UA-83376712-1

Labels

Dec 18, 2016

Hai bên bờ đại-dương (5)

Chương 5
Phải chăng là tình yêu ?

Hôm nay rảnh, Phương và Chánh rủ nhau đi viếng Viện Bảo-Tàng nghệ-thuật châu Á Guimet ở Paris. Hai người bạn đi du học đã lâu, sau này lại phải định-cư nơi xứ người nên hay tìm mọi dịp để trở về với nguồn-gốc của mình.
- Cùng gọi là châu Á nhưng người Ấn-Độ và người Việt-Nam có gạch nối gì khác ngoài Đức Phật Thích Ca nhỉ ? Nhất là khi đạo Phật không quá một phần trăm tín-đồ Ấn-Độ? Người Việt là người Á-Đông, một khu-vực gồm có Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật bản, Đại Hàn / Triều Tiên và Việt-Nam, cho nên chúng ta thường nói « Người Á Đông mình… », mày nhỉ ? Chánh nói.
- Ừ, mày nói đúng. Thành ra, hôm nay mình phải đi xem văn-hoá các nước châu Á giống mình chỗ nào, khác mình chổ nào thì mình mới biết rõ được mình là ai, cá tính mình là gì.

Hai người bạn say sưa tìm hiểu về văn-hoá nghệ-thuật các nước châu Á trước khi tìm đến món vật vô giá mà họ muốn xem đã lâu : trống đồng Đồng Sơn. Đối với người Việt thì trống đồng là một vật linh vì có vị thần tự xưng là thần trống đồng đã giúp nhiều triều đại Việt Nam trong việc giữ nước hộ dân từ thời vua Hùng đến nhà Lý, nhà Trần, …
- Nghĩ cho cùng, cũng may mà thằng Tây nó sang Việt-Nam mình ăn cắp cái trống này về nên hôm nay mình mới được thấy đấy chứ ? Chánh vừa nói, vừa đùa.
Phương và Chánh say sưa ngắm nhìn mãi cho đến lúc bụng đói mới từ từ bước ra, đi tìm ăn lót lòng nơi một quán ăn nhỏ gần đấy.

Ngồi vào bàn, hai người lại nói chuyện tiếp về những gì vừa xem tại Viện Bảo-Tàng. Hứng chí quá, Phương thốt lên :
- Hôm nay đi, tao thích ghê, chắc tao phải vào sân trường kể tụi nó nghe quá.
Phương gọi diễn-đàn là « sân-trường’ », như một cách để luôn luôn trở về tuổi học trò, thời niên-thiếu đã mất.
- Ừ, mày làm đi. Dạo này, diễn-đàn mình khá nhộn nhịp đấy chứ, nhất là từ lúc có cô Thanh với mày cứ đấu chưởng với nhau, thật là vui.
Ngập ngừng một chặp, Chánh tiếp :
- Phương ơi, mình là bạn thân tình với nhau, tao hỏi thật mày câu này nhé : Mày có ý gì với Thanh không ?
Câu hỏi thật bất ngờ và thẳng thừng làm Phương chột dạ vì chưa bao giờ anh tự hỏi chuyện này. Phương lắp bắp:
- Ờ, À,…, Tao… Mày nói sao ?
- Được rồi, tao hỏi lại vậy : Thanh đối với mày là như thế nào ? Mày có tình ý gì không ? Chánh hỏi tới.
- Mày hỏi thế, tao cũng chả biết trả lời như thế nào. Mày biết tính tao thích đùa, gặp được ai cũng đùa, « ăng-giơ » (en jeu) với tao thì tao đùa « líp-ba-ga ». Hai người chưa thấy mặt nhau, dù trên ảnh nữa thì tình ý gì bây giờ ? Phương chống chế.
Mà thật vậy, « Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng… » chỉ có trong văn thơ, trong mộng tưởng thôi chứ làm gì có ngoài đời nhỉ ?
- Tao không biết chứ ở ngoài nhìn vào thì ai cũng nghĩ hai đứa tụi mày đã bắt đầu « thích » nhau rồi đó. Thế tao hỏi mày thêm câu nữa nhé : Mày với Hélène như thế nào rồi ?
Phải rồi, Phương có cô bạn gái người Pháp tên Hélène từ hơn năm rưỡi nay. Thế tại sao… ?
- Ừ nhỉ ? Tao với Hélène vẫn như thường và hai người đang tính đến chuyện dọn vào ở chung với nhau đây.
Chánh bỗng nghiêm mặt lại, ôn tồn nói :
- Phương ơi, nếu như vậy thì mày phải cẩn-thận lắm mới được. Mày cứ thế này, thể nào mày cũng làm khổ Thanh hay Hélène, hay cả hai, không khéo khổ cả ba nữa. Tao khuyên mày suy nghĩ cho kỹ xem mày thật sự muốn gì, muốn ai chứ mày không lừng khừng như thế được. Nếu tình cảm mày hướng về Thanh thì mày cứ tiếp tục đi xa hơn và giải-quyết chuyện với Hélène, còn ngược lại, nếu mày muốn tiếp tục với Hélène thì mày phải ngưng đùa giỡn với Thanh. Tao lo cho mày lắm đó Phương. Chánh thành khẩn với bạn.
Lúc này, nét mặt Phương nhăn nhó như « gà nuốt giây thun » :
- Cám ơn mày đã soi đường cho tao chứ bấy lâu nay 
tao chả ý-thức được chuyện này. Tao cứ như thằng con nít…
Chánh phá lên cười và ngắt lời bạn :
- Con nít à ? Mày lại tếu rồi. Qua ngũ tuần rồi, bố !
Phương cũng phải phì cười trước cái sự-thật hiển-nhiên đó. Anh chợt nhớ lại cách đây không lâu, vào dịp sinh-nhật năm mươi tuổi, anh đã có viết một bài tự-sự để ôn lại quãng đời mình :

Trên đường đi xuống                                                                  
Tuổi trẻ ơi, thơ ấu ơi, nay còn đâu ? Tôi đã đánh mất rồi.
Hôm nay, trèo lên tận đỉnh đồi, ngoảnh nhìn lại, tôi chợt cảm giác mình đã trải qua nửa đời này để học cách sống nửa đời còn lại.
Long đong nơi này, chốn nọ, giữa không gian này, thời gian kia, lúc nào tôi cũng chỉ là người qua đường. Con đường tôi đi, tôi đã lần mò mài miệt, như một cuộc đuổi bắt không ngừng. Dĩ vãng bao giờ cũng đàng sau lưng, cho dù mình có quay đầu lại. Chỗ đứng của tôi trên khoảng đất này, dưới vòm trời này, tôi đã lặn lội đi tìm khắp mọi nơi, qua mỗi khuôn mặt , sau mỗi cụm mây, trong mọi ảo ảnh của cuộc đời.
Nhưng tôi đã lầm : tôi cứ đi tìm bên ngoài cách hoá giải một vấn đề đắp kín ở bên trong, và tôi đã suýt chết khát bên cạnh giòng sông. Tôi muốn trở thành một « Ông », tôi chỉ cố gắng trở thành… chính tôi.
Tôi đã được đi học để thành tài nhưng tôi đã phải lăn lộn với đời để thành nhân. Học ra trường không phải là dễ, nhưng học làm người mới thật là khó.
Cuộc hành trình chưa dứt, nhưng tôi cũng đã bắt đầu học, tôi đã bắt đầu hiểu tôi sống để làm gì ?
Ý nghĩa của cuộc sống là gì, nếu không phải là sống ? Nhưng sống là gì ? Sống như thế nào mới là sống ? Phú quí là gì, quyền hành là gì để con người cứ phải nhắm mắt chạy theo ? Hạnh phúc là gì ? Trách nhiệm là gì ? Trưởng thành là gì ? …
Trăm ngàn câu hỏi đó ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm qua, nhưng tự đặt câu hỏi chẳng phải là đã có câu trả lời !
Tôi đã lên đến tận đỉnh đồi. Trên đường đi xuống, thân tôi lại nặng thêm nhiều câu hỏi, nhưng thâm tâm đã vơi nhẹ nhiều rồi. Trên đường đi xuống, tôi đã giầu hơn trước, giầu hơn với tất cả cơn vui, nỗi buồn, giầu hơn với tất cả kinh nghiệm sống của mình, những kinh nghiệm người xưa để lại nhưng tôi đã phải tự học lại.
Đò đã sang giữa sông rồi, qua bờ bên kia đi.
Canh trưa đã điểm rồi, lúc nào canh khuya đến ?

Đầu đã hai thứ tóc nhưng trên con đường đi xuống này, hình như Phương vẫn còn lạc lối?
- Thôi được rồi, tao sẽ giải-quyết việc này. Cám ơn mày lần nữa, hôm nay tao đãi mày vậy. Phương chép miệng nói.
Phương ra trả tiền rồi hai người chia tay.

Tối về, đầu óc Phương thật rối ren sau cuộc nói chuyện với Chánh. Sự-kiện trước mắt rõ ràng, bạn bè chung quanh ai cũng thấy tại sao mình lại không thấy?
Thuở còn ở Sài-Gòn, Phương vốn ít nói và nhút nhát, “bùm” Sài-Gòn chỉ đi độ một hai lần rồi sinh-viên bên Pháp, trong một xã hội khá cởi mở, Phương cũng không thích những cuộc tình qua đường, lăng nhăng. Đã có bạn gái, Phương chắc chắn không thể bắt cá hai tay được. Nhưng tại sao khi Chánh hỏi Phương có tình ý gì không thì anh lại ấp úng, khó trả lời như vậy?
Is this love, Is this love that I’m feeling?” (Bob Marley)
Nhưng hai người nào có biết mặt nhau đâu mà yêu với thích? Thật là khó hiểu.
Dầu sao đi nữa, Phương đã có bạn gái thì tinh-thần trách-nhiệm của Phương bỏ đi đâu? Thôi, không còn giải-pháp nào khác nữa.

Quyết-định rồi, Phương ra bàn giấy, mở máy vi-tính và bắt đầu viết điện-thư cho Thanh.
Nhưng viết gì bây giờ?  Viết như “Thôi, chúng ta đừng đùa giỡn với nhau nữa, tôi đã có bồ rồi” hay sao? Nhỡ cô ấy lại trả lời “ Ơ hay, cái anh này, tôi với anh chỉ nói chuyện trên diễn-đàn như mọi người chứ tôi có “cua” anh đâu mà anh sợ, để anh phải đính-chính?”
Phương làm nghề cố-vấn và huấn-luyện viên trong địa-hạt quản-trị xí-nghiệp, viết bài để phân-tích hay giảng giải mạch-lạc là “nghề của chàng” cơ mà? Tại sao viết một cái “meo” nho nhỏ lại khó thế này?

Mãi một lúc, viết qua viết lại, sửa lên, chữa xuống, Phương tạm viết:
Thanh à, Mấy dạo này, trên diễn-đàn, lời qua lời vào, lại có bạn bè chung quanh châm-chế nên có lẽ tôi đã nói năng hồ-đồ, bất nhã với Thanh, tôi xin Thanh tha lỗi cho tôi. Đùa giỡn, vui chơi là một chuyện, nhưng có lẽ tôi đã bắt đầu đùa nhả rồi, tôi cảm thấy mình đi quá trớn, trong lòng áy náy quá nên viết cho Thanh để xin lỗi. Từ giờ, tôi xin thôi, không đùa như thế nữa. Thân mến, Phương.”

Đọc lại thêm một lần, Phương bấm nút “Gửi”, tắt máy rồi đi ngủ.


Yên Hà, tháng 12, 2016

1 comment:

  1. Merry Christmas, AC Thanh Tuyền & Ngọc Phú. Can't wait until the next chapter.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.