UA-83376712-1

Labels

Nov 1, 2017

Con Rồng Cháu Tiên (18) : Nhà Nguyễn (2) - Chiến tranh với Pháp



3.10 Nhà Nguyễn (1802-1945)
3.10.1 Thế Tổ (Gia Long)
3.10.2 Thánh Tổ (Minh Mạng)
3.10.3 Hiến Tổ (Thiệu Trị)

3.10.4 Dực Tông (Tự Đức) (1847-1883) – Chiến-tranh với Pháp
3.10.4.1 Bối cảnh lịch-sử
- Đức độ vua Dực Tông
Vua Hiến Tổ mất, truyền ngôi lại cho hoàng tử thứ hai, húy là Hồng Nhậm. Bấy giờ hoàng tử mới có 19 tuổi,  nhưng học hành đã thông thái.
Ngài là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, từ năm 1847 đến 1883, niên hiệu là Tự Đức.
Ngài không ưa trang sức mà cũng không cho các bà nội-cung đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sự ăn mặc sạch sẽ làm đẹp. Tính ngài thật là hiền lành. Ngài rất có hiếu với mẹ là Từ Dụ Hoàng thái hậu. Ngài siêng năng, sáng chừng năm giờ, ngài đã ngự tánh, chừng sáu giờ, ngài đã ra triều, nhiều bữa ngài ban việc đến chín mười giờ mới ngự vào nội.
Ngài không phải là ông vua tàn ác, bạo ngược như người ta thường nói. Chỉ vì ngài làm vua vào một thời đại khó khăn, trong nước lắm việc, mà những người phò tá thì tuy có người thanh liêm như ông Trương Đăng Quế, ông Vũ Trọng Bình, trung liệt như ông Phan Thanh Giản, ông Nguyễn Tri Phương, ông Hoàng Diệu, v.v.... nhưng phần lớn triều thần thời Tự Đức là những người có tầm nhìn hủ bại. Họ chỉ nhìn nhận tình hình bằng con mắt của cả ngàn năm trong khi các nước phương Tây đã bỏ xa nước Việt về công nghệ, kỹ thuật.

- Việc Ngoại Giao
Việc chính trị đời Dực Tông là nhất thiết không cho người ngoại quốc vào buôn bán. Những tàu Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp vào xin thông-thương đều bị từ chối.

- Việc cấm đạo
Từ năm 1848, vua Dực Tông mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo. Lần ấy trong dụ nói rằng những người ngoại quốc vào giảng đạo, thì phải tội chết, những người đạo trưởng ở trong nước mà không chịu bỏ đạo, thì phải khắc chữ vào mặt, rồi phải đày đi ở chỗ nước độc. Đến năm 1851, dụ cấm đạo lại cấm nghiệt hơn lần trước, và có mấy người giáo sĩ ngoại quốc phải giết.

3.10.4.2 Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ
Bấy giờ bên nước Pháp đã lập lại đế hiệu, cháu ông Nã Phá Luân đệ nhất là Nã Phá Luân đệ tam lên làm vua. Triều chính lúc bấy giờ thì thuận đạo, lại có bà hoàng hậu Eugénie cũng sùng tín nên khi nghe tin các người giảng đạo ở Việt-Nam bị giết hại, Pháp hoàng mới quyết ý sai quan đem binh thuyền sang đánh nước ta.
Năm 1858, hải quân Trung Tướng Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu I Pha Nho cả thảy 14 chiếc, chở hơn 3.000 quân của hai nước vào cửa Đà nẵng, bắn phá các đồn lũy, rồi lên hạ thành An Hải và thành Tôn Hải.
Rồi quân Pháp hạ thành Gia Định và lần lượt chiếm Định Tường, Biên Hoà và Vĩnh Long.

Năm 1862, quân ta đánh đâu thua đó, ở kinh thành thì có phản nghịch, trong dân gian lại có giặc giã (giặc Tam Đường, giặc châu-chấu, giặc tên Phụng, …) nên đành phải điều đình.
Hoà ước Năm Nhâm Tuất (1862) có 12 khoản nhưng đại khái, nước Nam phải để cho giáo nước Pháp nước I Pha Nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo, phải để cho nước Pháp và nước I Pha Nho được ra vào buôn bán tự do ở cửa Đà Nẵng, cửa Ba Lạt và cửa bể ở Quảng Yên, và phải nhường đứt 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp.

Năm 1867, thiếu tướng De la Grandière kéo quân đánh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phan Thanh Giản biết thế chống không nổi nên bảo các quan nộp thành trì cho bớt đổ máu rồi uống thuốc độc tự vẫn.
Năm 1873, thiếu tướng Dupré sai trung úy hải quân Francis Garnier đem quân tấn công thành Hà-Nội.
Hai bên ký hoà ước năm Giáp Tuất 1874, trong đó triều đình Huế công nhận cả miền Nam là thuộc về Pháp và Pháp cũng bồi thường lại cho Việt Nam bằng tàu bè và súng ống. 
Nam Kỳ thuộc về Pháp và được gọi là Cochinchine.

(Ảnh Đại thần Phan Thanh Giản)

3.10.4.3 Nước Pháp chiếm Đại-Nam
Đã lấy được miền Nam rồi, lẽ nào người Pháp lại ngừng đó? Tưởng cũng nên nhắc lại là năm 1864, nước Pháp đã thay thế Tiêm La để bảo-hộ nước Cao Miên (Chân Lạp).
Năm 1882, thống đốc Le Myre de Vilers lấy cớ bảo vệ quyền-lợi của dân Pháp ở miền Bắc để đánh Hà-Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự tử.
Triều đình cho người sang cầu cứu Trung Quốc và nhà Thanh được dịp gửi quân sang đóng các tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây.
Năm 1883, vua Tự Đức mất, con nuôi trưởng là Dục Đức lên kế vị nhưng phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đổi tờ di chiếu, bỏ ông Dục Đức mà lập em vua Dực Tông là Lạng quốc công lên làm vua, niên-hiệu là Hiệp-Hoà.
Tháng 8, Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An, một hiệp ước được ký kết.
Hiệp-ước Quí Mùi 1883 xác nhận quyền bảo hộ của người Pháp lên Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Ngày 6 tháng 6 năm 1884, hoà-ước Patenôtre được ký kết tại kinh đô Huế gồm có 19 điều khoản, chia nước Đại Nam ra làm ba xứ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine) dưới ba chế độ khác nhau như là ba nước riêng biệt. Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ nhưng triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa vẫn được quyền kiểm soát.
Miền Bắc khi đó rất hỗn độn do những mối bất hòa giữa người Việt và người Hoa lưu-vong. Cả Trung Hoa và Pháp đều coi khu vực này thuộc tầm ảnh-hưởng của mình và gửi quân đến đó.

Năm 1885, Pháp và Trung Hoa ký hoà-ước Thiên Tân, chấm dứt chiến tranh Pháp-Thanh, buộc quân Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ, và công nhận nền bảo hộ của Pháp với Việt Nam.
Đại-Nam đã hoàn toàn rơi vào tay đế-quốc thực-dân Pháp.

3.10.4.4 Nguyên nhân thất bại của Đại Việt
Việt-Nam Sử-lược của Trần Trọng Kim được viết trong thời kỳ Pháp-thuộc và phần lớn dựa trên tài-liệu của Pháp nên có lẽ vì vậy có khuynh hướng "đổ lỗi" cho triều đình nhà Nguyễn. Đa số các sử-gia khác cùng một tiếng chuông, và Wikipedia đã phổ biến phần lớn tư tưởng này. Nhưng các sử-gia các thế-hệ sau, Việt-Nam cũng như Pháp, đã tham khảo kỹ hơn và khách quan hơn, với một cái nhìn mới, quân bình hơn, dựa vào nhiều tài liệu tuy cũ (như Đại Nam Thực Lục đời nhà Nguyễn) nhưng chưa được khai thác đầy đủ.
Sự thật thường phức tạp và đòi hỏi người đọc phải tự suy nghĩ và đi sâu vào tài liệu hơn nếu cảm thấy chưa thuyết phục. Cho nên, trong khuôn khổ bài này, tôi không dám nói ai đúng ai sai và tôi chỉ có thể tóm-lược một số lý lẽ đôi bên như sau
 :

Những nguyên-nhân “thuộc trách-nhiệm” nhà Nguyễn :
- Có những nhà sử học cho rằng rằng việc mất nước  đã khởi đầu từ việc Nguyễn Ánh cầu cứu nước Pháp để chống đỡ với Tây-Sơn qua hiệp-ước Versailles (1787).

- Thời-kỳ phân tranh kéo dài từ giữa thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 18 đã làm suy thoái ý thức dân tộc và tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam. Nhà Nguyễn thống nhất đất nước nhưng khi cai trị lại mất lòng dân. Do đó, triều đình không động viên được sức mạnh toàn khối dân tộc để chống ngoại xâm như thời các triều đại Lý Trần Lê. Ngược lại, giáo dân Việt-Nam và người Hoa ở Gia-Định bị áp bức lại quay sang hậu-thuẫn cho Pháp trong việc chỉ đường, thu thuế, vận chuyển lương thực.

- Nhà Nguyễn có thái độ cực kỳ bảo thủ, không chịu mở cửa học hỏi kỹ thuật, văn minh Tây phương, không nghe các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ mà chỉ biết có tư tưởng Khổng Mạnh, văn minh Trung Hoa.

- Quân-đội, khoa học quân sự thời nhà Nguyễn quá lạc hậu so với quân-đội Pháp. Tuy cũng có súng thần công, tàu chiến, thành quách kiên cố, tướng tá dũng cảm, thông minh nhưng nhà Nguyễn thiếu pháo binh cơ động, vũ khí cá nhân (baionnette) khi phải di chuyển hay giáp la cà. Chiến lược chính là phòng thủ trong thành quách kiên cố, có lúc thành công ở Đà nẵng năm 1859 nhưng không thể giành thắng lợi hoàn toàn khi cần công kích quân đội Pháp là một lực lượng rất năng động.

- Trong Việt Sử Tân Biên, tác giả Phạm Văn Sơn lại cho rằng nhà Nguyễn mất nước với Tây phương là vì văn minh nông nghiệp của Á Đông hết sức lạc hậu, yếu hèn, mà văn minh khoa học cùng cơ giới của phương Tây lại quá mạnh.

Đương nhiên để mất nước chỉ có thể là trách-nhiệm của vua quan nhà Nguyễn nhưng nói quanh, nói quẩn, chúng ta không thể nào quên được rằng Việt-Nam, Lào, Cao Miên chỉ là những con cờ trên bàn cờ quốc-tế, trong thời-điểm phong-trào thực dân các quốc-gia Âu Châu lúc bấy giờ.
Để không bị lép vế đế quốc Anh (đang tung hoành bên Ấn-Độ trong vùng) trong việc chinh phục thị trường Trung Hoa, Pháp nhất định phải tạo dựng thuộc địa ở vùng Đông Nam Á.
Nói tóm lại, người Pháp chỉ mượn cớ "bảo vệ giáo sĩ" để sang đô-hộ và cướp tài-nguyên nước ta và trong cuộc xung-đột, Khổng-Lão đã phải thua Descartes.

Dầu sao đi nữa, chúng ta cũng phải trả lại chút công bằng cho triều-đình nhà Nguyễn.
Trước sức mạnh và tham vọng xâm chiếm thuộc địa của Pháp, nhà Nguyễn không hoàn toàn hủ lậu hay hèn nhát như nhiều sử gia hay chính khách VN sau này kết án. Họ đã hết sức bàn bạc, tìm kiếm nhiều giải pháp thích hợp nhất với tình hình bị Pháp uy hiếp, lúc thương thuyết để nhượng bộ một phần hầu cứu vãn tình hình chung, lúc kêu gọi toàn dân kháng chiến.
Trong cuộc đấu trí với Pháp, đến lúc nào đó, có lẽ bên nhà Nguyễn đã sai một nước cờ ? 

 Nhưng trên bàn cờ Đông Nam Á lúc đó, tại sao Nhật hay Thái Lan lại thoát khỏi ách thực-dân như vậy? Đây lại là một đề tài khác ngoài khuôn khổ loạt bài này.
Dầu sao đi nữa, việc đã qua, đổ lỗi cho ai bây giờ? Riêng tôi chỉ dám nghĩ “Vận nước âu cũng là do ý Trời mà thôi” ?

3.10.4.5 Những vị vua Nguyễn còn lại

Từ đấy, vua ta chỉ còn là "bù nhìn", không chút thực lực nào trong tay.
Vua Tự Đức mất năm 1883. Sau đó là những vua:
- Dục Đức (1883: 3 ngày; bị giết)
- Hiệp Hoà (1883: 6 tháng; bị ép uống thuốc độc)
- Kiến Phúc (1883-1884; bịnh hay bị đầu độc?)
- Hàm Nghi (1884-1885)
- Đồng Khánh (1885-1889)
- Thành Thái (1889-1907)
- Duy Tân (1907-1916)
- Khải Định (1916-1925)
- Bảo Đại (1926-1945)

Triều Nguyễn trị vì được 143 năm (56 năm độc lập và 87 năm thống trị) dưới trướng 13 vị vua và là chế-độ quân-chủ cuối cùng của Việt-Nam.



Xin mời đọc tiếp: Thời Pháp thuộc

Yên Hà, tháng 12, 2017

Tài-liệu nguồn:
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim
- Wikipedia
- Vua Gia Long và người Pháp (Thuỵ Khuê)

1 comment:

  1. Bài văn rất có giá trị về lịch sử. Cảm ơn tác giả!

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.