UA-83376712-1

Labels

Jun 20, 2018

VN-VN : Trang phục Việt-Nam


1. Nét văn-hoá lịch-sử
Trang-phục là một nhu-cầu quan-trọng và lối ăn mặc dĩ nhiên phản-ảnh văn-hoá, lịch-sử của mỗi dân-tộc.
Xứ nghèo nên “ăn” bao giờ cũng đi trước và nói lên các công việc khác, bao giờ cũng phải có chữ “ăn” đi trước, thí-dụ như “ăn ở”, “ăn làm”, “ăn học”, “ăn nói”,… và “ăn mặc”:
   Cơm là gạo, áo là tiền
   Được bụng no, còn lo ấm cật.
Xứ nghèo nên phải “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền”,
   Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết”;
áo quần thường hay mặc trước rồi mới nhuộm sau;
rách đâu vá đó:
Khéo vá vai, tài vá nách, Sai sải áo vải bền lâu.

Xứ nóng nên quần áo phải mỏng, rộng và thoáng. Đàn bà mặc áo ngắn tay và váy rộng và đàn ông cởi trần, đóng khố. Đầu đội nón (rộng vành chứ không ôm sát đầu như mũ), tóc phải búi lên hay cắt ngắn. Chân đi đất, đi guốc hay đi dép chứ ít đi giầy.

Xứ nông-nghiệp nên ăn mặc phải gọn gàng, màu sẫm (nâu hay đen như đất bùn). 
Chất-liệu thì lấy từ thiên-nhiên (trồng dâu, nuôi tằm, dùng bông vải, vỏ cây sui hay tơ chuối làm vải, …) và xứ ta đã nổi tiếng với bao nhiêu loại tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân,...

Ngoài tính-chất thực dụng để che nắng, che mưa hay chống lạnh, trang-phục còn mang nhiều chức-năng khác:
- Thẩm-mỹ: Giản-dị, đơn sơ nhưng trang phục Việt-Nam đã có chọn lọc về hình dáng, kiểu thức, màu sắc, hoa văn trang trí, chất liệu. Bên cạnh tầng lớp giàu sang, quý phái biết sử dụng các loại hương liệu đắt tiền để ướp quần áo, nhân dân thường dùng những thứ phổ biến như hạt mùi để bọc áo khăn; lá mùi, lá sả để gội đầu, hoa bưởi, hoa nhài, để cài tóc.
- Phòng bệnh, trị bệnh: Với khí hậu ẩm thấp của vùng nhiệt đới gió mùa, bệnh phong thấp phổ biến, người ta chọn gỗ đặc biệt để làm guốc cho người già, vật liệu đặc biệt để làm mũ cho trẻ em,…
- Xã-hội: Trang phục thể hiện tôn ti, trật tự phong kiến, ngăn cấm mọi sự vi phạm (đặc-trưng thời phong-kiến).
- Chính-trị: Một ngàn năm đô-hộ Trung Hoa và một trăm năm thực-dân Pháp không đồng-hoá nổi dân-tộc Việt qua trang phục. Các vua Tàu đã bao phen bắt ta phải ăn mặc như người Tàu nhưng cá tính dân-tộc Việt vẫn còn mãi. 
- Ý nghĩa về đạo đức con người: Câu "Đói cho sạch, rách cho thơm" vừa là để nhắc nhở những yêu-cầu cụ-thể cho cung cách ăn mặc, nhưng đồng thời còn có mục-đích giáo-dục một phẩm-chất thanh cao, một nếp sống đạo đức, dù trong trường-hợp nghèo đói.

2. Trang-phục Việt-Nam từ xưa đến nay
2.1 Từ đầu xuống chân:
Theo chủng loại và chức năng, trang phục gồm có đồ mặc phía trên, đồ mặc phía dưới, đồ đội đầu, đồ đi chân và đồ trang sức.
Theo mục đích, có trang phục lao dộng và trang phục lễ hội.
Theo giới tính, thì có sự phân biệt trang phục nam và trang phục nữ.


Như đã nói, trong công việc hàng ngày, nữ-giới thường mặc váy và nam giới cởi trần và mặc khố.
Người Việt rất tự hào về chiếc váy là 
“cái trống thì thủng hai đầu, Bên ta thì có, bên Tàu thì không!”

(Quần của người Trung Hoa phù hợp với công việc chăn nuôi cưỡi ngựa - từ gốc du mục Trung Á - và khí hậu phương Bắc giá lạnh.)


Khố là một mảnh vải dài quấn một hoặc nhiều vòng quanh bụng và luồn từ trước ra sau, đuôi khố thường thả phía sau. Khố mặc mát, phù hợp với khí-hậu nóng bức và dễ thao-tác trong lao-động.

Khi vua Tàu bắt dân ta mặc quần thì nam-giới tiếp thu nó sớm nhất, có lẽ vì nam-giới (dương tính) hướng ngoại hơn. 

Quần đàn ông có hai loại: quần lá tọa (ống rộng và thẳng, đũng sâu và lưng quần to bản để dễ điều chỉnh cao thấp) mặc hàng ngày và quần ống sớ (quần màu trắng có ống hẹp, đũng cao gọn gàng, đẹp mắt) mặc ngày lễ hội.

Phần trên, đàn bà mặc yếm (Bắc) bên trong, áo ngắn tay (áo cánh người Bắc, áo bà-ba người Nam) hay áo dài (tứ thân, ngũ thân, hai thân) vào dịp hội hè trong khi đàn ông thường mặc áo the đen.

Thắt lưng giữ cho đồ mặc dưới khỏi tuột làm bằng một sợi dây gọi là dải rút. 
Thắt lưng giữ áo dài cho gọn thường làm bằng vải, có khi các bà, các chị còn dùng thêm thắt lưng bao (còn gọi là ruột tượng) làm túi dựng đồ vặt (tiền, trầu cau,...).

Trên đầu thường đội khăn, khăn vuông chít hình mỏ quạ (đàn bà Bắc) hay khăn rằn (Nam). 
Khi làm lụng, người đàn ông vấn khăn đầu rìu, lúc sang trọng thì đội khăn xếp
Nón dùng để che mưa nắng. Nón thường có khung tre và lợp lá gồi.  
là loại đồ đội đầu ôm sát và kín tóc.

Khi lao động đồng áng, người Việt Nam thường đi chân đất, khi hội hè hoặc ở thành thị thì đi dép (dép da, dép dừa, dép cói, dép cao su,...), đi guốc (làm bằng gỗ), đi hài (đối với phụ nữ), đi giày (đối với nam giới).

Về màu sắc, người miền Bắc thích màu nâu gụ (màu của đất), người Nam Bộ chuộng mầu đen (màu của bùn) trong khi người xứ Huế yêu màu tím trang nhã.
2.2 Qua các thời-kỳ

Từ thuở lập quốc, đời vua Hùng, trống đồng và nhiều tượng phù điêu bằng đồng có khắc họa những cảnh sinh-hoạt thời đó với những hình người mặc trang-phục khá rõ nét và được thể hiện bằng phong-cách nghệ-thuật biến hình, cách điệu cao.




Dưới đây là một vài hình ảnh trang-phục Việt-Nam dưới ánh mắt nghệ-thuật của Nancy Dương, một nghệ-sỹ trẻ ảnh-hưởng sâu sắc bởi văn-hoá châu Á.

3. Đặc-trưng trang-phục Việt-Nam
3.1 Bắc bộ
Trên đầu

Tóc đuôi gà
"Cái răng, cái tóc là góc con người". 

Mái tóc vấn gọn gàng và đường ngôi rẽ ở chính giữa (biểu-hiệu tính đoan-trang của người đàn bà), buộc lại sát đầu bên cạnh rồi bọc trong một cái khăn hẹp mà dài để quấn một vòng quanh đầu. 

Đuôi tóc được cắt bên cạnh để thừa ra một túm phía trên gọi là "đuôi gà".
"Một thương tóc bỏ đuôi gà..."

Nói về răng, một phong-tục riêng biệt là nhuộm răng đen
Theo truyền-thuyết, tục này đi cùng với tục xăm mình và ăn trầu từ thời Hùng Vương.
Vì ăn trầu, răng sẽ đen nên người ta nghĩ ra việc nhuộm răng đen cho hợp thẩm-mỹ, để trở thành một màu đen tuyền đẹp bóng, chứ không phải màu đen ố như của màu trầu. 
   Bốn thương răng láng, hạt huyền kém thua.
Một lợi ích khác là bảo vệ men răng.
Tục này bây giờ đã hoàn toàn biến mất (bà nội và bà ngoại tôi vẫn còn răng đen), ngoài trừ nơi một số sắc-tộc thiểu-số khác.

Khăn mỏ quạ chít không phải là dễ, phải chít sao cho vừa, hợp với khuôn mặt, tạo cho khuôn mặt như hình chiếc búp sen. 
Nhìn em khăn vuông mỏ quạ, 
Để anh trong dạ tơ vương
Nhìn em khăn vuông mỏ quạ, 
Để anh hoá đá vì người....

Nón quai thao (còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, nón chủng, hay nón Nghệ) là một loại nón đắt tiền, đẹp và sang trọng, thường các bà, các cô chỉ đội hoặc mang theo trong những dịp lễ, Tết, hội hè. 


Nón 
giống như một bánh xe lớn cở 70-80 cm, lợp lá gồi hoặc lá cọ. Quai làm bằng vải thao nên gọi là "nón quai thao".

“Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

Đồ mặc trên

Yếm, loại áo mặc bên trong là một trong những đặc trưng người đàn bà từ Bắc đời xưa
Yếm là một miếng vải khổ vuông, hai góc chéo nhau đính hai dải vải (dải yếm) để buộc ra sau lưng. 
Góc nữa cũng đính dải nẹp buộc quanh cổ.
Cổ yếm may tròn được gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn như chữ V gọi yếm cổ xẻ, đáy chữ V khoét sâu hơn lại là yếm cổ nhạn.

Yếm thường được may hai lớp, bên trong có túi để đựng tiền.

Tốt nhất là yếm lụa, yếm hàng, nếu chỉ là vải thì cũng phải thứ vải thật mịn, thật tốt mà may. 

Về màu sắc, yếm nâu để đi làm thường ngày ở nông thôn; yếm trắng thường ngày ở thành thị; yếm hồng, yếm đào, yếm thắm,... dùng vào những ngày lễ hội. 
Đàn bà ở nhà có khi chỉ mặc yếm, nhất là khi tiết trời nóng nực. 

Hình ảnh người phụ nữ thôn quê giữa ngày hè nóng bức mặc yếm không, để cả phần lưng và lườn hở từng đươc coi là đẹp: Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh
Mặc yếm, tiếng là để che ngực cho ấm nhưng sự thật là để giữ cho ngực thêm đẹp. Yếm dùng để che ngực bởi vậy xung quanh chiếc yếm này là những câu chuyện trữ tình.                   Thuyền anh mắc cạn lên đây    
    Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền (Nam).

    Ước gì sông rộng chừng gang 
    Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi (Nữ).
Xưa, các cô gái khi hẹn hò người mình yêu thường "ém" một miếng trầu trong chiếc yếm của mình, dân gian gọi đó là "khẩu trầu dải yếm". Có lẽ không có thứ trầu nào "linh thiêng" hơn loại trầu dải yếm này.

Một loại yếm độc đáo hơn nữa là "yếm đeo bùa". Gọi là yếm đeo bùa bởi người mặc thường để xạ hương vào trong túi vải nhỏ đeo cạnh yếm; đó chính là thứ vũ khí vô cùng lợi hại của các cô gái thời xưa. Chả thế mà Thị Mầu nói với chàng nô:
   Gió xuân tóc dải yếm đào
   Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương!
Đến độ người tu hành còn có thể xao xuyến:
   Ba cô đội gạo lên chùa   
  Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư   
  Sư về sư ốm tương tư  
  Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu. 

Áo yếm đơn giản mà cuốn hút lạ kỳ, không gì thay thế được. Và yếm vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng sáng tác không chỉ cho thơ ca hiện đại mà còn cho các nhà tạo mẫu. 

Ở nhà, đi kèm với cái yếm là chiếc áo cánh (áo ngắn tay) khoác ngoài không cài cúc
Áo tứ thân
Áo này mặc thay áo cánh khi đi ra ngoài. 
Chưa ai biết rõ được nguồn gốc chính xác của nó, nhưng hình ảnh chiếc áo dài tứ thân đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ vài nghìn năm về trước.  
Một lý do khác có vẻ hợp lý là thời trước, kỹ thuật còn đơn giản, thô sơ, không thể dệt vải theo khổ lớn được, nên người ta phải ghép bốn mảnh vải lại mới có thể tạo ra được một chiếc áo dài - áo dài tứ thân. 

Áo tứ thân (còn gọi là áo giao lĩnh) gồm hai vạt trước rộng như nhau, mở dọc thẳng từ cổ xuống đến gấu, thường buộc vào nhau. Vạt sau gồm hai thân nối lại dọc sống áo. 

Cổ áo rất thấp, gần như không có. 
Khi mặc áo tứ thân, phải thắt lưng bằng dải lụa màu, hay thắt lưng bao (“ruột tượng”, một cái bao hình ống dài có thể đựng tiền và vài thứ lặt vặt, rồi buộc rút hai đầu lại).

Áo ngũ thân

Đến khoảng cuối thế kỷ 19, để có dáng dấp trang trọng và mang vẻ quyền quý hơn, phụ nữ nơi thành thị đã biến kiểu áo tứ thân thành áo ngũ thân, có thêm một vạt cụt chéo che ngực, với cổ xây (cổ đứng) cài nút sang bên phải như cái áo dài chúng ta ngày nay.

Trên hình, chúng ta thấy rỗ chủ mặc áo ngũ thân, tớ mặc áo tứ thân.

3.2 Trung bộ
Những đặc trưng trong trang-phục đàn bà miền Trung là: khăn chít - khăn vành, mái tóc thề, chiếc nón bài thơ và dĩ nhiên, chiếc áo dài.
Khăn chít - Khăn vành
Theo tác giả "Ngàn năm áo mũ", Trần Quang Đức, từ thời Lê Trung Hưng ngược về thái cổ, đôi lúc người An Nam vẫn quen dùng khăn bọc tóc theo tập quán Trung Châu, nhưng sang đến những năm hòa hoãn sau cuộc  Trịnh-Nguyễn phân-tranh thì cư dân Quảng Nam bắt đầu phỏng theo nhiều tục của người Champa, trong đấy có lối vấn khăn.


Chiếc khăn chít được làm bằng vải lụa hoặc nhiễu tuy rằng chỉ nhiễu cát mới có thể làm khăn để vấn, vì do bề mặt nhiễu cát nhám, nên khi vấn, khăn không bị tuột như vấn bằng lụa thường. 
Khăn chít là một dải vải dài khoảng 50 cm bao bọc mái tóc rồi chít tròn vòng quanh đầu, gọn ghẽ mà không thiếu nét xinh xắn, đằm thắm. 

Trong những dịp đại lễ, chiếc khăn chít biến thành khăn vành dây (hay khăn đóng) với cái cốt lõi bên trong là khăn chít, một dải vải màu xanh dương được xếp thành một vành tròn ở ngoài.
Vấn một vành khăn phải mất nửa tiếng. Đầu tiên phải vấn khăn chít. Sau đó, mới vấn khăn vành màu xanh lên bên ngoài. Điểm cuối của vành khăn bao giờ cũng nằm ở phía sau và được cố định bởi một chiếc kim băng làm bằng vàng. 
Khăn chít, khăn vành lúc trước chỉ dành cho giới hoàng-tộc, quí phái nhưng dần dà đã đến với đời thường, là những vật dùng trong các dịp lễ cưới, lễ hội dân gian. 

Tóc thề xứ Huế

Hình ảnh mái tóc thề của các cô gái Huế luôn là biểu tượng của một xứ Huế mộng mơ.  
Trong tình yêu, trai gái thường chọn tóc làm tín vật trao nhau, như khi Thuý Kiều cắt tóc, thề nguyện cùng Kim Trọng. Vì thế, tóc ấy cộng với lời thề thốt cùng nhau mới nên nghĩa Tóc thề.
Tóc thiếu nữ Huế buông dài và xoã kín bờ vai chứ không cài trâm như thiếu nữ Trung Hoa. Tóc phủ xuống bờ vai, xuống lưng người, xuống bờ mông và nhiều khi hơn thế, có những người còn rũ xuống gót chân.
Tóc thề xứ Huế chỉ người nữ chưa chồng chưa con (dù chưa yêu hoặc đã có người thương) và nhất là còn trong tuổi trẻ đầy thanh xuân, sức sống. 
Chiếc nón bài thơ
Nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đồng Sơn, trên thạp đồng Đào Thịnh từ 2500-3000 năm TCN. Người Việt cổ từ xưa đã biết lấy lá buộc lại làm vật che mưa, nắng. 

Nón tơi hoặc nón lá là một vật dụng dùng để che nắng, che mưa, làm quạt và là một biểu tượng đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. 
Nón thường được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá du quy diệp chuyên làm nón v.v... 
Ðể làm ra những chiếc nón đẹp, người thợ phải chọn những lá non của cây cọ đem phơi khô, là phẳng để lợp nón. Bên trong lớp lá trắng ngần như lụa là hình ảnh con đò, bến nước quê hương và vần thơ quen thuộc.
Nón thường có dây đeo làm bằng vải mềm hoặc nhung, lụa để giữ trên cổ.

Nón lá là một trong những nét nổi bật của phụ-nữ Việt-Nam nhưng nón lá bài thơ là một sản phẩm tiêu biểu cho nghề nón Huế.
Đối với người phụ nữ Huế chiếc nón bài thơ luôn là một người bạn đồng hành. Trong cuộc sống thường nhật, chiếc nón đối với người phụ nữ Huế rất thân thiết. 

Áo dài, Nét duyên dáng Việt-Nam
Thật khó mà dịch từ "áo Dài" sang bất cứ ngôn ngữ nào vì không đâu có một tà áo Dài như ở Việt Nam.
Áo dài có từ bao giờ thì khó mà nói nhưng bức tượng Bà Ngọc Nữ được tạc từ thế kỷ XVII ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài. 

Áo Dài ôm sát cơ thể, có cổ cao, và dài khoảng ngang gối. 
Nó được xẻ ra ở hông, gấu áo dài thường được may trên mắt cá chân khoảng 20cm. 
Với áo dài, thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dàiQuần đen dành cho những phụ nữ đã lập gia đình.

Áo mặc bó nên áo Dài không thể may sẵn. Mỗi mảnh được tạo ra là một công trình nghệ thuật của người thợ thủ công.

Năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường đã tung ra một kiểu áo mới có tên gọi là Le Mur mang mẫu dáng rất Âu hoá nhưng chỉ đến khoảng năm 1943 thì loại áo này đã bị lãng quên.
Những năm 1950, áo dài bắt đầu ôm eo hơn.
Đến những năm 1960, khuynh hướng là chít eo và tôn ngực.
Năm 1961, vì muốn thấy có cảm giác cổ phụ nữ dài thêm, bà Trần Lệ Xuân đặt ra loại áo dài cổ thuyền, được gọi là áo bà Nhu.
Đầu những năm 1970, để thích ứng với thời trang váy ngắn, quần loe của thanh niên theo lối hippy, áo dài mini đã xuất hiện.
Áo Dài vừa quyến rũ, lại vừa gợi cảm (người Trung Quốc gọi loại áo này là “bì bào”, có nghĩa là áo mặc sát vào da), vừa kín đáo nhưng vẫn biểu lộ đường nét của người thiếu nữ.

Không chỉ là cái áo nữa, chiếc  áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt Nam, tạo thành sản-phẩm văn-hoá vật-thể truyền-thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người đàn bà Việt.


3.4 Nam bộ
Không biết tự bao giờ, nhắc đến áo bà ba người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ.
Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thủa sơ khai, cũng là tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba. 
Không như người Bắc mặc váy, yếm hay áo tứ thân, bộ y phục thường ngày của người Nam  bộ thế kỷ XVIII là áo ngắnquần dài
Về sau đến thế kỷ XIX đã có sự cải tiến quan trọng cho bộ y phục ban đầu ấy thành bộ y phục thông dụng mà chúng ta thấy ngày nay là bộ quần áo có tên bà ba
Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá-trình giao-lưu văn-hoá. Cụ thể hơn đó là kiểu trang phục của người "BaBa", một nhóm người Hoa sống trên đảo Pinang thuộc Mã-Lai ngày nay. 
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn khẳng định một điều rằng dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu-trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn-hoá của người phụ nữ Nam bộ.



Áo bà ba vốn là áo ngắn không cổ dài tay, cổ giữa, cài bằng một hàng khuy từ cổ thẳng xuống bụng. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh. 
Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. 
Độ dài của áo trùm qua mông, gần như bó sát thân. 

Áo kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình-hài, vóc dáng người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại.

Nhỏ bé, thường không tách rời và tạo thêm vẻ duyên dáng cho trang phục truyền thống của các dân tộc, đó là những chiếc khăn. 

Chiếc khăn rằn, nguyên thủy là của dân tộc Khơ-me Nam Bộ, rồi trong quá-trình cộng-cư ở Nam Bộ mà đến với các dân tộc khác.
Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2 m, rộng chừng 40 – 50 cm, thường có hai màu đen–trắng hoặc nâu–trắng, kẻ thành những ô vuông nhỏ trải khắp mặt khăn. 
Khăn được vắt gọn trên đầu, được quàng lên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng, hay hai đầu buông xuống phía trước, tạo thêm nét duyên dáng, đằm thắm cho người phụ nữ. 
 Khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động và sinh hoạt, để che cơn nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười.
Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh đồng hành gắn bó với cuộc sống của người dân vùng đất phương Nam.
3.5 Trang-phục các sắc-tộc khác
Ngoài dân-tộc Kinh là đa số, Việt-Nam ta còn 53 sắc-tộc khác, với những nhiểm điểm đặc-trưng văn-hoá phong-phú, đa-dạng khác.
Trong khuôn-khổ eo-hẹp của bài viết này, chúng ta chỉ có thể ngắm qua một vài hình ảnh:

Trang phục thiếu nữ H'Mong

4. Kết-luận
Loay hoay, hì hục với mấy trăm trang từ hơn 15 bài thâu lượm trên Mạng, viết đến đây, tôi mới nhận thấy rằng:
(- Phái đẹp mới cần làm điệu nên gần như nguyên bản dành cho trang-phục nữ giới, chứ đấng mày râu chúng ta thì chỉ cần vài hàng mà thôi. Đi vào tiệm may xắm thì chúng ta thấy ngay sự khác biệt.)

- Trong lịch-sử, văn-hoá chúng ta, bất cứ địa-hạt nào cũng thật phong-phú, đa dạng vô cùng. Mấy bài như vầy thì làm cách nào viết ngắn, viết cô-đọng cho được? Đó là không đào sâu vào các loại triều-phục trong cung vua thuở trước, không bàn đến lễ-phục đám hỏi, đám cưới, đám tang, ...
Thôi thì đành viết lại bản khác cho con cháu chúng ta tìm hiểu qua hai bản Anh-Pháp vậy.

- Tôi đã bao lần ngẩn ngơ, say mê trước cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ của dải yếm, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, của mái tóc thề dưới nón lá bài thơ, cái áo dài độc nhất, vô nhị, của chiếc áo bà bà, cái khăn rằn và đôi guốc mộc.
Vào thế-kỷ 21 này, thế-giới đã trở thành một cái làng và trang-phục Việt cũng đã được (bị?) Âu-Mỹ hoá nhiều. Nhưng tinh hoa văn-hoá chúng ta là đó, mỗi lần lễ, Tết mà được thấy mấy cô, mấy bà diện áo dài, lòng tôi thật hân-hoan vô cùng. 
Ước mơ sao chúng ta có thể mãi mãi gìn giữ được những kho-tàng quí báu này.
Ôi quê-hương ta đó.
Yên Hà, tháng 6, 2018

Tài-liệu nguồn:
- Trang phục truyền thống
- Trang phục Việt Nam
- Trang phục Việt Nam - tinh hoa hơn 4000 năm lịch sử
- Quốc phục Việt Nam thay đổi qua các thời kỳ
- Hình ảnh tuyệt đẹp về lịch sử trang phục Việt Nam
- Trang phục Việt Nam
- Phụ nữ Việt với áo tứ thân, mớ ba, mớ bảy
- Áo dài Việt: từ 5 thân tới 2 thân
- Sắc phục Việt Nam được khai thác như thế nào qua các cuộc thi quốc tế?
- Vải vóc ngày xưa
- Chiếc nón quai thao kinh Bắc
- Nón quai thao


1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.