UA-83376712-1

Labels

Feb 17, 2015

Nhạc cổ-truyền Việt-Nam (2/2) : Nhạc sân khấu

1. Nhạc nghi-lễ
2. Nhạc thính phòng

3. Nhạc sân khấu

3.1 Hát xẩm
Trong bài hát "Thằng Cuội", có hai câu:
"... Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ..."

Xẩm là một loại hình dân ca phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. 
"Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị - đi hát rong kiếm sống và do đó hát xẩm còn có thể coi là một nghề. 

Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị (đàn hai giây) và sênh (nhạc cụ gõ để đệm nhịp). Nhóm hát xẩm có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh  phách bàn. 
Để thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo, loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. 
Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). 
Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáo  thanh la cũng có thể hiện diện trong hát xẩm.

Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ  xẩm cô đầu
Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát xẩm cô đầu thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. 

Xẩm tàu điện của người Hà Thành
Thế kỷ XX, phương tiện đi lại ở Hà Nội chủ yếu là xe tay kéo và tàu điện. Nơi đây đã sản sinh ra một nhánh trong loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc, đó là xẩm tàu điện. 
Mặc dù xẩm có nhiều loại nhưng xẩm tàu điện thì chắc chắn chỉ Hà Nội mới có. Nếu ca trù, hát cô đầu là “đặc trưng” của phố Khâm Thiên, thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ. 
Xẩm tàu điện khác với xẩm chợ, xẩm lễ hội là luôn phải chuyển tàu, chuyển toa tìm khách mới nên các đoạn hát thường ngắn gọn, luôn thay đổi nội dung nếu không khách sẽ chán vì phải nghe đi, nghe lại, nhất là các khách thường ngày đi tàu.

Cho đến tháng 2 năm 2013, tỉnh Ninh Bình với nghệ nhân Hà Thị Cầu (1928-2013) được coi là người hát xẩm cuối cùng của thế-kỷ. 

Xin mời các bạn nghe:

3.2 Hát chèo
Chèo là một loại hình nghệ-thuật sân-khấu dân-gian Việt-Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam mà trọng tâm là vùng đồng-bằng Bắc-Bộ. 
Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân-tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung-Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch Nô thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.

Chèo bắt nguồn từ âm-nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế-kỷ 10. 
Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Sự phát triển của chèo có một mốc quan trọng là thời điểm một binh sỹ quân đội Mông-Cổ đã bị bắt ở Việt nam vào thế-kỷ 14. Binh sỹ này vốn là một diễn viên nên đã đưa nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc vào Việt Nam. Trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật do người lính bị bắt mang tới, chèo có thêm phần hát.

Không giống Tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, Chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ-tích, truyện Nôm. 
Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại-hình nghệ-thuật dân-gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó là hình thức kể chuyện, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. 

Xin mời các bạn nghe/xem một vài vở chèo tiêu biểu: 
Lưu Bình Dương Lễ   https://www.youtube.com/watch?v=ighSltPj9yU
Quan Âm Thị Kính   https://www.youtube.com/watch?v=5yl5dlS0-dU... 

3.3 Hát tuồng
Tuồng, tức hát bộ, còn gọi là hát bội hay luông tuồng là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt-Nam.
Ở miền Trung trở ra gọi Tuồng do chữ "Liên Trường" là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ "liên trường" do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng".
"Bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn. Vì vậy mới gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ". 
Gọi là "hát bội" bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. 

Theo truyền-thuyết, Hát tuồng đã du nhập từ Trung-Hoa vào nước ta từ đời vua Lê Long Đĩnh và sau đó thời Hưng Đạo Đại Vương. Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634).

Những trường phái lớn trong hát bội là: Tuồng cung-đình Huế, Tuồng Quảng Nam, Tuồng Bình Định, Tuồng Gia-Định và Tuồng Bắc. (Hát bội xuất phát từ miền Trung nên xin tạm ghi trong phần này.)

Lối diễn xuất thường được khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái "tâm" của nhân vật thiện, ác. Thậm chí lên ngựa, xuống ngựa còn phân biệt Bộ của trung tướng khác bộ dạng nịnh thần. Mọi động tác đã thành thông lệ hay ước lệ.Theo Việt Nam tân từ điển : Đây là lối hát theo tích tuồng xưa mà mỗi vai tuồng đều hóa trang theo một lối đặc biệt riêng của tinh thần vai tuồng đó trong khuôn khổ, mẫu mực của mỗi vai trung, nịnh, vua, tôi và diễn tả hoàn toàn bằng điệu bộ riêng của mỗi vai khi lên ngựa, lúc qua hào, lúc làm vua, khi làm giặc...

Điệu hát quan trọng nhất trong hát bội là "nói lối", tức là nói một lúc rồi hát, thường để mở đầu cho các khúc hát khác. "Nói lối" có hai giọng chính là "Xuân" và "Ai". 
"Xuân" là giọng hát vui tươi, còn "Ai" là bi thương, ảo não.

Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến (loại trống nhỏ), đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo.

Vở tuồng tức bài tuồng là một thể văn riêng trong văn-học ta. Lối trình bày tuồng dùng nhiều thể văn học như Đường Thi, phú, song thất lục bát và lục bát ghép với lễ nhạc và một số điệu múa. Lời văn thì nhiều khi có vần và có đối.
Tuồng tích trong vở diễn của hát bộ thường là các cổ tích, kịch bản phóng tác từ kinh điển truyện cổ Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Vạn Hoa Lầu, Ngũ Hổ Bình Tây... Tuồng tích đã sẵn trong sách nên người xem phần lớn đều biết rành kịch tình và đến rạp chỉ xem kịch tính của các nghệ sĩ và đạo diễn mà thôi. 

Xin mời các bạn xem/nghe  "Phàn Lê Huê phá Ngũ long trận"

3.4 Cải lương
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt-Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ.
Giải thích chữ "cải lương" (改良) theo nghĩa Hán-Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: "Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn", thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản." 
Sau khi cải lương thì nghệ thuật Cải Lương đã khác hẳn với nghệ thuật hát bội cả về nội dung và hình thức.
Năm 1920, gánh Tân Thinh có 2 câu đối treo trước sân khấu :
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Khởi đầu, Các tài tử còn ca các bài cũ kiểu "độc thoại " và chưa có ra bộ tịch gì hết. Bắt đầu năm 1916, loại ca đối thoại xuất hiện, nhiều người hát chung, và gọi đó là "Ca ra bộ" (vừa ca vừa ra bộ). Bài hát điển hình nhất là bài "Tứ đại oán " (Bùi Kiện thi rớt ) phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) tại nhà thầy Phó Mười Hai.

Về thời gian ra đời, theo Vương Hồng Sển thì kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1918, khi tuồng "Gia Long tẩu quốc" được công diễn tại Nhà Hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ này mới "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách... nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ..."

Tại miền Nam, thập-niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam, lấn át cả tân nhạc.
Các sân khấu cải lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nên ngày nào cũng có diễn xuất, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc, và một số ca sĩ tân nhạc phải tìm cách chuyển nghề sang hát cải lương để tìm kiếm thành công như Hùng Cường.

Trong những giải thưởng của ngành Cải lương thời đó, nổi tiếng và uy tín có giải Thanh Tâm, do ông ký giả Thanh Tâm (tên thật là Trần Tấn Quốc) thành lập, hoạt động từ năm 1958 đến năm 1968, mà người nhận giải đầu tiên là nữ nghệ sĩ Thanh Nga. 
Những soạn giả tuồng nồi tiếng trong thời này có Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bảy Cao, Thiếu Linh, Thu An, Viễn Châu (sáng tạo hình thức Tân-cổ giao-duyên, tức là hát cải lương chung với tân nhạc). 
Những gánh hát cải lương nổi tiếng thời này có đoàn Thanh Minh, Thống Nhứt, Tiếng Chuông Vàng,... với những nghệ sĩ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa, v.v...

Bố-cục
Khởi sự, các vở cải lương viết về các tích xưa, như Trảm Trịnh Ân, Vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên, Cao Lũng vít thiết xa, Ngưu Cao tảo mộ, Thoại Khanh Châu Tuấn... hãy còn giữ mang hơi hướm theo kiểu hát bội, do các soạn giả lớp cải lương đầu tiên vốn là soạn giả của sân khấu hát bội.
Sau này, các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội), như Tội của ai, Khúc oan vô lượng, Tứ đổ tường... thì hoàn toàn theo cách bố cục của kịch nói, nghĩa là vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. 
Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương, kể cả các vở viết về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói.

Đề tài và cốt truyện
Buổi đầu, kịch bản cải lương lấy cốt truyện của các truyện thơ Nôm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, ... hoặc các vở tuồng hát bội, hoặc phỏng theo truyện phim và kịch bản Pháp, như Giá trị và danh dự (Le Cid), Tơ vương đến thác (La dame au camélias)...
Vào những năm 1930, đã xuất hiện những vở mới, viết về đề tài xã hội Việt Nam.
Sau đó, lại có thêm các kịch bản dựa vào các truyện cổ Ấn-Độ, Ai-Cập, La Mã, Nhật bản, ...
Thế là cải lương có đủ loại tuồng ta, tuồng Tàu, tuồng Tây..., sau có thêm dạng tuồng kiếm hiệp, tuồng Hồ Quảng v.v...chứng tỏ khả năng phong phú, biết đáp ứng sở thích của nhiều tầng lớp công chúng.

Ca nhạc
Các loại hình sân khấu như hát bội, chèo, cải lương được gọi là ca kịch. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch, vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc có sẵn, cốt sao cho phù hợp với các diễn biến cùng sắc thái tình cảm của câu chuyện.

Dàn nhạc
Dàn nhạc Cải Lương có một vai trò đặc biệt trong tuồng diễn, đến nỗi, không có dàn nhạc thì không thể thành một tuồng diễn. Dàn nhạc trong Cải Lương không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ, phụ hoạ cho giọng hát, mà còn tô điểm thêm cho từng giai điệu để làm nổi bật chiều sâu tâm lý của nhân vật, tạo thêm kịch tính cho kịch bản, góp phần cho sự thành công của tuồng diễn.
Có một điều đặc biệt cần chú ý là ngay từ buổi đầu, lúc mới khai sinh, trong nghệ thuật Cải Lương đã có sự tồn tại song song của hai dàn nhạc: dàn nhạc cổ và dàn nhạc tân. 
Dàn nhạc cổ luôn giữ vai trò chủ chốt và là linh hồn của tuồng Cải Lương. Dàn nhạc cổ cũng mang đậm nét truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật âm nhạc Cải Lương. Dàn nhạc cổ thường sử dụng những nhạc cụ như: đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn sến, sáo trúc...
Dàn nhạc tân trong tuy chỉ đóng vai phụ, nhưng cũng rất tích cực, đồng thời cũng rất đa dạng về nhạc cụ. 

Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất như kịch nói, chỉ khác là diễn viên ca chứ không nói. Cử chỉ điệu bộ phù hợp theo lời ca, chứ không cường điệu như hát bội. 

Thân mời các bạn nghe-xem: 

Tình anh bán chiếu https://www.youtube.com/watch?v=ntPPYHOYli8

Vọng cổ
Vọng cổ, hay vọng cổ Bạc Liêu, là một điệu nhạc rất thịnh hành ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Việt Nam. Nó được bắt nguồn từ bài "Dạ cổ hoài lang" (nghe tiếng trống đêm, nhớ chồng) của nghệ sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) sáng tác năm 1918. Bản vọng cổ là một trong những điệu nhạc căn bản của sân khấu cải lương.


Bài "Dạ cổ hoài lang" có 20 câu, hai nhóm đầu mỗi nhóm 6 câu, hai nhóm sau mỗi nhóm 4 câu. Mỗi câu trong bài có 2 nhịp, gọi là nhịp đôi.
Câu 2 nhịp, tuy nhiên, không thỏa mãn được nhu cầu của các nhà soạn nhạc. Bản nhạc (bản vọng cổ luôn gọi là "bản", không gọi là "bài") được tăng lên 4 nhịp, tức nhịp tư, trong khoảng thời gian 1927-1935. Sau đó tăng lên nhịp tám vào những năm 1936-1945, và cũng khoảng thời gian này được mang tên bản "Vọng cổ". Từ nhịp tám lên nhịp 16, 32, 64, 128,... Bản thông dụng nhất hiện nay là bản nhịp 32.

Tại miền Nam trước 1975 có trên 50 gánh hát lưu diễn quanh năm. Ngày nay số gánh hát vẫn tương đương và tiếp tục phát triển nghệ thuật cải lương ở Việt Nam, trong khi ở hải ngoại ngành cải lương không còn thu hút khán giả nữa, và các nghệ sĩ cải lương tỵ nạn đã phải tìm một nghề khác để mưu sinh.

Thân mời các bạn nghe-xem: 

Dạ cổ hoài lang (Hương Lan)  https://www.youtube.com/watch?v=oC_dAbMWBeg
Xuân này con không về  https://www.youtube.com/watch?v=-gjA5jYWx-0


3.5 Tân cổ giao-duyên
Tân cổ giao duyên là hình thức nghệ thuật sáng tạo kết hợp độc đáo giữa cổ nhạc và tân nhạc phát triển cực thịnh vào những năm 1960, 1970. Ở đây, bài ca 6 câu vọng cổ được cắt bớt đi 2 hoặc 3 câu để xen vào đó một đoạn “Tân nhạc".
Hầu hết các tài liệu nghiên cứu và cả những ghi nhận của giới chuyên môn, những nhân chứng sống của âm nhạc và sân khấu cải lương miền Nam đều công nhận soạn giả - NSND Viễn Châu chính là cha đẻ của “tân cổ giao duyên”. Ông còn được biết đến trong vai trò nhạc sư, danh cầm đàn tranh với ngón đờn tuyệt hảo và là một trong năm danh cầm xuất chúng xuất thân từ đờn ca tài tử Nam Bộ với một tên gọi khác là nhạc sĩ Bảy Bá. 

Thân mời các bạn nghe:

Lan và Điệp (Ngọc Huyền và Phương Vũ)
https://www.youtube.com/watch?v=WkKgPQUbSdE

Tuyển-tập https://www.youtube.com/watch?v=DPLCJLyCBWU


4. Kết-luận
Làm một vòng các thể-loại nhạc cổ-truyền (cổ-nhạc) của dân-tộc, tôi mới thấy nền âm-nhạc mình phong phú như thế nào và tôi cảm thấy thật hãnh-diện với nền văn-hoá âm-nhạc trên bốn ngàn năm văn hoá của mình.

Chỉ tiếc là "Có mới, nới cũ", chúng ta mỗi ngày, mỗi thế-hệ, chạy theo "đời mới" và bỏ quên đi mất văn-hoá của mình.
Đối với người Việt tha-hương chúng ta, hiểu được nhạc mình, biết qua nhạc người, dung hòa hai nền nhạc Âu và Việt để đừng bị mất gốc, mất rễ và có thể dạy dỗ con cháu thuộc thế hệ sau. Tự hào nhạc Việt, cũng như tự hào tiếng nói Việt, văn hóa Việt là nung nấu chí khí quật cường bất khuất của dân tộc Việt, là nuôi dưỡng tình yêu quê hương, tình thương dân tộc để xứng đáng là con cháu dòng dõi Lạc Hồng. (Trần Quang Hải)

Riêng tôi đã bắt đầu viết loạt bài sưu-tầm "Tiếng nước tôi", ghé qua nhạc cổ-truyền, tìm hiểu về phong tục Tết Tây, Tết ta, ... không ngoài hoài bão này.
Và chia sẻ hoài bão này với các bạn đọc trên những trang này là mong ước sao:
"Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn". (Phạm Quỳnh)
"Văn hoá ta còn, nước ta còn" trong tâm can ta.

Yên Hà, tháng 2, 2015

Tài-liệu nguồn:
Chèo, Wikipedia  

Xẩm, Wikipedia

Xẩm tàu điện của người Hà Thành 

Hát tuồng 

Cải lương (Wikipedia)

Trần Quang Hải : Một Vài Vấn Đề Về Nhạc Cổ Truyền Việt Nam

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.