UA-83376712-1

Labels

Jun 19, 2015

Tiếng nước tôi : Ngôn-ngữ thơ



 Ngôn-ngữ là chất-liệu của tác-phẩm văn-chương và trong vườn văn-chương, chắc hẳn Thơ phải là đoá hoa đẹp nhất.
Thơ là một hình thức nghệ-thuật dùng từ, dùng chữ trong ngôn-ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới một hình thức lôgic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm-thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe. (Wikipedia)

Có lẽ vì tính-chất đa-thanh của tiếng Việt, người Việt Nam chúng ta rất yêu thơ và ngôn ngữ Việt Nam giàu thi tính một cách đặc-biệt. Bằng chứng cụ-thể nhất là kho-tàng ca dao chúng ta phong phú như thế nào.
(Tiếng nước tôi : Văn học dân gian / Ca dao
 
http://phu-tran.blogspot.com/2014/07/tieng-nuoc-toi-van-hoc-dan-gian-3-ca-dao.html).

1. Thơ và ngôn-ngữ  thông thường
Đối với nhà ngôn ngữ học Roman JAKOBSON thì “Thơ tức là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ” và “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ”.

Khi loài người phát-minh ra ngôn-ngữ, mục-đích đầu tiên là để liên lạc với nhau trong cùng một cộng-đồng vì thiếu ngôn-ngữ, chúng ta không hơn người câm điếc. Vượt qua mức-độ cơ-bản đó, ngôn-ngữ trở thành dụng cụ để giúp trí thông-minh của loài người mỗi ngày mỗi khai-triển, và ngược lại, trí thông minh càng cao thì ngôn-ngữ lại càng cải-tiến. 
Như vậy, chúng ta có thể nói có loại ngôn-ngữ “thông thường” để liên-lạc với người chung quanh trong đời sống hàng ngày để đi chợ, nói chuyện, đùa giỡn với bạn bè, viết thơ cho người ở xa,… đi làm (dù chỉ là nghề tay chân),
Có loại ngôn-ngữ “chuyên-nghiệp”, dùng trong sinh-hoạt các nghề-nghiệp, trong lúc “đi làm”.
Bắt đầu gọi là “văn-chương” những công-trình mang theo một tầm vóc nghệ-thuật, lấy cái “Mỹ”, cái Đẹp làm chuẩn.  Yêu thơ là yêu lời nói đẹp.

Nói theo thi-sĩ Paul Valéry, « Thơ là một ngôn-ngữ trong ngôn-ngữ » và «Thơ là ngôn ngữ trong chức-năng thẩm mỹ của nó».

Hay nói theo Nguyên Sa, “Thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng. Làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy (…) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu”. 

2. Đặc-tính ngôn-ngữ thơ
- Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, sắc màu, cảm xúc

Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu-ứng nghệ-thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. 
Khác với văn xuôi thường dùng để mô tả, thơ có sức mạnh gợi hình, gợi sắc, gợi cảm. Một chữ, một câu là chúng ta hình dung ngay cảnh-tượng như một bức tranh, là chúng ta cảm xúc được trực tiếp linh hồn bài thơ.

Thật là gợi hình, gợi cảm những câu thơ như:
   Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
   Đợi gió đông về để lả lơi
Hàn Mặc Tử (Bẽn lẽn)

Trong bài thơ Huyền-diệu mà Xuân Diệu đã tiểu đề “Les parfums, les couleurs et les sons se répondent » (Hương, sắc và thanh trả lời nhau), (Baudelaire):
   Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
   Say người như rượu tối tân-hôn,
   Như hương thấm tận qua xương tuỷ
   Âm-điệu, thần tiên, thấm tận hồn…
   … Hãy nghe lẫn lộn ghé bên tai
   Giọng suối, lời chim, tiếng khóc người,
   Hãy uống thơ tan theo khúc nhạc
   Ngọt ngào than gọi thuở xa khơi…
Hương, sắc, thanh và cảm xúc quyện với nhau một cách thật… huyền-diệu.

- Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính 
Tính nhạc là nét đặc thù rất cơ bản của ngôn ngữ thơ. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy.
Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. 
Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). 
Nhưng thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên)

Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh…
Sự cân đối (sự tương xứng hài hoà giữa các dòng thơ), sự trầm bổng (thể hiện ở cách hoà âm, ở sự thay đổi độ cao giữa hai nhóm thanh điệu), sự trùng điệp (thể hiện ở sự dùng vần, điệp từ, ngữ và điệp cú)… là những yếu-tố khác.

Tính nhạc là một đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ thơ ca và rất nhiều trường hợp các nhạc sĩ sử dụng ngay những bài thơ có sẵn làm chất liệu sáng tác cho bài hát của mình. 
Trong thi ca Việt-Nam, thơ phổ thành nhạc là chuyện rất thông thường. Bài thơ "Áo lụa Hà Đông" của Nguyên Sa mà nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã phổ thành nhạc thật là tiêu biểu. Đọc lên bài thơ là chúng ta cảm nhận được ngay ý nhạc một cách rất ư là tự nhiên.

- Tương quan lời và ý
Trong lời nói thường và văn xuôi, lời là phương tiện của ý, “Được ý phải quên lời, như được cá quên nơm” (Trang Tử). 
Trong thơ, ý là phương tiện của lời trên hai phương diện:
trong cấu trúc, ý nâng lời, tạo tương quan cho từ ngữ;
ngoài cấu trúc, ý làm môi giới giữa lời thơ và người đọc, người nghe. 

Câu thơ không có ý thì không có xương sống và không có độc giả. Thơ hay không phải tại ý, như ngựa thiên lý không phải nhờ vào giây cương, cho dù giây cương là cần thiết. 
Điều chính yếu trong thơ không phải là nói cái gì, mà là nói ra sao.

- Thơ hay bao giờ cũng là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa âm thanh và ý nghĩa, hình ảnh. Chữ và nghĩa trong ngôn ngữ thi ca hòa quyện với nhau như hình với bóng, như xác với hồn nên việc tách rời chúng ra khỏi nhau sẽ làm tổn hại đến bình diện ngôn ngữ và thẫm mỹ của câu thơ.

- Ngôn ngữ thơ có tính hàm súc
Một khác-biệt giữa văn xuôi và thơ nằm ở điểm này. Một quyển tiểu-thuyết dài hơn trăm trạng đôi khi không ấn-tượng mạnh bằng một bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu. Tôi nhớ thuở còn đi học, chúng ta cứ phải bình giảng thơ chứ rất ít khi bình giảng văn. Trong bài thơ, một chữ, một câu biết bao là hàm ý, đôi khi còn là ẩn ý nên bình sai là chuyện thường.
   … Hãy buông lại gần đây làn tóc rối
   Sát gần đây nữa cặp môi điên
   Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
   Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.
Vũ Hoàng Chương (Quên)
Bốn câu cuối bài thơ như một tràng pháo bông làm nổ tung bao cảm xúc cầm nén trong những câu thơ trên.

   …Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
   Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Hồ Dzếnh (Ngập ngừng)
Chỉ hai câu thơ mà tóm tắt gọn đề tài “Tình yêu” trong văn chương nói chung, trong văn chương Việt-Nam nói riêng.

- Ngôn ngữ thơ có tính truyền cảm
Tính truyền cảm cũng là đặc trưng chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, bởi tác phẩm văn học là sản phẩm của cảm xúc của người nghệ sĩ trước cảnh đời, cảnh người, trước thiên nhiên.
Tuy nhiên, do đặc trưng của thơ là tiếng nói trực tiếp của tình cảm, của trái tim nên ngôn ngữ thơ ca có tác dụng gợi cảm đặc biệt. 
Ngôn ngữ thơ chủ quan, không bao giờ là ngôn ngữ chú trọng miêu tả cái khách quan như ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự. Nếu nhà văn dùng ngôn ngữ để thuyết minh, miêu tả, nhắn nhủ, giải thích... thì nhà thơ dùng ngôn ngữ để truyền cảm.
Sức truyền cảm đó càng mãnh liệt khi người đọc cũng đã trải qua tâm trạng mà thi-sĩ nêu lên.
   Hôm nay, trời nhẹ lên cao
   Tôi buồn, không hiểu làm sao tôi buồn

Xuân Diệu (Chiều)
Đọc lên hai câu thơ này, chúng ta hiểu ngay cảm xúc của thi sĩ. Ai mà chả có lúc có tâm-trạng đó?

Nghe bài “Biết bao giờ trở lại” của nhạc-sĩ Ngô Thuỵ Miên
   Tôi đã đi, tôi đã đi mãi biết bao giờ trở lại
   Sài-Gòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi…
   … Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại…
Có mấy ai không khỏi bùi ngùi?

- Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. 
Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tuỳ hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tuỳ chế độ chính trị, xưa cũng như nay.
Thơ bắt nguồn từ thực tế vì phải sử dụng ngôn ngữ hàng ngày dù để chế biến, xáo trộn, vì ngôn ngữ vốn là phản ánh của đời sống. Thơ lại sử dụng những tình ý của con người, thì dù muốn dù không, cũng phản ánh xã hội. Những thi phẩm lớn của ta như Kiều, Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm, đều mang ít nhiều đặc tính của xã hội. 
Vì thế ngày nay tại các nước công nghiệp tiên tiến, thơ vẫn là một bộ môn quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là cấp tiểu học. Trẻ em học thơ để yêu tiếng nói, rồi từ đó yêu quê hương, loài người và cuộc sống.

3. Kỹ-thuật ngôn-ngữ thơ
Nói thì chúng ta đã biết nói từ thuở bé tí, viết thường thì chỉ cần nghĩ sao, viết vậy. Viết văn xuôi thì chỉ cần chút ít văn phạm và viết sao cho mạch lạc nhưng viết một bài thơ phải theo luật, theo lệ để viết cho đúng, phải có kỹ-thuật để viết cho hay. (Điều nay tương tự như nói và hát.)
Trong phạm-vi bài này, chúng ta chỉ có thể nêu lên những điểm chính chứ muốn nắm hết nghệ-thuật làm thơ thì phải mấy quyển sách cho vừa?
3.1 Luật thơ
Luật thơ là toàn bộ những qui tắc về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, phép hài thanh, ngắt nhịp… trong các thể thơ được khái quát theo những kiểu mẫu nhất định.
Các thể thơ VN có thể chia thành ba nhóm chính:
a) Thơ dân tộc: Lục bát, song thất lục bát, hát nói
b) Đường luật: Ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú
c) Hiện đại: Năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ-văn xuôi,…
Mỗi thể-loại có luật-lệ riêng biệt.

3.2 Thanh-điệu – Bằng/Trắc
Như đã biết, tiếng Việt ta đặc biệt ở điểm đơn âm nhưng đa thanh.
Niềm phong phú của thanh điệu trong tiếng Việt là thuận lợi, là cơ sở để các nhà văn, (và nhất là) nhà thơ có thể vận dụng, khai thác tạo hiệu-quả nghệ-thuật cao.
Trong các thể thơ cách luật, cũng như các yếu tố khác trong luật thơ, thanh điệu được quy định khắt khe. Tài năng của nhà thơ là ở chỗ vừa phải tuân theo khuôn luật đã cố định vừa phải chuyển tải được khoảnh khắc thăng hoa tinh tế đầy xúc cảm từ tâm hồn.
Thơ tự do trước hết đòi hỏi tự do về luật thơ để thể hiện những biến thái tinh vi, phong phú trong tâm hồn mỗi cá thể cũng đã được giải toả. Song mỗi tác giả vẫn ý thức về vần đề hài hoà thanh điệu, về luật bằng trắc. 

Đặc tính âm học của hệ thống thanh điệu tiếng Việt là sự đối lập cao - thấp, bằng - trắc, nhằm tạo âm hưởng, phù hợp với cảm xúc.
Thanh điệu luôn gắn với âm tiết, tồn tại trong âm tiết. Vì vậy tính chất của thanh điệu thể hiện như thế nào trong thơ còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác của âm tiết. 

3.3 Gieo vần
Vần là sự lặp lại những âm thanh tương tự để tạo chỗ dựa cho nhạc tính. So với văn xuôi, Vần dĩ nhiên là quan trọng trong thi ca.
Thơ có vần chính và vần thông. Vần chính là vần cùng một khuôn âm, vần thông là theo một khuôn âm tương tự, 
thí dụ như “phố” vần với “nhớ” trong:
   Chỉ lá rụng dạt dào trên mái phố
   Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
                               (Xuân Quỳnh)

Xét về vị trí vần, còn chia ra vần chân và vần lưng. Thơ tự do ngày nay không bó buộc về hiệp vần, nhưng các nhà thơ vẫn sử dụng vần như một yếu tố biểu cảm làm tăng vẻ đẹp của thơ.
Chúng ta hãy xem qua một vài loại vần:
Vần có thể gieo ở cuối câu (vần chân/cước vận) hay ở giữa câu (vần lưng/yêu vận)
Vần chân (cước vận) được gieo ở cuối câu thơ với tác dụng kết thúc câu thơ, tạo mối liên kết các câu thơ với nhau. Vần chân rất đa dạng: lúc liên tục, khi gián cách, lúc ôm nhau, khi hỗn hợp.
   Mỗi khi mưa ngớt, cơn giông qua
   Xắn áo ra vườn ta lượm hoa
   Những cành vô duyên theo gió rã
   Vừa cười vừa khóc, ta chôn hoa
                        (Hàn Mặc Tử, Một đêm nói chuyện với gái quê).

Vần lưng (yêu vận) là vần được gieo ở giữa câu thơ.
Trong thơ Song thất lục bát:
   Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
   Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
   Ngàn dâu xanh ngắt một màu
   Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
                             (Ðoàn Thị Ðiểm, Chinh phụ ngâm khúc)
Trong thơ tự do:
    Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt
   Thoáng lay mình gió vuốt bỗng lao đao
                                          (Xuân Diệu, Hoa đêm)
Trong thơ Lục Bát:
   Ðêm qua dưới bến xuôi đò
   Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.
   Anh đi đâu, anh về đâu?
   Cánh buồm nâu...cánh buồm nâu... cánh buồm...
                                            (Nguyễn Bính, Cánh buồm nâu)

3.4 Chơi chữ
Tất cả những nghệ-thuật chơi chữ dĩ nhiên được dùng trong ngôn-ngữ thơ: đối âm, đối nghĩa, từ lay, điệp ngữ, đảo ngữ, phản ngữ, nói lái, ...
(Xin mời đọc lại:
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (Phần 1) / Ngữ âm
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (2) / Ngữ nghĩa
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (3) / Ngữ pháp và đối đáp
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (4) / Nói lái

3.5. Ngâm thơ
Như đã nói, thơ Việt-Nam giàu nhạc tính. Cho nên "thi" và "ca" thường đi đôi với nhau và đặc-diểm có một không hai của thi-ca Việt-Nam là "ngâm thơ", gạch nối giữa thơ và nhạc. Một bài thơ có thể phổ thành một bài nhạc hoặc có thể được ngâm như một bài nhạc. 

Ở miền Bắc có 4 loại ngâm thơ : ngâm sa mạc, ngâm Kiều hay lẫy Kiều, ngâm thơ theo hát ru, ngâm thơ theo hát nói.
Ở miền Nam có nhiều cách ngâm thơ. Ở lục tỉnh người ta đọc thơ Vân Tiên (truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu).
Ngâm thơ theo điệu Hò thì cũng dựa trên thang âm đặc biệt miền Nam như thang âm dùng trong đọc thơ Vân Tiên.
Ở miền Trung có ngâm thơ Huế tức là dựa trên thang âm miền Trung (được nghe lúc hát hò mái nhì, hò mái đẩy).

Ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam nhưng do nhà thơ Đinh Hùng (người Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954, trong một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Sài-Gòn là « Ngâm thơ Tao Đàn ». Ngoài Đinh Hùng, nghệ-sĩ ngâm thơ còn có bà Hồ Điệp (lúc trước khi vào Nam là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh , vv… 


Xin mời các bạn đọc thêm chi-tiết
Trần Quang Hải : Có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam

4. Nhà thơ và bài thơ
Để mô tả một người con gái đẹp (xấu thì ai nói đến làm gì?), ta có thể nói nôm na: "Môi em hồng, mắt em buồn, tóc em dài..."
Nhà văn có thể viết: "Môi em ửng hồng dưới ánh nắng ban mai, mắt em buồn vời vợi, tóc em thướt tha gợn sóng dưới làn gió thoảng..."
Nhưng đối với thi sĩ họ Trịnh thì: 
   "Nắng có hồng bằng đôi môi em
   Mưa có buồn bằng đôi mắt em
   Tóc em từng sợi nhỏ
   Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...
(Như cánh vạc bay)
Thi sĩ là như vậy.

Thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường. Nhà thơ là người dự cảm chứ không ý thức về ý nghĩa của ngôn từ. Ngôn ngữ thi ca quyến rũ tâm hồn của nhà thơ, giúp họ từ bỏ thế giới đang sống (trong những khoảnh khắc sáng tạo) để đắm chìm trong thế giới của siêu văn bản với sự mông lung của những khoảnh khắc ngôn từ và độ âm vang của nhịp điệu trái tim hoà nhập với nhịp điệu của đời sống.
Mỗi bài thơ là một cánh cửa hé mở vào khu vườn bí-mật của thi-sĩ. Nhưng cửa vườn chỉ hé mở thôi vì có ai có thể xâm-nhập vào được?

Ngoài thi-sĩ "Trăng" Hàn Mặc Tử ra, ai dám đi bán... trăng?
   Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
  Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
  Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
  Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…
(Đây thôn Vĩ Dạ)


Và ai mà dám nghĩ:
   Hôm nay chỉ có nửa trăng thôi
   Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi...
(Một nửa trăng)

Người "thường" ai mà đòi:
   Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
   Nhỏ xuống thành thơ, khóc chút duyên...
(TTKH, Dòng dư lệ)

Trăng gì mà sẻ làm đôi? Nắng gì là nắng thuỷ tinh? 
Chiều gì là chiều mồ côi? Mưa gì là mưa ái phi? Thu gì là thu tưởng nhớ? Chân trời gì mà lại tím ngắt? Thú gì lại đau thương? ...
Tâm hồn thi sĩ là như vậy.

Thơ là tiếng lòng
Văn xuôi thường được dùng để mô tả, nhưng bài thơ là tiếng nói của con tim, là cảm xúc hiện hình thành lời, thành chữ. 
Không có cảm xúc thì không thể có thơ. Có lẽ vì vậy mà chuyện tình phải dang dở, mùi đời phải cay đắng, con tim phải thổn thức thì thơ mới hay, mới làm giao-động người đọc. Chàng và nàng đều đẹp trai, đẹp gái, con nhà giàu, yêu nhau, cưới nhau, có con với nhau và sống hạnh phúc, êm đềm thì có gì để nói, có gì để bộc lộ?
Thơ bao giờ cũng là tiếng nói con tim.

Trong một xã-hội phong kiến, dưới ảnh-hưởng Khổng-Lão như Việt-Nam ta ở những thế kỷ trước, con người, và nhất là người đàn bà chỉ có thể mượn thơ để thoát ly phần nào. Bà Chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương, là thí dụ điển-hình với những bài thơ độc đáo vừa thanh, vừa tục.
Thơ còn là cứu cánh con tim.

Hồn thơ
Thi sĩ là một nghệ-sĩ có phẩm-chất khác thường.
Như một ngọn nến, thi nhân tự đốt cháy tâm hồn mới mong thơ tỏa sáng giữa cuộc đời. Quá trình sáng tạo của nhà thơ là sự kết tinh của “hồn thơ”. Để sáng tác thi ca, ngoài phần kỹ thuật, thi pháp cũng như nội dung tư tưởng, “còn đòi hỏi một nguyên-lý sinh động đó là cái hồn thơ, cái khả năng cảm hứng và diễn tả của nhà thơ nó làm cho nội dung kết cấu với hình thức và bài thơ có một sức sống linh diệu” (Nguyễn Sỹ Tế).

Với các nhà lý luận phê bình văn học, hồn thơ là yếu tố không thể thiếu trong quá trình sinh thành thơ ca. Nó không những là nguyên nhân, động lực, là “nỗi niềm tinh vân” dậy lên đam mê và khát khao sáng tạo mà còn là tiếng gọi từ trong vô thức của người thơ. 
Chất thơ thường hướng về tác phẩm, tức là ngoại giới, hồn thơ là dư vang chưa thành hình còn đang ở trong trạng thái tiềm thế, đồng hóa với mỹ cảm sống động trong tâm hồn thi sĩ”.

Đi tìm cảm xúc, thi sĩ thường phải đi tìm một "nàng Thơ" nơi một người đàn bà (cho dù là mộng tưởng), nơi chén rượu như "thi sĩ say" Vũ Hoàng Chương, hay trong hơi khói thuốc lá hay á-phiện, ... thì thơ mới "phê" ( ?)

Bài thơ và người đọc
Bài thơ là sáng tạo của thi-sĩ. Một khi đã được xuất-bản, bài thơ là một quà tặng. Thi sĩ biết mình cho ra những gì nhưng chỉ có mỗi độc-giả mới biết mình cảm-nhận những gì. Mỗi bạn đọc hiểu và yêu chuộng bài thơ một cách khác nhau.
Khi bài thơ được ngâm lên hay được phổ nhạc, thi-sĩ lại chia sẻ thêm đứa con tinh thần của mình với người ngâm hay với nhạc sĩ.
Nghệ-thuật đẹp và cao quí ở điểm này.


5. Kết luận,
“Từ khởi thuỷ là Lời” (Cựu Ước)
Bài Thơ được làm bằng lời. Qua “tiếng lòng” của nhà thơ, ngôn ngữ được cấu trúc lại để tạo thành ngôn từ mới, đẹp, sâu xa và triết lý.
Xin mượn lời Jakobson: “Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt bực, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một đối tượng.
Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận
”.

Thơ quả nhiên là một nhu-cầu, ít ra ở những nơi như Cần Thơ (?)

Yên Hà, tháng 5, 2015
Tài-liệu nguồn:

Thơ và đặc-điểm của ngôn-ngữ Thơ, Bienlang
http://bienlang.blogtiengviet.net/2011/05/18/than_va_a_aopc_a_iar_m_carba_nga_n_ngarr

Ngôn ngữ và nhà thơ • Đào Duy Hiệp

Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca, Võ Tấn Cường 
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4027

Vai trò của thanh-điệu trong thơ Việt-Nam, Nguyễn Thái Hoàng
http://www.qtttc.edu.vn/vi/vanhoavannghe/60-vhvn/577-vai-tro-ca-thanh-iu-trong-th-vit-nam


Giới thiệu các thể thơ, luật thơ, cách làm thơ - Hoàng xuân Họa (Biên Soạn)
http://hoangxuanhoa.blogspot.com/2013/05/gioi-thieu-cac-tho-luat-tho-cach-lam.html

Trần Quang Hải : Có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam

Chuyên đề thơ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.