UA-83376712-1

Labels

Oct 16, 2014

Tiếng nước tôi : Văn học dân gian (4.2) / Dân ca / Trung Bộ

./.
4. Dân ca
4.1 Dân ca Bắc Bộ
./.
4.2 Dân ca Trung Bộ
Xin được phép ôn lại địa lý Việt-Nam.
Miền Trung (Trung Kỳ, Trung Bộ hay Annam thời Pháp-thuộc) gồm có :
- Bắc Trung Bộ : những tỉnh Thanh (hoá) – Nghệ (an) – (Hà) Tĩnh và (Quảng) Bình – (Quảng) Trị - (Thừa) Thiên ;
- Tây Nguyên (phần lớn là miền núi) : Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng ;
- Nam Trung Bộ : từ Đà Nẵng xuống Bình Thuận ;
Hai vùng Bắc và Nam Trung Bộ còn được gọi là Duyên hải miền Trung.

(Sự phân-biệt này chỉ có tính cách hành-chánh chứ không bắt buộc phản ảnh văn hoá đặc-trưng của mỗi miền)

4.2.1 Lý
Lý là một thể loại đặc sắc trong dân ca Bình-Trị-Thiên, chính xác hơn là Trị-Thiên.
Lý là những bài hát giao duyên và Lý có nghĩa là hát của giai cấp dân quê (do chữ lý làng mà ra), so với Ca Huế thuộc giai cấp vua chúa, trí thức.
Tất cả điệu lý ba miền được thoát thai từ các bài hát chèo, ca Huế, hát tuồng, và hát cải lương.

Nếu Hò là loại thể dân ca gắn bó với môi trường lao động, mang đậm yếu tố dân gian, thì Lý, trong âm nhạc cổ truyền "Xứ Huế", là một gạch nối giữa hai thành phần cổ truyền dân gian và cổ truyền chuyên nghiệp. Lý cũng có nhạc tính cố định hơn hò, câu hát đều đặn, trong khi hò có thể thêm câu dài câu ngắn, tùy người hát.

Một vài bài Lý nổi tiếng của miền Trung :
Lý giao duyên   https://www.youtube.com/watch?v=EDkqZNxtAD8
Lý hoài Nam (Lý chiều chiều)   https://www.youtube.com/watch?v=ag9mGc88MfM
Lý mười thương   https://www.youtube.com/watch?v=STRPeFb0kSE

Lý qua đèo   https://www.youtube.com/watch?v=Uh-G3l5yVRQ
và nhất là Lý con sáo   https://www.youtube.com/watch?v=Jrdcl1hD-xg


Riêng điệu lý con sáo, chỉ với câu ca dao
    Ai đem con sáo sang sông,
    Để cho con sáo sổ lồng bay xa,

các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đã ghi nhận sơ bộ có tới 30 bài, trong đó có 4 bài lý con sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo, 3 bài lý con sáo Bắc trong hát quan họ Bắc Ninh và hát trống quân, 1 bài lý con sáo Thanh Hóa, 4 bài lý con sáo Huế (Thừa Thiên - Huế), 2 bài lý con sáo Quảng (Nam Trung Bộ), và hơn 10 bài lý con sáo Nam Bộ.
Ở Thừa Thiên, khi hát bài lý con sáo, thay vì hát đoạn "ơi người ơi", lại hát "tang tình tang", cho nên bài lý con sáo còn được gọi là Lý tình tang.

4.2.2 Hò
Miền Trung là nơi tập trung của nhiều loại hò và nhiều giai điệu hơn hai miền Bắc và Nam.
Hò từ chữ mà ra, có nghĩa là làm cho giọng mình manh hơn. Do đó, Hò thường đi đôi với việc làm nặng như kéo gỗ, chèo thuyền, đập đạ, xay lúa, giã gạo… Nhưng hò cũng có thể hát lúc nghỉ ngơi, lúc hội hè, lúc đám tang như hò đưa linh, và có khi dính liền với một vùng nào đó như hò Nghệ An, hò Thanh Hóa, hò Sông Mã, hò Ðồng Tháp.

mang tính chất tập thể, một người xướng (người hò chánh gọi là hò cái) rồi có những người cùng làm việc hò theo (những người phụ họa gọi là hò con).
Có ba loại Hò :
- Hò trong lúc làm việc: tiết điệu ăn khớp với động tác, và thường dùng những chữ như dô ta, rố khoan, hụ là khoan, vv...
 - Hò trong lúc nghỉ ngơi: thường là hò đối giữa trai gái có tính cách đùa giỡn, chọc ghẹo hay tỏ tình.
 - Hò trong lúc lễ hội: thường là hò đối đáp để tranh giải.

Hò còn được chia làm

Hò dưới nước : Hò sông Mã, Hò mái đẩy, hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn, hò cập bến, hò mái xấp, hò mái nhì (điệu hò tiêu biểu cho hò Huế)   https://www.youtube.com/watch?v=ooMjxTBgsgw

Hò trên cạn : Hò nện  https://www.youtube.com/watch?v=O7XLsqFGzSk

Hò giã gạo   https://www.youtube.com/watch?v=MRUmi58HGoM
hò giã đậu, hò giã vôi, hò mài dừa, hò xay lúa,...

Hò Huế
Bình-Trị-Thiên là tên ghép của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. 
Điều kiện lịch sử, địa lý và hành-chính tạo nên tính chất tương-đồng về văn hóa cho vùng này nên miền này còn được gọi là Xứ Huế. Tính chất đồng văn được biểu hiện rõ nhất trong hệ thống dân ca - nhạc cổ của xứ này. 
   Hò sinh hoạt vui chơi và Hò lao động sản xuất và nghề nghiệp ở Huế khá phong phú hơn các vùng Bắc Bộ, Nghệ Tĩnh và Nam Bộ.
   Nội dung phản ánh các câu hò trữ tình ở Huế là tiếng nói thắm thiết, giàu tình nghĩa, kín đáo, thương cảm và hướng nội. 
   Về hình thức nghệ thuật, ở Huế, thể thơ lục bát vẫn được dùng nhưng phổ biến hơn là thể thơ lục bát biến thể và song thất lục bát biến thể.
   Xét kết cấu thi ca, về mặt cấu ý, mỗi câu hò Huế bất kỳ dài ngắn đều gởi gắm ít ra cũng một ý tình trọn vẹn. 

Hò Bài chòi – Bài thai – Bài tiệm
Bài chòi một loại hình nghệ-thuật dân ca ghép với trò chơi dân-gian ở miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không kể vùng Tây Nguyên).

Hát bài chòi được tổ chức thành một lễ hội, ở làng quê vào dịp Tết Nguyên Đán.
Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.


Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v.. vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau.

Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô (hò) lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.
Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi "tới".


Hò bài chòi của Huế có nhiều hình thức biến thái, ví dụ như hò bài thai hoặc hò bài tiệm.
   Hò bài thai là trò chơi nhỏ trong các phiên chợ. Người cầm cái có một cái bàn gỗ dán đủ các quân bài của bộ bài tới.Giữa bàn có một cái chén úp, trong đó người cầm cái đặt một quân bài bí mật, rồi hò lên một câu có nội dung gợi liên tưởng đến con bài. Người nghe suy đoán là con bài gì thì đặt tiền vào con bài tương ứng dán trên bàn gỗ. Đợi người chơi đặt xong, người cầm cái mở chén để công bố kết quả và chung tiền cho ai thắng cuộc.
   Hò bài tiệm cũng như hò bài thai, nhưng người ta cho con bài vào một hộp gỗ nhỏ treo trên cây, bên dưới ghi câu hò. Đợi mọi người suy đoán trong một ngày, người cầm cái mới cho mở hộp để phân định hơn thua.

Hát bài chòi sẽ là hồ sơ đề nghị di sản văn hóa phi vật thể cho năm 2015 và do viện âm nhạc Hà nội đảm nhiệm việc thiết lập hồ sơ. 


Xin mời các bạn xem/nghe:
Hat hội bài chòi tại Hội An   https://www.youtube.com/watch?v=_JaCzbV_8PY

4.2.3 Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa...

Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là Dân ca Ví, Giặm.

Ví và Giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc (thi). 
Các cuộc hát nổi bật với lối hát giao duyên, thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người hát chính, người còn lại hát theo để đỡ giọng.

Dân ca Ví, Giặm đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (2013) và đang làm hồ sơ do Viện nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật chủ biên để được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2014.


Hát Ví
Ví thuộc thể ngâm vịnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...)
PGS. Ninh Viết Giao đã cho rằng, “Ví” là “với”, hát ví là hát với và “ví” là “vói”. Bên nam đứng ngoài ngõ, ngoài đường “hát vói” vào sân, vào nhà với bên nữ; hoặc đám con gái đang cấy lúa ở đỗi ruộng này “hát vói” sang khu ruộng bên cạnh đó với đám con trai đang nhổ mạ. Đó là một ý kiến đáng nghiên cứu.

Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, âm vực của ví thường không quá một quãng 8. 
Tính biểu cảm của hát ví tuỳ vào môi trường hoàn cảnh, không gian, thời gian và tâm tính của người hát. 
Hát ví hát giao duyên nam nữ được phổ biến vùng Nghệ Tĩnh, các thể kỷ trước dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
Các lối hát được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, ...

Ví phường vải, thể loại phức tạp nhất vì có sự tham gia của các nhà Nho, các ông đồ Xứ Nghệcó quy cách và thủ tục hát chặt chẽ hơn cả, thường theo ba chặng:
chặng một có hát dạo, hát chào mừng và hát hỏi;
chặng hai là hát đố hoặc hát đối - yêu cầu đối tượng phải giải và đối;
chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn 
(tương đương với hát Quan họ Bắc Ninh). 

Xin mời các bạn nghe:
Ví phường vải Đêm trăng   https://www.youtube.com/watch?v=yX3qYfOfBek

Hát Giặm
Hát Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ (nhạc cụ thường là phách), thường là nhịp 3/4 và 6/8.
Một bài Giặm thường dựa theo thể thơ ngũ ngôn hay vè (thơ 5 chữ) có nhiều khổ. Loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 nên được gọi là Giặm.
 

Quy trình hát Giặm về cơ bản cũng có ba chặng như hát Ví, song các bước thì không chặt chẽ, đầy đủ bằng.
Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, bày giải. Cũng có loại giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả giặm trữ tình giao duyên.
Có nhiều loại Giặm như: Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên, Giặm nói, Giặm vè, Giặm nam nữ, Giặm cửa quyền, Giặm xẩm,…

Giặm hay Dặm? 
Ý nghĩa của từ Giặm, có hai cách giải thích:
1- trong lúc hát đối đáp, câu của người trả lời phải chấp theo vần ở cuối câu của người hỏi. Sự chắp vần hay hát chắp vào ấy tức là giặm, để láy lại câu cuối;
2- chính vì câu láy ở cuối mỗi khổ, tức là câu nhắc lại ấy được gọi là câu dặm. Vì vậy mà nhân dân gọi thể loại này là hát dặm.

Có người viết 'giặm", lại có người viết "dặm" nhưng hình như "Giặm" đã được công-nhận một cách chính-thức.

Xin mời các bạn nghe:

Giặm xẩm thương  https://www.youtube.com/watch?v=N6n0_kPHXO8
Giận mà thương     https://www.youtube.com/watch?v=EmHVzhDWYqk



Yên Hà, Tháng 10, 2014

Xín đón đọc số sau: 
Tiếng nước tôi : Văn học dân gian (4) / Dân ca Nam Bộ


Để nghe nhạc cổ truyền Việt Nam, xin mời các bạn ghé vào trang Chim Việt cành Nam   http://chimvie4.free.fr/danca01.htm

Tài-liệu nguồn:

Sơ lược về dân ca Việt Nam, Trần Quang Hải
http://tranquanghai.info/p566-so-luoc-ve-dan-ca-viet-nam.html


Cổ nhạc - Dân ca   Chim Việt Cành Nam

http://chimvie4.free.fr/danca01.htm




Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ
http://www.dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=623&c=41

Bảo tồn dân ca Vi, Giặm... Trần Hồng Cơ
http://tranquanghai1944.wordpress.com/2014/09/29/tran-hong-co-bao-ton-dan-ca-vi-giam-qua-thu-thach-cua-thoi-gian/


Hát ví trong dân ca người Việt ở xứ Nghệ, Lê Hàm
http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/hat-vi-trong-dan-ca-nguoi-viet-o-xu-nghe


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.