UA-83376712-1

Labels

Apr 24, 2017

Con Rồng Cháu Tiên (15) : Thời-đại Nam-Bắc phân-tranh / Nam Triều - Bắc Triều



0- Đại-cương

1- Thượng-cổ thời-đại (2879-111 trước Tây-lịch)
2- Bắc thuộc thời đại  (111 trước Tây-lịch-931 sau Tây-lịch)


3- Thời đại tự-chủ
   3.1 Nhà Ngô (939-965)
   3.2 Nhà Đinh (968-980)
   3.3 Nhà Tiền Lê (980-1009)
   3.4 Nhà Lý (1010-1225)
   3.5 Nhà Trần (1225-1400)
   3.6 Nhà Hồ (1400-1407)
   3.7 Nhà Hậu Trần (1407-1413)
   3.8 Nhà Lê Sơ (1428-1527)
      
3.9 Thời đại Nam Bắc phân tranh.  Bối-cảnh lịch-sử
Chúng ta bước vào một thời-điểm thật loạn lạc, rối ren suốt mấy trăm năm nên, để cho dễ hiểu, chúng ta cần lược sơ qua giai-đoạn này và những giai-đoạn sau thì mới hiểu rõ được:

Nước Nam ta từ khi Ngô Vương Quyền đánh đuổi được quân Nam-Hán, vua Đinh Tiên-hoàng dẹp yên được loạn Thập-nhị Sứ-quân lập thành một nước tự-chủ, đời nọ qua đời kia kế truyền được non 600 năm.
Đến đầu thập-lục thế-kỷ, bởi vì vua nhà Lê hoang dâm vô độ, bỏ việc chính-trị đổ-nát, cho nên trong nước loạn-lạc, nhà Mạc nhân dịp mà làm sự thoán-đoạt.

Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công-đức của vua Thái-tổ và vua Thánh-tông, cho nên lại theo phò con cháu nhà Lê trung-hưng lên ở phía nam, lập ra một Triều-đình riêng ở vùng Thanh-Hóa, nghệ-An để chống nhau với nhà Mạc. Ấy là thành ra Nam-triều và Bắc-triều, hai bên đánh nhau trong năm, sáu mươi năm trời. 


Đến khi nhà Lê nhờ có họ Trịnh giúp rập, dứt được nhà Mạc, tưởng  là giang-sơn lại thống-nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh và họ Nguyễn lại sinh ra lòng ghen-ghét, gây nên mối thù-oán, rồi mỗi họ hùng-cứ một phương, chia nước ra làm hai mảnh: họ Nguyễn giữ xứ Nam (Đàng Trong), họ Trịnh giữ xứ Bắc (Đàng Ngoài), mỗi họ chiếm-giữ một xứ để làm cơ-nghiệp riêng của mình. 

Từ đó giang-sơn chia rẽ, Trịnh-Nguyễn phân tranh, ấy là một thời-đại riêng trong lịch-sử nước ta vậy. Nhà Hậu-Lê từ khi trung-hưng lên, con-cháu vẫn giữ ngôi làm vua, nhưng quyền chính-trị ở cả họ Trịnh. Tuy vậy, hai họ chỉ xưng chúa, chứ không xưng vua, và bề ngoài vẫn tôn-phù nhà Lê.

Sau này, anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) nổi lên đánh dẹp chúa Nguyễn rồi lật đổ họ Trịnh. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng-đế (niên-hiệu Quang Trung), đại thắng quân Thanh rồi qua đời vài năm sau, để Nguyễn (Phúc) Ánh, cháu nội của một trong những vị chúa Nguyễn, dành chiến-thắng sau 25 năm chinh chiến, mở đầu triều-đại nhà Nguyễn vối niên-hiệu Gia Long, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch-sử Việt-Nam..

Từ lúc Mạc Đăng Dung chuyên-quyền (1627) đến lúc Nguyễn Ánh thống nhất đất nước (1802), nước Đại-Việt đã bị loạn lạc, khốn sở suốt 275 năm (!)

Để tránh cho bạn đọc phải nhức đầu, người sưu-tầm (sau khi đã phải uống một ống Aspirine) chỉ dám thật vắn tắt để nêu lên những sư-kiện quan-trọng nhất.

3.9.1 Nam Triều - Bắc Triều
3.9.1.1 Nhà Mạc (1527-1592)
Nhà Mạc làm vua được 30 năm, với 5 đời vua:
- Thái Tổ Mạc Đăng Dung (1527-1529)
Mạc đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ-cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho nhà Minh để được phong chức, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh-giá cho trọn-vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú-quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm-sỉ (Trần Trọng Kim).

- Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1530-1540)
- Hiến Tông Mạc Phúc hải (1541-1546)
- Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)
- Mạc Mậu Hợp (1562-1592)
Nhà Mạc mất ngôi từ đấy. Nhưng con cháu được nhờ nhà Minh bênh-vực, còn được giữ đất Cao-bằng ba đời nữa đến năm 1667.

3.9.1.2 Nhà Hậu Lê trung-hưng (1533-1788)
Khi Mạc đăng Dung làm sự thoán-đoạt thì các quan cựu-thần trốn-tránh đi cũng nhiều. Thuở ấy, có ông quan tướng Nguyễn Kim (hay là Nguyễn hoằng Kim) đi tìm con cháu nhà Lê để đồ sự khôi-phục. Đến năm 1532 tìm được một người con rốt vua Chiêu-tông tên là Duy-Ninh lập lên làm vua, tức là Trang Tông.
(
Tuy nhiên các nhà sử học nghi ngờ Duy Ninh không phải là con của vua Chiêu Tông vì tuổi của Duy Ninh và Chiêu Tông chênh nhau quá ít.)

Lại có một người tướng giỏi tên là Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim thấy người có tài, gả con gái cho, để cùng ra sức giúp nhà Lê, dứt nhà Mạc.

Năm 1543, Trang-tông thu phục được đất Tây-đô.
Năm 1545, ông Nguyễn Kim chết, những binh-quyền giao cả lại cho con rể là Trịnh Kiểm.
Bấy giờ có những người danh-sĩ như là các ông Phùng khắc Khoan (tức là trạng Bùng), ông Lương hữu Khánh đều vào giúp nhà Lê.
Giang-sơn bấy giờ chia làm hai:
- từ Thanh-hóa trở vào thuộc nhà Lê, làm Nam-Triều;
- từ Sơn-nam trở ra thuộc về họ Mạc, làm Bắc-Triều.

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, trao quyền lại cho con trưởng là Trịnh Cối nhưng Trịnh Cối hay say đắm tửu sắc, tướng sĩ không phục nên Trịnh Tùng cướp quyền của anh.
Trịnh Tùng nắm đại quyền, thao túng triều đình, giết vua Lê Anh Tông, lập vua nhỏ là Thế Tông.

Trịnh Tùng đánh mãi đến năm 1592 thì dứt được nhà Mạc, tuy rằng dư đảng họ Mạc vẫn quấy nhiễu luôn.
Giai-đoạn Nam Triều - Bắc triều chấm dứt nơi đây.

Năm 1599, thu xếp mọi việc trong nước cũng như đối với nhà Minh xong, Trịnh Tùng “ban” lộc và ít binh lính cho vua Thế Tông rồi tự mình quyết-định mọi việc mà các quan lại theo về họ Trịnh cả. Từ đó về sau, cứ thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh.

(Giả-sử Trịnh Tùng có muốn dứt nhà Lê đi mà làm vua, thì cũng không khó gì. Tuy vậy Trịnh Tùng không dám làm, có lẽ vì ở phía Bắc sợ nhà Minh sinh sự lôi thôi, lại có họ Mạc còn giữ đất Cao-bằng nhỡ có làm điều gì phản-trắc, thì e quân nghịch nổi lên lấy thù Lê thảo Trịnh làm cớ. Vả chăng, mặt Nam còn có họ Nguyễn, thế-lực cũng chẳng kém-hơn gì, mà lại có ý độc-lập để tranh quyền với họ Trịnh).

Nhắc lại, ông Nguyễn Kim có 2 người con trai cũng là tướng giỏi là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng sợ bị ám hại bèn nhờ chị xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam, ở Thuận Hoá và dần dần cũng cố địa-vi miền này.
Đáp lễ với Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng cũng xưng vương, người đương thời gọi là chúa Tiên.

(Đấy là không bàn đến chúa Bầu, là dòng đời họ Vũ cát cứ ở Tuyên Quang gần 200 năm, 1527 đến 1699.)

Giai-đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh (Đàng Ngoài-Đàng Trong) bắt đầu từ đây.


Yên Hà, tháng 4, 2017
Tài-liệu nguồn:
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim
- Wikipedia
- Việt-sử toàn-thư (Phạm văn Sơn)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.