UA-83376712-1

Labels

Apr 26, 2016

30/4 của tôi


Không biết đối với mọi người thì sao chứ đối với riêng tôi thì ngày này nhiều ý-nghĩa lắm: ngoài ngày giỗ Mẹ Việt-Nam ra, còn là ngày sinh-nhật mẹ tôi, đồng thời là ngày giỗ ông nhạc Đoàn Châu Mậu của tôi nữa.

Giỗ Quê-Hương
Ngày đó, chúng tôi đột nhiên trở thành mồ côi Mẹ Việt-Nam, mồ côi quê-hương, đột nhiên làm “người di tản buồn”, biến thành mấy triệu cây phong lan sống bật rễ nơi xứ người.
Ai đã nói: “Đâu cũng là nhà”? Nhưng tại sao mình cứ nói “về” Việt-Nam chơi chứ không ai nói “đi” chơi Việt-Nam? Cũng như đối với bố mẹ, con cái lập gia-đình rồi nhưng “về” thăm bố mẹ chứ không “đến” thăm bố mẹ.
Bốn mươi bảy năm nay, tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi nhưng vẫn chưa được “về” lại quê nhà. Tôi cũng vẫn ở trọ nhà người lạ.

Lâu quá rồi, xa quá rồi. Hình ảnh Sài-Gòn, Việt-Nam đã bắt đầu mờ dần trong ký ức tôi.
Kỷ-niệm Sài-Gòn của tôi vốn đã chả có bao nhiêu vì thuở đó, tôi có một đời sống vô cùng bình dị, ít được đi chơi, đi nghe nhạc, đi “bùm” nhảy đầm, tôi chả biết Cercle Sportif là như thế nào, cũng như tôi ít có được ra khỏi Sài-Gòn. Nhưng cũng có lẽ tiềm-thức tôi đã ranh mãnh “delete” dần những kỷ-niệm đó, có lẽ để tránh cho tôi phải nhung nhớ, nuối tiếc hay đau lòng?
Nhưng làm sao tôi có thể quên được? Mỗi sáng soi gương, tôi vẫn thấy da mình vàng, mũi mình tẹt cơ mà?
Lâu quá rồi, xa quá rồi. Tôi rời xa quê hương đã 47 năm rồi mà. Nếu như có ngày nào, tôi trở lại, chắc chắn là tôi sẽ không còn nhận ra gì nữa. Tên đường đã thay đổi hết, khu nhà tôi hình như cũng đã xây sửa lại hết, và ngay cả ngôn-từ cũng đã trở thành khó hiểu. Tôi sẽ chỉ là một người “Việt kiều” (sao tôi ghét chữ này thế?), một người du-khách (ngoại-kiều?) trong chính quê-hương mình, bên cạnh chính đồng bào mình. Không biết cảm-giác này như thế nào nhỉ?
Nhưng thôi, ngày giỗ thì cứ hướng về quê-hương, thắp nén nhang, lẩm nhẩm cúng vái, cầu xin gì đó rồi thì cuộc sống vẫn tiếp tục và ta vẫn còn sống đây.


Giỗ Bố Mậu
Ông nhạc tôi là cố tài-tử Đoàn Châu Mậu đã từ-giã cõi trần ngày 30 tháng 4, năm 2000. Người nghệ-sĩ làm gì cũng phải xì-tin (style), ra đi cũng phải chọn một ngày thật dễ nhớ để người ở lại không quên được.
Tôi quen vợ tôi hai năm sau khi ông mất cho nên tôi không biết gì về ông. Lúc còn ở Sài-Gòn, tôi cũng chỉ biết tiếng tăm ông thôi chứ tôi cũng chưa hề đi xem một cuốn phim nào của ông cả. Tôi chỉ biết về ông qua những gì con gái rượu ông kể, qua những gì tôi đọc đó đây và điều lạ kỳ là bài viết hay hình ảnh về ông trên Mạng rất ư là hiếm, không hiểu sao?
Nhưng qua những gì tôi biết, tôi thật nuối tiếc không được gặp ông để hai bố con được chia sẻ với nhau, vì chúng tôi nhiều điểm giống nhau lắm : tóc bạc, văn hoá Pháp (cơm Tây, rượu vang, cognac, phó-mát,…), gặm xương, nhậu, tán gẫu, … và dĩ nhiên chút máu nghệ-sĩ. Tôi tiếc lắm và để tỏ lòng tôn kính ông, tôi đã có viết một bài duy nhất : “Bố Mậu”
( http://phu-tran.blogspot.com/2011/06/bo-mau-song.html ).
Bố Mậu ơi, xin hẹn Bố kiếp sau nhé.


Sinh-nhật Mẹ
Mẹ tôi sinh trưởng tại Hưng Yên (bút hiệu tôi gồm có chữ “Yên” của Hưng Yên và “Hà” của Hà-Nội, quê quán bố tôi và tôi). Mẹ tôi sớm mồ-côi mẹ, lúc còn ở nhà sống dưới quyền-uy mẹ ghẻ, lúc đi làm dâu chịu đựng bố mẹ chồng và em chồng vì bố tôi làm nghề “nhà binh”, đóng đô nơi xa nên chỉ thỉnh thoảng về nhà thăm vợ con.
Tôi nhớ mãi có lần mẹ tôi bị em chồng bắt nạt, tôi ức quá, cuốn cái chiếu lại (để đánh cho khỏi đau) đánh cô, sau đó bị ông nội bắt quỳ cả buổi chiều cho đến giờ cơm tối. Mẹ tôi chỉ lặng nhìn tôi, hai mắt rướm lệ.

Bố tôi ít khi về nhà nên nét mặt tôi giống bố nhưng tính tình thì lại có phần gần mẹ hơn.
Điều “phiền” cho tôi nhất là tôi lây của mẹ tôi cái tính “vất vả” qua cái bệnh “ngứa mắt”: thấy có việc là phải làm, làm ngay, làm cho xong mới nghỉ. Có lần sang thăm gia-đình bên Ca-Li, tôi ra cắt cỏ, sẵn cắt luôn bên nhà hàng xóm như bố mẹ tôi thường hay làm. Làm xong, mẹ tôi ra xem, đánh một câu “ Sao cắt cỏ cho người ta mà không quét cỏ vụn, để trông bẩn mắt quá? Không làm thì thôi, đã làm thì làm cho trót!”
Không những thế, tôi còn “bị” cái tội “tiết kiệm”, không bao giờ dám phí phạm thức ăn (cho nên bây giờ trên bàn ăn, lúc nào cũng phải làm “thùng rác”, khiến cái bụng tôi nó cứ phưỡn ra), phí phạm nước, điện, ... cái gì còn dùng được cứ “phải” dùng, không dùng thì phải đem cho chứ không được vất.
Chưa hết, mẹ tôi còn truyền cho tôi cái "bệnh 
Lưu Bị", một nguyên-tắc thật khó chịu là “Thà để người phụ mình chứ mình không phụ người”. Lưu Bị mà sống lại chắc cũng thua mẹ tôi thôi.
Đấy, gia tài của Mẹ là vậy.
Nói cho cùng, nhờ mẹ tôi mà tôi cũng được nên “tháo vát”, cái gì cũng biết tập mà làm, mà sửa, mà chữa. Lúc còn ở Sài-Gòn, tôi tự vá lốp xe đạp, keo dán thì làm lấy bằng tí cao-xu đế giầy xăng-đan ngâm trong xăng, còn miếng vá thì cắt từ lốp xe cũ ra. Cho nên, tôi ít khi phải gọi thợ lắm. Lại số vất vả mà.

Mẹ tôi cả đời hy sinh cho chồng con, giờ về già, chưa kịp hưởng được bao nhiêu thì lại bị stroke nặng, khiến nửa người bị liệt và miệng thì chỉ biết ú ớ hai ba chữ. Tôi thương xót mẹ tôi quá. Mẹ cứ hay nói “Ở hiền gặp lành” mà sao ông giời hành Mẹ như vậy? Thật “bất công” quá.
Thôi, số cả, Mẹ nhỉ? Sinh nhật Mẹ, con chỉ biết cầu xin Trời Phật thương lấy Mẹ xin cho Mẹ hai chữ “bình an” vậy.


Lại một 30/4. Cứ đến khoảng thời gian này là tôi lại trở về với những nỗi buồn này, nhớ nhà, xót Mẹ, tiếc Bố Mậu. Ôi, 30/4 của tôi.

Yên Hà tháng 4, 2016

2 comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.