UA-83376712-1

Labels

Jan 15, 2015

Jacques Brel, người nghệ-sĩ đầy nhạy cảm (Bản nguyên văn)



          Sau Ngô Thuỵ Miên và Charles Aznavour, tôi cũng muốn viết về một người nghệ-sĩ
          tài ba khác, với một cá tính thật đặc biệt : Jacques Brel.
 Tên tôi là Jacques Brel
Jacques Brel ra đời ngày 18 tháng 8, 1929 tại Scharebeek (ngoại-ô Bruxelles, Bỉ quốc) và mất ngày 9 tháng 10, 1978 tại Bobigny (Pháp quốc), hưởng thọ 49 tuổi.
Ông là một nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, đạo diễn nhưng miêu tả ông không phải là một chuyện dễ. Cũng như điệu "van" ngàn nhịp (valse à mille temps) của ông, con người của ông cũng vậy, đa dạng và vô cùng phức-tạp. Nói về ông, người ta đã thường nêu lên những cá tính như: Cha Brel, kẻ phẫn nộ, phản tư-sản, phản phụ-nữ, Don Quichotte, người hát dạo, người bạn trung tình, và nhất là người quá nhạy cảm.
Người nghệ-sĩ có bao nhiêu chuyện để nói và người đã nói lên trong hơn hai trăm bài hát đầy cảm xúc, nhất là với cách trình-diễn của ông trên sân-khấu.
Tôi xin được mạn phép nói về ông trong thời hiện-tại vì đối với tôi, nhà thơ tuyệt-vời này luôn luôn tồn tại trong thâm tâm tôi:
Trong lòng đất lạnh,
Jacquot,
Ông vẫn còn hát
Trong lòng đất lạnh,
Ông vẫn chưa chết…

1. Jacques Brel, người đam mê
Ông là một người đam mê trong cuộc sống. Ông không sống nửa chừng, ông không giả vờ, ông sống trọn vẹn mỗi cảm xúc trong mỗi giây phút của cuộc sống, không chừng mực, đến cùng cực. Đôi khi ông cứng đầu đến ngoan cố, nóng giận đến cực đoan, nhưng ngược lại ông cũng rất độ lượng và hào hiệp.
Thật mâu-thuẫn khi ông kịch-liệt chống lại cội-nguồn của mình, chống lại giai-cấp tư-sản của gia-đình mình, chống lại nền giáo-dục thiên-chúa giáo mình, chống lại dân-tộc tính “Flamand” của chính mình.

Không Chúa
Mặc dù ông đã được giáo huấn theo đạo lý Thiên Chúa giáo và hoạt động trong một tổ chức tín-đồ trẻ (La Franche Cordée), ông đã bắt đầu chống lại giáo-điều:

   Bước vào nhà thờ thì dễ quá
   Để xô ra bao điều dơ bẩn
   Trước mặt ông cha đang nhắm mắt
   Để tha thứ ta dễ dàng hơn
   Im đi mày, Jacques
   Mày thì biết gì về Chúa
   Một câu thánh ca, một hình ảnh
   Mày chả biết gì hết…
   … Dễ quá, thật dễ quá
   Khi ta giả vờ…

(Grand Jacques)

   … Nếu Chúa thật sự là Chúa
   Thì Chúa sẽ không hà-tiện trời xanh
   Nhưng Chú không phải là Chúa
   Chúa còn hơn vậy nữa
   Chúa là người…
(Chúa / Le bon Dieu)

« Tôi nghĩ có lẽ Chúa là loài người, nhưng chúng ta không biết thôi. » (Jacques Brel)


Trong bài « Đàn bà Flamand » (Les Flamandes), ông chỉ trích tập-đoàn tăng lữ của tổ-chức nhà thờ Bỉ nhưng chỉ gây phản ứng mạnh từ cộng-đồng Flamand của nước Bỉ. 
(Xin mời đọc thêm về vấn-đề này trong số sau.)

   Đàn bà Flamand khiêu vũ trong im lặng
   Im lặng những ngày chủ nhật rền vang
   Đàn bà Flamand khiêu vũ trong im lặng
   Đàn bà Flamand ít nói lắm
   Nếu họ khiêu vũ, đó là tại họ hai mươi tuổi
   Và hai mươi tuổi thì phải hứa hôn
   Hứa hôn là để thành hôn
   Thành hôn là để có con
   Bố mẹ họ nói như vậy
   Ông uỷ viên nhà thờ và tổng linh mục cũng nói vậy
   Vì vậy nên họ khiêu vũ
   Đàn bà Flamand, đàn bà Flamand…

(Đàn bà Flamand / Les Flamandes)

Không chủ
Ông cũng chống chiến-tranh với bài hát « Con chim bồ câu » (La colombe):


Tại sao phải đội kèn đồng khi binh lính xếp hàng bốn
Đứng chờ những cuộc tàn sát trên bến ga ?
Tại sao có chuyến tàu đầy nghẹt đang kêu ro ro
Trước khi đưa chúng ta đến những chỗ hiểu lầm ?
Tại sao có đám đông đến 
 ca và hoan nghênh
Những kẻ được đi, nhân danh điều ngu ngốc ?
Chúng ta sẽ không vào rừng nữa, chim bồ câu đã bị thương
Chúng ta sẽ không vào rừng, chúng ta sẽ giết nó

Ngoài ra, bài « Khi ta chỉ có tình yêu » (Quand on n’a que l’amour) đã được viết trong thời-kỳ chiến tranh bên Algérie :
   Khi ta chỉ có tình yêu
   Để nói chuyện với đại bác
   Chỉ có một bài hát
   Để thuyết phục một cái trống

Trong bài « Người kế tiếp » (Au suivant), ông chỉ-trích những nhà thổ quân-sự lập ra để hiến cho những người lính trẻ những « nữ hộ-lý » :
   Trần truồng trong cái khăn bông cuốn thành sà-rông
   Tay cầm xà-phòng, mặt đỏ tía
   Kế tiếp, kế tiếp,
   Tôi mới vừa đôi mươi và một trăm hai chúng tôi
   Lần lượt kế tiếp kẻ mình theo sau
   Kế tiếp, kế tiếp,
   Tôi mới vừa đôi mươi và tôi thành đàn ông
   Trong một nhà thổ quân đội
   Kế tiếp, kế tiếp
, …
Bài hát còn nói qua về những tình trạng tình dục thiếu tình yêu.

Gốc tư-sản và phản tư sản
«  Tôi đã có một tuổi thơ bình lặng, mọi việc đều ngăn nắp, thứ tự. Không có gì trục trặc, là khó khăn… Thật là thanh bình và tất nhiên là buồn tẻ…
Tôi lớn lên trong một môi trường tư sản rất thận trọng khiến tôi buồn chán lắm. Không phải là tôi than phiền gì về cuộc sống của tôi hay về giai-cấp tư sản của bố mẹ tôi. Chỉ có điều là tôi chán ngắt

... Tôi không nhớ đã thấy cha tôi cười...»

Tôi có cảm-tưởng là ông « trách » bố mẹ ông đã giam cầm ông trong cái  gọi là « tư sản thận trọng và bất động » đó trong khi ông đang tràn đầy sức sống và chỉ mơ được bay nhảy đó đây. Hầu như, tù túng trong cái bẫy gia-đình (Cha tôi đã đóng hộp tôi - ám chỉ xưởng làm các-tông của cha ông), ông vùng vẫy để thoát ra khỏi cái « tư sản » đó, như Michael Jackson sau ông, đã muốn từ bỏ cái làn da « đen đủi » của mình.

Dầu sao đi nữa, ông căm thù giới trưởng-giả đó một cách thậm-tệ :
   … Những kẻ trưởng giả cũng giống như heo lợn
   Càng về già thì càng ngu
   Những kẻ trưởng giả cũng giống như heo lợn
   Càng về già thì càng đần

Nhưng ông cũng rõ nơi mình xuất thân nên trong đoạn cuối, ông tự thuật mình như một công chứng viên về già :
   … Giữa công chứng viên với nhau
   Chúng tôi thường qua thời giờ
   Ông J. bàn về Voltaire
   Ông P. về Casanova
   Còn tôi, tôi là kiêu hãnh nhất
   Tôi vẫn bàn về tôi

Những kẻ trưởng-giả / Les bourgeois    https://www.youtube.com/watch?v=q5djq141fsI 

Chúng ta phải nghe và nhất là xem Jacques Brel trình diễn bài « Những người đó » (Ces gens là), mô tả một gia-đình tư sản :
   … Và rồi, còn anh chàng kia…
   … Đi lo công việc
   Đầu độ mũ
   Người mặc áo
   Chạy chiếc xe be bé
   Anh rất muốn ra vẻ
   Nhưng chẳng ra vẻ gì
   Đừng có đòi trưởng giả
   Khi mình không có tiền
   Phải nói với ông rằng
   Những người đó,
   Họ không sống, ông ơi
   Họ không sống, họ giả vờ
Những người đó / Ces gens là  https://www.youtube.com/watch?v=2FCqjm2Jwhk

Một tấm lòng to như giáo đường
(Un cœur comme une cathédrale)  
Ông rất kịch liệt đối với những điều xằng bậy nhưng ngược lại, ông rất trung thành với bạn bè và là một người rộng rãi và hào hiệp.
Khi cô ca sĩ Isabelle Aubret đã bị thương trầm trọng trong một tai nạn xe cộ, không những ông đã tặng cô bài « La Fanette » là bài nhạc của ông mà cô muốn hát, mà còn cho cả bản quyền để giúp đỡ cô.
Ông cũng đã tặng bản quyền bài « L’enfance » cho tổ-chức từ-thiện Perce-Neige của người bạn Lino Ventura.
Và ngay cả khi ông đã lừng danh trong làng nhạc, ông đã nhiều lần trở lại hát trong quán hát nhỏ L’Echelle de Jacob của bà Suzy Lebrun để đền ơn bà đã giúp đỡ ông trong những bước đầu. Không những ông không nhận thù lao mà ông còn bỏ tiền túi để trả lương nhạc công của mình.
Ngoài ra, lòng hào-hiệp của ông cũng rất kín đáo khi ông đi hát giúp cộng đồng những tỉnh lẻ, trong những trung-tâm săn sóc trẻ em khuyết tật hay trong những viện dưỡng-lão.

   Có những người với một quả tim thật rộng lớn
   Như ta có thể bước vào không cần gõ cửa
   Có những người với một quả tim thật rộng lớn
   Mà ta chỉ thấy có một nửa…

(Những quả tim dịu hiền / Les cœurs tendres)

«  Tôi thích những người hay cho hơn là những người hay biện bạch » (Jacques Brel)

Ca sĩ - Diễn xuất viên
 Nghe Jacques Brel đã thích rồi, nhưng xem Jacques trình diễn mới là tuyệt vời. Tôi chưa được diễm phúc đó vì buổi hát cuối cùng của ông là trong năm 1967 và năm đó, tôi mới còn học trung-học ở Sài-Gòn. Vả lại, trong thời-điểm đó, chúng tôi mê nhạc yé-yé của Christophe hay Sylvie Vartan hơn là những loại nhạc “có bề sâu” như nhạc Charles Aznavour hay nhạc Jacques Brel. Ngày hôm nay, khi tôi vào YouTube để xem lại những màn trình-diễn của Jacques Brel, tôi mới lại càng tiếc.

Jacques Brel không phải là một ca sĩ có duyên như Sacha Distel hay Julio Iglesias và cũng có một số khán giả không ưa thích ông.
Ông cũng không đẹp trai như Julien Clerc, điều ông đã tự thú: “ Nếu tôi có chút mã thì có lẽ tôi đã không thành công trên con đường này.” Một trong những người tình ông cũng đã nói: “ … Lúc đó, tôi nhìn anh ngủ, nhưng sao anh xấu trai quá…” 

(Trường hợp của Charles Aznavour cũng tương tự vậy?)

Cho nên, khiến cho bao nhiêu khán giả kéo đến “xem” ông hát thật là một kỳ công. Quả vậy, Jacques Brel không phải là hát, ông kể chuyện với tim gan mình. Nghĩa đen và nghĩa bóng vì trước khi trình diễn, lần nào ông cũng phải vào nhà tắm để nôn mửa.

Trên sân khấu, người ca sĩ hát một bài nhạc như một diễn viên đóng một màn kịch đời. Ông hát với giọng hát, với sắc mặt, với tay chân, với toàn thân, với tất cả nghị lực của ông. Và hát đến bài thứ tư là người ông ướt sũng như một lực sĩ quần vợt đang tranh giải chung kết.
Không, ông không giả vờ, không bề ngoài, nhất là khi ông hát. Đến độ những khán giả Mỹ hay Nga không hiểu một chữ tiếng Pháp mà đi xem ông hát cũng phải đứng dậy vỗ tay.

Tôi không thể tưởng tượng ông có thể trình-diễn từ 250 đến 300 lần một năm (năm 1962, ông đã hát 327 lần). Nhất là sau mỗi màn hát, ông còn đi nhậu nhẹt cả đêm đến sáu giờ sáng. Khoẻ thật.

Từ đam mê này sang đam mê nọ
Không có gì là tài năng. Tài năng là khi mình thật sự mong muốn làm một việc gì” (Jacques Brel)
Những gì ông mong muốn làm thì nhiều lắm. Sau 15 năm trong nghề và đang trên đỉnh cao thanh danh, ông đã quyết định ngưng hát để có thời giờ thực-hiện những ước mộng khác: điện ảnh (diễn xuất và thực hiện phim), ca múa nhạc (comédie musicale), thuyền buồm, máy bay. Với cùng một niềm say mê.

Ông đã muốn hát và ông đã hát
Ông đã muốn đóng (phim) và ông đã đóng
Ông đã muốn quay (phim) và ông đã quay
Ông đã muốn bay và ông đã bay
Ông đã muốn lái (tàu) và ông đã lái
… cũng như mọi lần…
(ngẫu hứng từ bài hát Vesoul)

Đúng là ông chỉ sống được có 49 năm nhưng những năm đó, ông đã sống thật trọn vẹn. Một cách say mê.

2. Flamand bất đắc dĩ
Vấn đề của Jacques Brel đối với tiếng Flamand và người Flamand thật là mâu-thuẫn và phức-tạp.
Nhưng trước hết chúng ta hãy để Wikipedia nhắc lại vài giòng về nước Bỉ, quê hương của Jacques Brel. 
Bỉ, quốc danh hiện tại là Vương quốc Bỉ  là một quốc-gia ở Tây Âu, có diện tích 30.528km2 và dân số khoảng 10.7 triệu người. 
Là biên giới văn hoá giữa châu Âu German và châu Âu Latinh, Bỉ là ngôi nhà của hai nhóm ngôn ngữ chính, những người Flamand (với 59% dân số ), giáp danh với Hà Lan và nói tiếng Hà Lan, và những người Wallon (với 41% dân số), giáp danh Pháp và nói tiếng Pháp. Ngoài ra, còn có một nhóm nhỏ nói tiếng Đức. Vùng thủ-đô Bruxelles có hai ngôn ngữ chính thức, là vùng chủ yếu nói tiếng Pháp.
Sự đa dạng ngôn ngữ của Bỉ và những cuộc xung đột chính trị và văn hoá liên quan tới nó được phản ánh trong lịch-sử chính-trị và một hệ-thống chính-phủ phức tạp.

Jacques Brel, người Flamand bất đắc dĩ
Xuất-thân từ một gia-đình bên nội Flamand bảo-thủ nói tiếng Pháp và một người mẹ gốc Bruxelles, ông tự xác-định mình là một ca sĩ Flamand nói tiếng Pháp hoặc là người Bruxelles gốc Flamand.
Ông tự nhận mình là Flamand, yêu quê-hương (vùng Flandre) của mình nhưng lại ghét ngôn-ngữ Flamand và dân chúng Flamand. Tại sao ?


Hình như mọi chuyện đã bắt đầu năm 1959 khi ông xuất-bản bài nhạc Les Flamandes (xin mời xem lại số trước), trong đó ông đả kích giáo-hội Bỉ mà ông xem như một số quy-ước và truyền-thống đạo đức giả và mê đạo, nhưng kết quả là người Flamand chỉ cảm nhận được là một sự nhạo báng và phản ứng mạnh. Sự hiểu lầm bắt đầu từ đây.

Trong Marieke (1961), ông viết một bản tình ca thật dễ thương mà nhân vật nữ là một người Flamand, Marieke, dưới những khung trời Flamand (Bruges, Gand) và thêm vào đó, điệp khúc lại hoàn toàn tiềng Flamand :
   Ôi Marieke, Marieke, tôi yêu em vô vàn,
   Bên những tháp ở Bruges, ở Gand,
   Ôi Marieke, Marieke, đã lâu rồi,
   Bên những tháp ở Bruges, ở Gand, 
(phỏng dịch từ tiếng Pháp)

   Thiếu tình yêu êm ấm
   Trời nổi gió, cơn gió ngu ngốc
   Thiếu tình yêu êm ấm
   Đại dương khóc, đại dương xám
   Thiếu tình yêu êm ấm
   Ánh sáng quặn đau, ánh sáng u tối
   Vá cát phủ sạch quê hương tôi
   Miền đất bằng của tôi, miền Flandre của tôi…  
(phỏng dịch từ tiếng Hà Lan)


Bài này, ông cũng đã hát nguyên bài tiếng Flamand nhưng cộng-đồng Flamand vẫn không tỏ lòng khoan dung mà lại còn chê giọng Flamand của ông gần giọng Hà Lan hơn.

Năm sau, ông viết một tuyệt-phẩm để ca ngợi quê-hương ông: Miền đất bằng (Le plat pays)

https://www.youtube.com/watch?v=-5-N4Dbok34

Xin mời đọc nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Việt :
http://phu-tran.blogspot.com/2014/11/le-plat-pays-mien-at-bang.html

Nhưng dân chúng Flamand cũng vẫn không mủi lòng trước tấm lòng của Jacques Brel đối với miền Flandre đó.


Hố sâu giữa đôi bên mỗi ngày mỗi trầm trọng cho đến năm 1967, Brel lại đổ dầu vào lửa với bài La la la :
... Khi tôi già...
Tôi sẽ sống ở một nước Bỉ nào đó
Mà người ta sẽ chửi rủa tôi thậm tệ như hôm nay
Khi tôi sẽ hát "Cộng Hòa muôn năm"
"Công dân Bỉ muôn năm"
"Mặc xác" đám Flamingants (*)

(*) : Flamingant là một từ xấu nghĩa để chỉ những người Flamand "cực đoan" muốn bảo vệ văn hóa Flamand và chống lại ảnh hưởng tiếng Pháp bên Bỉ.

Như vẫn chưa hết nguôi, mười năm sau khi ông đã ngưng hát, ông còn trút hết hận thù trong một bài hát viết ở đảo Marquises, nơi ông đã về ở ẩn. Bài tựa đề "Những người F.", với phụ đề " Những người Flamingants, nhạc hài hước" :
   Mấy ông Flamingants ơi,
   Tôi có đôi lời muốn nói
   Bấy lâu nay, mấy ông đã làm tôi sôi máu...
   ... Mấy ông Flamingants ơi,
   Tôi (chửi thề) mấy ông đó...
   ... Mấy ông đã làm nhơ nhuốc xứ Flandre
   Nhưng xứ Flandre xét xử mấy ông...
   ... Và tôi cấm mấy ông
   Bắt buộc đàn con vô tội của tôi
   Phải sủa tiếng Flamand...
   ... Tôi tên là Jacques Brel
   và tôi khẳng định lập trường.

Không còn gì để nói nữa. "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi."

Jacques Brel: Tôi là ai?
"Tôi là người gốc Flandre." Có nghĩa là ông xuất thân từ một gia đình ở miền Flandre nhưng ông không nhận mình là người Flamand, và dù cho đôi khi ông nói ông là người gốc Flamand, ông vẫn chưa nhận mình là người Flamand.
Mâu thuẫn hơn nữa, đôi khi ông lại nói vớt vát: "Tôi cảm thấy mình Flamand hơn là Bỉ. Vả lại, Bỉ chỉ là một quan-niệm địa-lý." Nhưng có lẽ ông nhầm lẫn Flamand (người xứ Flandre) với Flamingant (người Flamand quá khích), cũng như có người nhầm lẫn người Hồi giáo và kẻ khủng bố (?)

Điều chắc chắn là ông thậm ghét tiếng Flamand. 
"Tiếng Flamand không phải là một ngôn-ngữ mà là một cơn sổ mũi." Ông nói.
Ông cũng đã không muốn cho con gái ông học ngôn-ngữ này.
Hay là trong thâm tâm ông, ông đã trách phụ thân ông là người Flamand mà lại nói tiếng Pháp? Trở về nguyên thuỷ, cha ông, Romain Brel, sinh ra ở Zandvoorde, một ngôi làng gần ranh giới Pháp và chú ruột ông, Hilaire Brel, là trưởng làng và cũng nổi tiếng là thiên-Pháp. Gia đình, họ hàng Brel từ bao năm đã ghét tiếng Flamand rồi.
Sự mâu thuẫn này của ông có lẽ là "cha truyền, con nối" chăng?

Là người Flamand thiên-Pháp không có nghĩa ông thiên-Wallon. Năm 1963. ông viết một bài hát tựa đề Trời tuyết ở Liège (Liège là một thành phố Wallon), một bài mà ông muốn tương đương với bài Miền đất bằng nhưng kết quả thật nhạt nhẽo, vô vị.
Ông không cảm thấy mình Flamand hay Wallon. Hay là đây là một đặc trưng của người vùng Bruxelles? Nhưng với bài Những viên kẹo (Les bonbons), 
https://www.youtube.com/watch?v=LWPl5hDjhoo
cách trình diễn ông lại chế giễu cái giọng Bruxelles. 

Không phải Flamand, cũng không phải Wallon, cũng không phải là Bruxelles, vậy ông có phải người Bỉ không? Ông có hãnh diễn là người Bỉ không? Hay là ông xấu hổ?
Tại sao có những mâu-thuẫn này? Tại sao có loại "Yêu-Ghét" này đối với nguồn gốc này?
(Trong số sau, chúng ta sẽ bàn về liên-hệ "Yêu-Ghét" của ông đối với đàn bà).

Xét cho cùng, có lẽ ông thật tình yêu nguồn gốc Flamand của ông. Ông chỉ khao khát được người "đồng hương" công nhận ông nhưng từ hiểu lầm này sang hiểu lầm nọ, ông chỉ có được kết quả trái ngược.
Có lẽ ông mặc cảm ông không sinh sống trên đất Flandre, ông không nói rành tiếng Flamand và khi ông hát thì giọng ông gần Hà Lan hơn là Flamand. 
Có lẽ ông hận ông cha đã từ bỏ cội nguồn mình cũng như ông tự trách mình không hẳn là người Flamand (?) Có lẽ...

Dầu sao đi nữa, bài Miền đất bằng đã được dân chúng Bỉ bầu là "Bài nhạc của thế kỷ", như một điểm tập-hợp của người Bỉ và năm 2005, ông cũng đã được bầu là "Vĩ nhân Bỉ bậc nhất" bởi khán-giả đài RTBF (Đài Phát thanh và Truyền hình Bỉ Pháp-ngữ).
Đến bây giờ, theo hiểu biết của tôi, dân chúng Flamand vẫn còn hận (giận?) Jacques Brel nhưng cũng có một số phải công nhận thiên tài của ông và hãnh diện ông là người Bỉ. 
Liên-hệ đó quả là "Yêu-Ghét".
Cá-nhân tôi đã sống 5 năm ở Liège và 3 năm ở Lille (thuộc miền Flandre Pháp) và vâng, bầu trời ảm đạm, những cơn gió bấc, miền đất bằng, tất cả những điều đó là những khung cảnh, những cảm-nhận mà tôi có thể hiểu, mà tôi có thể yêu, mà tôi đã yêu. 
Như tôi yêu Jacques Brel.

3. Jacques Brel và đàn bà
Con chiên mà chống đối giáo-hội, xuất-thân từ tư-sản mà lên án tư-sản, gốc Flandre mà ghét người Flamand, Jacques Brel còn có một liên-hệ rất mâu-thuẫn đối với đàn bà nữa.
- Những người đàn bà của Jacques Brel
Như đã nói, Jacques Brel là một kẻ đam mê, ngoài đời cũng như trong tình yêu. Ông đã yêu say đắm nhưng cũng từ xa xa thôi. Miche, Suzanne, Sylvie, Marianne, Madly, tất cả đều đã chia sẻ một quãng đời của Brel. Mỗi người một phương cách.

Miche
Người đàn bà đầu tiên cũng là người đàn bà cuối cùng, ít ra trên phương diện pháp lý. Thérèse Michielsen, tự Miche, quen biết Jacques Brel trong thời-điểm La Franche Cordée, một tổ-chức sinh-hoạt của nhóm trẻ Thiên-chúa giáo và hai người kết hôn với nhau năm 1950, khi ông 21 tuổi và bà, 24. Bà sinh cho ông ba người con gái và sẽ là người vợ chính-thức suốt 28 năm. Sau khi ông mất, không để lại di-chúc, bà thừa hưởng trọn gia-tài.
Ngay từ 1953, bà để cho ông đi xây mộng âm-nhạc và sống những cuộc đời khác. Bà đã chia xẻ chồng mình với nhiều người đàn bà khác. Bà đã từng tâm-sự : «  Tôi biết rõ mọi chuyện, không có gì dấu diếm, không có gì lừa dối và tôi chấp-nhận. Và khi đã chấp nhận thì không có gì để than vãn. »
Đối với Jacques Brel, luôn luôn bay nhảy một cách tự-do, bà thể-hiện « một tương-lai vẫn có thể có, một sự ổn-định, một sự kiên-trì. » Hai người đã có với nhau một liên-hệ vô cùng đặc biệt, khó hiểu mà chính họ cũng không hiểu rõ.
Suzanne Gabriello, tự Zizou
Mối tình đầu từ khi ông bước chân đến Paris. Mối tình sóng gió này kéo dài gần mười năm và bà khẳng định với mọi người là bà đã là nhân-vật chính trong bài « Xin em đừng bỏ anh » (Ne me quitte pas), giả-thuyết mà Jacques Brel đã bác : « Đối với tôi, đó là câu chuyện của một kẻ ngu đần, một kẻ thất-bại, không dính dáng gì đến đàn bà. »
Sylvie Rivet
Trong những năm vinh quang, từ 1961 đến 1970, ông đã chia xẻ thời-gian mình giữa vợ con ở Bruxelles và Sylvie ở Paris. Có lúc đề-cập đến vấn-đề ly dị, Miche có nói với chồng : « Vô lý, chúng ta thật sự yêu nhau. Anh sống với cô ấy được bao lâu thì cứ sống. Chuyện của mình là trọn đời mà. »
Marianne
Đối với Brel, có lẽ bà là người đàn-bà lý-tưởng, một người đàn bà không giam cầm ông trong những lề lối tẻ nhạt hàng ngày. Điều này dễ hiểu vì bà có chồng con và sống xa Paris.Bà là hiện-thân của Tự-Do, điều kiện căn bản trong quan niệm tình yêu của Jacques Brel :

« Đây là lần đầu tiên anh yêu một cách tự do, anh muốn nói là em không phải nô lệ của anh và anh không phải là nô lệ của em. »
Năm 1973, ba người đàn bà, Miche, Marianne và Maddly chia xẻ quả tim và đời sống Jacques Brel. Lẽ ra, chính Marianne phải là người đi với Brel thay vì Maddly nhưng bà đã quyết định ở lại với con trai.
Maddly Bamy
Người tình cuối của Jacques Brel đến từ Pointe-à-Pitre, Guadeloupe, một nhóm đảo thuộc Pháp Quốc. Năm 1971, trong lúc phim « L’aventure, c’est l’aventure » đang được quay, bà quen Jacques Brel và năm 1974, bà lên thuyền với Brel, trực chỉ nhóm đảo Marquises và hai người sống với nhau những chuỗi ngày cuối cùng của Jacques Brel, đến năm 1978.
Và vô số người đàn bà khác
Ngoài những người đàn bà nói trên, dĩ nhiên là còn nhiều người khác đã "qua tay" Jacques Brel, chưa kể ông cũng hay đi mua vui nơi các thanh lâu (đã có lần ông tỏ ý định viết một quyển sách chỉ dẫn về những « động » bên Pháp).

- Jacques Brel và Tình yêu
Thông hiểu đàn bà
« Tôi ý thức được rằng tôi đã thiếu hụt một điều thật quan trọng và tôi rất tiếc. Tôi đã không thông hiểu đàn bà nhưng giờ thì cũng trễ rồi. » Jacques Brel.
   Im đi, thằng Jacques

   Ngươi biết gì về tình yêu ?
   Những cặp mắt xanh, những giòng tóc rối
   Người chả hiểu gì hết…
« Tôi yêu tình yêu quá nên không thể yêu đàn bà nhiều được. »
Suốt đời mình, ông đã vừa đi tìm đàn bà, vừa trốn tránh họ. Brel đã yêu nhưng không bao giờ hiến dâng gì nơi mình. «  Tôi không thích đàn bà lắm vì họ gần như là kẻ thù. Tôi không ghét phụ-nữ nhưng tôi rất là ngờ vực họ. Tôi ngờ vực họ vì tôi rất sợ phải đau khổ, như phải đau răng, mà chẳng được ích lợi gì. »

Tình yêu là cần thiết
    « Nhu cầu yêu của tôi thật là kỳ quái. »

    Thiếu bóng tình yêu, 
    Thiếu bóng tình yêu,

    Thiếu tình yêu sắp đến,
    Sống còn có ý nghĩa gì ?
    Tim tôi trống vắng,
    Thân tôi trống vắng,
    Thiếu bóng tình yêu, Thiếu bóng tình yêu,
    Sống để làm gì ?
Thiếu bóng tình yêu (Sans amour, 1968)

Hiếm có khi nào, tình yêu lại lãng mạn như trong bài « Anh yêu em » (Je t’aime, 1959)  https://www.youtube.com/watch?v=OmCejzfLatk :
    Anh yêu em

    Vì giọt sương run rẩy nơi đài hoa
    Lo sợ không được yêu
    Giọt sương giống như quả tim em,
    Anh yêu em
    Vì mưa đen gõ trên phím mặt hồ
    Chơi một trang trăng giống như tiếng hát em
    Anh yêu em
    Vì ban mai đong đưa nơi chân trời
    Trong sáng, mảnh mai, giống như vầng trán em
    Anh yêu em…
Nét bút này của Jacques Brel nghe sao xa lạ quá (?)

Ông rất nghi ngờ tình yêu nhưng, như một người nghiện, như một con thiêu thân, ông vẫn cứ lăn xả vào. (Nói cho ngay, đàn ông nào chả thế, phải không mấy bác giai ?)
    Tôi biết, tôi biết rằng mối tình kế tiếp

    Sẽ là một cuộc chiến bại
    Tôi biết trước từ đầu cuộc vui
    Rằng đến rạng sáng, chỉ còn chiếc lá chết
    Tôi biết, tôi biết không cần biết tên em
    Rằng tôi sẽ là con mồi của em
    Tôi đã biết rằng bằng những lời thủ thỉ
    Con ao nhỏ giam cầm con sông lớn…
    Tôi biết, tôi biết điểm yếu lòng của tôi
    Sẽ khiến chúng ta trở thành hai chiếc tàu địch
    Cùng đi câu niềm âu yếm
    Vì nói gì thì nói
    Biết trước thì vẫn hơn
    Vì nói gì thì nói
    Con tim yêu vẫn là êm ấm…
Mối tình kế tiếp (Le prochain amour, 1961)   
https://www.youtube.com/watch?v=8VtLR30sN2s

Và cứ thế
    … Yêu đến rách nát

    Dù là yêu quá, dù là yêu sai
    Không một hơi sức, không một mảnh giáp
    Cố gắng vươn lên ngôi sao ngoài tầm với
    Đây là cuộc truy tìm của tôi…
Cuộc truy tìm (La quête, 1968)    https://www.youtube.com/watch?v=LeJj2YgqvoU


Yêu là thất vọng
Như Don Quichotte, như Peter Pan, ông trông chờ nơi đàn bà những gì họ không thể cho nhưng ông vẫn nhất định không chịu hiểu và ông cứ đi từ thất vọng này qua thất vọng kia.


Ông quan-niệm rằng đàn bà phải tôn trọng và khuyến khích tự-do của ông, thay vì giam cầm ông trong “tù ngục” của gia-đình.

Đàn bà bao giờ cũng ở dưới mức tình yêu mà tôi mong đợi. Tôi là người lãng mạn và đa cảm, tôi không ngại nói rằng đàn bà hơi lệch lạc trong tình yêu, trong giấc mộng của tôi.”

     … Em cứ ngủ, em cứ mơ
    Vì ngay sáng mai

    Tôi sẽ lại cô đơn
    Và em sẽ mất tôi
    Chỉ vì quá mong muốn tôi
    Em vung phí tôi
    Để xây dựng cho em
    Một loại hạnh-phúc vĩnh-cửu
    Chán chết đi được
    Trong khi em chỉ cần
    Cúi xuống gần tôi
    Vì tôi rất cần đến
    Mùa xuân xanh của em.
Ngủ đi em (Dors ma mie, 1958)  https://www.youtube.com/watch?v=PP27aRFWPhE

Kẻ thất bại
Ông cần tình yêu nhưng lại biết chắc rằng ông sẽ thất vọng. Trong chuyến phiêu-lưu vô vọng này, ông chỉ có thể thua.

    Tối nay tôi đứng chờ Madeleine
    Tôi có đem bó hoa cà
    Tuần nào tôi cũng đem lại
    Vì Madeleine rất thích hoa này
    Tối nay tôi đã đứng chờ Madeleine
    Nhưng tôi đã vất bó hoa rồi
    Như tôi đã vất những tuần trước
    Madeleine không đến đâu…
Madeleine (1962)   https://www.youtube.com/watch?v=gL1N2lXPr0Q

Qua bài “Xin đừng bỏ anh » (Ne me quitte pas, 1959)    
tôi không biết một bài hát, một bài thơ nào mà người đàn ông (hoặc đàn bà) phải tự hạ mình, tự làm nhục mình như vậy, bất lực trước một mối tình đang ngã gục một cách vô vọng.
    … Hãy để anh được là
    Bóng của hình bóng em
    Bóng của bàn tay em
    Bóng của con chó em
    Xin em đừng bỏ anh
    Xin em đừng bỏ anh    …

Tình yêu không phải là giải-pháp cho sự cô đơn, vì nhiều khi có đôi, có cặp nhưng ta cũng vẫn chỉ… một mình:
    … Em yêu dấu, chúng ta là hai

    Và tình yêu cười hát
    Nhưng khi ngày tàn,
    Trong khăn giường buồn chán
    Mình vẫn chỉ một mình.
Đôi khi kẻ chiến bại của tình yêu vẫn cố làm ra vẻ “ta đây”:
    Không, Jef, anh không phải một mình

    Nhưng thôi đừng khóc nữa
    Trước mặt bao nhiêu người
    Vì một bà nửa già
    Vì một cô nửa tóc vàng
    Đã bỏ anh một lần nữa
    Không, Jef, anh không phải một mình
    Anh làm xấu hổ quá
    Cứ nức nở như vầy
    Trước mặt bao nhiêu người
    Vì một cô ba phần tư gái điếm
    Đã vụt mất khỏi tay anh…
    Mình sẽ đi kiếm gái
    Ở động của bà Tú…

Tình yêu quả là một “trò chơi” mà Jacques Brel chỉ có thể thua.

Tình yêu đã chết
Rồi kịch bản tình yêu cứ mỗi lần tái diễn:

    Họ yêu nhau, yêu nhau và cười đùa
    Họ yêu nhau, yêu nhau mãi mãi
    Họ yêu nhau suốt ngày
    Họ yêu nhau, yêu nhau, yêu nhau vô cùng
    Những thiên thần tung tăng che chỡ lẫn nhau
    Khi họ chạy lại nhau…
Nhưng rồi
    … Đôi tình nhân
    Họ yêu nhau, yêu nhau trong tiếng khóc

    Mỗi ngày bớt là đôi tình nhân
    Khi họ đã uống hết bí mật họ
    Trở thành như anh em
    Đốt cánh lo âu
    Trở về lại hai thói quen
    Rồi lại đổi đồng hành
    Đôi tình nhân
Những tâm tình nhân (1964)   https://www.youtube.com/watch?v=AzPZHvByVrY

Cuộc tình nào rồi cũng sẽ chết:
    Họ không còn gì để nguyền rủa nhau

    Họ đục khoét nhau trong im lặng
    Hận thù đã trở thành khoa học của họ
    Những tiếng cười đã trở thành những la hét
    Tình yêu đã chết, tình yêu rỗng tuếch
    Tình yêu đã ra đi với những con chim biển
    Căn nhà rộng lạnh ngắt
    Những cánh cửa đập mỗi lúc…
Tình yêu đã chết (L’amour est mort, ấn bản năm 2003)
https://www.youtube.com/watch?v=TpK6h0T_GsA

Yêu-hận
Và tình yêu vô vàn biến thành hận thù vô biên:

    Em chỉ mỗi một tội
    Là nhỏ giọt mỗi ngày
    Chán chường và xoàng xĩnh
    Khi kẻ khác nhỏ giọt tình yêu
    Một ngàn ngày được một đêm
    Những gì em cho tôi
    Em đã vẽ tình ta màu xám
    Và chấm dứt tình ta vĩnh cửu
    Tính yêu đã chết, hoan hô hận thù…
Hận thù (La haine, 1954)   
“ Tôi tin rằng tình yêu tuyệt vời là kẻ thù xã hội. Thông cảm, trìu mến, kiên nhẫn là những kẻ thù của tình yêu.”
    Họ là kẻ thù đầu tiên…
    Họ sẽ là kẻ thù cuối cùng
    Những con nai đã (ở với ta) quá lâu

Những con nai (Les biches, 1962)  
https://www.youtube.com/watch?v=jajSfmaE2PI

Đến độ, đối với ông, chó còn “hơn” đàn bà, con gái:
    … Con gái

    Đẹp như trái quả
    Đẹp như ban đêm
    Cũng là nhiều rắc rối…
    Nhưng chó
    Đẹp như chó
    Và nó còn đó
    Để nhìn ta khóc…
Đàn bà và chó (Les filles et les chiens, 1963)   
https://www.youtube.com/watch?v=uMwumoZ8yMw

Trìu mến là cần thiết
Tình yêu đã không phải mối liên-hệ tuyệt hảo, Jacques Brel đành quay về những gì khác để thay thế, như trìu mến, như tình bạn chẳng hạn:
    … Cho tôi chút trìu mến
    Tôi sẽ hiến dâng em

    Thời gian còn lại của tuổi trẻ
    Khi mùa hè sắp tàn
    Người đẹp ơi, em có biết tại sao
    Bài hát tôi bay lên tấm ren
    Nhảy múa trên trán em
    Đang cúi xuống tôi tuyệt vọng
    Cho tôi chút trìu mến…
Trìu mến (La tendresse, 1959)   https://www.youtube.com/watch?v=lvEBqmlzMig

Và nói gì thì nói chứ tình yêu không thể hoàn toàn chết:
    Dĩ nhiên, chúng ta đã trải qua bao cơn bão
    Hai mươi năm yêu đương, tình yêu cuồng

    Đã ngàn lần, em xách hành lý đi
    Đã ngàn lần, anh đã rời bay
    Nhưng tình yêu của anh ơi,
    Tình yêu dịu ngọt, tình yêu tuyệt vời của anh ơi,
    Từ rạng đông đến cuối ngày,
    Anh còn yêu em, em biết không, anh yêu em…
Bài hát đôi tình nhân già (La chanson des vieux amants, 1967)    https://www.youtube.com/watch?v=X0l05QSu48s

Tình bạn
Jacques Brel đã viết nhiều về đàn bà, nhưng thật ra, ông thích gần đàn ông hơn. Vợ ông đã có lần tâm-sự : « Đối với chồng tôi, tình bạn mới là quan trọng. Vả lại, theo tôi nghĩ, từ ngày người bạn thân Jojo ra đi, bệnh ung-thư của ông mới bắt đầu phát hiện. Ngày đó, mọi chuyện đã sụp đổ. »

Brel đã từng khẳng-định là ông đặt tình bạn trên tình yêu. Ông hứng thú với đám bạn trai, đi chơi, nhậu nhẹt, tán dóc hơn là với đàn bà.
    … Jojo,
    Tôi không về đâu nữa,

    Tôi ăn mặc bằng những giấc mộng của chúng ta
    Tôi mồ côi đến tận môi
    Nhưng rất vui được biết
    Tôi sắp đến với anh
    Dưới lòng đất lạnh, Jojo, anh chưa chết đâu
    Dưới lòng đất lạnh, Jojo, tôi vẫn còn thương anh.

- Nhận xét riêng
Chúng ta hãy nhìn một cách tổng-quát tất cả những mâu-thuẫn của Jacques Brel.
Tại sao một con chiên lại lên án giáo-hội? Jacques Brel tin nơi Chúa nhưng chống lại cái mà ông cho là một tập đoàn cổ hủ, đạo đức giả và quyền thế.

Tại sao một người xuất-thân từ một gia-đình tư sản lại trốn chạy giới này? Cũng lại một tập hợp đạo đức giả, dựa trên “bề ngoài” và giam cầm ông trong khi ông chỉ muốn sống phóng khoáng.

Quả vậy, là một người đam mê, ông rất coi trọng “tự do”. Ông từ chối mọi lề lối, mọi khuôn khổ, mọi ràng buộc, cho nên ông rất say mê lái thuyền buồm hay lái phi cơ để được cảm nhận tự do đó.

Sự mâu-thuẫn người xứ Flandres mà lại thù hận người Flamand có lẽ cá nhân hơn, sâu kín hơn. Ông rất gắn bó với cội nguồn ông nhưng ông không sinh nơi đó, ông lại càng không nói rành tiếng “mẹ đẻ” (bố ông lại coi trọng tiếng Pháp hơn). Ông mong muốn được người đồng hương công-nhận nhưng rồi từ hiểu lầm này sang hiểu lầm nọ, ông bị ghét bỏ và từ yêu, ông hoá ra hận.

Brel phải công nhận ông không hiểu đàn bà mà không hiểu thì làm sao có thương yêu? (hai chữ “hiểu” và “thương” đi đôi với nhau là vậy). Bao nhiêu cặp vợ-chồng, trai-gái đã phải chia ly vì lý do này?

Chuyện yêu-hận đối với đàn bà dĩ nhiên là phức tạp hơn và, theo tôi nghĩ, phát nguồn từ nhiều yếu tố:

Đầu tiên là ông không thể chấp-nhận những ràng buộc của liên-hệ gia-đình, vợ con. Rời Bruxelles đi Pháp để xây mộng âm-nhạc là cớ tuyệt hảo để ông trốn tránh trách-nhiệm đó. Ngay cả chuyện sống chung với một người tình cũng đã là khó khăn lắm rồi và trên phương diện đó, Marianne có lẽ thể-hiện người đàn bà lý-tưởng.
(Cũng có lẽ ông thích đi nhà thổ để tránh những ràng buộc đó?)

So với tình yêu, tình bạn là một liên-hệ “thoải mái” hơn. Bạn bè chỉ gặp nhau để chung vui, nhậu nhẹt, tán dóc, chán thì đứng dậy ra về, hứng thì lại hú nhau đi chơi tiếp. Điều này thật dễ hiểu mà?

Cũng như đối với những người Flamands, ông cần tình yêu nhưng rất sợ bị ruồng bỏ để rồi phải đau khổ.

Một yếu-tố khác là từ thuở thiếu niên, “ngoại hình” ông không được “hấp dẫn’’ cho lắm nên ông đã rất nặng mặc cảm này: “Một người xấu, cho dù là đàn ông hay đàn bà, hao mòn nhanh hơn một người đẹp nhiều lắm. Hắn sẽ phải cực khổ hơn nhiều để bù đắp lại.”

Dầu sao đi nữa, như Georges Brassens, một người bạn thân ông, đã nói: “Tin tôi đi, một người đàn ông mà nói về đàn bà với bao tức hận như vậy, chắc chắn là hắn hoàn toàn tuỳ thuộc đàn bà.”

Như vậy, Jacques Brel có thù ghét đàn bà không ? Có những bài hát như “Đàn bà và chó” xác nhận là vậy. Nhưng có lẽ ông ta cần tình yêu nhưng sợ phải đau khổ vì tình.

Tôi tưởng tượng Jacques bị giằng xé giữa tình yêu và thù hận, một tâm trạng đeo đuổi ông cho đến những năm cuối đời ông, khi mọi chiến đấu đã trở thành vô dụng, trước cơn bệnh hiểm nghèo và cõi chết.
Yêu đến rách nát.”

4. Từ thuổi ấu thơ đến cái chết
Peter Pan từ chối trưởng thành
Như đã biết, Jacques Brel đã sống một tuổi thơ trầm lặng, “khô khan” và ông đã trách cha ông chuyện đó. Con người đam mê như ông từ chối những giới-hạn và gò bó của người trưởng thành và ông chỉ có thể trốn nơi “Thiên đường đã mất” của Peter Pan.
   … Một đứa trẻ là thi nhân cuối cùng
   Của một thế giới cứ nhất định đòi trưởng thành
   Một thế giới cứ tự hỏi mây có cánh không?
   Cứ lo sợ khi tuyết xuống
   Cứ tưởng mình trung thành
   Cứ nghi ngờ đời 
này không có tiên

   Nhưng một đứa trẻ, là mình trốn tránh tuổi thơ
   Một đứa trẻ, là mình chỉ qua đường
   Một đứa trẻ, là mình phải kiên nhẫn,
   Một đứa trẻ, là mình đã đi qua.
Một đứa trẻ (1968)

Đối với ông, người lớn là những kẻ đào ngũ:
   … Tuổi thơ
   Ai có thể cấm chúng ta sống
   Sống mãi mãi tuổi thơ mình
   Sống ngược giòng thời gian
   Xé đi những trang cuối quyển sách?
   …
   Tuổi thơ
   Vẫn là quyền được mơ mộng
   Và vẫn mơ mộng…
   Tuổi thơ
   Là mười hai giờ trưa mỗi mười lăm phút
   Là thứ năm mỗi sáng
   Người lớn là những kẻ đào ngũ…
Tuổi thơ (1973)

Don Quichotte
Thật ra thì với năm tháng, sự hồn nhiên của tuổi trẻ biến thành sự ngây ngô của người lớn và Peter Pan biến thành Don Quichotte.

   … Đó là cuộc truy tìm của tôi,
   Đi theo ngôi sao
   Bất kể cơ may mình
   Bất kể thời gian
   Hay niềm tuyệt vọng mình
   Và tranh đấu mãi mãi
   Không tự hỏi, không ngơi nghỉ
   …
   Dù có phải phanh thây
   Hòng đạt ngôi sao ngoài tầm với.



Già
Từ chối trưởng thành. Rồi từ chối già, cái sự thật mà chúng ta đều hãi sợ. Những sợi tóc bạc khiến đầu nhạt nhoà, những nếp nhăn làm mờ tấm gương, cái thân thể không còn biết nghe lời… Già, than ôi, già.
   Chết có sao đâu?
   Chết có xá gì?
   Nhưng già… ôi già
   Chết, chết vì cười
   Có thể lắm chứ
   Vả lại, bằng chứng là
   Họ không dám cười nữa
   Chết vì làm trò hề
   Để sa mạc bớt nhăn
   Chết vì bệnh ung thư
   Do quyết định trọng tài…


Khi nghe Jacques Brel mô tả « thảm cảnh » của tuổi già, tôi chợt nghĩ : « Quả thật là vậy ! ». Không cần phải viếng một viện dưỡng lão, tôi cũng có thể mường tượng ra những cảnh ông đã nêu lên. 
Trong bài hát “Những người già”, mỗi câu, mỗi chữ thật thấm thía, cho dù ông chỉ mô tả mặt trái của tuổi già.
Già, than ôi, già.

Những người già không nói nữa, hoặc chỉ nói bằng ánh mắt thoáng qua
Cho dù giàu, họ vẫn nghèo, họ không còn ảo tưởng và chỉ còn một quả tim chia đôi
Nhà họ thơm mùi húng tây, mùi thơm sạch, mùi oải hương và ngôn-từ thuở trước
Cho dù sống ở Paris, chúng ta vẫn là người tỉnh lẻ khi chúng ta sống quá lâu
Phải chăng vì quá cười nên giọng họ rạn nứt khi họ nói về quá khứ?
Phải chăng vì quá khóc nên lệ vẫn còn đọng trên mi?
Và nếu họ hơi run, phải chăng vì cái đồng hồ treo tường
Đang kêu ro ro, đang nói “Có”, nói “Không”, đang nói: “Tôi chờ quí ông bà đây”.

Những người già không còn mơ mộng, sách của họ đã ngủ quên, dương cầm họ đã khép
Con mèo nhỏ đã chết, rượu muscat ngày chủ-nhật không còn làm họ hát
Những người già không còn đụng đậy, những động tác họ nhăn nheo quá, thế giới họ nhỏ bé quá
Từ giường đến cửa sổ, từ giường đến ghế bành, rồi từ giường đến giường
Và nếu họ còn ra khỏi nhà, tay dìu tay, quần áo chỉnh tề
Cũng chỉ để đưa tiễn một ông già hơn, một bà xấu hơn
Thời gian một tiếng khóc, quên đi cái đồng hồ treo tường
Đang kêu ro ro, đang nói “Có”, nói “Không”, đang nói: “Tôi chờ quí ông bà đây”.

Những người già không chết, họ ngủ một ngày, họ ngủ quá lâu
Họ nắm tay nhau, họ sợ mất nhau nhưng họ vẫn mất nhau
Và người kia ở lại, người tốt hay người xấu, người hiền hay người nghiêm khắc,
Điều đó không quan trọng, người ở lại là kẻ xuống địa-ngục
Có thể bạn sẽ thấy ông ta, có thể bạn sẽ thấy bà ta, đang khóc hay đang buồn
Bước qua hiện-tại, vừa xin lỗi sao mình không đi xa hơn
Và trốn tránh một lần cuối cái đồng hồ treo tường
Đang kêu ro ro, đang nói “Có”, nói “Không”, đang nói đang chờ chúng ta.

Chết
Chết có sao đâu? Chết có xá gì?... Nói thì dễ nhưng thật ra, chuyến đi cuối cùng đó ám ảnh hầu hết chúng ta, nhất vào cuối cuộc đời. Mà Jacques Brel đã suy tư nhiều và rất sớm về vấn đề này.
Ông biết và công nhận rằng ai ai cũng có lúc phải ra đi:


 … Dưới gối, Thần Chết chờ tôi quên thức giấc
   Để làm thời gian trôi băng giá
   Thần Chết chờ bạn tôi
   Đến thăm tôi giữa đêm tối
   Để tự nói thời gian qua nhanh
   Thần Chết chờ tôi trong tay em
   Đến khép mi tôi lại
   Để rời xa thời gian qua
   Nhưng có gì sau cánh cửa đang chờ tôi
   Thiên thần hay ác quỉ, thây kệ
   Đứng trước cửa tôi, có em…
Thần Chết (1959)

Ông cũng đã cố gắng “chuẩn bị tinh thần” trước:
   Sau bữa ăn cuối cùng,
   Tôi muốn được đặt ngồi
   Một mình như một ông vua
   Đón tiếp những thần nữ
   Trong ống điếu, tôi sẽ đốt
   Những kỷ-niệm thơ ấu
   Những giấc mộng chưa thành
   Những mảnh kỳ vọng cuối
   Tôi sẽ chỉ giữ lại
   Để bọc lấy hồn mình
   Ý nghĩ một cây hồng
   Và tên một người đàn bà
   …
   Tôi biết tôi sẽ sợ hãi
   Một lần cuối.

Nhưng ý nghĩ mình phải ra đi khó chấp nhận quá và ông còn cố “mặc cả” với Thần Chết:
   Từ bó hoa cúc này đến bó hoa cúc nọ (*)
   Bạn bè tôi ra đi dần dần
   Từ bó hoa cúc này đến bó hoa cúc nọ
   Thần chết đem đi tình nhân tôi
   …
   Tôi đến đây, tôi đến đây
   Nhưng tại sao tôi? Tại sao phải bây giờ?
   Tại sao ngay lúc này và để đi đâu?
   Tôi đến đây, được rồi, tôi đến đây
   Lần nào tôi cũng chỉ đến đi
   Nhưng tôi thật sự chỉ mong sao
   Thêm một lần nữa, được đón một mối tinh
   Như người ta đón một chuyến tàu
   Cho đỡ cô đơn, để ở nơi khác, để được thoải mái
   Tôi đến đây, tôi đến đây
   Nhưng tôi thật sự chỉ mong sao
   Một lần nữa được rải sao lên một thân thể đang run
   Rồi mới chết
  Thiêu huỷ vì tình, con tim tro tàn
   Tôi đến đây, tôi đến đây
   Chẳng phải Thần Chết đến sớm
   Mà là tôi đến trễ
   Tôi đến đây, đương nhiên, tôi đến đây
   Cả đời tôi, tôi cũng chỉ đến đi.

Tôi đến đây (1968)   https://www.youtube.com/watch?v=IS-alY94qPI

(*) : Hoa cúc thường được dùng nơi nghĩa trang.



Cả đời ông, từ tuổi ấu thơ cho đến ngày cuối, ông đã sống như mình sẽ phải chết ngày mai để thực hiện những mộng ước của mình, một cách trọn vẹn, một cách đam mê. Một người như ông không thể chấp nhận tuổi già, và ông đã ra đi lúc 49 tuổi, để lại cho chúng ta một kho tàng nhạc. Xin thành thật cám ơn ông.
Chúc ông yên nghỉ nơi chín suối.





Yên Hà, tháng giêng 2015

Tài-liệu nguồn :
Sách: Grand Jacques : Le roman de Jacques Brel (Marc Robine), Editions Anne Carrière / Editions du Verbe (Chorus)

Sách: Jacques Brel, une vie (Olivier Todd), Robert Laffont, Paris, 1984


Jacques Brel   http://www.rfimusique.com/artiste/chanson/jacques-brel/biographie


Jacques Brel và đàn bà: "Nhu cầu yêu của tôi thật là kỳ quái"
http://www.polyamour.be/news.php?extend.61

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.