Bố Mẹ nhìn chúng tôi tha thiết, như muốn ghi khắc hình ảnh
hai đứa con yêu quí vào xương tủy. Đôi mắt Bố Mẹ khô, nhưng tôi biết, tim Bố Mẹ
đang chết đuối trong biển lệ xót thương. Mẹ bỏ vào trong nhà. Tôi hớt hải nhìn
theo bóng Mẹ già, lòng quặn đau không biết đến bao giờ sẽ gặp lại Mẹ. Bố đẩy 2
chị em tôi đi, quay trở vào trong. Đôi vai Bố khẽ rung động. Tôi chưa hề thấy Bố
khóc…
- Mọi sự bình an chứ?, tiếng Mark hỏi làm tôi thức
tỉnh.
Tôi khẽ gật đầu, ngồi xuống bên cạnh chị Vi. Chị ôm lấy
tôi, mỉm cười như an ủi. Dường như chị hiểu thấu tôi đang nghĩ gì…
Đảo Guam đẹp thần tiên như mộng. Nước biển xanh ngát, lóng
lánh dưới tia nắng vàng ấm. Tôi nhắm mắt lại, tận hưởng không khí trong lành của
đảo. Êm đềm quá, tuyệt vời vô cùng. Chúng tôi ở lại đảo đúng 1 tuần. Sau đó,
chúng tôi được đưa bay sang thành phố Los Angeles. Từ đấy, họ chở chúng tôi đến
trại Pendleton. Con đường từ phi trường Los Angeles đến trại dài ngun ngút. Chiếc
buýt to tướng, đầy nhúc những đồng bào Việt Nam tị nạn, ề à lướt trên xa lộ
thênh thang, bát ngát. Tôi ngắm nhìn phong cảnh. Nhà cao cửa rộng, ngay cả
những chiếc xe nhà thật to lớn, có thể chứa cả nhà chúng tôi, lướt vụt qua cánh
cửa sổ như bay. Thành phố này đồ sộ, xa lạ quá.
Tôi chợt bùi ngùi, nhớ đến quê hương, nhớ đến căn nhà thương
yêu trong góc hẻm nhỏ. Tôi ứa nước mắt, nhớ Bố Mẹ, nhớ thằng em trai nhỏ, nhớ
thằng cháu bé thơ dại, nhớ con chó Bono, con mèo vàng Minet, nhớ luôn cả con
búp bê chột mắt đã từng làm bạn với tôi suốt quãng thời gian thơ ấu. Khi tôi
lên 8 hay 9 gì đó, tôi sốt nặng, phải nghỉ học ở nhà hơn một tuần. Buồn không ai
chơi với, tôi rất thèm có một đứa em hay bạn gái bên cạnh.
Khi Mẹ trao cho tôi con búp bê này, Mẹ bảo:
- Mẹ đi chợ, trông thấy nó trong thùng rác. Biết con thích
được một con búp bê, Mẹ nhặt nó về cho con, Mẹ đã rửa nó sạch sẽ rồi. Mẹ sẽ may
quần áo mới cho nó mặc. Con yên tâm uống thuốc cho chóng khỏi nhé?
Tôi hớn hở lắm, thích thú chơi với nó cả ngày, nào tắm rửa,
thay quần áo, nào nói chuyện với nó. Có cái bát sành vỡ Mẹ cho tôi, nồi đất bé
tí teo Mẹ nặn cho tôi, đôi đũa gãy cái dài cái ngắn, tôi chơi trò nấu cơm và
cùng ăn với nó mỗi ngày. Tối đến, tôi cho nó nằm cạnh tôi, và ôm nó vào trong
giấc mộng êm đềm của tuổi thơ…
Tôi nhớ Mẹ quá, nhớ nhà quá.
Đến trại Pendleton, chị em tôi theo Mark vào văn phòng làm
giấy tờ. Chúng tôi may mắn, không phải ở lại trong trại. Mark đã chuẩn bị đầy đủ
giấy tờ và gửi đến cho người anh tôi, hiện đang cư ngụ tại thành phố San Diego,
đến đón.
Chị em tôi khóc sướt mướt khi gặp lại anh Bạch. Tôi đã không
gặp được anh ấy hơn mười mấy năm. Tôi thổn thức trên vai anh Bạch, bệu bạo:
- Anh Bạch ơi, Bố Mẹ…
- Suỵt, anh Bạch giơ ngón tay ngang môi. Đừng khóc nữa
em, anh biết rồi. Chúng ta đi về nhà nhé?
Mark thong thả lại gần chúng tôi, đôi tay dang rộng. Quàng lấy
vai chị em tôi, Mark chậm rãi nói:
- Mừng hai cô đã đoàn tụ với gia đình. Chúc may mắn.
Chúng tôi ôm chặt lấy Mark và chị Trang, ấp úng vài lời cám
ơn và từ giã. Lúc ấy, tôi mới sực nhớ chưa hỏi địa chỉ liên lạc với họ. Mark trao
cho tôi một tấm thiệp nhỏ, bẹo má tôi, bảo:
- Cô giữ gìn sức khỏe để lo cho gia đình nhé? Tôi biết
cô sẽ làm được.
Chúng tôi nhìn theo bóng Mark và chị Trang khuất dần sau
cánh cổng ra vào, lòng tôi bùi ngùi, không biết đến bao giờ mới có thể gặp họ để
được đền đáp ơn sâu này.
Ngồi trong xe trên con đường từ trại Pendleton về San Diego,
tôi thiếp đi, mang theo mãi mãi trong lòng hình ảnh quê hương yêu dấu. Để rồi
ngày mai, khi thức dậy, bỡ ngỡ, hoang mang, tôi sẽ ra sao?
Mà ừ, mình sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ?
- Uyên, dậy, vào ăn em. Anh Bạch quàng tay ra sau đánh
thức tôi.
Tôi ngáp dài, uể oải vươn vai, dụi mắt nhìn qua cửa kính xe.
Ngôi nhà nhỏ có chữ Jack-In-The-Box là nhà hàng ăn sao? Tôi lạ lùng hỏi:
- Mình vào đây ăn hở? Ăn gì vậy?
- Hăm Bơ Gơ, anh Bạch tủm tỉm cười.
- Là gì vậy? chị Vi xen vào.
Anh Bạch không trả lời, mở cửa đầy chị em tôi vào.
Mùi thơm của món rán bốc lên làm tôi sực nhớ chị em tôi chưa
có hột cơm nào trong bụng suốt hôm nay. Trải qua bao nhiêu ngày vất vả, tâm thần
tôi vẫn còn mơ hồ lắm, quên cả đói.
Anh Bạch mang từ quầy đến cho chị em tôi mỗi người một khay
thức ăn, có bánh mì tròn tròn mà lại kẹp thịt băm, cà chua và thứ rau gì xanh
xanh trong đó. Bên cạnh là gói khoai tây rán thơm phức, rồi một ly nước ngọt.
Tuy đói meo, tôi vẫn ngại ngùng, do dự, không biết thứ này ăn ra sao. Bốc vài
miếng khoai tây bỏ vào mồm, tôi liếc nhìn sang chị Vi, chị cũng chỉ nhẹ nhàng cắn
mấy miếng khoai tây trên đĩa.
Anh Bạch dục:
- Ăn đi chứ, ăn đi rồi còn ghé chợ mua thức ăn nữa.
Cắn thử vào miếng bánh, mùi vị là lạ cũng ngon. Bụng cồn cào
không nhịn được nữa. tôi ăn ngấu nhiến, vừa ăn vừa nhìn chung quanh.
Ngoài kia, đường phố đã lên đèn. Đồng hồ trên tường chỉ gần
7 giờ tối. Tôi cũng không nhớ hôm nay thứ mấy. Bên cạnh tôi ngồi xúm xít một
gia đình, vừa ăn vừa nói cười đùa vui vẻ. Tôi chạnh nhớ đến Bố Mẹ ở quê nhà. Bố
Mẹ đang làm gì? Chắc nhớ chị em tôi lắm, nhất là Mẹ. Tôi hình dung Mẹ ngồi
lẻ loi trong căn nhà nhỏ thân yêu. Đôi mắt Mẹ u buồn hướng ra cổng nhà như mong
chờ chị em tôi trở về.
- Chúng ta đi, anh Bạch đứng dậy.
Tôi quệt nước mắt, lủi thủi theo anh ra xe.
Eo ơi, sao chợ siêu thị to quá thế này? Đèn đuốc ở ngoài bật
sáng hơn ban ngày. Chúng tôi bước vào chợ. Tôi sững sờ nhìn hết góc này đến góc
nọ. Đây là chợ ư? Sao không giống chợ Tân Định chút nào? Vừa rộng rãi mênh
mông, vừa sạch sẽ, lại vừa nhiều thứ bày biện ngăn nắp ghê. Đây không có sạp,
không có người ngồi bán, không có tiếng mời mọc như bà Ba hàng cá quen thuộc.
- Chào cô Uyên. Hôm nay đi chợ với Mẹ hở? Mua cá đi
cô. Cá thu mới chở đến, tươi lắm.
- Mại dôi, mại dô, bánh mì nóng hổi mới ra lò đây, bà
con cô bác ơi. Hổng nóng hổng lấy tiền.
Giọng Nam của bác Tèo rao eo éo bên kia sạp. Chữ
“nóng” của bác ấy kéo dài ra như kẹo kéo, nghe hấp dẫn lạ thường. Ngày nào Mẹ
cũng mua một ổ bánh mì của bác.
Tôi đứng ngắm hàng rau. Ngoài những thứ quen thuộc như dưa
chuột, cà chua, hành tây, tỏi, v.v.., tôi thấy có rất nhiều thứ rau gì lạ lắm.
Sao không thấy rau riếp nhỉ?
Đi ngang dãy hàng thịt, tôi tò mò cầm xem một bịch thịt gà.
Họ bao giấy bóng cẩn thận, lại có cả giá tiền. Tôi kéo tay chị Vi:
- Sao rẻ quá chị Vi ơi, chỉ có $ 1,63 thôi chị ạ. Hay
mình bảo anh Bạch mua nhé? Nhưng sao không có ai đứng bán, làm sao trả tiền?
Vừa nói xong, tôi chợt thấy anh Bạch đẩy một chiếc xe bằng sắt
có bánh xe lăn lại gần chị em tôi. Trong xe đã đầy nhóc thức ăn, nào vài bịch
thịt, nào mấy chai nước ngọt, một két nước lạnh, và những thứ lỉnh kỉnh như kem
và bàn chải đánh răng, vài bịch cuộn giấy vệ sinh. Tôi chưa kịp hỏi, anh Bạch
đã cười cười, lên tiếng, như biết tôi muốn hỏi gì:
- Ở đây, mình đi chợ như thế này đó. Mình đẩy xe
bỏ vào những thứ mình muốn mua, rồi ra quầy trả tiền một thể. Nào, xong chưa?
Mình ra đứng xếp hàng trả tiền, rồi đi về nhé? Hai em còn muốn mua gì thêm
không?
Tôi liếc nhìn vào trong xe thức ăn, định nói, chị Vi đã trả
lời:
- Đủ rồi anh, chỗ này cũng khá nhiều đấy. Chị quay
sang tôi, khẽ lắc đầu nghiêm ngặt.
Căn nhà anh Bạch ở tại thành phố nhỏ Chula Vista nằm gần sát
biên giới tiểu bang California và nước Mễ Tây Cơ. Chúng tôi khiêng thức ăn vào
nhà. Đã gần 10 giờ đêm. Anh Bạch nói:
- Khuya rồi, cứ để đó, anh sẽ thu dọn. Hai em chắc mệt
mỏi nhiều. Có muốn đi tắm đi, rồi đi ngủ nhé? Ngày mai anh cũng phải đi làm sớm.
Anh có làm thêm chìa khóa để hai em xử dụng. Tối mai, mình sẽ nói chuyện nhiều
hơn.
Anh nhường phòng cho chị em tôi, mang một tấm chăn mỏng ra
phòng ngoài. Chưa đầy mười phút sau, tôi đã nghe tiếng ngáy khò của anh.
Ngả lưng bên cạnh chị Vi, tôi cố dỗ lấy giấc ngủ. Hình
ảnh Bố Mẹ và gia đình vẫn còn luẩn quẩn trong đầu khiến tôi không tài nào nhắm
mắt. Tôi quay sang chị. Chị vẫn còn thức, đôi mắt vu vơ nhìn vào khoảng không.
Tôi thì thầm:
- Không biết bây giờ Bố Mẹ đang làm gì. Ngày mai em muốn
viết thơ về nhà, em nhớ Bố Mẹ quá.
- Ừ, chị cũng vậy. Ngày mai tụi mình viết thơ cho Bố Mẹ.
Nghe giọng chị run run, tôi trố mắt nhìn chị. Qua tia sáng yếu
ớt của ngọn đèn đường chiếu len lỏi qua khung cửa sổ, đôi mắt chị long lanh những
giọt lệ. Lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Nước mắt tôi tuôn ra, tôi bậm môi, cố
nén lấy tiếng khóc. Chị kéo người tôi vào lòng, hai chị em xót xa….
Tiếng chó sủa inh ỏi ngoài nhà làm tôi giật mình choàng dậy.
Nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ sáng. Tôi chồm dậy, ra phòng ngoài, đã thấy điểm
tâm bày sẵn trên bàn. Thấy tôi, chị Vi tươi cười:
- Dậy rồi à? Đánh răng rửa mặt đi, rồi ra ăn.
Tôi ngồi vào bàn, lúc ấy mới có dịp nhìn chung quanh. Anh Bạch
sống độc thân, căn nhà giản dị chỉ có một phòng khách và phòng ăn chung nhau,
trơ trọi một vài chiếc ghế, một chiếc bàn con kê sát tường. Máy truyền hình nhỏ
trong góc phủ đầy bụi. Đằng sau là phòng ngủ và phòng tắm. Trong bếp để úp một
vài cái nồi, dăm ba đôi đũa, chai nước mắm nhỏ xíu đã gần cạn. Những cánh cửa sổ
để trống không, không màn cửa. Tôi còn đang bâng khuâng, chị Vi cất tiếng:
- Ăn xong, chị em mình ra ngoài xem đường phố chút, em
đi không?
Tôi cười, gật đầu.
Hai chị em xuống nhà. Tôi thích quá, tung tăng bên chị như một
đứa trẻ.
Hơn một tuần lễ trên đảo Guam, chúng tôi sống trong trại, hằng
ngày thơ thẩn chung quanh, lân la làm quen với những người bạn đồng hương, mỗi
ngày đứng xếp hàng 3 lần sáng, trưa, tối, đi nhận thức ăn. Được một ngày họ dẫn
chúng tôi ra biển tắm. Nước biển ấm, trong vắt, thấy tận đáy, lăn tăn rất nhiều
những con cá con đủ màu sắc lượn qua lại dưới chân. Tối đến, họ cho phép chúng
tôi tụ họp quây quần trong một căn lều để nói chuyện. Chúng tôi có dịp gặp lại
được một ít khuôn mặt quen thuộc, nên cảm thấy đỡ bỡ ngỡ trên đảo. Một đêm vào
cuối tuần, họ có ban nhạc địa phương đến giúp vui chương trình văn nghệ. Tuy
không nhàm chán lắm, nhưng tôi cảm thấy gò bó trong luật lệ của trại tị nạn. Có
một ngày, tôi hỏi Mark xin ra phố. Mark lắc đầu:
- Kỷ luật an ninh trong trại không cho phép cô ra
ngoài đâu. Nếu cần gì, tôi mua cho cô.
Tôi buồn, hình như thiếu điều gì…
Hôm nay, được ra ngoài dạo phố, tôi hớn hở vô cùng. Chula
Vista tuy nhỏ bé nhưng rất sầm uất. Chỗ anh Bạch ở gần trung tâm phố, bước xuống
nhà, đi xuyên qua dãy cư xá đã nghe thấy tiếng ồn ào tấp nập ngoài đường cái.
Chị em tôi chợt kéo nhau dừng lại. Xe cộ đâu ra nhiều quá, lướt ào ào trên con
đường rộng lớn làm chúng tôi hơi sợ, chùn chân. Con đường ở quê nhà tôi chật hẹp,
bề ngang chỉ một xe, thỉnh thoảng mới thấy có vài chiếc xe qua lại, còn thì xe
gắn máy như Honda, Suzuki, Mobylette hay xích lô đạp thì nhiều lắm. Ở đây không
thấy các loại xe này.
- Mình đi đâu bây giờ?, tôi quay sang chị Vi.
- Bên trái mình có vẻ có nhiều cửa hàng, mình sang bên
đó đi.
Chị kéo tay tôi. Chúng tôi đi chầm chậm trên lề, vừa đi vừa
ngắm chung quanh. Đến gần góc đường, chợt thấy trước mặt 2 chữ “DON’T WALK” màu
đỏ bật lên, tôi giật mình nắm tay chị Vi. Chị cũng vừa trông thấy, lẩm bẩm:
- Chẳng nhẽ đi bộ trên đường này cấm chăng?
Chúng tôi ngừng lại, nhìn nhau, không biết có phải quay về
hay không. Còn đang lưỡng lự, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên từ phía sau
lưng:
- Hai cô đi lạc hở? Tôi giúp được gì không ?
Chúng tôi quay lại. Một người đàn bà “ngoại quốc” lớn tuổi mỉm
cười, nhìn chúng tôi chăm chú. Chị Vi ngập ngừng chỉ tay về phía đèn đỏ:
- Cám ơn Bà. Chúng tôi không hiểu dấu hiệu đó.
Bà ta giải nghĩa cho chúng tôi, môi nở nụ cười thật tươi. Thẹn
thùng cám ơn, chúng tôi rảo bước đi đến ngã tư đường.
- Rõ ngớ ngẩn. Chị em mình đúng nhà quê lên tỉnh, chị
Vi hay háy mắt.
Hai chị em khúc khích cười.
Những cửa hàng dọc con đường trưng bày các thứ bán trông thật
đẹp mắt. Chúng tôi chỉ đứng ngoài cửa kính nhìn, không dám bước vào tiệm. Đi
ngang một cửa hàng tạp hóa, trông thấy mấy bịch bánh bông lang ở giữa có kem
treo lủng lẳng, tôi thích quá, hỏi chị, không biết thứ này họ bán bao nhiêu.
- Thôi em, mình vừa ăn sáng xong.
Tôi chợt nhớ lại. Trước khi lên đường rời quê hương xứ sở,
hai chị em gom góp tiền để dành, đưa cho Mark mang đi đổi, chỉ được khoảng gần
hai trăm đồng tiền Mỹ. Bố Mẹ đã dặn dò kỹ lưỡng, không được tiêu hoang, phải
giúp đỡ anh Bạch khi sang bên ấy. Tôi rùn vai quay đi, thèm thuồng chiếc bánh
bông lang.
Chúng tôi lang thang suốt con đường cái, trông thấy gì cũng
xuýt xoa. Phong cảnh ở đây khác hẳn phong cảnh thành phố ở quê nhà. Mênh mông rộng
lớn, đi bộ loanh quanh gần một tiếng đồng hồ, vẫn chưa đi xa bao nhiêu. Chị Vi
bảo:
- Có lẽ mình không nên đi xa quá, rồi lại đi lạc. Mình
kiếm chợ đi, mua một ít rau và cà chua, chiều nay ăn với thịt bò.
Chị kéo tay tôi, tạt vào một tiệm tạp hóa nhỏ, hỏi thăm ngôi
chợ gần nhất. May quá, họ chỉ đi bộ thêm hai góc đường nữa.
Vào chợ, tôi đảo mắt kiếm chiếc xe đẩy như anh Bạch chỉ. Vừa
đẩy, vừa ngẫm nghĩ. Khi đi bộ về từ chợ Tân Định, bao giờ Mẹ cũng xách hai tay
hai giỏ đầy thức ăn. Lắm hôm đi với Mẹ, đi vòng chợ mua thứ gì xong là lại nhét
vào giỏ, xách nặng ơi là nặng. Ở đây có xe đẩy, tiện lợi vô vùng. Hai chị em được
dịp thong thả, đi ngắm chợ hết hàng này đến hàng khác. Tôi kéo tay chị.
- Mình mua một ít trái cây nhé? Xem xem ở đây mùi vị
ra sao.
Chị gật đầu đồng ý. Tôi chọn một nải chuối nhỏ, vài quả lê
và táo, để vào xe. Tôi chợt để ý thấy người đàn bà bên cạnh xé miếng ny-lông bỏ
trái cây vào đó. Tôi bắt chiếc làm, gói cẩn thận trong bịch, gói luôn cả mấy bó
rau chị vừa mua. Chúng tôi ra quầy trả tiền. Trong lúc đứng xếp hàng, chị Vi với
tay lấy một bịch bánh bông lang treo bên cạnh, quay lại, nói:
- Lúc nãy em thích ăn thứ này, phải không? Bây giờ mình
mua ăn thử nhé?
Tôi cười toét miệng, thích thú. Chúng tôi đi bộ về, chị lôi
ra bịch bánh, bẻ nửa cho tôi. Tôi nhìn chị, thương chị vô cùng.
Về đến nhà, chị bảo:
- Lúc sáng, anh Bạch có nói hôm nay về sớm, Chị em mình
bắt đầu làm cơm đi là vừa.
Tôi vội vàng thay quần áo, vào bếp lăng xăng giúp chị.
- Tối nay mình ăn cơm thịt bò với rau. Em rửa rau đi,
rồi bắc nồi cơm cho chị.
Tôi loay hoay kiếm bich gạo, không biết anh Bạch để đâu. Vừa
lúc ấy, anh điện thoại, bảo sắp về:
- Anh đoán chị em đang nấu cơm, phải không? Dường như
còn một ít gạo, chắc không đủ cho cả nhà. Anh sẽ ghé chợ mua thêm nhé?
Vừa bước vào nhà, anh Bạch đã reo lên:
- Thơm quá, trời ơi thơm quá. Chị em nấu gì thơm thế?
Chị Vi quay lại cười, không nói. Tôi nhanh nhẩu:
- Chị Vi làm bò bí tết. Lúc nãy quên không dặn anh mua
thêm chai nước mắm. Nhà còn chai nào không?
- Mình ăn với xì dầu đi vậy nhé? Ngày mai thứ Bảy, anh
dẫn hai chị em đi phố Tàu, mua thêm những thứ cần dùng.
Rồi cứ thế, chẳng buồn thay quần áo, anh đã xà vào bếp, nói ầm
ĩ:
- Ăn chưa, ăn chưa? Đói quá rồi.
Xa cách bao nhiêu năm, anh Bạch vẫn vậy, không thay đổi. Mộc
mạc, hồn nhiên như một đứa trẻ.
Chị Vi làm mặt nghiêm:
- Anh vào tắm, thay quần áo đi đã. Năm mười phút nữa mới
ăn được.
Anh nhăn nhăn mặt, lè lưỡi:
- Ô kê, tuân lệnh Bà Đầm !
Chúng tôi ngồi vào bàn. Anh Bạch vừa ăn, vừa xuýt xoa:
- Ngon quá, ngon quá. Đã lâu, anh chưa được ăn ngon
như thế. Anh sống một mình, làm biếng nấu, hay chạy ra đầu đường ăn cho tiện.
Thấy anh ngồi ăn thun thút, chị em tôi tủm tỉm, cười sung sướng.
Chúng tôi cười đùa nói chuyện huyên thuyên suốt bữa cơm, tạm
quên đi những lo âu vương vấn trong lòng.
Ngồi ăn tráng miệng, anh Bạch hỏi thăm chuyện hai chị em.
Tôi liến thoắng kể những sự kiện đã xảy ra. Anh nghe xong, thở dài:
- Thôi, cũng là số cả. Đừng buồn nữa. Hai em chạy sang
đây rồi, xem như là bước đầu. Bố là một người tài giỏi. Thể nào gia đình mình
cũng sẽ thoát mà.
Ngừng một lúc, anh nói tiếp:
- Anh theo dõi tình hình chiến sự hằng ngày trên đài
truyền hình, và biết rõ trận chiến diễn tiến ra sao. Anh có đi hỏi các cơ quan
chính phủ để bảo lãnh gia đình sang, nhưng lúc ấy, tất cả đều quá trễ. Mọi sự
việc, một là tiến hành rất chậm, hai là đã ngưng đọng, thủ tục cách thức lủng củng
lắm. Gọi điện thoại về cũng khó khăn. Anh đành nhắm mắt, phó mặc cho số Trời,
và cầu nguyện phước lành cho gia đình thôi.
Tôi buồn hiu, nghĩ lo lắng cho Bố Mẹ. Qua một lúc lâu, anh
nói tiếp:
- Trong tuần tới này, anh có xin phép sở cho về sớm suốt
tuần. Anh muốn có thêm ít thì giờ, dìu dắt các em cho quen thuộc chút đỉnh đời
sống bên này. Tuần sau đó, anh sẽ bắt đầu đi làm thêm buổi tối. Anh nhận việc
đi bán sách thêm. Lúc trước sống một mình, anh tà tà. Bây giờ có thêm hai em,
anh phải lo chu toàn. Hai em muốn gì, cứ việc nói anh biết nhé?
Tôi nói ngay:
- Em muốn đi học thêm về nhạc. Anh xem hộ cho em
nhé?
Xin đón xem tiếp Phần 3 ...
Thuỵ Uyên
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.