UA-83376712-1

Labels

Feb 25, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (2) : Kỷ Hồng Bàng thị


1. Thời-đại thượng-cổ
1.1 Kỷ Hồng Bàng thị (2879-258 trước Tây Lịch)
- Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế (họ Thần Nông), đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ (còn gọi là Lĩnh Nam = phía Nam núi Ngũ Linh) bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ  Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục  (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm nhâm tuất (2879 trước Tây Lịch ?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm.

- Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, tục truyền sinh trăm trứng, đẻ một lần được một trăm người con trai.
Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được 100 con thì nàng đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải".
Gốc tích truyện này có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt (100 người Việt). Đấy cũng  là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích xác được.

- Nước Văn Lang      


Con trưởng Lạc Long Quân được nối ngôi vua, xưng là Hùng Vương, đặt quốc-hiệu là Văn Lang

Nước này đông giáp biền Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), nay là Quảng Nam. 
Cứ theo sử cũ thì nước Văn Lang chia ra làm 15 bộ:

Văn Lang         (Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên)
Châu Diên       (Sơn Tây)
Phúc Lộc         (Sơn Tây)
Tân Hưng        (Hưng Hóa - Tuyên Quang)
Vũ Định           (Thái Nguyên - Cao Bằng)
Vũ Ninh           (Bắc Ninh)
Lục Hải            (Lạng Sơn)
Ninh Hải          (Quảng Yên)
Dương Tuyền  (Hải Dương)
Giao Chỉ          (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình)
Cửu Chân       (Thanh Hóa)
Hoài Hoan       (Nghệ An)
Cửu Đức         (Hà Tĩnh)
Việt Thường    (Quảng Bình, Quảng Trị)
Bình Văn         ( ? )

Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (bây giờ ở vào địa hạt huyện Bạch Hạc, tĩnh Vĩnh Yên), đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính. Quyền chính trị thì cứ cha truyền con nối, gọi là Phụ Đạo.


Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ Hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt-Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh để tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng , thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.

- Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm quý mão (158 trước Tây lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời vua Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm nhâm tuất (2879) đến năm quý mão (258 trước  Tây lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà  có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết truyện đời  Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực. (Trần Trọng Kim)

(Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm tân mão (1109 trước Tây lịch), đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường, ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra xe chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?)

Bao nhiêu ngàn năm văn-hiến? Trước giờ tôi cũng muốn biết rõ.
Nếu dựa vào truyền-thuyết thì nước Xích Quỷ ta đã lập nên năm 2879 trước Tây Lịch, nghĩa là khoảng 5000 năm trước. Dựa thêm vào sử Trung Hoa, từ 1109 trước Tây Lịch, nghĩa là hơn 3300 năm trước,  Việt Thường và Giao Chỉ (những nước thuộc Bách Việt) đã có ít quốc-gia sang cống. Cho nên 4000 văn hiến của chúng ta không phải là huyền-thoại.
Biết "chắc" là như vậy nhưng không còn bằng chứng cụ thể / khoa học nên chúng ta đã phải bổ túc bằng huyền-sử để thay cho lịch-sử (?)
Vấn-đề là Trung Hoa đã đô hộ nước ta cả ngàn năm, dĩ nhiên là đã xoá đi hết những di-tích lịch-sử của chúng ta để đồng hoá dân tộc ta như tất cả những dân tộc khác thuộc Trung Hoa hiện nay. Cũng đừng quên chữ Việt-Cổ chúng ta cũng mới được tìm lại gần đây mà thôi (Artshare http://phu-tran.blogspot.com/2013/03/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-chu-viet-co.html ).

Truyện Cổ Tích Về Đời Hồng Bàng.
- Tục xâm mình
Sử chép rằng đời Hùng Vương thứ nhất, người nước Văn Lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng luồng (một loài thuỷ quái trên sông Hồng?) làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại không làm hại nữa.  Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mũi thường hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các thứ thủy quái ở sông ở bể không quấy nhiễu đến.

- Truyện Phù Đổng Thiên Vương
Đời vua Hùng Vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hung mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi  rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đỗng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi  đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá tan giặc ở chân núi Vũ Ninh xong, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương.
Năm nào đến mồng tám tháng tư cũng có hội vui, tục gọi là đức Thánh Gióng.

- Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh
Tục truyền rằng vua Hùng Vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai  đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên (tức là núi Ba Vì ở tỉnh Sơn Tây).
Thủy Tinh đến sau, thấy Sơn Tinh lấy mất Mỵ Nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên và đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại.
Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên, 
phải  rút nước chạy về. Từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân gian thật là cực khổ.

Truyện này là nhân ở Bắc Việt năm nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào trong đồng áng, ngập mất cả ruộng đất. Người ta không hiểu là tại lẽ gì, mới tưởng tượng mà đặt ra câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh đánh nhau vậy.


Trong số sau: Con Rồng Cháu Tiên (3) : Nhà Thục


Yên Hà, tháng 2, 2016
Tài-liệu nguồn :

- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thân Trần Trọng Kim

- Đại-Việt Sử-ký Toàn-Thư (1697) : Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên...




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.