UA-83376712-1

Labels

Apr 28, 2011

Thiên đàng đã mất


“ Người ơi, người ở đừng về
… người ơi, người ở, em về…”
 


Chiều nay, nằm nhà nghe những bài dân ca Quan Họ (Bắc Ninh) mà lòng tôi thật xao xuyến. 
Những tiếng hát nam nữ réo rắt, với cái giọng Bắc “đặc”, uyển chuyển như len lỏi vào tim gan tôi, lôi cuốn hồn tôi đang rung động, kéo xiết tôi về nơi đâu đâu. Tôi nhắm mắt lại, buông mình theo tiếng nhạc, trôi dạt về miền Bắc-Bộ.
Lại nhớ nhà ư ?
Tôi xa Hà-Nội năm lên ba, khi vừa biết… ngồi bô, kỷ-niệm hoạ hoằn cũng chỉ như quyển an-bum rỗng tuếch, lèo tèo hai, ba tấm ảnh đen trắng đã nhạt mầu.
Về Hà-Nội, tôi chỉ biết nhà tôi thuở trước nằm trên đường Quan Thánh, còn gia-đình bên ngoại ở đường Hàng Vôi, ngoài ra tôi chỉ có những “clichés” lấy trong hình ảnh trên sách báo, hay trong những lời thơ-văn-nhạc : ba mươi sáu phố phường, mười sáu cửa ô,
Hồ Gươm, Hồ Tây, mùi hoa sữa, mùa cốm…
Kỷ niệm chưa có thì nhớ gì bây giờ ? Tại sao hôm nay tôi lại nhớ cồn cào những kỷ-niệm vô ảnh, vô sắc, vô thanh nhưng đậm sâu trong da thịt, trong từng sợi chân lông, trong tận mỗi tế-bào ?
Người ta thường nói khi về già, trí nhớ lang thang, nói trước quên sau, nhưng chuyện đời tám hoánh nào thì lại nhớ vanh vách ? Hay là cái “tám hoánh” này nó nhẩy cả mấy thế-hệ, mấy đời, mấy kiếp ? Hay là tôi đang mượn tạm kỷ-niệm bố mẹ, ông bà, ông cố, bà cố để hâm nóng lại ký ức tôi, nuôi sống lại thâm tâm tôi ?

Tôi lại nhớ Sài-Gòn, nơi tôi đã lớn và sống cả mười mấy năm, nhớ căn nhà nhỏ trong hẻm Cây Điệp, nhớ ngôi trường thân yêu đường Lê Quí Đôn, nhớ rạp xi-nê “Moderne” hay chợ Đakao gần nhà, nhớ những kỷ-niệm đã có...

Cũng có thể. Tôi có để ý dạo sau này, tôi trở về với tiếng mẹ đẻ nhiều hơn, tuy là tiếng Pháp đối với tôi gần như ngôn ngữ chính (tôi học trường Tây từ thuở bé và sau đó đã sống bên Bỉ và Pháp đến ba mươi sáu năm), thậm chí lúc trước, đến ngủ mơ, tôi cũng mơ bằng tiếng Pháp. Nhưng gần đây, lúc viết bài “Già”, tôi đã định viết tiếng Pháp nhưng ngoài cái tựa bài ra (Vieillir), tôi không viết thêm được một chữ nào khác một cách tự-nhiên, nên đã phải trở lại tiếng Việt. Nói lên cảm xúc con người thì ngoài tiếng mẹ đẻ ra, còn viết bằng tiếng gì khác bây giờ ?

Thôi rồi, tôi lại nhớ cội, nhớ nguồn, nhớ gốc, nhớ gác rồi. Tôi lại như muốn đào sâu vào trong tôi, đi tìm lại từng ngọn rễ cái, từng cọng rễ con đã chôn sâu hơn bốn ngàn năm trong lịch-sử dân-tộc tôi.
Nguồn-gốc tôi vốn là của tôi (là vốn của tôi), tôi có muốn từ bỏ cũng không được thì ai có thể lấy đi của tôi ?
Tôi nhớ năm ấy, cầm trên tay quyển sổ thông hành do cơ-quan O.F.P.R.A. của chính-phủ Pháp cấp mà mắt tôi rướm lệ.
O.F.P.R.A. = Office Français de Protection des Réfugiés et Apatrides (Cơ-quan Pháp che chở những người tỵ-nạn và vô quốc-tịch)


Dĩ nhiên, chữ “apatride” ở đây phải hiểu là “vô quốc-tịch”, nhưng dịch sát nghĩa thì lại là “vô tổ-quốc”. Tại sao vô tổ-quốc ? Quê-hương tôi, tổ-quốc tôi, cha ông tôi đã phải đổ biết bao nhiêu sương máu để dành lấy cho con cháu, ai có thể cướp đi ? Hôm đó, lòng đau như cắt, tôi đã khóc vì tủi thân và uất ức.

Ngày hôm nay, tôi mang hai quốc-tịch, hai sổ thông-hành -Pháp và Mỹ- nhưng tổ-quốc tôi vẫn chỉ là nơi chôn nhau, cắt rốn.
Ngày hôm nay, tôi có hai bà mẹ nuôi rất tốt, nhưng tôi cũng vẫn chỉ có một bà mẹ đẻ. 
Tôi nhớ ơn và kính trọng mẹ nuôi nhưng bà mẹ đã mang nặng tôi mấy ngàn năm nay thì làm sao tôi có thể quên ? Nước có ngon, có ngọt nhưng máu cũng vẫn đặc hơn.

Sau Hà-Nội và Sài-Gòn, tôi đã lê gót qua Liège, Lille, Toulouse, Paris, Woodstown (NJ), nhưng trong công cuộc này, đi đến đâu, tôi cũng chỉ là người qua đường.
Je ne suis toujours que le passant qui passe.
Khách sạn có đẹp và tiện nghi thế nào đi nữa, sao cũng không ấm áp được như căn nhà nhỏ mà mình gọi là « nhà » ? Tôi nghe nói ông Khadafi sang đến nước nào, ông cũng nhất định dựng lều ngoài vườn mà ở, chứ không chịu vào những cung-điện mà chính-phủ « chủ nhà » dành cho ông. Không biết tại tính tình ông ta kỳ quái hay tại ông ta cũng « nhớ nhà » ?

Hay là già rồi, chính tôi trở nên gàn bát sách và lập dị như ông ta ? 
Đôi khi tôi muốn sống lại cái thời nấu cơm, phải dùng bếp than, lúc cơm gần chín phải để ít than hồng trên nắp nồi để cơm được chín đều. 
Đôi khi tôi nhớ cái ghế bố mà mỗi tối tôi phải dọn ra ngủ, và sáng sớm phải dọn vào để lấy chỗ đi đứng. Tôi lại nhớ cái "gác-măng-dê", bốn chân ngâm trong bốn bát nước để kiến khỏi bò vào. 
Tôi còn nhớ cả cái "mô-bi-lét" xám cà-tịch, cà-tàng của tôi nữa. 
Nhà tôi nghèo, xứ-xở tôi nghèo, nhưng tôi không chối bỏ. Nghèo cho sạch, rách cho thơm, và tôi hãnh-diện với điều đó. Chết chửa, hình như tôi gàn sặc, gàn sụa rồi.

Hôm nay, tại sao tôi không nhớ những kỷ-niệm đã có, mà lại đi nhớ những kỷ-niệm chưa hề có ? Hay tôi đang ấm ức không có được những kỷ-niệm tôi có quyền có ? Hay tôi đang hậm hực vì những báu vật đã bị cướp mất ? Chắc vậy.
Cùng với hàng triệu người đồng-hương khác, ông bà, bố mẹ tôi đã phải hai lần bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ xứ, bỏ sở, ra đi, hai bàn tay trắng, sống tha-hương nơi xứ người.

Riêng tôi, sinh quán ở Hà-Nội nhưng chỉ còn lưu-tích lại chút ít giọng bắc-kỳ (tôi muốn nói cái giọng bắc-kỳ trước 1954, chứ bây giờ thì cả giọng lẫn từ-ngữ, tôi nghe cũng mù tịt thôi).
Tôi không biết gì về miền Bắc, chưa bao giờ được chiêm ngưỡng vịnh Hạ-Long, chưa biết Hải-Phòng, Nam Định hay Hà Đông, những cái tên nghe thật quen tai nhưng  sao xa lạ quá ?
 
Vào Nam, tôi cũng chỉ biết Sài-Gòn và vài nơi nghỉ mát như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt. Ngoài ra, tôi chưa được viếng thăm cố-đô Huế để hiểu thêm về lịch-sử nước tôi, chưa được ngắm những cánh đồng bát ngát của miền Tây, chưa được…
Chuyện này, dĩ nhiên đâu có gì khó ? Mua cái vé máy bay, bỏ ra hai tháng trời đi chu-du từ Bắc vào Nam (hay từ Nam ra Bắc), từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau thì xong ngay. Nhưng mà như thế thì khác gì bất kỳ người du-khách nào ?
Tôi đi du-lịch Ấn-Độ, Nam Mỹ hay Thổ-Nhĩ-Kỳ thì đúng rồi, nhưng tôi về nước mình (không biết là phải viết “về” hay “đến” đây nữa ?) mà chỉ như du-khách đem ngoại-tệ vào, nhìn người đồng hương da vàng mũi tẹt của mình mà cảm thấy xa lạ thì còn ý nghiã gì ?  Ai lại đi du-lịch ở nuớc của mình bao giờ ?
Tôi sinh ra người Việt-Nam, tôi muốn sống ở Việt-Nam, tôi muốn được chết trên mảnh đất hình chữ "S" đó. Nhưng thiên đàng đã mãi xa dần xa.
Tôi đã mất mát nhiều rồi.
Trên đường đi xuống, tôi còn một chút gì để nhớ ?

Cuối tháng này lại là ngày giỗ bố vợ tôi, ông bố vợ nổi tiếng mà riêng tôi chưa được gặp. Lại thêm một tiếc nuối trong cuộc đời.

Buông tiếng thở dài, tôi lặng nhìn về chân trời những kỷ-niệm không được có.
Lặng nhìn về thiên đàng đã mất…

Yên Hà, tháng 4, 2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.