UA-83376712-1

Labels

Aug 24, 2016

Hai bên bờ đại-dương (1)

Chương 1
Cơn gió thoảng trên mặt hồ


Bốn giờ sáng. Bên ngoài, trời còn đen như mực, thành-phố nhỏ còn đang ngủ say, bốn bề vẫn vắng lạnh như tờ. Như thường lệ, Thanh đã ngồi trước máy vi-tính, cốc cà-phê sữa nóng trên tay, thanh thản đọc và trả lời điện-thư, đọc tin-tức thời-sự, lượn trên Mạng và kiểm-tra sổ sách chi-tiêu một cách kỹ-lưỡng. 

Thói quen này, cô đã có từ mười mấy năm nay, sau một chuyến hôn-nhân đổ vỡ và cô đã phải làm lại từ đầu, với hai bàn tay trắng để mưu sinh và lo cho ba cô con gái ăn học. Suốt thời gian này, cô đã phải gắng gượng, chịu biết bao khổ cực để ngoi đầu ra khỏi mặt nước. Rồi chuyện gì cũng qua, ở hiền gặp lành và lòng kiên quyết của cô rốt cuộc cũng mang lại một chút thăng bằng cho đời sống bốn mẹ con. Cô có và giữ được một công việc vững chắc, ba đứa con cũng học giỏi, lên lớp đều đặn và ngoan ngoãn với mẹ.
Một ngày như mọi ngày, thời khoá biểu của cô bất di bất dịch, đều-đặn như một cái đồng hồ. Sáng thức dậy thật sớm, sau đó đi làm, chiều về làm cơm cho con rồi đi tập thể-dục hai tiếng, về ăn cơm tối, chơi với con một lúc rồi đi ngủ sớm. Cuối tuần, cô đi chợ, làm bếp, dọn dẹp, lo công việc nhà. Thú tiêu khiển cô dành cho thể thao: bowling với bạn đồng-nghiệp (trong nhà cô treo đầy những giải-thưởng), quần vợt với vài người bạn, xem thể thao trên đài truyền hình (cô thuộc tên từng đấu-thủ trong từng đội football Mỹ cũng như quá-trình mỗi tay quần-vợt).
Cũng nhờ nếp sống chuyên-cần và nghiêm chỉnh này mà cô tập trung được tư-tưởng và nghị lực vào mục-đích tối thượng là lo cho con ăn học và cô bắt đầu gặt hái kết-quả.

Chiều nay, vừa ăn cơm tối xong thì điện thoại reo.
- Allo, Thanh hả, Nguyệt đây. Mày đang làm gì đó? Dạo này mày có khoẻ không?
- A, Nguyệt hả? Tao vẫn thường, còn mày ra sao? Có gì lạ không?
- Tao lúc nào chả khoẻ? Hôm nay, gọi mày để rủ mày đi chơi xa đây.
- Đi chơi xa hả? Đi những đâu cơ?
- Đi Montreal, Canada. Để tao kể mày nghe: số là tao quen vài người bạn trong đám học TTR và CM tụi mình, nhưng niên-khoá trước mình một năm. Họ đang lo tổ chức đại-hội họp-mặt lần đầu tiên sau 32 năm xa cách. Cho dù không cùng niên-khoá, tao cũng sẽ ghi tên đi cho vui và có giới-thiệu mày với ban tổ-chức như cựu học-sinh CM mà lại đã từng đi hát chuyên-nghiệp. Họ rất là mừng và mời mày tham dự để giúp cho phần văn-nghệ, còn chi-phí chuyên-chở và ăn ở, họ sẽ lo đầy đủ cho mày. Đây cũng là cơ-hội cho mày biết Canada, hình như mày chưa được đi thì phải. Mày nghĩ sao?
- Trời ơi, lâu quá, tao không còn hát, vả lại, tao đâu có quen ai trong niên-khoá đó, tao sợ lạc lõng lắm, thôi, tao không dám đâu.
- Với sức mày, luyện giọng lại một tí là xong chứ có gì đâu? Còn đến đó, đã có tao và một vài bạn niên khoá mình, với lại trước lạ, sau quen, những người này chỉ hơn mình có một tuổi và rất là dễ thương và cởi mở, mày sẽ cảm thấy thoải mái lắm.
- Í à, sao tao ngại quá, mày ơi…
- Thanh ơi, Tao đã quảng cáo mày tối đa để họ mời mày mà bây giờ, mày làm eo, làm sách, mày từ-chối thì tao biết ăn nói thế nào với họ đây? Trời ơi…
Mấy lâu nay, cuộc sống Thanh đã vào khuôn, vào phép rồi cho nên một dự-án bất-thường và bất thình lình như vầy chợt làm cô e ngại, cô không cảm thấy yên tâm cho lắm.
Nhưng Nguyệt cứ cố gắng thuyết phục nên Thanh đành phải nói:
- Vậy thôi, mày cho tao suy nghĩ, tao sẽ xem với mấy đứa con tao, thu xếp chuyện này ra sao đã, rồi tao sẽ gọi lại mày nhé, mày chịu không? Thanh đưa ra vấn đề con cái như để chuẩn bị cớ từ-chối sau này.
- Ừ, vậy mày cố gắng thu xếp với con mày đi, tao nghĩ tụi nó cũng lớn và tự lo cho nhau được rồi. Tao sẽ đợi cú phôn mày sớm. Cố gắng đi nhe.

Gác máy xong, Thanh còn đang băn khoăn thì mấy cô con gái đã nghe lõm bõm câu chuyện, bèn quay lại hỏi mẹ:
- Chuyện gì vậy mẹ?
- Ô, có một nhóm người làm reunion mời mẹ sang Montreal hát và họ sẽ lo hết chi phí cho mẹ, nhưng mẹ không muốn đi lắm.
- Sao vậy mẹ? mẹ có cơ hội đi chơi xa như vậy, mẹ cũng nên đi chứ?
- Mấy lâu này, mẹ không đi đâu, bây giờ nghĩ đi xa, mẹ ngại quá. Vả lại, mẹ đi rồi ai trông nom các con?
- Mẹ ơi, mười mấy năm nay, mẹ đã quên mình để lo cho tụi con, bây giờ tụi con đã lớn rồi, mẹ cũng cần phải nghĩ đến mẹ một chút, tụi con tự lo lấy được mà.
Nhã, cô con gái lớn đến bên mẹ, cầm tay mẹ và nói:
- Mẹ, năm sau con vào đại-học rồi, con đủ lớn để lo cho mấy em vài ngày, mẹ không cần phải bận tâm nữa. Mẹ cứ nhận lời đi đi.
Đến đây, Thanh cảm động vô cùng, cô chỉ biết ôm lấy mấy đứa con và nói:
- Mẹ cám ơn các con thương mẹ như vậy, mẹ cũng mừng. Thôi được, mẹ sẽ suy tính thêm chút nữa xem sao.
Tối hôm đó, nằm trên giường, Thanh không tài nào chợp mắt. Chuyện ngày hôm nay bỗng khiến cô nhìn lại quãng đường đã đi. Suốt bao nhiêu năm nay, lầm lũi bước qua mọi khó khăn, cô đã sống như một cái máy, sống như “nín thở mà sống”, sống như đã không sống. Hôm nay, cô như chợt tỉnh.
Ừ nhỉ? Lúc trước là chuyện sống còn thì mình phải cố gắng phi thường, rốt cuộc rồi mình cũng vượt qua được mọi thử thách. Có lẽ đã đến lúc mình phải tạm lật một trang đen tối trong đời, có lẽ mình cũng nên bắt đầu sống trở lại chứ?
Thanh thở dài và chợt bật khóc nhè nhẹ, như để trút đi một gánh nặng trong lòng.
Như một chút nắng trong nước lạnh.

Hai hôm sau, Thanh gọi lại Nguyệt, cho biết cô nhận lời. Nguyệt mừng lắm và còn trêu thêm:
- Có thế chứ! Mày mà từ chối thì chắc tao giận mày luôn quá.
Sau đó, Nguyệt lo thông báo cho ban tổ-chức và mọi việc bắt đầu được thu xếp với Thanh.

Phi trường Montreal, Canada. Thanh bước ra khỏi trạm kiểm-soát thì một anh người Việt tiến lại và thưa:
- Chào chị Thanh. Nguyệt có gửi ảnh chị cho tôi để dễ nhận ra khi đi đón chị. Tôi là Liêm trong ban tổ-chức và được hân hạnh lo phần tiếp đón chị và chăm lo chị trong thời gian chị ở bên này. Bây giờ tôi xin đưa chị về nhà chúng tôi, vợ tôi đã nấu sẵn chút bún măng để chị ăn lót lòng sau chuyến bay nhé.
Về đến nhà, Hương, vợ Liêm ra đón tận cửa và đưa Thanh lên phòng trong khi Liêm xách va-li Thanh lên theo. Khi Thanh tắm rửa qua loa cho khoẻ và xuống nhà, một tô bún riêu đã chờ sẵn, nóng hổi, thơm phức.
- Trời, anh chị lo cho Thanh kỹ quá, làm Thanh cảm động vô cùng. Xin cám ơn anh chị nhiều.
Đây cũng là một cảm giác mới lạ mà lâu nay, Thanh đã không có: được người chăm sóc cho mình, đưa rước mình, đón tiếp mình như một người khách quí, làm cơm ngon cho mình ăn. Hai mắt Thanh cay xè, cô nhắm mắt lại, tận hưởng giây phút hạnh phúc thật quí báu này.

… Buổi hội-ngộ cựu học-sinh TTR-CM diễn ra trong một bầu không khí thật cảm động. Những “ông bà già” ngũ tuần ngày hôm nay bỗng trở về tuổi học-trò, nhìn nhau ngơ ngác, cố gắng nhận-diện nhau trở lại.
- Có phải mày là…?
- Hình như chị là … phải không?
Có những người tóc đã hai màu nhưng vẫn giữ nét mặt thuở trước, còn có những người thay đổi nhiều, nhìn mãi một lúc rồi mới: - Ô, hoá ra là…
Những cảm-giác này thật khó mà diễn tả được, bao nhiêu kỷ-niệm vui buồn ùn ùn kéo về, khuấy động lại tâm-tư. Tiếng cười nói reo vang như pháo Tết, không khí náo nhiệt như chợ vỡ…

Cây đinh của đại-hội là đêm gala. Các ông thì “dến” vét, cổ thắt cà-vạt, các bà thì “rốp xoa-rê”, cặp nào, cặp nấy như cô dâu-chú rể, tụ lại với nhau từng bàn mười người, tiếp tục trò chuyện. Cho đến lúc anh trưởng ban tổ-chức bước lên sân khấu, chào mừng quan khách, đọc một bài diễn-văn ngắn gọn rồi nhường lời cho cô hoạt-náo viên giới-thiệu phần văn-nghệ:
- Các anh, các chị, các bạn thân mến. Phần văn-nghệ sẽ được mở đầu với một giọng ca mà có lẽ một số đã quen biết từ Sài-Gòn, trong thời-kỳ nhạc trẻ, cũng là một cựu học-sinh CM của chúng ta. Tôi xin giới-thiệu chị Thanh. Xin mời chị Thanh.
Thanh khoan thai bước lên sân-khấu:
- Thanh xin thân chào các anh chị và xin thành thật cám ơn anh chị đã mời Thanh đến tham-dự một buổi hội-ngộ thật vui, thật cảm động như hôm nay. Để mở đầu chương trình, xin mời các anh chị cùng Thanh trở lại tuổi học trò của chúng ta với nhạc bản…

…Rồi từ giọng hát em chợt vút cao, vút cao một trời một trời…

./.

(Còn tiếp)

Yên Hà, tháng 8, 2016

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.