UA-83376712-1

Labels

Sep 16, 2014

Tiếng nước tôi: Văn-học dân-gian (4.1) / Dân ca / Bắc Bộ


4. Dân ca

Chúng ta đã xem qua Thành ngữ (những từ-ngữ bóng bảy dùng trong đời sống hàng ngày), Tục ngữ (đúc kết kinh-nghiệm sống dân gian), và Ca dao (những câu hát ngắn bộc lộ tình cảm dân gian).
Xin mời các bạn chiêm ngưỡng và hãnh diện với viên ngọc quí trong kho tàng văn-học dân-gian, thuần tuý, phong phú và phức tạp nhất: Dân ca.


Dân ca là một thể loại ca hát dân gian, chủ yếu phát xuất từ môi-trường nông-ngư-nghiệp ở thôn làng, rất có thể bắt đầu từ một cá nhân có năng khiếu dệt nhạc vào một bài ca dao (thơ dân gian), rồi được truyền miệng và nhào luyện, uốn nắn, gọt dũa qua nhiều người trong tập thể, từ làng này đến làng khác, từ thời này qua thời khác, có thể sinh ra nhiều dị bản khác nhau, thường khó xác định được gốc phát xuất

Nước Việt Nam ta, với gần 80 triệu người Việt và 15 triệu người thuộc 53 sắc tộc khác nhau thừa hưởng một truyền thống dân ca thật phong phú và đa diện. 
Dân ca lại mang một màu sắc địa phương đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, và âm nhạc tính từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhưng nhìn chung, vẫn là bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc, giản dị của nó.
Tính cách địa-phương xem như rất rõ rệt nên tôi xin được phân-loại dân ca qua tiêu chuẩn Bắc-Trung-Nam.

Ngoài ra, dân ca Việt-Nam rất ư là đa dạng và phức-tạp nên trong phạm-vị của những bài tham-khảo này, tôi chỉ dám giới thiệu qua vài điểm chính chứ không dám vào sâu hơn.


4.1 Dân ca Bắc bộ
Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ là một vùng dân ca lớn. Những sinh hoạt ca hát dân gian ở đây mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền của dân tộc, mà chừng mực nào đó, ở mỗi thể loại đều phản ánh những sinh hoạt tinh thần của cộng đồng, xã hội người Việt xưa.
Những lễ nghi, lề lối, thủ tục... gắn bó với hội hè, đình đám, lễ lạc theo mùa vụ, mà nổi trội lên là hội Thu và hội Xuân, ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức diễn xướng và hình thành đặc trưng nghệ thuật riêng cho mỗi thể loại.
Hát Trống quân, hát Quan họ, hát Xoan...với lề lối và thể hát đối đáp, giao duyên nam nữ, những lễ thức tín ngưỡng,...đều chứa đựng yếu tố phồn thực trong đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp  người Việt cổ. Những tín hiệu văn hóa có tính cội nguồn đó rất đặc trưng cho vùng Bắc bộ.


4.1.1 Hát hội

(Dân ca Việt-Nam, Trần Quang Hải
http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/dancavietnam.htm )



Hát hội là loại hát đối đáp giữa trai gái tùy hứng ca hát đối đáp, thi tài cao thấp trong những dịp lễ đầu xuân hay thu, hoặc khi đêm trăng thanh gió mát sau một ngày làm việc mệt nhọc ngoài đồng.

Hát hội có nhiều loại: hát trống quân, hát quan họ, cò lả ở vùng Bắc Ninh, hát đúm ở Hải Dương, hát ghẹo, hát xoan ở Phú Thọ, v.v..

Đặc điểm chung như sau:
- Người hát, làng xã, phải đối nhau chẳng hạn nhóm ("bọn") nam ca sĩ đối lại với nhóm ("bọn") nữ ca sĩ, và thuộc làng xã khác nhau.
- Hầu hết đều là tình ca.
- Ðặc tính đoàn thể rất được nhấn mạnh, như trong quan họ có tục kết bạn và phải thuộc vào gia đình quan họ.
- Thi đua là một trong những đặc tính quan trọng. Trong một cuộc hát đối, các người hát thi đua về trí nhớ, lời ca, óc nhạy bén, phải tùy cơ ứng biến, khi gặp khó khăn, tài sáng tác tùy hứng, và kỹ thuật ca hát phải có trình độ cao. Do đó, các làng xã xứ ta thường hay tổ chức hát lấy giải.
- Ðặc tính bán chuyên nghiệp. Người hát quan họ phải thuộc một số bài căn bản, phải luyện tập thường xuyên. Do đó mới có tục lệ ngủ bọn, nghĩa là các người hát cùng chung một nhóm thường tựu hợp ở nhà của một người trong bọn, ăn ngủ tại đó để có thì giờ học tập với nhau và tập hát gọi là bẽ giọng.

Tiến-trình mỗi cuộc thi hát như thế thường chia làm ba hay bốn giai đoạn:
- Hát mời ăn trầu trong trống quân; Hát giọng lề lối trong quan họ; Hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi trong hát phường vải; Hát dạo, hát mừng, hát thăm trong hát ghẹo. 

- Sau khi hát mở đầu thì đến phần hát thi. Phần này, bắt đầu các bài hát khó vì phải sáng tác tại chỗ, như hát trả lời câu đố trong trống quân, giọng sỗng, giọng vặt trong quan họ,hát đố, hát đối trong phường vải, và hát đối, hát đố, hát xe kết trong hát ghẹo. Chẳng hạn như trong bài hát trả lời câu đố trong trống quân, bên gái ra câu đố thì bên trai phải giải cho trúng và đố lại. Bên nào không đối được thì kể như thua. Loại hát này được đệm bằng một nhạc khí đặc biệt là cây trống quân hay thổ cô. Một cây mây dài bốn, năm thước căng vòng cầu bắt ngang một cái hố được đào ngay điểm giữa cây mây. Một người hát đánh vào cây mây để đệm, tạo âm thanh giống như tiếng trống.
- Cuộc thi hát tiếp tục sang giai đoạn ba với các bài hát khen tặng trong trống quân, hát mời, hát xe kết trong phường vải, và giọng hãm, giọng huỳnh trong quan họ.
- Sau cùng là hát tiễn như trong phường vải, hát giã bạn trong quan họ, hát thề, hát dặn, hát tiễn trong hát ghẹo.


4.1.1.1 Quan họ Bắc Ninh


Đặc biệt và phức tạp nhất có lẽ là thể-loại này. Lề lối ca hát Quan họ mang tính chất quy củ, khuôn phép chặt chẽ và tác động đến sự giữ gìn, phát triển Quan họ.
Quan họ Bắc Ninh tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). 

Đây là môn nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội … với một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những liền anh, liền chị hát quan họ và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc. Tuy nhiên, theo tập tục cổ truyền, trai gái trong các nhóm kết bạn hát với nhau lại không bao giờ lấy nhau.

Trải qua một quá trình phát triển lâu đời trên một vùng đất có sự giao lưu rộng và phát triển sớm, Hát Quan họ đã trở thành một điểm sáng trong dân ca Việt Nam. Dân ca Quan họ có khoảng 180 bài khác nhau , không tính các dị bản - một trong những kỷ lục của các thể loại dân ca Việt Nam.

Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc, âm điệu phong phú, trữ tình, lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo, phong cách lịch thiệp - tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.


Xin mời các bạn nghe một vài bài hát quen thuộc:
Bèo dạt mây trôi  https://www.youtube.com/watch?v=bHucAgOrN0M ;
Cây trúc xinh  https://www.youtube.com/watch?v=3qglyaGt-fM ;
Con nhện giăng mùng  https://www.youtube.com/watch?v=A8gi3wc99nQ ;
Qua cầu gió bay  https://www.youtube.com/watch?v=Ds-ngcz1qgo ;
Se chỉ luồn kim  https://www.youtube.com/watch?v=COcJRx81JNI ;
Người ơi, người ở đừng về (bài tôi "mê" nhất)
https://www.youtube.com/watch?v=cuVRldiBlQc ;
Tập dợt hát Quan họ   https://www.youtube.com/watch?v=g66L4wue8KU ...


4.1.1.2 Hát Trống Quân

Hát Trống Quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và Trung Du Bắc Bộ, kể từ Thanh Hoá trở ra.

Tục truyền, hát Trống Quân xuất hiện vào đời nhà Trần, thời kháng chiến chống quân Nguyên, binh sĩ khi giải trí ngồi thành hai hàng đối nhau, một bên là "Hát xướng", một bên là "Hát đáp", khi hát gõ vào tang trống (trống thùng)để làm nhịp.

Trống thùng được cấu tạo như sau: Hai cọc được được cắm ở hai bên, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng (hoặc ngồi). Một sợi dây thừng được buộc vào hai cọc, chính giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố đất nhỏ, mặt đáy trên sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy thùng mà kêu thành tiếng. 

Về âm nhạc, Trống Quân là một làn điệu gần với tiếng nói hơn. Vì lời ca là thơ lục bát và mỗi lần hát có thể dài ngắn khác nhau, nên giai điệu biến đổi theo dấu giọng, Trống Quân lấy đối lời làm chính và được diễn xướng ở tốc độ nhanh vừa, lời ca chỉ có vài tiếng đệm nhằm phục vụ cho việc xây dựng giai điệu như: thời, có mấy, hời, ư, nầy, rằng...

Xin mời các bạn nghe một vài bài xưa:
- Trống quân thách cưới https://www.youtube.com/watch?v=pPdjrhtSu9E
- Trống quân Giao duyên https://www.youtube.com/watch?v=EbBpxuY81UM

4.1.1.3 Hát ghẹo, hát xoan Phú Thọ
Nguồn gốc hát ghẹo được gắn với câu chuyện dựng lại ngôi đình làng Nam Cường thờ Xuân Nương công chúa.
Chuyện kể rằng ngôi đình làng thờ nữ tướng Xuân Nương bị cháy, trai tráng Nam Cường cùng nhau lên rừng đại ngàn kiếm gỗ về dựng lại đình. Đến địa phận xã Thục Luyện, mệt quá, trai tráng ngồi nghỉ chân, trai gái Mường biết vậy liền đưa thịt rừng rượu thơm ra đãi. Lại cùng nhau lên rừng ngả gỗ đóng bè cho trôi theo dòng sông xuôi về. Qua địa phận xã Thục Luyện bè bị mắc cạn, đẩy mãi không qua, những cô gái Mường ở thôn Hùng Nhĩ đi hái mǎng về bèn khuyên vừa đẩy bè vừa hát thì thần thác mới hài lòng để cho bè xuôi. Quả thật, khi trai gái hai bên cùng nhau đẩy và hát đối đáp với nhau thì bè nhích dần rồi chảy về xuôi. 

Thác thần từ đó được gọi là thác "đôi ta", khúc hát đẩy bè trên được gọi là "hát ghẹo" hay "ghẹo nước nghĩa" (nghĩa là hát giữa các thôn làng kết nghĩa với nhau), "hát anh chị". 

Cách hát là hình thức hát đối đáp nam nữ, nên các anh cũng như các chị mỗi lần thường hát hai người, khi hát họ nhìn thẳng vào nhau vừa để biểu lộ tình cảm vừa để khi hát ra vào cho ǎn khớp với nhau. 


Hát Xoan là một loại dân ca độc đáo, tồn tại lâu đời ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu, thuộc huyện Phù Ninh cũ. Nay là huyện Phong Châu và thành phố Việt Trì.

Trước đây, hát Xoan thường được trình diễn vào mùa xuân trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là Hát cửa đình. Chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trẹo ra.

Xin mời các bạn nghe:
- Hát xoan Phú Thọ   https://www.youtube.com/watch?v=tKVa8nmXR1w
- Hát xoan Đố hoa   https://www.youtube.com/watch?v=FYCOR7yOigY


Yên Hà
Tháng chín, 2014

Xin đón đọc trong số tiếp: Tiếng nước tôi: Văn-học dân-gian (4) / Dân ca Trung Bộ

Tài-liệu nguồn:

Dân ca Việt Nam 
http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_ca_Vi%E1%BB%87t_Nam

Dân ca Việt Nam

Sơ lược về dân ca Việt Nam, Trần Quang Hải

Dân ca Việt Nam, Trần Quang Hải 

Trang dân ca Việt-Nam, X.T.
http://www.hailinhquehuong.net/DanCa.htm/www.hailinhquehuong.net/DanCa.htm

Quan họ Bắc Ninh (Di sản văn hoá phi vật thể)
Hát ghẹo 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.