UA-83376712-1

Labels

Dec 18, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (11) : Nhà Trần (Phần 3)



./.

3.5 Nhà Trần (1225-1400)
3.5.1 Trần Thái Tông
3.5.2 Trần Thánh Tông
3.5.3 Trần Nhân Tông
Giặc Nguyên

3.5.4 Nhà Trần thời thái-bình
- Trần Anh Tông (1293-1314)
- Trần Minh Tông (1314-1329)
- Trần Hiến Tông (1329-1341)
Lúc này, triều-đình có nhiều quan văn võ tài trí như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, v.v... nên thật là một thời rất thịnh về đời nhà Trần vậy.

3.5.5 Nhà Trần suy vong
- Trần Dụ Tông (1341-1369)
Trong những năm đầu, tuy Dụ Tông làm vua, nhưng quyền chính trị ở Thượng hoàng quyết đoán cả, cho nên dẫu có phải mấy năm tai biến mất mùa đói khổ, nhưng việc chính trị còn có thứ tự.

Từ năm 1358 trở đi, Thượng Hoàng mất rồi, cựu thần như ông Trương Hán Siêu, ông Nguyễn Trung Ngạn cũng mất cả, từ đó việc chính trị bỏ trễ nãi. Kẻ gian thần mỗi ngày một đắc chí. Ông Chu Văn An là một nhà danh nho thời bấy giờ và đang làm quan tại triều, thấy chính trị bại hoại, làm sớ dâng lên xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, ông ấy bỏ quan về ở núi Chí Linh. Vua Dụ Tông về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện.
Chính sự như thế, cho nên giặc cướp nổi lên như ong dấy. Dân tình khổ sở, năm nào cũng phải đói kém. 
Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.

Việc Giao Thiệp Với Nước Tàu
Bấy giờ ở bên Tàu, nhà Nguyên đã suy, trong nước rối loạn. Chu Nguyên Chương dấy binh rồi trong 15 năm dứt được nhà Nguyên dẹp yên thiên hạ, dựng nên cơ nghiệp nhà Minh.

Việc Giao Thiệp Với Chiêm Thành
Lúc này, vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga là một ông vua anh hùng, có ý đánh An Nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh. Nhờ cách xếp đặt có thứ tự, dụng binh có kỷ luật cho nên quân Chiêm Thành từ đó mạnh lắm, sau này đánh phá thành Thăng Long mấy lần, làm cho vua tôi nhà Trần phải kính sợ mấy phen.

- Trần Nghệ Tông (1370-1372)
Năm kỷ dậu (1369), vua Dụ Tông mất, không có con. Người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ được Hoàng Thái Hậu lập lên làm vua rồi làm phản. Các quan Tôn thất nhà Trần mới hội nhau đem binh về bắt Nhật Lễ giết đi, rồi rước Cung Tĩnh Vương (đã bỏ trốn vì sợ luỵ) về làm vua. Tức là vua Nghệ Tông.

Nghệ Tông là một ông vua nhu nhược, việc gì cũng để cho người ngoại thích là Lê Quý Ly quyết đoán cả.
Quý Ly là dòng dõi người ở Chiết Giang bên Tàu. Sau ông tổ tứ đại là Hồ Liêm dời ra ở Thanh Hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn, cho nên mới đổi họ là Lê. Lê Quý Ly có hai người cô lấy vua Minh Tông, một người sinh ra vua Nghệ Tông, một người sinh ra vua Duệ Tông. Vì thế cho nên Nghệ Tông càng tin dùng lắm.

- Trần Duệ Tông (1372-1377)
Thái Tử Kính lên ngôi, tức là vua Duệ Tông, lập Lê Thị (là em họ Quý Ly) làm hoàng hậu.
Năm 1376, quân Chiêm lại sang phá ở Hóa Châu. Duệ Tông thân chinh đi đánh, bị mưu Chế Bồng Nga, Duệ Tông chết trận, tướng sĩ mười phần chết đến bảy tám.

- Trần Phế Đế (1377-1388)
Nghệ Tông Thượng Hoàng được tin Duệ Tông chết trận rồi, bèn lập con Duệ Tông là Hiễn lên nối ngôi, tức là vua Phế Đế.

Trong nước bấy giờ dân tình đói khổ, nhà vua thì sợ giặc phải đưa của đi chôn ở trên núi. Ở ngoài bờ cõi thì người Chiêm hay vào đánh chỗ này, mai vào phá chỗ khác, nhà nước mỗi ngày một hèn yếu.

Trong triều thì Lê Quý Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cai quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc giã nổi lên nhiều lắm. Thuế má thì càng ngày càng nặng, dân tình thật khổ sở.

- Trần Thuận Tông (1388-1398)
Nghệ Tông Thượng Hoàng nghe Quý Ly mà giết Đế Hiễn rồi lập người con út của mình là Chiêu Định Vương lên làm vua, tức là vua Thuận Tông.

Từ khi Chế Bồng Nga bị thằng đầy tớ phản trắc nên phải chết trận, giặc Chiêm đã yên. 
Lê Quý Ly càng ngày càng kiêu hãnh. Bao nhiêu những người mà không tòng phục mình thì xui Thượng hoàng giết đi; hoàng tử, thân vương đều bị giết hại. 
Nghệ Tông Thượng hoàng mất rồi, Quý Ly lên làm Phụ Chính Thái Sư vào ở trong điện, và từ đấy Quý Ly cứ chuyên làm mọi việc để chực đường thoán đoạt.

- Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)
Quý Ly bắt Thuận Tông nhường ngôi rồi lập Thái Tử là Án lên làm vua. Thái tử bấy giờ mới có 3 tuổi, tức là Thiếu Đế.
Lê Quý Ly làm phụ chính tự xưng làm Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, rồi sai người giết Thuận Tông đi.
Đến tháng hai năm canh thìn (1400) Quý Ly bỏ Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua thay ngôi nhà Trần.


Nhà Trần làm vua nước Nam ta kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, với 12 ông vua, được 175 năm, công việc trong nước sửa sang được nhiều, chính trị luật lệ đều chỉnh đốn lại, học hành thi cử thì mở mang rộng thêm ra. Lại chống với nhà Nguyên giữ được giang sơn, lấy đất Chiêm Thành mở thêm bờ cõi, thật là có công với nước Nam. Nhưng chỉ có điều luân thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy lẫn nhau, thật là trái với thế tục.
Còn như cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là do vua Duệ Tông và vua Nghệ Tông. Duệ Tông thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả cương kỷ để đến nổi dân nghèo nước yếu. Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền-gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy.

(Đúng là việc gì có thịnh rồi cũng có suy, chỉ là vấn-đề thời-gian mà thôi. Chỉ hận Hồ Quí Ly vốn gốc người Tàu, cướp ngôi vua rồi làm mất nước vào tay người Tàu một thời gian nữa.)

Yên Hà, tháng 10, 2016
Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim

Hai bên bờ đại-dương (5)

Chương 5
Phải chăng là tình yêu ?

Hôm nay rảnh, Phương và Chánh rủ nhau đi viếng Viện Bảo-Tàng nghệ-thuật châu Á Guimet ở Paris. Hai người bạn đi du học đã lâu, sau này lại phải định-cư nơi xứ người nên hay tìm mọi dịp để trở về với nguồn-gốc của mình.
- Cùng gọi là châu Á nhưng người Ấn-Độ và người Việt-Nam có gạch nối gì khác ngoài Đức Phật Thích Ca nhỉ ? Nhất là khi đạo Phật không quá một phần trăm tín-đồ Ấn-Độ? Người Việt là người Á-Đông, một khu-vực gồm có Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật bản, Đại Hàn / Triều Tiên và Việt-Nam, cho nên chúng ta thường nói « Người Á Đông mình… », mày nhỉ ? Chánh nói.
- Ừ, mày nói đúng. Thành ra, hôm nay mình phải đi xem văn-hoá các nước châu Á giống mình chỗ nào, khác mình chổ nào thì mình mới biết rõ được mình là ai, cá tính mình là gì.

Hai người bạn say sưa tìm hiểu về văn-hoá nghệ-thuật các nước châu Á trước khi tìm đến món vật vô giá mà họ muốn xem đã lâu : trống đồng Đồng Sơn. Đối với người Việt thì trống đồng là một vật linh vì có vị thần tự xưng là thần trống đồng đã giúp nhiều triều đại Việt Nam trong việc giữ nước hộ dân từ thời vua Hùng đến nhà Lý, nhà Trần, …
- Nghĩ cho cùng, cũng may mà thằng Tây nó sang Việt-Nam mình ăn cắp cái trống này về nên hôm nay mình mới được thấy đấy chứ ? Chánh vừa nói, vừa đùa.
Phương và Chánh say sưa ngắm nhìn mãi cho đến lúc bụng đói mới từ từ bước ra, đi tìm ăn lót lòng nơi một quán ăn nhỏ gần đấy.

Ngồi vào bàn, hai người lại nói chuyện tiếp về những gì vừa xem tại Viện Bảo-Tàng. Hứng chí quá, Phương thốt lên :
- Hôm nay đi, tao thích ghê, chắc tao phải vào sân trường kể tụi nó nghe quá.
Phương gọi diễn-đàn là « sân-trường’ », như một cách để luôn luôn trở về tuổi học trò, thời niên-thiếu đã mất.
- Ừ, mày làm đi. Dạo này, diễn-đàn mình khá nhộn nhịp đấy chứ, nhất là từ lúc có cô Thanh với mày cứ đấu chưởng với nhau, thật là vui.
Ngập ngừng một chặp, Chánh tiếp :
- Phương ơi, mình là bạn thân tình với nhau, tao hỏi thật mày câu này nhé : Mày có ý gì với Thanh không ?
Câu hỏi thật bất ngờ và thẳng thừng làm Phương chột dạ vì chưa bao giờ anh tự hỏi chuyện này. Phương lắp bắp:
- Ờ, À,…, Tao… Mày nói sao ?
- Được rồi, tao hỏi lại vậy : Thanh đối với mày là như thế nào ? Mày có tình ý gì không ? Chánh hỏi tới.
- Mày hỏi thế, tao cũng chả biết trả lời như thế nào. Mày biết tính tao thích đùa, gặp được ai cũng đùa, « ăng-giơ » (en jeu) với tao thì tao đùa « líp-ba-ga ». Hai người chưa thấy mặt nhau, dù trên ảnh nữa thì tình ý gì bây giờ ? Phương chống chế.
Mà thật vậy, « Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng… » chỉ có trong văn thơ, trong mộng tưởng thôi chứ làm gì có ngoài đời nhỉ ?
- Tao không biết chứ ở ngoài nhìn vào thì ai cũng nghĩ hai đứa tụi mày đã bắt đầu « thích » nhau rồi đó. Thế tao hỏi mày thêm câu nữa nhé : Mày với Hélène như thế nào rồi ?
Phải rồi, Phương có cô bạn gái người Pháp tên Hélène từ hơn năm rưỡi nay. Thế tại sao… ?
- Ừ nhỉ ? Tao với Hélène vẫn như thường và hai người đang tính đến chuyện dọn vào ở chung với nhau đây.
Chánh bỗng nghiêm mặt lại, ôn tồn nói :
- Phương ơi, nếu như vậy thì mày phải cẩn-thận lắm mới được. Mày cứ thế này, thể nào mày cũng làm khổ Thanh hay Hélène, hay cả hai, không khéo khổ cả ba nữa. Tao khuyên mày suy nghĩ cho kỹ xem mày thật sự muốn gì, muốn ai chứ mày không lừng khừng như thế được. Nếu tình cảm mày hướng về Thanh thì mày cứ tiếp tục đi xa hơn và giải-quyết chuyện với Hélène, còn ngược lại, nếu mày muốn tiếp tục với Hélène thì mày phải ngưng đùa giỡn với Thanh. Tao lo cho mày lắm đó Phương. Chánh thành khẩn với bạn.
Lúc này, nét mặt Phương nhăn nhó như « gà nuốt giây thun » :
- Cám ơn mày đã soi đường cho tao chứ bấy lâu nay 
tao chả ý-thức được chuyện này. Tao cứ như thằng con nít…
Chánh phá lên cười và ngắt lời bạn :
- Con nít à ? Mày lại tếu rồi. Qua ngũ tuần rồi, bố !
Phương cũng phải phì cười trước cái sự-thật hiển-nhiên đó. Anh chợt nhớ lại cách đây không lâu, vào dịp sinh-nhật năm mươi tuổi, anh đã có viết một bài tự-sự để ôn lại quãng đời mình :

Trên đường đi xuống                                                                  
Tuổi trẻ ơi, thơ ấu ơi, nay còn đâu ? Tôi đã đánh mất rồi.
Hôm nay, trèo lên tận đỉnh đồi, ngoảnh nhìn lại, tôi chợt cảm giác mình đã trải qua nửa đời này để học cách sống nửa đời còn lại.
Long đong nơi này, chốn nọ, giữa không gian này, thời gian kia, lúc nào tôi cũng chỉ là người qua đường. Con đường tôi đi, tôi đã lần mò mài miệt, như một cuộc đuổi bắt không ngừng. Dĩ vãng bao giờ cũng đàng sau lưng, cho dù mình có quay đầu lại. Chỗ đứng của tôi trên khoảng đất này, dưới vòm trời này, tôi đã lặn lội đi tìm khắp mọi nơi, qua mỗi khuôn mặt , sau mỗi cụm mây, trong mọi ảo ảnh của cuộc đời.
Nhưng tôi đã lầm : tôi cứ đi tìm bên ngoài cách hoá giải một vấn đề đắp kín ở bên trong, và tôi đã suýt chết khát bên cạnh giòng sông. Tôi muốn trở thành một « Ông », tôi chỉ cố gắng trở thành… chính tôi.
Tôi đã được đi học để thành tài nhưng tôi đã phải lăn lộn với đời để thành nhân. Học ra trường không phải là dễ, nhưng học làm người mới thật là khó.
Cuộc hành trình chưa dứt, nhưng tôi cũng đã bắt đầu học, tôi đã bắt đầu hiểu tôi sống để làm gì ?
Ý nghĩa của cuộc sống là gì, nếu không phải là sống ? Nhưng sống là gì ? Sống như thế nào mới là sống ? Phú quí là gì, quyền hành là gì để con người cứ phải nhắm mắt chạy theo ? Hạnh phúc là gì ? Trách nhiệm là gì ? Trưởng thành là gì ? …
Trăm ngàn câu hỏi đó ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm qua, nhưng tự đặt câu hỏi chẳng phải là đã có câu trả lời !
Tôi đã lên đến tận đỉnh đồi. Trên đường đi xuống, thân tôi lại nặng thêm nhiều câu hỏi, nhưng thâm tâm đã vơi nhẹ nhiều rồi. Trên đường đi xuống, tôi đã giầu hơn trước, giầu hơn với tất cả cơn vui, nỗi buồn, giầu hơn với tất cả kinh nghiệm sống của mình, những kinh nghiệm người xưa để lại nhưng tôi đã phải tự học lại.
Đò đã sang giữa sông rồi, qua bờ bên kia đi.
Canh trưa đã điểm rồi, lúc nào canh khuya đến ?

Đầu đã hai thứ tóc nhưng trên con đường đi xuống này, hình như Phương vẫn còn lạc lối?
- Thôi được rồi, tao sẽ giải-quyết việc này. Cám ơn mày lần nữa, hôm nay tao đãi mày vậy. Phương chép miệng nói.
Phương ra trả tiền rồi hai người chia tay.

Tối về, đầu óc Phương thật rối ren sau cuộc nói chuyện với Chánh. Sự-kiện trước mắt rõ ràng, bạn bè chung quanh ai cũng thấy tại sao mình lại không thấy?
Thuở còn ở Sài-Gòn, Phương vốn ít nói và nhút nhát, “bùm” Sài-Gòn chỉ đi độ một hai lần rồi sinh-viên bên Pháp, trong một xã hội khá cởi mở, Phương cũng không thích những cuộc tình qua đường, lăng nhăng. Đã có bạn gái, Phương chắc chắn không thể bắt cá hai tay được. Nhưng tại sao khi Chánh hỏi Phương có tình ý gì không thì anh lại ấp úng, khó trả lời như vậy?
Is this love, Is this love that I’m feeling?” (Bob Marley)
Nhưng hai người nào có biết mặt nhau đâu mà yêu với thích? Thật là khó hiểu.
Dầu sao đi nữa, Phương đã có bạn gái thì tinh-thần trách-nhiệm của Phương bỏ đi đâu? Thôi, không còn giải-pháp nào khác nữa.

Quyết-định rồi, Phương ra bàn giấy, mở máy vi-tính và bắt đầu viết điện-thư cho Thanh.
Nhưng viết gì bây giờ?  Viết như “Thôi, chúng ta đừng đùa giỡn với nhau nữa, tôi đã có bồ rồi” hay sao? Nhỡ cô ấy lại trả lời “ Ơ hay, cái anh này, tôi với anh chỉ nói chuyện trên diễn-đàn như mọi người chứ tôi có “cua” anh đâu mà anh sợ, để anh phải đính-chính?”
Phương làm nghề cố-vấn và huấn-luyện viên trong địa-hạt quản-trị xí-nghiệp, viết bài để phân-tích hay giảng giải mạch-lạc là “nghề của chàng” cơ mà? Tại sao viết một cái “meo” nho nhỏ lại khó thế này?

Mãi một lúc, viết qua viết lại, sửa lên, chữa xuống, Phương tạm viết:
Thanh à, Mấy dạo này, trên diễn-đàn, lời qua lời vào, lại có bạn bè chung quanh châm-chế nên có lẽ tôi đã nói năng hồ-đồ, bất nhã với Thanh, tôi xin Thanh tha lỗi cho tôi. Đùa giỡn, vui chơi là một chuyện, nhưng có lẽ tôi đã bắt đầu đùa nhả rồi, tôi cảm thấy mình đi quá trớn, trong lòng áy náy quá nên viết cho Thanh để xin lỗi. Từ giờ, tôi xin thôi, không đùa như thế nữa. Thân mến, Phương.”

Đọc lại thêm một lần, Phương bấm nút “Gửi”, tắt máy rồi đi ngủ.


Yên Hà, tháng 12, 2016

Không còn mùa thu (Thanh Tuyền)

Không còn mùa thu 
Việt Anh sáng tác
Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc

Please (ctrl) click on the link
https://youtu.be/kWgF2WKihDk

Enjoy.

One day in Santorini (Greece)

One day in Santorini (Greece)
All photos taken by Phu TRAN NGOC
November 2016

Please (Ctrl) click on the link
https://youtu.be/th7O5jp0D-4

Enjoy.