UA-83376712-1

Labels

Mar 17, 2013

Tiếng nước tôi: Chữ Việt cổ


Dân tộc ta trước khi nội thuộc nước Tàu, có thứ chữ riêng để viết tiếng Nam hay không? đó là một vấn đề, hiện nay vì không có di tích và thiếu tài liệu, không thể giải quyết được... (Dương Quảng Hàm)
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm... cho đến Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài ở Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc (Lục Lưu, Hứa Thân, Trịnh Tiểu...) đều khẳng định:
"Đất nước ta, người Việt chúng ta, từ mãi thời Vua Hùng, từ tận thời Đông Sơn mấy ngàn năm trước, đã từng có chữ viết riêng."
Chữ là văn-minh, chữ là thịnh-vượng. Có nghĩa là chúng ta không phải những người “ăn nhờ” văn hóa, “đi mượn” chữ viết của các dân tộc khác. 

Trong suốt năm mươi năm, nhà nghiên-cứu Đỗ Văn Xuyền (phường Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ), đã lặng lẽ bỏ bao công sức đi thu-thập, nghiên-cứu từng tài-liệu để giải-mã một bộ chữ gồm 47 chữ cái mà ông tin chắc là chữ Việt cổ. 

Xin mời các bạn cùng với ông giáo già này đi lại "Cuộc Hành Trình Đi Tìm Chữ Việt Cổ"
(tên tựa quyển sách mới phát-hành ngày 29 tháng giêng, 2013 vừa qua).


Phương pháp nghiên cứu chữ Việt cổ 
Sử học gia Phan Huy Lê có nêu lên 3 phương pháp chính:

1. Phương pháp dựa trên các di-vật khảo-cổ - do GS Hà Văn Tấn khởi xướng và đã tìm ra được một số hình như là ký-tự trên các di-vật khảo-cổ có niên-đại xác định khác nhau, tuy chưa giải mã được hoàn toàn;

2. Phương pháp dựa vào các hình khắc cổ trên đá - do một nhà nghiên cứu người Pháp đã và đang dựa trên hàng nghìn bản in từ đá cổ Sapa và các bãi đá cổ khác (sau khi tổng hợp và phân loại, ông đã xác định được một số motif lặp lại trong nhiều hình vẽ có thể là một dạng ký-tự) tuy nhiên chưa công bố kết-quả cụ-thể nào;

3. Phương pháp phỏng đoán chữ Việt cổ còn lại ở Tây-Bắc và đi sưu tầm và hệ-thống-hóa - phương pháp này do GS Lê Trọng Khánh khởi xướng và ông Đỗ Văn Xuyền đi theo hướng này; trong đó ông Xuyền dựa vào và giải mã được tài liệu quan trọng của Tham tri Bộ Lại Phạm Thận Duật.   


Vài sự-kiện dẫn-giải
Toàn bộ nghiên-cứu này quá phức-tạp, tôi chỉ có thể (dám) nêu lên một vài điểm tựa:

- Dấu-tích của nền giáo-dục thời Hùng Vương: Qua quá trình nghiên cứu của ông Đỗ Văn Xuyền, các thư tịch cổ ở nhiều nơi trong cả nước đã ghi lại danh sách các thầy giáo và học trò thời Hùng Vương. Chúng ta được biết từ Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) đến An Dương Vương có 19 thầy giáo dạy 35 trường học rải khắp các địa-bàn trong cả nước và 58 học trò tiêu-biểu.
Ông Xuyền còn tìm thấy thời Bắc thuộc lần thứ 1, từ năm 111 TCN đến năm 39 (thời Bà Trưng), có 10 thầy giáo, 68 học-trò và 36 trường ở các địa-phương.

- Theo cổ sử Trung Quốc, “vào thời Vua Nghiêu (năm 2357 trước công nguyên) có sứ giả Việt Thường đến kinh đô tại Bình Dương (phía bắc sông Hoàng Hà - tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng một con thần quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ "Khoa Đẩu" ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau”. Vua sai chép lấy gọi là Quy Lịch.
Sách "Lĩnh Nam Chích Quái" của ta 
cũng ghi rõ điều này.
Trong một bản Ngọc phả từ thời vua Trần Thái tông cũng ghi: “Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần qui, bối hữu Khoa đẩu” nghĩa là thời vua Nghiêu, nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu. 
Chữ Khoa-đẩu còn xuất-hiện trên các bia ký, giấy viết (lưu trữ và viết lại bằng ngôn-ngữ mới), công-cụ như đồ đồng Đông Sơn...

- Năm 1855, Hội Bộ Thượng-Thư Phạm Thận Duật phát hiện và sưu tầm một bộ chữ gọi là "Thái Thổ Tự" ở vùng Tây-Bắc. Đây là một bộ chữ tượng-thanh không có dấu, trong đó 17 chữ vần bằng  phụ âm đi với thanh không, 16 thể chữ theo vần trắc  phụ âm đi với thanh huyền, 11 nét phụ (tứ bàng phụ họa) cho những từ vần bằng chính  nguyên âm.

- Vào năm 1903, Tổng đốc Thanh Hóa (Thanh Hóa là vùng đất người Việt cư ngụ chính) lúc ấy là Vương Duy Trinh công bố việc tìm ra một văn bản viết bằng thứ chữ lạ, trông như những ngọn lửa vờn cháy mà ông gọi là chữ "Hỏa tự". Dựa vào những chữ Hán ghi chú bên cạnh, ông dịch được nội dung, thì ra đây là một bài thơ có tựa đề "Mời trầu" có nội dung ca ngợi tình yêu.
Vương Duy Trinh cho rằng, đây chắc chắn là chữ của tổ tiên ta từ thời các vua Hùng. 
Ông viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp (186) bắt bỏ hết để học Hán tự”. 

- Năm 2010, đúng vào dịp kỷ-niệm đại-lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa phát-hành cuốn "Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” của giáo sư Lê Trọng Khánh. 
Đây là lần đầu tiên một công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ được xuất bản và phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần giải đáp được câu hỏi làm đau đầu giới nghiên cứu trong bao năm nay: 
Việt Nam, trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá cổ xưa nhất thế giới, cái nôi của những trống đồng vô cùng tinh xảo có từ 3.000 năm trước, chứa đựng những bí ẩn tinh hoa của một nền văn minh rực rỡ, vậy dân tộc ấy có chữ viết hay không, chữ ấy như thế nào?
Từ năm 1958, giáo sư Lê Trọng Khánh dày công nghiên cứu từ những văn tự “thắt gút” của người Chăm Hrê ở Nghĩa Bình, đồ gốm, đồ đồng Đông Sơn, những hình đồ họa, chữ khắc trên đá ở Sapa… dần dần phát triển thành ngôn ngữ viết hoàn chỉnh ở bậc cao. Cho đến lúc này, giáo sư là người duy nhất chứng minh được sự liên hệ của chữ viết trên đá cổ ở Sa Pa và chữ viết trên di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn, giải mã thành công văn tự trên đá cổ ở Sa Pa.

- Tháng 10, 2011, tại di-chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang – thị trấn Mã Đầu – huyện Bình Quả – thành phố Bách Sắc, chuyên-gia của Hội nghiên-cứu văn-hóa Lạc Việt – tỉnh Quảng Tây* (Trung Quốc) phát hiện mấy chục khối mảnh vỡ xẻng đá lớn và tấm đá có khắc đầy chữ viết cổ.
Nghiên cứu phát hiện khối đá có chữ viết lớn nhất là dài 103 cm, rộng 55 cm, trên bề mặt khắc đầy mấy trăm tự-phù, phần lớn là chữ cúng tế và lời chiêm bốc. Theo thống kê sơ qua, trên những phiến đá này có hơn 1000 tự-phù. Các chuyên-gia Trung Quốc nhận-định niên-đại của các mảnh đá này là vào thời-đại đồ đá mới, hình thành vào thời-kỳ đỉnh cao của "văn hóa xẻng đá lớn", tức là vượt xa niên-đại của chữ giáp-cốt Hoa Hạ.
(
Theo lịch sử hình thành dân cư Trung Quốc mới được phát hiện, thì thời gian này, trên địa bàn Trung Hoa chỉ có người Việt sinh sống, người Hoa Hạ chưa ra đời. chứng tỏ rằng đó là chữ của người Lạc Việt)

Phát hiện chữ Lạc Việt ở Cảm Tang có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy người Lạc Việt sáng tạo chữ viết trên đất Trung Hoa khoảng 4000 đến 6000 năm trước, và cũng chứng minh sự liên tục của chữ tượng hình Lạc Việt từ Sa Pa Việt Nam tới nhiều vùng khác nhau trên lục địa Trung Hoa.
Văn-hóa Lạc Việt quả là một trong những nguồn gốc trọng-yếu của văn hóa Trung Hoa.
(*) Xin nhắc lại rằng nước Văn Lang ta lúc trước gồm 15 bộ (bộ tộc), trong đó 2 bộ thuộc Quảng Tây (Trung Quốc bây giờ).

- Chữ Việt cổ

Theo ông Đỗ Văn Xuyền, chữ Việt cổ được đúc-kết như sau:

Chữ cái Việt cổ


            
Hịch Khởi Nghĩa (Hai Bà Trưng) do ông Xuyền dịch sang chữ Việt cổ


Kết luận

Gọi là "Kết-luận" cho "xôm" nhưng trong thời-điểm này, ai có thể khẳng-định gì một cách tuyệt-đối? Khảo-cứu lịch-sử văn-hóa là một công cuộc rất phức-tạp và phải được công-nhận trên phương-diện quốc-tế. Chúng ta cứ để các chuyên-gia tiếp-tục công-việc.

Tôi chỉ có một vài nhận xét như sau:
- Năm 111 TCN, Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức đánh bại quân Triệu của Thuật Dương Vương, mở đầu cho một ngàn năm đô-hộ của nhà Hán trên dân-tộc Việt, và bắt đầu đặt Thứ Sử (cai trị Châu), Thái Thú (cai trị mỗi quận, cấp dưới của Châu).
Nhưng trước đó, suốt 3 kỷ-nguyên Hồng (Hùng Vương), Thục (An Dương Vương) và Triệu (Vũ Đế), nghĩa là 2768 năm, không lẽ một quốc-gia có tổ-chức, có guồng máy cai trị, lại không có chữ viết để truyền-đạt và thông-tin? Thật vô lý quá.

- Xâm chiếm đất nước ta xong, người Trung Hoa dần dần đưa chữ Hán vào để cai-trị. Với chính-sách "đồng-hóa" của bất cứ nước xâm-lăng nào, người Hán khuyến khích mọi người học chữ Hán, đồng thời hủy diệt đi tất cả sách vở, tài-liệu và tất cả những vết tích chữ nghĩa ta. Thiết tưởng suốt 1000 năm Bắc thuộc (111 TCN - 939), họ đã quá đủ thời-gian để hoàn thành công việc đó.
May thay, không có gì có thể che dấu hoàn toàn được nên rải rác đây đó, vẫn còn lưu lại những di-tích của lịch sử, cũng như ở những nơi vùng sâu, nước độc hay những vùng hẻo lánh, các bộ-tộc còn gìn giữ được chút văn hóa. 
Bao nhiêu di-tích tản mát như những mảnh, mẩu một "puzzle" khổng lồ mà bao nhiêu nhà chuyên-gia (đặc biệt là ông Đỗ Văn Xuyền) đã khổ công nghiên-cứu để bắt đầu có một khái-niệm rõ ràng hơn.
Tôi muốn nói không có (ít có) di-tích chữ Việt xưa không có nghĩa là trước thời Bắc-thuộc chúng ta không có chữ viết.

Tôi không dám khẳng định gì cả, nhưng là một người con của đất nước con Rồng cháu Tiên, tôi đã rất vui sướng và say mê đọc những tài-liệu tham khảo để chia sẻ cùng các bạn bài viết này, cũng như tôi rất hãnh-diện về dòng giống Lạc Việt của chúng ta.


Ngoài ra, tôi chỉ có tấm lòng mình để sưu tầm và tổng hợp tài liệu. Nếu có hiểu sai hay viết sai điều gì, cũng mong các bạn niệm tình tha thứ và chỉ bảo cho nhé.


Tài-liệu gốc cho bài viết này:
Thảo-luận về chữ Việt cổ ĐVX - Các thảo luận về chữ Việt cổ do ông Đỗ Văn Xuyền khảo cứu
Chữ Việt cổ ở Nam Dương Tử
http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/23954-chu-viet-co-o-nam-duong-tu/
Người lắng thầm tìm con chữ Việt cổ  (Trần Vân Hạc)
http://e-cadao.com/Ngonngu/nguoithamlangtimchuvietco.htm\
Người 50 năm giải mã chữ của tổ tiên người Việt (Phạm Ngọc Dương)
Một vài bài liên quan đến chữ Việt cổ:


Chữ viết Khoa Đẩu duy nhất trên đá cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc) 
Điểm đến tham quan Sa Pa - Bãi đá cổ Sa Pa (VietDiscovery.co)   http://www.sapalaocai.com/bai-da-co-sapa.htm
Thông báo xuất bản sách "Chữ Việt cổ" của GS Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
http://sachhiem.net/VANHOC/TVHAC/Vanhac36.php
Giá trị to lớn của cuốn sách "Chữ Việt cổ" (Trần Vân Hạc)
http://sachhiem.net/VANHOC/TVHAC/Vanhac37.php
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
http://sachhiem.net/VANHOC/TVHAC/Vanhac33.php
Đỗ Văn Xuyền: Chữ Việt cổ (Phạm Ngọc Dương)
http://sachhiem.net/VANHOC/PhamNgocDuong.php
Sự thật ngôi miếu thờ thày trò thời Hùng Vương (kỳ 2) (Phạm Ngọc Dương)
http://vtc.vn/394-282997/phong-su-kham-pha/su-that-ngoi-mieu-tho-thay-tro-thoi-hung-vuong.htm
...

Yên Hà, tháng ba, 2013

3 comments:

  1. Hoa`n toa`n ddo^`ng y' vo+'i ba.n 2 nha^.n xe't trong pha^`n ke^'t lua^.n.

    ReplyDelete
  2. Xin phép Yên Hà đem bài này đăng lên diễn đàn bbqt.com.
    Cám ơn

    ReplyDelete
  3. Internet là của chung, kho tàng văn hóa mình lại càng nên chia sẻ để bảo tồn và phát triển. Xin anh cứ tự nhiên, chỉ mong anh giữ xuất xứ của bài đăng là đủ rồi.
    Tình thân

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.