UA-83376712-1

Labels

Feb 25, 2016

Đi tìm Tự-Do (Phần 7-Hết) - Thuỵ Uyên



… ( Tiếp theo phần 6)


Tôi tiu ngỉu kể lại. Khuê ôm bụng cười ngất :
- Đáng lý ra Uyên phải phịa đại đi chứ ? Nhưng thôi, không sao, Khuê sẽ kiếm việc chỗ khác cho Uyên.
Tôi lo lắng :
- Khuê biết chỗ nào dạy đánh máy chữ, chỉ cho Uyên với. Trong bụng thì muốn kiếm việc trong văn phòng, hỏi đến thì chả biết làm gì cả. Quê quá.
- Rồi từ từ Uyên sẽ biết mà. Ừ, Khuê sẽ xem hộ cho nhé ?

Vào một ngày nghỉ của chị em tôi, tôi rủ chị Vy về San Diego thăm gia đình. Tôi chạy ùa vào nhà, ôm lấy Mẹ, õng ẹo :
- Mẹ ơi, tụi con nhớ Mẹ lắm, Mẹ có nhớ tụi con không ?
Mẹ mắng yêu :
- Lớn đầu rồi còn làm nũng. Ăn gì chưa ? Này, hôm nay vừa vặn rằm, Mẹ làm bún thang để cúng. Tí nữa thì ăn được.

Tôi chạy ra ngoài, đứng ngắm nhìn ngôi nhà mới. Căn nhà nằm gọn trên ngọn đồi, nhìn xuống thung lũng.  Con đường đất ngoằn ngoèo len lỏi luồn qua những mái nhà ngói đỏ. Vài áng mây trắng lững thững trôi trong khung trời xanh ngắt. Tuyệt đẹp.
- Anh Bạch và Bố đâu, Mẹ ?
- Đằng sau nhà ấy, đang sửa chữa gì ấy mà.

Tôi bước ra sân sau. Hai Bố con loay hoay đóng màng lưới bọc căn phòng trái bên hông nhà. Thấy tôi, anh Bạch reo lên :
- A, về rồi hở ? Lấy cho Bố và anh ly nước lạnh nào. Em trông thấy phòng ngủ hai chị em chưa ?
- Đâu, phòng nào ? Chốc nữa em xem. Anh đang đóng phòng cho ai thế ?
- Phòng này sẽ là phòng của anh. Khi nào xong màng lưới, sẽ mát vô cùng em ạ.
Chị Vy kéo tay tôi vào nhà :
- Đi, vào xem phòng chị em mình.
- Em đi rót nước cho Bố và anh Bạch đã.

Căn nhà chúng tôi khá rộng, hai phòng tắm, ba phòng ngủ, một phòng cho Bố Mẹ, một phòng cho hai chị em tôi, một phòng cho thằng em trai và đứa cháu. Tuy rằng chị em tôi hiện sinh sống trên Hollywood, nhưng tôi biết, anh Bạch nhường phòng anh ấy, để dành cho những lúc chị em tôi về thăm. Tôi liếc nhìn vào trong. Bố Mẹ đã trang trải xong xuôi, đâu ra đấy, ngăn nắp. Tôi chạnh lòng thương anh vô cùng.
Tiếng Mẹ gọi từ dưới nhà :
- Uyên, điện thoại của cô Khuê này.
Tôi xuống gác.
- Uyên, ông Edmond có nhắn lại cho Khuê là ông ta nhận Uyên làm việc đó. Ngày kia, Uyên trở lại trên này chưa ? Ông ta nói, nếu Uyên nhận lời, hôm đó trở lại gặp ông ta để điền đơn gì đó mà.
Tôi nhảy cỡn lên :      
- Thật không ? Trời ơi, mừng quá. Cám ơn Khuê nhiều nhe ?
- Gì đâu mà cám ơn Khuê ? Uyên đi xin việc và nói chuyện với ông Edmond, chứ đâu phải Khuê nè ? OK, thôi, Khuê hẹn với ông ta dùm Uyên nhe ? Ngày kia trở lại trên này nhe ?

Tôi báo tin mừng cho gia đình. Anh Bạch vui lắm.
- Mừng cho em có việc làm tốt. Giúp việc vặt trong văn phòng, chắc không bao nhiêu đâu, nhưng ít ra có đầy đủ quyền lợi và bảo hiểm vững chắc. Hôm nào thì em bắt đầu làm ?
- Em chưa biết nữa. Ngày kia lên làm giấy tờ, em sẽ hỏi.
- Thế con sẽ còn đi hát nữa không ? Mẹ hỏi thế.
- Không, Mẹ ạ. Con không muốn tiếp tục nghề này lâu rồi, nhưng chưa có dịp thôi. Đây là dịp tốt cho con bỏ. Ngày kia lên trên Hollywood lại, con sẽ nói với ban nhạc.
Bố không nói gì cả, chỉ gật gù mỉm cười.
- Xa không con ? Mẹ hỏi tiếp.
- Từ chỗ tụi con ở, chắc cũng phải 15, 20 phút lái xe. Sở đó nằm ở ngoại ô Los Angeles.
- Thôi cũng được. Không xa lắm là tốt rồi.

Sau bữa cơm tối, tôi vào phòng “mới” của hai chị em, nằm suy nghĩ mãi, không hiểu tại sao ông Edmond lại bằng lòng nhận mình làm việc.  Tôi cứ đinh ninh là ông ta không hề bận tâm nghĩ đến mướn một người như tôi. Tôi kể cho chị Vy nghe, chị bảo :
- Cũng không biết được. Nhiều khi ông ấy muốn giúp đỡ những người tị nạn nghèo khổ như mình. Cũng có thể ông ấy rất có cảm tình với người Á Đông, hoặc khi thấy em ăn nói thật thà như thế, ông ấy lại mến cũng không biết chừng. Nhưng thôi, em thắc mắc làm gì ? Dù sao đi nữa, khi em đến gặp ông ấy, nhớ cám ơn ông ấy nhé ? Dịp tốt cho em, hãy cố gắng làm việc cho giỏi.

Tôi như mở hội trong lòng, thích thú vô cùng.
Hôm ấy trở lại gặp ông Edmond, tôi ngượng ngập, lí nhí vài câu xã giao và cám ơn. Tôi không dám hỏi ông ấy lý do tại sao mướn tôi làm, sợ ông ấy lại đổi ý. Trong khi tôi ngồi điền giấy tờ, ông Edmond giải nghĩa tần tượng những luật lệ, điều kiện của công ty, trình bày rõ ràng quyền lợi nhân viên cho tôi nghe. Tôi nghe đến đâu, chỉ nhút nhát gật đầu, cám ơn đến đó, không dám hỏi nhiều. Về nhà, tôi điện thoại ngay đến ban nhạc, tôi hẹn sẽ tiếp tục với họ đến cuối tháng rồi từ giã, họ buồn vô cùng, nhưng ai nấy đều chúc mừng tôi.

Ngày đầu tiên trong công việc, bà thư ký Lana chỉ dẫn tôi cách dùng điện thoại để trả lời khách khi họ gọi đến, đánh máy vài tờ hóa đơn, thu xếp hồ sơ và cất vào tủ theo thứ tự. Tôi cẩn thận biên xuống tập giấy từng bước một những lời chỉ dẫn của bà Lana, và cố gắng theo dõi ghi nhớ những gì bà ta làm.  Một tuần lễ liền thực tập như thế, tôi bắt đầu tự làm lấy công việc.
Ôi chao, tôi vụng về quá. Loay hoay mãi mới chỉ đánh xong một tờ hóa đơn. Đang nói điện thoại với khách hàng, khi một đường giây khác gọi vào, tôi hoảng hốt, sơ ý, bấm nhầm loạn xạ nút điện thoại, cắt ngang người khách. Bà thư ký nhìn tôi lắc đầu. Tôi sợ hãi, cố gắng tập trung tư tưởng vào công việc. Lúc ra về, tôi chào bà ta, giọng tôi run lên xin lỗi. Tôi hứa sẽ cố gắng nhiều hơn.
Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường, buồn vô hạn. Điện thoại kể chuyện cho Khuê nghe, tôi bật khóc sau đó :
- Chắc ông Edmond sẽ đuổi Uyên quá Khuê ơi. Sao Uyên vô tích sự thế này.
- Chắc không sao đâu, Uyên bình tĩnh nhe ? Mai trở lại làm, Uyên xin bà Lana chỉ dạy thêm nhiều nữa, và ráng ghi nhớ là được rồi.

Qua ngày hôm sau làm việc, tôi vẫn lúng túng làm sai rất nhiều, nhưng tương đối đỡ hơn hôm trước. Được cái bà Lana rất kiên nhẫn, chịu khó chỉ bảo cho tôi từng bước một. Và rồi, tôi quen dần với công việc, và làm rất hăng say. Thấy tôi tiến bộ nhiều và siêng năng, bà ta bắt đầu giao hết công việc trong văn phòng cho tôi.

Thấm thoát tôi làm việc cho công ty đã gần hai năm. Tôi hoàn toàn lãnh hội và rành rẽ tất cả những việc trong sở. Lúc ấy, chị Vy đã dọn ra riêng khi chị kiếm được việc khác khá hơn. Khuê rủ tôi :
- Uyên đến ở chung với Khuê nhe ? Vừa gần sở hơn, Khuê cũng sẽ có Uyên bên cạnh, đỡ cảm thấy cô đơn.
Tôi vui lắm, bằng lòng ngay, thiết nghĩ tạm thời, tôi sẽ có được một cuộc sống an vui và đầy đủ như ý tôi mong muốn.
Cho đến một ngày, ông Edmond về hưu, ông phó lên nhậm chức. Tôi nhận ra được càng ngày bà Lana trở nên lười nhác. Bà ta đến trễ, về sớm, lắm lúc không đến sở nữa. Tôi điều hành mọi việc trong sở không hở tay. Tiền lương không thay đổi, đến sớm, về trễ, người thấm mệt. Tôi bất mãn, đệ đơn xin nghỉ. Lúc ấy, tôi đã có một số vốn kinh nghiệm việc sở, tôi không sợ nữa. Khuê lo cho tôi lắm, bảo :
- Sao Uyên gan thế ? Đang làm giỏi và tốt, tại sao lại xin nghỉ ?
- Nhưng chịu không nổi tư cách bà Lana.
Tôi cương quyết :
- Bà ta ăn hiếp Uyên quá đi. Ông chủ thì có mắt cũng như không, cứ làm ngơ cho bà ta muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, muốn đến thì đến, về thì về. Lần nào có mặt trong sở, gặp được chưa đầy năm phút, bà ta lại biến đâu mất. Quá giờ ăn trưa mới thấy bà ta lò dò về, mặt mày đỏ gay mùi rượu. Thỉnh thoảng lên cơn, bà ta lên tiếng chê bai rằng Uyên làm không đúng cách. Bao nhiêu việc khó dễ gì trong đó, Uyên ra sức làm hết mà, có bao giờ bị khách hàng trách móc, hoặc cấp trên tại Nữu Ước tra xét sai lầm đâu ? Không được, bà ta ngồi không hưởng lợi. Uyên không chịu.
Khuê lắc đầu :
- Thì đã đành rồi, nhưng Uyên chưa có việc khác mà. Đợi khi nào kiếm việc khác rồi, lúc ấy xin nghỉ cũng chưa muộn, phải không ? Khuê chỉ lo cho Uyên thôi. Đừng nóng nảy quá.
- Uyên thà chết đói, quyết không để bà ta ăn hiếp như vậy.
- Thôi được, thôi được, Khuê phục Uyên rồi. Để Khuê kiếm cho Uyên việc khác nhe. Khuê lè lưỡi, cười cười.
Tôi thử hai, ba chỗ kiếm việc, không được. Tôi bắt đầu tuyệt vọng, nghĩ đến việc trở lại với nghề ca hát.

Một buổi chiều cuối hạ, một số bạn bè tôi quen biết nhân dịp còn đi hát tại Hollywood, rủ nhau đi du lịch sang miền Đông nước Mỹ, thăm viếng Nữu Ước. Họ kéo tôi đi theo. Tôi nhận lời, thích thú lắm. Chị Vy bảo :
- Thôi thì cứ đi chơi một, hai tuần với bạn bè cho khuây khỏa, nhân thể em còn đang thất nghiệp. Nếu chị không bận với công việc mới của chị, chị cũng đi với em một chuyến.

Tôi sang Nữu Ước chưa đầy hai tuần, đã đem lòng yêu những nơi tôi thăm viếng. Những thành phố nhỏ xinh xắn, những ngôi nhà còn giữ nguyên vẹn hình thù cổ xưa, những con đường chật hẹp băng ngang cánh đồng bát ngát, những làng tược đầm ấm, đậm nhiều nét Âu Châu tôi hằng mơ tưởng. Trời đổ sang thu, lá thay màu, tuyệt đẹp, thật quyến rũ. Tôi quyết  định ở lại, điện thoại về xin phép gia đình. Mẹ hưởng ứng :
- Con đã lớn khôn, Mẹ tin ở quyết định của con. Thỉnh thoảng về lại bên này thăm gia đình là bố mẹ vui rồi.
- Em đã có việc làm chưa ? Anh Bạch hỏi thế.
- Chưa, nhưng với khả năng của em bây giờ, em tin chắc kiếm việc sẽ không thành vấn đề.
Quả nhiên, không đầy ba tuần sau, với lòng đầy tự tin, tôi xin ngay được một chân trong công ty điện, và an cư lạc nghiệp tại đây. Tôi hoàn toàn không ngờ chuyến đi thăm viếng miền Đông này lại là trạm dừng chân của tôi…

GIờ đây, với một cuộc sống tạm gọi yên ổn và vững chắc, tôi không khỏi bùi ngùi, mỗi lần nhớ lại con đường đời tôi đã đi qua. Và mỗi lần nhớ lại, tôi tự nghĩ, đã mấy chục năm trôi qua, mấy chục năm lưu lạc trên xứ người, tôi đã hài lòng, mãn nguyện chưa nhỉ ?
Tôi đã nhận đồng bào nơi này là đồng bào của tôi, nhưng tôi vẫn vo gạo thổi cơm hằng ngày. Trên bàn ăn không hề thiếu món canh rau và chén nước mắm thơm đậm đà.
Tôi đã là một công dân Mỹ gương mẫu. Có thể nói rằng, tôi hiểu, đọc, viết và nói tiếng ngoại ngữ này rất khá, nhưng vẫn không bằng tôi hiểu, đọc, viết và nói tiếng mẹ đẻ của tôi.
Trên đài truyền hình Mỹ, xem các chương trình giải trí hoặc tin tức, tôi hiểu từng chữ họ nói, nhưng vẫn không tài nào hấp thụ được ngụ ý của câu văn lời nói, hoặc không tài nào phá ra cười trước những chuyện tiếu lâm họ kể.
Tôi đã nhận nơi này làm quê hương, nhưng tôi thường hay thăm viếng các chùa chiền, hoặc tham dự những buổi lễ mừng Tất Niên của cộng đồng Việt Nam trong khắp những thành phố tôi đã đi qua.
Phải chăng, trong lòng tôi vẫn còn vương vấn một nỗi nhớ nhung, vẫn còn phảng phất một cảm giác thiếu thốn ? Hình như mãi mãi trong tôi, văng vẳng một tiếng gọi mơ hồ, lôi kéo tôi về giòng nước nguyên thủy…


HẾT

Thụy Uyên




                                  

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.