UA-83376712-1

Labels

Jan 14, 2016

Đi tìm Tự-Do (Phần 6) - Thuỵ Uyên

… ( Tiếp theo phần 5)



Đứa em trai thấy Mẹ hớt hãi, cũng hoảng sợ, khóc òa. Một anh lính Mỹ đi lại, Mẹ vồ lấy anh ta:
- My husband, my husband?
- Who is your husband?
Mẹ không rành tiếng Anh lắm, không biết làm sao trả lời anh ta, chỉ mếu máo đi theo đám người về một góc tàu. Ngồi xuống nghỉ, Mẹ lo lắng vô cùng, nước mắt không ngừng trôi. Một người Việt Nam bên cạnh biết chuyện, an ủi Mẹ:
- Thôi, Bà đừng khóc nữa, chắc ông nhà không việc gì đâu, hả?

Chị Vy lúc ấy xen vào:
- Sao lạ vậy, lúc ấy Bố đi đâu?

Bố cười gượng:
- Thế này này. Ở trực thăng bước xuống tàu, hai mẹ con đi trước, Bố bế thằng Chí định xuống theo, anh lính Mỹ ngăn lại, chia người ra từng nhóm. Bố cũng không hỏi, đinh ninh Mẹ sẽ đứng chờ. Nào ngờ, khi xuống tàu, chả thấy hai mẹ con đâu cả, không biết họ dẫn hai mẹ con đi đâu mất. Bố cuống lên, hỏi chung quanh, nhưng không ai trả lời được. Thôi thì đành chịu thất lạc hai mẹ con vậy. Trong bụng Bố lo lắng, chỉ sở họ chuyển sang tàu khác.
Tôi sốt ruột hỏi:
- Thế rồi có bị chuyển đi không?
Mẹ cười toe:
- Không, đây này, buồn cười lắm.

... Lúc ấy, trời đã sâm sẩm tối. Trên tàu, họ phát cho mỗi người một hộp thức ăn, và một tấm chăn. Họ ra lệnh bắt tất cả ngồi xuống im lặng. Mẹ kéo tay thằng Quỳnh, ngồi dựa lưng vào một góc tàu, mở gói thức ăn. Nghĩ đến Bố và thằng Chí, Mẹ buồn bã vô cùng, không tài nào nuốt trôi. Ăn uống xong, thằng Quỳnh mệt mỏi, ngủ ngay. Mẹ nhìn chung quanh, đám người đồng hương tị nạn nằm la liệt rải rác trên tàu. Đã khuya lắm rồi. Trời phẳng lặng như tờ, chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào đập vào thân tàu. Ngọn đèn nhỏ chiếu xuống khoang tàu khẽ lung lay trong gió. Mẹ thiếp đi.

Còn đang mơ màng, tiếng còi tu huýt vang lên, đánh thức mọi người. Mẹ vươn vai đứng dậy, duỗi chân tay. Mình mảy Mẹ ê ẩm, tuy nhiên, Mẹ cảm thấy đỡ mệt nhiều. Họ lại bắt đứng xếp hàng đi lấy thức ăn sáng.
Nhìn những người đồng hương cười nói vui vẻ bên cạnh, Mẹ bớt u sầu, rảo mắt kiếm mái tóc bạc của Bố. Gia đình đứng sau lưng Mẹ bàn tán:
- Nghe nói chốc nữa, trực thăng sẽ đến chở mình ra nơi khác. Lần này không biết họ sẽ chuyển mình đi đâu.
Nghe họ nói thế, Mẹ lại lo lắng, quay sang thằng Quỳnh:
- Con cố tìm xem, có gặp được Bố không nhé?

Nắng đã lên cao. Biển rộng bao la, xanh ngát. Chiếc chiến-hạm lênh đênh, đứng hiên ngang ngạo nghễ giữa lòng biển. Mẹ bâng khuâng tự hỏi không biết mình đang ở đâu. Nắm tay thằng Quỳnh, hai Mẹ con đi quanh quất trên tàu, hy vọng tìm được Bố.
Chiều lại đến. Trên tàu đã vơi đi một số người. Đến giờ ăn tối, Mẹ con lại lục đục ra xếp hàng như mọi khi. Bất thình lình, một mái tóc bạc thoáng ẩn hiện trước mặt giữa đám đông. Mẹ vội nhín người ra, và reo lên:
- Ấy Bố kìa.
Quên cả mình đang đứng xếp hàng, Mẹ rảo bước nhanh đến gặp Bố. Hóa ra, khi bước xuống trực thăng, Mẹ bị dẫn đến góc tàu bên này, trong khi Bố sang cuối tàu bên kia. Chiếc tàu rộng mênh mông, vả lại, trên tàu có kỷ luật, họ không cho mình đi đi lại lại nhiều trên tàu. Mẹ đâu có nghĩ rằng Bố ở đầu tàu bên kia? Cứ tưởng họ chuyển Bố sang tàu khác.
Mẹ cười cười nói thế.

Sống bấp bênh trên biển cả hai ngày, qua ngày sau, chiếc trực thăng trở lại đón Bố Mẹ bay sang trại tị nạn tại tiểu bang Arkansas. Ở trong trại, thỉnh thoảng, Bố Mẹ cũng gặp một ít người quen, nên đỡ buồn tẻ. Hội Hồng Thập Tự cộng tác chặt chẽ với chính quyền, lo giấy tờ đầy đủ cho những người tị nạn.
- Và rồi ra sao, thì các con cũng đã biết. 
 Bố ngừng kể. Mẹ tiếp:
- Thôi thì cứ cám ơn Trời Phật phù hộ, đã ban phước lành cho gia-đình mình. Nghĩ mà thương mấy Bố con thằng Khang quá.
Tôi thắc mắc:
- Không hiểu tại sao anh ấy lại có thể đi lạc nhỉ?
Mẹ không trả lời, hỏi:
- Thế còn các con và anh Bạch ra sao?
Tôi và chị Vy thay phiên nhau thuật lại cho Bố Mẹ. Tôi ngỏ ý muốn kiếm việc làm. Bố gật gù:
- Các con cũng đã lớn. Nếu có việc làm, đỡ cho anh Bạch con cũng tốt, đi học thêm cũng không sao. Bố Mẹ chả cần gì đâu. Có tất cả các con bên cạnh là đủ. Các con cứ tính với nhau nhé?
Anh Bạch lên tiếng:
- Việc trước hết, con nghĩ chúng ta nên mua căn nhà rộng hơn. Chỗ này chỉ một phòng ngủ, bé quá, không tiện. Con đã xem qua với Trung. Có một căn nhà trên San Diego ba phòng ngủ, không đắt lắm. Nhà ấy có thêm một phòng nhỏ bên hông mà người chủ dùng như vựa để chứa những thứ lặt vặt. Mình có thể biến phòng ấy thành một phòng nữa. Rất tốt. Ngày mai, con và Trung sẽ trở lại xem sao. Bố đi với tụi con nhé?
- Được, tốt lắm.

Tôi kéo tay Mẹ:
- Con thấy Bố Mẹ có hai thùng gì đó. Quần áo hay gì thế?
- À, tí nữa lại quên. Để Mẹ mang ra đây
Thằng Quỳnh đứng đấy, vội nói:
- Con khiêng ra cho Mẹ.
Mẹ mở thùng ra. Bên trong, một vài bộ quần áo, một ít giấy tờ quan trọng, một gói ít tiền bạc và nữ trang, và một quyển album hình. Tôi nhận ra là quyển album Mẹ cưng quí nhất. Mẹ cất giữ đầy đủ hình từ thuở còn trẻ ngoài Bắc, cho đến khi lập gia đình lấy Bố, rồi đến các con cháu. Cả nhà xúm lại xem hình. Tôi sực nhớ đến mớ quần áo anh Trung mua tặng, vội mang ra cho Bố Mẹ xem. Mẹ ướm thử vào người, nói:
- Mấy bộ này, Mẹ đâu mặc được? Trong trại, họ đã cho một ít quần áo cũ, Mẹ có đủ rồi, mặc tốt lắm.
- Ngày mai mình đi shopping mua thêm một ít cho Bố Mẹ.
Mẹ lắc đầu:
- Thôi con ạ. Để tiền đó giúp anh Bạch con mua nhà hơn.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Bố Mẹ đến đây đã gần một tháng. Chỉ còn vài tuần nữa, chúng tôi sẽ dọn sang nhà mới. Cả gia đình tôi gom góp hết tiền bạc và nữ trang mang theo được, đưa cho cô bạn của anh Bạch, nhờ cô ta bán hết đi. Vỏn vẹn chỉ vừa đủ giúp anh Bạch đặt tiền cọc mua nhà, chúng tôi hớn hở, nóng lòng trông chờ ngày dọn đi.

Hôm ấy, tôi loay hoay giúp Mẹ dọn dẹp trong nhà bếp. Tiếng điện thoại reo:
- Uyên ơi, điện thoại của em này. Chị Vy gọi tôi.
Tôi bắc ống nghe. Thì ra, một nhóm bạn nghệ sĩ cũ dạo còn ở Saigon gọi, muốn mời tôi cộng tác với họ tại một phòng trà trên tỉnh Hollywood. Họ nói kiếm được số điện thoại của anh Bạch, qua một người quen biết và gặp lại Bố trong trại ở Arkansas.
Sau khi gác máy, tôi ngồi thừ ra suy nghĩ. Mong mỏi có việc làm bao tháng nay, vẫn chưa kiếm được, tôi những nghĩ đây là cơ hội tốt. Tôi lại chợt nhớ đến những lời anh Bạch dặn dò hai chị em khi chúng tôi mới sang:
- Nếu hai em muốn kiếm việc, anh khuyên nên cố kiếm việc gì cho vững chắc. Dĩ nhiên, việc làm nhiều tiền thì tốt, nhưng kiếm tiền nhiều hay ít, không quan trọng. Quan trọng là kiếm việc lâu bền, có đầy đủ bảo hiểm và quyền lợi. Hai em nên nhớ lời dặn của anh.

Tôi đã từng đi ca hát tại Saigon. Tôi rất hiểu cuộc sống nghệ sĩ này, tuy vui, nhưng bấp bênh, không nhất định. Tôi lại vừa được đoàn tụ với gia đình, tôi chưa muốn lại phải lìa xa bố mẹ, rời San Diego lên Hollywood. Tôi rối trí quá, bèn hỏi ý kiến Bố Mẹ.
- Thật ra, vấn đề quan trọng là con có thích hay không thôi. Dĩ nhiên, hoàn cảnh gia đình chúng ta hiện tại hơi khó khăn, nhưng Giời sinh voi sinh cỏ, các con không cần phải lo lắng cho Bố Mẹ nhiều quá. Các con đều đã trưởng thành, rồi cũng phải sống cho các con chứ, phải không? Bố nói thế.
Anh Bạch ngỏ ý:
- Anh biết bên này, chính phủ Mỹ có chương trình trợ cấp cho những gia đình tị nạn. Anh sẽ dò hỏi chuyện đó cho Bố Mẹ xem sao. Em đừng lo lắng, nghe chưa? Tùy em thích như thế nào, gia đình sẽ ủng hộ em.
Tôi tư lự, suy nghĩ cả buổi hôm ấy. Tối đến, nằm ngủ bên cạnh chị Vy, tôi hỏi:
- Hôm nay không thấy chị nói gì cả. Chị nghĩ sao?
- Chị em mình cố gắng kiếm việc để đỡ cho anh Bạch bao nhiêu tháng nay không được. Chị rất buồn.
Nay thêm cả gia đình đến đông như thế, không thể nào ăn không ngồi rồi mãi. Em có dịp có việc, chị nghĩ em cứ nên nhận, kiếm được đồng nào hay đồng nấy, thích hay không thích hẵng tính sau. Nếu em nhận lời, chị sẽ theo em lên đó, xem có gì trên ấy cho chị không. Rồi mình sẽ kiếm việc khác khá và bảo đảm hơn, chắc cũng dễ dàng. Ở đây xem chừng khó quá.
Tôi vui vẻ:
- Nói đúng ra, em không ham gì cho lắm. Và em đang nghĩ em lại phải lên đó có một mình, em lại càng không thích. Nhưng chị đã nói vậy, thì thật có lẽ cũng phải thử.
- Ừ, thế ngày mai, chị em mình nói chuyện với Bố Mẹ và anh Bạch nhé? Thôi, ngủ đi em.

Sáng hôm sau, khi biết ý định chị em tôi, Bố Mẹ vui vẻ chấp thuận. Mẹ nói thêm:
- Nếu có hai chị em với nhau, Bố Mẹ đỡ lo lắng.
Anh Bạch xen vào:
- Từ San Diego lên Hollywood không xa lắm. Có buýt, có xe lửa đi đi về về Los Angeles luôn ấy. Thỉnh thoảng về thăm Bố Mẹ, hoặc anh sẽ lái đưa Bố Mẹ lên chơi. À, mà mấy em định ở đâu?
- Em cũng chưa biết, em sẽ hỏi ban nhạc xem sao.      

Được Bố Mẹ đồng ý, tôi liên lạc ngay với ban nhạc. Chúng tôi hẹn cùng nhau lên Hollywood, đến gặp ông chủ nhà hàng ca nhạc, và bàn chuyện ký hợp-đồng. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị em tôi, ông ta giới thiệu chị Vy làm việc trong cửa hàng bán quà cho du khách. Cửa hàng nằm trong khách sạn, rất tiện lợi cho chị em tôi. Ông ta còn sốt sắng nói thêm:
- Thế này, hai cô cứ ở tạm trong khách sạn. Ăn uống thì cứ xuống nhà hàng ăn, không phải lo gì cả. Từ từ rồi kiếm nhà dọn ra sau.
Chị em tôi ứa nước mắt cảm động, nhận lòng tốt của ông ta.

Tuần lễ gia đình tôi dọn vào nhà mới, cũng là tuần lễ chị em tôi lên Hollywood, bắt đầu chen chân vào thử thách mới.
Được hơn một tháng, chúng tôi dọn ra ngoài, cách khách sạn khoảng ba con đường nhỏ, và cùng nhau mua lại chiếc xe cũ để tiện việc di chuyển trong thành phố. Tiếng đồn ban nhạc tị nạn Việt Nam đầu tiên tại nước Mỹ loan đi nhanh hơn cơn gió lốc. Ba ngày mỗi cuối tuần, nhà hàng chật ních với khách Việt từ bốn phương kéo đến ủng hộ, đông và vui như hội hè. Chị em tôi đùm bọc lấy nhau, tạm sinh sống qua ngày.
Ngày này qua tháng nọ, tôi lăn lóc trong cuộc đời nghệ sĩ, đêm đêm thức khuya, cực lực tranh đấu cất tiếng hát đổi lấy miếng ăn. Chống chọi với bao nhiêu lời khen chê của khách, chạy đua không ngừng theo mode quần áo thời trang, son phấn, tôi cảm thấy mệt mỏi. Hơn một năm sinh sống bấp bênh với nghề này, tôi không để dành được bao nhiêu. Tôi nhận thức ra được, đây không phải là ước vọng tương lai của tôi. Trên đất lạ quê người, tôi chỉ mong muốn một cuộc sống êm ả bình thường, nhưng vững chắc như lời anh Bạch đã căn dặn. Tôi định bụng đến đầu tháng sau, sẽ nói chuyện từ giã với ông chủ và anh chị em trong ban nhạc.
- Bây giờ em bỏ ngang như thế, cũng hơi phí đấy nhỉ? Chật vật lắm, chị em mình mới kiếm được chút ít để giúp đỡ gia đình. Nhưng chị cũng cảm nhận ra được vấn đề này, và chị hưởng ứng quyết định của em. Hay là thế này? Em cứ tạm thời tiếp tục hát hỏng cho đến khi kiếm ra việc như ý muốn, rồi hãy bỏ nhé?
Chị Vy khuyên thế. Tôi gật đầu.

Cho đến một hôm, tôi gặp và quen Sơn Khuê, người bạn gái VIệt Nam đầu tiên của tôi tại nước Mỹ. Khuê làm dịch vụ xã hội cho một cơ quan chính phủ, và sinh sống tại vùng Los Angeles đã lâu. Khuê nói, vẫn thường đến phòng trà mỗi tuần nghe tôi hát. Chúng tôi quen nhau, rất tâm đầu ý hợp. Nghe tôi kể chuyện gia đình chạy loạn sang đây, Khuê cảm động ứa nước mắt, nắm tay tôi, nói:
- Bây giờ chúng ta là bạn, Tú Uyên cần Khuê giúp gì, cứ nói, Khuê sống một mình, nên cũng khá rảnh rỗi.
Biết được ý định kiếm việc khác của tôi, Khuê sốt sắng:
- Uyên đừng lo. Chuyện gì chứ kiếm việc cho người ta là nghề của Sơn Khuê này. Khuê sẽ giúp cho.
Quả nhiên, chỉ vài hôm sau, Khuê ghé nhà chị em tôi, báo tin mừng:
- Khuê đã làm cái hẹn cho Uyên đến gặp một ông chủ tuần sau. Ông ta đang cần người giúp việc vặt trong sở. Công ty này sản xuất máy may và các thứ phụ tùng ở ngoại-ô Los Angeles. Uyên ráng đi nhe?

Ngày hôm ấy, tôi sửa soạn đến gặp ông Edmond. Đợi ngoài phòng tiếp tân, tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, bụng cứ đau thóp lại. Tôi chưa hề làm qua công việc trong văn phòng, suy nghĩ phải ăn nói ra sao, đi đứng như thế nào. Còn đang vẩn vơ, bà thư ký gọi tôi vào. Ông Edmond mặt mày phúc hậu, mái tóc bạc như bố tôi, dáng người cao lớn. Ông ta bắt tay tôi:
- Mời cô ngồi.
Tôi khép nép ngồi vào mép ghế, chân tay luống cuống, miệng khô ran. May mà Anh văn tôi khá vững. Tôi nhìn sững vào ông Edmond. Sau vài câu thăm qua về thân thế tôi, ông ta hỏi:
- Tôi đang cần người giúp việc trong văn phòng. Cô biết trả lời điện thoại cho khách?
Tôi lắc đầu.
- Cô biết đánh máy chữ?
Tôi lại lắc đầu.
- Cô biết thu xếp dọn dẹp theo thứ tự và cất hồ sơ?
Tôi lại lắc đầu, người tôi toát mồ hôi. Ông Edmond nghiêm nghị:
- Thế thì nói cho tôi biết. Cô làm gì được?
Tôi bặm môi, cố ngăn giọt nước mắt:   
- Dạo ở quê nhà, tôi đi hát.
Ông Edmond bật cười:
- A, hay quá nhỉ? Anh văn của cô vững lắm. Thôi, không làm phiền cô nữa. Có gì thay đổi, tôi sẽ cho người gọi lại.
Ông ta đứng dậy bắt tay tôi. Tôi lí nhí câu cám ơn, bước ra ngoài.
Tôi ghé đến nhà Khuê. Khuê đang chờ tôi về. Thấy mặt tôi buồn hiu, Khuê hỏi tới:
- Sao, có được không?           

... (xin xem tiếp phần 7)

Thuỵ Uyên

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.