Giòng sông nào cũng chẩy ra biển, nước mắt nào cũng chỉ chẩy xuôi. Câu ngụ ngôn này, trong ngôn ngữ Việt-Nam, có nghiã rằng tình thương-xót bao giờ cũng đi từ trên xuống dưới, từ người lớn (ông bà, bố mẹ) đến người bé (con cháu). Bố mẹ nào cũng thương và chăm lo cho con cái nhưng nước mắt ít khi nào chẩy ngược.
Thuở còn bé dại, tôi còn nhớ bố mẹ đôi khi không làm mình vừa lòng thì đâm ra hậm hực, như trách móc bố mẹ không yêu thương mình. Và như vậy, tôi lại được nghe lời khuyên dậy đó. Thuở ấy, đầu óc thơ dại, tôi cũng chỉ hiểu qua loa thế thôi, mà chưa chắc đã hoàn toàn đồng ý, bụng bảo dạ : « Con cái cũng có quyền yêu bố mẹ chứ ? Đâu phải chỉ có bố mẹ mới biết yêu con cái ? »
Thời gian trôi qua, tôi lớn dần và bắt đầu lăn lộn với đời, một thân, một phận nơi xứ lạ, quê người. Và mãi đến ngày tôi được khoác lên vai cái bổn phận làm cha, tôi mới nhớ lại và bắt đầu hiểu thế nào là : nước mắt chẩy xuôi.
Bố mẹ nào chẳng thương con nhưng chữ « thương » đây thường đi với chữ « xót ».
Lúc sanh ra, đứa bé hoàn toàn tùy thuộc nơi người nuôi dưỡng nó, và có lẽ cái sự yếu kém, bất lực này khiến cho bố mẹ xót con. Lúc con ốm đau thì cha mẹ lo lắng biết chừng nào ; Chúa Jesus xin đóng đinh chuộc tội cho cả nhân loại nhưng cha mẹ chỉ cần đau ốm thay thế cho con là mãn nguyện lắm rồi.
Tôi còn nhớ dạo đó con tôi tập đạp xe, từ bốn bánh gỡ ra còn hai, đến lúc nó ngã sướt đầu gối, cũng chả nặng gì mà tôi hốt hoảng, đau xót còn hơn chính mình trầy da, tróc vẩy, mà còn như có muối xát thêm vào nữa. Hoặc là khi con mình trong lớp bị bắt nạt, chỉ muốn « bạt tai » đứa nào bắt nạt con mình.
Bố mẹ cố gắng nuôi con lớn khôn ; lớn là một chuyện, nhưng khôn lại là chuyện khác, còn phải dậy, phải dỗ, sửa soạn cho nó vào đời. Con tôi lúc này đang ở tuổi thiếu niên, đôi khi nó không được vui, tôi có hỏi mà nó không nói ra thì tôi cũng đau xót lắm.
Tôi cũng bắt đầu hiểu bố mẹ thương xót chúng tôi đến chừng nào. Tôi nhớ lần đó sang Mỹ thăm nhà, tôi kể với bố mẹ chuyện tôi đang làm thủ tục ly dị với vợ. Nghe tin như xét đánh ngang tai, bố tôi thì cố gắng an ủi, vỗ về tôi, còn mẹ tôi chỉ biết ngồi lặng người, im khóc một mình. Lúc đó, tôi đang tủi thân, tủi phận mà chỉ muốn ôm mẹ vào lòng để an ủi mẹ.
Chúng tôi bây giờ đã khôn lớn, đã không còn nghèo, trong khi bố mẹ tôi sống vào lương hưu trí, tiền bạc chả bao nhiêu, chả mua sắm gì nhiều cho mình mà còn chắp chi, nhặt nhạnh từng đồng, để dành cho con, cho cháu. Mỗi lần tôi sang thăm nhà, bố mẹ, bác cô tôi cứ dúi cho chút tiền đi chơi, mua sắm. Con tôi thì đương nhiên lần nào sang cũng đem về chặt một va-li đồ chơi và tiền đem về nữa.
Có khi mẹ tôi còn dắt tôi đi cắt tóc và khoe thằng con trai từ bên Pháp sang thăm. Hãnh diện vì con bao giờ cũng là nguồn vui lớn cho bố mẹ.
Mỗi lần tôi sang, mẹ tôi biết sở thích tôi, bao giờ cũng đón tiếp bằng một nồi phở thật to để ăn dần mấy ngày liền. Dĩ nhiên trong thời gian đó, mẹ tôi nấu cho tôi những món tôi ưa thích nhất, và lần nào về, người bao giờ cũng tròn quay.
Tôi nghĩ có lẽ một phần vì bố mẹ tôi lúc trước không được giầu có cho lắm, cho nên lại càng thương xót chúng tôi, như chỉ biết đem hết tình thương yêu mình đắp vá vào. Đôi khi tôi cũng thầm nghĩ « nhờ » nhà mình nghèo mà tôi đã học hỏi được nhiều hơn nơi bố mẹ cũng như ngoài đời : « cái khó nó bó cái khôn ». Có lẽ vậy (?)
Tình thương yêu của Bố Mẹ, bao nhiêu nước mắt, hy sinh của Bố Mẹ để nuôi tôi khôn lớn nên người, ơn nghĩa này suốt đời tôi không quên được, không ngày nào tôi đền đáp hết.
Bố Mẹ yêu quí, con chỉ biết để cho lần này « nước mắt chẩy ngược » … một vài giòng.
Yên Hà, tháng 1, năm 2002
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.