UA-83376712-1

Labels

Jul 26, 2014

Google dịch-thuật (Vui nhộn)


“Dịch là phản bội” (Traduire, c’est trahir).
Quả vậy, mỗi ngôn-ngữ có những đặc-trưng có một không hai của nó, với từ vựng của nó, ngữ pháp của nó và nhất là tâm-hồn của nó, phản ảnh văn-hoá và tâm-hồn dân-tộc đó.
Một thông-lệ là dịch ra ngôn-ngữ nào (từ bất cứ ngôn-ngữ nào khác) thì ngôn-ngữ đó phải là tiếng mẹ đẻ của người dịch. 
Cho nên, dịch từ một tiếng này qua một tiếng khác không phải dễ, không khéo đôi khi tạo nên lắm trận cười vỡ bụng, nhất là nếu chúng ta dùng những phương-pháp dịch máy như "Google translate" chẳng hạn.
Đặc biệt hơn nữa, những đặc tính của tiếng Việt chúng ta khiến cho nó rất khó dịch. Chúng ta hãy tự giới-hạn trong khuôn-khổ tiếng Việt dịch ra tiếng Mỹ và xem một vài trường-hợp cho vui.

Chữ đa-nghĩa
Cùng một chữ mà hai, ba nghĩa thì dịch từng chữ (mot à mot) đương nhiên dễ bị dịch sai. Vốn liếng từ-vựng rất giới-hạn mà cần phải phát-biểu thì thành nói "bồi" ngay. Một vài thí-dụ:

No star where (Không sao đâu)
Sugar you you go, sugar me me go (Đường anh anh đi, đường em em đi)         
You think you delicious? Come out here if you delicious, I beat you see your mother.
(Mày tưởng mày ngon à? Mày ngon thì ra đây, tao đánh thấy mẹ mày)
I beat cards and I eat big (Tôi đánh bài và tôi ăn lớn)
I am people water Vietnam (Tôi là người nước Việt-Nam)
Cowboy garden (Cao bồi vườn)
 ... 

Thành ngữ / Tục ngữ
Thể-loại này khó dịch ở điểm gồm có hai nghĩa, một nghĩa đen và một nghĩa bóng. Thành ngữ lại còn khó dịch hơn vì không phải một câu hoàn-chỉnh, không có ngữ pháp rõ rệt. 
Tôi có thử dùng Google translate để thử dịch những câu thành ngữ / tục ngữ trong hai bài trước (http://phu-tran.blogspot.com/2014/05/tieng-nuoc-toi-van-hoc-dan-gian-1-thanh.html
http://phu-tran.blogspot.com/2014/06/tieng-nuoc-toi-van-hoc-dan-gian-2-tuc.html
thì chỉ được một hai câu dịch "đúng" như: 
Sow the wind, reap the storm (Gieo gió gặt bão)
hay tạm hiểu như: Deaf not fear guns (Điếc không sợ súng). 

  Còn ngoài ra, nhiều câu đọc mà cười ngất: 
Poverty fall spinach (Nghèo rớt mồng tơi)
Austria brocade go back village (Áo gấm về làng)
Both breast filling my mouth (Cả vú lấp miệng em)
Torn paper to keep the margin (Giấy rách phải giữ lấy lề)
Soft intestinal bleeding (Máu chảy ruột mềm)
Which tiger forest this (Rừng nào cọp nấy)
Eat porridge rock bowl (Ăn cháo đá bát)
Hundred sugar not avoid number (Trăm đường không tránh khỏi số)
Piggyback snake bite chicken house (Cõng rắn cắn gà nhà)
Born elephant God, born of grass (Trời sinh voi, sinh cỏ)
Chopsticks lipstick mold propagules  (Đũa mốc chòi mâm son)
...

Chữ Hán / Hán-Việt
Chữ Hán-Việt, nhất là chữ Hán thì dầu sao đi nữa cũng gần như một ngoại-ngữ khác nên phần lớn thì Google Translate phải "tẩu hoả nhập ma" rồi:
Human animal (Nhân vật)
Intimates hemorrhoids (Tri kỷ tri bỉ)
Enter the Import Management (Nhập tình nhập lý)
Import soap Buddha mind (Khẩu xà Tâm Phật).

Thỉnh thoảng, Google cũng bắn trúng được một phát khi dịch "Cẩn tắc vô áy náy" thành "Better safe than sorry".

Thơ:
Ai cũng biết thơ là thể-loại ngôn-ngữ khó dịch nhất vì tính cách chủ-quan của thi sĩ. Mời các bạn đọc thơ do Google dịch:

           Spontaneous (Huy Cận)                                       Tình tự (Huy Cận)

This morning my soul as my wardrobe              Sáng hôm nay hồn em như tủ áo
Italy is shining ranked pairs respectively.          Ý trong veo là lượt xếp từng đôi.
Austria has not he beautiful! Embroidered flower petal life 
                                                                        Áo đẹp chưa anh! Hoa thắm thêu đời
Austrian dream he fears the busy offline.          Áo mơ ước anh bận giùm chiếc nhé.
Golden dawn with blue, pink with purple smile, Vàng rạng cùng xanh, hồng cười với tía,
Please select the color you love.                      Xin mời anh chọn hình sắc yêu đương.
Your soul wants me hear it often enough,        Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường,
He let you kiss me brightly colored.                 Anh hãy bận hồn em màu sáng chói.


  Popular collection (Lưu Trọng Lư)                      Tiếng thu (Lưu Trọng Lư)

Do not listen to Fall                                         Em không nghe mùa thu
under the dim moon sobbing?                          dưới trăng mờ thổn thức?
Do not listen to this burning                             Em không nghe rạo rực
Government Accountability image                    hình ảnh kẻ chinh phu
women in her heart?                                        trong lòng người cô phụ?

I do not hear the forest revenue                       Em không nghe rừng thu
autumn leaves rustling call                              lá thu kêu xào xạc
golden deer bewildered                                   con nai vàng ngơ ngác
bike on dry leaves?                                         đạp trên lá vàng khô?


Trịnh Công Sơn:
Nhớ lại thuở trườc, tôi rất lúng túng khi phải dịch và cắt nghĩa lời nhạc của Trịnh Công Sơn cho một người bạn Pháp. Những tựa bài nhạc của TCS bao giờ cũng làm hồn tôi "bay bổng":

As herons flying wings (Như cánh vạc bay)
As stone and gander (Rồi như đá ngây ngô)
Sad holy words (Lời buồn thánh)
Wound roll downs (Vết lăn trầm)
In accidental pain (Trong nỗi đau tình cờ)
Sad stone age (Tuổi đá buồn)

Ngoài ra, "Riêng một góc trời" của Ngô Thuỵ Miên cũng trở thành: Private one corner heaven (?)

Tiếng Việt mới:
Tiếng Việt chúng ta đã hoàn toàn đổi mới 
(Xin mời đọc (lại) "Tiếng Việt mới"
http://phu-tran.blogspot.com/2012/05/tieng-viet-moi-truyen-vui-ma-buon.html ). 
Chính tôi còn không hiểu, huống chi là Google? Xem nào:

Clock no driver have window (Đồng-hồ không người lái có cửa sổ)
Born factory (Xưởng đẻ)
The pot sit on the glass (Cái nồi ngồi trên cái cốc)
Letter relax (Thư giãn)

Tôi lâu lắm chưa về lại Việt-Nam nhưng lượm lặt trên Inh-Tờ-Nét, tôi có đọc được loại Anh-văn "mới" tại quê nhà như:











Những bảng-hiệu tiếng Việt viết lên còn sai chính-tả nữa là tiếng Anh?
Free table!!! (Miễn bàn).

Thật là Oversized carpenter  (Quá cỡ thợ mộc)
Còn nhiều chuyện để nói lắm nhưng thôi, xin hẹn các bạn vào dịp khác nhé.


Yên Hà, tháng 7, 2014

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.