Lại sắp Tết rồi. Quay đi, quay lại, thấm thoát, lần này sẽ là cái Tết tha hương
thứ 46 của tôi. Lần cuối tôi ăn Tết ở Sài-Gòn là năm 1969, trước khi tôi sang Bỉ
học. Và từ đó đến giờ, tôi đâu đã được ăn Tết ở quê nhà?
Xa quá rồi
Bốn mươi sáu năm rồi, tôi còn có thể nhớ gì về Tết ở Việt-Nam
nhỉ? Loáng thoáng một vài hình ảnh như lúc mình được mặc quần áo đẹp sáng mồng
Một để chúc Tết ông bà, bố mẹ rồi lãnh mấy cái phong bì đo đỏ, mồng Hai đi chúc
Tết bên ngoại và họ hàng xa gần. Nhớ rằng mấy ngày đó, mình được ăn ngon, bánh
chưng, thịt thà, bánh nước tha hồ, mình có tiền đi mua quà, đồ chơi, quần áo, …
sướng quá (một năm chỉ có một lần mà?). Ngoài ra, tôi chẳng còn một kỷ-niệm nào
“ấn-tượng” cả.
À, tôi còn nhớ Tết Mậu Thân, tôi có đi cứu trợ và đã rất vui
khi mình được góp công chút ít cho đồng bào mình. Tôi còn nhớ lần đầu tiên, tôi nhìn thấy tận mắt một cánh tay cháy đen, về nhà, tôi cứ bị ám ảnh mãi.
Trong ký-ức tôi, vỏn vẹn chỉ còn có thế. Xa quá rồi.
Tết du-học-sinh
Ngày Tết đầu tiên xa nhà, cái Tết buồn nhất đời này thì tôi nhớ rõ lắm. Tôi nhớ tôi đã khóc rống, khóc thét như một đứa trẻ lạc bố mẹ. Khóc một lúc mệt thì ngừng, hết mệt lại khóc tiếp. Hình như tôi chưa bao giờ khóc như vậy.
Rồi dần dần, chúng tôi cũng phải tiếp tục sống. Tết đến, chúng tôi tụm năm, tụm bảy với nhau, chia nhau vài cái bánh quà nhà gửi sang, chứ thực phẩm Á Đông, bên này thuở ấy làm gì có bán ?
Ngoài ra hội sinh-viên Việt-Nam cũng tổ-chức văn-nghệ Tết, tôi cũng tham gia, tập hát, tập diễn kịch cho vui. Phải công nhận cơ-hội này cũng giúp chúng tôi đỡ buồn, đỡ tủi thân lắm.
Tôi còn nhớ năm tôi ra làm hội-trưởng, hôm Tết, tôi phải bước ra sân-khấu đọc diễn-văn trước cả nghìn người, có cả ông bà Đại-sứ và ông bà Thị-trưởng ngồi hàng đầu, hai chân, hai tay tôi run như mắc bệnh Parkinson, tôi phải cố gắng đọc nhanh nhanh cho hết. Thôi, cũng là kỷ-niệm Tết.
Tết tỵ-nạn
Sau tháng Tư năm ấy,
đồng bào Việt-Nam sang đông đảo khắp nơi, già trẻ, lớn bé, và hội sinh-viên
cũng biến thành hội người Việt hải-ngoại. Tết cộng-đồng bắt đầu giống Tết hơn
tí xíu, thực-phẩm và đồ trang hoàng Tết cũng bắt đầu nhiều hơn, nhất là tại các
nơi đông Việt-Nam như Cali, Houston, …
Ngoài ra, lúc đó, chúng tôi cũng bắt đầu ra trường, đi làm, cưới vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, bắt đầu bon chen với đời và cũng ít đi thời gian để nhớ, để tiếc.
Ngoài ra, lúc đó, chúng tôi cũng bắt đầu ra trường, đi làm, cưới vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, bắt đầu bon chen với đời và cũng ít đi thời gian để nhớ, để tiếc.
Giờ đây, cuộc sống đã tạm ổn-định thì ở mỗi nơi, chúng ta cũng vẫn cố gắng sống nốt và chia sẻ những gì còn là văn-hoá chúng ta. Tết đến cũng có chợ Tết, có Tết cộng-động, có múa lân, đốt pháo, có lì xì cho con trẻ. Mỗi lần đi chơi Tết với cộng đồng, nhìn các bà, các cô diện áo dài, các ông, các anh vét-tông, com-lê, các cháu thì ăn mặc tươm tất, vui chơi cùng nhau, tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Gia-đình, bạn bè, cộng-đồng những lúc này thật là quí hoá.
Tết người, Tết ta
Lâu quá rồi, tôi đã quên hết ý-nghĩa ngày Tết nên năm ngoái, tôi đã phải sưu-tầm lại trong bài viết Tết Tây, Tết ta ( http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/tet-tay-tet-ta.html) để tìm lại văn hoá, phong-tục nước mình, tìm lại nguồn-gốc của chính mình.
Tết nơi xứ người thì có hương vị gì? Vài hộp bánh mứt vô-vị bán ngoài chợ Tàu, cái bánh chưng nhạt nhẽo, nắm hạt dưa đã phai màu đâu có như thuở nào?
Tết nơi xứ người thì có gì là không khí Tết khi ra đường, vào "Mo" (mall) chả thấy có gì là Tết cả. Người "bản xứ" qua đường có mấy ai biết Tết là "the heck" gì đâu?
Và ngược lại, lễ Giáng Sinh hay Tết Tây còn có ý nghĩa chứ Halloween đối với chúng ta là gì ngoài chuyện trẻ con đi xin kẹo? Thanksgiving là gì ngoài cơ-hội để gia-đình gặp nhau? Sống tạm, ở nhờ thì vậy thôi, phải không?
Cho nên tôi rất hiểu Việt-kiều mình về Việt-Nam hay ít ra đi Cali ăn Tết để còn được hưởng chút hương vị ngày xưa.
Ta về ta ăn Tết ta, ...
Cho nên tôi rất hiểu Việt-kiều mình về Việt-Nam hay ít ra đi Cali ăn Tết để còn được hưởng chút hương vị ngày xưa.
Ta về ta ăn Tết ta, ...
Tết tha hương?
Trên phương-diện này, tôi đã mất mát nhiều lắm nhưng đây cũng là lựa chọn của tôi và tôi chấp nhận. Được cái này, mất cái kia là lẽ thường của lựa chọn, phải không?
Nhưng xét cho cùng, tôi có thật sự tha hương không khi quê-hương tôi lúc nào cũng trong tâm, trong tim, trong gan, trong máu tôi?Tôi có tha hương không khi mỗi tháng, tôi còn được viết tiếng Việt, hát tiếng Việt, được trở về với văn hoá mình qua những bài đăng để chia sẻ với những đồng hương?
Trên phương-diện này, tôi đã mất mát nhiều lắm nhưng đây cũng là lựa chọn của tôi và tôi chấp nhận. Được cái này, mất cái kia là lẽ thường của lựa chọn, phải không?
Nhưng xét cho cùng, tôi có thật sự tha hương không khi quê-hương tôi lúc nào cũng trong tâm, trong tim, trong gan, trong máu tôi?Tôi có tha hương không khi mỗi tháng, tôi còn được viết tiếng Việt, hát tiếng Việt, được trở về với văn hoá mình qua những bài đăng để chia sẻ với những đồng hương?
Nhưng thôi, tôi lại lý-sự cùn rồi.
Thân chúc tất cả các bạn vui hưởng một mùa Tết yên vui, ở quê nhà cũng như ở quê người.
Thân chúc tất cả các bạn vui hưởng một mùa Tết yên vui, ở quê nhà cũng như ở quê người.
Yên Hà, tháng giêng, 2015
Hôm nay về đến nhà thấy mẹ xếp hoa quả đón Giao Thưà mới chợt nhớ ngày mai là mồng một Tết. Bên Mỹ không biết còn bao nhiêu người chờ đúng 12 giờ đêm để cúng Giao Thừa? Không biết ngày mai còn bao nhiêu người sẽ lấy ngày nghỉ để vui Tết? Mà Tết rơi vào Thứ Năm có ai tổ chức hội hè để mà vui?
ReplyDeleteChúc anh chị môt năm mới nhiều may mắn và bình an.