UA-83376712-1

Labels

Apr 12, 2018

VN-VN : Tín-ngưỡng người Việt


1. Đại-cương
Để sống yên vui trên đời và trong xã-hội, người Việt-Nam chúng ta đặt niềm tin vào những gì ? Quan-niệm cuộc sống của loài người mình (nhân-sinh quan) là gì? Hệ-thống giá-trị và luân-lý trong cuộc sống là gì? Sống với mình và sống với mọi người như thế nào cho “đúng”? Đó là đề-tài của bài viết này.
Hệ-thống tín-ngưỡng thường gồm một phần thuộc lịch-sử, văn-hoá dân-tộc (tín-ngưỡng truyền-thống / tín-ngưỡng dân-gian) và một phần đến từ bên ngoài là tôn-giáo (Phật-giáo từ Ấn Độ, Thiên Chúa giáo từ Âu-Châu, Hồi-giáo từ các nước Ả-Rập, …).

2. Tín-ngưỡng dân-gian
Trong những bài trước, chúng ta đã bàn qua về địa-lý đất nước, về lịch-sử dân-tộc.
Như đã nói, Việt-Nam nằm ở trung tâm khu vực nhiệt-đới ẩm gió mùa, thiên-nhiên tương đối phong phú, đa dạng. Thời xa xưa, nhười Việt sống về nghề nông, chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên đã sớm gần gũi với họ.

Từ thuở xa xưa, người Việt đã thờ vật tổ (totem) là chim lạc (dân tộc Lạc Việt) mà chúng ta có thể thấy trên trống đồng Đồng Sơn.
Gần thiên-nhiên, chúng ta đã sớm tin và thờ
- Mây, Mưa, Sấm, Chớp (Tứ Pháp); thờ cây cối, lúa gạo, loài cây như cây đa, cây cau, …;
- Động-vật (hổ, cá voi, voi, …);
- Thần (Thổ Địa cai quản đất đai, Hà Bá cai quản sông ngòi, Ông Táo cai quản việc bếp núc, Thần Tài, Tam Đa là Phúc-Lộc-Thọ,…); 

- Thánh (Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh tượng trưng cho ước vọng chiến thắng thiên tai, Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm, Chử Đồng Tử tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, và sự sung túc giàu có, Liễu Hạnh công chúa tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, …), những vị anh-hùng được thần thánh hoá (Đức Thánh Trần là Trần Hưng Đạo, …). 

Miếu hay Đền thờ là những công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố.

Người Việt luôn “uống nước nhớ nguồn” nên thờ ông tổ của dân-tộc là vua Hùng (ngày giỗ tổ là ngày 10 tháng 3 âm lịch) và thờ ông bà, cha mẹ đã ra đi. Trong văn-hoá Việt, ngày chết quan trọng hơn ngày sinh nên chú trọng vào ngày giỗ để tưởng-niệm người quá cố hơn là sinh-nhật người còn sống. 

Bàn thờ tổ tiên là một đặc-trưng của người Á-Đông.

   Thà đui mà giữ đạo nhà
   Còn hơn sáng mắt cha ông không thờ
.
   (Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên)
Đây là “Đạo ông bà” của người Việt-Nam.

Ngoài ra, người Việt cũng có những niềm tin trong một mối quan hệ nhân quả siêu-nhiên. Mê tín dị đoan bao gồm những hành vi như :

- Lên đồng (còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng) là một nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ  Shaman (ông đồng, bà đồng), ...  
- xin xăm bói quẻ, coi tay xem tướng,
- tin ngày lành tháng dữ, tin thầy bùa thầy chú,
- tin cầu cúng cho tai qua nạn khỏi…


3. Tôn giáo
Văn-hoá Việt-Nam chịu ảnh-hưởng sâu đậm của Nho giáo và Đạo giáo (đến từ Trung Hoa) và Phật giáo (đến từ Ấn-Độ).
Ba hệ-thống đạo lý này kết-hợp và trợ-giúp lẫn nhau thành "Tam giáo" : Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người.

Nơi đây, chữ “đạo” có hai nghĩa:
- nghĩa hẹp là tôn-giáo (đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Phật,…)
- nghĩa rộng là “con đường”, ở đây hiểu là “cách sống ở đời” và những từ liên-quan là đạo-đức, đạo-lý, …
Nho giáo và Đạo giáo không thể xem như tôn-giáo vì tuy rằng có giáo lý, kinh điển nhưng không có hệ-thống thần điện, tổ-chức giáo-hội, nơi thờ cúng hay nghi lễ thờ cúng chặt chẽ.
Phật giáo có những yếu-tố của một tôn-giáo nhưng Phật tực xem mình như một người trần đã đắc đạo chứ không phải một Đấng thiêng-liêng tối cao như Chúa Trời hay Allah.
Cho nên, Tam-giáo của người Á-Đông gần những triết-lý sống, những “Đạo làm Người” hơn là những tôn-giáo khác.

3.1 Ảnh hưởng Nho giáo
Nho giáo (còn gọi là đạo Nho hay đạo Khổng) là một hệ thống đạo đức, triết-học xã-hội, triết-lý giáo-dục và triết-học chính-trị do Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) đề-xướng và được các môn đồ của ông phát-triển với mục đích xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất có ảnh hưởng tại ở các nước Á Đông là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam.

Gia nhập vào Việt Nam song song với chữ Hán, Nho giáo đã cung cấp các giá trị làm nền tảng cho một truyền thống văn hoá về tư tưởng, đạo đức và nếp sống.

Ngược lại, Nho giáo chủ-trương một xã-hội quá trật-tự, cứng nhắc đến độ bảo-thủ, không biết thích-nghi với môi-trường đang thay đổi. Đây là một trong những lý-do Việt-Nam đã mất nước với người Pháp và Trung Hoa bị xâm lăng bởi Nhật (một nước đã sớm hiểu vấn-đề này).

3.2 Ảnh-hưởng Phật-giáo
Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam.
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên theo đường biển. Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành "Bụt" và từ đó chữ "Bụt" được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Sau này, vào thế kỷ thứ 4 - 5, do ảnh hưởng của Phật giáo nhà Hán mà từ "Bụt" bị thay thế dần bởi từ "Phật".

Giáo-lý cơ bản của đạo Phật nằm gọn trong bốn Chân-lý cao cả :
- Đời sống là đau khổ, về mặt thể xác và mặt tâm lý, …
- Đau khổ đều do ái dục và tham thủ. Ta sẽ bị phiền khổ nếu ta mong đợi người khác phải tuân theo ý muốn của mình, phải làm giống như mình, nếu ta không được những gì mình muốn, ...
- Chấm dứt đau khổ và đạt được trạng thái thỏa lòng và hạnh phúc. Khi ta dứt bỏ ái dục, vốn là vô ích, và tập sống từng ngày, chúng ta bắt đầu sống an vui và tự do.
- Giải-pháp chấm dứt đau khổ là tu tâm qua lời nói, ý nghĩ và hành động, và phát triển trí tuệ bằng sự nhận thức rõ ràng về những chân-lý đó và lòng từ bi.

Ngũ giới là năm điều giới luật đạo đức của Phật giáo : không sát hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không dùng các chất say làm lu mờ trí óc.

Nói tóm lại, đạo Phật là con đường giải-thoát ra khỏi buồn khổ cuộc đời bằng cách tu tâm, dứt bỏ những tham muốn vô ích và mở rộng lòng từ bi để sống yên vui với muôn loài.

3.3 Ảnh-hưởng Đạo giáo
Đạo giáo do Lão Tử (cùng thời với Khổng Tử) sáng-lập và đã thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ thứ 2.
Đạo giáo dựa trên nhiều tư tưởng vũ trụ luận (về thiên địa, ngũ hành), thuyết về năng lượng, chân khí, thuyết âm dương cũng như những truyền thống tu luyện thân tâm như điều hoà hơi thở, Thái cực quyền, Khí công, Thiền định, …

Thuyết của Lão Tử nằm trong quyển Đạo Đức Kinh, sau đó được bổ túc bằng quyển Nam Hoa Chân Kinh của Trang Tử.
Lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, khó hiểu. Câu đầu đã là “Đạo mà có thể nói rõ ra được Đạo là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa”, có nghĩa là Đạo không thể định nghĩa được.
Hai điểm chính của Đạo Đức Kinh là Vô vi (là hành động theo tự nhiên, là làm mà không có tâm riêng, cũng như đói thì phải ăn, khát thì phải uống) và Nhân ái (bằng cách chú trọng đến việc tự chinh phục bản thân hơn là chinh phục kẻ khác và bằng lòng với cái mình có).


3.4 Ảnh hưởng các tôn-giáo khác
- Bắt nguồn từ Tam giáo có những đạo như đạo Cao Đài dựa trên Đạo giáo, Hoà Hảo dựa trên Phật giáo, …
- Kitô giáo (đạo Cơ Đốc) đến Việt Nam từ thế kỷ 17, do các nhà truyền giáo châu Âu tới giảng đạo.
- Tín đồ đạo Hồi và Hindu giáo phần lớn là người Chăm.

4. Người Việt và “đạo làm người”
Kết-hợp của tín-ngưỡng và tôn-giáo đem lại một số đặc-trưng người Việt-Nam như sau:
- Về mặt luân-lý,
Những đức tính người đàn ông là Ngũ thường (Nhân = từ-thiện; Nghĩa = bổn-phận báo ân; Lễ = lễ phép, tôn-ti, trật-tự; Trí = sáng suốt; Tín = thành thật). Năm đức tính này đều được dùng để đặt tên cho con trai.
Những đức tính người đàn bà là Tứ Đức (Công = gia chánh, Dung = dáng bên ngoài, Ngôn = ăn nói dịu dàng, Hạnh = tính nết hiền thảo).
Chữ “Lễ” giữ một vai trò thật đặc-biệt. Câu châm ngôn "Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn" phổ biến ở các trường học tại Việt Nam chính là quan niệm giáo dục của Nho giáo. î

Nho giáo coi trọng gia đình, trọng tình nghĩa (vợ-chồng, bạn bè) và thờ cúng tổ-tiên, ông bà rất quan-trọng.
Chữ “Hiếu” rất nặng nên người Á-Đông luôn luôn nghe lời bố mẹ (cho dù không đồng ý), không bao giờ dám cãi hay “hỗn” với ông bà, bố mẹ, anh chị hay người trên, qua lời nói hay cử-chỉ.
(Một thí-dụ nhỏ trong kinh-nghiệm riêng: lúc khoảng 55 tuồi, tôi chợt nổi hứng thử để râu xem sao, mẹ tôi thấy và tỏ ý không tán thành nên tôi đã tự động đi cạo râu để mẹ vui lòng.)
- Ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm đạo đức của mỗi cá-nhân đối với chính mình và đối với cộng-đồng. Người Việt hay để ý và tránh làm phiền người chung quanh.
-  “Trung dung” là sự ôn hòa, cân bằng, không thái quá, không thiên lệch về bên này hoặc bên kia. Cho nên người Việt  đôi khi có chút “ba phải”.
- Sự hiếu học, coi trọng nhân tài, coi trọng người có học vấn. Cha mẹ, nhất là ở hải-ngoại, thường hy sinh cả đời để con cái được ăn học và thành tài.
- Từ Phật giáo, người Việt thường chủ-trương “Ở hiền gặp lành”, hầu để lại phúc-đức cho con cháu.
- Xứ nghèo nên người Việt thường tiết-kiệm (không phí phạm), chịu khó, và chia xẻ với người khác.
(Ở Việt-Nam, những nhà ở thành-thị thường cung cấp miếng ăn, mái nhà và ít tiền tiêu vặt cho một chị từ thôn quê để giúp việc trong nhà.)
Ngược lại, Nho-giáo thuyết một cuộc sống quá tiêu-cực, không tranh-chấp nên người Việt thường không cầu-tiến.

5. Một vài nhận-xét chung
Như đã thấy,
- Việt-Nam là một quốc-gia đa tôn-giáo và người Việt dường như khoan dung, độ lượng trong quan-hệ này.
- Người Việt không có tinh-thần tôn-giáo triệt để : tín đồ KyTô giáo vẫn lập bàn thờ tổ-tiên trong nhà; chùa Phật cũng có thờ thánh thờ thần; đạo Cao Đài pha trộn Tam giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và còn thờ Tôn Dật Tiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Victor Hugo; …
Tôn-giáo chỉ là một phương-tiện, một không-gian tâm linh, góp phần xây-dựng bầu không-khí đạo đức, không-gian xã-hội đa dạng hơn.

Tín ngưỡng Việt-Nam rất đa dạng, hoà đồng tín ngưỡng dân gian, mê tín dị-đoan và tôn-giáo một cách rất tự-nhiên. Người không tôn-giáo khi gặp nạn thì chắp tay “lạy Trời, lạy Phật”, lạy ông bà, bố mẹ đã khuất để cầu xin tai qua, nạn khỏi.
(Tính-chất đa dạng, hoà đồng dường như là đặc trưng của văn hoá người Việt như đã thấy trong ngôn-ngữ, ẩm-thực,…)

Xét cho cùng, vấn-đề đối với người Việt-Nam, là ăn ở sao cho phải “Đạo”, hợp lẽ Trời, thoả mãn nhu-cầu trần-tục và thế-giới mai sau (bằng cách tu nhân tích đức).
Đạo người Việt là Đạo Ông Bà, là “Đạo làm Người”.

6. Xưa và Nay
Những gì viết trên đây đã có từ ngàn xưa và thuộc về văn-hoá Việt-Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng:
- Tín-ngưỡng dân gian phần đông xuất-phát từ nông thôn, ảnh-hưởng trên người thị thành có lẽ ít hơn.
- Phong-tục, tập-quán ít nhiều cũng phai bớt với thời-gian và những biến-chuyển của thời-đại.
- Một chế-độ quản-thúc có ảnh-hưởng nhiều trên đời sống tâm-linh người dân. Đã lâu lắm, tôi không về thăm nhà nên thật sự không hiểu biết những thay đổi đó nếu có.
- Đối với người Việt sống ở hải-ngoại mấy mươi năm nay, điều chắc chắn là văn-hoá Âu-Mỹ cũng đã xâm-nhập vào đời sống chúng ta. Điều này càng đúng gấp bội đối với những thế-hệ sau.

Dù sao đi nữa, đã gọi là di-sản văn-hoá thì những tư-tưởng này có thể thay đổi nhưng vẫn còn nằm ẩn đâu đó trong thâm-tâm chúng ta. 
Người Việt-Nam suốt đời là người Việt-Nam.
Yên Hà, tháng 2, 2018


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.