họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả. Nguồn: Đại-Việt Sử-Ký Toàn Thư)


3.4.8 LÝ HUỆ TÔNG (1211-1225)
Niên-hiệu:  Kiến-gia (1211-1224)

Trần Thị
Thái-tử Sảm lên ngôi, tức là vua Huệ-tông, rồi sai quan đi rước Trần-thị về phong làm Nguyên-phi.
Khi bấy giờ bà Thái-hậu cho Tự Khánh là phản-trắc, thường chỉ mặt Trần-thị mà xỉ mắng và xui Huệ-tông bỏ đi. Huệ-tông không nghe. Thái- hậu định bỏ thuốc độc cho Trần-thị, nhưng Huệ-tông biết ý, đến bữa ăn thì ăn một nửa, còn một nửa cho Trần-thị ăn và ngày đêm không cho đi đâu. Sau vì Thái-hậu làm ngặt quá, Huệ-tông và Trần-thị đêm bèn lẻn ra đi đến nhà tướng-quân Lê Mịch ở huyện Yên-duyên rồi lại đến Cửu-liên (?), cho đòi Tự Khánh đến chầu.

Quyền về họ Trần
Trần tự Khánh đem quân đến hộ giá. Huệ-tông phong Trần-thị làm Hoàng-hậu, Tự Khánh làm Phụ-chính và người anh Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội-thị Phân-thủ. Trần tự Khánh cùng với Thượng-tướng-quân là Phân Lân sửa-sang quân ngũ, làm đồ chiến-khí, luyện-tập việc võ. Từ đấy quân-thế lại nổi dần dần lên.

Huệ-tông phải bệnh, thỉnh-thoảng có cơn điên, rồi cứ uống rượu say cả ngày, có việc chính-trị đều ở tay Tự Khánh quyết đoán cả.
Đến tháng chạp năm quí-mùi (1228) Tự Khánh mất, Huệ-tông cho Trần Thừa làm Phụ-quốc Thái-úy, sang năm sau lại cho người em họ Hoàng-hậu là Trần thủ Độ làm Điện-tiền chỉ-huy-sứ. Từ đó việc gì ở trong triều cũng quyền ở Thủ Độ cả.
Huệ-tông có bệnh mãi không khỏi, mà Thái-tử thì chưa có, Trần-thị thì chỉ sinh được hai người con gái. Công chúa thứ nhì, Chiêu-thánh công chúa tên là Phật-kim mới 7 tuổi, Huệ-tông yêu mến lắm, cho nên mới lập làm Thái-tử.
Tháng 10 năm giáp-thân (1224) Huệ-tông truyền ngôi cho Chiêu-thánh công-chúa, rồi vào ở chùa Chân-giáo.

Huệ-tông trị vì được 14 năm.

3.4.9 LÝ CHIÊU-HOÀNG (1225)
Niên-hiệu: Thiên-chương-hữu-đạo

Chiêu-thánh công-chúa lên ngôi, tức là vua Chiêu-hoàng. Bấy giờ quyền-chính ở cả Trần thủ Độ. Thủ Độ lại tư thông với Trần Thái hậu, đêm ngày mưu lấy cơ-nghiệp nhà Lý, bèn đòi các con quan vào trong cung để hầu Chiêu-hoàng, và lại cho cháu là Trần Cảnh vào làm chức Chính-thủ. Đến tháng chạp thì Chiêu-hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng.

Nhà Lý đến đấy là hết, cả thảy làm vua được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Đến thời Huệ Tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ăn sâu lắm, mà vua không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa cái độc đã sâu thì làm thế nào được. Huống chi vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai để nối nghiệp lớn, thế là điểm nguy vong đã hiện ra rồi… 
Nguồn: Đại-Việt Sử-Ký Toàn Thư)

Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta nên được một nước cường- thịnh: ngoài thì đánh nước Tàu, bình nước Chiêm, trong thì chỉnh-đốn việc võ-bị, sửa-sang pháp-luật, xây vững cái nền tự-chủ.
Vì vua Cao-tông hoang chơi, làm mất lòng người, cho nên giặc-giã nổi lên, loạn thần nhiễu sự. Vua Huệ-tông lại nhu-nhược bỏ việc chính-trị, đem giang-sơn phó-thác cho người con gái còn đang thơ-dại, khiến cho kẻ gian-hùng được nhân dịp mà lấy giang-sơn nhà Lý và lập ra cơ-nghiệp nhà Trần vậy.

Xin mời đọc tiếp : Nhà Trần
Yên Hà, tháng 9, 2016

Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697)

Hai bên bờ đại-dương (2)

Chương 2: 
Sân trường TTR-CM

Rồi ngày vui nào chẳng qua? Hai buổi hội-ngộ cựu học-sinh TTR-CM đã chấm dứt, mọi người ra về lòng hân hoan, nhưng bịn rịn, quyến luyến và hứa với nhau sẽ hai năm tổ-chức lại một lần cho thoả tình bạn năm xưa.
Và Thanh cũng đáp máy bay về, trở lại với cuộc sống hàng ngày của cô. Nói cho ngay, đây không phải là khoá học của cô, cô không quen mấy ai nên cô không chia sẻ được những cảm-giác, tâm-tư của đám bạn học cũ kia, nhưng hai ngày này cũng là một ốc-đảo trong sa-mạc cuộc đời cô và lòng cô cũng cảm thấy nhẹ vui.

Cô con gái lớn đã vào đại-học và cư trú trong trường. Nhà lại vắng đi một người, công việc Thanh nhẹ đi đôi chút nhưng mẹ nào chả nhớ con nên lúc đầu cũng hơi buồn. Rồi lại một ngày như mọi ngày, ba mẹ con lại tiếp tục cuộc sống, đi làm, đi học.


Ba tháng sau, cô đã bắt đầu quên chuyến đi Canada thì một hôm, điện-thoại lại reo.
- Allo, chị Thanh phải không ạ?  Doãn trong ban tổ-chức reunion TTR-CM vừa qua bên Montreal đây chị. Dạo này, Thanh có được khoẻ không?
- Vâng, chào anh. Cám ơn anh, Thanh vẫn bình an. Còn anh chị ra sao?
- Tụi này vẫn thường. Một lần nữa, thay mặt ban tổ-chức, xin được cám ơn chị đã giúp cho buổi văn-nghệ thêm phần độc-đáo, ai cũng phải khen, cứ hỏi chúng tôi cô nào trường CM mà hát chuyện-nghiệp hay quá vậy?
- Cám ơn anh đã quá khen chứ Thanh đã bỏ lâu năm rồi không hát nên có lẽ không tự-nhiên lắm?
- Thanh lại khiêm nhường rồi đó. Nhưng này, hôm nay anh gọi vì sau buổi hội-ngộ, tụi anh đã dựng nên một diễn-đàn trên Internet để mọi người có một thời-điểm nói chuyện, tán gẫu, trao đổi ý-kiến, tin-tức hay thảo-luận với nhau. Một số bạn, trong đó có anh, có đề-nghị mời Thanh gia-nhập cho vui, vì Thanh cũng là “dân” CM dù là một lớp sau và mọi người phần đông cũng biết và thích Thanh lắm. Thanh nghĩ sao?
- Úi chà, diễn-đàn là cái gì, Thanh chưa bao biết đến. Chuyện Internet, Thanh “nhà quê” lắm, chỉ biết viết i-meo vớ vẩn hay thỉnh thoảng lên Mạng tìm một tài-liệu hay thông-tin gì đó thôi. Thật ra thì nhà có gắn Internet chỉ vì mấy đứa con đi học cần thôi chứ những việc lắt nhắt như Thanh cần thì thỉnh thoảng làm trong sở cũng được. Cho nên Thanh cũng hơi ngại đó.
- Có gì đâu mà ngại? Ở trong một diễn-đàn, mình hoàn toàn không bắt buộc phải viết gì cả. I-meo bất cứ ai gửi lên, mọi thành viên đều nhận được, thích thì đọc, không thích thì “delete”, hứng nữa thì nhảy vào phát biểu ý-kiến của mình, có khi chỉ viết hai ba chữ như “Hay quá, cám ơn” thôi, không có gì ghê-gớm lắm đâu. Thôi bây giờ anh đề-nghị cứ để Thanh gia-nhập incognito, tụi anh sẽ không thông báo gì, Thanh cứ ung dung “thử hàng” một thời gian, sau đó, thích thì ở lại, không thích thì lặng lẽ rút lui, không ai biết, không ai ép buộc gì hết. Thanh nghĩ sao?
- Ừ thôi được, cứ để Thanh thử vậy, anh nhé. Thanh trả lời sau vài giây suy nghĩ. Cứ thử chơi cho biết.
Doãn cắt nghĩa cho Thanh một ít qui-luật của diễn-đàn: lịch sự với nhau, không chỉ-trích cá-nhân, không cãi vả, tránh lời lẽ và ý tưởng thô-tục (để tôn-trọng phái nữ trên diễn-đàn) và tránh những đề-tài nhạy cảm, nhất là những vấn-đề liên-quan đến chính-trị Việt-Nam, một mặt để khỏi liên-luỵ đến các bạn đang sống trong nước và để tránh những pha “võ mồm” làm mất hoà-khí bạn bè.

Thế là sau đó, Thanh bắt đầu nhận được những điện-thư của các bạn trên diễn-đàn TTR-CM. Dư-âm của lần hội-ngộ vẫn chưa tan nên diễn-đàn khá hào-hứng, mọi người vẫn còn như tiếp-tục “hội-ngộ”, cùng nhau gợi lại những kỷ-niệm năm xưa.
Trong lúc này, vì không thật sự quen biết ai, vả chăng còn là “ma mới” nên Thanh chỉ đọc phớt qua chứ không tham gia vào những đối-thoại. 

Dần dần, âm-hưởng hội-ngộ bắt đầu phai và diễn-đàn cũng bớt sôi động. Cho đến một ngày, một chị gửi lên bài nhạc “Ánh đèn màu” trên Youtube để mọi người nghe cho vui.
Thanh bao nhiêu năm nay vì phải tập-trung nghị-lực vào việc mưu sinh, nuôi con nên không còn đàn hát bao nhiêu nữa nhưng máu văn-nghệ vẫn chảy trong người nên khi nghe lại bài hát đó, cô chợt động lòng và trả lời lại:
- Bài "Ánh đèn màu" quả nhiên là một nhạc-phẩm bất hủ. Thanh cũng mê bài này lắm vì lời lẽ bài nhạc diễn-tả cuộc đời và tâm-trạng của một nghệ-sĩ rất xác thực.
  Đời ca hát ngày tháng cho đời mua vui
  Đời son phấn làm mất bao ngày thơ-ngây
  Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn
  Chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên, bẽ bàng

Bài này, T. chỉ nhớ lõm bõm vài lời thôi. Nếu có ai có được lời bài nhạc này thì làm ơn cho T. xin nhe.

Hôm sau có hai anh đã gửi lên lời bài nhạc theo lời yêu cầu của Thanh. Cô bèn trả lời:
- Cám ơn anh Khang và anh Phương đã gửi lời bài nhạc. Bài này, T. rất thích hát, nhớ lại có một lần họp mặt ở nhà một người bạn, mọi người yêu cầu T. hát bài này, T. vớ lấy cây ghi-ta và cất tiếng hát. Chung quanh, đèn tắt ngúm, chỉ có ánh lửa trong lò sưởi, im phăng phắc. Khi hát xong câu cuối cùng "Chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên, … bẽ bàng…", không có tiếng vỗ tay, nhưng T. trông thấy vài giọt lệ rồi mọi người ra ôm lấy T. Thật là một kỷ-niệm khó quên.

- Chắc là Thanh phải hát hay lắm đây? Phương hỏi thêm.
Doãn bèn nhảy vào vòng:
- Phương ơi, tại mày không đi Retrouvailles vừa rồi nên mày không biết đấy thôi. Thanh là promo sau mình một năm, lúc còn ở Sài-Gòn đã từng đi hát và vừa rồi đã là ca sĩ chính trong buổi gala đó. Mày không đi nghe được là uổng phí một đời trai già đó. Hi hi.
- Hoá ra thế. Như đã kể với mày, lần vừa qua, tao biết được tin reunion quá trễ, đã đi nghỉ hè mất rồi, tiếc hùi hùi, không gặp lại tụi mày được. Nhưng không sao, tao sẽ đi thăm tụi mày, và mình còn bao nhiêu reunion khác nữa cơ mà?

Thế là Thanh bắt đầu tham gia vào diễn-đàn, thỉnh thoảng trao đổi ý kiến về những đề-tài cô thích như âm-nhạc, thể thao, truyện kiếm-hiệp Kim Dung mà biết bao nhiêu người đã từng thức đêm để đọc,… 
Trong cái tỉnh lẻ bé xíu xiu cô ở, chỉ có ba ngàn dân cư, trong đó chỉ có một cặp vợ chồng người Việt đã đứng tuổi nên cô chỉ có qua lại xã-giao chứ không gì là thân thiện. Liên-hệ cô chỉ có mấy đứa con, những bạn đồng-nghiệp, không kể một vài hàng xóm để chào hỏi. Bạn Việt-Nam thì phần lớn ở xa, cách nhau ít nhất ba tiếng lái xe nên cô ít được nói chuyện tiếng Việt với bạn bè cùng lứa tuổi. Cho nên, dần dần, Thanh cũng cảm thấy vui vui với cái sân-trường TTR-CM này. 

Một hôm, cuốn phim “Mùi đu-đủ xanh” của đạo-diễn Trần Anh Hùng được ra mắt khán giả tại Paris. Phương đi du học đã lâu lắm rồi mà chưa về thăm xứ sở, tâm hồn vương vấn không ít nên Phương bỗng cảm thấy muốn đi xem.
Bước ra khỏi rạp, Phương tạt vào một quán cà-phê, gọi một tách cà-phê đen và thả hồn trở lại cuốn phim vừa xem. Nói cho ngay, có lẽ người Tây phương sẽ cảm thấy chán đối loại phim này vì lối quay chậm, ít hành-động, ít nói và nói chậm. Nhưng đạo-diễn có những cách thể hiện tài tình về những cảm nhận của bản thân cũng như gợi cho người xem nhiều suy tưởng về cuộc sống, con người Việt Nam, mà đặc-trưng là thân phận nhẫn nại, cam chịu, hy sinh của người phụ nữ. Phương lại nhớ lại hoàn cảnh mẹ mình, nhớ lại những huống cảnh quen thuộc, xót thương cho mệnh nước và dân-tộc mình.
Phương có thói quen hay đem theo giấy bút trên người nên bắt đầu ngồi hí hoáy viết. Tối về nhà, ăn cơm xong, Phương bèn lên diễn-đàn trút ra những cảm-nhận ray rứt của mình:
- Vừa đi xem phim “Mùi đu-đủ xanh” về, nhớ nhà quá, viết lên vài giòng chia sẻ với bạn bè nhé?
Mùa đu-đủ đã đến rồi. Đâu đây, phảng phất mùi đu-đủ xanh, mùi đu-đủ chín, lẫn vào bao hương vị khác, nào mùi ổi, mùi mít, mùi soài, mùi sầu riêng, lẫn vào bụi đường đông người để khiến mắt tôi cay.
Tôi nhớ mùi mắm nêm, nhớ đĩa tiết canh vịt ăn ở L.A. với mấy thằng bạn, nhớ những món ăn thuần tuý nơi một quán ăn ở San jose, nhớ…
Tôi nhớ gia-đình, nhớ bố mẹ, nhớ chị em, nhớ cô chú bác đang sống nơi xa.
Tôi nhớ ngôi trường cũ, nhớ thày, nhớ bạn, nhớ ông hiệu-trưởng, nhớ cả bác phu quét lá trong sân trường.
Tôi nhớ ngôi nhà cũ chật-chội, nơi tôi đã sống, đã lớn, không biết bây giờ còn đâu? Trong con đường hẽm Cây điệp bé tí ti, tôi còn nhớ những lúc tôi phải phụ mẹ tôi đẩy xe, khiêng những két nước ngọt từ đường chính vào đến nhà vì xe cam-nhông giao hàng không vào được. Con đường hẻm bụi bậm, chiều chiều phải tưới nước ngoài trước cho đỡ nóng, đỡ bụi. Trong con đường hẻm đó, tôi còn nhớ cả bác phu đẩy xe đi từng nhà, xin đồ ăn thừa về nuôi lợn.
Nước tôi nghèo lắm, nhà tôi chẳng giàu sang gì, nhưng sao tôi ước mơ được sống lại những giây phút mầu-nhiệm đó, nhưng sao tôi tiếc nhớ những chuỗi ngày mộc-mạc đó?
Đêm nay, tôi có cảm-tưởng tim óc tôi mọc rễ để đưa tôi về Hà-Nội, về đến con đường Quan Thánh, về đến cái nôi tôi đã nằm.
Những tấm ảnh sepia bạc màu trong những cuốn an-bom cũ của bố mẹ tôi hầu như sống lại. Tôi nhớ tấm ảnh tôi ngồi bô, ngây-thơ như con nai vàng ngơ ngác.
Tôi nhớ những chuỗi ngày êm đềm của tuổi ấu thơ, những kỷ-niệm đã quá xa rồi. Xa quá rồi.
Thôi rồi, tôi lại nhớ nhà rồi. Nhớ nguồn, nhớ cội, nhớ cả bốn ngàn năm văn hiến (một niềm hãnh-diện lớn lao), nhớ tổ-tiên, nhớ ông bà đã lưu truyền lại bao nhiêu đức-hạnh, bao nhiêu vẻ đẹp, lẫn lộn với bao nhiêu nỗi buồn.
Vì tôi không quên bao vết thương in hằn trên lưng Mẹ Việt-Nam, in hằn trên lưng tôi đau xót.
Tôi yêu hương tôi đau khổ, tôi thương dân-tộc tôi nghèo nàn, tôi tủi thân cho chính mình.
Ôi quê hương, người tình muôn thuở, muôn đời,
Yêu em quá, em ơi…

Những lời lẽ thấm thía quá. Lòng Thanh như chợt nhiễm tâm-tư của người viết.
Cô chợt tự nhủ thầm:
- Anh Phương, không ngờ anh viết cảm động quá. Anh phải viết nhiều nữa nhé.

./.




Yên Hà, tháng 9, 2016

Sealed with a kiss - Derniers baisers

Sealed with a kiss (Gary Geld-Peter Udell)
Derniers baisers (Pierre Saka)
Ngọc Phú : Voice
Thanh Tuyền : Voice & Keyboards


Enjoy.

Magic Boul'vard (Thanh Tuyền)

Magic Boul'vard (François Feldman)
Thanh Tuyền : Voix et Keyboards

Please click on the link:  https://youtu.be/wIQa1D-6UII

Enjoy.

Wonderful Nature (Photos)

Wonderful Nature 
All photos taken by Phu TRAN NGOC from our garden. 

Please click on the link: https://youtu.be/cEgmeCCqo_Y

Enjoy in full screen.