UA-83376712-1

Labels

Apr 26, 2012

Còn ai thương dân tôi ?





Hỡi anh đi đường Cái Quan
Dừng chân đứng lại
Cho em đây than đôi lời

Đi đâu vội mấy anh ơi...
      Trường ca con đường Cái Quan  - Anh đi trên đường Cái Quan (Phạm Duy)

Cô nàng cắt cỏ ơi, cô cũng dừng chân đứng lại cho tôi đây được than-vãn đôi lời cho nguôi-ngoai nhé.
Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng Tư, khi mùa xuân đang mang lại những giọng nắng ấm cho muôn loài thì tôi lại cảm thấy nao nao, với một nỗi u-buồn tan-tác, lại càng thấm-thía tâm-sự người tha-hương.

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời  
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…

                                 Tình ca (Phạm Duy)

Than-vãn về đt nưc tôi, về dân-tộc tôi, tôi còn có thể dùng tiếng nào khác ngoài tiếng nước tôi? 
Tôi vốn yêu thích văn thơ, yêu thích ngôn-ngữ như một phương-tiện mỹ-thuật để chia-xẻ tâm-tư. Tôi biết qua một vài ngoại-ngữ nhưng tiếng "mẹ đẻ" bao giờ cũng là tiếng nói con tim, tiếng nói xuất-phát từ đáy lòng. Từ thưở còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã được "học" một cách tự-nhiên ngôn-ngữ của mẹ cha, qua những lời ru êm ái, ngọt ngào của mẹ, trong vòng tay chan-chứa tình-thương của mẹ.
Tiếng Việt tôi hình như là ngôn-ngữ duy nhất có những dấu "sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng", đem lại những nhạc-điệu trầm-bổng tuyệt-vời.
Nhưng sao buốn quá, bây giờ tôi có về lại quê nhà, có lẽ tôi sẽ không hiểu gì nữa vì tiếng nước tôi cũng theo mệnh nước nổi trôi, xa dần, xa mãi.
Ôi, tiếng nước tôi.

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam...
       

       Những nẻo đường Việt Nam (Thanh Bình)


Ải Nam Quan? Tôi nhớ lại những năm còn sinh-viên, tôi có được tham-gia vào mấy màn văn-nghệ Tết, lại nhớ lại mấy màn hoạt-cảnh "Trường ca con đường Cái Quan".
Tôi nhớ rõ lắm, vì mỗi lần, tôi lại nhớ đến trò chơi "Ô ăn quan" (cái trò chơi giản-dị, chỉ cần cục phấn để vẽ ô và vài chục viên sỏi để rải), nhưng than ôi, bây giờ (Tham) Ô Ăn (cắp mất Ải Nam) Quan rồi. 

Ải Nam Quan? Phải chăng là tên cái cửa ải trọng yếu nằm sát biên giới Trung-Quốc và Việt-Nam? Cửa ải mà cha ông tôi đã bao phen đổ máu để gìn-giữ để rồi chính-thức thuộc về Trung-Quốc năm 2000? Tủi nhục thay cho dòng dõi tiên rồng của tôi, một dân-tộc bất-khuất mà giờ đây, càng ngày càng phải chịu sự chèn-ép của người hàng-xóm “đàn anh” ?
Những nẻo đường Việt-Nam tôi sẽ đi về đâu? Hay sẽ chỉ là ngõ cụt? 

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ để lại cho con
gia tài của mẹ là nước Việt buồn...
       
Gia tài của mẹ (Trịnh Công Sơn)


Chiến-tranh là thảm-hoạ lớn nhất của nhân-loại, và gia-tài của mẹ để lại chỉ là máu đổ, thịt rơi. 
Dân-tộc tôi khổ thật ! Đời này qua đời nọ, lúc nào cũng phải cầm kiếm, cầm súng để bảo-vệ mảnh đất sống nhỏ nhoi.
Hết giặc Tầu, lại sang giặc Tây, hết giặc Tây lại đến giặc ta, sau giặc ta hay là trở lại giặc Tầu?
Nhưng chúng ta cũng đừng quên ông cha ta, để mở mang bờ cõi cho con cháu, đã phải đắc tội với những dân-tộc Chàm hay CamPuChia thuở trước.
Có lẽ đây cũng chỉ là quả-báo?


Xin cho tôi yên ngủ một ngày   Xin cho đêm không có đạn bay 
Xin cho chim góp nhạc về trời   Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời   Để bao giờ trời đất yên vui
Xin cho tôi xin lại cuộc đời...
       
Xin cho tôi (Trịnh Công Sơn)

Ngày hôm nay, bom đạn đã ngưng tiếng nhưng sao dân tôi vẫn đói, vẫn chưa vui?
Tôi không nói đến những cảnh phồn-hoa giả-tạo mà chúng ta có thể đọc hay nghe, tôi không nói đến cái giai-cấp “nouveaux riches” đột-nhiên trở thành tỷ-phú, tiêu tiền như rác như để loè thiên-hạ. Tôi chỉ muốn nói đến người công-dân “bình-thường”, đến đứa trẻ “bình-thường”, đến con người Việt-Nam “bình-thường” của tôi.
Biết bao giờ dân tôi mới được ấm no?

Tim tôi quặn đau khi đọc những "thánh-tích kinh dị" của Việt-Nam so với thế-giới: mức lãi suất cho vay cao nhất (20%, gấp 3, gấp 4 lần trong khu-vực Đông Nam Á), mức thu-nhập trung-bình đầu người chỉ bằng 1/5 mức của Mã Lai, giá sữa và giá thuốc Tây đắt nhất thế giới, phẩm-chất không khí ô nhiễm hàng đầu (hàng thứ 123 so với 132 nước trên thế-giới)... Với những kỷ-lục này, làm sao dân "bình thường" tôi sống đây?
Lịch-sử chúng tôi có được bao nhiêu năm mà một ngàn mấy trăm năm không hưởng được thanh-bình? Dân-tộc chúng tôi có tội thật, gieo gió thì phải gặp bão, ông bà làm, con cháu chịu, nhưng Ông Giời ơi, tội lỗi này bao giờ mới trả hết? Còn phải bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp nữa?
Bao giờ ước vọng “yên hà” (sơn hà yên bình) của tôi mới được thành sự thật? 
Xin cho chúng tôi hai chữ "bình an"...

Còn ai thương dân tôi đang đau khổ một trời
Đang cúi đầu im tiếng ngậm buồn mà nghe giọt nước mắt rơi xuống đời
Còn ai thương dân tôi sau cuộc chiến rã rời, sau trăm nghìn mất mát
Vết thương sao vẫn còn rỉ máu tươi chưa thôi
… … …
Đã nghe tiếng xích xiềng vang niềm đau chân chị
Ta thấy rõ cùm gông trĩu uất hận tay anh mà làm ngơ sao đành
làm ngơ sao đành, làm ngơ sao đành, làm ngơ sao đành…
       
Còn ai thương dân tôi (Phan Văn Hưng)

Làm ngơ sao đành khi tôi đọc những bài báo hay xem những bức ảnh cụ ông đi bán vé số để mưu sinh cho hai vợ chồng già, những đứa trẻ đi nhặt rác để kiếm ăn, những thương-phế-binh sống vất-vưởng với cây nạng gỗ...?
Làm ngơ sao đành khi tôi thấy những trang mạng bên Trung-Quốc quảng cáo "chợ cô dâu" để rao bán, mặc cả công khai và bình-phẩm với những từ-ngữ khiếm-nhã những phụ-nữ Việt-Nam?
L
àm ngơ sao đành khi được biết tại Hà-Nội (nơi sinh của tôi), những "phố phá thai"  hiện đang mọc lên như nấm, với những bảng quảng-cáo công-khai những phòng "khám sát thai" tư ("Hút thai, Phá thai bằng thuốc, siêu-âm 4 chiều...")?

Làm ngơ sao đành khi ngay bên cạnh những cảnh thương-tâm đó lại có những cảnh chướng tai, gai mắt của những tiệc cưới bạc triệu, của những con ông cháu cha vất tiền qua cửa sổ, ăn chơi không chừng-mực, của một thế-hệ trẻ “chơi cuồng, sống vội”?
Tại sao trong nước, dân tôi đói khổ, không ai lo mà chỉ có những hội từ-thiện ngoại-quốc và Việt-Kiều lo đến? Thật là một công, đôi việc, chả phải làm gì mà ngoại-tệ cứ tư-nhiên đổ vào. Nghĩ thì ức lắm, nhưng mình không giúp được dân mình thì ai giúp cho đây? Làm ngơ sao đành?
Tại sao dân-tộc tôi phải khổ-sở như vậy hả Giời? Tại sao vậy?
Tôi thương dân tôi quá. Làm ngơ sao đành?

Ta khuyên cháu con  ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên...
       
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Ðức Quang)

Tôi bùi-ngùi nhớ lại thuở còn trẻ, cái thời sinh-viên đầy nhiệt-huyết, nhớ lại những buổi sinh-hoạt văn-nghệ, những đêm lửa trại hào-hùng, bao nhiêu mái đầu xanh tụm lại để cùng nhớ lại quê-hương, để cùng bầy-tỏ ý-chí bất-khuất dưới một lá cờ, để cùng nhau hát đối những bài nhạc dân ca ba miền, cùng hát vang những bài hát của Nguyễn Đức Quang, Phạm Thế Mỹ, Phan Văn Hưng…, hát mãi không ngừng, hát mãi cho đến lúc mệt lả mới thôi.
Mới đây đi hát văn-nghệ Tết, tôi có xếp bài này trong chương trình, nhưng mỗi lần hát đến đoạn này, tôi lại rất phân-vân. Tôi hãnh-diện với dòng dõi tiên rồng của mình, hãnh-diện với văn-hoá, giáo-dục của mình nhưng, thử hỏi ngày hôm nay, quê-hương tôi ngạo-nghễ chỗ nào? Dân tôi huy-hoàng chỗ nào? Tôi chỉ thấy đói-khổ, tôi chỉ thấy tủi-nhục, tôi chỉ thấy đau buồn. Buồn.

Thắp tim lên, thắp tim lên
Thắp cho tình người dậy trong ta
Thắp tim lên, thắp tim lên
Thắp cho mặt trời dậy trong ta
Yêu thương người, yêu thương ta
Yêu luôn những thú hoang rừng già
Yêu bạn bè như yêu ta
Ôi thương quá trái tim Việt Nam...
       
Thương quá Việt-Nam (Phạm Thế Mỹ)

Một đức-tính người Việt tôi là nhân-đạo, yêu cuộc sống giản-dị, yêu con sông dài, yêu mảnh đất nhỏ, yêu mẹ, yêu cha, yêu bạn bè thân-thuộc, yêu đời và yêu người.
Người Việt tôi hiền-hòa, chân-thật, tự-nhiên, nhất là người miền Nam (người Bắc tôi rắc rối hơn chút
) nhưng sao cứ phải đối-phó với dối-trá? 
Người Việt tôi không biết hận-thù nhưng sao phải cúi đầu chịu nhục?
Người Việt tôi chỉ muốn sống yên nhưng sao vẫn phải lầm than?
Ôi, thương quá đất nước tôi, xót quá dân-tộc tôi. Ôi, thương quá, 
Việt-Nam.

Tôi giờ như con thú hoang lạc-đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống, đếm thời gian
Kiếp tha-hương lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên quê-hương mãi thôi...

      Sài-Gòn vĩnh-biệt (Nam Lộc)

Phàm là người, ai cũng mong được sống nơi quê-hương mình, nhưng tại sao chúng tôi lại phải tự nhổ gốc-rễ mình đem đi trồng lại nơi đất lạ, xứ người? Kể cũng lạ, đất người có phì-nhiêu, mầu-mỡ đến đâu, cây cũng chỉ "trong héo, ngoài tươi", có lẽ tại đất lạ chỉ nuôi được thân chứ không nuôi được tim?
Bốn mươi hai năm rồi, ngày tôi bước lên phi-cơ đi du-học bên trời Âu, tôi làm sao có thể ngờ rằng tôi đã ra đi vĩnh viễn? Biến-cố xẩy ra đột-ngột quá, tôi đã không kịp nói lên câu giã-từ. Nhưng anh Nam Lộc ơi, đừng nói câu “vĩnh-biệt”, xót xa lắm, anh ơi.
Sài-Gòn ơi, xin tạm-biệt.

Rồi đây dù lạc ngàn phương 
Ta hướng về chốn sa-trường
Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình-thương
Để cùng say giấc-mơ hồi-hương...
       Giấc mơ hồi-hương (Vũ Thành)

Giấc mơ này, Nhạc-sĩ Vũ Thành đã mơ đến hai lần, một lần sau năm 1954, một lần sau năm 1975, nhưng tiếc thay, ông đã phải vĩnh-viễn ra đi, mang theo với ông hai giấc mộng đẹp này, để lại nỗi tư-hương bàng bạc trong âm-nhạc của ông.

"Hồi-hương", tại sao một từ-ngữ tầm-thường lại có thể làm tôi xao-xuyến như lần đầu biết yêu, hồi-hộp như lần đầu đi gặp người mình yêu? Nhưng than ôi, tôi chỉ có thể lặng buồn ngắm nhìn em từ nơi xa-xôi, như nhìn người yêu bị đem gả cho ai khác.
Bốn mươi hai năm rồi, tôi nhớ nhà quá, nhớ phát điên lên được. Từ ngày ra đi, tôi mới chỉ được về thăm nhà một lần, vào năm 1971, và từ đó, tôi chỉ còn được ôm-ấp kỷ-niệm, tôi chỉ còn được thấy và nghe về quê-hương mình từ xa, qua báo chí, Internet hay qua những người quen về thăm nhà kể lại.
Nhưng giấc mơ hồi-hương này, nhất định sẽ có ngày thành sự-thật.

Tôi đã đi, tôi đã đi mãi, biết bao giờ trở lại
... ...
Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại
Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi
Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui
Nụ cười về trên nét môi 
hạnh phúc tôi, một góc trời.
       Biết bao giờ trở lại (Ngô Thuỵ Miên)

Ông anh cột-chèo của tôi tin chắc như vậy. 
Tôi cũng muốn tin lắm, mấy triệu đồng-bào tôi cũng muốn tin lắm.
Nhưng tin hay không tin, cũng không thành vấn-đề vì dù sao đi nữa, vận-mệnh đất-nước đâu có tính từng năm như đời sống con người mà phải tính từng thế-hệ. Nếu tôi không được thấy giấc-mộng mình trở thành sự-thật thì con tôi sẽ thấy; nếu con tôi không thấy thì cháu tôi sẽ thấy; nếu cháu tôi không thấy thì chắt tôi sẽ thấy… Tôi tin chắc như vậy.

Mấy hôm nay, tâm-thần tôi hỗn-độn quá, bao nhiêu cảm-giác lẫn lộn, bao nhiêu ý-nghĩ, hình-ảnh ám-ảnh tôi. Tôi nhớ nhà trong niềm mất mát vô ngàn, tôi thương đau trước vận-mệnh đen tối của đất nước, tôi chua xót với niềm bất-hạnh của dân-tộc, tôi uất-hận trước những bất-công xã-hội trong cái “Trời nắng chang chang, người trói người”.
Tôi đau buồn, nhưng khổ tâm nhất là tôi cảm thấy mình bất-lực, một hạt cát trong lòng biển cả. Tâm-tư này, tôi chỉ biết trút ra, chia-xẻ với những người đồng cảnh-ngộ, da lên nhau để tiếp tục sống kiếp tha-hương, sống nốt cái kiếp “bánh mì kẹp” này.
Ngày cuối tháng này là sinh-nhật Mẹ tôi, cũng là ngày giỗ Bố vợ tôi, lại là ngày giỗ quê-hương tôi. Tôi không biết phải vui hay buồn...?

Chúng tôi sinh ra là người Việt-Nam. Cha ông chúng tôi sinh ra là người Việt-Nam. Tổ-tiên chúng tôi là người Việt-Nam.
Chúng tôi đã mất nước, nhưng chúng tôi không mất gốc.
Chúng tôi may mắn được sống dưới những bầu trời Tự-Do, nhưng chúng tôi không quên được đồng-bào ruột thịt mình đang đau khổ.
Dân-tộc chúng tôi bất-hạnh quá. Tôi xót-xa cho dân-tộc tôi, xót-xa cho quê-hương tôi, xót-xa lắm 
lắm.
Còn ai thương dân tôi nếu không phải là người Việt chúng tôi?
Làm ngơ sao đành?


Yên Hà, tháng tư, 2012

9 comments:

  1. Cám ơn Yên Hà chia sẻ tâm tư cũa một người Việt Nam sáu bó, tuy ra đi lúc mười tám, nhưng chưa bao giờ quên quê hương...
    Hbb

    ReplyDelete
  2. " nhạc yêu cầu " :
    xin anh có thể cho nghe bài này ?

    Những nẻo đường Việt Nam

    ReplyDelete
  3. Những câu hỏi của anh là những câu hỏi mà nhiều người VN đang hỏi. Những khắc khoải của anh là những khắc khoải chung của dân tộc Việt. Cám ơn anh đã nói dùm tâm tư của nhiều người.

    Một người VN thầm lặng

    ReplyDelete
  4. Anh Phú ơi,
    Trong lịch sử nhân loại thì có lẽ chỉ có người Do Thái, tuy rời xa Palestine hơn 1000 năm mà họ vẫn chào nhau bằng câu "Hẹn nhau ở Jerusalem năm sau" như vậy thi 37 năm qua có là bao ! Một cái chớp mắt trong lịch sử Việt Nam !

    Anh nói đúng lắm "...Tôi xót-xa cho dân-tộc tôi, xót-xa cho quê-hương tôi, xót-xa lắm lắm.
    Còn ai thương dân tôi nếu không phải là người Việt chúng tôi?
    Làm ngơ sao đành?"

    Khoanh tay đứng nhìn sao đành !
    Bỏ thì thương mà vương thì tội !
    Mà có bỏ được đâu ... thôi thì đành vương, đành thương vậy chứ biết làm sao !

    Hung/

    ReplyDelete
  5. Tous les ans durant la fête de Pessa'h (Pâque juive), les mots « L’an prochain à Jérusalem » viennent clôturer les cérémonies. La prière quotidienne traditionnelle (toujours adressée en se tournant vers la ville) bénit la construction de Jérusalem et appelle au retour des exilés.
    Depuis 2500 ans !

    ReplyDelete
  6. Retour des exilés...
    Tôi chợt tự hỏi, ngày nào đất nước được tự-do, ấm no, tỷ-lệ người Việt tha-hương trở về sẽ là bao nhiêu?
    Just wondering.

    ReplyDelete
  7. Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:
    "Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát
    Thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh"
    Tôi đã về. Có tiếng hát ca. Bàn tay trên liếp cửa
    Hỏi rằng: "Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?"

    Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng

    Nhất Hạnh

    ReplyDelete
  8. Anh Phú,

    Nhân đọc lại bài này của Ông Tiểu Tử viết, câu kết thúc của bài đọc thấy cũng hợp với bài Anh viết lắm, mời các bạn đọc thử coi có đúng không ?

    ....Ông bác sĩ Lê ngồi uống cà phê với tôi ở khu
    Phước Lộc Thọ ( Orange County – Nam Cali ).
    .....
    Ông Lê vui vẻ cầm tách cà phê vừa nhâm nhi
    vừa nhìn quanh. Người Việt Nam đi đầy trong
    thương xá. Cung cách có hơi khác nhưng nói
    năng thì y hệt như ở bên nhà. Một vài tiếng chửi
    thề rớt rơi đây đó, nghe rất tự nhiên. Bỗng ông
    quay sang hỏi tôi mà nghe như ổng tự hỏi ổng:
    - Không biết ở xứ Mỹ này, đồng hương lưu
    vong, có ai lâu lâu nhớ lại rằng mình "Made In
    VietNam", không?
    - Có chớ anh! Nhưng cũng có người chẳng
    những không nhớ mà còn tự đóng cho mình con
    dấu "Made In USA" nữa, anh à. Thứ đó bây giờ
    thấy cũng nhiều!
    Tôi đưa tách lên môi uống ngụm cà phê cuối
    cùng, bỗng nghe cà phê sao mà thật đắng…

    Tiểu Tử.

    Không phải chỉ thấy nhiều con dấu "Made In USA" mà còn
    Made In France, Made In Belgium, Made in England...
    tỷ-lệ người Việt tha-hương còn nhớ mình là "Made In
    VietNam" càng hao mòn dần, "Còn ai thương dân tôi ?" cũng hao mòn đi.

    Hưng/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nói thêm một chút : Ông Tiểu Tử.....này trước đây là kỷ-sư làm giám-đốc hãng Shell ở VN.
      Ông viết hai bà bài như : Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn hay như bài trich ở trên : Made in Việt Nam

      Hưng/

      Delete

Note: Only a member of this blog may post a comment.