UA-83376712-1

Labels

Mar 16, 2017

Nguồn-gốc tên họ Việt-Nam (và trên thế-giới)

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến quân chủ ở Tàu và Âu châu, tên họ (danh tính) chỉ dành riêng cho giới quí tộc và tăng lữ. Thứ dân chỉ cần biết sống hết đời mình là đủ rồi. Ngày nay, tên họ không còn là một thứ đặc quyền xã hội mà đã trở thành điều bắt buộc do luật pháp quy định cho mọi người dân của một quốc gia.
Tuy nhiên, mãi đến thế-kỷ thứ 10, hệ thống tên họ của Âu Châu mới bắt đầu hình thành, và đến thế kỷ 16 mới hoàn tất: nước Pháp bắt đầu từ năm 1350 nhưng phải chờ đến năm 1539 để điều hành việc tên họ với phần chính-tả, Đan Mạch năm 1904. Đầu thế-kỷ thứ 19, Do-Thái mới có tên họ. Nhật Bản phải chờ cuối thế-kỷ 19 với Minh Trị Thiên Hoàng. Các dân-tộc Phi-Châu mới theo Tây-phương lấy tên họ từ đầu thế-kỷ 20.

1. Tên họ người Việt-Nam
Có thuyết cho rằng Trung Quốc đã có hệ thống tên họ theo lối phụ hệ sớm nhất trên thế-giới, sau đó là Việt Nam sau khi nước ta phải chuyển từ mẫu-hệ sang phụ-hệ dưới thời Bắc-thuộc.
Như vậy, sớm nhất Việt Nam (dân tộc Kinh) có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên.

1.1 Họ (Tính)
Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc cho nên họ người Việt cũng vậy. Trong suốt hơn ngàn năm đô-hộ, những người Tàu như quan lại, binh lính, quý tộc, thương gia, nho sĩ, tội nhân bị đi đầy, dân nghèo, đã sang nước ta và đã ở lại, thông hôn với người Việt và biến thành người bản xứ. Chính những lớp người này đã đem đến đa số họ mà người Việt Nam có hiện nay nhưng đa số tên họ được đọc trại đi cho khác với nguyên gốc để hợp với cách phát âm tiếng Việt. Và đương nhiên người Việt có ít nhiều tổ-tiên người Tàu: Lý Bôn (Lý Nam Đế sáng lập nhà Tiền Lý), Hồ Quí Ly, Nguyễn-Huệ vốn họ Hồ (?), … đều dòng dõi người Tàu.
Họ người Việt không nhiều (khoảng 140), do đó có thành ngữ "trăm họ" (bách tính, còn đọc là "bá tánh") thời xưa thường dùng để chỉ dân chúng cả nước.
Các họ lớn ở Việt Nam đa số có một triều-đại trong lịch-sử.

Những họ người Kinh
Phổ thông nhất  là:

- Nguyễn (38%), Trần (12%), Lê (10%), Phạm (7%), 

- Hoàng/Huỳnh (5%), Vũ/Võ (4%), Đặng (2%), Bùi (2%), 

- Đỗ (1,4%), Hồ (1,3%), Ngô (1,3%), Dương (1%), Lý (0,5%).

Mười bốn họ này chiếm khoảng 90% dân số Việt-Nam.


Điều đáng chú ý ngay là
- Họ Nguyễn đông nhất : 2 người Việt trên 5, hạng 4 trên thế-giới với ước tính 36 triệu, hạng 38 bên Mỹ, hạng 7 bên Úc (2 Melbourne, 3 Sidney), …
- trong khi họ Lý trị vì 273 năm chỉ được 0,5% !

Điểu này được giải-nghĩa bằng sự-kiện lịch-sử:
- Năm 1232, nhà Lý suy vong, Trần Thủ Độ đã bắt con cháu của dòng họ Lý chuyển sang họ Nguyễn.

(Họ Bàng" - thi sĩ Bàng Bá Lân, Bàng sĩ Nguyên- hình như từ một người họ Lý không thi hành lịnh nhà vua, bèn chỉ cây bàng cổ thụ ở trước nhà mà tuyên bố: "Kể từ nay, gia đình ta thuộc họ Bàng!”)                                                       
- Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông ta đã giết rất nhiều con cháu của dòng họ Trần. Vì thế, sau khi nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ vì sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn.
- Năm 1592, nhà Mạc suy tàn, con cháu của dòng họ Mạc cũng lại đổi họ sang Nguyễn.
- Khi triều đại nhà Nguyễn nắm quyền năm 1802, một số con cháu của họ Trịnh cũng vì sợ trả thù nên lần lượt đổi họ sang Nguyễn, số còn lại trốn lên Bắc sang Trung Quốc.
- Trong luật của triều đại nhà Nguyễn, những người mang họ Nguyễn được hưởng nhiều đặc lợi, được triều đình ban thưởng, và vì thế các tội nhân cũng theo đó đổi họ sang Nguyễn nhằm tránh bị bắt.

Họ các  sắc tộc khác
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, vua Minh Mạng ban cho các sắc tộc thiểu số vùng này các tên họ: Cốc, Đồng, Hướng, Kheo hay Khâu, Lãnh, Lâm, Sơn, Thạch, Thiết.
Vua Minh Mạng còn cho phép các quan được dùng tên xã thôn để đặt tên họ cho dân chúng huyện Kiên Giang và Hà Châu tỉnh Hà Tiên để tiện việc thu thuế và kiểm soát an ninh.
Đối với người Chàm, vào năm 1837, vua Minh Mạng xuống chiếu bắt người Chàm phải ăn mặc theo người Việt và thay đổi tên họ thành họ Lưu, Hàn, Đàng, Nguyễn, Trương, Châu, Phú, Dương.
Còn một số họ nữa do các tù trưởng bộ lạc thiểu số đặt cho dân chúng bộ tộc và các họ này thường là từ Nôm, hoặc là tiếng sắc tộc, chỉ phổ biến ở một vùng nhất định. Ví dụ: họ Ðèo, Lò, Teo, Vù là các họ của các sắc dân thiểu số ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Đổi tên họ
Đi không đổi họ, ngồi không đổi tên
Chúng ta thường hay nghe những tay hảo-hán tuyên-bố như vậy trong những truyên/phim kiếm-hiệp.
Ngoài những trường-hợp “đổi họ để tránh hoạ” như đã nói trên, đổi họ còn là một đặc-ân vua chúa ban cho những quan-thần có công lớn với đất nước. Thí dụ như:
- Mạc Cảnh Vinh được chúa Sãi Nguyễn-Phúc Nguyên cho phép đổi thành Nguyễn-Phúc Vinh;
- Hàn Thuyên vốn họ Nguyễn, được vua Trần ban cho họ Hàn vì ông làm bài văn ném xuống sông khiến cá sấu bỏ đi, như chuyện Hàn Dũ bên Trung Hoa trước đó;
- Nguyễn Văn Chương được vua Tự Đức đổi là Nguyễn Tri Phương;

Đổi tên họ đôi khi là vì phạm húy vua: Phan Văn San do trùng tên húy vua DuyTân (Nguyễn Phúc Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu.

Mặt khác, một số người do thi hỏng nên đổi tên:
Nguyễn Thắng thi hội hai lần không đỗ nên đổi thành Nguyễn Khuyến,
Trần Duy Uyên thi hương hỏng nên đổi là Trần Tế Xương, rồi Trần Cao Xương và, cuối cùng, quay lại Trần Tế Xương.

Việc đổi tên rất phổ biến đối với người cộng sản. Hồ Chí Minh, Đỗ Mười, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ … đều không phải là tên chánh hay nhủ danh, mà đó là những tên do họ tự chọn cho họ….

Người Việt sống nơi xứ người đôi khi gặp trường-hợp dở khóc dở cười với tên họ mình. Bên Pháp, anh Lê Cổn sẽ bị gọi là “Le con” = thằng ngu, anh Lê Chiến biến thành “Le chien” = con chó, anh Lê Phú thành “Le fou”= thằng điên. Bên Mỹ, Anh, hay Úc, tên Phúc hay Bích đọc thật khó nghe lắm. Bố mẹ đặt tên con có bao giờ nghĩ chúng sẽ có ngày đi Pháp, đi Mỹ đâu?

Họ kép
Chúng ta cần phân biệt hai loại họ kép:
- Họ kết-hợp bởi hai họ: Ðây là những họ kép chính thức. Thường thấy có: Đặng Vũ, Vũ-Ðỗ, Nguyễn-Trần, Trần-Lê, Hồ-Ðặng, Lê-Phan, Vũ-Phạm, Ðặng-Trần.
Trước hết là trường hợp người con nuôi, y thêm họ gia đình cha mẹ nuôi vào họ gốc. Họ mới đi trước họ gốc. Ðó là hoàn cảnh của nhà thơ Ðặng-Trần Côn, tác giả Bích-Câu kỳ-ngộ và Chinh Phụ Ngâm Khúc.
Có khi là họ bố và họ mẹ ghép vào với nhau.
Còn có trường-hợp những người được vua cho đổi họ nhưng được phép giữ họ gốc ghép vào họ mới mà thành ra họ kép. Huỳnh Ðức, quan triều đại Gia-Long trở thành Nguyễn-Huỳnh Ðức.

Trường-hợp họ Đặng Vũ: Có thuyết kể rằng đầu thế-kỷ 17, có ông Vũ Huy Pháp, nhà bị tru di tam tộc nên chạy trốn đến làng Hành Thiện (thuộc Nam-Định), được ông Đặng Phúc Long tận tình giúp đỡ nên vì chịu ơn họ Đặng mà ông cho một người con, tên là Thiện Thể làm rể họ Đặng, đổi họ thành Đặng-Vũ, bắt nguồn cho một dòng dõi riêng biệt.

- Họ + tên đệm: Đây không phải là 2 họ ghép vào mà là để phân biệt chi nhánh (thí-dụ họ Đặng có những chi Khắc, Hữu, Xuân, Đức, Ngọc, Huy, Đình...) hay để phân-biệt vai vế (thí-dụ họ Dương: bên nhánh nam thì lần lượt là Tự, Thiệu, Hồng, Nghiệp, nhánh nữ lần lượt là Hạ, Nguyệt, Vân, Thuý).

1.2 Tên (Danh)
Tên của người Việt-Nam thường là: Họ + Tên đệm (tên lót) + Tên chính.
Tên chính
Tên nữ thường là tên loài hoa: Mai, Lan, Cúc, Hoa, Hương,...; tên loài chim đẹp có tiếng hót hay: Yến, Oanh...; tên đá quý: Bích, Ngọc, Trân...; tên loại vải quý: Nhung, Gấm, Là, Lụa,...; từ ngữ chỉ đức tính: Hạnh, Thảo, Hiền, Dung,...; hay từ ngữ có âm thanh nhẹ nhàng, có ý nghĩa hoa mỹ: Vân, Thúy, Diễm, Lệ, Nguyệt, Nga, Trang, Huyền, Ngân...


Tên nam thường được chọn trong các tiếng biểu lộ được sự mạnh mẽ về thể xác lẫn tinh thần. Tên nam thường là tiếng chỉ sức mạnh: Cương, Cường, Hùng, Tráng, Dũng,...; tiếng chỉ trí tuệ: Thông, Minh, Trí, Tuệ, Quang, Sáng,...; tiếng chỉ đức hạnh: Nhân, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Công, Hiệp, Phúc... hay tiếng chỉ tiền tài danh vọng: Phú, Quý, Kim, Tài, Danh, Đạt... hay chỉ địa vật như Sơn, Giang, Lâm, Hải, Dương,...; hoặc một số từ có âm hưởng mạnh mẽ như Long, Quốc,...

Ngoài ra còn có tên trung tính (cả nam và nữ đều dùng được) được người Việt Nam sử dụng khá phổ biến như Anh, An, Bình, Hà, Khánh, Linh, Lương, Tâm, Thanh, Tú. Trong các trường hợp này có thể phân biệt giới tính của tên thông qua tên đệm, ví dụ như Quốc Khánh là tên nam (nghệ sĩ hài) còn Ngân Khánh là tên nữ (nữ diễn viên).

Tên có thể hay nhưng tên đệm cũng quan trọng để tạo nên âm điệu và ngữ nghĩa hài hòa cho toàn bộ cái tên.
Tên đệm có khi để phân biệt nam (Văn, Hữu hay Mạnh) hay nữ (Thị, Diệu);
có khi chỉ thứ bậc trong gia-tộc (họ Dương hay hoàng-tộc Nguyễn, Ngô Thì, Ngô Vai; Nguyễn Đức, Nguyễn Mậu,...);
hoặc dùng để bổ nghĩa cho tên chính:  “Hùng” có thể được đệm bằng “Anh” để thành “Anh Hùng”, “Trang” có thể được đệm bằng “Đoan” để thành”Đoan Trang”, …

Ngoài tên chính ra, còn nhiều loại tên khác:
Nhủ danh (hay tiểu danh) thường bị hiễu sai lạc là tên chánh của một người đàn bà lúc còn con gái trong gia đình. Thật ra, nhủ danh hoàn toàn không có nghĩa là tên riêng của người con gái, mà đó là tên của người lúc còn nhỏ, chung cho cả hai phái nam và nữ. Nhủ có nghĩa là  cái vú, chỉ tên của người lúc còn bú vú mẹ.

Tên Tự, chính mình tự chọn riêng cho mình.

Tên hiệu,  (hay xước hiệu, bút danh hay tên bút, nghệ danh, tên sân khấu) biểu lộ ý muốn, niềm mơ ước, mục đích muốn đạt.
Thí dụ: Tôi đã chọn Yên Hà làm bút hiệu vì Hà-Nội là nơi sinh của bố tôi (ông tôi, ông cố tôi và tôi) và Hưng Yên là nơi sinh mẹ tôi, gép lại thành Yên Hà, cũng là ước vọng của tôi: sơn hà yên lành.

Tên cúng cơm (hay tên thuỵ) là tên đặt cho người vừa chết để gia đình dùng để cúng kỵ người ấy. (Tên này cũng hay bị hiểu sai)

Biệt danh (hay hỗn danh) : Chị Nguyễn Thị Hên, thứ Tư, người trong xóm gọi chị là chị Tư Hên. Bổng một hôm chị bị tai nạn và mang tật ở một chân mà từ hôm đó chị đi khập khiểng. Người lối xóm bắt đầu đổi tên chị thành Chị Tư què hay Chị Tư thọt.
Khi đi học, mấy cậu con trai thường đặt “biệt danh” cho nhau để gọi cho thân mật. Tên này thường dựa trên một đặc-điểm trên thân thể (Mập, Còm, Mù, Lùn…) hay dựa trên tên chính bí nói lái (xin miễn dẫn chứng).
Biệt danh cũng rất thông dụng trong giới anh chị trong xã-hội đen như Đại Cathay, Năm Cam, Minh Đen, Lâm Chín Ngón, Bình Toyota, …

Tên “ở nhà” là những tên hàm chứa tình thương, sự trìu mến của gia đình dành cho con cháu trong nhà như « Chó con », « Tí », « Cu », « Nhít », “Bê”, “Phốc” …. Những tên này có khi được dùng để gọi những đứa trẻ mãi đến lúc chúng đã trưởng thành.

Người theo đạo Thiên Chúa thường có tên thánh và bên Phật giáo thì có pháp danh.

Cuối cùng, Bí danh (alias) là tên gọi theo quy ước một cách bí mật của một người, nhóm người, tổ chức nào đó.


2. Vài điều lý thú trong tên họ trên thế-giới
- Theo The World Geography, mười dòng họ đông người nhất thế-giới là:
Li (hơn 100 triệu), Zhang (khoảng 100 triệu), Wang (93 triệu), Nguyễn (36 triệu), Garcia (10 triệu), Gonzalez (10 triệu), Hernandez (8 triệu), Smith (4 triệu), Smirnov (2,5 triệu) và Muller (1 triệu).

- Một số họ do nghề nghiệp. Thí dụ: Boulanger / Baker (làm bánh mì), Couturier (thợ may), Masson (từ Maçon = thợ hồ) bên Pháp, Shuck (làm giầy hay bán giầy) bên Đức, Fisher (ngư ông) bên Anh/Mỹ hay Fischer bên Đức, Drukker (nghề in) bên Hà Lan, Gorcyzka (trồng hay làm mù tạc) bên Ba Lan, Medici (nghề y-lhoa) bên Ý…

- Một số họ dựa trên nhân dạng: Kreuser (người tóc quăn) bên Đức, Galanis (người mắt xanh) bên Hy-Lạp, Hartig (người đàn ông lực lưỡng) bên Hà Lan; Legros (người mập), Lelong (người cao), Blanc (da trắng) bên Pháp;
hay một nơi chốn: Tobler (người ở trong rừng) bên Đức, Arakawa (sông) hay Yamada (núi hay ruộng) bên Nhật, … hay nước xuất-xứ như Lallemand (=Đức) hay Hollande (=Hà Lan) bên Pháp…

- Họ có nguồn gốc là tên
Thuở xưa, người thường dân không có (quyền có) họ, để tránh sự trùng tên, người ta gọi tên một người kèm theo tên của người cha:
Bên Đan-Mạch và Na-Uy, Jen Nielsen tên là Jen và là con của Niel
Bên Thuỵ-Điển, Jan Nilsson tên là Jan và là con của Nils
“Con của” được viết bằng một hậu tố (suffix/suffixe): “sen”, “son” (như Wilson=con của William bên Anh), “ovitch” hay “ovna” (Nga Xô), “fy/ffy” (Hung-Gia-Lợi), ” ez / es” (như Fernandez = con của Fernando bên Tây-Ban-Nha, Mỹ La-Tinh, Bồ Đào Nha);
hay bằng một tiền tố (prefix/préfixe):  “Fitz” (như FitzGerald bên Anh Normand), “Mac” (Ái Nhĩ Lan và Scotland), “Ben” (Do Thái), “ic” (bên Trung Âu như Serbia, Croatia, Bosnia…), “ov” (Bulgaria), …
Bên Armenia, hậu tố “ian” cũng như tiền-tố “O’ = ua” bên Ái Nhĩ Lan (như O’Hara = từ Eaghra) chỉ định nơi xuất xứ.

Uống nước nhớ nguồn
Lá rụng về cội,
Nước chảy về nguồn.
Yên Hà, tháng 3, 2017
Tài-liệu nguồn:
Tính danh học Việt Nam: Nguồn gốc tên họ Việt Nam ( Nguyễn Long Thao)
http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Tinh_danh-Nguongoc-TenhoVN.htm

Lược-sử tên họ người Việt (Nguyễn Vy-Khanh)
http://baiviet.vietnamgiapha.com/2011/04/luoc-su-ten-ho-nguoi-viet.html


Tên Cúng Cơm -  Vài nét về  Tên và Họ của người Việt Nam  (Nguyễn Văn Trần)
http://ttntt.free.fr/archive/Nguyenvantran).html


L'origine des noms de famille dans le monde entier
 http://www.lavoute.org/debuter/patronyme.htm




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.